Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2021

Tiếng tâm tư

Lê Học Lãnh Vân

Nhà Việt Nam (Maison du Vietnam) là một địa chỉ tại nơi phồn hoa đô hội của Paris, nơi nhiều người Việt tại Pháp lui tới. Nửa cuối thập niên 1980 nơi đây thường tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa Việt, như hội thảo một đề tài về lịch sử, về văn học, về nghệ thuật. Lúc đó là vài năm trước khi bức tường Bá Linh sụp đổ, Việt Nam đang thực thi chính sách mở cửa, có vẻ là nước mở cửa thoáng nhất trong khối các nước xã hội chủ nghĩa thời đó.

Ngày kia, trước khi vào xem thuyết trình và triển lãm một số tranh, ảnh về Huế, bỗng nghe một tiếng hát vừa xa xôi vừa gần gũi. Cảm giác đầu tiên của Vương là phảng phất ý vị liêu trai dù đang ban ngày và không vắng người. Ngồi góc phòng, giữa vài người lắng tai nghe, cô gái đang thả hồn theo tiếng hát của chính mình…

Khuôn mặt, dáng điệu, tiếng hát… Gần hai năm rồi chưa trở lại và không biết bao giờ mới trở lại quê nhà, biết nơi đó mưa vẫn mưa rơi trên tầng tháp cổ? Giữa Paris phố phường cổ kính hoa lệ, giữa công viên liễu rủ hoa tươi, lòng luôn nhớ người xa vời vợi trên bước chân em âm thầm lá đổ…

Bài Diễm Xưa được tiếp nối bằng một bài dân ca mênh mang sông nước.

Bài ca đã dứt, nỗi ngẩn ngơ còn dài. Dưới một kỹ thuật mà Vương không đủ hiểu biết để phê bình hay phân tích, tiếng hát thực sự lay động lòng anh.

Thấy Vương chăm chú, cô gái cười tươi, gật đầu chào dịu dàng. Giọng hơi cưng cứng, và anh hết ngạc nhiên khi các bạn cùng đi giới thiệu cô tên Michiko, không phải là người có dòng máu Việt, rất yêu mến nhạc Trịnh. Michiko rời quê nhà của mình ở Nhật sang Pháp làm một luận văn mà anh được nghe kể lại là về tiếng Việt qua ngôn từ trong các ca khúc Trịnh Công Sơn.

Chiều đó tại Nhà Việt Nam có thuyết trình, hình như đề tài là mỹ thuật cung đình Huế. Sau buổi thảo luận, hai bạn thực tập sinh mới sang Pháp vài tháng hát tặng khán phòng mấy bài do chính hai bạn phổ nhạc từ thơ Lưu Trọng Lư. Bài Thơ Sầu Rụng và bài Tiếng Thu. Cả phòng im phăng phắc lắng nghe từng tiếng xe lụa, tiếng chân trên lá thu cho tới thanh âm cuối cùng. Một chị đứng lên hỏi các anh chị nghe như thế nào. Một người trả lời bài Tiếng Thu này rất đặc biệt, ông đã nghe những bài phổ nhạc Tiếng Thu khác, đều là những tiếng tình nhân say đắm. Chỉ bài này mới có tiếng khóc. Tác giả ca khúc cho biết quả thực lòng anh như đang khóc khi viết bài ca. Lúc ấy anh đang dạo một khu vườn Paris, vườn quá đẹp và anh thấy quá cô đơn, xa mẹ, xa vợ khi lá thu xào xạc theo từng cơn gió. Từng nốt nhạc thánh thót rơi, con nai vàng của Lưu Trọng Lư hiện ra trong anh, ngơ ngác đạp trên lá vàng từng bước tha hương…

Suốt hai năm tiếp theo, Vương giao thiệp gần gũi với nhóm bạn trong đó có Michelle, Carole, Jean-Pierre... Không thường lắm, Michiko cũng thỉnh thoảng lui tới nhóm này. Trừ Michiko và Vương, các bạn còn lại đều sinh ra tại Pháp với cha mẹ là di dân gốc Việt, tới Pháp trước và sau năm 1956. Mỗi người một công việc khác nhau, ở một góc xa nhau của vùng Paris, có người ở trung tâm, có người gần lâu đài Fontainebleau. Chiều thứ Bảy vài tuần một lần các bạn tụ họp lại với điểm hẹn là Nhà Việt Nam (Maison du Vietnam) tham dự triển lãm, nghe thuyết trình. Trong số những diễn giả hay người điều phối, Vương còn nhớ các ông Lê Thành Khôi, Cao Huy Thuần, Nguyễn Ngọc Giao, Trần Hải Hạc… Thỉnh thoảng một tài danh trong nước được mời sang như ông Phan Huy Lê, Trịnh Công Sơn…, cuộc gặp mặt thêm đậm đà, hấp dẫn.

Sau những buổi sinh hoạt tại Nhà Việt Nam, nhóm bạn kéo nhau tới Quán Việt Nam cách đó không xa trò chuyện, đàn hát. Cũng có khi tới một quán ăn Hy Lạp hay Thổ Nhĩ Kỳ, khi nhóm bạn muốn uống một chút rượu, dưới ánh đèn cầy buổi chiều ý vị hơn, buổi nói chuyện tự do và “bốc” hơn… Nhóm bạn nói tiếng Pháp chen tiếng Việt và sau vài lần sinh hoạt chung Vương mới biết một số bạn trong nhóm nói tiếng Việt không thạo. Họ có thể giao tiếp bằng tiếng Việt khi nói chậm và dùng từ đơn giản, nhưng hiểu ít hay thậm chí không hiểu các buổi thuyết trình. Vương thắc mắc sao các bạn ít hiểu lại có thể ngồi nghe lâu như vậy, một bạn trả lời rằng Việt Nam là quê hương của ba mẹ tụi tui, tụi tui thương Việt Nam và thích tới Nhà Việt Nam, nhìn nét mặt và cách nói chuyện bằng tiếng Việt của diễn giả cũng vui. Nhóm bạn không giàu có gì, nhưng góp phần khiêm tốn ủng hộ một quỹ học bổng trong nước. Năm 1990, một số bạn trong nhóm về Việt Nam liên lạc với một chàng trai đầy tiềm năng, học rất giỏi, là kỹ sư đại học Bách Khoa Tp HCM, nhận học bổng chuẩn bị đi Pháp. Các bạn nói với nhau không biết có giúp ích được gì cho người đó hay không, nhưng họ hy vọng các hướng dẫn đầu tiên khiến người đó tự tin hơn. Người đó sau này trở thành một nhân vật của thành phố Hồ Chí Minh, làm Tổng Giám Đốc tại Việt Nam cho một công ty xây dựng rất nổi tiếng trên thế giới của Pháp rồi nhận trách nhiệm Trưởng Ban Quản Lý một dự án rất lớn của thành phố. Đáng tiếc thay, sự cộng tác của nhân vật có tư cách và chuyên môn cao đó không đi được tới cùng với thành phố! Nhưng đó là chuyện của ba mươi năm sau…

Trở lại những ngày ấy, trong một buổi sinh hoạt chung lại được nghe tiếng hát của Michiko. Vương dốt nhạc, không có nhận xét chuyên môn về cách hát là hay hay dở, nhưng khi Michiko cất tiếng hát lòng anh rất xao động và nghe được từng nhịp rung rất khẽ. Nhịp rung của tâm hồn người hát hay của tâm hồn người đang lắng nghe?

Một hôm, cả nhóm rộn ràng nghe tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhà văn Nguyễn Quang Sáng qua Pháp.

Một buổi chiều tại Quán Việt Nam, một số anh chị trong Hội Người Việt Nam Tại Pháp và bạn bè đợi tại tầng trệt, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Quang Sáng từ trên lầu bước xuống. Nguyễn Quang Sáng thì phong thái lúc nào cũng chân chất, tóc có vẻ hơi bù, quan sát mọi người với vẻ lạ lẫm. Trịnh Công Sơn, cặp kính trên mũi, chung rượu cố hữu trên tay, nhập vào đám đông Việt kiều một cách tự nhiên, từ tốn.

Đứng kế Vương là một cô gái sang trọng, vận đầm trắng, có dáng vẻ hơi thờ ơ. Khi bắt tay Nguyễn Quang Sáng, người Vương có dịp nói chuyện từ bên Việt Nam, ông kề tai hỏi nhỏ mầy có biết con nhỏ đứng kế bên không. Trịnh Vĩnh Trinh, em thằng Sơn đó, sang, đẹp, nè mầy hình như sang, đẹp thì kiêu kỳ phải không! Dứt câu, Nguyễn Quang Sáng nheo con mắt tinh nghịch. Vương cũng nhận thấy cô rất đẹp, da mặt mịn tươi như cánh hoa hồng, còn cô có kiêu kỳ hay không thì anh không nghĩ tới! Lần đó Trịnh Vĩnh Trinh bay từ Canada sang Pháp thăm anh Sơn.

Buổi gặp Trịnh Công Sơn tại Quán Việt Nam chỉ để lại trong ký ức Vương bấy nhiêu chi tiết, nhưng buổi gặp mấy ngày sau mới thật là kỷ niệm. Vài người bạn gốc Huế sắp xếp một buổi cơm chiều gặp Trịnh Công Sơn. Gặp riêng. Chiều đó không hiểu vì sao không có mặt Michiko. Sau khi cùng anh em dạo Vườn Thực Vật, cả nhóm tới cái quán quen thuộc nơi có một bàn khuất được đặt trước. Nhạc sĩ ngồi giữa anh em, lẳng lặng nghe với ly rượu Chivas nhỏ trên tay. Khi nhạc sĩ nói, cả nhóm ngạc nhiên nghe anh diễn tả ý nghĩ của mình bằng một tiếng thứ Việt và tiếng Pháp rõ ràng, khúc chiết. Anh Sơn nói chậm rãi, dùng từ chính xác và đắc địa. Bữa đó, anh Sơn hát tặng nhóm năm bảy bài, trong đó có Ướt Mi và Diễm Xưa.

Có ai từng nghe những bài hát Việt Nam nơi thật xa xôi không? Nghe trong hoàn cảnh có thể mình không bao giờ còn dịp trở lại quê hương nơi đã in dấu từng kỷ niệm, tình cảm của mấy mươi năm cuộc sống đầu đời.

Đâu phải xa về địa lý. Đâu phải xa về thời gian.

Xa về thời đại, trước và sau năm 1975. Xa về hai kiếp sống, kiếp sau còn mang nơi đáy lòng rất nhiều kỷ niệm, tình yêu về kiếp trước…

Những bài hát Trịnh man mác ý vị nhân sinh. Giọng anh Sơn thân mật, nhẹ nhàng, hát như nói, như kể… Như tiếp nối những câu chuyện anh vừa luận bàn.

Không còn là tiếng Pháp hay tiếng Việt, không còn là câu thoại hay ca từ, chỉ còn là Những Tiếng Tâm Tư…

Nguồn: Diễn Đàn, ngày 01/04/2021, https://www.diendan.org/sang-tac/tieng-tam-tu