Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

Nhật ký phi công tiêm kích

Huy Đức

Trong cuộc chiến trước 1975, những người lính phi công tiêm kích chỉ phải đối đầu với Mỹ. Họ bay lên là để truy kích những kẻ mang bom ném xuống thường dân. Họ bay lên không chỉ đụng độ với những đối phương có phương tiện hiện đại hơn, kinh nghiệm tác chiến dày dạn hơn. Mà, có những phi công Việt Nam đã không trở về vì dính tên lửa từ mặt đất.

Chúng ta có thể đã không được đọc những dòng nhật ký này nếu như vào ngày 10-5-1972, phi công Nguyễn Đức Soát không kéo kịp cần lái, tránh “hai quả tên lửa của ta” bắn lên vì “tưởng biên đội mình là địch”. Chính ông Soát, vào ngày 19-1-1972, cũng đã hạ một… Mig 19 theo lệnh của Phó tư lệnh Trần Mạnh vì nhầm lẫn.

Khi đến thăm Không quân, Thủ tướng Phạm Văn Đồng bảo: “Mong các đồng chí bắn rơi dù chỉ một chiếc B52 cũng tốt. Hơn lúc nào hết, bây giờ, ta rất cần chiến thắng”. Trong mùa Hè 1972, từ những sân bay dã chiến ở Khu IV, nhiều phi công đã được lệnh cất cánh trong đêm để truy đuổi B52, dù, từ chỉ huy cho đến phi công đều biết họ không có cách nào hạ cánh…

Với những con “én nhỏ”, chỉ cần dám bay lên khi vừa phải đối đầu từng đàn “thần sấm, con ma”, vừa rất dễ dính lưới lửa phòng không từ dưới lên, đã là anh hùng. Nhưng họ không chỉ dám bay lên.

Những trang nhật ký của phi công Nguyễn Đức Soát cho thấy trong mọi tình huống, những phi công như ông luôn khát khao được xuất kích. Đoàn công tác của Không quân tìm thấy ở Sơn La những mảnh xác B52 bị mảnh Mig-21 găm vào, đồng đội tin rằng, vào đêm 28-12-1972, Vũ Xuân Thiều đã trở thành một “phi công cảm tử”. Không chỉ anh dũng xuất kích, những phi công như Nguyễn Đức Soát còn rất tài năng, bắn rơi 6 máy bay của đối phương, được công nhận từ phía Việt Nam và cả từ phía Mỹ (có những thành tích không được phía Mỹ công nhận).

Cuộc chiến đấu của những phi công tiêm kích không giống như những người lính khác. Họ vừa đối diện với kẻ thù, ngay sau đó lại tưởng như rất gần với người thân. Có những người vợ trẻ mấy lần đến sân bay thăm chồng để mong có đứa con nhưng thay vì gặp nhau, chị chỉ nhận được tin chồng mất. Có những gia đình vừa làm truy điệu cho người con hy sinh ở miền Nam lại phải làm truy điệu tiếp cho người con là phi công hy sinh trên bầu trời miền Bắc…

Những trang nhật ký được âm thầm viết trong những ngày chiến tranh, “trải dài 7 năm tuổi trẻ” của một chiến binh quả cảm, trung tướng, anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát. Những trang nhật ký chép lại “những suy nghĩ rất riêng tư…” của một phi công tiêm kích. Những trang nhật ký nằm trong một “cuốn sổ nhỏ, đút vào túi áo ngực trái, bên cạnh khẩu súng ngắn… để nếu không may lâm nạn, nhật ký sẽ mãi mãi theo mình”.

Những trang nhật ký không được viết với ý định in thành sách nên nó trong vắt, giúp chúng ta hiểu thêm lịch sử chiến tranh ở một góc nhìn thật nhất.

Những trang nhật ký giúp chúng ta biết lịch sử từ góc nhìn của một người lính, khi xuất bản được bổ sung thêm (những trang viết nghiêng), khiến cho cuốn sách ấn tượng hơn, toàn diện hơn chính (thức) sử.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát nằm trong số 250 thanh niên được đào tạo phi công vào năm 1965, khi Mỹ bắt đầu “cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ Nhất” (130 học viên được đưa sang Liên Xô; 80 được đưa sang Trung Quốc; 40 vào học tại trường Không quân Việt Nam; hơn 100 học viên trở thành phi công). Những ghi chép cho thấy vai trò giới hạn của các cố vấn quân sự Liên Xô ở Việt Nam (không được Việt Nam tiết lộ về chiến thuật); Cho thấy, cho tới những năm cuối cuộc chiến, một số phi đội Mig của Không quân Việt Nam vẫn được Trung Quốc cho giấu ở bên kia Biên giới.

Cuốn sách được biên tập bởi nhà thơ Trần Hữu Việt, con trai nhà văn Hữu Mai, người đã tiểu thuyết hóa nhân vật Nguyễn Đức Soát trong “Vùng Trời”. Những gì được ông Soát viết từ năm 1965-1972 đều được giữ nguyên, thật như chúng đã diễn ra. Đọc không muốn dứt. Tôi nghĩ, may mà tuyên huấn quân đội không biết khả năng viết lách của ông Soát, nếu không, Không Quân Việt Nam đã mất đi một Tư lệnh, một chiến binh thật sự.

Phi công Nguyễn Đức Soát quê ở Hà Tây, khi nào có một chiếc Mig sà xuống hay lắc cánh bay qua làng, bố anh lại bảo đó là “thằng Soát”. Năm 1973, khi được tuyên dương anh hùng, về Hà Tây nói chuyện, ông kể, “Trên cao nhìn xuống, những cánh đồng lúa xanh mướt, đẹp như những tấm lụa thanh thiên…” Nhạc sĩ Nhật Lai có mặt trong hội nghị ấy đã hỏi ông, “Có đúng là trên cao nhìn xuống thấy cả màu xanh của cánh đồng lúa thật không em?” - “Thật”. Một thời gian sau ông Soát được nghe trên đài Tiếng nói Việt Nam, giọng ca sĩ Quốc Hương, “Anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc… Hà Tây”

PS: Trên báo Xuân Tuổi Trẻ 1997 tôi có viết về phi công Vũ Xuân Thiều, “Hoa Cúc Cho Một Anh Hùng”. Nhân vật “Hoa” trong bài báo đó là người bạn đời sau chiến tranh của anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát.

Có thể là hình ảnh về 1 người và văn bản cho biết 'te お子 Trung tướng Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân NGUYỄN ĐỨC SOÁT (ảnh chụp năm 1972)'

Có thể là hình ảnh về sách và văn bản

Có thể là hình ảnh về văn bản

Nguồn: FB Huy Đức