Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2021

Nhật ký chiến tranh (kỳ 2)

Vương Trí Nhàn

THANH HÓA - HÀ TĨNH- QUẢNG BÌNH

25/5

Trên những con đường Khu 4. Đường vào Nam.

Nắng hè, đường vắng một cách ghê sợ. Những toa tàu không có người. Những khu vực bị đánh phá nháo nhào. Ninh Bình. Bỉm Sơn. Nhà cửa vặn vỏ đỗ, đổ nát. Một cái đầu máy không có đường lui, không có đường tới.
25-5

 

Sông Lèn. Cầu Đò Lèn đổ như một người ngã xoài. Một cách gọn gàng, nhưng là ngã, đổ chổng kềnh. Kẻ địch không đánh lai rai như mọi lần. Nó đánh quỵ luôn và khá chính xác.

Con đê bên sông hun hút đổ vào chân núi. Những làng xóm ven đê bé nhỏ, như những hang đá giờ chỉ còn lại những cụ già. Một cụ bảo ngày xưa, đây cũng nhiều nhà to. Đánh nhau hai lần, xé lẻ hết.

Buổi chiều, độ 5 gìờ, xe cộ chờ cầu phao đã bắt đầu xếp hàng. Tiếng hò nhau, gọi nhau của tốp TNXP vang động mặt sông. Đến gần thấy toàn những thanh niên độ 16, 17 quần đùi, ngực lép, bụng to, tóc tai mướt mát, cất lên bằng cái giọng đặc biệt của Thanh Hoá còn chưa được pha phách gì cả. Một lũ trẻ mới lớn. Chúng làm trò nghịch, động một tí thì kêu tướng lên, nhảy tùm xuống nước.

Cầu phao, những khoang giữa chưa bắc, khoang bờ đã sửa soạn lắp. Một người chỉ huy thét váng lên, tháo ra, tháo ra. Một nét mặt Thanh Hoá (cái sơ mi cài cúc cổ, mớ tóc buông dài) triết lý “đời là rứa đấy, đời là rứa đấy”.

Những gì đã thay đổi trong cách tiến hành chiến tranh của chúng ta, bốn năm sau cái lần tôi qua phà này 1968?

Cầu phao đang bắc, đã thấy một tốp người đứng đen cả bờ sông. Họ đi lấy muồng về đun. Bắc xong, là họ à xuống, kéo suốt từ bờ này qua bờ kia.

Chiến tranh vẫn như cũ, dường như tất cả vẫn như cũ.

Lại những ngày ngồi thùng xe, ngắm lại phía sau không biết chán. Lại những cơn xóc giật nẩy người, chỉ sợ đập đầu vào khung sắt nóc xe. Những câu chuyện trên xe khi rôm rả, khi tẻ nhạt, và mọi người đều cảm thấy không nói thì chẳng biết làm gì, nên thỉnh thoảng nói lảm nhảm. Rồi nằm nhoài ra trên xe, cho đến khi mưa gió thì dậy che bạt, qua phà thì khép nép xuống, châm vội điếu thuốc, và lại lên xe.

Nhịp điệu một bài hát nào đó vẳng lên trong đầu. Tôi không muốn nói chuyện văn thơ, mà chỉ thích hát cho mình nghe. Giai điệu nọ gọi giai điệu kia. Ngồi bó gối sau xe, nghe đủ các câu chửi của các ông lái, ngắm trăng, chịu mưa và lại hát, lại nhớ về bè bạn Hà Nội. Một đôi lúc, đường tắc, xe không đi được, chờ phà, mệt mỏi, lởn vởn nghĩ hôm nay sẽ ngủ đâu, sẽ làm gì. Nhưng rồi lại nhanh chóng mặc kệ nó, kệ các ông chỉ huy, việc của mình mình làm – lại ngồi với miên man những điều vô định. Cái đó, kể ra, cũng là một thứ cảm xúc thơ đấy chứ! Ngày trước lòng còn tươi trẻ, đôi lúc nghĩ mình có thể làm thơ. Một thứ thơ tiêu biểu cho cái mà lâu nay mình nghĩ rằng văn học mình đang như thế: một thứ bóng mát, một thứ ngơi nghỉ.

Nhớ bài thơ Trong chiều yên của Bằng Việt:

Đất nước gian lao hơn

Những điều tôi đã nghĩ

Đất nước sâu xa hơn

Những điều tôi đã kể

Khái niệm về đất nước vừa là cụ thể, vừa là mơ hồ, vừa là lung linh, vừa là rất... công thức. Trong cuộc chiến đấu hiện nay, dĩ nhiên chúng ta vẫn luôn luôn nhớ tới những cái đó. Nhưng chúng ta cũng là luôn luôn nghĩ đến một quan niệm, một chủ nghĩa, và quỷ quái chưa, cái sau mới thật ám ảnh mới thật phức tạp.

Cát Quảng Bình. Cũng là đất thôi, nhưng cát “đất hơn cả đất”, nó vừa rời rẽ, vừa gắn bó. Đất màu mỡ, cát khô cằn, vậy mà cây cối vẫn phải bám vào thứ đất loại hai đó. Bước chân người ta trên cát như bị giữ lại, chặn đứng lại, mà vẫn phải đi. Mỗi bước đi người ta ghi rất rõ trên cát, hằn trên cát. Có thoát được cát đâu? Cát chỉ chịu chi phối của gió, của nóng, của biển. Tưởng vô tình thế, mà sao cát vẫn có dáng hình, có vóc vạc, dồn lại thành cồn. Nhà trên cát thấp bé. Nhà của những người dân chài. Đó là những con thuyền ghé lại trên cát, để mai này đi xa. Và trong cái nhà cát đó, bước chân người ta lúc nào cũng ở trên cát, không thứ giày dép nào đỡ được. Nhà cát, sân cát, có lẽ đến cái bát ăn cũng cát lạo xạo. Phải dọn dẹp đi, thì chỉ một cái chổi là xong. Rồi không ai nghĩ là phải sạch sẽ hơn nữa.

Những gia đình Quảng Bình. Người đàn bà vập vạp, người đàn ông múp míp. Vợ 42, mà 9 con. Cái dáng lừng lững, chắc còn đẻ nữa.

27/5

Bắt đầu nghe được nhiều chuyện Quảng Trị.

- Có những bà mẹ, sau những ngày năm 68 trở nên kinh hoàng. Không dám làm gì cho ta nữa. Bây giờ bộ đội vào, lúc đầu bà cũng sợ hãi.

- Một đồng chí của ta nằm hầm 4 năm, ăn không thấy cơm, uống không thấy nước; ông nằm hầm, nghe tiếng xe tăng, nhưng mãi không thấy tiếng súng chỉ nghĩ là xe tăng của ta, đội hầm lên, bị bắn chết.

- Ở vùng mới giải phóng, anh nào chào mình bằng anh, chú, tức là đã giác ngộ, anh nào gọi bằng chào bộ đội tức là hơi bàng quan. Còn người nào gọi bằng ông (y như bọn địa chủ ngày mới cải cách) tức là chưa hiểu gì cả.

- Có nhiều người ở vùng mới giải phóng, rất tinh khôn trong những chuyện lặt vặt, nhưng lại rất ít hiểu biết về chính trị, có thể bảo về chính trị họ rất dại dột.

Chuyện do Xuân Đức kể

QTrị 55 vạn dân - ra ta 2 vạn. Dân chạy ào vào trong, ngăn cản không kịp. Ta chặt cầu Mỹ Chánh, họ đổ hướng đông, rồi lại vòng đường tây.

- Nhiều gia đình 1/2 theo ta, 1/2 theo địch, để sau này có chỗ dựa.

Hoang mang sợ. Thấy cờ mặt trận đâu, chạy ra lối khác. Chạy ra đầu xóm thấy cờ mặt trận lại chạy về, sợ phi pháo.

Một bà già, có đứa cháu ngoại, con Mỹ (da đen). Bà ẵm cháu ra, một người bảo: Ra Việt cộng trả thù. Ném đứa cháu xuống hố. Sau bộ đội mình lại đón em bé.

“Gạo cụ Tôn không ngon bằng gạo cụ Thiệu”

“Chúng tôi làm gì có gạo. Gạo chúng tôi trồng, chúng tôi ăn một hạt thì bà con ăn 9 hạt, 2 đứa con tôi hy sinh trong đó. Đồng  bào cần người, chúng tôi có người, cần của, chúng tôi có của, còn nói gì.”

Con nít đã đành, cả những bà già cũng bắt bộ đội.

Đêm từ Bãi Hà qua Bến Hải. Đồi cao su trồng thể nghiệm, vệt đường gồ lên, bùn ngập đến nửa bánh xe. Những hố B52, xe nghiêng đi người ngồi bên xe chạm cằm người ngồi giữa. Xe rệ, xe lại lên.

Sông Bến Hải thượng nguồn. Rào Thanh. Xe lội qua dễ dàng. Xe ở trong ra vẫn nhiều. Chạm nhau, va nhau, chửi nhau, sau lại bật đèn lên, rồi hỏi quê hương nhau.

- Lê Lợi có biết cô Ngọt không?

- Lại không biết.

- Nó làm như bà xã của nó ấy.

- Về Lê Lợi mà ăn lạc...

Đến một quãng nữa thì đỡ dốc. Đường rộng hơn. Một đồng chí đứng trên xe, đây là vùng cũng thuộc động Cô Tiên đây – đây cũng thuộc miếu Bái Sơn đây. Qua Cam Lộ rồi. Sông cũng rất hẹp. Bên bãi sông những con bò nhà dân “chạy loạn” nằm dài, một vài con cổ còn đeo những thứ lục lạc kêu lanh canh.

Vào trong này, chỉ còn xe bộ đội. Tiếng người ra “Vào mà làm nốt cái Huế” “Bây giờ mới vào cơ à, bọn này vào hàng tháng trước mà chỉ có ông bơ thừa”.

Một đoạn đối thoại

- Giá có cầu thì đi đường một có phải thích không?

- Đến Hà Nội cũng không có cầu nữa là ở đây.

Có tiếng xe ầm ầm dội lại. Tăng ra, cả đồi cây đi lầm lầm trong đêm.

QUẢNG TRỊ

29/5

T.70,  trạm giao liên ở cửa ngõ Q.Trị, trên đất Lào.

Chỗ nào cũng gặp những con đường mới làm. Cảm giác lẫn lộn, nó vừa rộng dài, thoáng đãng mà lại cũng là chui nhủi lẩn quất. Những con đường mới, như những vị trí sơ tán, người ta buộc phải sống.

Còn trên đường, lúc nào những người trên xe cũng hỏi về đường số 1, nhớ về đường số 1. Đường số 1 là cái nhà, chỗ ở chính. Bao giờ nó cũng dẫn tới thành phố. Bao giờ về với nó, chúng ta cũng thấy yên tâm, thấy quen thuộc, thấy thuận lợi. Đường 1 là đồng bằng, đường 1 là hòa bình, là cái nhịp sống cái cuộc sống đáng lẽ là bình thường mà bị đánh mất.

Xuân Miễn kể vụ 1968 tác giả chính là Nguyễn Chí Thanh; ông này phát động giỏi, cứ làm, sau đó ra sao thì không cần biết. Năm 1972 này là năm đánh lớn, dùng quân đội chủ lực, sức mạnh của chủ lực. Tất cả lần này, chịu tác động của 1968.

31/5

Giữa rừng già, trong một lán đào sâu xuống lòng đất, ánh đèn dù dọi từ xa hắt trên mặt liếp… Chúng tôi nghe diễn văn Nixon ở Moskva. Cái gì vậy? Ông ta nói tới người Mỹ yêu hòa bình, tự trọng. Nói tới một cô Tanhia bị chết trong chiến tranh và mong rằng đừng có ai bị như thế nữa.

Nhưng mà máy bay vẫn bay suốt đêm, và gần sáng, tiếng bom bi còn nổ lụp bụp…

Như thế là như thế nào? Trong thông cáo chung Moskva- Washington, vấn đề Việt Nam chưa nhất trí. Mỗi bên còn giữ lập trường của mình. Vậy thì nước tôi là thế nào?

Văn Thảo Nguyên  + Thu Bồn: Bây giờ chỉ có mình là ôm lấy phe XHCN. Chỉ có mình. Còn thằng Nga thằng Tàu nó đều bỏ mình.

Nhớ lời ông Ng Khải –  Mình bắt đầu một cái gì, hay là sẽ kết thúc một cái gì đó.

Không hiểu sao, càng ngày tôi càng cảm thấy khó chịu khi nghe người này nói đặc điểm nước mình phải thế này, người kia lấy cớ đặc điểm nước mình nên nó ra thế kia. Và lấy cớ đó để hư hỏng.

12/6

Cam Lộ. Mai Lộc. Những quả đồi cao thấp liên tiếp, nhìn thấy nhau cả mà muốn đến nơi thì đi mỏi mắt. Đất  đỏ, không cây cối gì. Những vệt đất đỏ hằn lên.

Đêm trước, chúng tôi đi trong tiếng gió rào rào trên đường 9. Đi vào Cam Nghĩa. Xe đỗ dưới một gốc mít, chúng tôi vác ba lô vào một xóm gần đấy. Một cái nhà mà mái tường đều bị đạn, ngoài sân cây cối ngổn ngang. Theo dốc đi lên đi xuống, đến một ấp. Những mái nhà tôn kêu loảng xoảng. Nhà xếp hàng rào dây thép gai. Nhà cửa liền nhau không có cây cối, như một thứ trại lính. Vào nhà, vách gỗ đổ sập, đồ đạc tanh bành – và cũng chẳng có gì. Sau này, người ta kể: đấy là những nơi đồng bào bị nó dồn lên, ở tạm... Bấy giờ đã là 1h30, chúng tôi đi dưới ánh sao đêm, mới đầu tháng năm âm lịch, nhưng sao đủ sáng để không phải dùng đèn. Những mái nhà tôn vẫn kêu lên mệt mỏi và quả quyết. Rồi trời sáng, những đỉnh đồi xa như gần lại, một bốt gác của địch nhô lên ở một ngọn đồi xa.

Vào Cam Lộ phường. Xóm đồng bào ở cũ, nên còn nhiều nhà cửa vườn tược. Lẫn vào hàng cây làm hàng rào (cây ô rô thì phải) rất đẹp, xén phẳng, là những cuộn dây thép gai bùng nhùng.... Hầm dân công cũ ở dưới một vườn mít. Đồng bào kể mít năm ngoái mới bị hoá học.

Gần đấy: sân bay, doanh trại lữ 147, cũng gần đấy ấp thượng, đồng bào dân tộc...

Chiều hôm sau, trở lại chỗ xe đỗ, hai cái nhà hai tầng mọc trơ trọi trên hai quả đồi. Chung quanh, những cà phê mít cây còn cây đổ, cành khô lẫn với vỏ đại bác. Nhà hai tầng để ở, nhà ít người, chỉ có điều giờ bộ đội đã viết la liệt đủ các khẩu hiệu lên tường. Những người lính đánh xe ngay vào sân, hè nhau vần săng lên xe, lấy đủ các thứ thang, tre làm cầu, một cậu đùa trêu mấy cậu khác: không chịu làm, quai hàm đòi hỏi.

Những người đứng đấy nói đủ các thứ tiếng ở các vùng khác nhau. Các anh vào đây từ bao giờ, một buổi nào sau những đợt tấn công kẻ địch rút. Các anh đổ xe xuống đây và đi vào đây. Những làng xóm không quen biết. Cũng cách sống, con người không quen biết. Và họ bước xuống đó thản nhiên xa lạ. Cho đến cả khi gặp trẻ con họ cũng phải nghi ngại. Ban ngày nóng nực, họ ngồi nhìn ngóng máy bay và trông làng xóm, nghi ngại... Rồi tối đến, họ lại ra đây, vần săng đi nơi khác.

Buổi chiều còn rớt lại ít nắng, những mảnh đồi xa như mênh mông hơn. Đường rộng, đường tăng cũ của địch, những con đường vập vạp, thô. Không phẳng lì đi, nhưng rộng, tốt. Đường vắt qua đèo. Đường đổ xuống dốc – Xe cũng thích hợp với đường, toàn những xe đại xa, xe Hoàng Hà, xe Zin ba cầu. Những người lính ngồi trên xe, tức là đứng trong thùng xe, người nào người ấy nguỵ trang, nai nịt gọn gàng, mũi súng thò lên sau vai, hay súng cầm tay, nhiều người ngồi ngả ngốn sau một ngày mệt mỏi, nhưng nhiều người đứng lên, nhìn về những nơi rất xa. Họ nghĩ gì vậy? Họ thấy cái thăm thẳm của rừng núi? Quê hương ở một góc nào đó của tâm hồn. Trong họ vẫn có một mảnh đồng bằng rất nhỏ của tình cảm. Nhưng giờ đây, lòng họ hoàn toàn là rừng núi, họ chỉ nghĩ tới công việc, không điều gì có thể làm cho họ mủi lòng. Từ trên xe nhìn xuống, những mái nhà tôn trong ánh mờ tối trở nên lúp xúp hơn, những rặng chuối nhô ra, nhỉnh hơn. Tường đổ, vách xụp, mái xiêu, có nhà còn kịp đóng cửa, nhưng không đâu thấy người. Ven đường, chỉ có những nhóm người lính khác đứng rải rác, thỉnh thoảng trong các nhà tôn thấy một vài ánh sáng đèn pin, thì đó vẫn là bộ đội, và cả khu vực này, lâu nay là một thứ quân quốc, mang cái phong cách lính.