Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

Chuyện đời tôi (kỳ 1)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

Trước khi nghỉ hưu, Nguyễn Minh Nhị từng là Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Tuy là cán bộ cao cấp nhưng ông sớm nhận ra sự thiếu hụt tri thức trong phương thức quản lý nhà nước của Đảng Cộng sản, nguyên nhân chính đã dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là ở lĩnh vực nông nghiệp. Vì thế, khi ở cương vị người đứng đầu một tỉnh, ông đã tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn do hệ ý thức lạc hậu đẻ ra những chủ trương, chính sách sai lầm, duy ý chí, xa rời thực tiễn, tránh cho người dân rơi vào cảnh đói nghèo. Nguyễn Minh Nhị là người có nền học vấn và tầm văn hóa đủ để nhìn nhận sự việc trên tinh thần biện chứng, vì thế, ngay ở phần “Tâm sự mở đầu” ông đã nhận định: “Và, một điều cần nhớ rằng: Đất nước ta từ giữa Thế kỷ 20 đến nay luôn là một “phòng thí nghiệm vĩ đại” của các nhà “sáng tạo” với các “công trình thể nghiệm” đủ loại, kể cả thí nghiệm trên đầu con trẻ (giáo dục)…” và: “Lịch sử phải là sự thật. Không ai viết lịch sử, chỉ có kẻ ‘làm chánh trị’ thì hay giải thích hoặc viết lịch sử để minh họa và ru ngủ”.

Nhân dịp sắp đến ngày 30 tháng 4, Văn Việt trân trọng giới thiệu toàn văn cuốn hồi ký “Chuyện đời tôi” của ông.

Văn Việt

Tập I

NHƯ MỘT GIẤC MƠ

Nhớ lại và suy nghĩ của Nguyễn Minh Nhị

Kính dâng Ba Má và tặng những người thân yêu nhất

clip_image002

“Núi vạch Biên cương, Núi dựng Thành đồng

Cột mốc chủ quyền thiên nhiên đánh dấu

Tôi đã đi những năm dài chiến đấu

Từ núi này nên núi mãi theo tôi”

– Trích Thơ “Gió núi” của Nguyễn Minh Nhị

Tâm sự mở đầu

Khi kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và tôi cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu, Hồng Hạnh ở báo Thanh Niên cùng đi với Bích Ngân – Phó Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa - Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh đến nhà đặt vấn đề ký hợp đồng để viết và xuất bản hồi ký. Sau đó Hồng Hạnh đôi lần nhắc lại. Tôi nhẹ nhàng từ chối bởi “Viết cái gì? Để ai đọc? Đọc để làm gì?”; vả lại, cuộc đời của tôi nó cũng bình thường quá, trong khi đó có những người mà mình muốn được đọc hồi ký của họ để được hiểu thêm sự thật của một thời thì họ lại không viết. Điều đó cũng nói lên phần nào cái khó của viết hồi ký.

Ngày 1.5.2005, khi con gái tôi sinh đứa con đầu lòng – Nguyễn MinhTú Anh – tôi cảm thấy hạnh phúc và hưng phấn muốn viết, muốn làm nhiều việc hơn với tình cảm: Muốn để lại cho con, cháu cái vốn của cả cuộc đời vợ chồng tôi tạo ra, từ tư tưởng, tình cảm, tinh thần, mối quan hệ xã hội và cả của cải vật chất, tuy khiêm tốn nhưng lương thiện mà chúng tôi đã tạo dựng và phấn đấu trải qua, như người nông dân cần cù trên quê hương còn thuần nông, để làm người bình thường.

Làm người không dễ! Bởi chất di truyền, hoàn cảnh sống và nỗ lực hành động của mỗi người phải có sự cộng hưởng hoặc xung khắc nhau để đi đến kết cục thắng thua giữa lằn ranh Thiện - Ác, khôn - dại, hoặc thành công hoặc thất bại. Cái ranh giới ấy suy cho cùng là cái giá làm người, cho dù người bình thường nhất. “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”, nhưng Tạo hóa sanh ra con người không có bình đẳng về trí tuệ mà người Mỹ hay dùng chỉ số IQ để so sánh sự khác biệt. Có lẽ, Tạo hóa cũng có cái chưa hoàn thiện nên còn chừa chỗ thách thức cho mỗi con người phải biết tự phấn đấu, nhất là người có vai trò “kinh bang tế thế”, có nghĩa vụ làm cho cả cộng đồng biết tự hoàn thiện. Đó là bản lĩnh của người cầm lái. Má tôi thường hát ru: “Người ta ba thứ người ta /Người hai tiền rưỡi /Người ba mươi đồng”. Vậy là có người không có giá, mà má tôi cho đó là “phường giá áo túi cơm”. Tôi rất cám ơn đời đã cho tôi cái giá, dù không lượng định được nhưng chắc chắn không đến nỗi không có xu nào. Song cũng cần nhớ rằng giá nào cũng chỉ là thời giá, cho dù thời lượng có dài ngắn khác nhau, còn việc thẩm định cái giá cao thấp như thế nào thì là chuyện khác. Và tôi cũng tự thẩm định cho tôi, cho sự nghiệp mà tôi tận tụy để góp sức làm nên cái giá; nhưng khi ngọn cờ Giải phóng được treo lên Dinh Độc Lập trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975, thì Cách mạng đã chuyển hướng và “chuyển giá”, nói theo ngôn ngữ thế kỷ 21, mà mình không biết. Làm mãi không thấy vì “chuyển hướng” đã thành “lệch hướng” sai đường và “chuyển giá” thành “lệch giá” ra “giá ảo”. Vậy là tự làm rớt giá đang có. Rớt dần! Rớt dần so với thời đại và tụt hậu so với quá khứ của bản thân đất nước đã từng có, nhất là về văn hóa truyền thống dân tộc và nền giáo dục quốc gia. Vốn xã hội cạn dần! Tự ái vì mất giá, tôi lại muốn quên đi chuyện tôi đã qua. Kể như không có. “Không mợ thì chợ cũng đông”, nhưng như vậy cũng là trốn tránh lịch sử!

Từ hứng khởi chuyện con cháu và suy tư chuyện đời, tôi mạnh dạn viết về những gì tôi nghĩ, tôi nói, tôi làm; về những sự kiện, con người quanh tôi, trên quê hương, trên con đường mà tôi đã qua để con cháu tôi biết rằng chúng cũng có gốc, cho dù là “gốc rạ” đi chăng nữa. Từ những đoạn “Hồi ký ngắn”, đã viết lúc rảnh rỗi và lúc mới rời khỏi Ủy ban tỉnh, tôi hệ thống lại, sau hơn một năm cơ bản xong bản thảo lần thứ nhất trên 200 trang. Đọc lại thấy luộm thuộm quá, nhất là văn vẻ, câu cú, thậm chí lỗi chánh tả nữa. Cùng thời gian, nhiều người lại rộ lên viết hồi ký, có những đoạn họ viết đọc sao thấy nó buồn buồn, chán chán vì những sự thật có tính điệp khúc, được phơi bày về sự tha hóa của con người và sự thoái hóa của phong trào ở một thời đoạn lịch sử đất nước đặc biệt khó khăn đến độ phức tạp mà mình ngây thơ không nhận ra. Cái phức tạp đó chính là các mối quan hệ và quan niệm xử lý các mối quan hệ ấy đôi khi nhùng nhằng, đối lập nhau nhưng bị che giấu, biến dạng giữa sự thật và giả dối, giữa dân chủ và độc tài, giữa dân tộc và giai cấp, giữa quốc gia và quốc tế, giữa bạn và thù... trong tư tưởng và tổ chức của “Hệ thống”... không biết tên để gọi. Rồi nghe các nhà “chức năng” phê phán việc viết hồi ký và có qui chế bắt buộc cho việc xuất bản hồi ký. Thay cho niềm kiêu hãnh một thời, tôi lại thấy mình ở vào hoàn cảnh hết sức cơ cực: Nhìn “phía” nào cũng thấy hình như, có khi mình có lỗi, muốn sám hối! Nhìn mặt người biết “ai” thật giả để mà dè! Song, sám hối cũng không để làm gì và dè chừng thì tôi không còn cần nữa. Sống thật đã khó, nói thật càng khó hơn! Hèn nào người Mỹ sợ nói dối đến mức chế ra máy để “phát hiện nói dối”. Tôi đâm nản và muốn vứt bỏ bản thảo của mình. Nhưng hôm 10.10.2007, con gái tôi lại sanh đứa con gái thứ hai – Nguyễn Minh Hải Anh – thì tôi lại tái hứng khởi, xem lại bản thảo và bắt tay vào chỉnh sửa, chủ yếu là viết lại. Lần hai viết cơ bản xong nhưng thấy không vừa ý nên để đó. Cuối năm 2012, nhân có cuộc tọa đàm do báo Sài Gòn Tiếp thị tổ chức ở Vũng Tàu tìm ý tưởng cho báo Tết Quý Tỵ, gặp nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, anh khuyên tôi nên viết hoặc kể lại (ghi âm) để đó sau này có khi lại cần.

Vậy là mấy tháng nay tôi xem lại bản đã viết có hệ thống (lần thứ 2) và chuẩn hóa nó (lần thứ 3) cơ bản xong, tôi chuyển cho anh tôi góp ý. Anh chê dài, hơi lộn xộn và trật chánh tả bộn. Tôi tiếp tục hoàn chỉnh lại đến tháng 4.2015 xong. Xem như hết 10 năm nhớ lại, suy nghĩ và ghi chép. Là sự thật cuộc đời tôi đó. Sự thật mà cứ như mơ – một giấc mơ dài – nên cứ viết không cần kịch bản hay dàn ý trước, nó có hoàn cảnh lịch sử cụ thể với hình hài, dáng vóc như vậy đó. Họ Nguyễn tôi không có lập gia phả, chỉ có chú Chín Hiến - em ba tôi có ghi chép tên họ, ngày tháng mất (tính theo âm lịch mà không có năm sanh, năm tử) từ ông bà sơ đến chúng tôi là năm đời, nên tôi cũng đưa vào để con cháu biết. Những sự kiện cụ thể theo năm tháng được thể hiện là tham vọng tôi muốn con cháu tôi biết lịch sử kháng chiến và nền kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà từ sản xuất tự túc tự cấp (trong đó có 10 năm bao cấp) bằng hình thức hợp tác vần đổi công với công cụ lao động phảng, cuốc, lưỡi hái... thô sơ, đến các hình thức liên kết - hợp tác hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa... trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế... ngót 60 năm (1954-2014) mà tôi ghi nhớ, dự phần.

Nhờ thời gian có độ lùi mà tôi có những chiêm nghiệm để không bị ngộ nhận; để hiểu gần đúng sự vật và sự thật hơn; gọi gần đúng tên những gì bị “thời sự hóa”, “chánh trị hóa”, “cách mạng hóa” và “thi vị hóa” ở thời của tôi như là tất nhiên mà thậm chí vẫn còn âm hưởng cho đến bây giờ. Âm hưởng đó vẫn tồn tại ngay trên những trang chữ này là điều không tránh khỏi. Ai đọc đều cần có sự gạn lọc cần thiết. Nó như tường trình về cuộc đời tôi, không nhấn mạnh ở thời điểm nào, nhất là không lấy đoạn “cao trào” của sự nghiệp để tạo dấu ấn hay sự hấp dẫn người đọc. Tôi không muốn con cháu tôi đọc hiểu lầm quá khứ là “hào quang”, một thứ ánh sáng phía sau lưng chỉ làm chập chờn tầm mắt tài xế và người trong xe.

Với gần 70 năm lịch sử quê hương đầy biến động mà vẫn không thoát khỏi “từ trường” của nước lớn và “thân phận” nước nhỏ, trong đó có 55 năm tôi dự phần, mà đáng lý nó chỉ cần 30 năm của “Đổi mới” vừa qua, như thời gian cần có của Hàn Quốc, đủ để thoát khỏi thân phận “tiểu nông” và “tiểu quốc” mà không được. Theo dòng sự kiện, “lập trường ta - bạn - thù”, đúng sai, sai đúng... cũng có sự xáo trộn đến không ngờ. Có cái tôi đã nói, đã viết hoặc đã in, nay xem ra không đâu vào đâu mà không biết phải làm sao. Nhưng nếu có “làm sao” thì cũng là dối trá! Vấn đề có ý nghĩa đặt ra là: Tại sao lại có sự đổi thay, đúng sai một cách rất cơ bản và rất nhanh vậy? Phải chăng như người đi đường khi mất phương hướng thì rối trí, loạn bước? Bản chất cuộc sống là đổi thay, đến loài cực nhỏ như vi trùng, vi-rút mà còn liên tục biến đổi để tồn tại và gây dịch bệnh. Tại sao con người không tự biến đổi cho thích hợp với luật tiến hóa để tồn tại và phát triển hòa bình, lương thiện và hạnh phúc cho cả cộng đồng? Không có gì là bất biến muôn năm cả. Ai bất biến và không chấp nhận mâu thuẫn - khác biệt, là chống lại Mác; cũng không hiểu lẽ Vô thường của Phật!

Hồi ký là ghi lại cái mình nhớ. Ghi liền thì sự kiện, thời gian khá chính xác vì còn nhớ rõ, nhưng lại giống nhật ký. Để lâu thì quên nhớ lộn xộn, nhưng có độ lùi để chiêm nghiệm sẽ chín chắn hơn. Vậy viết thế nào? Tôi lúng túng và lưỡng lự ở chỗ này: Viết kiểu văn học sử thì tôi không có khả năng. Viết kiểu lên gân “thành tích Cách mạng” thì tôi tối kỵ. Viết kiểu thể hiện “đạo đức khiêm tốn” của bản thân thì viết để làm gì? Viết sự thật trần trụi thì nói sao với thế hệ con cháu của chúng tôi – những người cùng thời có liên quan? Đặc biệt viết để tách mình ra khỏi những sai lầm của đường lối, thể chế từ sau 1975 mà mình chịu sự chi phối, bị lãnh đạo thì tôi không có tầm. Và cũng biết đâu, khi “người người viết hồi ký”, rồi sẽ có câu chuyện ông này đá sự kiện của bà kia, vì quên nhớ lộn tùng phèo, làm cho thế hệ con cháu chúng ta đọc mà thốt lên rằng: Một thời đố kỵ chưa vừa, nay hết thời còn choảng nhau trong hồi ức như “ma đấu võ”. Trong khi đó, bản thân chúng đã và đang bước vào vai trò “hậu duệ” tiếp tục “chiến đấu”. Một chuỗi thời gian với không gian ba chiều lịch sử. Thật và ảo khó lường!

Cái rất sợ nhưng nhất định không tránh khỏi là kể lại chuyện cũ mà mình nhớ, có khi chỉ một chuyện mà kể trùng lắp thành “điệp khúc”, như anh Ba Thạo bạn tôi có khiếu kể chuyện, một chuyện mà kể nhiều lần, lần nào cũng mới! Thấy trước là ưu điểm, còn tránh được hay không lại là chuyện khác, mà chắc là khó tránh. Riêng đoạn tôi làm Giám đốc Sở Nông nghiệp đến nghỉ hưu thì còn gần và vì sự kiện nó dính với việc mình làm nên nhớ sao kể vậy, có khi vô tình nghe như kể lể “thành tích thi đua”, tự đề cao mình, nhưng viết thể hiện “khiêm tốn” thì để làm gì? Tôi tin có người biết chuyện của tôi, đọc mà không chê tôi nói vống! Mong con cháu tôi và nếu ai khác, là người đọc, chia sẻ và niệm tình. Và, một điều cần nhớ rằng: Đất nước ta từ giữa Thế kỷ 20 đến nay luôn là một “phòng thí nghiệm vĩ đại” của các nhà “sáng tạo” với các “công trình thể nghiệm” đủ loại, kể cả thí nghiệm trên đầu con trẻ (giáo dục), nên tôi không hiểu mình thuộc “đối tượng nghiên cứu” nào đó, nên cứ vô tư thể hiện mình và vô tư kể chuyện mình đã qua như nó có.

Để tiện theo dõi, sau khi viết xong tôi mới làm mục lục, phân đoạn và đặt tiêu đề từng đoạn để người đọc không rối mắt với “rừng chữ”.

Tôi còn giữ “Tập thơ” có tính “ký sự”, từ 1961, và “Sổ tay Nhật ký” từ 1964 đến 1974, nên tra cứu khá chính xác nhiều chi tiết nhỏ như thời gian, tên người, tên đất... trừ chỗ có dấu hỏi nghi ngờ (?); và có thể không cần phải nêu mà câu chuyện vẫn bảo đảm tính liên tục, nhưng tôi cố đưa vào vì tất cả đều là sự thật, sự thật về mối quan hệ huyết thống, truyền thống và quê hương; sự thật đáng trân trọng và tôi cũng rất thận trọng, cho dù có những sự thật cay đắng; với tôi là sự lắng đọng, là kỷ niệm, là bài học, là ân tình, là sự tu dưỡng bản thân mình, không phải chỉ lúc đó mà suốt trên con đường Tôi đã qua, tuy không dài xa vượt ra ngoài xứ sở. Bây giờ chồn chân dừng bước, ngoái nhìn lại phía sau, chập chờn những ký ức vui buồn, nói đúng hơn đó là sự lắng đọng của những gì bị gió cuốn bay lên qua một thời tao loạn. Trong lắng đọng ấy có những hạt phù sa ngọt ngào mật đất, những sỏi đá khô khan vô hồn và cả những rác rưởi bạc nhạt, dối trá. Song không thể có “nếu như” để tách sỏi đá và rác được, vì như thế thì lại là không thật.

Có ai hỏi: “Nếu như trở lại ban đầu với lịch sử đã trải qua như ta thấy...?” thì tôi vẫn “Một mình suy nghĩ một mình đi”, cho dù như anh nông dân chỉ đi loanh quanh trên thửa ruộng nho nhỏ truyền đời từ ông cha. Không làm ruộng thì không biết phải làm gì? Tôi yêu cái làng quê và những người bình thường như ông bà, cha mẹ, cậu dì... mà tôi cho rằng họ là những người yêu tôi nhất. Tôi đã đi là vì và từ những gì như vậy chớ không có gì cao siêu hơn!

Với tôi, ký ức thuộc phạm trù lịch sử. Lịch sử phải là sự thật. Không ai viết lịch sử, chỉ có kẻ “làm chánh trị” thì hay giải thích hoặc viết lịch sử để minh họa và ru ngủ. Tôi tự hào về tôi, về những ký ức lắng đọng, kể cả những ký ức không có tên, những ký ức bị chập chờn làm nhạt nhòa niềm kiêu hãnh sau khi đến bờ mong đợi. Tất cả, giờ chỉ còn là nỗi niềm, tri âm, tri kỷ, như một giấc mơ.

Từ núi tôi đi cuối đời về núi.

Con trốt thời gian dòng đời hạt bụi!

Xin thành kính dâng lên Tổ Tiên và Đấng Sanh Thành, qua từng trang viết này với tất cả tấm lòng báo đáp.

Trân trọng nhớ những người mà tôi không quên trong những trang viết.

Xin thọ ơn Đời, đã cho tôi được nhiều hơn mất!

Tâm sự tiếp theo

Sau khi được người trong gia đình và bạn bè góp ý, tôi tiếp tục chỉnh sửa lại mấy chỗ cho rõ nghĩa hơn và thêm một số hình ảnh, lời bình của khách để minh họa, nhằm làm sinh động hơn hoặc xác tính những câu chuyện kể. Xong, tôi cũng chỉ in mươi tập cho con cháu để lưu trữ - kỷ niệm, gởi bạn bè thân quen qua email chia sẻ. Việc có xin phép xuất bản hay không như một số bạn bè gợi ý tôi thấy chưa cần. Đối với tôi, giờ không biết làm gì thì nhớ chuyện cũ cũng là cái thú của tuổi già, như con bò nằm không nhơi cỏ đã gặm vậy thôi.

Xin cám ơn mọi người, nhất là những người góp ý cụ thể câu từ và trực tiếp sửa lỗi chánh tả, văn phạm... giúp tôi mới được thế này!

Đây được xem là lần bổ sung, chỉnh sửa để lưu trữ (hoặc cho xuất bản sau này). Những đoạn có trong các bản trước, nay không còn hoặc có bổ sung đều là sự kiện có thật, chỉ khác thời gian như sự kiện Góc-ba-chốp tuyên bố từ chức, tôi nhớ lúc đó tôi đang ở Đài Loan, nhưng sự thật là Hồng Công... chẳng hạn. Và, trong lần rà soát này, tôi thay tên gọi Hồi ký “Tôi đã qua” bằng tên mới: “CHUYỆN ĐỜI TÔI”.

Long Xuyên, tháng Giêng năm 2018.

Nguyễn Minh Nhị

PHỤ LỤC I

Thư của anh Nguyễn Ngọc Kính

clip_image004

Thư gửi Anh Nguyễn Minh Nhị.

Thưa Anh Nguyễn Minh Nhị kính mến!

Sau khi in 2 tập “Chuyện đời tôi” của Anh, tôi đã đọc một cách trân trọng với chiếc bút trong tay để dánh dấu những câu, những đoạn, những trang mà tôi tâm đắc. Những chỗ đánh dấu, tôi đọc lại lần thứ 2 và nhiều chỗ tôi đọc đến lần thứ 3.

Đọc “Chuyện đời tôi”, tôi càng mến mộ Anh, trân quý Anh bởi những gì Anh đã làm, đã cống hiến cho An Giang nói riêng và cho đất nước nói chung; đặc biệt nổi bật là lĩnh vực Tam nông ở An Giang. Có thể nói: Lớn lên trong nghèo đói đi làm cách mạng, Anh là hiện thân của một con người của công việc “vừa đi vừa nghĩ vừa làm” với một tinh thần trách nhiệm “Trách nhiệm sinh ra ý thức và ý thức là chủ đạo của hành động - thành công hay thất bại” và giàu tính sáng tạo, đi tiên phong trong mọi công việc, “Nguyễn Minh Nhị là nhà cải cách số 1 của An Giang”, “Cầm đèn chạy trước ô tô”. Một điều nữa tôi cảm nhận được ở Anh là Anh đã sống đầy nghị lực để vượt mọi khó khăn trong mọi hoàn cảnh cùng với tính Thẳng thắn, Cương trực đáng quý (đối đáp với ông Sáu Dân và Góp ý Dự thảo Luật đất đai, cuối trang 77, phần đầu trang 7, tập 2).

Tôi mến mộ và trân quý Anh ở Nhân cách sống của Anh: Là người con hiếu thảo của cha mẹ, là người chồng hết lòng yêu quý, chăm sóc vợ con, sống có tình nghĩa với anh em trong gia đình, họ tộc và những bạn bè đồng nghiệp, sống không ham danh vọng, sống gần dân với tấm lòng vị tha…

Tôi nghĩ rằng: Hồi ký “Chuyện đời tôi” đã đạt được điều mà Anh mong muốn.

“…Tôi muốn con cháu tôi hiểu sự thật về cuộc đời cha ông nó, để nó biết ơn những người đã giúp đỡ và chân thành đối với vợ chồng tôi; biết xã hội còn nhiều ngang trái để phòng thân và cũng biết lý do vì sao ta “không chịu lớn”. Người khác có thể biết một thời ở An Giang quê tôi – Thất Sơn – Bảy Núi từ sau Cách mạng tháng 8-1945 là như vậy, nhất là câu chuyện “Tam nông” mà tôi kể bằng mắt thấy, tai nghe và bằng cả việc tôi làm”…

Tôi xúc động và suy nghĩ nhiều về đoạn cuối trang 199, tập 2:

Cuộc đời tôi gắn bó với chế độ này từ trong bụng mẹ và khi chế độ này chỉ mới trong trứng nước. Vợ tôi cũng vậy. Chúng tôi chỉ mong chế độ này tiếp tục tự đổi mới, tiếp thục đồng hành cùng dân tộc, để con cháu tôi được sống làm người tự do, người lương thiện trong một xã hội vị tha, thượng tôn pháp luật, không như cha ông nó sống trong bao nhiêu ràng buộc, lo sợ, thật giả lẫn lộn, để chúng không đi trở lại con đường tôi đã đi qua mà phải đi tới! Nếu chúng tôi có được chia phần với chúng thì là cái kết có hậu, là hạnh phúc cho cả cuộc đời chúng tôi.”

Trên đây là một vài cảm nghĩ của tôi sau khi đọc “Chuyện đời tôi” xin được chia sẻ cùng Anh.

Xin cám ơn Anh đã cho tôi vinh dự đọc 2 tập hồi ký “ Chuyện đời tôi” – ở trong đó có nhiều điều rất bổ ích cho tôi học tập.

Xin chân thành chúc “Nhà nước” về hưu, “Nhà nông” tại nghiệp, “Nhà báo” nghiệp dư và “Nhà giáo” mầm non Nguyễn Minh Nhị sức khỏe dồi dào, tiếp tục làm viêc để cống hiến trí tuệ và thành quả lao động cho quê hương, cho xã hội. Xin chúc Anh Chị và gia đình vạn sự tốt lành trong cuộc sống và hạnh phúc gia đình viên mãn.

Hà Nội ngày 30-3-2018

Kính thư.

Nguyễn Ngọc Kính

0913 239 429

PHỤ LỤC II

Thư của Chú Trần Công Đức (Tòa soạn báo Giác ngộ - Sài Gòn):

NHỮNG TRANG SÁCH RUỘNG ĐỒNG

Bài viết dưới đây không phải là sự góp ý, mà là sự chia sẻ là chính, gia một người làm nghề chữ nghĩa lâu năm với một người giàu lòng nhân ái, với đầy đủ nhân cách văn hóa.

Tôi đã đọc xong Tuyển tập Nguyễn Minh Nhị và tập thơ Gió Núi, với tâm trạng chở chuyên nhiều cung bậc cảm xúc. Chuyện đời tôi – chính tựa đề đã nói lên tất cả nội dung mà người viết đã gởi gắm vào đó. Với 3 quyển Chuyện đời tôi và tổng cộng 688 trang (kể cả 4 trang bìa/cuốn), điều đọng lại trong tôi không phải với số trang nhiều hay ít, mà người thật với chuyện thật kể từ lúc lọt lòng trong chuồng bò!

Sống với cha mẹ là người con hiếu thảo, với đất nước là người kiên trung, với bạn bè là người sống ân tình và với vợ, con là người chung thủy, trọn vẹn. Những đặc tính này khi đọc hết tuyển tập Nguyễn Minh Nhị mới thấy hết và hiểu hết Bảy Nhị. Đó là sự thật.

Có những trang viết tôi thật sự kinh ngạc về trí nhớ của Bảy Nhị. Nhớ đến từng chi tiết nhỏ: Như chương 1 - Như một giấc mơ (Tập I); rồi chương 2 – Trọn lời ước hẹn; Chó Misa...(Tập II) và Những người tôi nhớ (Tập III) và những chương tiếp theo.

Nói theo cách của Phật giáo, đó là nhân sanh duyên khởi. Là người được sanh ra ở vùng Bảy Núi - Tịnh Biên và hoạt động cách mạng khu vực Tây Nam Bộ, Bảy Nhị đã trải ra một vốn sống ngồn ngộn, sự cọ xát nảy lửa và trong đó có cả sự mất mát, hy sinh. Tất cả những thành tố này đã ăn sâu vào máu thịt và bật ra trong những cảm xúc tận cùng nhất. Tôi đã đọc trong một tâm trạng giàu cảm xúc và khắc khoải. Song, như đã nói, chúng ta không bàn về chánh trị, và tôi nghĩ một cách chắc chắn rằng, Bảy Nhị về cuộc đời có những trải nghiệm sâu sắc, về chính trường thì nhiều kinh nghiệm, nên hơn hẳn tôi về chuyện này.

Có một điều lạ lùng là trong tuyển tập có đề cập một con người và một con chó. Đó là những cái gì thuộc về thương yêu của Bảy Nhị, đều phải xa rời trần thế đúng vào 10 năm. Tôi tự hỏi rằng chẳng lẽ “Ông Trời” đối xử không công bằng như thế sao?

Thực sự mà nói, thời gian Bảy Nhị làm Chủ tịch tỉnh An Giang ngắn quá. Tôi nghĩ nếu còn tuổi và được đặc cách sớm, Bảy Nhị sẽ còn nhiều cống hiến rất hiệu quả cho tỉnh nhà. Một con người nhiều tâm tư tình cảm của người nông dân, hiểu được cái ớn lạnh khi thời tiết trái mùa, ngữi được mùi đất nhiều hay ít phù sa, hiểu được cả sự sinh tồn của con cá con tôm của vùng Tứ giác Long Xuyên... thì sẽ đóng góp lớn lao vào sự phát triển không chỉ có An Giang, mà có thể nhìn ra hiệu quả của đồng bằng sông Hồng tận Bắc Bộ!

Tôi nghĩ người Ấn Độ có những triết lý sống sâu sắc. Cách đây hơn 10 năm, tôi qua Ấn Độ rồi vượt biên giới đi Népal. Đường phố Ấn Độ ở những khúc rẽ hay ngã tư, ngã năm, tôi nhìn thấy bản tiếng Anh, tiếng Ấn đại ý như một ngạn ngữ: Hãy sống chậm thôi, mọi việc sẽ đâu vào đó. Một câu vừa là lời khuyên cho cánh tài xế lái xe, nhưng mang ý nghĩa đời sống cộng đồng rất lớn. Nó cũng giống như tư tưởng của Bảy Nhị, bước chậm nhưng vững chắc về mọi phương diện.

Hôm qua đi đám giỗ Tiến, chồng của Ngoan, tôi có gặp vợ chồng Hải - Minh Tú và hai cháu nhỏ. Trong khi nói chuyện, tôi có nói với Hải rằng: Con có một ông già vợ rất đáng tự hào đó, không chỉ tự hào với cá nhân, mà là tự hào trong dòng tộc, hiểu chưa.

Tôi không phải là nhà thơ, chỉ biết đọc thơ và hiểu thơ thôi, cho nên không bình thơ được. Với tôi đọc 265 bài thơ, kể cả lời tự sự của Nhà thơ Nguyễn Minh Nhị, tôi nghĩ tại sao Bảy Nhị không đặt tập thơ là Trường ca Gió núi. Tập Trường ca này có 3 chương: Chương Quê hương và đấng sanh thành; Chương Tổ ấm; Chương Trên đường. Dưới mi chương là Tiểu đề của từng bài thơ. Và bao hàm trên hết là đại đề Gió Núi. Đây là ý nghĩ cá nhân thôi, Bảy Nhị đừng bận tâm.

Viết nhiều cũng khó mà hết ý; tôi mượn hai câu thơ của Bảy Nhị để kết thúc sự chia sẻ nhé:

... Tôi là hạt cát phù sa

Trách dòng trôi nhớ thiết tha cội nguồn...

(Hoài niệm)

Bảy Nhị gi gìn sức khỏe tốt và gia đình sống an lành nhé.

Thân quý

Trần Công Đức

254/9 – Thái Phiên – P 5 – Q8 – TP HCM

ĐT: 0908387570.

N.M.N.