Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021

Văn Hải ngoại (kỳ 305): Bể dâu – Nam Dao (24)

Giải sông Thạch Hãn uốn quanh Cổ thành lấp loáng ánh thép một lưỡi dao quắm trong chiều tàn buổi đầu thu rờn rợn gió. Hôm ấy là ngày 16 tháng 9, kỷ niệm đâu gần 20 năm sau trận đại hồng thủy mang tên mặt trận Quảng Trị với những Đại lộ Kinh Hoàng, Ngã ba Máu, Đồi Bom, Cứ điểm Gọi Hồn. Thành xưa, nay không còn gì. Người xưa, những ai mất những ai còn? Túm lại chút trí nhớ, người ta xây lại Cổng thành, kè hào, trồng dừa và kẻ bảng ghi hai chữ tưởng niệm ở góc Đông Nam, đặt trên nền đất 81 tảng đá tạc văn bia mô tả 81 ngày thịt rơi máu đổ. Góc Đông Bắc, người ta phục chế thành với một tỉ lệ nhỏ hơn, trồng một rừng mai gợi lại biểu tượng non Mai sông Hãn. Góc Tây Nam, là khu trưng bày hàng trăm hiện vật của trận đánh khốc liệt nhất trong cuộc chiến. Tham chiến, miền Bắc có sư đoàn 304, 308, 312, 320, 324, 325...Miền Nam, Lữ đoàn Dù 1 và 2, Sư đoàn Thủy quân Lục chiến, Sư đoàn 1 bộ binh, 3 liên đoàn Biệt Động quân, lữ đoàn 1 thiết giáp...Thị xã Quảng Trị diện tích tổng cộng 3.2 km vuông với Thành cổ mỗi cạnh dài 100 m đã chịu trong 81 ngày đêm 328 nghìn tấn bom, 9552 nghìn đạn pháo 105 ly, 55 nghìn đạn pháo 155 ly, 8164 đạn pháo 175 ly, 615 nghìn đạn pháo bắn từ hải hạm Mỹ, 2240 lần oanh tạc của không quân Mỹ với sức công phá tương đương 7 lần hai quả bom nguyên tử thả trên đất Nhật cuối Thế Chiến 2. Đấy là phe ‘‘địch’’. Còn ‘‘ta’’? Tổn thất vẫn là một bí mật. Nhưng chắc chắn không chỉ hò hét mà loại được 249 xe, 230 khẩu pháo, 205 máy bay các loại, 26400 quân trong đó có trên dưới 10,000 phơi xác trên chiến trường!

Họ rời cổng Thành, men về phía trái, một đi trước chống nạng khập khiễng, một theo sau, lưng thồ một thồ đầy hoa, mắt đăm đăm nhìn về phía chân trời. Thình lình, anh đi trước ngừng bước đợi kẻ đồng hành.

- Thống kê không cho biết thiệt hại về phần ta. Và nhất là số thương binh tàn phế như tôi đây. Bị B-52, nghe nói vừa chết vừa bị thương đến cả trăm nghìn. Rồi cả hai bên, bên ‘’ta’’ bên ‘’địch’’, số vợ góa con côi là bao nhiêu? Chẳng ai biết, lờ đi như nạn nhân không hề có mặt trong sự bất hạnh của cái chiến công oanh liệt thần thánh được ca ngợi trong căn nhà lưu niệm trên kia. Nói cho cùng, súng đạn ‘’ta’’ là súng đạn Liên Xô, Trung Quốc. Súng đạn ‘’địch’’ là súng đạn Mỹ. Chỉ người chết là Việt Nam!

Thở dài, người đồng hành đăm chiêu, giọng chua xót:

- ‘’Ta’’ với lại chẳng ‘’địch’’, rõ quẩn! Cái cuộc đánh nhau lấn đất cắm cờ hồi ở Quảng Trị không thay đổi gì nội dung bản dự thảo cuối cùng ký kết dưới cái tên Hiệp Định Paris tháng giêng năm 73. Thế mà sau Quảng Trị, B-52 quần thảo toàn bộ miền Bắc, kết thúc bằng trận ném bom Hà Nội vào dịp Giáng Sinh năm 72. Nhất chiến công thành vạn cốt khô. Nhưng khốn nạn thay, chiến công nào? Thay đổi được gì mà trả giá bằng ấy xương máu?

Anh thì thào như nói một mình:

- Bức tường Bá Linh giờ nay sụp rồi! Chính thế là duy vật biện chứng đấy. O ép niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và ý thức hệ Mác-Lê như một tôn giáo cuối cùng dẫn đến sự phá sản không tránh được của cả một chế độ xã hội. Bây giờ lại phải chờ một bước ngoặt mới của lịch sử. Phải đợi cho thời gian gạn sạch những vùng ô nhiễm hận thù, soi sáng trí tuệ và đánh động lương tâm!

Một lũ trẻ ở đâu xồ ra. Chúng chỉ trỏ hai người, cười rú lên rồi la inh ỏi, ‘‘ông già điên’’!. Người chống nạng đưa tay lên vuốt tóc. Đúng là mình già, tóc nay chớm bạc, lòa xoà rơi xuống ngang vai. Điên, cũng đúng, mình mới ra nhà thương. Bọn trẻ con đến gần hai người, khúc khích cười, mắt tròn lên nhìn cái hộp các tông trong tay ông ta. Một đứa bạo dạn nói, nè ông, ông đọc thơ như bữa qua giữa chợ đi ông. Người chống nạng buồn buồn bảo, quên hết rồi, không nhớ nổi. Bọn trẻ ré lên, lạ chi rứa, mới bữa qua quên sao được hè! Ông ta hứa cho qua chuyện, chút nữa, sẽ đọc. Nói xong, hai người xuống dốc, người lành dắt người què. Đám trẻ ồn ào theo sau. Tới ven sông, hai người lẳng lặng ngồi. Người lành mở thồ hoa. Hoa có đủ loại, vét mua khắp chợ thị xã. Này lan, huệ, cúc, hồng, thậm chí cả những loài hoa dại người ta kết thành bó. Người chống nạng mở một xếp báo, xé thành mảnh nhỏ rồi gấp những chiếc thuyền giấy. Bọn trẻ đòi, ông ta lẳng lặng đưa. Cả đám lụi cụi gấp, bẻ, và không hiểu sao tất cả đều im lặng. Trên cao, chỉ còn gió, gió vi vút, và ánh nắng yếu ớt đang lụi dần. Ngước nhìn lên bờ thành, người chống nạng thình lình khóc rưng rức. Bọn trẻ ngơ ngác, đứa khóc theo, đứa nắm lấy áo ông, đứa mím môi nhìn lên trời.

Đặt những bông hoa lên thuyền giấy, cả bọn đến mé nước. Mặt sông Thạch Hãn lăn tăn sóng. Bên kia là làng Nhan Biều ủ dột, khói bếp đâu đó lững lờ vươn lên trời bắt đầu im gió. Người chống nạng nghẹn ngào:

- Buồn ơi là buồn! Làm sao quên những mảnh gạch vỡ trong Cổ thành năm xưa đây. Chẳng có đến một hòn nguyên vẹn...

Người lành bảo đám trẻ:

- Ta thả thuyền đi các cháu!

Trên sông, những chiếc thuyền giấy chở hoa sang bờ. Chúng dập dềnh theo những gợn sóng, có cái chao vòng, nhưng rồi lại theo con nước ròng quay về một hướng. Người chống nạng cất tiếng, giọng tha thiết, se sẽ ngâm:

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Dâng tuổi hai mươi cho sóng nước

Vỗ yên bờ mãi mãi nghìn năm

Trên mặt ông ta, nước mắt đầm đìa. Bọn trẻ thình lình cùng nhau lập lại, như reo,

Vỗ yên bờ mãi mãi nghìn năm.

Giòng sông mang tên mồ hôi của đá bỗng chồng chềnh, nước sủi bọt, bọt vỡ, tiếng đánh động linh hồn những kẻ nằm dưới đáy sông. Một đàn chim trắng bay ngang, cánh chim bắt những ánh nắng cuối cùng trong ngày, sáng lên màu của lửa, đảo một vòng rồi tít tắp bay xa. Người lành đến cạnh ôm xiết lấy vai người chống nạng. Người chống nạng thụp xuống, tay ghì hộp các tông vào lòng. Lát sau, ông ta mở nắp. Đàn châu chấu ma lách tách nhẩy ra, con lủi vào cỏ, con đập cánh vù bay đi. Bọn trẻ con sửng sốt nhưng im lặng. Người chống nạng dịu dàng:

- Đã đến lúc phải cho tất cả giải ngũ rồi! Đời sống chỉ đáng sống trong hòa bình. Chiến tranh là chuyện ngu xuẫn nhất khiến con người còn xuống thấp hơn cả những loài thú man rợ...

Đó là câu chuyện kẻ cứu mình bằng thơ một hôm ghé bờ sông ven Cổ thành Quảng Trị. Truyền thuyết đàn châu chấu ma tìm được tự do và bốn câu thơ kia không biết thế nào được truyền tụng trong dân gian. Rồi hàng năm, cứ vào ngày tưởng niệm anh hùng liệt sĩ cả Bắc lẫn Nam trong trận đánh khốc liệt nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh, các mẹ, các chị thả hoa trên những chiếc thuyền giấy trôi qua bờ Thạch Hãn, nước sông là do đá rịn mồ hôi, nhớ những kẻ dưới đáy sông để nhắc nhở những người đang sống trên bờ đã có một thời dâu bể.

*

Phan thượng Dân ở bệnh viện Qui Nhơn với tôi tất cả đâu khoảng năm năm. Thời gian cuối, anh hí hoáy viết, tâm hồn an bình dần, mặt mũi đôi khi thoáng thấy chút niềm vui. Anh không cho xem anh viết gì, và tôi, tôi tôn trọng tư riêng, chẳng dám hỏi. Thuở ấy trời vào Xuân. Én bay về từng đàn, chao lượn, cánh như dát bạc dưới nắng vàng tươi. Anh ngày ngày ngồi ngắm, rồi một hôm thủ thỉ, cắt cánh hay bỏ lồng, chim mất chức năng bay bổng thì nó thành gì? Mấy ngày sau, anh trầm ngâm, bay là chức năng của chim, nhưng cái gì là chức năng của con người? Tôi buột miệng, ăn ở, làm việc, mưu cầu hạnh phúc. Anh lắc đầu, muốn thế thì phải tự do. Tôi ngạc nhiên, trong đầu nổi lên hai chữ tất yếu trong những bài giảng ở cấp 3 nghe tù mù khó hiểu đến nỗi hỏi là các thầy các cô thời đó hoặc lảng đi hoặc gắt lên. Lập lại một cách máy móc, tôi lên giọng như hỏi, tự do là tất yếu? Dân lại lắc đầu. Tôi hỏi, thế nó là cái gì?

Dân thủ thỉ, nếu anh chỉ một mình trên thế giới này, tự do không có nghĩa gì hết, một mình anh muốn gì cứ làm. Giả thử không chỉ một mà bây giờ có hai người. Điều anh làm không đụng chạm đến người kia, kẻ cùng chia xẻ một môi trường, anh vẫn có thể cứ làm. Nhưng nếu ngược lại, anh không thể cứ làm như anh một mình một cõi. Tự do có nội dung khi nó là phạm trù xã hội, và phải chăng nó là qui ước kết hợp những ý thức cá nhân với nhau để tạo ra một không gian xã hội đồng thuận. Nhưng cái nền cho mỗi người vẫn là ý thức cá thể, Điều này cấu thành từ tư duy, tức là suy nghĩ độc lập. Không tự mình nghĩ, những điều vừa kể vô nghĩa. Tư duy là chức năng quí báu nhất, cần phải phục hồi. Đối với con người, nó như cánh của loài chim bay. Có tư duy, mới có khả năng chính mình chọn lựa tương lai cho mình. Chọn lựa thực sự, ắt phải trong điều kiện tự do, chính như vậy tự do mới có ý nghĩa tất yếu. Và chỉ thế, chúng ta mới có thể làm người với nhau. Không làm người, không thể là người được.

Đêm hôm ấy, anh rón rén đi bẻ gẫy tất cả cửa những cái lồng chim trong sân nhà thương. Sáng tờ mờ, anh lẳng lặng ra đi, để lại cho tôi một bài trường ca mang tính sử thi anh từng đọc cho tôi nghe những đoạn rời. Bài thơ lạ. Nó không giống bất cứ gì tôi đã đọc trong quá khứ. Khác từ âm điệu, kết cấu. Nhất là những chữ rời ghép với nhau đôi khi bằng những khoảng trống. Anh có lần nói với tôi, giọng bí mật, chính những khoảng trống ấy là không gian để người đọc toàn quyền tự do cảm nhận và dự tưởng. Có vậy, mới là Thơ. Băn khoăn, thỉnh thoảng tôi lại xin anh đọc lại. Cho đến hôm tôi bảo tôi hiểu, nhưng anh khoát tay, nói chính anh, anh không hiểu hết, không biết hết. Anh chỉ tay lên trời xanh, cười:

- Trên ấy, ông Trời hiểu hết biết hết. Vì thế, ông ấy không còn sáng tạo gì được! Ông ấy chưa hề làm thơ, bác sĩ ạ!

Tôi ngửng lên. Cao vót, một cánh chim trắng liệng tròn. Cái có thể hiểu rất giới hạn. Nhưng tôi hiểu chim sinh ra để bay. Tôi hiểu, tư duy với chúng ta hệt như chim vẫy cánh. Và làm Thơ, những nhà Thơ mong phục hồi cái chức năng ấy cho chính mình và cho tất cả mọi người.

Những hôm trời nắng, tôi ra ngắm những lồng chim cửa đã mở. Cuối chân mây, những cánh chim bay, thật cao và thật xa, vào tương lai.