Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2021

Văn Hải ngoại (kỳ 299): Bể dâu – Nam Dao (18)

Chiếc xe Jeep mang phù hiệu công an xịch lại đỗ đầu ngõ. Hai người nhảy xuống, một mặc thường phục, người kia vận quân phục mũ cát-két trên đầu. Họ gõ cửa, Huyền ra mở, reo:

- Dũng hả?

Thời gian vô gia cư, Dũng thỉnh thoảng về trú ở đây, có khi ở cả tuần. Thấy người đi kèm, Huyền thót bụng, lùi một bước. Trước thái độ Huyền, Dũng trấn an:

- Thưa bác, bạn cháu xưa đã đến nhà đây tìm địa chỉ cháu, bác đừng ngại.

Lúc đó, Nhân ở dưới nhà bước lên. Nhìn Mai trong trang phục công an, Nhân ngại ngùng. Mai chào rồi ngượng nghịu:

- Em ăn mặc thế này đi với anh Dũng mới an toàn, không bị hỏi giấy!

Nhìn chiếc xe đậu đầu ngõ, Nhân đoán có lẽ Mai là con của một vị quan chức ngành công an ở Bà Rịa, nhưng không tiện hỏi. Sau khi gặp Nhân, Mai đi thẳng lên Trảng Bon gặp Dũng. Về Bà Rịa mồng hai Tết, Mai mang xe công an lên đón Dũng về, thề là không sống nếu phải xa Dũng. Là con một, cha mẹ Mai nuông chiều quen, cuối cùng không muốn cũng phải chịu. Bạn bè nàng, phần lớn cũng dân tập kết và được đào tạo trong ngành công an, đã khuyên nàng nên rời miền Bắc. Nhưng gặp được Dũng, nàng mới biết Dũng nằng nặc đòi vượt biên. Nắm chặt lấy tay Dũng, Mai quyết liệt nói, sống chết phải có nhau. Sau đó, Mai nói với cha mẹ hiện đang công tác ở Ban Thường Vụ Tỉnh. Cha Mai bảo, tao từ mày! Mẹ Mai khóc, nhưng chỉ phản đối yếu ớt. Lần này về Sài Gòn, Dũng định thăm bè bạn lần chót, nay mai sẽ lên đường ra biển.

Khi chỉ còn Nhân tiếp chuyện, Dũng hỏi ngay:

- Gia đình cậu muốn đi, Mai và tôi sẽ lo. Ði thế này, là đi ‘‘bán’’ chính thức, không sợ bị bắt, không sợ tù tội!

Mai vội đỡ lời:

- Công an Bà Rịa họ lo giùm hết phần bãi bến. Chi phí cho thuyền, xăng nhớt... là hai cây một đầu người!

Nhân nghe Dũng và Mai nói, lòng không khỏi hoang mang. Ðây không phải là lần đầu Nhân nghĩ đến chuyện vượt biên. Hồ sơ bảo lãnh của Lương chưa đâu vào đâu, nhất là vì giấy tờ của Ánh và bé Quỳnh. Dẫu không nói ra miệng, trong lòng Nhân quyết là không bao giờ để Ánh và bé Quỳnh ở lại. Mặt khác, nếu không có Nhân, chắc mẹ sẽ không chịu đi. Thương mẹ cả một đời vất vả, Nhân chỉ muốn làm sao cho mẹ được hưởng an bình trong những năm cuối đời, qua sống với Lương vừa lập gia đình tháng trước. Phần chàng, chàng không muốn nhờ vả gì em, nhất là khi nhớ lại lần Lương thăm mình ở Vĩnh Quang, lạnh lùng và nguyên tắc còn hơn cả đám quản giáo.

Ðêm hôm đó, Nhân trằn trọc đi ra đi vào. Bước lên sân thượng, Nhân nhìn trời mông lung, lòng ngổn ngang trăm mối. Ánh theo ra, dịu dàng hỏi. Nhân kể lại buổi thăm viếng của Dũng và Mai, cũng như nỗi băn khoăn đang rày vò mình. Ánh khẩn khoản:

- Vượt biên thì khi ra khơi, sóng gió thế nào không ai biết trước được. Em nghĩ mình không nên liều lĩnh. Bây chừ, mợ và anh cứ làm giấy đi diện bảo lãnh, hồ sơ có tên em và bé Quỳnh để bổ túc sau. Ði được, anh cứ đi trước. Ánh nuốt nước bọt, cố đùa - Em đã đợi anh sáu, bảy năm rồi, và còn có thể đợi thêm cả trăm năm nữa, sợ gì!

Nhân lắc đầu, chua chát kể lại lần mình gặp Lương trong trại cải tạo. Ánh thuật lại cho Huyền nghe thì Huyền chỉ bật cười. Chính là mẹ Lương, Huyền cũng từng khó chịu về cách ứng xử cứng ngắc của Lương. Lần cuối Lương về cách đây hơn một năm, Huyền cùng Lương lên viếng mộ chú Hoàng. Cố nhưng không giấu được xúc động, Lương ứa nước mắt khi nhổ cỏ. Mím môi, Lương nói nhỏ ‘‘ Con định xin cho cả gia đình đi qua Pháp đoàn tụ. Nay, con đủ sức lo cho tất cả mọi người! ’’. Huyền ngạc nhiên, hỏi ‘‘ Con xin thế, thì những người nắm quyền ở đây làm sao tin con được nữa? Những dự định góp tay xây dựng lại đất nước của con sẽ hỏng cả thôi! Con đã nghĩ kỹ chưa? ’’. Lương chỉ tay vào mộ cha, buồn rầu ‘‘ Lý lịch của con nằm dưới ba tấc đất đây, vì thế con chẳng bao giờ nghĩ là con sẽ lấy được niềm tin của họ! Vả lại, theo ‘‘họ’’ thì cho đến bây giờ, con chỉ có ‘‘tâu’’, rồi ‘‘trình’’, nhưng chưa thấy mình thực sự ích lợi thế nào...’’. Lương im lặng, lát sau nhắc ‘‘...khi anh Nhân được thả về thì chuyện đầu phải làm là giấy tờ kết hôn với chị Ánh, có thế con mới lo được ’’.

Huyền kể lại cho Nhân nghe câu chuyện với Lương, ngậm ngùi bảo ‘‘ Lương thật vẫn là em con, và chỉ thế thôi là mợ cũng đã vui lắm rồi ’’ rồi giục Nhân đi dò hỏi. Chần chừ thêm cả tuần, Nhân mới mang hồ sơ lên phòng Ngoại Vụ của thành phố nộp, lòng vẫn áy náy không yên. Huyền hiểu, gọi Nhân và Ánh đến, nói rành rẽ:

- Mợ chỉ đi Pháp khi có cả Dao Ánh và bé Quỳnh. Nộp đơn bảo lãnh cứ nộp, nhưng phải thúc đẩy giấy tờ đăng ký kết hôn cho nhanh, có mất tiền lót tay cũng cứ làm. Mợ giục Nhân từ lâu vì mợ biết Lương sẽ lo hồ sơ bảo lãnh cho tất cả mọi người.

Những tháng đầu năm 83, số người đi diện bảo lãnh vẫn khá thưa thớt. Dẫu sao, có hồ sơ là có thêm một hy vọng thoát khỏi chẳng phải chỉ nghèo khổ mà cả cái ngột ngạt của một xã hội chông chênh đáng sợ. Chìm đắm trong chiến tranh, xã hội đó đã quen được chi viện. Nhưng Trung Quốc bành trướng bây giờ là kẻ thù số một, Mỹ cấm vận và Liên Xô kiệt quệ không còn giúp đỡ được như xưa. Người dân miền Nam nay cũng quần đen áo bà ba, cũng xe đạp, chẻ củi đun bếp, nhưng chưa quên những phồn vinh giả tạo ngày nào. Mặt khác, có lẽ để tránh cái thói ‘‘nhàn cư vi bất thiện’’ với những người không công ăn việc làm, dân được gọi họp, họp và họp, nghe đi nghe lại những khẩu hiệu đến phát nhàm. Nhưng họ bắt đầu mất tin tưởng vào phép lạ của những thần thánh mới. Người có tiền chi trả để vượt biên đã đi hai ba năm qua. Những chuyến vét sau này, giá xuống nhưng bắt đầu thưa thớt. Cướp biển hãm hiếp. Rồi đến bờ nhưng lại bị xua đuổi và sợ phải tiếp tục lênh đênh tìm một nơi tị nạn, thuyền nhân đục thuyền cho đắm, có thể chết đuối ngay cả khi đã nhìn thấy đất liền. Ðó là những thông tin người còn ở trên bờ rỉ tai nhau, dần dà đẩy lùi giấc mơ đổi đời bằng cái vẩy tay huyền diệu của một bà tiên chỉ có trong cổ tích. Không, vượt biên gian nan lắm, nhất chín nhì bù, nói cách nói người miền Nam.

Trước khi lấy vợ, Lương hẹn đến Tết sẽ mang vợ về chào gia đình. Không hiểu sao, không thấy Lương về. Huyền viết thư cho con hỏi căn do. Ðợi mãi, Lương hồi âm, chỉ báo đơn xin nhập cảnh bị trục trặc. Thơ nhận được dăm ngày sau khi Nhân nộp hồ sơ xin đoàn tụ. Ðưa thơ cho Nhân đọc, Huyền buồn bã:

- Những trục trặc ở xã hội này muôn hình vạn dạng!

Nghĩ đến chuyện Lương đã từng gặp những người như ông Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Cơ Thạch... Huyền đoán chắc lại chuyện trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết. Một bên, những kẻ bảo thủ, là số đông. Bên kia, dăm người tiến bộ cởi mở. Ðại Hội V, bảo thủ thắng. Vậy thì giết ruồi là cách trâu bò cảnh báo nhau. Và Lương, có hơn gì một con ruồi trong vòng quay quyền lực. Huyền thở dài:

- Từ nay, chuyện bảo lãnh không phải là chuyện ta có thể chờ đợi gì nữa. Nhân cố xin hành nghề trở lại và phép mở phòng mạch!

Nhân gật đầu. Ánh lặng người đi, tay ôm lấy con, mắt ươn ướt chực khóc. Ngay sáng hôm sau, Ánh xách giỏ đi. Nhân hỏi, nghe Ánh đáp, giọng quyết liệt:

- Em đi Bà Rịa!

*

Ðêm đã khuya, nhưng cả ba vẫn ngồi, không ai lên tiếng. Ánh nê-ông chiếu vào bức tường vôi xanh nhạt hắt ngược lên da mặt người sắc nhợt nhạt của những kẻ dầm mình chết trôi. Bất chợt, Huyền nhìn Nhân, giọng cả quyết:

- Khi tương lai ở đằng sau, sống nay mà mai lại chỉ là quá khứ, với mợ thì còn hiểu được nhưng với hai con và bé Quỳnh thì không, vô lý lắm. Mợ cho là Ánh tính đúng, và dẫu gì, Chúa cũng an bài cho mỗi người một số phận. Chép miệng, Huyền tiếp - Mợ cũng đi với các con, sống chết có nhau. Sóng gió có dập vùi, thì đấy là ý Chúa... Các con đừng sợ!

Nhìn lên, Nhân biết một khi mẹ quyết định gì thì rất khó lay chuyển. Thương mẹ đã một đời vất vả, Nhân trầm ngâm:

- Nếu để sống ở đây với nghề nghiệp của con, con chắc sẽ sống được. Ai thế nào, mình cũng sẽ thế ấy...

Huyền ngắt:

- Tức là có cái ăn, không chết đói và chỉ có thế thôi! Còn bé Quỳnh? Và mợ cũng mong hai con cho mợ những đứa cháu khác. Chúng thì sẽ ra sao? Chẳng lẽ tất cả mơ ước cho chúng nó chỉ đơn giản là chúng nó không chết đói? Thời gian mợ ra Bắc, về quê và vào Hưng Nguyên quê cha con, mợ thấy kiểu lý lịch như nhà mình thì tương lai của các cháu mịt mùng lắm. Ðời mợ, thôi thì cứ như xong. Nhưng còn đời các con và các cháu sau này, mợ không đành lòng! Phần mợ, vượt biên mợ cũng đi!

Ánh không nói gì, nhìn Huyền với ánh mắt biết ơn. Huyền đứng dậy, dặn:

- Ánh trả lời cho họ, nhà mình đi như thế là bốn người. Nếu chỉ nội tháng này thì sửa soạn ngay, đến lúc đi được là đi liền. Và đi thì tất cả nhà lúc nào cũng phải có nhau.

Ðợi Huyền ra khỏi buồng, Ánh nắm tay Nhân, oà lên tức tưởi. Áp mặt Ánh vào ngực, Nhân vuốt tóc, nghe Ánh nghẹn ngào:

- Mợ nói thế, chắc đã nghĩ kỹ rồi. Và thế là vì con vì cháu, em không muốn phụ lòng mợ...

Xiết chặt lấy Ánh, Nhân thầm nhủ, sóng gió có đến thế nào đi chăng nữa chàng cũng không thể sống lấy một mình. Nhân lẩm nhẩm, nhắc lời mẹ, tự hỏi sống với tương lai ở đằng sau, có phải là sống không?

*

Cuối tháng tư, vượt biển vào vụ mùa. Biển ít giông gió, nước theo luồng đẩy cho những con tầu dạt xuống quần đảo Nam Dương. Nếu thuận gió thuận nước, bốn năm ngày là đến bến đến bờ. Cẩn thận, đồ ăn nước uống phải dè chừng cho mười, mười lăm ngày. Rồi xăng, nhớt. Phụ tùng máy. Chân vịt dự phòng nếu hư hại. La bàn và hải đồ. Tất cả, do chủ tầu và tài công lo. Chuyện mua bến mua bãi và đưa người từ bãi đến tầu, Nhân đích thân xuống Bà Rịa gặp Mai và Dũng để tìm hiểu. Mai khẳng định, tầu ba ‘‘lốc’’, có cả một đầu máy dự phòng và số người vượt biển chỉ có bảy mươi hai người, gia đình tài công đi kèm nên không sợ bị lừa.

- Còn bãi, mua rồi anh à! Toàn tụi bạn em nó bán, chắc ăn. Phần anh Nhân, Mai tiếp, anh chuẩn bị thuốc men nhưng gọn nhẹ thôi!

- Ðối phó với cướp biển, cũng phải tính đến. Nhân băn khoăn - vậy mình làm thế nào?

- Dì Tư em là chủ tầu đã có kế hoạch đối phó. Ba đứa con dì xưa một là du kích, một là bộ đội Giải Phóng và một đi Biệt động quân Cộng Hòa. Tụi nó lo phần bảo vệ!

Chồng tiền cho Mai, Nhân hỏi kỹ điểm hẹn và cách đi từ Sài Gòn ra Bà Rịa. Dũng bảo gia đình ông chú Dũng năm người cũng đi, hiện đứa con út đang ở Bà Rịa, khi biết ngày giờ lên đường, nó sẽ về báo. Ðể Nhân yên tâm, Mai nhắc, đến Bà Rịa là không có vấn đề gì với công an biên phòng ở đây, nhưng từ Sài Gòn ra thì phải cảnh giác.

Ánh bắt Nhân đưa lên thăm Sư huynh. Chỉ nhìn nét mặt lo âu của Ánh, Sư huynh đã đoán ra, đùa:

- Muốn bói, thì cô phải đặt quả mới linh!

Nghe Nhân kể về Sư huynh nói gì trúng nấy như ‘‘thánh cho ăn lộc’’, Ánh bám vào tử vi như bám vào một cái phao an toàn. Nàng đi xem ông Minh Lộc, một thầy bói mù nhà gần Phở 79. Rồi nàng đến bà Ðồng khu Vườn Chuối chuyên bói bài tây. Ánh bóp tay, miệng ngượng ngập, lí nhí:

- Em nhờ bác xem hộ cho, và chỉ hỏi một chuyện!

Sư huynh hỏi ngày sinh tháng đẻ của Ánh, bấm tay tính toán, rồi phán:

- Chắc giờ sai. Cứ theo giờ cô cho, mệnh là Thiên Phủ, phải béo tốt đẫy đà chứ đâu có mảnh mai thế này!

Nhân cười, miệng đùa nhưng có chút chua chát:

- Ăn độn lấy đâu ra mà béo với tốt. Cứ như bác dạy thì người Việt mình bây giờ chẳng mấy ai có sao Thiên Phủ thủ mệnh đâu.

Sư huynh rung đùi, lại lẩm nhẩm bấm tay như bắt quyết. Lát sau, Sư huynh chậm rãi:

- Lấy giờ Dậu tức là lùi lại mười phút, thì mệnh cô là Thái Âm, bộ sao chủ là Cơ Nguyệt Ðồng Lương, đúng với nhân dạng. Bây giờ tôi xem tiểu hạn của cả hai lá số, giờ Dậu và giờ Tuất nhé...

Trầm ngâm, Sư huynh nhắm mắt, tay lại bắt như bắt quyết. Lát sau, Sư huynh nghiêm trang:

- Cả hai lá số, đều đi bình yên, nhưng phải trước tháng sáu. Nếu chậm, thì không nên đi!

Dao Ánh reo:

- Ông Minh Lộc cũng nói thế bác ạ!

Sư huynh cười tủm:

- Không thấy nhân dạng cô, ông ấy xem số lấy giờ Tuất. Nhưng sai lệch năm, mười phút khi ghi giờ sinh là thường. Còn lá số của Nhân, tôi vẫn nhớ, cung Phúc Ðức tốt, mệnh lại Tử Phủ Vũ Tướng, chính phụ có đủ tứ Đức. Thế thì đi đâu cũng lọt.

Nhân lại cười:

- Kể cả đi vào tù với bác!

Sư huynh im lặng. Bất chợt Sư huynh thốt lên, giọng than vãn:

- Cải tạo công thương nghiệp thì hôi của, đổi tiền hai bận là ăn cướp, rồi vượt biên ‘‘bán chính thức’’ thì lột vàng. Họp hành công việc, lúc nào cũng hỏi lý lịch. Thôi, ai đi cứ đi. Ở lại, vô vọng và vô ích. Mươi mười lăm năm nữa, nếu cái đất nước này biết làm sao để ‘‘châu về hợp phố’’ thì hãy về! Với lại, chuyện cậu Lương không được nhập cảnh thì là phức tạp đấy! Ði diện bảo lãnh như vậy đi được lúc nào, chỉ có Trời biết!

Nhân và Ánh về đến nhà khi bé Quỳnh tan học. Cơm chiều dọn lên, nhưng Huyền chỉ chấm đũa, không ăn uống gì. Ðợi bé Quỳnh lên buồng, Huyền mới chậm rãi:

- Mợ đã thay các con lên nghĩa trang thắp hương cho U già và chú Hoàng. Còn chút tiền và vàng, mợ sẽ đổi ra tiền ‘‘đô’’, bỏ bao plát-tích rồi may liền vào giải áo, giải quần cho cả nhà. Năm nay, bé Quỳnh đã lớn. Mợ muốn Nhân mua thuốc ngừa thai, để Ánh và Quỳnh uống ngay. Phải ngừa những chuyện xấu nhất với bọn cướp biển và sửa soạn tinh thần đối phó với mọi tình huống!

Nghe mẹ nói, Nhân nổi gai ốc và cảm thấy tủi nhục vô cùng. Không dám nhìn Ánh, Nhân khẽ gật đầu. Huyền tiếp:

- Mình đi tìm sự sống trong cái chết. Vì vậy, sống... phải sống với bất cứ giá nào! Các con có hiểu mợ không?