Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2021

Trăng không in bóng (kỳ 3)

Tiểu thuyết của Bùi Việt Sỹ

3

Ba ngày sau, vào khoảng 8 giờ tối thứ tư, cô Anna lại đưa thầy Ivan Ivanovitch đến phòng Lài. Thầy có đem theo ba đóa hồng nhung cùng một chai Champagne Nga. Vừa nói lời cảm ơn, theo phong tục Nga Lài đưa đôi tay dài và cứng cáp ôm choàng qua vai thầy. Thầy đặt nhẹ đôi môi lên hai má Lài, chỗ có lúm đồng tiền, mỗi khi cười nó lún xuống, trông vừa duyên dáng vừa rất đáng yêu.

- Thầy Ivan Ivanovitch thích Lài nghe kể tiếp về con chó, mà Lài còn kể dở chừng hôm trước. Cô Anna mở đầu câu chuyện.

- Nó chết rồi! Nó chết để cứu chúng tôi! Giọng Lài đầy xúc động, đôi mắt đen đã ngấn nước mắt.

- Nó chết thế nào? Lài từ từ bình tĩnh kể cho chúng tôi nghe đi! Thầy Ivan Ivanovitch cảm thấy bất ngờ, giọng có phần cầu khẩn.

- Bắt đầu lại từ đâu nhỉ? Lài tự hỏi mình. À, ban đầu nó về nhà chúng tôi. Tuy nhiên vẫn không quên qua lại nhà ông chủ cũ, mặc dù đã định giết thịt nó. Loài chó hiểu hết, có điều nó không biết nói ra thôi. Theo kinh nghiệm truyền lại của cậu em trai, muốn kể chuyện cho người Nga nghe bằng ngôn ngữ của họ thì phải nói chậm. Đó là đương nhiên. Cái khôn ngoan nhất là dùng các câu ngắn gọn, có một mệnh đề. Điều gì người ta không hiểu thì phải giải thích thêm.

- Con chó này mắn đẻ lắm, mỗi năm hai lứa. Mỗi lứa có tới bốn, năm con. Nó chăm con khéo lắm. Không bao giờ nằm đè lên con. Khổ, dân ở vùng núi chúng tôi nghèo lắm. Cơm cũng chẳng đủ ăn nói gì đến việc cho chó. Những chú cún con cứ day hàng vú chó mẹ như rút ruột nó ra. Nhìn nó gầy xơ xác với hàng hàng vú tong teo mà sót cả ruột. Bởi thế chó con vừa biết ăn cơm là mẹ tôi đã đem ra chợ bán. Con nào to khỏe hơn bán trước. Loài chó này thương con nó lắm! Người lạ động vào dù chết nó cũng quyết bảo vệ đến cùng. Nhưng với mẹ tôi, khi cho con nó vào cái làn mây, nó biết cả đấy! Nhưng chỉ im lặng, thở dài não ruột. Dường như nó hiểu được thân phận làm chó của nó. Trước khi cho cún con vào làn mây, mẹ tôi bao giờ cũng nhắc hai chân trước cún con làm động tác lạy mẹ nó và bảo: “Con lạy mẹ! Con đi!”. Đứng ngoài thấy cảnh ấy tôi cũng ứa nước mắt.

Ngày Trọng làm lễ cưới tôi, mọi người thì bận rộn... chạy ra chạy vào. Riêng nó thì nằm ở góc nhà, cứ thở dài thườn thượt. Mẹ tôi phải quát: “Vào gầm giường nằm đi”.

Nhưng rồi được một lúc nó lại ra. Khi nhà trai đến đón dâu, nó cắn vào gấu quần tôi kéo lại. Mẹ tôi tức quá phải lấy cái cán chổi quật cho nó một cái rất mạnh đến oằn lưng. Ấy vậy mà nó không kêu một tiếng, lủi vào gầm giường nằm...

... Lài trầm tĩnh trở lại - bà mẹ anh Trọng tính, sau khi cưới, tôi về làm bí thư xã đoàn, tất nhiên kiêm chức đảng uỷ xã thì tiếng nói của bố chồng tôi có trọng lượng hơn. Việc đầu tiên là đưa được cậu em thứ hai của Trọng đi học nghề tại Cộng hoà Dân chủ Đức. Nhưng người tính không bằng trời tính. Huyện thành lập đoàn dân công hoả tuyến, riêng tôi vì trẻ khoẻ lại có cái mác tốt nghiệp lớp mười nên được cử làm trưởng đoàn gần hai trăm người của toàn huyện. Lúc xuất quân, con chó cứ chạy theo. Tưởng nó “đi tiễn” một đoạn thì về, ai ngờ nó trở thành “thành viên” của đoàn luôn. Những ngày đầu, nghe tiếng thấy phản lực, tiếng bom đạn réo... nó sợ đến phát run, hết tìm chỗ này chúi vào, lại tìm xó xỉnh khác để ẩn thân. Vướng chân mọi người quá, có người bảo: “Thịt quách nó đi làm một bữa”. Tôi quát: “Không được!”. Thế rồi dần dần, nó quen dần với bom đạn. Hết đợt dân công, mọi người được trả về địa phương. Riêng tôi được thường vụ huyện uỷ giữ lại, đề bạt làm phó bí thư huyện đoàn, phụ trách đại đội thanh niên xung phong. Thế là thoát ly luôn. Tôi gửi con chó cho người cùng xã, nhưng nó nhất quyết không chịu về. Đêm khi mọi người ra mặt đường thì nó ở lại, quanh quẩn ở khu vực lán trại. Bom dội rát quá thì nó chui xuống hầm kèo. Đêm đơn vị hành quân đi đâu, nó đi theo tới đó. Ăn uống kham khổ, đến người còn chả đủ no, nên nó chỉ có “cơm thừa, canh cặn”, nhưng nó chẳng lấy thế làm “tủi thân”. Bữa nào được anh chị nuôi thương hại vứt cho miếng cháy chảo là sướng đến nhảy cẫng lên. Khi con vật ở xứ “chó ăn đá, gà ăn sỏi” là như vậy đấy. Trận đó đại đội tôi trấn giữ ở một khúc cua tay áo. Một bên là vách đá dựng đứng. Một bên là vực thẳm. Đường vừa chúi xuống lại phải rẽ ngoặt lên. Bom địch dội suốt từ mờ sáng đến chập tối. Suốt cả đêm, đại đội thanh niên xung phong cùng các đồng chí công binh lo phá bom nổ chậm. San lấp hố bom, hàn cạp lại các đoạn đường bị sạt lở xuống vực. Tôi nằm trong hầm kèo mà đất rung chuyển như nằm võng. Con chó đã quen với bom đạn, và số chị em nằm trong hầm đã đủ chật nên nó thường nằm ngoài... Trưa hôm đó, sau khi đánh bằng loạt bom tấn, phản lực Mỹ giở chiêu trò mới thả hàng ngàn quả bom bi xung quanh trọng điểm, hòng gây sát thương cho lực lượng bảo vệ tuyến đường. Một trái bom bi nổ ngay gần cửa hầm, con chó đã lãnh đủ... Toàn thân nó lỗ chỗ các lỗ thủng. Nó chết không một tiếng kêu không một cú giãy dụa. Chỉ có đôi mắt là vẫn mở trừng trừng. Tôi nằm ngay sát cửa hầm. Dứt loạt bom, tôi ôm lấy cái xác còn mềm mại và nóng ấm của nó mà hai hàng nuớc mắt cứ chảy dài xuống má. Và vuốt thế nào, hai mắt nó vẫn mở. Tôi lấy một chiếc chăn chiên liệm và tìm một khe đất đào hố chôn cho nó. Không có một nén hương để thắp... Nhưng có chuyện sau còn buồn hơn. Chiều trước lúc ăn cơm để tối xuống trận địa thì mấy chị em chúng tôi thấy mùi thịt nướng thơm lừng... Linh tính báo cho tôi chuyện chẳng lành... thì ra mấy bố đã quật xác nó lên, làm hết món luộc lại đến món chả... Tôi gần như ngất đi... Bỏ ăn bữa chiều. Chập tối, xuống trận địa, đồng chí chính trị viên của đơn vị công binh nói với tôi: “Thôi, Lài đừng quá đau buồn! Dù sao thì nó cũng là một con vật... Và chiến tranh là thế!”. Tôi cứng cỏi đáp lại: “Đồng chí cứ yên tâm! Với tôi mọi thứ đã qua rồi! Trước mắt là sự sống của con đường… là mạch máu của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn”.

Dừng lại một lúc cho cơn xúc động qua đi, Lài hỏi hai người:

- Tôi kể mọi người có hiểu không?

- Rất hiểu! Câu chuyện về một con chó trong chiến tranh đã là như vậy! Thầy Ivan Ivanovitch cảm động nói. Còn với con người chắc còn khốc liệt hơn nhiều. Khi nào có dịp tôi mong được nghe Lài kể tiếp về mình. Thời gian còn dài mà!...

- Thế còn con chó nhà thầy? Hôm trước thầy có nói nhà thầy cũng nuôi chó mà! Lài hỏi lại.

- Chuyện con chó nhà tôi thì đơn giản hơn nhiều. Thầy Ivan Ivanovitch chậm rãi đáp - Mùa hè năm 1941 tôi vừa bước qua tuổi 12. Hitler bất ngờ tấn công Liên Xô. Thành phố Leningrad là một trong các hướng tấn công chính của chúng với phương châm đánh nhanh thắng nhanh. Và khi các trái bom đầu tiên của bọn phát xít rơi xuống khu phố tôi thì con cún nhà tôi bị chấn động mạnh quá, bỏ nhà đi đâu không rõ. Nó không chết vì bom, vì đạn thì cũng chết vì đói, vì rét... Và không loại trừ nó cũng bị người ta giết thịt... vì đói quá! Mặc dù người Nga nói riêng và người châu Âu nói chung vô cùng kiêng kỵ việc ăn thịt chó. Kẻ nào ăn bị phỉ nhổ, khinh bỉ coi như đồ hạ đẳng... Nhưng chiến tranh mà!

Ngừng một lát thầy Ivan Ivanovitch kể một câu chuyện về cậu học trò người Cộng hòa Dân chủ Đức qua đây học. “Cậu ta là lính quốc xã. Kết thúc chiến tranh xung vào đội quân lê dương sang chiến ở Việt Nam. Chả hiểu thế nào lại thích món thịt chó mắm tôm. Sau đó được trao trả tù binh cho CHDC Đức. Gặp lưu học sinh Việt Nam qua đó học. Nhớ món thịt chó xưa, bảo vợ đi nghỉ hè một mình. Rồi cậu ta rủ mấy học sinh Việt Nam bẫy được một con chó hoang... Vợ về biết chuyện, xin ra tòa ly hôn. Với lý do: không sống cùng kẻ hạ đẳng được. Thế là cậu ta trắng tay ra đi khỏi nhà... Cậu ta kể cho bọn tôi, sau một cuộc rượu chia tay nhà trường”.

Đúng là “đi một ngày đàng, nghe một sàng chuyện”, Lài nghĩ thầm trong bụng...

Một tuần sau, thầy Ivan Ivanovitch lại đến thăm Lài, vào buổi tối như các buổi tối trước. Chỉ điều thầy đi một mình, không có cô Anna đi cùng. Thầy đem ba đóa hoa hồng nhung như lần trước và thay vì chai Champagne đỏ là phong Chocolate của Bỉ loại Chocolate số 1 của châu Âu, người tiểu đường cũng ăn được.

- Cô Anna đâu? Lài nhanh nhảu hỏi.

- Tối nay tôi muốn đến thăm Lài mà không có Anna đi cùng! Thầy Ivan Ivanovitch thẳng thắn đáp. Thấy Lài đứng lặng im thầy hỏi tiếp. “Khách không mời chẳng khác nào giặc Tácta”, có phải vì thế mà Lài không muốn tiếp tôi chăng?

- Không! Không! Mời thầy vào! Lài vội nhanh nhảu. Có điều không thấy cô Anna như mọi khi nên hỏi vậy thôi!

- Xin vô cùng cảm ơn! Thầy nói rồi trao ba bông hồng và phong Chocolate cho Lài. Lài đưa tay ra đón, nhưng không có cử chỉ ôm hôn như hôm trước.

- Em cảm ơn thầy! Chỉ có điều lần sau thầy đến thăm thì đừng mua quà gì nhé. Lài đáp.

- Hoa và Chocolate cho phụ nữ thì người Nga không bao giờ cho đó là quà. Mà nó đơn giản là thay cho lời chào thân mật. Thầy Ivan Ivanovitch giải thích.

- Em mở chai Champagne hôm nọ để uống cùng Chocolate nhé! Sau khi mời thầy ngồi xuống ghế nhỏ nhắn của khách sạn, Lài đề nghị.

- Uống Champagne với Chocolate vào buổi tối là rất thích hợp. Lài biết dần phong tục Nga đấy! Thầy tỏ ý khen.

- Không có gì ạ! Lài đáp lại.

Sau khi nâng ly chúc sức khỏe và bẻ nhỏ những lát Chocolate thơm ngậy và ngọt thao thảo vào miệng, thầy Ivan Ivanovitch bảo:

- Tối nay, tôi muốn Lài kể tiếp cho nghe về thời gian Lài làm việc tại các cung đường bảo đảm giao thông thời chiến tranh ấy! Có được không?

- Chuyện đó thì không có gì? Lài đáp và sau một phút lưỡng lự, Lài rụt rè hỏi. - Quan hệ giữa thầy Ivan Ivanovitch với cô Anna là thế nào?

Thầy Ivan Ivanovitch đưa hai tay lên trên đầu rồi cười phá lên:

- Lài cần biết để làm gì?... À tôi hiểu, tôi hiểu rồi. Thầy giải thích - Lài hiểu thì cũng tốt đúng không?... Giữa tôi và cô Anna đơn giản cô ấy là bạn gái của tôi. Vậy thôi!

Thấy Lài im lặng không nói gì, thầy giải thích:

- Quan hệ giữa đàn ông và đàn bà ở Nga có ba mức. Mức thứ nhất là bạn gái. Mức thứ hai là bạn tình. Bạn tình thì có thể ngủ với nhau, nhưng chưa đi đến hôn nhân hoặc không bao giờ đi đến hôn nhân. Mức thứ ba mới là hôn nhân. Chúng tôi đối xử với nhau hết sức sòng phẳng theo các mức độ trên. Không bao giờ bước qua giới hạn đã được thỏa thuận với nhau. Anna sau khi ly hôn đã trở thành bạn gái của tôi. Bây giờ đang là bạn gái và sau này cũng vẫn mãi mãi là bạn gái. Anna là một phụ nữ tốt, dịu dàng. Cô ấy luôn để ý chăm sóc cho tôi nhiều việc. Và tôi đối với cô ấy cũng như thế!... Lài hiểu rõ rồi chứ!... Còn bây giờ Lài kể tiếp cho tôi chuyện của Lài được chứ?

- Phải chuyện của tôi, nó cũng đơn giản như hàng ngàn, hàng vạn thanh niên xung phong thời ấy - Lài trầm tĩnh kể - bốn năm, từ những ngày đầu chỉ là lấp hố bom với khẩu hiệu “xe chưa qua - nhà không tiếc”. Rồi từ chiến thuật “Địch phá ta sửa ta đi. Địch lại phá ta lại sửa ta đi”. Đến giữa năm 1966 đã có khẩu hiệu mới: “Phá thế độc tuyến giành chủ động. Địch phá ta cứ đi”. Từ những công việc đơn giản lúc đầu là san lấp hố bom đến giờ là phá núi, mở đường. Mở nhiều con đường từ đông sang tây, từ đồng bằng tiến sâu vào vùng núi hiểm trở với suối sâu, vực thẳm, vách đá dựng đứng cheo leo. Trong suốt cả năm 1966, thanh niên xung phong chúng tôi cùng các đơn vị công binh từ khắp nơi đổ về, quyết xẻ núi mở đường 20 quyết thắng nói từ miền tây Quảng Bình của Việt Nam sang tỉnh Khăm Muộn (Khammouan) của nước bạn Lào. Đường vừa thông thì lại có lệnh mở đường 18 sang với đường 20, để phá thế độc tuyến. Vừa mở đường, vừa giữ đường, giữ ngầm, giữ cầu. Giữ các cua tay áo trước trăm ngàn trận đánh phá ác liệt với đủ các loại bom có sức công phá hủy diệt ghê gớm của không quân Mỹ. Còn trong tay chúng tôi chỉ có các công cụ thô sơ như cuốc, xẻng, choòng, xe cút kít... mãi sau này mới có xe ủi C.100. Nhưng với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, Tất cả để chiến thắng...”, hàng ngàn các bạn của tôi đã vĩnh viễn nằm xuống để hiến dâng tuổi thanh xuân cho mạch máu giao thông chiến lược luôn được thông suốt... Nói đến đây giọng Lài trở nên nghẹn ngào.

- Và Lài cũng đã để lại những giọt máu, để lại một phần cơ thể của mình ở đấy? Thầy Ivan Ivanovitch xúc động hỏi xen vào.

- Không! Sự hy sinh của tôi chẳng hề thấm tháp gì so với các đồng đội của tôi! Lài cứng cỏi đáp lại.

- Xin lỗi! Nhưng tôi muốn biết Lài đã bị thương trong trường hợp cụ thể nào không? Thầy Ivan Ivanovitch hỏi có phần khẩn khoản.

- Tôi đã nói rồi! Đó là chuyện chúng tôi phải đối đầu với cái chết hàng ngày... Nhưng thầy muốn biết... thì tôi cũng xin kể thôi! Lài đáp lại và chậm rãi kể:

- Tối đó có ba chiếc Zil 130 chở đạn pháo qua cao điểm đại đội tôi trấn giữ. Một tốp phản lực đi ăn đêm không hiểu sao chúng lại phát hiện ra. Thế là pháo sáng thả xuống rõ như ban ngày. Ba chiếc xe giãn đội hình, chạy thục mạng. Thầy ấy biết đấy! Những trường hợp như thế chết mười mươi là cái chắc. Chỉ có bỏ xe, nhảy đại ra ngoài, lăn xuống vực để cứu lấy người là thượng sách... lúc đó ba chiếc xe lại đang lên dốc... Bọn tôi từ hầm cá nhân trồi lên. Ra hiệu cho xe nép vào ta luy dương, tắt máy... thì lái xe nhảy đại xuống... gặp hố cá nhân nào thì... độn thổ vào đó... May sao khi tốp máy bay vòng lại thì pháo sáng đã lụi dần... Tôi hai tay với hai đèn pin đại có tới bốn quả pin con thỏ bật sáng loà lên, rồi tắt lịm đi. Rồi lao xuống chân dốc thì lại bật cho đèn lập loè... Có thế mấy thằng giặc lái này chắc chưa phải vào loại cáo già nên chúng bám lấy ánh đèn của tôi. Đầu tiên là rocket bắn xuống. Tiếp đó là bom. Vì thuộc địa hình, tôi nhảy cóc từ hố cá nhân này đến hố cá nhân khác lại loé đèn. Và tôi đã lên được đỉnh dốc thứ hai, vừa lia đèn thì trời đất như ụp xuống... Tôi không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy được thì thấy trời đã sáng, còn mình đang nằm tại bệnh viện dã chiến. Một chân dập nát, bàn tay trái mất ba ngón, trán được tạo một “sân bay” bằng nửa bàn tay... Và nhiều vết thương ở ngực, ở sườn, ở bụng nữa. Điều tôi nhớ ra đầu tiên và cũng là câu hỏi đầu tiên là “Xe có bị sao không?”. “Một chiếc bị bắn cháy! Còn hai chiếc kia, liều mạng chạy lùi nên không việc gì”. Nửa tháng sau, trở lại đơn vị lại tiếp tục bám đường như chưa hề có chuyện gì đã xảy ra.

B.V.S.