Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 10 tháng 2, 2021

Trầm tư buổi xuân về (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi, số 103)

Tương Lai

clip_image002Xuân là xuân, một cuộc chuyển giao của đất trời vẫn cứ thế mà vần xoay, cớ gì phải trầm tư? Ấy vậy mà vẫn không sao thoát ra được những lo nghĩ về thế sự giữa buổi xuân về. Mời đọc câu thơ của Cụ Tam Nguyên Yên Đổ:

Toạ kiến minh triêu thị nguyên đán

Cải quan vạn tượng nhất hoàng khâm

[Ngồi đợi xem sáng mai là ngày nguyên đán, Chỉ mới xoay ngang vạt áo một cái mà mọi cảnh vật đều đã đổi thay]. Nhưng rồi trong câu đối ẩn chứa nỗi niềm thế sự, nhà nho uyên thâm ấy lại dùng chữ Nôm:

Tối ba mươi nghe pháo nổ đùng, ờ ờ Tết.

Sáng mồng một, chạm nêu đánh cộp, à à xuân.

Thế rồi năm nay, mở đầu tiết Lập Xuân, người học trò cũ 65 năm trước, vốn có cái thú tao nhã chăm tỉa cây bonsai, như mọi năm, mang tặng thầy một cây bàng Trường Sa quả vuông mà anh đã dày công ươm mầm từ quả, mọc rễ, lên cây dáng khoẻ, thẳng đứng đặt vào chậu gốm màu đất, gắn thêm tượng đá ông già “chắc cũng quãng tuổi thầy, 85, 86 ngồi đọc sách”, anh nói! Lộc xuân này là vô giá, ấm mãi tâm hồn tôi. Vừa loay hoay tìm thế đặt cây bàng Trường Sa chịu đựng được mọi phong ba bão táp mà “Em nghĩ là phù hợp với tính cách của thầy”, vội xua tay Tôi đâu được như thế em, đang đứng không vững đây thì mấy anh bạn, đúng hơn là mấy nhà chức trách vốn định kỳ đến thăm, gõ cửa. Năm nay phá lệ, không mang hộp trà Ô Long, mà thay bằng chậu phong lan sắc màu trang nhã. Tôi nghĩ, các ông bạn này nghiên cứu về mình cũng kỹ và ứng xử cũng tế nhị tương ứng đây!

Và tiếp đó là cây, rất nhiều cây! Cây quất, cây sả, cây ớt… mà bà bạn ở Củ Chi cho người chở đến… Thế là lộc Xuân dồn dập đến cùng tôi đón Tết, cớ sao vẫn không xua được những trĩu nặng suy tư, chưa tìm thấy hứng mà gõ phím viết bài “Mênh mông… để gió cuốn đi”.

clip_image006Bê chậu bonsai cây bàng Trường Sa đặt ra ngoài ban công cho cây tắm suơng, gội gió, thấy có một ngọn lá bàng uá vàng rơi xuống, bỗng vụt nhớ tứ thơ của Đỗ Phủ:

“Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân

Phong phiêu vạn điểm chính sầu nhân”

一片花飛減卻春,

風飄萬點正愁人。

[Một cánh hoa bay làm cho vẻ xuân kém đi,

Muôn đoá tả tơi trước gió, khiến người rợi buồn]

Mở sách đọc lại, là bài Giang khúc 曲江 của bậc “thánh thi”.

Tôi trân trọng giữ gìn từng chiếc lá trên cây bàng Trường Sa mà người học trò yêu quý của tôi chăm chút ươm trồng nên cũng có chút lo lắng. Vợ tôi cẩn thận dặn dò cô cháu gái phải canh chừng lũ trẻ đến chúc Tết ông bà. Cây bàng Trường Sa thấm đẫm khí phách và ý tưởng người tặng, một lá vàng rơi cũng làm xốn xang trong tôi. Nhưng chắc không hoàn toàn như vậy, có chăng là một mối tương quan trong dòng cảm xúc. Thế rồi đọc mấy lời hồi âm của ông bạn nhà báo già thân quý về bài Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 102 của tôi: “Gió đã cuốn đến tôi. Và tôi lại nhờ gió cuốn tiếp đến một số bằng hữu nơi xa”. Tôi không hiểu gì về những “bằng hữu” anh gửi đến họ ngọn gió vô tình kia, nhưng tôi biết chắc trong đó có hai người bạn tôi trân trọng và thân kính đã từng đến thăm tôi hơn cả mối thâm tình bằng hữu.

clip_image004Ngọn gió ông bạn già nhắc gợi nhớ đến tứ thơ của Louis Aragon, nhà thơ Pháp từng in đậm trong ký ức

Những ngọn gió vô vọng xua nỗi buồn thiên thanh

[Les vents chassent en vain les chagrins de l'azur]

Khi viết được mấy bài “Mênh mông thế sự” đọc thấy cũng tàm tạm, có dịp ra Hà Nội, tôi in ra từ chiếc máy nhỏ đặt trên bàn, đưa anh Việt Phương xem. Anh tươi cười: “Mình thích cái tên bài này” và chăm chú đọc. Tôi sang phòng bên nói chuyện với chị Tú Lan. Quãng mười phút quay lại thấy Việt Phương ngồi trầm ngâm: “Tg định gửi cho những ai… Cứ gửi qua email và ghi lại những phản hồi, khi đã đủ để tập hợp lại, chỉnh sửa và đưa xuất bản cũng hay”.

Tủm tỉm cười, tôi trả lời anh: “Đến báo nó cũng không cho viết, còn hạ lệnh xoá mục “Đàm luận sáng thứ hai” được Tổng biên tập báo “Người đại biểu nhân dân” thuở ấy mở ra hơn một năm, và “rút phép thông công” (1) ngòi bút tôi khỏi các tờ báo chính thống, kể cả mục “Thời Luận” hàng tuần trên báo Pháp luật Tp Hồ Chí Minh ngót nghét năm, sáu chục bài cũng phải dỡ bỏ, nên Tg mới xoay sang viết “Mênh mông thế sự” đấy anh”!

Từ trầm ngâm, Việt Phương chuyển sang bực dọc lẩm bẩm “Tay này thâm ác lắm đấy”. Câu này anh cũng đã nói với Đại. Tưởng tôi chưa biết, Đại đã nhắc lại với tôi. Vừa rồi, người ta nói nhiều những mưu hèn kế bẩn, kể cả giẫm đạp lên điều lệ đảng để giành quyền lực, Đại gợi lại nhận định của Việt Phương – nhà thơ, nhà chính trị uyên bác và từng trải – về câu trên. Liệu có phải đây là nguồn cơn của của những trầm tư về buổi xuân về trong tôi? Tuy đã gạt khỏi đầu chuyện “xuất bản” mà Việt Phương gợi ý mà vẫn cứ băn khoăn chuyện viết cho ai, viết để làm gì.

Viết để thoả cái khát vọng sống, cũng là lý do tồn tại của người cầm bút, nhưng không chỉ cho riêng mình. Với tôi, viết là một nhu cầu để sống và để góp chút gì đó vào cuộc đời. Vì thế không chỉ tự mình gặm nhấm chính mình, mà cần chuyển tải suy tư, khát vọng và chính kiến của mình đến với người khác, đến xã hội.

Tôi tìm thấy trong quan niệm của Michel Eltchaninoff – triết gia Pháp – lý do để “viết về thế sự”: người bất đồng chính kiến là “những người đi trước thời đại. Họ được nuôi dưỡng bởi sự can đảm và thái độ nổi loạn. Họ phơi trần những tệ trạng không thể chấp nhận trong xã hội họ đang sống: áp lực, kiểm duyệt, thao túng quyền hành, gian lận bầu cử, sát hại người vô tội, chiếm nhà chiếm đất (2). Không dám nhận mình là người đi trước thời đại, nhưng cũng không thể là “lũ vịt băng khờ khạo run rẩy náu tấm thân bệu mỡ vào các ngách đá” (3) để không hiểu được vì sao “chim báo bão bay lượn ngang tàng… tựa hồ một ánh chớp đen, như mũi tên xuyên thẳng vào mây bão…” (4) mà tôi đã dẫn trong bài trước.

Không dữ dội như thế, với sự thầm lặng thẳm sâu, hơn một trăm năm trước Nguyễn Khuyến đã thật thâm thuý trong việc từ chối lời khẩn cầu của một người bạn giúp ông ta viết “văn bia”:

clip_image008Quân thả quy cầu đương tự đắc

Hoàng đô bất thiểu tụng công văn

[Anh hãy trở về mà tìm lấy thì sẽ được,

Thứ văn tán tụng công đức, kinh đô không thiếu].

Trên vỉa hè đường phố đương đại thì bà con nói bỗ bã là lũ “bưng bô” sống sượng và liều lĩnh do đã đứt dây thần kinh xấu hổ, đang đua nhau tán tụng người mà cụ Tam Nguyên Yên Đổ đã tạc vào tấm bia miệng của người đời trong bài “Trời nói”:

Chót vót trên này có một tao

Nào tao có muốn nói đâu nào!

Da tao xanh ngắt pha đen trắng,

Chỉ tại dì Oa vá váy vào!(5).

Thế mà

Trần gian hưng phế đẳng nhàn sự

Bất tri cửu kinh thuỳ dữ quy?

[Ở đời có lúc thịnh lúc suy, đó là việc thường,

Không biết dưới chín suối giờ ông theo ai?]

Ngẫm nghĩ ra, cứ như cụ Tam Nguyên nói chuyện đang trình diễn nóng hổi khiến khối người đỏ mặt, sờ lên gáy! Vậy là đông tây kim cổ không đâu không có những người dám “phơi trần những tệ trạng không thể chấp nhận trong xã hội họ đang sống(6).

Nhưng chuyển tải suy tư, khát vọng, chính kiến bằng cách nào đây để không lâm vào hai thế kẹt. Một là “…đắn đo chẳng viết, viết đưa ai, ai biết mà đưa”! Hai là “hàng rong ế phải chiều luỵ người mua nhanh”? Nhằm thoát khỏi hai thế kẹt đó, tôi tìm về với Trịnh Công Sơn:

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng,

Để làm gì, em biết không?

Để gió cuốn đi…

…Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông,

Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông…

…Một sớm mai chim bay đi triền miên

Và tiếng hót tan trong trời gió lên

Thế là tên ca khúc của Trịnh “Để gió cuốn đi được nối vào “Mênh mông thế sự” nhằm gửi đi một thông điệp: những ý tưởng, cảm nhận và suy tư trong mênh mông thế sự mang dấu ấn cá nhân, có đúng, có sai tuỳ theo chỗ đứng và tâm trạng của người tiếp nhận và thẩm định. Vì vậy mà rất tự do và thoải mái không áp đặt và cũng chẳng van nài. “Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông”, những ý tưởng, cảm nhận và suy tư của một cá nhân sẽ tan biến vào thinh không “tan trong trời gió lên”, hay vô tình đọng lại đâu đó, làm sao biết được.

clip_image010Sống trong đời cần có một tấm lòng

Để gió cuốn đi”

Chỉ thế thôi chắc cũng xua bớt đi những ngột ngạt của bịp bợm, lừa mị quá tởm lợm đang ngày ngày đập vào mắt, rót vào ta cũng đã góp phần làm cho cuộc sống trở nên đẹp hơn, có ý nghĩa hơn.

Thì chẳng phải Robert Southey đã từng cảnh báo: “Tất cả sự lừa lọc trong đời thực chất chẳng là gì khác ngoài lời nói dối được thực hành, và sự dối trá chuyển từ ngôn từ vào sự vật”! Khốn khổ cho chúng ta khi lời cảnh báo của thi hào người Anh ấy tuy đánh trúng vào tim đen của kẻ đang cần sự dối trá và lừa mị để tồn tại nên đã trở thành món ăn không thể thiếu của một thể chế độc tài. Và khốn khổ vạn lần khi cả khối người đông đảo lại đang bị nhét vào mồm món ăn tinh thần tệ hại ấy nhằm nuôi sống một thể chế đang lụi tàn.

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn

Cầm lên nhấm nháp.

Chả là nếu anh từ chối

Chúng sẽ bảo anh phá rối

Ðêm vui

Bảo anh không còn có khả năng nhai

Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…

Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?

Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn

Như không có gì xảy ra hết

Và những người khác thấy anh ngồi,

Họ cũng ngồi thôi

Nhai ngồm ngoàm…

Nguồn cơn nào đã làm nên nỗi đau nhân thế ở chiều rộng và độ dài không chỉ của một kiếp người, mà là huỷ hoại môi trường sống của cả một dân tộc. Phải chăng ai đó đã quáng mắt vì chất giọng ề à bịp người bằng dáng vẻ đạo cao đức trọng thoạt nhìn đã muốn ói, dễ loè người vì mớ lý luận ôi thiu nhằm che đi cái sự thật trần truồng:

Kiếm bẫm nhất là kinh doanh quyền lực

Hốt vàng cây không cần bán rao.

Trong tập thơ “Bơ vơ đông đảo” Việt Phương tặng cách nay đã hơn mười năm, tôi gấp mép trang 94 về một câu mà trong cảm thức không thấy thơ gì cả, rồi hôm nay dẫn vào đây để ngộ ra chất đời trong thơ của người tôi yêu quý. Xoáy vào óc tôi cái chất đời ấy, anh viết:

Ánh sáng thẳng băng không méo lệch một phương

Cái cuộc đời vậy đó mà dám gọi đời thường

clip_image012Để rồi bộc bạch chất thơ trong sâu thẳm chất đời:

Có lẽ ta đã thấy đủ sự xấu xa để nói về

sắc màu cái đẹp…

…Ơi lời nguyền lời nguyền thời thơ trẻ

Tóc đã bạc đầu ta vẫn như đứa bé lên ba

Chưa hiểu nổi chỉ chìm vào chỉ tan ra

trong biển rộng

Dào dạt sóng trọn đời ta khi nhớ khi quên

vẫn dào dạt sóng

Chú thích:

(1) Từ của luật gia Nguyễn Mạnh Tường nói về sự bóp nghẹt tự do của người trí thức.

(2) Dẫn theo Từ Thức, Những người ly khai: nền tảng của tự do, lương tâm của xã hội.

(3), (4) Maxim Gorki, Bài ca chim báo bão.

(5) Theo truyền thuyết, thuở khai thiên lập địa bà Nữ Oa thấy trời lở đã đội đá vá lại trời.

(6) Michel Eltchaninoff, theo Từ Thức, bài đã dẫn.

Ngày 29 Tết con trâu