Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

Chuyện con trâu nhà mình

Mạc Văn Trang

Năm Trâu, xin nói chuyện con NGHÉ và con TRÂU nhà mình.

Tháng 7/1954, con NGHÉ nhà mình đang trưởng thành trở thành TRÂU thì bị chết vì trúng đạn pháo của Tây đồn. “Con trâu là đầu cơ nghiệp", tiếc lắm.

Nói, “Con Trâu là đầu cơ nghiệp" không phải bất cứ con trâu nào, mà phải là con trâu đóng vai trò lực lượng lao động chủ chốt của nhà nông, nó kéo cày, kéo bừa, kéo xe thay bò, kéo “máy" ép mía… Nhưng quan trọng nhất là dùng vào việc cày bừa ruộng. Không có trâu thì phải cuốc đất, băm đất cho nhỏ, giẫm cho nhuyễn để cấy lúa. Không có trâu, có khi phải dùng hai, ba người kéo cày, bừa thay trâu, nhưng cũng không thể nào so được với sức mạnh của con trâu.

Con nghé nhà mình được chừng 10 tháng thì “được" xỏ mũi. Tức là dùng sức người giữ con nghé cho chắc rồi dùng cái dùi nung đỏ xiên qua cái huyệt ngăn hai bên lỗ mũi và xỏ vào đó một đoạn dây mây, thắt hai đầu lại, sao cho không vướng việc ăn uống của con nghé. Sau chừng một tháng, thì thay sợi thừng, một đầu có cái “sẹo" (thường làm bằng mảnh gáo dừa già hay miếng cao su ...) và xỏ dây thừng xuyên qua lỗ huyệt mũi con nghé. Từ đó con nghé không còn “vô thừng, vô sẹo nữa", mà được chăn dắt, điều khiển bởi người cầm dây thừng.

Được một tuổi, con nghé đã vào tuổi thiếu niên, phải rèn luyện để bước sang tuổi trưởng thành. Giai đoạn rèn luyện đó gọi là VỰC NGHÉ rất công phu.

Vực nghé phải chọn một Lão nông, tính hiền lành, kiên nhẫn, như thầy giáo dạy trẻ học chữ và một người nhà quen với con nghé và cũng kiên nhẫn, nhẹ nhàng để dắt nó theo sự điều khiển của Thầy. Vực nghé chỉ dùng cày, chứ không dùng bừa, vì nếu nghé lồng lên, răng bừa sẽ rất nguy hiểm; còn cái cày, khi trâu chạy, nó đổ nghiêng, ít nguy hiểm hơn.

Thầy chọn một thửa ruộng hẹp chừng một sào, đã cày vỡ, bừa vỡ rồi; giờ chỉ cày lại cho nhẹ. Con nghé được dắt xuống ruộng, mắc khoẳm (ách) vào vai. Lúc đó, người dắt bắt đầu vào sá cày đầu tiên. Người dắt đi đằng trước, lúc đầu phải cầm thừng sát mũi nghé, đi sát đầu nó, bao giờ thấy nghé đã thuần thì cứ lùi xa dần…

Điều thú vị là Thầy vừa điều khiển cày (rất nhẹ nhàng) vừa “giảng dạy" cho nghé, những câu quen thuộc như: “Chân bước đều đều, không đi đâu mà vội"; “Chân sau bước quá chân trước, chân trước bước quá tai"; “Vai kéo, chân bước đi đến tận đầu bờ"...; “Đến đầu bờ, đâm bắp, quay gót, bước lại cho tròn"...; “Chân đi, tai nghe, dạ nhớ lấy"!...

Vực nghé thường vào mùa Xuân hoặc mùa Thu mát mẻ và tiến hành từ khoảng 9- 10 giờ sáng. Tại sao? Vì vực nghé những ngày đầu chỉ trong vòng 1 tiếng, nhưng phải cho nó nghỉ đúng vào lúc nghỉ trưa của các con trâu cày bừa đều nghỉ. Sau đó tăng dần thời gian luyện tập lên, nhưng vẫn tập cho con nghé “biết rằng", phải làm việc đến trưa mới được nghỉ, chứ không phải muốn “phá bĩnh" lúc nào cũng được... Khi không cần người dắt nữa và con nghé làm việc được cả buổi như một con trâu trưởng thành, mới xong quá trình “giáo dục, đào tạo nghề", trở thành trâu “lao động chính”.

Điều đặc biệt quan trọng là phải chăm sóc cái VAI con nghé. Sau mỗi buổi tập cày, người lão nông lại xoa bóp vai con nghé cho mềm dần dần để nó “có vai". Thường lấy vỏ cây Gạo băm nhỏ, xao lên với nước tiểu rồi dùng thứ đó bóp vai cho nghé sau buổi cày. Nhờ đó vai trâu mềm, gọi là “vai bị" thì mới tốt.

Vì huấn luyện công phu và muốn con trâu có giá trj cao nên phải chọn lựa và huấn luyện con nghé “ĐẸP". Con đẹp lý tưởng là con nghé phát triển cân đối, ức nở, bụng thon, “dậy vây", tức đằng trước cao hơn; bốn chân đi dõng dạc, tức không đi chạm khoeo hay “chữ bát"; chân trước phải “giồ gối, thắt quản”; móng chân phải “quắp móng con, tròn móng cái”. Móng chân trâu mà toè ra là hỏng. Con trâu có 4 khoáy cân đối ở hai bên sườn, gọi là “bốn khoáy đóng trụ" thì rất đẹp.

Mặt trâu nhìn phải nhẹ nhõm, mắt hiền; vạch mồm trâu ra, thấy “hàm son, lưỡi tía" thì tuyệt vời. Đuôi trâu chỉ vừa chạm khoeo sau là tốt, dài quá, ngắn quá cũng không đẹp. Đặc biệt đuôi trâu không được chẻ ra thành “hàm xà"...

Trâu cái phải “cổ cò", “sừng bánh lá, dạ bình vôi” thì sinh đẻ mới tốt. Còn trâu đực sừng quả ấu, cổ vại cũng được.

Sau khi con nghé bị chết. Bố mình dành dụm tiền quyết định tậu một con trâu đẹp như lý thuyết ông đã truyền đạt cho các con. Và năm 1956, ông đi ba phiên chợ mãi Chí Linh mới tậu được con trâu vừa ý. Đó là con trâu đực chừng 2-3 tuổi theo đúng tiêu chuẩn lý tưởng của ông.

Năm 1957 mình đã được bố hướng dẫn cày bừa với con trâu đực lý tưởng này. Ông ngồi ở đầu bờ xem con trai cày, bố rất hài lòng. Đến “sá vét" sát mé đống Con Phượng, bố dặn, cày nông thôi, kẻo gãy mũi cày, vì mé đống, bên dưới có mấy tảng đá. Nói các lão nông tri điền thuộc đồng ruộng như “lòng bàn tay” là như thế đó. Bố còn bảo, thửa 5 sào Con Phượng này, trâu bình thường phải cày ải 2 ngày, trâu nhà mình cày ngày rưỡi thư thả…

Cuối năm 1957 dân Vũ La được vận động vào HTX. Trên tỉnh tặng HTX một chiếc cày 2 lưỡi của Trung Quốc, không chỉ 2 cái lưỡi cày bằng sắt mà cả thân cày, tay cày đều bằng sắt, rất nặng. Lập tức “trên" bảo mình và con trâu nhà mình “thí điểm". Mình thấy vinh dự và hồi hộp. Các loại cán bộ đứng trên bờ xem. Cày trên thửa ruộng ẩm ướt, nên cày 2 lưỡi, 1 sá thành 2 mà con trâu oằn mình kéo được. Mình cũng phấn khích, kéo căng dây thừng, giữ tay cày vừa phải, thúc trâu “ra sức phấn đấu" kéo… Được 4-5 sá thì “rắc", “phựt" chiếc chão đứt!

Các loại cán bộ “đỉnh cao trí tuệ" của tỉnh, huyện, xã, thôn xúm lại “điều nghiên" và kết luận: Cái cày này người Trung quốc cày ruộng đất cát khô, trồng lúa mì, lúa mạch, không dùng vào cày ruộng cấy lúa nước được! Mà chắc phải 2 con ngựa kéo…Mà cái cày sắt nặng thế này không thể “vác" về, “vác” ra được… Không hợp với ta.

Bố mình giận lắm. Ông bảo, nó đem cái cày này về thì chết hết trâu! Rồi ông đem hỗn hợp vỏ cây gạo xao với nước tiểu ra bóp vai cho con trâu nhà mình...

Cuộc thử nghiệm thất bại hoàn toàn. Thế mà nhà văn Nguyễn Khải cũng viết được bài “CÀY HAI LƯỠI" đăng trên TC Văn Nghệ quân đội, để ca ngợi HTX! Thế mới tài!

Mình trở thành lực điền nổi tiếng của HTX là chuyện bất đắc dĩ, vì con trâu nhà mình khỏe nhất làng; HTX thường “diễn' ở những thửa ruộng lớn, 4-5 con trâu bừa ruộng nước mênh mông để các nhà báo quay phim, chụp hình. Trâu nhà mình đi đầu, 4 con trâu khác theo sau phía sau, con trâu yếu nhất thì đi sau cùng. Việc chỉ huy nhóm bừa một thửa ruộng với 5 con trâu không đơn giản, vì từ trước đến lúc đó, nhà địa chủ cũng không điên rồ làm chuyện này. Nhưng với kiến thức phổ thông, tinh ý một chút, mình làm dễ dàng thôi. Ruộng cạn thì sá bừa rõ vệt, thấy đơn giản, nhưng ruộng nước sâu thì phải cắm que đánh dấu ở đầu bờ và phải nhìn xa sang mốc ở bờ bên kia; phải điều khiển trâu đi cho thật thẳng… Khó nhất là sau sá bừa thứ nhất, đến đầu bờ, mình phải bước 5 bước, rồi quặt lại, sao cho sá thứ 2 đủ “phần đất" cho 4 con đi sau. Nhưng sá thứ 3 phức tạp hơn, phải bước 10 bước mới quặt lại… (Xem hình vẽ). Mình phải nói rõ chuyện này, vì người không trải qua, khó hình dung.

Riêng chuyện “bước 10 bước" ở đầu bờ, đã thấy lãng phí thời gian, sức lực… Nên nhà địa chủ cũng thường sử dụng bừa 2 trâu là hợp lý. Chuyện chỉ huy 5 con trâu bừa ruộng HTX làm mình nổi tiếng, báo chí chụp hình, quay phim tuyên truyền “tính ưu việt", khí thế cách mạng của làm ăn tập thể!... Ông Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Phan Kế Toại… nhiều quan chức to, nhỏ về tham quan học tập, “điều nghiên"...(Năm 1959 ông Lê Duẩn cũng về, nhưng lúc đó chỉ biết có ông Ba chứ dân chưa biết ông Lê Duẩn).

Đầu năm 1958 thì nhà văn Đào Vũ dẫn một nhóm văn nghệ sĩ về “thực tế" ở HTX Vũ La. Nhóm có nhà thơ Tú Mỡ, Hoàng Tố Nguyên, nhà văn Hoàng Tích Linh, hoạ sĩ Sĩ Ngọc. Sau này các văn nghệ sĩ, nhà báo lui tới thăm HTX Vũ La nhiều lắm. (Chuyện này mình đã có một bài viết riêng).

Nhà văn Đào Vũ ở nhà mình 6 tháng, được mình hướng dẫn cày, bừa và truyền đạt những kiến thức về “con trâu đẹp" như bố đã dạy mình. Mấy thứ đó vào đầu nhà văn chế biến trong truyện “Cái Sân Gạch", “Vụ lúa Chiêm" thì ly kỳ lắm. Nhất là chuyện con trâu nhà mình húc nhau mấy trận. Thực ra nó rất hiền, nhưng khi bị con trâu đực khác khiêu khích, nó mới choảng cho một trận tơi bời. Nhà văn Đào Vũ có được chứng kiến một trận và ông khoái chí mô tả mở đầu “Vụ lúa chiêm"...

Con trâu đực nhà mình được bố mình thương quý như đứa con: Mỗi buổi cày bừa xong lại bóp vai cho nó; mỗi ngày cày bừa xong phải tắm rửa cho sạch sẽ, da nó đen bóng; trước khi cho vào chuồng, ông đều xem xét kỹ, xem có con đỉa nào bám vào người trâu không; mùa đông ông đun nước ấm cho trâu uống, cho ăn thêm cám; có khi còn nấu cháo cám, gạo, rau cho thêm muối cho trâu ăn. Mùa đông ông rải rơm, rạ cho trâu nằm; mùa hè tối hun muỗi chuồng trâu rồi cho trâu vào và buông mành chắn muỗi cho nó ngủ....

Thế mà HTX quyết định CÔNG HỮU HOÁ tất cả trâu bò, ruộng đồng, ao hồ… Tất nhiên khi công hữu hoá, HTX có bày ra trò (trên chỉ đạo) phải bình giá từng thửa ruộng, từng con trâu để sau này HTX giàu lên sẽ hoàn trả tiền cho các gia đình. (Nhưng khốn nỗi HTX ngày càng lụn bại, tay làm không đủ hàm nhai, “trên răng, dưới dái", lấy gì mà trả!? Thế là tất cả coi như mất trắng.

Bố mình uất ức và buồn lắm. Ông đã nhìn thấy chuyện “cha chung không ai khóc" là hỏng hết; thấy “mấy thằng ban quản lý HTX chúng nó có biết làm ăn gì đâu"! “Thằng P. làm chủ nhiệm là cố nông, đi ở cho địa chủ, nhưng nó chỉ biết ở nhà điếu đóm, mồm mép, hầu hạ các chiếu bạc, chứ có biết cày bừa, đồng áng gì đâu"! Ông thương nhất, đau nhất là con trâu. Có lẽ ông thương con trâu hơn cả mấy thằng con đang hăng hái về hùa với cả làng, cả nước này điên rồ ồ ạt vào HTX.

Anh mình, hơn minh 4 tuổi cực kỳ hăng hái cách mạng, bỏ làm rèn với bố để chạy máy bơm cho HTX và ủng hộ cả bộ đồ rèn để lập ra “xưởng cơ khí" của HTX. Anh rất thông minh và hiến dâng hết sức lực, nhiệt tình tuổi trẻ cho công cuộc HTX nhưng nào có cứu vãn được nó!… Anh là nhân vật Trọng trong “Cái sân Gạch".

Còn bố mình, nhà văn Đào Vũ gọi là Lão Am và gán cho ông “bản chất bảo thủ, tự tư tự lợi, dao động của tầng lớp Trung nông”; ông “bí mật dắt trâu đi khảo giá" (!?). Ông mà biết Đào Vũ bịa chuyện này thì ông quát cho một trận và đuổi thẳng cổ! Ông rất nóng tính, bộc trực. Bây giờ mới càng hiểu bố, thương bố và ân hận. Bố đau buồn, bất lực và cô đơn giữa các con trong gia đình mình, cô đơn giữa mênh mông cõi đời!

Có một niềm an ủi là mình đã nghe bố, bỏ HTX, đi học sư phạm cuối năm 1958. Những năm làm giáo viên, cũng hay gặp trò chuyện với bố. Việc mình làm Hiệu trưởng và yêu cô Thuận, bố thấy hài lòng.

Bố mất năm 1963. Còn con trâu ngày càng gầy yếu, tiều tụy. Năm 1965 nó ngã gục trong khi kéo xe bò chở gạch về xây trụ sở HTX. Người ta đem làm thịt nó. Bố đã không phải chứng kiến cảnh đau lòng này.

Không chỉ CCRĐ mà HTX cũng phá nát hết mọi mối quan hệ xã hội bền vững của gia đình, xóm làng, xã hội; không chỉ con người khổ ải, tị nạnh ganh ghét nhau, mà con trâu bò, ruộng đồng cũng đau đớn; vì lớp người sau này họ không còn biết thương xót ruộng đồng, thương xót người nông dân chân chất muốn gắn bó với đồng ruộng.

Ngày nay “con trâu là đầu cơ nghiệp" đã đi vào lịch sử. Nhưng những câu chuyện về nó vẫn là những bài học không hề cũ cho những ai có trái tim biết cảm xúc và cái đầu biết suy ngẫm.

(PS: Hình con trâu minh hoạ, gần giống con trâu nhà mình, nhưng thấp bé hơn).

Có thể là hình ảnh về động vật và ngoài trời

19/2/2021

MVT

Nguồn: FB Mạc Văn Trang