Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 9 tháng 2, 2021

Chân dung văn học trong Viết & Đọc Mùa Đông 2020

Đỗ Quyên biên soạn

*

NGUYỄN QUANG THIỀU:

ĐỖ QUYÊN CẦN THƠ CA HAY THƠ CA CẦN ĐỖ QUYÊN

Tôi sẽ không kê khai bất cứ một mảnh tiểu sử nào về nhà thơ Đỗ Quyên. Bởi tôi biết rằng, nếu làm như thế thì có cảm giác Đỗ Quyên sẽ biến mất ngay lập tức.

Hãy để Đỗ Quyên lang thang trong tôi như ông lang thang trong thế giới phi biên giới của thơ ca. Một con cá sẽ chết khi rời nước. Và Đỗ Quyên sẽ tàn lụi khi rời khỏi thơ ca.

Đỗ Quyên viết nhiều thể loại. Nhưng tất cả vẫn không ra khỏi cái vòng "kim cô" mang tên thơ ca.

Thế giới cần có những nhà thơ như Đỗ Quyên không phải để xác định một trào lưu, một khuynh hướng hay một thành tựu nào đó mà để tin rằng thơ ca không bao giờ rời bỏ con người.

Tôi đã từng tự hỏi: Vậy Đỗ Quyên cần thơ ca hay thơ ca cần Đỗ Quyên? Hỏi vậy nhưng tôi không thể trả lời. Bởi nếu cất lên câu trả lời ở một dạng thức nào đó thì tôi trở thành một kẻ sai lầm ngay lập tức.

Viết & Đọc số này giới thiệu với các bạn nhà thơ Đỗ Quyên. Mà thực ra không phải sự giới thiệu. Vì nếu giới thiệu ông, chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Viết & Đọc muốn để Đỗ Quyên đi qua những trang sách này như ai đó từng thấy Đỗ Quyên đi qua trong cuộc đời vô tận và trên con đường của thi ca không bao giờ có đoạn kết thúc.

Hãy để mọi thứ thật tự nhiên về Đỗ Quyên. Mà hình như làm vậy, Đỗ Quyên mới hiện ra.

*

ĐỖ QUYÊN:

VỚI NGUYỄN ĐÌNH THI, TÔ HOÀI, VÕ PHIẾN, NGUYỄN TUÂN...

1.

Khởi hứng gần của bài đây là từ bài "Bác Nguyễn Đình Thi" trên Facebook của Hữu Việt, khoảng tháng 4/2020.

Đó là chân dung không về con người nghệ sĩ, con người thời cuộc, mà về người thường đời thường. Các tiểu tiết bình thường về "VIP" đứng đầu nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại và đương đại qua ống nhòm cận cảnh từ một thanh niên đang du học ở Liên Xô trong chặng cuối của đất nước này. Thân phụ của tác giả là Hữu Mai cũng là một VIP, chiến hữu - văn hữu cùng trang lứa với nhân vật, nên lối tiếp cận ở thế thân thuộc con cháu trong nhà.

Bài hay, ở các chi tiết sinh động mà giản đơn. Chỉ tiếc được viết từ chừng 30 năm trước; giá có thêm tí quan sát khi tác giả đã thành "người nhớn", đã là nhà thơ, dịch giả "có số". Ấy nhưng lắm khi giữ trinh nguyên lại hóa hay? Cái trò viết lách quả khó nói.

Trên FB của mình Hữu Việt còn phác họa vài chân dung khác. Cách kể đều giản dị, kiểu "có sao nói vậy người ơi" nhưng là những chắt lọc đáng giá. Về các văn thi sĩ Tô Hoài, Đỗ Chu, Võ Thanh An...

Bài tôi khoái nhất là về Đỗ Chu – người được coi đã có nếp văn tài hoa ngay từ 17 tuổi. Giọng điệu sáng gọn, chi tiết tinh kỹ. Bàn việc khủng long cứ như chuyện chuột nhắt.

2.

Chân dung văn học? Nên chăng cần dùng thuật vẽ chân dung của người Tàu: Giống mà lại không giống, không giống mà lại giống.

Có 1001 cách viết chân dung nhà văn, nhưng cứ như tôi ngó nghiêng thì cần ít nhất một tiêu chí để được gọi là chuẩn: Dễ nhận ra lúc đọc và dễ nhớ lại về sau. Đúng sai hay dở, thật ra không trọng lắm đâu. (Trừ khi viết chân dung văn học để nộp... tòa án!)

Là tôi thấy thế. Cái nhìn của con người ta về ai đó, nhất là về các VIP, thường chủ quan và cố thủ theo quan niệm nhân sinh, quan điểm thời cuộc, tiêu chuẩn nghệ thuật liên hệ với VIP ấy. Dăm ba "chân rung chân rinh" do kẻ khác vẽ vời bày đặt dễ gì thay đổi?

Nhưng nói thật, tôi là tôi chẳng hề ham viết chân dung. (Mỗi khi có văn thi hữu thâm tình nào thăng hà, tôi sợ lắm. Thật đấy. Phải viết gì đó về bạn mình vừa sang sông khuất núi là sở đoản nơi kẻ tối nằm sợ kéo cẳng này. Các văn hữu thân, các thi hữu thiết của tôi ơi, đừng ai... chết nha! Văn nghệ sĩ chúng ta cứ sống nhăn sống nhở với nhau là ổn nhất.)

Vì sao tôi sợ viết chân dung? Vài lý do...

Một "ông thần" truyện ngắn là K. Paustovsky từng dạy: "Đối với nhà văn ký ức hầu như là tất cả. Ký ức [...] như một cái sàng màu nhiệm, ký ức gạn lọc lấy những gì quý giá nhất. Bụi bẩn và mủn ải bị gió xáo sới lên rồi cuốn đi, còn lại trên mặt đất là những hạt mẩy vàng. Và chỉ từ những hạt mẩy vàng đó thôi mới có thể tạo nên những tác phẩm nghệ thuật." (Lê Hoàng dịch)

Chân dung văn học thì tốn "những hạt mẩy vàng đó" lắm lắm; trong khi làm thơ, viết truyện lại cực cần các thứ quý mà chân dung nuốt tọt vào. Các ký ức, tư liệu thường có thói đỏng đảnh: Cái nào đã được xài rồi, quyết không chịu nước xái, thành đồ thứ cấp. Ta ráng dùng lại, dí vô đâu đó, nó kháng cự; không bật ra nổi trong văn bản thứ hai nó nằm đó ủ mưu quậy phá.

A, tôi còn nhòm ra, người viết chân dung nhà văn cần đôi ba cá tính độc đáo. Khó diễn giải nhỉ? Sẽ thỉnh ba VIP lớn làm tỷ dụ: Tô Hoài, Nguyễn Tuân và Võ Phiến.

3.

Tô Hoài, dường như không chủ tâm "viết chân dung" một cách riêng biệt. Ấy thế các hồi ký, bài vở, thậm chí sáng tác phi hư cấu của ông có nhiều "bức chân dung" không ai phác họa nổi.

Chỉ coi cuốn Chiều chiều là rõ. Thuật của người Tàu – giống mà lại không giống, không giống mà lại giống – như được nhà văn đầu bảng ấy thực thi kỳ cùng.

Đọc các chân dung của Tô Hoài, lần đầu bạn thường không ấm a ấm ức thì cũng tấm ta tấm tức. Đúng không nào? Hiểu được đầu cua tai nheo các nhân vật của Tô quân, chết liền! Tôi dám cá. Kẻ nông sẽ nghĩ, quả là ông thần này bị làng văn coi là khôn lỏi, láu cá chợ Bưởi ngoại ô. (Thì vẫn, theo Yên Ba, "Có người bảo ông khôn, có lẽ là do nụ cười [...] cuốn hút người ta, tưởng như đã bộc bạch tất cả mà lại thật kín đáo").

Các thông tin qua cách kể của Tô Hoài, kẻ ngu lâu là tôi, trong những lần đầu đọc, thấy không điêu điêu thì cũng điệu điệu. Và ngược lại, chẳng điệu điệu ắt phải điêu điêu. Thời Tây dân ta gọi là ấm ớ hội tề. Rồi càng đọc lại (ủa, không đọc lại Tô Hoài còn biết đọc lại ai nữa?) càng khoái. Khoái cái vi diệu của nghệ thuật tả người kể việc, tả việc kể người của một nhà văn từng tham gia như là một VIP quan trọng mà ẩn mình khi cầm đầu nắm bút ngang dọc làng văn Bắc Hà 6-7 thập niên qua. Tỷ như các đoạn Tô Hoài viết về Đặng Đình Hưng, tôi thống khoái. Điêu + Điệu = Diệu!

Nhưng lối chân dung hóa của Tô tiên sinh ắt không dành cho giới ngoại đạo văn chương. Trong đó toàn là những "tiếng chim hót trong bụi mận gai", đâu phải các bài ca phát ra ầm ầm trên Youtube hay oang oang trong Karaoke.

Tóm, dù có thể không điển hình nhưng một bài học lớn từ bút họa bởi Tô Hoài: Người viết chân dung, ít nhất, cần khéo và khôn. Và nhiều nhất, chớ tự kiêu, tự cao quá (tự kiêu vừa vừa, tự cao phai phải thì ôkê salem). Cốt nhất phải tự trọng. Vâng, tự trọng.

Tô Hoài là văn sĩ lớn, đã đành. Có không ít ý kiến khác nhau về nhân cách và văn cách của ông. Với riêng kẻ viết bài này, dù thế nào đó vẫn là một nhà-văn-tự-trọng của nhiều, rất nhiều trang-văn-tự-trọng. (Chú ý giùm: "nhiều, rất nhiều" khác nhiều, rất nhiều với "tất cả"!) Đáng kể ở hai vùng trũng nhất trên mặt bằng văn chương Việt Nam hiện đại là Nhân văn - Giai phẩm Cải cách ruộng đất.

4.

Tỷ như Nguyễn Tuân, dù VIP lớn ấy dường như hy hữu viết về ai ngoài về chính bản thân mình? Với bổn tính tự kiêu tự cao giàn giời của mình tay tùy bút tuyệt đỉnh đó không nên dính vào mảng chân dung văn học. Là tôi mạo muội nghĩ thế. Bút thần quẹt đâu cũng vi diệu, miễn tâm đắc. Đọc bài viếng khóc của Nguyễn (về Vũ Trọng Phụng), hoặc những gì đó khi cụ nhận diện đồng nghiệp về con người tác giả, chắc chắn không ai là không vị nể.

5.

Và, tỷ như Võ Phiến, một VIP Khủng về tùy bút và chân dung của văn chương Việt. Cụ Võ như thủ cả hai cặp cá tính đối chọi mà cụ Tô và cụ Nguyễn phải chia nhau: Khéo và khôn lắm lắm; tự kiêu, tự cao giàn giời.

Hai kho tàng tùy bút bởi Nguyễn quân và Võ quân – người Bắc người Nam – lưu giữ một nửa hồn chữ nghĩa Việt, vía tâm tính Việt; một nửa nhường lại cho các nguồn tùy bút Việt hiện đại và đương đại.

Và đôi điều nơi tùy bút của Võ quân còn thoải mái trong lòng đông đảo quần chúng hơn tùy bút của Nguyễn quân: Văn phong gần gụi; trào lộng dí dỏm; đề tài rộng khắp mà cụ thể...

Dưng mà... e hèm... Các chân dung văn học – mảng cụ Võ róng riết chuyên tâm còn hơn cả truyện ngắn vốn làm nên tên tuổi cụ thuở ban đầu – thì... Nói sao đây? Có không ít cái thậm tệ dễ làm hư hỏng nhiều cái chuẩn cái siêu. Vụ việc ấy từng gây nảy nhiều tranh cãi triền miên như một trong các xì căng đan không hề bé giữa làng văn ngoài nước nhiều chục năm nay.

Nếu các phác họa chân dung văn học thậm tệ đó được đi vào hồi ký, hay kiểu như sách Chiều Chiều của cụ Tô thì ôkê con tê tê. Đằng này không ạ! Nhiều phác họa chân dung chen vai ních cánh trong một bộ tuyển văn học miền Nam, làm nền tảng tư liệu lẫn ngọn nguồn cảm hứng cho văn học Việt ngoài nước hơn 30 năm qua. Tức là nó quan yếu cho văn chương Việt Nam nói chung.

"Cho đến nay, ông là người duy nhất viết phê bình về văn học miền Nam từ năm 1954 đến 1975 một cách toàn diện và có hệ thống." (Nguyễn Hưng Quốc). Thế nên, "Lối viết châm biếm, mỉa mai (đời), ưu điểm của tùy bút nơi ông, lại trở thành châm biếm, mỉa mai (cá nhân), điều tối kỵ trong phê bình văn học. Một cách phê bình như thế, không những không giúp gì cho sự tìm hiểu văn học miền Nam, mà lại còn có hại cho sự nghiệp văn học của Võ Phiến." (Thụy Khuê). Tiếc lắm ru!

6.

Tiếp tục chân dung Nguyễn Đình Thi... Cũng nên dùng cái câu ai đó dành cho VIP Trịnh Công Sơn hay VIP Phạm Duy: bàn bao nhiêu cũng thiếu, luận bấy nhiêu bằng thừa!

Nguyễn Đình Thi. Điều khó nhất trong một "chân dung chuẩn" với ông là gì? Thiển nghĩ, là sự giao thoa giữa con-người-cá-nhân con-người-nghệ-thuật của nhân vật nghệ sĩ kiệt xuất này qua sự tương đồng dị biệt ở các thành tựu với năm bộ môn thơ - văn - kịch - phê bình - nhạc. Các phiên bản khác của chân dung Nguyễn Đình Thi, đó là con-người-cách-mạng, con-người-chính-trị, con-người-văn-hóa, con-người-công-dân... đều ảnh hưởng từ đó.

Nếu vậy, có phải vì thế hiếm ai dựng được sao cho sinh động, đầy đủ và xác thực chân dung của vị "VIP" hàng đầu nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại và đương đại?

Nguyễn Đình Thi. Nam cũng như nữ, văn nghệ hay văn giềng, ai đã biết đã nghe mà chẳng... mơ đến. Nói thật, chả hiểu sao, cứ thi thoảng đụng vào việc văn chuyện thơ tôi bỗng dưng lại nghĩ tới nhân vật này, dù ở các sự vụ không liên quan. Nghĩ về những đặc sắc cá nhân. Nhớ về tương hỗ đặc biệt với hoạt động văn nghệ Việt Nam 70 năm qua, ngay cả sau khi VIP nằm xuống... Tức là tôi mơ giữa ban ngày. À, khi làm thơ, phê bình thơ, hễ có cơ hội kẻ ham mơ là tôi lại xướng danh Nguyễn Đình Thi.

Ba tháng trước, trong khi hướng về thảm họa lũ lụt kinh hoàng, tôi lại link thơ của người thơ của mình vào bài thơ "Lại một lần nữa miền Trung em":

"cười ha

hả cười nữa đi em

'rũ bùn đứng dậy sáng lòa'

(thơ Nguyễn Đình Thi vậy)

nữa đi em cười

cho ngày mai ngày mốt

ngưng lũ tan mưa".

Nguyễn Đình Thi. Lần đầu tiên, trong thập niên 1980, tôi được "gặp" thi nhân ở bối cảnh có ba đặc sắc: Một, được nghe thi nhân diễn thuyết về văn chương tại nơi cực sang cả là Ban Lý luận - Viện Văn học (mà tôi khi ấy chỉ là khách ngoại đạo vớ va vớ vẩn không mời cứ đến theo mách gọi của người anh trai làm việc tại đó); Hai, với cự ly rất gần trong một phòng làm việc nhỏ, do tôi ngồi hàng ghế đầu – chừng hai mét (tức ở cảnh giới bây giờ theo luật giãn cách xã hội Covid-19); Ba – điều này mới là trọng – được lĩnh hội từ VIP bài học về tự do sáng tác, sau trở thành "chú tinh trùng đầu tiên" sản sinh các viết lách thơ thẩn văn vẻ của mình.

Đúng ra dạo ấy tôi vẫn thi thoảng được "gặp" VIP Khủng cơ đấy. Nhưng vô tình. Trên phố phường Hà Thành... Vóc dáng ngài cao to như Tây, mặt mũi đẹp tựa tài tử Mỹ, phong độ khác thường (dù ngồi trong xe hơi, hay lái xe máy, đi xe đạp, cuốc bộ)...

Đến với cuộc nói chuyện nội bộ cử tọa chưa tới hai tá người, diễn giả Nguyễn Đình Thi đang ở cương vị đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam. Và, khi cao hứng để minh họa tự do sáng tạo cho văn nghệ sĩ, nhà lãnh đạo lâu nhất và tạo tiếng vang nhất của văn giới Việt Nam đã... bẻ thìa cà phê!

Tới năm 2016, sự việc thật đã đi vào cuốn tiểu thuyết "Trung-Việt Việt-Trung" của tôi. Nguyên mẫu đã trở thành nhân vật Nguyễn Định Chi trong lời thuật của một nhân vật nữ, với người tình là nhân vật nam có tên Thiết Ngôn, như sau:

"Có thể anh nghĩ rằng em mê mẩn trước mỹ học hình thể của một người đàn ông trung niên Việt lai hai đời với ông bà nội ngoại là Pháp và Ấn, rằng em choáng ngợt dưới ánh sáng thông tuệ trên mọi lĩnh vực khoa học nhân văn tỏa ra từ đó? Đúng, và chưa đủ. Hơn cả, em kính phục bản lĩnh văn đàn của người đó.

Phải tả kỹ, hơn là kể. Em mang ly nước chanh đá pha đường vào phòng họp… Ly nước vừa mới được pha chậm rãi, cẩn trọng với niềm mê mẩn cùng sự choáng ngợt. Chiếc thìa ghếch điệu đà trên một dĩa nhỏ riêng, xinh xẻo. Tất cả được xếp đặt hòa nhã trong khay tròn tráng men thanh lịch. Cuộc chuyện hình như đang ở cao trào gì đấy…

Khi em quay nhẹ gót trở ra hành lang và, tới cửa, ngoái nhìn khay nước trên bục diễn giả như một thao tác kiểm tra lại công việc (mà thật ra để chiêm ngưỡng người sắp nâng ly nước lên uống). Thì người bỗng ngưng nói, nhìn chậm từng ánh mắt đang dõi lên; gương mặt người đanh lại rồi bừng sáng và cao giọng như thất thanh: ‘Làm nhà văn, mỗi chúng ta khi không thể nào viết theo bàn tay của mình, chỉ có thể dùng bàn tay còn lại mà… bẻ bút!’

Cả khán phòng đang im như chết bỗng hực lên. Không bởi những tiếng động hay lời nói, mà bởi những luồng hơi thở ra, những tiếng tim đập vào. Một khán phòng đang phục sinh. Rồi, người đột nhiên nhìn chăm chăm về phía em. Không, hai con mắt nâu nâu đau đáu đổ trọn vẹn vào hai mắt em (về sau khi đã thân tình, người bảo với em là ‘nhìn để xin lỗi đang làm điều thất thố trước món quà thơm thảo vừa được đôi bàn tay đẹp mang đến’); và rất nhanh người dùng bàn tay trái bóp cong chiếc thìa chộp được từ trước mặt!

Nếu được làm đạo diễn phim về Nguyễn Định Chi, sau khuôn mặt và dáng vóc, em sẽ phải chọn diễn viên nào có đúng ‘đôi bàn tay Nguyễn Định Chi’. Thiết Ngôn, đã gặp gỡ ông nhiều lần, anh có hình dung nổi bàn tay trắng hồng tưởng chỉ vò nát biết bao búp tay nhỏ dưới mưa, trong khoảnh khắc đã bẻ cong queo chiếc thìa dài đura được làm từ xác máy bay B-52 Hoa Kỳ rơi trên hồ Trúc Bạch?" *)

Vancouver, ngày 7/2/2021

Đỗ Quyên

(Biên soạn từ sách "Viết & Đọc - Chuyên đề mùa Đông 2020" (Nxb Hội Nhà văn, Nhiều tác giả, các trang 231-236; với một số bổ sung từ bài "Chân dung văn học với Nguyễn Đình Thi"

http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/chn-dung-van-hoc-voi-nguyen-dnh-thi/ )