Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2021

Ba ngàn rưỡi quan và quyển séc ngày xưa

Lê Học Lãnh Vân

Tàn bữa ăn sáng, Cô cười vui nói bây giờ mầy còn nghèo, chút nữa ra đi tới chiều trở về thành giàu có rồi. Hôm đó là thứ Ba, bốn ngày sau khi tới Pháp, Vương sẽ tới trụ sở C.I.E.S. (CENTRE INTERNATIONAL DES ETUDIANTS ET STAGIAIRES = Trung tâm Quốc tế Sinh viên và Thực tập sinh) làm thủ tục lãnh tháng học bổng đầu tiên, ba ngàn năm trăm quan Pháp.

Với chút kiến thức mới học hỏi về hệ thống các tuyến bus và metro, về cách mua vé, anh hăm hở ra đường thật sớm, bắt chuyến bus đầu tiên hướng về Drancy để vào Paris. Tuân thủ từng chi tiết trong tờ giấy ghi kỹ càng các chuyến bus cần bắt, trạm metro cần xuống hay lên, anh tìm tới trụ sở C.I.E.S. không khó lắm.

Bước vào quầy làm việc đầu tiên, vừa nói tên, đưa passport ra, anh chàng cao ráo, da trắng, tóc đen gõ máy tính và tất cả các chi tiết về Vương, về học bổng hiện lên. Chao ôi, sao mà thần kỳ dữ vậy. Ở Việt Nam, đầu những năm 1980 Vương đã bập bẹ học máy vi tính rồi, đã học cách lập trình đơn giản rồi, đã nghe nói về vi tính hóa công việc rồi, nhưng mình mới từ Việt Nam qua mà bên Pháp họ đã biết hết chi tiết như thế này thì thiệt là đáng ngạc nhiên, đáng khâm phục.

Cầm ba ngàn năm trăm quan Pháp, số tiền rất lớn với anh, Vương vào nhà vệ sinh, lấy ba tờ một trăm quan, hai tờ năm mươi quan bỏ vào bóp, rồi cuộn tròn xấp tiền còn lại, cho vào bao nylon chuẩn bị sẵn, ràng dây thun, để vào túi của quần trong. Anh cẩn thận bấm nút khép túi.

Vương hỏi đường tới Bưu Điện. Lấy phong thơ đã viết sẵn cho gia đình tối hôm qua, Vương kín đáo đặt vào đó tờ một trăm quan, dán kín và gởi đi. Nếu gia đình báo tin nhận được tiền, từ đó về sau mỗi tháng Vương sẽ gởi về 200 quan, khoảng 30 đô la Mỹ, cùng với đồng lương của chị Ba đủ cho gia đình bên Việt Nam sống thoải mái.

Bên ngoài, cảnh đường phố Paris thật đẹp. Rất muốn lang thang, nhưng lúc đó đã quá 14 giờ trưa, và cũng lo lo vì số tiền lớn trong túi, anh tiếc nuối bắt xe trở về Le Blanc Mesnil.

Việc đầu tiên là trả hai trăm quan cho Thầy Cô.

- Tao nói mầy giàu, bộ mầy tưởng mầy giàu thiệt hả? Cất tiền đi, mai mốt phải xài nhiều. Hai trăm đó tụi tao tặng mầy lúc mới qua.

Thấy cách cất tiền của Vương, Cô nói vậy còn chắc ăn hơn bà già quê để trong ruột tượng. Bên này thỉnh thoảng cũng có móc bóp, mà bóp để hơ hỏng trong túi kìa, chớ tiền cất như mầy làm sao mất được.

Hôm sau, thứ Tư, Vương lại chuẩn bị vào Paris. An tâm với số tiền được giữ kín, anh thực hiện ý định thăm thú vài nơi trong Paris trước, sau đó mới bắt metro về hướng Nam, tới thành phố Orsay để mở tài khoản trong một phòng giao dịch của nhà băng B.N.P. (Banque Nationale de Paris = Ngân hàng quốc gia Paris) nằm gần trường Paris-Sud.

Bước nhanh lên các bậc thang dẫn ra khỏi hầm métro, Vương thấy những chiếc lá vàng lăn nhẹ nhẹ trên lề đường rộng rãi. Ngay góc đường, sau tàn lá đỏ vàng, anh nhận ra quán cà-phê Les Deux Magots màu xanh sậm, mới gặp lần đầu mà rất quen thuộc tưởng đã lui tới từ lâu. Quán như được lấy ra từ một trang sách nào.

Cảnh đẹp se sắt nhưng Vương không ngồi ngoài lề đường ngắm mùa thu mà bước vào trong, chọn một bàn ngồi nhìn lên bức tượng Trung Hoa làm nên tên gọi và hình ảnh của quán. Dù biết quán là nơi các thế hệ văn nghệ sĩ nổi tiếng lui tới từ cuối thế kỷ XIX, và đó cũng là lý do anh tới nơi này, Vương không cảm nhận lòng hoài cổ. Anh quan sát cách phối màu sắc xanh vàng, cách sắp xếp bàn ghế, cách trang trí tường và góc nhà, đắm mình trong không khí những người sành điệu, kín đáo quan sát cách họ trò chuyện, cách họ nâng tách cà phê. Bàn bên, hai người trẻ phương Tây hôn nhau say đắm. Bỗng dưng Vương nhớ người thầy dạy triết lớp 12, nhà văn và nhà giáo triết học Nguyễn Xuân Hoàng. Vài năm trước, khi thăm ông tại căn nhà trong con hẻm bên hông rạp Quốc Thanh, ông nói với anh về Buồn Nôn và Simonne De Beauvoir.

Ly cà phê giá mười hai quan Pháp, một cái giá quá đắt với người năm hôm trước còn ở xứ nghèo Việt Nam và tới Pháp chỉ có vỏn vẹn bảy quan trong túi. Cũng quá đắt so với giá một tách cà-phê thông thường khoảng ba quan rưỡi. Vậy mà Vương lại thấy nhẹ nhõm, khoan khoái…

Vườn Luxembourg với những chiếc ghế dọc lối đi trải sỏi rộng và dài, dưới tàn cây, bên dãy tượng trầm mặc. Hàng cây hai bên đài phun nước Médicis đã thả lá vàng trang điểm mặt hồ giờ như tấm gương hồng lộn bóng tàn cây. Gió hiu hiu mà lạnh, tòa nhà Thượng viện nổi bật trên nền mây trắng với vài mảng trời xanh còn sót lại...

Ngồi xuống một chiếc ghế, Vương mở ba-lô lấy hộp đựng bánh mì, vài miếng jambon, phô mai vừa nhâm nhi món ăn Tây, vừa thưởng thức cảnh vật. Giữa vườn Luxembourg, ngạc nhiên thay, Vương không cảm xúc thấy cậu học trò bé con nhẩy nhót băng qua vườn đi học như tưởng tượng, chỉ thấy vườn vắng, vài người lớn tuổi dắt tay từ tốn đi dạo. Thỉnh thoảng một hai người mặc veste, đầm, áo khoác sẫm màu xách cặp rảo bước. Cảnh mùa thu này trong khu vườn này đã từ các trang sách về mỹ thuật châu Âu bước ra và ẩn nấp trong ký ức tự bao giờ để hôm nay lòng anh nhẹ nhàng hoài cảm. Con đường này, hàng cây kia, hồ nước nọ cùng lâu đài tráng lệ được xây dựng và sắp xếp đã hơn ba trăm rưỡi năm vẫn còn hòa hợp với người nay.

Lúc đó mới khoảng mười bốn giờ trưa…

Theo lịch làm việc, cuối tuần này Vương sẽ tới tòa cao ốc của C.I.E.S. tại thành phố Massy nhận phòng ở, và thứ Hai tuần sau tới trường đại học Paris-Sud bắt đầu làm việc. Anh sẽ tới phòng giao dịch của B.N.P (Banque Nationale de Paris) gần đó mở tài khoản.

Nhưng sự tò mò cùng với lòng háo hức khiến Vương quyết định tới trường Paris-Sud tại thành phố Orsay ngay trong ngày hôm đó. Orsay cách nơi anh đang ngồi khoảng hai mươi cây số, cầm xấp vé tháng metro đã mua hôm qua, với thái độ tự tin pha một chút mạo hiểm, anh rảo bước xuống hầm metro…

Đang lững thững bước xuống những bậc thang, Vương giật mình vì một đợt người ào ào lướt ngang. Quay đầu lại, lần đầu tiên Vương chứng kiến những chàng Tây râu quai nón, nghiêm túc áo veste, cà vạt nhảy vài bậc thang một lượt, những cô đầm tay xách cặp, tay xách váy tuôn chạy. Nhìn xuống sân ga thấy đoàn tàu metro vừa dừng lại, anh chợt hiểu, những người kia vội vã cho kịp chuyến, để không phải đợi chuyến sau chỉ cách khoảng năm hay mười phút. Đó cũng là lần đầu tiên hiển hiện trước mắt Vương hình ảnh sinh động của một quốc gia tiến bộ, giàu có với người dân trân quí từng giây phút làm việc.

Dán mắt vào cửa kính metro, khi thì toa xe chui xuống hầm tối, khi thì xuất lộ dưới ánh sáng chói chang, đường sá phố phường đô thị ngăn nắp, khu nhà chung cư nấp sau mảng xanh, vườn hoa mênh mông xa xa đẹp não nùng điểm từng khóm cây như trong tranh thủy mạc, rồi quang cảnh giãn ra, nhà cửa rộng rãi, chen giữa vạt cây xanh vàng đỏ đẫm sắc thu trên thảm cỏ rộng hút tầm mắt.

Anh chàng Pháp râu quai nón từng qua Việt Nam trong phái đoàn trường Paris-Sud, đón Vương tại nhà ga Orsay, nét mặt rạng rỡ, hai tay mở rộng ôm choàng Vương reo lên, cuối cùng anh cũng tới đây với chúng tôi, những giây phút khó khăn đã qua rồi, qua luôn rồi. Chở Vương dạo một vòng ngắn khuôn viên trường, người bạn Pháp nhanh chóng đưa Vương vô trung tâm thành phố Orsay tới phòng giao dịch.

Đã mười sáu giờ trưa. Mở tài khoản xong, ngân hàng B.N.P. giao Vương quyển séc (carnet de chèque). Lật vài trang bỗng bàng hoàng, quyển séc này nhìn thoáng qua không khác gì quyển séc anh từng cầm trên tay mười hai năm trước, khi xã hội Sài Gòn, nơi anh sống, được tổ chức như Paris.

Ngày ấy, gia đình Vương có một tiệm thuốc tây, một tiệm thuốc tây bình thường như những tiệm thuốc tây khác. Gia đình mở tài khoản tại B.N.P. mà Vương còn nhớ trụ sở đặt gần bùng binh Quách Thị Trang. Năm lớp 7, dự thi Đố vui để học, Vương được Thần Tài Tín Nghĩa tặng một sổ tiết kiệm một ngàn rưỡi đồng, số tiền khá lớn với một học sinh. Năm lớp 11, Vương dạy kèm Anh văn, năm đầu đại học làm thêm thông dịch viên, số tiền anh kiếm được gia đình không dùng mà tiếp tục bỏ vào sổ tiết kiệm cho anh. Anh cũng có một tài khoản vãng lai và quyển séc mà Vương nhớ chưa từng dùng tới trang nào. Bà Trọng nói tiền đó để dành sau này làm vốn đầu đời mở phòng mạch khi con tốt nghiệp bác sĩ. Toàn bộ tiền trong ngân hàng bị quốc hữu hóa sạch sau tháng tư năm 1975. Thay cho quyển séc, Vương quen dần với những tấm tem phiếu khi anh tới lãnh thịt, cá, gạo… tại kho của hội Trí Thức Yêu Nước Tp HCM, góc đường Nguyễn Thông – Tú Xương.

Hôm đó, trong phòng giao dịch BNP Orsay, cầm quyền séc, Vương có cảm giác hồi sinh.

L.H.L.V.

Nguồn: Diễn Đàn Forum, ngày 04/12/2020 - https://www.diendan.org/sang-tac/ba-ngan-ruoi-quan-va-quyen-sec-ngay-xua

Bài 1a - Ngày Ra Đi – Rời Nhà (http://vanviet.info/van/ngy-ra-di-roi-nh/)

Bài 1b - Ngày Ra Đi – Cất Cánh (http://vanviet.info/van/ngy-ra-di-cat-cnh/)

Bài 1c - Ngày Đầu Tiên Tại Paris (http://vanviet.info/van/ngy-dau-tin-tai-paris/)

Bài 1d – Ngày Thứ Hai Tại Paris (https://www.diendan.org/sang-tac/ngay-thu-hai-tai-paris)