Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 297): Bể dâu – Nam Dao (16)

Cửa vừa mở, Huyền reo lên, gọi tên Nhân rồi ồm chầm lấy con. Nhìn mẹ, Nhân rưng rưng nước mắt. Huyền gầy gò, tóc đã bạc, khắc khổ tạc vào khuôn mặt cương nghị những nét đẽo của một định mệnh khắc nghiệt lạ lùng. Ðưa tay lên lau nước mắt, Huyền lại mím môi, phản xạ vô điều kiện của một đời sóng gió. Nhìn quanh, Nhân không thấy U già. Cũng không Dao Ánh. Chỉ bé Quỳnh từ bếp bước lên nhà trên.

Huyền bảo bé Quỳnh đi ngay lên chợ Tân Ðịnh báo tin cho Ánh. Dăm ba năm trở lại đây, Ánh tiếp tục bán thuốc tây. Phần Huyền, nàng khai bệnh rồi rút mình thu vào như loài nhím, tránh không quan hệ gì với bất cứ ai. Nhân hỏi, Huyền báo U già đã qua đời năm kia, chôn ở nghĩa trang Gò Vấp. Nàng ngậm ngùi, dặn Nhân đợi đến ngày rằm sắp tới sẽ cùng lên thắp hương cho U và cho chú Hoàng. Nhân ngạc nhiên nhưng lòng chớm một chút vui. Thế là mẹ đã giải được một nút thắt oan uổng xưa buộc đời mẹ vào đời chú.

Nhân lên phòng. Mẹ chàng vẫn để căn phòng hệt như xưa, giữ rịt ngày tháng trong một không gian đóng kín không mảy may thay đổi. Chàng chợt thấy mình trong gương. Chồm đến gần nhìn vào, chàng dần dần nhận ra mình và cảm thấy thương thân. Dăm nét nhăn đã kéo đuôi mắt chàng về chân tóc ở thái dương, hai bên mép nét hằn chạy xuống cằm ghi dấu vết của cả một thời vắng những nụ cười. Không, Nhân tự nhủ, không làm gì chống được thời gian. Và căn phòng của chàng dẫu không thay đổi cũng chẳng thể đánh lừa cái qui luật sinh tử vô thường. Huyền lên đứng sau lúc nào mà Nhân không hay. Cầm cho con một cốc nước, nàng đặt lên chiếc bàn xưa Nhân dùng làm bàn học, nhỏ nhẹ nói:

- Mợ thu xếp để con và Ánh ở phòng này. Bé Quỳnh xuống ngủ với bà. Phòng của Lương, nay mợ để bàn thờ!

Thật lạ, xưa nay mẹ có bao giờ đặt bàn thờ trong nhà đâu. Nhân nhìn, chưa kịp hỏi thì Huyền tiếp:

- Con đi thắp hương cho những người quá cố với mợ...

Theo chân mẹ, Nhân bước vào. Trên những cái kệ bắt vào tường, có ảnh bà ngoại, ảnh chú Hoàng, U già, mẹ của Ánh và một người đàn ông lạ. Ảnh màu vàng ố, là loại ảnh rất xưa được phóng lại, Nhân đoán là ảnh cha mình. Tin mẹ Ánh mất, chàng đã được báo gần ba năm, trước khi Ánh đi thăm nuôi mình ở trại Vĩnh Quang. Về Huế chôn cất cho mẹ, từ thuở đó Ánh không đặt chân trở lại. Còn chú Hoàng? Nhân nhớ đến khi chú qua đời, đến đưa ma chú mà mẹ cũng không đi. Mười hai năm liền, mẹ không nhìn mặt chú, coi như chú chết ngay từ lúc mẹ dọn nhà mang theo Nhân và Lương. Mẹ cấm cửa chú, chỉ để U già mang cơm nước cho chú từ ngày chú lâm bệnh. Tiếng thét của mẹ ‘‘Ðàn ông chi mà vậy’’ thuở Nhân còn thơ lại văng vẳng bên tai. Nhìn mẹ, Nhân hỏi, giọng dịu dàng. Huyền buồn bã kể đó là năm Huyền được báo cha chàng sống chứ chẳng phải đã chết như chú Hoàng nói. Mắt nhìn xa xăm, Huyền chậm rãi:

- Chú Hoàng đeo đuổi mợ từ năm 45, thời giành chính quyền. Bà cô chú lừa mợ đi Nam để chú đi theo. Sau khi biết không có Tổng Tuyển Cử năm 56, chú đợi thêm hai năm, nằng nặc đòi cưới mợ, bảo cha con đã chết rồi... Mợ tưởng thật, về với chú thì ba năm sau, ‘‘người ta’’ đến đưa cho mợ một bức thư của cha, nhưng là một bức thư giả mạo. Cũng năm đó, ‘‘người ta’’ bỏ cha con vào tù, tội danh không có gì rõ ràng. Con còn một người chú, tên Văn, hiện là linh mục Tín ở Hưng Nguyên. Gặp chú, mợ biết cha được thả quí cuối năm 72. Cái lý do ‘‘người ta’’ bắt cha con đi tù là cha không theo ‘‘họ’’, chống lại việc giải phóng miền Nam bằng quân sự. Cha chết, có lẽ chết vì tuyệt vọng không thấy được hòa bình khi Mỹ tái oanh tạc miền Bắc. Bà ngoại chôn cha, rồi vài tháng sau thì đến lượt bà...

Nhân ứa nước mắt. Với cha và bà ngoại, thậm chí đến cái bóng Nhân cũng không có. Nhưng mẹ mình và chú Hoàng. Cuộc đời cả hai bị xới tung lên, ngổn ngang, đổ vỡ là vì sao? Không cầm được lòng, Nhân nghẹn giọng:

- Sao mà ‘‘họ’’ ác thế! Ác thế để làm gì?

Huyền lẩm bẩm:

- Ðể làm gì? Trước hết, là nhằm triệt tiêu tất cả những người kháng chiến cũ ‘‘họ’’ biết là đã rõ thủ thuật của ‘‘họ’’ nên có khả năng đối kháng. Sau, như trường hợp mợ xung vào làm tình báo nội thành thì như lên lưng cọp, chót cưỡi nên không có cách nào xuống được. Nhưng đừng tưởng ‘‘họ’’ tin mình. Ðến như Tư Trọng, Thiếu tướng và là Thứ trưởng Bộ Công An cũng bị tạm đình chỉ công tác để điều tra. Ngày ra Bắc, mợ sợ, không dám thăm hỏi gì!

Huyền thở dài, mắt nhìn ra xa. Nhân lắc đầu, im lặng. Thình lình, Huyền nghẹn ngào:

- Chính mợ, mợ cũng từng ác, rất ác, ngay cả với chú Hoàng là người thực sự yêu thương mợ. Mợ qui cho chú là thủ phạm khiến mợ phải chia ly với cha con, mất Dân và xa bà ngoại. Cứ thế, mợ trút nỗi căm thù lên chú, năm này qua năm nọ!

Huyền bật khóc, họng tắc lại không nói thêm được. Lòng tràn thương xót, Nhân nhẹ nhàng nắm hai bàn tay mẹ. Từ trước đến nay, chàng chưa bao giờ thấy mẹ mình khóc như vậy. Nhân cảm thấy bất lực. Ngay cả vỗ về mẹ, chàng cũng không biết làm thế nào, chỉ thì thầm ‘‘Mợ cứ khóc, khóc cho hả mợ ạ!’’. Lát sau, Huyền nói như nói với chính mình:

- Cái ác song sinh với thù hận, đến từ sự thiếu hụt tâm linh vì không có niềm tin vào một thế giới khác ở bên kia cuộc sống này. Mợ đã xưng tội, và xin trở lại làm con chiên của Chúa Cứu Thế. Từ khi ấy, mợ không còn hờn oán căm hận gì nữa mà chỉ thấy lòng xót thương vô hạn cho mọi con người, tất cả, không trừ một ai.

Không phải tôn giáo, Nhân thầm nghĩ, là cách duy nhất khôi phục tâm linh để con người trở lại làm người. Nhân từ tốn kể cho mẹ nghe chuyện Dự gấu thương mẹ thay trâu kéo cầy hay cô công an đa tình yêu anh cải tạo, rồi nói với giọng lạc quan:

- Con người vẫn cứ là con người... Yêu thương là một khả năng tự nhiên, khôi phục được ngay ở trong cuộc sống này chứ chẳng cứ cần niềm tin vào một thế giới khác!

Chàng lờ đi không kể cho mẹ nghe chuyến Lương đến thăm mình ở trại Vĩnh Quang. Trong lòng, Nhân rất sợ biết đâu mai này Lương lại sẽ không trở thành loại nhân vật lạnh như kim khí kiểu ‘‘Thép đã tôi thế đấy’’, tên một cuốn tiểu thuyết Liên Xô mà Nhân đã có dịp đọc trong những ngày tù tội.

*

Nghe tiếng cửa sắt kéo lạch xạch dưới nhà, Nhân nhổm dậy, biết là Ánh về. Chàng nhảy ba bước một, xuống đến tầng dưới khi Ánh vừa bước chân vào. Bỏ mặc chiếc xe đạp cho bé Quỳnh giữ, Ánh chạy ào đến, miệng gọi, tiếng líu ríu vấp vào nhau như tiếng chim. Nhân ôm chầm lấy Ánh, mặt úp vào mái tóc dài, tay vuốt ngấn cổ lấm tấm mồ hôi. Ánh ghì lấy Nhân như thể sợ Nhân lại biến đi. Nước mắt chảy dài trên má, cổ họng ậm ực kìm tiếng khóc, nàng lẩm nhẩm ‘‘Lạy trời, lạy trời!’’.

Huyền yên lặng đứng yên, vẫy bé Quỳnh rồi bảo:

- Bà cháu tôi vào bếp làm tí thức ăn. Chiều nay, ăn cơm không độn, tí nữa đi chợ xem có mua được thì làm bát canh Thiên Lý nhé...

Nắm tay Nhân, Ánh bước lên cầu thang, tay kia lau nước mắt, nghẹn giọng:

- Bữa ni mới được khóc, tưởng hết nước mắt rồi!

Nhân theo chân Ánh như đi trong một cơn mộng du. Lên đến cửa phòng, Nhân không nhịn được, xoay Ánh lại, hôn vào mặt, ngoạm vào môi như một kẻ chết đói sống lại vục mặt để ăn, để uống. Người run rẩy tựa lên cơn sốt, Nhân tưởng như ngày nào chàng ghé Huế, đi với Ánh lên lưng núi Tam Thai lộng gió, nhìn về Thành Nội chập chờn trong màu nắng nhạt nhòa. Chàng vòng một tay ôm riết lấy Ánh, tay kia đưa lên vuốt ve khuôn mặt Ánh căng ra đón đợi. Nhân đê mê, không kìm hãm, quần ướt dầm dề. Cái sức thanh xuân đầy nhựa sống tràn ra, hối hả bù cho những tháng năm tù ngục mùi ẩm ướt bốc lên từ nền đất lạnh đã đẩy mùi lông tóc đàn bà vào một góc nhập nhòa trong trí nhớ.

Ánh thì thào, mắt ngước nhìn Nhân, tròn và sâu, lấp lánh tựa những vì sao một đêm tối trời:

- Ðể em tắm cho anh!

Nhân bật cười, nhớ lại là chàng chưa tắm rửa gì bốn năm ngày qua, râu ria lởm chởm chẳng khác loài sơn nhân lạc vào phố thị. Ánh đi nấu nước sôi. Trên lầu, nước rô-bi-nê chảy vào bồn tắm, tóc tách nhỏ một giòng yếu ớt mãi vẫn chưa được lưng bồn. Ánh đổ nước, bắt Nhân ngâm người vào bồn. Như một đứa trẻ, Nhân để Ánh kỳ cọ, nâng niu, mơn trớn. Người choãi ra, những bắp thịt chùng xuống, chàng có cảm giác như bé lại, bé đến độ thành một chiếc bào thai, bốn bề được bảo bọc trước khi phải mở mắt vào đời.

Thình lình, Ánh cởi toang áo. Nhân kéo Ánh, mặt áp vào bầu vú, mũi hít mùi ngây nồng từ da thịt đàn bà bốc lên hăng hăng kích thích. Hai người cuộn lấy nhau. Từ ngày nhận làm vợ Nhân, Ánh vẫn chưa được một lần gần gũi thân xác. Dẫu yêu Nhân từ ngày còn là một thiếu nữ, đối với Ánh, Nhân trừu tượng, chưa bao giờ là da là thịt. Ánh nửa thèm muốn, nửa sợ như sợ một cuộc đi chơi trên những nẻo đường nàng còn lạ lẫm. Nhân bế thốc Ánh lên, tay kéo chiếc quần Ánh xuống. Chàng đẩy cho Ánh dạng chân ra, úp mặt vào khoảng đất trời lẫn lộn, mắt nhắm nhưng vẫn thấy đủ bảy sắc cầu vồng trong thiên thể màu bích thạch, xanh và sâu, sâu đến vô cùng. Như phản xạ, Nhân bế đặt Ánh lên bụng mình. Chàng cảm thấy được bao bọc, ấm áp, trong chuyển động bập bềnh tự nhiên khiến người rướn lên trong tiếng Ánh thở hổn hển, thở mỗi lúc một gấp gáp cho đế đến khi Ánh buột miệng kêu:

- Trời ơi! Chết mất, chết thiệt...

Dưới bếp, bé Quỳnh nhớn nhác, hỏi: ‘‘Bà ơi, mẹ cháu... có chuyện chi vậy?’’. Quá khứ bỗng ập về. Huyền nhớ lần đầu mình trở thành đàn bà trong một căn nhà nửa đã sập vì pháo của chiến hạm Pháp bắn vào từ cảng Hải Phòng. Thật lạ, chuyện thân xác khi đó xảy ra rất tự nhiên, không toan tính, nghĩ ngợi. Và nhất là, dẫu có chết khi đó, Huyền cũng vẫn cảm thấy toại nguyện. Nàng hy vọng cho Ánh trưa nay cũng thế. Nhưng nàng thành khẩn mong cho Nhân không phải sống cái kiếp của Chính, người đàn ông nàng đã trao thân trong khi chiến trận lan ra như một đám cháy. Huyền cười, dịu dàng, vuốt tóc bé Quỳnh:

- Không có gì cả! Hai bà cháu đi chợ nhé.

Bữa cơm chiều có canh Thiên Lý. Bữa cơm xum họp không độn mì, êm ấm như trong một giấc mơ thần thoại. Nhân ngồi cạnh bé Quỳnh, hỏi chuyện học hành, gắp thức ăn cho và bảo Quỳnh gọi mình bằng cha. Huyền nói, giọng thúc giục:

- Con và Ánh nhớ ra làm thủ tục kết hôn, khai lại khai sinh cho Quỳnh, đừng chậm trễ!

Nhân hơi ngạc nhiên thấy mẹ vội vã, nhưng không hỏi gì. Huyền bảo bé Quỳnh, ‘‘Bé nay ngủ với bà, nghe không’’. Nó gật đầu, hơi tủi thân, biết rồi đây nó sẽ phải chia xẻ mẹ nó cho Nhân.

Buổi tối, thành phố lại cúp điện. Nhân thì thào vào tai Ánh:

- Thế mà lại hay! Ta đi ngủ sớm.

Ðêm trăng sáng lụa là nửa hở nửa che ân ái ở thế gian dưới này chập chờn trong ánh đèn đêm. Ánh và Nhân bước ra sân thượng. Ðứng cạnh hòn non bộ nay xanh rêu vì không ai chăm sóc, Nhân nhìn sang nhà ga xe lửa. Những toa tầu xếp dọc đường rầy nhô cao như chiến hào một thời dọa dẫm. Chênh chếch, mái nhà thờ Huyện Sĩ nghễu nghện, cây thánh giá vẫn vụt lên trời cố giữ cho bằng được sự có mặt của một cái gì khác với cuộc sống nghiệt ngã thách đố trên mặt trái đất. Gió lành lạnh. Mây ở đâu đến che ánh trăng, nhìn tựa như dát bạc vào bầu trời mênh mông. Kéo sát Ánh vào người, Nhân thì thào, như ngày gặp Ánh ở trại cải tạo ‘‘Anh yêu em, anh yêu em‘’. Gục vào vai Nhân, Ánh bỗng tin vào hạnh phúc là điều có thể cho một ngày sẽ đến. Hai người dìu nhau vào, nằm cạnh nhau, để ánh trăng lọt qua chấn song làm đèn cho đêm tân hôn sau sáu năm thành vợ chồng. Họ không ngủ. Yêu nhau xong, họ thiêm thiếp nằm ôm nhau, tỉnh ra họ lại ghì lấy nhau, lại yêu nhau, cứ thế cho đến khi trời sáng.