Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2021

Cồn Vành một thuở

Đặng Văn Sinh

Sông Kinh Thầy về đến địa phận Linh Khê bất chợt chia làm hai nhánh. Nhánh chính lượn sát làng Yên. Nhánh phụ qua ngả Tế Sơn. Ở giữa là bãi bồi rộng chừng vài chục héc ta, dân địa phương thường gọi là cồn Vành. Nhìn từ trên cao, cồn Vành giống như lòng bàn tay khổng lồ, bốn ngón chụm lại, nghiêng về phía hạ lưu, ngón cái choãi ra tạo thành con lạch hai bờ trồng toàn loại chuối tây thân cao vóng chẳng khác gì chuối rừng. Chẳng biết hình thành từ thuở nào nhưng cánh bãi cực kỳ màu mỡ bởi hàng năm, cứ mỗi mùa lũ là phù sa từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về bồi đắp thành lớp trầm tích dày nên cây trồng không cần bón phân mà vẫn tốt bời bời.

Có thể nói, sông Kinh Thầy và cồn Vành gắn liền với tuổi ấu thơ của lũ chúng tôi. Cồn Vành thì hào phóng, bao dung giang tay cưu mang cả một cộng đồng dân cư nhiều thế hệ, nhưng dòng Kinh Thầy thì tính khí cực kỳ thất thường. Đầu xuân sông hiền hòa chảy giữa đôi bờ, nhưng gió lạnh cuối mùa thỉnh thoảng vẫn tràn về, xô những con sóng bạc đầu tấp vào kè đá làm bắn tung vô vàn bụi nước phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh bảy sắc cầu vồng. Mùa này sông cạn, chẳng cần thuyền, lũ trẻ choai choai rủ nhau bơi ra doi cát giữa sông, thậm chí chỉ cần một khúc chuối cũng có thể sang tận cồn Vành bẻ trộm ngô hay bới khoai lang nướng ăn.

Thực ra, thời ấy, cồn Vành là cái kho nông sản trời ban cho dân làng Yên, làng Tế, làng Trụ Thượng... thoát cảnh bị gậy gia nhập “Cái bang” vào giai đoạn hợp tác hóa nông nghiệp đỉnh cao, kéo dài gần ba chục năm với đủ chiêu trò “cải tiến cải lùi”, suýt nữa đưa bà con xã viên trở lại phương thức hái lượm khi mà bình quân ngày công chưa đến hai trăm gram thóc.

Nhưng vì cách một dòng sông, vẫn con sông Kinh Thầy ấy, vào mùa lũ thì lại vô cùng phiền toái. Tháng sáu, tháng bảy ta, mưa từ thượng nguồn đổ về, phù sa đỏ như son, chảy cuồn cuộn làm mặt nước mở rộng ra. Dòng sông trở nên cực kỳ hung hãn. Ban đêm, nghe sóng vỗ oàm oạp thúc vào bờ bên lở ngoạm đi từng mảng đất chẳng khác gì đàn ngựa chiến phi nước đại, khiến dân làng giật mình thon thót. Lúc ấy nhìn con đê mỏng manh phải oằn mình chống đỡ sức tàn phá khủng khiếp của thủy thần, dân làng ai cũng phấp phỏng, chuyện vỡ đê chỉ còn tính bằng giờ. Ấy vậy mà trời thương, cuối cùng vẫn tai qua nạn khỏi.

Nước lũ rút đi, cồn Vành trở thành điểm hội tụ của cả ngàn người từ bảy làng hai bên bờ sông đổ về hưởng lộc trời.

Ngày ấy, môi trường còn trong lành, nước sông về mùa cạn có thể uống được. Hệ sinh thái chưa bị con người làm mất cân bằng nên các loài thủy tộc nhiều vô kể. Cồn Vành trở thành nơi tạm trú của đủ các loại thủy sản trước khi xuôi về mãi mạn Kinh Môn. Dưới dòng nước phù sa đỏ au, mát lạnh trải rộng mênh mông, trắm chép, trôi mè tung tăng bơi lượn. Chúng rủ nhau tá túc giữa những đám cỏ lác hay những ruộng ngô đã kịp bẻ bắp với mật độ dày đặc đến mức anh Cu Quắc, một sát thủ châu chấu có hạng của làng Yên, chỉ với chiếc giập cũ mèm, lưới thủng lỗ chỗ mà cũng tóm được chú “tiểu long” cỡ bốn năm ký, phải luồn sợi thừng vào mang kéo lê trên mặt ruộng xấp xảnh nước. Anh Giáp, chẳng biết có phép gì mà chỉ với tay không, tóm được hai con cá nheo to cỡ bắp chân dài ngoẵng. Cặp cá quá to không nhét vừa giỏ, anh cũng phải xâu lạt, buộc vào khúc chuối rồi thả bồng bềnh phía sau. Còn thằng Thảo, bạn học cấp ba của tôi thì phải lấy hết sức bình sinh mới giữ được con ba ba bằng chiếc vành nón nó vừa mò được ở lạch Tầm Xuân.

Cồn Vành vào những ngày như thế này, làng Yên hầu như không ai bỏ lỡ dịp may. Thôi thì vợ nào chồng ấy, cha nào con ấy, tất cả đều tìm mọi phương tiện vượt sông. Phụ nữ, trẻ em xuống bến Bài Vân đi phà của lái Tình. Lái Tình chột mắt, hay cáu bẳn và rất liều. Có những hôm sóng to gió lớn, nước sông báo động cấp ba mà lão vẫn đánh thuyền ra giữa dòng vớt củi. Đám thanh niên phần lớn chèo thuyền nan, nhưng cũng có những gã sẵn máu giang hồ, thích mạo hiểm quá giang chỉ với một cây chuối. Đồ nghề của đàn ông là lưới, chài, giập, xiếc, giậm. Các bà các chị chỉ với chiếc rổ hai gióng, vậy mà mới nửa buổi cá tôm đã lèn chặt mấy chiếc giỏ lủng lẳng bên sườn…

Lượng cá cồn Vành hàng năm dân làng Yên khai thác được nhiều vô kể. Vào cữ tháng sáu, tháng bảy ta, chợ Rồng, chợ Đình, chợ Huyện ê hề là cá. Cá rẻ đến mức, cuối phiên có thể xin được cả mớ về nấu riêu với lá me. Chính vì thế, người ta mới nghĩ đến việc chế biến làm thức ăn dự trữ những ngày giáp hạt. Hình thức phổ biến nhất là ướp muối hoặc mổ phanh ra phơi nắng.

Mẹ tôi là người phụ nữ đảm đang, giỏi bếp núc và cũng rất lành nghề trong kỹ thuật kho cá. Muốn nồi cá ngon phải có chum tương. Bất cứ gia đình nào ở làng tôi cũng thấm nhuần câu tục ngữ “Thịt cá qua loa, tương cà gia bản”. Nhưng không phải ai cũng biết làm tương, nhất là tương ngon. May thay, mẹ tôi cũng là chuyên gia trong lĩnh vực này. Tất cả mọi công đoạn, từ nấu cơm, vào mốc, rang đỗ, ngả tương đều do một tay bà thao tác. Vại tương to đùng, cao ngang ngực tôi lúc ấy, là nguồn gia vị không thể thiếu để thân mẫu biến lũ trôi, chép, chày cỡ bàn tay thành món ăn tuyệt hảo. Cá sông béo múp kho tương lại thêm mấy củ gừng, đi xa về, đến cổng đã nhận ra hương vị đồng quê đặc trưng không lẫn đi đâu được. Tương thấm vào cá trong quá trình om trấu nhiều giờ thành màu nâu sẫm, xương mềm như bún, thịt rắn đanh, khác hẳn thứ cá tăng trọng trong những ao đầm đấu thầu, nấu xong, động đũa vào là nát bét. Trên bàn ăn sang trọng của những khách sạn 4, 5 sao ngày nay không thiếu cá kho đúng quy cách, thậm chí còn rất thơm ngon. Nhưng xin thưa, cái sự ngon ấy là bởi hàng đống hành tỏi gừng mẻ, hồ tiêu, dấm, nước hàng, kẹo đắng, bột ngọt... đánh lừa cảm giác chúng ta. Muốn kiểm chứng, chỉ cần loại hết gia vị, đưa nguyên dạng con cá vào nồi hấp hay bọc giấy bạc nướng, khi mở ra, tôi dám chắc khó có thực khách nào đủ can đảm gắp vào bát, dù chỉ một miếng nhỏ.

Cá nhiều, có những hôm mẹ tôi kho hàng chục nồi. Dịp ấy chỉ ăn cá rán, cá riêu, cá kho gắp ra nong, nia phơi. Tháng sáu nắng như đổ lửa. Nóng đến mức cua phải ngoi lên bám vào thân lúa. Đấy cũng chính là nhiệt độ lý tưởng để chỉ trong một ngày, mẻ cá đã khô cong. Đồ đựng là các lọ sành, nếu nhiều thì phải dùng đến chum Thanh, loại đồ đựng tráng men rất bền, mua ở bến sông do thuyền buôn từ Thanh Hóa chở ra bán. Ngày ấy chưa có túi nilon. Cá phơi xong, để thật nguội, xếp vào chum, mỗi lớp cá một lớp rơm. Trước khi đậy nắp, chèn một khoanh lá chuối khô. Rơm và lá chuối có chức năng hút ẩm và lại tạo ra sự thông thoáng. Những chum cá này chính là thức ăn giàu dinh dưỡng nuôi sống người nhà quê những năm mất mùa đói kém hay tiết đông rét mướt.

Nhưng không chỉ có thế. Còn tôm tép nữa. Khi mưa nguồn dồn phù sa về, tôm, tép gạo cồn Vành bám dày đặc lợi nước các chân ruộng trũng. Cánh đàn ông không gã nào quan tâm đến thứ vớ vẩn ấy mà chỉ say mê đuổi bắt cá gáy quật đẻ, có con nặng bảy, tám cân. Tóm được loại này mới “xứng danh anh hùng”. Vì thế những thần dân chuyên đi giật lùi của Long vương chỉ dành cho đàn bà, trẻ con. Đồ nghề bắt tôm đơn giản và gọn nhẹ, chỉ chiếc giậm hoặc rổ hai gióng kèm theo cái giỏ là đủ. Bắt tôm không mấy vất vả vì, ngay từ sáng sớm, mỗi khoảnh ruộng đã có hàng ngàn dấu chân với đủ các loại phương tiện chà đi xát lại làm cho mặt nước lúc nào cũng sôi sùng sục. Tôm tép dạt vào bờ xếp lớp. Lúc ấy, chị em chân yếu tay mềm, chỉ cần mỗi động tác đơn giản, lấy rổ xúc rồi bốc từng nắm cho vào giỏ là xong. Cho đến giờ, tuy đã hơn năm mươi năm rồi mà tôi vẫn nhớ như in, chị Thành xóm Miếu Hoang, chỉ trong buổi sáng bắt được gần năm cân tôm rảo, con nào con ấy mỡ màng, bằng nhau chằn chặn.

Chế biến tôm đơn giản hơn cá nhiều vì không cần phải dùng tương. Có điều, loại này phải cần nhiều nong nia. Phơi sân gạch càng nhanh nhưng nếu chẳng may gặp trời mưa rào bất chợt thì hôm ấy coi như công cốc. Tôm khô cũng cho vào chum Thanh, chèn lá chuối nhưng không cần xếp rơm. Thứ này, nhà nghèo ăn quanh năm cho đến mùa lũ sau có khi vẫn chưa hết.

Tôm cồn Vành ôm trứng, phơi được nắng, kho tương dậy mùi thơm quyến rũ. Chán kho tương thì chuyển sang rang mỡ thêm vài lát lá chanh. Món này ăn với cơm gạo tám hay dự hương chan nước rau cải luộc thêm nhánh gừng thì thôi rồi... Lượm ơi!

Cồn Vành là bãi sa bồi màu mỡ, rộng mênh mông. Trừ thời gian nước ngập, những tháng còn lại, dân làng Tế, làng Yên, làng Đa, làng Đào tha hồ trồng ngô, khoai, đỗ, lạc, vừng. Cánh bãi đương nhiên thuộc quyền sở hữu nhà nước, nhưng đây là vùng giáp ranh giữa hai huyện nên việc quản lý có phần lỏng lẻo. Ruộng hợp tác xã phân theo từng lô ngay hàng thẳng lối, ruộng xã viên là những miếng đầu thừa đuôi thẹo, nằm rải rác như những mụn vá vụng về trên manh áo rách nhưng năng suất và chất lượng cao hơn hẳn cho dù vẫn có chung thành phần nông hóa thổ nhưỡng.

Mùa bắp, dân làng Yên sang cồn như trẩy hội. Sân nhà nào cũng vàng óng một màu như kén tằm. Ngô luộc, ngô nướng, ngô rang đủ kiểu. Thật diệu kỳ, ngô cồn Vành luộc mềm nhưng lại giòn tan khi nhảy múa trong nồi rang, rồi nở bung như đóa hoa bốn, năm, sáu cánh, đặc biệt hấp dẫn đám trẻ choai choai. Sáng ra, xách cặp đến trường, hầu như trong túi áo đứa nào cũng có một nắm bỏng. Tháng ba, ngày tám rỗi rãi, mẹ thường bung ngô với đỗ đen. Món này hương vị đằm, ăn không bao giờ chán, nhưng ngày nay cũng là của hiếm.

Tuy nhiên, ngô nếp cồn Vành mới là thổ sản bán ra tiền. Nói không ngoa chút nào, những bắp ngô bánh tẻ mập mạp, nõn nà như thiếu nữ tuổi trăng tròn, vừa xinh xẻo lại giỏi làm duyên khiến không ít chàng trai đa tình mê mẩn. Chẳng thế mà, đến mùa thu hoạch, nhà Bảy Tước xóm Cầu Đá, nhà Tư Thùy xóm Trại Cau, lại thuê hẳn mấy gian hàng chợ Huyện mở dịch vụ luộc ngô bán cho khách vãng lai, chỉ mấy vụ đã xây được nhà ngói năm gian...

Nhưng thứ làm nên tên tuổi cồn Vành một thuở không phải sơn hào hải vị mà lại là... khoai lang, một loại củ tầm thường, vốn chỉ để chống đói vào năm mất mùa. Nếu như khoai “tông lưu” làng Yên to cỡ bắp chân, luộc rồi vần trấu qua đêm, mật chảy ra, ngọt như đường phèn thì giống “tía vân” cồn Vành chỉ tầm cán dao hay sàn sàn chuôi liềm nhưng có thể dài đến bốn, năm tấc, da tím sẫm, nhẵn bóng. “Tía vân” luộc chín tới, bóc lớp vỏ mỏng như lụa sẽ lộ phần thân màu trắng ngà. Bẻ ra, ta sẽ thấy bở từ ngoài vào trong, đồng thời tỏa mùi thơm quyến rũ bởi lớp tinh bột được hấp thụ linh khí Đất Trời sau năm tháng mầm cây nằm dưới lớp phù sa. Vị ngọt của khoai lang cồn Vành hơn bất cứ xứ nào ở vùng châu thổ sông Hồng. Danh tiếng của nó lan xa đến mãi kinh thành Thăng Long. Chính vì thế, vào cuối triều Lê, “đặc sản” này có vinh dự cung tiến phủ Chúa. Khoai lang nhập chốn miếu đường được đổi thành “cam thự” (甘薯) cho sang trọng. Gọi một cách đầy đủ sẽ là “Vân hương chi tử cam thự” (雲鄉之紫甘薯), nghĩa là “khoai lang tím làng Vân”. Từ đấy, cồn Vành mất “bản quyền”. Các bô lão tức lắm nhưng không làm gì được.

Cồn Vành rộng mấy trăm mẫu, diện tích trồng trọt chỉ chiếm già nửa. Phần còn lại bỏ hoang cho cỏ mọc. Có nơi cỏ xước cao đến đầu gối. Cỏ cồn Vành lắm chủng loại và xanh tốt quanh năm vì được phù sa nuôi dưỡng. Cỏ mần trầu, cỏ loi thoi, cỏ đuôi chồn mọc thành những bạt lớn ở trà ruộng vàn gần nước, cỏ chỉ thanh mảnh thích cư trú những bờ cao hay sườn đống. Trẻ làng Yên, làng Đào, làng Đa cưỡi trâu qua sông là thả cho chúng tự do rồi xúm nhau chơi chọi gà hay đi tìm cỏ mật.

Mùa lũ, nơi đây chính là địa bàn lý tưởng để dân cư hai bên sông Kinh Thầy đánh bắt cá tôm, và cũng chính nơi đây, cứ vài năm lại xẩy ra một vụ tranh cấp “bản quyền khai thác” giữa hai “thế lực thù địch” truyền kiếp là làng Tế và làng Yên. Muốn sang cồn, dân làng Yên phải qua sông. Ngược lại, dân làng Tế chỉ cách một con ngòi, vô cùng thuận lợi khi xảy ra xô xát theo cái nghĩa không mấy tích cực là “chó cậy nhà gà cậy chuồng”.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì chuyện xảy ra vào cuối mùa lũ năm Qúy Mão (1963). Buổi sáng hôm ấy mưa nặng hạt. Dân làng Yên dùng đủ mọi phương tiện vượt sông. Nhiều nhất vẫn là thuyền nan, thuyền mủng rồi đến bè chuối. Đàn bà con gái thì xuống bến Bài Vân đi phà của lão Tình. Tôi vác giậm nhảy lên chiếc mủng lưới bén rách nát của anh Ba Cò. Cánh bãi ngập nước đến bụng chân đông nghịt người. Tiếng cười nói lẫn trong mớ âm thanh hỗn tạp của những bước chân đẩy te, đùn xiếc hay quăng chài, thả lưới tạo nên một không khí vô cùng sôi động.

Đúng vào lúc ấy, từ phía lạch Tầm Xuân, hàng trăm trai tráng làng Tế, gậy gộc cầm sẵn trong tay hùng hổ xông ra, vụt tới tấp vào đám dân làng Yên. Ở vào thế bị động, lại không có “vũ khí”, chỉ còn cách “ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn”, mạnh ai lấy chạy ra phía bờ sông. Bọn làng Tế say máu chiến thắng, gặp ai cũng vụt kể cả phụ nữ và trẻ con. Vụt xong chúng phá hủy đồ nghề, tịch thu tôm cá. Bữa ấy, dân làng Yên chạy như vịt vỡ đàn. Ra đến bờ sông, thuyền bè chưa kịp sang mà đối phương đang rầm rầm đuổi tới, thế là tất cả quay lại, theo mệnh lệnh của anh Ba Cò, sắp thành đội ngũ, sẵn sàng ứng chiến.

Chúng tôi lăn xả vào đánh nhau tay bo để gỡ lại danh dự sau khi đã hèn nhát bỏ chạy. Đám chị em không “chiến đấu” được thì đứng phía sau tạo thành dàn đồng ca chửi rủa rất chi là ngoa ngoắt. Hóa ra bọn làng Tế cũng chỉ là lũ miệng hùm gan sứa, gặp phải đối tượng rắn mặt đâm chờn, nhất là khi chiếc thuyền của xã đội Cân cùng hơn chục dân quân mang theo cả súng trường CKC vừa lên bờ thì gã nào gã ấy, mặt xanh như đít nhái, bỏ của chạy lấy người.

Chuyến ấy làng Yên thiệt hại khá nhiều, nhất là ngư cụ nhưng tôm cá thì lấy lại được một phần. Thôi thì của đi thay người...

Những cuộc xô xát tranh giành “lãnh địa” khai thác thủy sản cứ vài năm lại xảy ra một lần, nhưng chỉ mẻ đầu sứt tai mà không có đổ máu nên chính quyền sở tại mắt nhắm mắt mở như là một động thái ngầm khuyến khích dân làng giữ độc quyền món lộc trời cho.

Nhưng rồi nguồn lợi ấy cũng không giữ được lâu. Là vì, cồn Vành rơi vào tầm ngắm của những nhà hoạch định chính sách địa phương có bộ não khiêm tốn nhưng lắm tham vọng muốn “đốt cháy giai đoạn”, “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” bằng hợp tác xã cấp cao và nông trang tập thể như mô hình kinh tế nước Nga Soviet. Vậy là cả làng Tế và làng Yên, sau nhiều lần choảng nhau tới số, giờ trơ mắt ếch nhìn cánh bãi màu mỡ chuyển giao cho nông trường CL.

Nông trường CL tọa lạc ở vùng bán sơn địa diện tích bằng cả một huyện đồng bằng, thiếu quái gì đất mà phải choài ra tận bờ sông Kinh Thầy cách xa “đại bản doanh” hơn hai chục cây số? Vấn đề là nhà chức trách ngứa mắt khi nhìn thấy cung cách làm ăn “chân ngoài dài hơn chân trong” của đám nông dân bất trị mấy làng chung quanh cồn Vành. Bởi lẽ, ngoài lượng ngũ cốc đáng kể thu hoạch hàng năm, nơi đây còn là “ngư trường” khai thác thủy sản cung cấp cho cả vùng Ba Tổng theo hình thức phi mậu dịch. Phương thức làm ăn cá thể này rõ ràng đi ngược lại đường lối chính sách của đảng. Muốn giải quyết tận gốc, chỉ còn cách thu hồi tư liệu sản xuất. Mà theo định nghĩa của Karl Marx, đất cũng là một dạng tư liệu. Thế là xong béng. Sau vụ này, làng Tế và làng Yên giao hảo với nhau như anh em một nhà. Cứ vài tháng lại thấy một đoàn thuyền trang điểm hoa hoét đủ màu, kèn trống rình rang đưa đón dâu trên sông Kinh Thầy.

Về phía nông trường, thật ra, các sếp cũng chẳng sung sướng gì. Bởi nhiệm vụ chính của họ là chuyên canh chè, nhưng chỉ tiêu bị áp đặt cao ngất ngưởng, đến nỗi xưởng chế biến đành vơ bèo vạt tép, đưa cả lá chè già vào làm chất độn mà vẫn không hoàn thành kế hoạch, huống hồ lại phải gánh thêm của nợ cồn Vành. Công nhân đang làm việc ổn định, giờ bị điều ra cồn khác gì đi đày. Đã thế, đội trưởng được giám đốc bổ nhiệm lại là một gã chưa học hết lớp bốn, vai u thịt bắp, làm thì ít mà ăn cắp vật tư, phân bón thì nhiều, chẳng cần suy nghĩ cũng nhìn thấy ngay sự lụn bại.

Quả nhiên, từ khi tiếp quản cánh bãi, cung cách làm ăn của Đội Cồn (tên do lãnh đạo nông trường đặt) chẳng khác gì hợp tác xã nông nghiệp, nghĩa là theo tiếng kẻng, còn chất lượng ra sao đã có đảng và nhà nước lo. Ngày ấy, ai cũng thuộc nằm lòng, “tập thể” có nghĩa là của tất cả mọi người nhưng cũng chẳng của riêng ai. Tình trạng làm ăn bết bát đến mức, có những năm, ngô khoai còi cọc, mậu dịch không thèm nhập, giám đốc chữa cháy bằng cách đem chia cho gia đình công nhân rồi trừ vào tiêu chuẩn gạo hàng tháng. Còn cá, có bao nhiêu con to, cán bộ dấm dúi xách về nhà, chị em hái chè chỉ được vài lạng bằng đầu ngón tay, nhiều con ươn rụng đầu.

Và rồi, việc gì phải đến sẽ đến.

Năm ấy, sau trận lũ lịch sử, vỡ đê bối, phù sa bồi đắp thành một lớp dày, mịn như bột, cồn Vành được mùa ngô. Do sản lượng quá nhiều mà nhân lực ít, giám đốc điều hẳn bốn xe tải chở gần trăm nhân mạng tăng cường cho đội cồn.

Làng Yên, làng Tế mất đất trồng trọt, không biết làm cách nào bèn xui đám trẻ con vào ruộng nông trường “mót” ngô. Chúng thường lảng vảng phía xa, giả cách tìm ngô kẹ, nhưng nếu vắng người, loáng cái đã lẩn vào giữa bãi bẻ trộm hàng chục bắp nhét đầy bị rồi lẳng lặng chuồn qua ngòi Mác.

Nhưng chiêu trò của lũ nhãi ranh này không qua mặt được đám bảo vệ mẫn cán, được tuyển chọn rất kỹ từ những công nhân thuộc thành phần giai cấp cơ bản, lại có tinh thần giác ngộ cách mạng cao, quyết tâm bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa. Tự cho mình rất quan trọng, cánh bảo vệ, anh nào cũng mặt mũi dữ dằn, sát khí đằng đằng, nhìn trước nhìn sau, chỉ thấy toàn bọn trộm cắp nên vô cùng “cảnh giác cách mạng”.

Và thế là có chuyện. Cũng như mọi bữa, hôm ấy lũ trẻ con làng Tế rủ nhau ra cồn. Tất nhiên mót chỉ là phụ, ăn cắp mới là chính. Một thằng cỡ mười một, mười hai tuổi vừa chui vào bãi thì bị tóm sống. Nó quẳng bị lép, khóc mếu lạy van nhưng vẫn bị tay LN đấm đá túi bụi vào ngực, vào bụng. Chỉ đến khi thằng bé ngất xỉu, nằm sóng xoài trên lớp thân ngô anh ta mới dừng tay. Nhưng đã quá muộn. Thằng bé không thở nữa. Lay mãi chẳng thấy nạn nhân tỉnh lại, anh ta đâm hoảng bèn nghĩ ra hạ sách, đem cái xác ra giữa đường, bốc mớ cây ngô phủ kín, chờ xe chạy qua.

Những người tính không bằng giời tính. Oan hồn thằng bé không để cho kẻ thủ ác thoát tội sát nhân. Khi chiếc track-truck ì ạch bò đến, vừa chờm đầu dốc thì đột ngột tắt máy. Như có thần giao cách cảm, người lái chiếc máy kéo là anh H thấy có gì đó bất bình thường, vội nhảy xuống, vạch đống cây ngô thì phát hiện ra xác đứa trẻ con...

Tin dữ về ngay làng Tế. Chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ, hàng ngàn người đổ ra cồn Vành với đủ thứ vũ khí thô sơ từ cán cuốc, cán xẻng đến gậy tầy, dao chín, mác búp đa. Đám bao vây toán công nhân đang bẻ ngô, đám hè nhau xông vào đập phá lán trại. Chưa đầy nửa canh giờ, khu lán trại trở thành bình địa. Anh chị em công nhân vô kế khả thi, sợ nguy hiểm đến tính mạng, bước đường cùng, họ chạy tháo thân ra bờ sông rồi nhảy ào xuống nước tìm cách thoát hiểm. Trong số ấy, nhiều người không biết bơi, nhất là phụ nữ.

Phía làng Yên, thấy tình hình nguy cấp, những ai có thuyền, bè đều nhất loạt bơi sang cứu nạn. Rất nhiều cây chuối được bố con ông Sập chặt vội, ném xuống sông. Và cũng nhờ những chiếc “phao” cứu sinh truyền thống ấy mà chị em phụ nữ nông trường thoát khỏi thảm cảnh làm mồi cho Hà Bá.

Chiều hôm ấy và những hôm sau nữa, gần trăm công nhân nông trường làm khách bất đắc dĩ của làng Yên. Dân làng Tế còn cử mấy chục trai đinh đón lõng ở Bến Bình, cứ thoáng nhìn thấy người mặc áo bảo hộ lao động tím than là xông vào thượng cẳng chân hạ cẳng tay.

Điểm nóng chỉ được hạ nhiệt khi chính quyển tỉnh điều lực lượng công an về xử lý vụ việc. Kẻ giết người bị tống giam chờ ngày ra hầu tòa.

Ngày ấy tôi không còn ở làng Yên. Chuyện này do cô em kể lại. Nghe nói, người bảo vệ lãnh án tù năm năm. Cái giá ấy quá rẻ so với tính mạng một con người.

Tháng cô hồn năm Canh Tý

Đ.V.S.