Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2020

Thuật ngữ chính trị (93)

Phạm Nguyên Trường


299. Historical Institutionalism – Thuyết thể chế lịch sử.

Thuyết thể chế lịch sử là phương pháp tiếp cận trong khoa học chính trị, nhấn mạnh rằng các thiết chế (institutions) là quan trọng vì chúng định hình hành vi, vì vậy mà quan trọng đối với việc nghiên cứu lịch sử của chúng, vì chính mục đích nghiên cứu và để hiểu vì sao các tác nhân chính trị lại hành động như họ đã hành động trong cơ cấu tổ chức của mình. Thuật ngữ này được đặt ra hồi đầu những năm 1990 với các học giả nổi bật như Theda Skocpol, Douglass North và W. H. Riker.

300. Historical Materialism - Chủ nghĩa duy vật lịch sử. Chủ nghĩa duy vật lịch sử là hệ thống quan điểm duy vật biện chứng về xã hội của triết học Marx-Lenin, là kết quả của sự vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và phép biện chứng duy vật vào việc nghiên cứu đời sống xã hội và lịch sử nhân loại. Chủ nghĩa duy vật lịch sử là một trong ba bộ phận hợp thành triết học Marxist. Chủ nghĩa duy vật lịch sử lý giải sự tiến hóa của xã hội loài người bằng sự phát triển của trình độ sản xuất. Trình độ sản xuất thay đổi khiến quan hệ sản xuất cũng thay đổi dẫn đến những mối quan hệ xã hội thích ứng với những quan hệ sản xuất đó, cùng với những tư tưởng nảy sinh ra từ những quan hệ xã hội đó cũng thay đổi kéo theo sự thay đổi hệ thống pháp lý và chính trị. Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx trở thành phương pháp luận của nhiều nhà nghiên cứu trong các bộ môn như sử học, xã hội học.

Chủ nghĩa duy vật lịch sử không nghiên cứu những mặt riêng biệt của sinh hoạt xã hội, mà nghiên cứu toàn bộ xã hội như một thể thống nhất với tất cả các mặt, các quan hệ xã hội, các quá trình có liên hệ nội tại và tác động lẫn nhau của xã hội. Khác với những khoa học xã hội cụ thể, chủ nghĩa duy vật lịch sử không nghiên cứu những quy luật cục bộ, riêng biệt, chi phối sự phát triển của các quá trình về kinh tế, chính trị hay tư tưởng, mà nghiên cứu những quy luật chung nhất phổ biến nhất của sự phát triển xã hội.

Chủ nghĩa duy vật lịch sử nghiên cứu xã hội với tư cách là một chỉnh thể thống nhất để vạch ra những nét chung của sự phát triển xã hội, những động lực, những nguyên nhân cơ bản của sự chuyển biến từ một hình thái kinh tế - xã hội này sang một hình thái kinh tế - xã hội khác, mối liên hệ qua lại và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa những hiện tượng khác nhau của đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, tư tưởng v.v…

Chủ nghĩa duy vật lịch sử vạch ra những quy luật chung nhất của sự vận động và phát triển xã hội, chỉ ra vị trí và vai trò của mỗi mặt của đời sống xã hội, trong hệ thống xã hội nói chung, vạch ra những nét cơ bản của các giai đoạn phát triển của xã hội loài người.

301. Historicism – Thuyết sử luận. Thuyết sử luận là học thuyết nói rằng các sự kiện lịch sử bị chi phối bởi các quy luật tự nhiên, đến lượt mình, những sự kiện này lại quyết định quá trình phát triển xã hội, văn hóa, tín ngưỡng, và giá trị quan đặc thù cho mỗi giai đoạn lịch sử.

Trong triết lý xã hội, khởi thủy, historicism (xuất xứ từ tiếng Đức – historismus) có nghĩa là nhấn mạnh vào việc muốn hiểu giai đoạn lịch sử nào đó thì phải “lặn” vào bên trong nó – bằng cách tìm hiểu ý nghĩa của ngôn ngữ và những khái niệm được sử dụng trong giai đoạn đó. Nhưng từ khi Karl Popper (1902-1994) xuất bản tác phẩm Sự nghèo nàn của thuyết sử luận (The Poverty of Historicism), năm 1957, thì ý nghĩa của từ này đã thay đổi một cách triệt để: Niềm tin vào sự tất yếu không thể nào tránh được của tiến trình phát triển của lịch sử. Marx và chủ nghĩa Marx là ví dụ rõ ràng nhất của thuyết sử luận, theo nghĩa vừa nói. Popper phê phán thuyết sử luận, không chỉ đấy là học thuyết sai lầm mà còn vì nó dẫn tới quan điểm có khả năng trở thành toàn trị và mang tính ý thức hệ, khuyến khích những người tin rằng mình đại diện cho xu hướng phát triển của lịch sử và khinh thường những quan điểm thay thế khác, cũng như những người có những quan điểm như thế. Nhưng thuyết sử luận có thể rộng hơn là Popper giả định. Quan điểm của đảng Wig về lịch sử, cho rằng tiến bộ cuối cùng nhất định sẽ chiến thắng phản động chắn chắn là một dạng của thuyết sử luận. Nhiều quan điểm của trường phái “tự do”, trong đó có quan điểm của Adam Smith cho rằng quá trình phát triển của lịch sử sẽ đạt đỉnh điểm với việc thiết lập xã hội thương mại. Gần đây hơn là tác phẩm Sự cáo chung của lịch sử và con người cuối cùng (The End of History and the Last Man) của Francis Fukuyama. Có thể nói, tất cả những hình thức như thế của thuyết sử luận đều là cách hiều chưa đúng về lịch sử.