Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020

Nhớ anh Tấn

Trần Đức Tiến

“Chuyện kể năm 2000” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn bị xay thành bột, nhưng trước đó Mai Văn Phấn đã kịp gửi cho mình một bản photocopy. Hai tập giấy khổ A4 dày cộp, nặng trịch. Cuốn tiểu thuyết mình vừa hào hứng, vừa kinh ngạc đọc một mạch không nghỉ từ đầu tới cuối, vào thời điểm đó, thực sự gây rúng động văn đàn. Và Đại hội Nhà văn toàn quốc lần thứ 6, cuối năm 2000 – Đại hội Nhà văn đầu tiên mà gã nhà văn tỉnh lẻ là mình được tham gia – có thể nói là dịp để nhiều người trầm trồ về tác giả của nó.

Mình và nhà văn Xuân Sách ra Hà Nội trước một ngày. Hai anh em ở trong cái khách sạn tư nhân xập xệ gần Cửa Nam (ngày hôm sau mới được đến ở 37 Hùng Vương cùng với các đại biểu đi dự đại hội). Xuân Sách có vẻ nóng ruột, cứ ra ra vào vào và châm thuốc liên tục. Chiều hôm sau, đến 37 Hùng Vương, việc đầu tiên là ông hỏi thăm đoàn nhà văn Hải Phòng đã lên chưa. Cuối chiều, đoàn Hải Phòng mới tới. Lúc họ xuất hiện ở chân cầu thang, mình đứng xa xa nhìn. Rồi chỉ dám đến gần bắt tay và ôm Mai Văn Phấn. Còn Bùi Ngọc Tấn thì đành… nhìn trộm. Ông già nhà văn đang lừng lẫy tiếng tăm ấy thấp bé, tóc bạc, nét mặt khắc khổ.

Trước giờ cơm chiều, Xuân Sách về phòng, kể: ông và Nguyễn Khải đã sang gặp, hỏi thăm Bùi Ngọc Tấn. Vừa đến trước mặt ông Tấn, ông Khải lẩm bẩm câu gì đó rồi bất ngờ chắp tay vái dài, hào sảng và cảm động như cung cách thường thấy của những tay cự phách gặp nhau trên giang hồ.

Ngày hôm sau đại hội, mình nghe không ít người hỏi nhỏ nhau: Ông Tấn đâu, ông Tấn ngồi chỗ nào?...

Sau đại hội, mình lại về Vũng Tàu. Bận tâm với những việc của riêng mình nên ấn tượng về ông Tấn cũng dịu đi, mặc dù vẫn nghe đây đó những chuyện về ông với cuốn tiểu thuyết đình đám. Mình đang cố gắng viết một lứa truyện ngắn mới (là mới so với mình, chứ chẳng dám so với thiên hạ). Trong cái lứa đó có truyện “Lỏng và tuột”. Để ngâm trong máy tính một thời gian, rồi thử gửi cho báo Văn nghệ.

Bẵng đi mấy tháng không thấy tăm hơi, bèn đánh liều gọi cho anh Nguyễn Trí Huân, bấy giờ đang là Tổng biên tập của báo. Mình quen biết anh Huân từ lúc anh còn biên tập trang văn xuôi của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đã từng có lần, theo đề nghị của anh, mình ngồi ngay phòng làm việc của tạp chí để viết lại đoạn kết trong một cái truyện ngắn (truyện này sau đó được tặng thưởng của năm).

Anh Huân nghe mình hỏi về cái “Lỏng và tuột”, chỉ cười và nói một câu: ông viết kinh bỏ mẹ. Thôi thế là toi rồi! Mình biết cái truyện của mình “kinh” ở chỗ nào. Mà kinh như thế thì chắc đến 90% không dùng được.

Không sao. Quên chuyện in đi. Mình đang đà viết những thứ kiểu đó. Nhưng không ngờ khoảng mấy tháng sau, Văn nghệ in “Lỏng và tuột”. Thích nhất là in nguyên xi, không thêm bớt, sửa chữa một dấu phẩy! Thầm cảm ơn anh Nguyễn Trí Huân lần nữa.

Một hôm, vào quãng 10 giờ đêm, lúc sắp đi ngủ, chuông điện thoại bàn nhà mình bỗng réo vang…

Đầu dây đằng kia, giọng người lạ:

- Tớ không biết số điện thoại của cậu, phải hỏi qua Đình Kính.

- Xin lỗi…?

- Tấn đây mà. Bùi Ngọc Tấn.

Giật mình. Chỉ kịp thốt lên “Em chào anh”, chưa biết vì sao ông Tấn gọi, mà lại gọi vào giờ này, đã thấy ông cười hực hực trong cổ:

- Tớ vừa phải dựng bà xã dậy, đọc cho bà ấy nghe cái truyện của cậu trên Văn nghệ…

Ôi, hóa ra là ông Tấn gọi điện khen mình. Trước giờ mình cũng đã từng nghe một số ông anh, bà chị quen biết đáng kính trong nghề khen. Mừng 20%. Đa nghi 30%. Còn lại 50% luôn tự nhủ: người này thích văn mình, người kia xem thường, thậm chí không thèm để mắt đến. Sự thật là thế. Không có gì bất công hay đáng buồn ở đây cả.

Nhưng cú điện thoại lúc đêm hôm của một nhà văn còn xa lạ và tài năng như ông Tấn khiến mình cảm động. Sau này, khi viết vài trang giới thiệu tập truyện “Lỏng và tuột”, ông còn nhắc lại lần nữa những điều đã nói trong cú điện thoại đêm nào.

***

Người đọc hâm mộ Bùi Ngọc Tấn ở Vũng Tàu không ít. Ông vào Vũng Tàu đâu như ba lần, hai lần có mặt mình và một lần không.

Lần đầu ông đưa cả vợ theo. Gặp bà, mình hiểu ngay vì sao những trang đẹp nhất, xúc động nhất trong “Chuyện kể năm 2000” là những trang ông viết về bà. Hiền hậu, tận tụy hết lòng vì chồng, bà như nguồn nước mát lành tuôn chảy để làm dịu những vết thương bỏng rát, uất nghẹn của ông. Mình và mấy người bạn thân thiết đưa ông bà đi chơi loanh quanh trong thành phố, rồi sang cả xã đảo Long Sơn.

Ăn trưa ở nhà hàng trên bè nổi bập bềnh cửa sông Dinh đổ ra biển. Gió biển gió sông mát rượi. Hải sản Long Sơn phong phú tươi ngon nổi tiếng. Ông Tấn tò mò ngắm nghía đĩa đồ ăn dọn ra đầu tiên, rồi hỏi mình những cái con có vỏ vân vân óng ánh, to bằng ngón chân cái, bày lổn nhổn trong đĩa là con gì? Mình phải ghé tai ông nói thầm: “Dân ở đây gọi là con Lồn tiên”.

Tên khai sinh của loài nhuyễn thể, họ hàng với nghêu sò ốc hến này là vậy. Sau này, nhiều người gọi trại đi thành con bướm tiên, vì sợ tục. Nhưng mình vẫn thích tên gốc của nó. Tục hay không là ở trong cái đầu anh ấy chứ.

Mình đã mấy lần viết về con lồn tiên, in báo, in sách hẳn hoi. Nhưng có lẽ vẫn còn những người chưa biết rõ, nên nhân đây xin phép ông Tấn rẽ ngang một chút. Khoảng mươi năm trước, sau một lần nhậu với bạn trên bè Long Sơn, mình viết bài báo về món ăn được chế biến từ loài thủy sinh độc đáo này in trên báo Tiền Phong. Khá nhiều bạn đọc để ý. Sau đó, khi quay lại cái nhà hàng nói trên, bạn mình khoe với chủ quán: ông này là tác giả bài báo đó. Chủ quán, một chị sồn sồn, béo đỏ, cười tít mắt: Trời đất! vậy hả? Rồi chị khoe: thảo nào có nhiều khách đến đòi ăn món đó, có ông Việt kiều ở Mỹ, ở Úc cũng tìm đến nhà hàng của chị vì món lồn tiên. Bạn mình không bỏ lỡ cơ hội: vậy bà phải trả ngay nhuận bút cho ông này. Chủ quán lại cười tít mắt, lát sau khệ nệ bưng ra miễn phí một đĩa cá chẽm chưng tương to đùng.

Tại sao lại có tên đó? Vì khi tách hai vỏ ra, cái ruột bên trong giống hệt như thứ báu vật của đàn bà. Những con còn sống, thậm chí còn có cả chùm tua màu đen rủ từ trên xuống, lệ bộ thật hoàn hảo. Mình rất ấn tượng khi nữ nhà văn Dạ Ngân lần đầu tiên thực mục sở thị, bỗng sặc lên một tiếng rồi im bặt. Chỉ một phản ứng tức thời, ngắn ngủi cũng đủ thấy bà kinh hoàng và khoái trá đến mức nào, trước trò đùa bạo của tạo hóa.

Lồn tiên hấp mỡ hành.

Xuân Sách đã từng thưởng thức. Nguyễn Quang Thân đã từng thưởng thức. Dạ Ngân đã từng thưởng thức. Rồi Phan Triều Hải, Nguyễn Thị Thu Huệ… và nhiểu bạn bè thân thiết khác của mình đã từng thưởng thức, khi đến Vũng Tàu, qua Long Sơn.

Giờ là Bùi Ngọc Tấn.

Ông ngạc nhiên, nhấm nháp thử món ăn lạ, rồi gắp bỏ vào bát cho bà. Mình kể cho ông nghe, vùng này không chỉ có lồn tiên, mà còn có vú nàng và đồn đột. Cả hai đều có thể chế biến thành món ăn tuyệt vời. Vú nàng ở Côn Đảo khá nhiều người đã biết. Nhưng đồn đột thì ít biết hơn. Đồn đột sống trong sình lầy, ngay chân những gốc cây mắm mọc ven sông kia. Các bà các cô đi mò ngao, vớ được con đồn đột to gần bằng cổ tay đứa trẻ, thể nào cũng giơ lên, vuốt vuốt cho mấy cái. Cu cậu còn đang mềm èo ấy bỗng cương lên, nở ra như khúc dồi lợn trong nồi nước sôi. Bóp cho phát, khúc dồi vọt tia nước vào mặt đứa bên cạnh. Cười rũ rượi. Mệt mỏi tiêu tan hết.

Ông Tấn lắng nghe, trầm ngâm giây lát rồi nói:

- Độc đáo. Văn chương cũng phải như thế, Tiến ạ. Như lồn tiên, như đồn đột ấy. Hiếm hoi, khác lạ.

Mấy năm sau, ông Tấn ra đi.

Mấy năm sau, khi mình có khách, dẫn khách sang Long Sơn, thì lồn tiên cũng không còn. Hỏi mấy cô nhân viên phục vụ, thấy cứ ớ cả ra như nghe Tây nói tiếng nước ngoài.

Hiếm thì quý thật. Nhưng không khéo cũng dễ tuyệt chủng.

Chả khác gì văn chương.

Nói đến văn chương Bùi Ngọc Tấn thì chắc chắn không thể không nhắc “Chuyện kể năm 2000”. Nó là tác phẩm để đời của ông. Dù có bị vùi dập thế nào đi nữa thì nó vẫn sống, và sống dai.

Xin nói ngay: “Chuyện kể…” không thở than, không hằn học. Nó chỉ thản nhiên phơi bày cái phần tăm tối, tệ hại mà ông bị vây hãm trong đó qua nhiều năm. Nhưng chính vì cái sự thản nhiên đó mà mỗi trang sách, mỗi câu chữ của ông đều như hàm chứa một khối thuốc nổ. Bùi Ngọc Tấn bình thản trước phi lý, trái ngang, nhưng lại rất dễ run rảy trước cái đẹp, tình yêu, tình bạn. Thái độ cư xử của ông với cuộc đời là thái độ của một người có tầm vóc lớn, một nhà văn lớn với trái tim nhân hậu.

Trước “Chuyện kể…” ít lâu, tình cờ mình đọc được một truyện ngắn của ông in trên tờ Văn Nghệ. Bấy giờ mình chưa biết Bùi Ngọc Tấn là ai, bèn hỏi nhà văn Xuân Sách. Ông Sách cũng chỉ có vài thông tin mơ hồ về ông Tấn – một nhà văn cùng thế hệ với ông. Sở dĩ mình phải hỏi ngay ông Sách, vì mình đã đọc thấy qua cái truyện ngắn đó (lâu ngày không còn nhớ tên truyện) một cây bút… không hề tầm thường.

Bây giờ, một kẻ như mình mà mở miệng khen Bùi Ngọc Tấn thì thật nhảm, dơ. Nhưng quả thật, văn ông, cũng như văn của một số nhà văn cùng thế hệ ông và trước nữa, đọc cái biết liền. Các ông học hành tử tế (học qua trường lớp hoặc tự học), và hành nghề tử tế. Chưa nói về tư tưởng, chủ đề, ý nghĩa của tác phẩm, ngay từ cách diễn đạt, câu chữ, các ông đã chứng tỏ được tầm vóc văn hóa của mình. Cẩn thận, chính xác, và đẹp.

Lâu nay, mình cứ thầm so sánh các ông với những nhà văn thuộc thế hệ sau, nhất là thế hệ lớn lên và trưởng thành trong chiến tranh chống Mỹ, rồi tự hỏi: các nhà nghiên cứu, phê bình văn học có so sánh như mình không nhỉ? Về thái độ, cung cách làm việc, về văn phong của nhà văn? Có gì đáng phải nói ra không? Bao giờ thì nói ra?

Năm 2010, mình in tập truyện ngắn “Lỏng và tuột”. Bùi Ngọc Tấn viết lời giới thiệu. Chỉ vài trang sách, nhưng rất nhiều ưu ái. Cuối bài, ông có nhắc đến một bạn nhà văn khác tiếng tăm đang nổi như cồn, nhưng mình đề nghị ông bỏ đi dòng đó. Không phải vì không tôn trọng, yêu quý bạn nhà văn kia, mà chỉ vì tự nhận thấy có sự khác nhau giữa mình và bạn.

Năm 2011, hội thảo thơ Mai Văn Phấn – Đồng Đức Bốn ở Hải Phòng. Mình ra dự. Buổi chiều trước ngày hội thảo, nhà thơ Công Nam (Hải Phòng) dẫn mình tới nhà thăm ông Tấn. Lúc này sức khỏe ông không được tốt. Cái chân đau, dường như lê không nổi. Nhưng ngồi trên giường, ông vẫn vui vẻ hỏi han, trò chuyện với mình và Nam.

Tháng 3 năm 2014, Bùi Ngọc Tấn vào Vũng Tàu lần cuối. Lần này có cả người bạn chí thiết của ông – nhà văn, nhà thơ, dịch giả lừng danh Dương Tường – đi cùng. Một số bạn đọc yêu quý ông đã tự “xuất bản” cuốn “Chuyện kể…”. Nghe đâu chỉ có 100 cuốn, không hơn. Mình được mời dự buổi gặp gỡ với hai ông và một số bạn bè khác, rồi được ông Tấn tặng sách.

Lúc cúi xuống ghi mấy dòng đề tặng, mình thấy tay ông run. Ngẩng lên, lại thấy đôi mắt ông trĩu buồn. Ông cảm động về tấm lòng bè bạn, nhưng trong mắt ông còn nguyên đó sự đòi hỏi phải có câu trả lời sòng phẳng, về tác phẩm của ông, về khoảng thời gian bỗng nhiên ông mất tự do.

Cuối năm đó, Bùi Ngọc Tấn đi vào cõi hư không. Dường như cho đến phút cuối cùng trong cuộc đời, ông vẫn khăng khăng đối mặt với bức tường sừng sững câm nín, để chờ nghe câu trả lời.

(Trước ngày giỗ Bùi Ngọc Tấn, 18-12)

Hình ảnh có thể có: 1 người, đang ngồi và ngoài trời

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn trong lần tới thăm xã đảo Long Sơn (Vũng Tàu) – ảnh của Đinh Bá Tuấn

Không có mô tả ảnh.

 

Nguồn: FB Trần Đức Tiến