Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2020

Hợp tuyển Frankfurt (kỳ 8)

Phạm Kỳ Đăng dịch

 

BÀI THƠ “ANH ĐÃ THẤY TRONG ĐỒNG HỒ CÁT” CỦA HEINRICH HEINE

 

Sandra Kerschbaumer (1)

Với chất Hài con người ta cũng có thể làm thơ về những sự vật tối hậu. Heinrich Heine, đã bị trói tay vào "mồ chăn đệm", minh chứng đầy ấn tượng điều này với bài thơ về tình yêu, cái chết và buồn thương.

Trông có vẻ dễ dàng và giản đơn: bốn khổ bốn câu bốn âm vận, chéo vần và lời thường nhật. Ở đây liên quan tới sự sống, tình yêu và cái chết, tới thân thể và linh hồn. Từ sự căng thẳng giữa âm sắc và chủ đề phát sinh ra một chất hài dịu dàng, láo đối với sự chờ đợi rằng chỉ có thể nói về những sự tối hậu một cách nghiêm túc, cũng láo ngay cả với người phát ngôn mà thế tự phô bày hoàn toàn trần truồng và trơ trụi: trong buồn đau tình yêu kết cục và trong nỗi sợ hãi cái chết. Nhà thơ đang chậm rãi tàn tạ vì bại liệt trên giường hấp hối được ông gọi là “mồ chăn đệm“: Người Do Thái Đức này tự nhìn nhận mình là một chiến binh bại trận trong cuộc chiến dân chủ vì tự do, chạy trốn sang Paris, trở nên gắn bó bản quán với một nền văn hóa ít có giá tại quê nhà, và nhiều năm trời đã gắng công môi giới giữa hai nền văn hóa đó: ông đã viết những vần thơ cuối cùng về người ông yêu và về Đức Chúa.

Vâng, cũng về Đức Chúa. Bởi như một đức thánh hộ mệnh, Lazarus (2) trong Kinh thánh thành tựa đề “Đi tới thánh Lazarus”cho những bài thơ cuối cùng, như lời chú thích của Heine. Trong đó hai nhân vật đan chảy vào nhau: Người bị tàn phế trong cuộc đời, sau cái chết sẽ nằm trong lòng đấng Abraham, và kẻ được Chúa Giêsu phục sinh. Và với Kinh Thánh, nhất là những ảnh hình xưa cũ sống lại cuộc đời mới: đồng hồ cát, căn nhà trống, trò chơi thần bí của linh hồn và cái chết. Ngay cả những nỗi nhớ nhung của chất lãng mạn bị cười nhạo cũng trở lại, trong mô thức của chế giễu. Làm sao người ta có thể làm thơ ở thành Paris hiện đại về linh hồn hoảng loạn đang cập quạng? Bằng cách người ta, hài và táo tợn, so sánh nó với con rệp giãy giụa tứ tung trong vợt.

Từ thiên thần đáng thương thành ra cái gì?

Chỗ nào Heine pha trò, ở đó tiềm ẩn một nỗi đớn đau. Sự trào lộng khả thi sự chân thành: trong điểm nhấn diễn đạt tình thống thiết. Cũng như vậy trong một bài thơ xuất hiện gần như đồng thời ông lưu ý rằng, trong trường hợp hệ trọng của lâm chung không có chỗ cho những màn trò diễm lệ của những con cừu. Mà thế đó bằng cách ông phủ nhận, bản thân ông đã trình diễn chúng ra một lần nữa, khi con cừu hấp hối ưu lo về con chiên của mình: “Ôi chiên ơi, anh sinh ra làm mục tử/ Để chăn em trên cõi đời này“. Nó ngân lên như một lời kinh cầu nguyện. Con chiên bé nhỏ của Chúa: đó là Malthilde (3). Điều này báng bổ thần thánh, nếu như người ta muốn hiểu vậy. Nhưng mà tình yêu, với nó người đang hấp hối còn đang lo âu cho con chiên nhỏ của mình, thì đó không là tình yêu. Giả thêm nếu như ông vẽ ra trước mắt cô, chẳng mấy lúc sẽ đứng bên nấm mồ của ông, ông nhắc nhở, vâng đi đoạn đường về hãy chỉ dùng cỗ xe ngựa kéo; người ta chẳng còn dễ dàng bay nhảy như thuở xưa kia.

Cũng dí dỏm và buồn rầu như vậy ở đây ông nói về thể xác và tình yêu, linh hồn và thiên thần, về Malthilde và Lazarus. Cái thiêng liêng và cái trần tục xoắn quyện vào nhau, một bó hoa kết thanh tú và một bó hoa rối lòng, cho đến câu thơ trước câu kết là một bài đố. Bởi vì cả hai cặp đối ngẫu sẽ xử sự với nhau ra sao? “Chồng và vợ, hồn và xác“. Một cái đứng ra đỡ cho cái kia, như trong các tranh hoành tráng thời cổ, hay là chúng đứng bên cạnh nhau như hai đôi cặp? Cả điều đó cũng thuộc về ma lực quyến rũ của bài thơ, khi nó để cho cả hai lơ lửng.

Như sự quyến rũ này có thể trở nên ghê hồn, như sự chiết ngôn của Heine đã tránh qua sự ảm đạm mà không ai nhận biết, mãi tới lúc này nhìn vào thể thơ mới trông ra điều ấy: ấy là nghệ thuật điều tiết âm điệu của ông. Bởi vì một vấn đề là bài thơ nói cái gì – và vấn đề khác: cái gì đã hoàn tất trong bài thơ đó. Bài thơ bắt đầu trong những câu thơ iamb (theo mô hình [âm tiết không trọng âm + âm tiết có trọng âm] – Văn Việt) lên xuống mực thước, trong sự hoán đổi đều đặn của những âm tiết nhấn và không nhấn. Sau đó trà trộn vào những nhịp thơ dactyl ba âm tiết (theo mô hình [âm tiết có trọng âm + âm tiết không trọng âm + âm tiết không trọng âm] – Văn Việt), trong tình yêu “thiên thần dịu ngọt” và trong sự hoảng sợ “giật anh khỏi“. Có thể nghe thấy sự run rẩy và cập quạng của linh hồn đáng thương chính trong nhịp điệu của câu thơ này diễn đạt điều đó. Và cuối cùng trong khổ thứ tư cái cưỡng lại, cái vẫy vùng hoàn toàn hòa nhập vào âm điệu, cũng như trong câu thơ cuối cùng sự dâng hiến vào cái không thể tránh khỏi. Cái bắt đầu như một bài vũ khúc, trong nhịp điệu và cú pháp, dần hiện ra là một sự miêu tả một cuộc chiến đấu. Thể xác thua cuộc chiến này, đúng như chờ đợi. Nhưng mà thành ra cái gì từ linh hồn, từ thiên thần đáng thương ở lại, còn lại gì từ tình yêu không thể cản ngăn?

Nguồn: FAZ- Frankfurter Anthologie
 
ANH ĐÃ THẤY TRONG ĐỒNG HỒ CÁT

Heinrich Heine (1797-1856)

Anh thấy còn lèo tèo cát
Trong đồng hồ cát thoát nhanh
Vợ ơi – thiên thần dịu ngọt!
Cái chết giằng giật lấy anh.        

Giật anh khỏi tay em đó
Cưỡng lại nào đâu ích gì
Cái chết kéo hồn lìa xác –
Linh hồn sợ muốn tan đi.

Cái chết đuổi linh hồn khỏi
Nhà cũ, hồn thích ở trong
Đi đâu? – Hồn run như thể
Rệp trong vợt giãy tứ tung.

Anh chống cũng không sao khác
Cố công vùng vẫy vậy thôi
Vợ và chồng, hồn và xác
Cuối cùng cũng phải chia phôi.

Nguyên tác tiếng Đức:

ICH SEHE IM STUNDENGLASE SCHON

Heinrich Heine (1797-1856)

Ich seh im Stundenglase schon     
Den kargen Sand zerrinnen.          
Mein Weib, du engelsüße Person! 
Mich reißt der Tod von hinnen.           

Er reißt mich aus deinem Arm, mein Weib, 
Da hilft kein Widerstehen                             
Er reißt die Seele aus dem Leib –                
Sie will vor Angst vergehen.                        

Er jagt sie aus dem alten Haus,                    
Wo sie so gerne bliebe.                                
Sie zittert und flattert – wo soll ich hinaus? 
Ihr ist wie dem Floh im Siebe.                      

Das kann ich nicht ändern, wie sehr ich mich sträub’, 
Wie sehr ich mich winde und wende;                           
Der Mann und das Weib, die Seel’ und der Leib,        
Sie müssen sich trennen am Ende.

Chú thích của người dịch:

(1) Sandra Kerschbaumer (sinh năm 1971): Nữ nhà báo và phê bình văn học. Bà nghiên cứu Ngữ văn, Ngôn ngữ và Triết học. Làm luận án tiến sĩ với công trình nghiên cứu về Heinrich Heine và trào Lãng mạn. Từ 1999 bà làm cho Đài truyền thanh và viết bài cho báo Frankfurter Allgemeine Zeitung. Trong những năm 2007-2009 bà làm cộng tác viên và giảng dạy tại trường Universität des Saarlandes.

(2) Thánh Lazarus: Thánh nữ Martha cùng sống với em gái là Maria và em trai là Lazarus tại làng Bethany, gần Jerusalem. Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến Bethany, nơi Lazarus đã chết, người đã được Chúa Giêsu cho sống lại từ cõi chết.

(3) Augustine Crescence Mirat (1815-1883): Cô gái bình dân bán giày người Pháp, vợ Heinrich Heine, được ông thân yêu gọi là Mathilde.

 

 

BÀI THƠ "Ở NHỮNG KHÓM CÀNH RẬM RẠP" CỦA JOHANN WOLFGANG VON GOETHE

 

Marcel Reich-Ranicki


Bài thơ “Ở những khóm cành rậm rạp”k hông phải là bài thơ được biết đến nhiều nhất, nhưng không bài thơ nào khác cung cấp một chứng chỉ hay hơn về mối quan hệ của nhà thơ về già với đàn bà con gái.
Käthchen Schönkopf và Lili Schönemann, nàng Friederike đến từ vùng Sesenheim, Charlotte Buff và Charlotte von Stein, Christiane... là những người ông đưa về nhà, Marianne, người không có thể đem ra so sánh, và những người đàn bà khác cho tới Ulrike bé bỏng mà cám ơn nàng chúng ta có bài bi ca vĩ đại, ấy là Bi ca Marienbad. Họ thán phục, ngưỡng mộ và yêu ông. Thế còn ông, Goethe thì sao? Ông đã dâng tặng nhiều câu thơ của mình cho những người đàn bà con gái này, có lẽ những câu thơ hay nhất. Ông ca ngợi họ, như chưa bao giờ các cô các bà được ngợi ca, kiểu nào cũng vậy ít ra trong tiếng Đức.

Tình yêu là nguyên ủy của sự sinh tồn và do đó của sáng tác thơ ca nơi ông. Nhưng có thật sự là thế chăng: Goethe đã làm thơ, vì ông đã yêu? Hay là ông ấy đã yêu bởi vì muốn và phải sáng tác thơ. Yêu đương nơi ông phải chăng là một phương tiện đi tới tác phẩm. Điều này lại không hề đơn giản. Chỉ biết rằng ở cấp độ cao nhất ông ấy trung tâm ái kỷ và đương nhiên mang thiên tư độc thoại. Cũng là hướng tới một ai trong các bài thơ của mình, ông ấy tự nói với mình và xưa nay chỉ nói về bản thân thôi.

Phần đóng góp của những người đàn bà

Trong những câu thơ khêu gợi của ông, thấy nói tới người đang yêu, ít khi nói về người được yêu.Trong một bài thơ thuộc những bài nổi tiếng nhất của chàng Goethe trẻ, bắt đầu bằng những câu “Thiên nhiên sao rạng rỡ/ Tỏa chiếu lòng tôi”, người mang địa chỉ là nàng Friedrike, đã được cầu chúc “Xin vĩnh hằng hạnh phúc / Như em hằng yêu anh”. Điều này không thể hiểu sai gì nữa: Hạnh phúc của người nữ được đề cập tới liên quan đến việc nàng ta có được phép yêu anh ta không – quí ông đến từ Frankfurt. Và chính từ những câu thơ ngay đằng trước đó nàng ta có thể biết được nguyên nhân quan trọng nhất của cái nguyện ước cầu đảo này: Với vẻ thanh xuân của mình, nàng ta – Friederike – đã giúp cho tác giả của những câu thơ này đi đến những “khúc ca và điệu múa mới“. Hiển nhiên đó là tất cả. Bắt đầu như thế nào trong những năm tuổi trẻ của ông, thì mãi mãi vẫn y nguyên như vậy: Những người đàn bà bước ngang qua đường ông đi, tất cả khắp lượt – kể từ những nàng khiêm tốn về trí tuệ như cô gái bán hàng hoa Christiane hoặc thông thái như quí bà von Stein – tất cả đều phải phục vụ ông, tức là đóng góp vào tác phẩm của ông, đi tới những khúc ca mới.
Có lần khi Goethe lưu ý với Riemer (1) rằng, phần nhiều người ta không yêu cái thực sự là ông, mà nhiều hơn là cái những gì họ chắp cho ông, rằng họ thuần chỉ yêu “sự hình dung của họ” về ông, tức là tự yêu lấy bản thân họ, thì chắc chắn ở đây ông cũng nói về mối quan hệ của ông đối với phụ nữ: với ông tất cả họ ít quan trọng hơn so với điều người ta có thể chắt lọc ra từ những câu thơ ông viết. Và Marianne? Cô gái cùng một đoàn kịch từ Áo đến Frankfurt, đã gặp Goethe, khi cô vừa kết hôn xong với Willmer, một ông chủ nhà băng già hơn trông thấy. Cô nàng là một người độc đáo, gì thì gì trong cuộc đời của Goethe. Điều gì phân biệt nàng với những người đàn bà khác, chính là thiên bẩm thi ca đáng ngạc nhiên. Hiển nhiên cô rành tất cả, những gì cô muốn: múa, hát, làm thơ – và cả quyến rũ.

Marianne, phúc đức của tất cả chúng ta

Nhưng mà sự đời trái ngược: Vào mùa hè và mùa thu năm 1815, ông già 66 tuổi Goethe đã hớp hồn Marianne (dạo đó nàng ta 30 tuổi tròn) và như thế quyến rũ cô gái, quyến rũ đâu ra đấy – mà thế chỉ thành ra một trò chơi, một trò chơi tình ái, một trò chơi vô hại. Ông ấy khoái hoạt, cảm nhận thấy “Làn gió mùa xuân và lửa cháy mùa hạ”; liên tiếp một lèo ra đời những bài thơ mới. Mười hai, mười ba năm sau ông sẽ nói với Eckermann (2) rằng “đối với những người tài năng ưu đãi, kể cả khi họ về già, họ vẫn luôn luôn cảm nhận được những thời kỳ tươi mát của năng suất sáng tạo đặc biệt”. Ông nói về một “sự trẻ lại từng thời”. Điều này liên quan tới thời gian viết “Thi tập Đông Tây”, vào những tuần và những tháng ghi dấu ấn Marianne. Đương nhiên trong cái nhìn hồi cố này nàng không hề được nhắc đến dù chỉ một lần. Sự biết ơn không thuộc về những phẩm chất ưu trội của Goethe.
Marianne đã cùng chơi cuộc trò, nàng là một người cộng sự tuyệt như trong thần thoại, một người tốt hơn ông chẳng có thể mong đào đâu ra. Nàng là hạnh phúc của ông, cho đến hôm nay nàng là diễm phúc của tất cả chúng ta. Bởi cám ơn nàng chúng ta có được “Thi tập”, cuốn sách “Suleika”. Tuổi thanh xuân tái hồi ông được ông nhẩm ước, tình yêu với Marianne tương tự vậy ông vẽ ra cho mình, ông đã siêu nghiệm hóa và lạ hóa nó trong trang phục Trung Cận Đông. Và nàng đã chắp cánh nâng trò chơi nhục cảm lên thành một cuộc đối thoại thi ca, trong đó bản thân nàng đóng góp vào ba bài thơ riêng, hay đến mức Goethe đã có thể đưa vào trong “Thi tập”. Nhưng mà trong khoảnh khắc, khi ông cảm nhận ra điều mà ông khá may không trù tính tới, tức là tình cảm xao xuyến của người đàn bà trẻ thờ phụng ông bắt đầu biến thành một ngọn lửa ái tình, thì ông, như nhiều lần vốn vậy trong đời mình, bất chợt tạm biệt người tình và đánh bài chuồn.

Từ đây nói lên sự vững tin và hạnh phúc

Nàng rơi vào cơn trầm cảm sâu và nhiều lần xin chàng cho gặp mặt. Chồng của Marianne đồng ý với lời khẩn cầu này. Goethe không muốn biết gì về việc ấy. Không bao giờ ông còn gặp lại nàng nữa. Điều đó đảm bảo chắc chắn và không có gì mới cả. Ông ta là một con người sắt đá tới mức tàn nhẫn. Không ít người đàn bà những có thể mách cho ta biết về điều đó, kể cả Christiane Vulpus (3). Nhưng mà có lẽ sự sắt đá này là điều kiện không thể thiếu làm nên tác phẩm của ông.

Bài thơ khởi đầu bằng câu “Ở những khóm cành rậm rạp”, đi từ cuốn sách “Suleika”. Ông viết những câu thơ này nếu không cho Marianne, thì thế đó cũng với nghĩ suy về nàng. Là một trong những ít bài thơ của “Thi tập”, bài thơ này chưa bao giờ được trích dẫn, hầu như không được bình luận. Vì sao thế? Tôi không biết, nhưng mà tôi cầu xin, hãy tin tôi: Đối với tôi đó là tinh chất thơ ca của Goethe chín muồi khi về già. Đó là những câu thơ hoàn hảo bổ sung vào thơ trữ tình của ông một âm điệu hoàn toàn mới.

Sự điềm tĩnh với sự đung đưa êm đềm thống nhất bài thơ tự nhiên này, từ nó sự tự tin và hạnh phúc cất lời. Trên bình diện cao nhất bài thơ đầy nghệ thuật và đồng thời mang vẻ tự nhiên trôi chảy và vâng, đến mức hối thúc. Vẻ tự nhiên này không bị ảnh hưởng bởi những lời không thông dụng, dù ở mức thấp nhất. Goethe khiến ta ngỡ ngàng với một động từ tuyệt vời và mới mẻ (umschalen: bọc vỏ), ông sử dụng một từ vào thời ông sống đã quá cổ (geduldiglich: nhẫn nại), ông để cho một cành chao gió, và những trái quả đã từ lâu “lủng liểng”.

Bản thể tự nhiên của mình trở thành chủ đề

Sự gắn bó với thiên nhiên thuộc về những thành tố luôn hiện hữu trong sự tồn sinh và sáng tác của Goethe. Nhưng ngợi ca thiên nhiên chỉ vì mục đích tự tại của nó chưa bao giờ là sự nghiệp của ông. Nơi nào ông nhìn ngắm tới, ông luôn thấy, như bản thân thường nói – liên tục “những biểu tượng của một thế giới vĩnh hằng hư hao và luôn luôn trẻ lại” ở trước mắt. Những người đàn bà, những đóa hoa, vầng trăng và các vì sao, rừng và nai – trong tất thảy ông nhìn ra vòng trang sức. Và trong tất cả, người đọc được phép tìm thấy biểu tượng và phát hiện ra rằng, mình được phép thưởng thức những thứ đó.

Cả cái cây, ở đây được giới thiệu cho mọi người quan tâm thứ Goethe gọi ra người yêu của mình và có thể bản thân ông cũng muốn là là thứ đó, trước hết không là gì khác hơn một cái cây thực. Bởi vì quả của nó “bọc ngoài gai góc” (tức là có cái vỏ màu xanh gai nhọn), ắt phải đả động đến một cây dẻ. Cành của nó đu đưa “nhẫn nại” mà thế đó trong những trái xanh, chín dần và trương nở từ bên trong cái hạt màu nâu, hiển hiện lên được so sánh với một con thú hay là một sinh thể người, muốn được hớp không khí và đòi ra chỗ mặt trời. Hạt bục vỡ vỏ và hân hoan gieo mình xuống.

Mãi tới đó hai câu thơ cuối cho cảm nhận ý nghĩa của bài thơ: kẻ nói tới thiên nhiên, chính tự nói về bản thân mình và thơ ca của ông ta. Những hạt dẻ đẹp chín muồi tượng trưng thứ không gì khác hơn là những bài thơ mới của ông ta. Ông ta không trao tặng chúng cho người yêu, ông ta không đặt chúng xuống dưới chân nàng. Ông ta để chúng, tụ đầy như trái quả, rơi xuống lòng nàng. Dành cho nàng, Marianne von Willmer, ông đã viết nên những câu thơ này, ông đã thụ sinh chúng cho nàng, hẳn người ta có thể nói được như thế chứ. Và nàng ta có thể thụ lãnh những câu thơ đó.

Cách nhìn thế giới và sự cảm nhận bản thân của Goethe tương ứng đầy đủ với nhau. Như ông thường xuyên hòa hợp với nhiệm vụ và mục đích, với ý nghĩa của sự tồn sinh của mình, thì cũng vậy, ông hợp nhất với tự nhiên bao bọc quanh ông. Ông đồng điệu với tự thân như người gác đền Lynceus, ông đã để chàng ta ca hát: “Như anh đây thấy thích, anh thích cả luôn anh”.

Nguồn: Frankfurter Anthologie – FAZ

 

Ở NHỮNG KHÓM CÀNH RẬM RẠP

Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832)

Ở những khóm cành rậm rạp
Người yêu, em ngó tới đi
Để quả cây khoe em vẻ
Ngoài bọc vỏ gai xanh rì.

Lâu rồi trái treo lủng liểng
Chẳng quen biết nhau, lặng thinh
Một cành cong gió rung rinh
Ru chúng đung đưa nhẫn nại.

Chín dần từ trong thế đó
Cái hạt nâu cứ nở trương
Nó muốn hớp lấy không khí
Và thích được ngó vầng dương.

Vỏ trái nứt ra và rụng
Hạt buông mình xuống hân hoan
Khúc hát của anh cũng thế
Rơi xuống lòng em đầy tràn.

Nguyên tác tiếng Đức:

AN VOLLEN BÜSCHELZWEIGEN

Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832)

An vollen Büschelzweigen,
Geliebte, sieh nur hin!
Laß dir die Früchte zeigen,
Umschalet stachlig grün.

Sie hängen längst geballet,
Still, unbekannt mit sich,
Ein Ast, der schaukelnd wallet,
Wiegt sie geduldiglich.

Doch immer reift von innen
Und schwillt der braune Kern,
Er möchte Luft gewinnen
Und säh‘ die Sonne gern.

Die Schale platzt, und nieder
Macht er sich freudig los;
So fallen meine Lieder
Gehäuft in deinen Schoß.

Chú thích của người dịch:

Marcel Reich-Ranicki (1920-2013): Nhà phê bình văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.

Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832): Thi hào Đức cùng với Friedrich Schiller trở thành đại diện quan trọng nhất của trào lưu Cổ điển Weimar, nhiều tác phẩm thuộc về đỉnh cao của văn chương thế giới, có sự nghiệp đồ sộ trải rộng trên nhiều lĩnh vực thơ, văn xuôi, kịch, nghiên cứu khoa học tự nhiên, họat động chính trị.

(1) Friedrich Wilhelm Riemer (1774-1845): Nhà văn, thủ thư và thư ký của Goethe.

(2) Johann Peter Eckermann (1792-1854): nhà văn, thư ký gần gũi của Goethe.

(3) Christiane Vulpus (1765-1806): Cô gái bán hoa bình dân, vợ của Goethe.

 

©® Phạm Kỳ Đăng và Văn Việt