Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

Vì sao tiếng cười bị căm ghét?

Tạ Duy Anh

Tôi phát hiện ra rằng, những người cầm quyền trong chế độ toàn trị rất dị ứng với những tác phẩm hài hước, dù nó nói về bất cứ chủ đề gì. Cứ gây cười là rất đáng ghét và đáng sợ?

Vì sao vậy? Tại sao những tác phẩm mang đến bạn đọc tiếng cười lại bị săn lùng, ngăn chặn, tìm cách vô hiệu hóa ở mọi nơi, mọi lúc gắt gao, khắc nghiệt đến thế? Hóa ra khi ngồi xem ti vi, tôi nhận ra toàn bộ các chương trình, dù rất nghiêm trang như những lễ kỉ niệm, những kì hội họp, những cuộc thăm thú, những lời phát biểu… đều ẩn chứa yếu tố hài hước, yếu tố diễn hề. Bất cứ gương mặt nào xuất hiện cũng có khả năng gây cười, nếu người xem có một chút hiểu biết về ông hay bà ta, rồi đặt bên cạnh những gì ông hay bà ta nói. Làm sao không gây cười được, khi một ông bà nào đó kiến thức rỗng tuếch, đến viết còn sai chính tả, lại nói rất hùng hồn về những thứ cao siêu, về thời đại trí tuệ, về tầm nhìn nửa thế kỉ? Làm sao không gây cười được, khi trong một hội trường nào đó, trên những băng rôn, khẩu hiệu, trên những dáng đi, cử chỉ nghiêm cẩn… thực chất đều là diễn, đều đang làm trò, chẳng có cái gì thiêng liêng cả. Hàng ngàn người nét mặt ai nấy đầy vẻ nghiêm nghị, cứ như họ đang chuẩn bị tuyên thệ, nhưng tất cả đều đang đóng kịch, đang canh chừng nhau, đang ngầm toan tính giành giật quyền lợi về mình và không một lời nào được nói ra là thật, không một hành động nào đáng tin. Thế thì làm sao lại không gây cười. Quan sát rộng ra, mọi thứ khác cũng đều ẩn chứa sự hài hước. Một bức tranh áp phích, một đoạn phát biểu, những khẩu hiệu nhiều nhan nhản, những cử chỉ, lời nói như thánh phán, nổ như bom, buông ra ở bất cứ đâu… cũng đều là những chi tiết có thể cười vỡ bụng của vở đại hài kịch.

Phàm con người ta rất ghét phải thấy lại hình ảnh nhếch nhác của chính mình. Bạn cứ làm một cú test đơn giản mà xem: Tặng một đại nhân thích trịnh trọng nào đó tấm hình chụp ông ta lúc ông ta ăn mặc lôi thôi, hoặc lúc ông ta chức vụ còn bé tí, ông ta sẽ căm ghét bạn – kẻ lưu giữ trong kí ức những thứ chả ra gì về ông ta – đến xương tủy. Vua chúa ngày xưa tìm cách giết bạn nối khố cũng là vì thế. Mà cấp nhếch nhác ấy chỉ mới ở hình thức, còn lâu mới kinh bằng nhếch nhác từ trong tinh thần. Vì thế, mọi sự “nhắc cho nhớ lại” còn hơn cả nhạo báng. Con người có thể nói dối ráo hoảnh, trơ tráo, nhưng nó rất sợ đối diện với chính sự nói dối ấy, rất sợ bị vạch trần bởi người khác.

Một chế độ tồi tệ cũng thế. Nó biết rõ nó đang tạo ra hài kịch ở khắp nơi, trong bất cứ công việc núp bóng nghiêm trang nào, nên không muốn thấy thêm bất cứ một tiếng cười nào nữa. Tiếng cười nào cũng là đang giễu cợt nó, biến nó thành con rối, thành kẻ hạ đẳng về trí tuệ, xóc thẳng vào tim óc nó. Nhưng chính vì thế, chính vì không dám chấp nhận bị chế giễu, sợ tiếng cười như sợ một liều thuốc đắng, mà con người, hoặc rộng ra là chế độ, sẽ không bao giờ có thể tử tế được. Những thứ nó cần là bọn nịnh thần, bọn bồi bút và rốt cuộc cũng chính bọn đó sẽ đào huyệt chôn nó. Hãy khảo sát lại quá trình đi đến tiêu vong, nhiều khi cũng đồng nghĩa với quá trình tắm máu, của các chế độ căm ghét hài hước, chúng ta dễ dàng nhận ra chúng cùng chung một kiểu chết: Đó là mù tịt trước mọi sự thật về mình, cho đến khi tim gan óc tủy thối ruỗng mà không biết. Tương lai của nó không gì khác là cái chết.

Toàn bộ lý do khiến tác phẩm hài hước bị ghét bỏ, chính là ở chỗ đó.

Nhưng một xã hội chỉ thay đổi khi xuất hiện tiếng cười. Đạo đức chỉ được vãn hồi nhờ sự thanh tẩy của tiếng cười. Chỉ cần thấy nó gây cho quyền lực, cho sự lố bịch nhan nhản khắp nơi nỗi sợ hãi thế nào, là đủ hiểu sức mạnh của nó. Buồn thay thứ quan trọng đó lại gần như tuyệt đối vắng bóng trong nền văn học nước nhà. Hoặc nếu có, thì cũng bị ngăn chặn ở mọi cửa ải khiến nó không thể tham gia vào quá trình cải tạo xã hội.

Nhân đang diễn ra Đại hội Hội nhà văn, nơi tôi không có mặt vì sợ sự ồn ào, tôi muốn nói với các bạn đồng nghiệp rằng, chúng ta có lỗi lớn trong việc để cho nền đạo đức chính trị (chứ chưa nói đến đạo đức xã hội) xuống cấp trầm trọng, là môi trường dung dưỡng những quan chức tham lam, đồi bại, dốt nát, dối trá… vì thiếu vắng sự giễu nhại. Cái xấu, cái ác chỉ có thể bị đẩy lùi bằng tiếng cười. Hãy khiến chúng phát điên, phải đối diện ngày ngày với sự nhếch nhác của chúng, đến mức phải nhảy múa.

Và tiện đây tôi cũng muốn nói thêm: Cái gọi là tự do sáng tác theo định hướng, không những lố bịch về mặt ngôn từ, mà còn có nguy cơ biến nền văn học đương đại nước nhà thành đống rác khổng lồ không sọt nào chứa hết.

Hình ảnh có thể có: 9 người, bao gồm Sơn Nữ, mọi người đang đứng và đám đông

Nguồn: FB Tạ Duy Anh