Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

Mấy kỷ niệm làng văn bị trói (3)

Hồi ký Bùi Minh Quốc

Chúng tôi đang khấp khởi hy vọng thì một hôm, khoảng non một tuần sau, Bí thư chi bộ Xuân Thiều và Đại tá Cục phó Cục Văn hoá Quân đội Chính Hữu vừa gặp tôi ở sân nhà số 4 Lý Nam Đế (trụ sở tạp chí Văn nghệ Quân đội) đã chặn đầu choảng ngay:

- Này ông Quốc, các ông định biểu tình hả?

Bị bất ngờ, tôi hơi hoảng, không biết chuyện gì mà ghê gớm vậy.

- Sao, tôi chưa hiểu các anh định nói việc gì?

- Ai cho phép các ông gửi thư lên Bộ Chính trị?

Việc riêng bí mật của mình đã bị lộ – tôi thoáng nghĩ nhanh và gắng giữ bình tĩnh, đánh ngay ván bài ngửa:

- Gửi thư lên Bộ Chính trị là việc bình thường, có gì mà các anh hạch tôi ghê thế?

- Không, theo nguyên tắc, mỗi người cần đề đạt điều gì thì phải gửi cho cấp trên trực tiếp của mình, rồi mỗi cấp xem xét và chuyển dần lên trên tuỳ theo tầm quan trọng của vấn đề. Trừ trường hợp anh khiếu nại về cấp trên trực tiếp của mình thì mới được gửi vượt lên một cấp.

- Thì tôi làm đúng việc ấy đấy, chỉ có điều là tôi nói về việc bên Hội Nhà văn.

- Người ở cơ quan này không được phép can thiệp vào công việc của cơ quan khác.

- Ô hay, tôi là hội viên Hội Nhà văn mà không được quyền có ý kiến về công việc của lãnh đạo Hội à?

Tôi thuật lại cho anh Oánh nghe cuộc chạm trán giữa tôi với hai ông Xuân Thiều, Chính Hữu. Anh Oánh chu miệng thở dài, lắc đầu:

- Thôi bỏ mẹ, thế là thư tụi mình gửi cho ông Lê Đức Thọ bị ném vòng trở xuống rồi. Hèn nào mấy hôm trước thấy lão Nguyễn Thanh cứ thì thọt xuống gặp Xuân Thiều có vẻ bí mật lắm, thì ra là chuyện này.

Ông Nguyễn Thanh, đâu như trước kia từ bên công an chuyển sang, hiện là Vụ trưởng một vụ quan trọng ở Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương, nghe nói là cánh tay phải của ông Hà Xuân Trường, Trưởng ban.

Có một việc gieo lại chút hy vọng mơ hồ. Nguyên Ngọc được ông Lê Đức Thọ mời lên gặp riêng. Sau cuộc gặp, Nguyên Ngọc có vẻ yên tâm hơn. Anh thuật lại, chắc chắn là khó đầy đủ, nội dung cuộc gặp ấy cho tôi và anh Oánh nghe. Đại khái là có những lời động viên, đánh giá cao về cá nhân Nguyên Ngọc, một số lời nhắc nhở về tình hình chính trị phức tạp, về âm mưu thủ đoạn địch, về yêu cầu đoàn kết nội bộ, một vài lời “uốn nắn” tế nhị…

Chúng tôi đều hy vọng – một cách mong manh – nghị quyết sắp ra của Ban Bí thư về tư tưởng văn hoá sẽ có những kết luận rành mạch.

Hoá ra là hy vọng hão.

Nghị quyết chỉ đề cập đến những vấn đề cấp bách (không biết đã bao nhiêu lần cấp bách thế rồi), trong công tác tư tưởng, văn hoá! Đoạn nói đến văn nghệ chỉ rất ngắn và chung chung, nghĩa là những người có quan điểm khác biệt nhau anh nào cũng có thể bẻ một nửa nghị quyết để tự vệ và phản bác lại đối phương.

Các cơ sở Đảng trong các cơ quan văn hóa văn nghệ ở trung ương triển khai học tập nghị quyết, mà hai điểm nóng bỏng là Hội Nhà văn và tạp chí Văn nghệ Quân đội. Lại một dịp để đấu nhau về quan điểm, và hẳn không chỉ về quan điểm, mà đối tượng tập trung bị đấu ai cũng thấy trước là bản Đề dẫn. Thái độ đối với Đề dẫn là thước đo lập trường quan điểm của mỗi người, ai cũng hiểu ngầm thế. Trước khi học nghị quyết, tất cả các nhà văn ở tạp chí Văn nghệ Quân đội và phòng Văn nghệ Quân đội được Tổng cục Chính trị mời vào phòng họp của Tổng cục trong thành Thăng Long (khu vực trú đóng các cơ quan tối cao của quân đội) để nghe ông Nguyễn Thanh bên Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương sang nói chuyện. Sự có mặt của cả ba vị tướng ủy viên trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Nam Khánh (kiêm Bí thư đảng uỷ Tổng cục), Trần Văn Phác, Đặng Vũ Hiệp khiến tôi hiểu ngay cuộc họp này thật quan trọng. Toàn bộ cuộc nói của ông Nguyễn Thanh đều tập trung vào việc phê phán những lệch lạc nghiêm trọng của Nguyên Ngọc mà chứng cớ trọng tội là Đề dẫn. Ấy thế mà sau khi ông Nguyễn Thanh nói xong, có một nhà văn nào đấy hỏi ông nội dung chủ yếu của Đề dẫn là gì, thì, thật đáng kinh ngạc và đáng “khâm phục”, ông chỉ thoáng chút ngượng nghịu rồi trả lời một cách xanh dờn rằng: “Tôi đọc hơi lâu rồi nên cũng quên cả”. Sở dĩ có người hỏi ông vậy là bởi phần lớn những người đến ngồi nghe ông phê phán Đề dẫn đều chưa được đọc Đề dẫn. Đây là một cái nếp tệ hại đã trở thành một “truyền thống” đáng xấu hổ mà hầu như chẳng mấy ai thấy xấu hổ: người ta cứ hùng hổ phê phán hoặc nghe phê phán rồi lặp lại như con vẹt cái mà người ta không đọc hoặc đọc một cách hời hợt. Câu trả lời của ông Nguyễn Thanh khiến mấy vị tướng chủ nhà cũng không giấu được vẻ mắc cỡ, còn cánh nhà văn nhìn nhau với ánh mắt như ngầm nói: Kinh chưa, các quan trên đùa nhả đến thế là cùng!

Hôm sau, ở cơ quan chúng tôi phải sinh hoạt tổ đảng để mỗi người tự bộc lộ quan điểm của mình đối với Đề dẫn. Tôi nhớ nhà thơ Vương Trọng đã phải bực bội thốt lên rằng, thật không thể nào hiểu được, đường đường một đồng chí Vụ trưởng chuyên theo dõi văn hoá văn nghệ đứng ra phê phán người ta đủ điều vì cái Đề dẫn, mà rồi rốt cuộc thú nhận chẳng nhớ Đề dẫn nói những gì. Sao lại tuỳ tiện đến thế, coi khinh anh em đến thế? Cuộc sinh hoạt phải tạm hoãn vì mọi người yêu cầu phải đánh máy Đề dẫn ra làm nhiều bản phát cho anh em nghiên cứu trước đã. Nhưng cấp trên chỉ cho đánh máy đủ mỗi tổ một bản, ngồi họp lại một người đọc cho cả tổ cùng nghe, sau đó các bản Đề dẫn này lại bị thu lại ngay. Họp tổ rồi họp toàn thể cán bộ sáng tác, biên tập, cả trong lẫn ngoài Đảng. Ở tạp chí Văn nghệ Quân đội hầu hết là đảng viên.

Ở đâu và lúc nào thì các cuộc đấu tranh về quan điểm, ngoài nhu cầu chính đáng tìm kiếm chân lý đều thường dễ chen vào sự tranh đoạt chức quyền. Ở tạp chí Văn nghệ Quân đội vào thời điểm này tình trạng ấy càng thêm gay gắt. Từ sau khi nhà thơ Vũ Cao Tổng Biên tập tạp chí chuyển ngành ra ngoài làm Giám đốc Nhà Xuất bản Hà Nội thì Văn nghệ Quân đội chưa có Tổng Biên tập. Có mấy cán bộ sàn sàn nhau, Tổng cục Chính trị chắc là e ngại xảy ra phân bì giành giật nên chưa quyết định chọn hẳn ai, chỉ mới tạm giao Nguyễn Trọng Oánh làm quyền Tổng Biên tập, ba Phó Tổng Biên tập là Hồ Phuơng, Xuân Thiều, Nguyễn Chí Trung.

Nguyễn Trọng Oánh là dân Văn nghệ Quân đội cũ đi chiến trường miền Nam hồi năm 1966 mãi sau 30 tháng 4 năm 1975 mới trở về. Cho đến thời điểm tôi đang kể, anh vẫn chưa đoàn tụ được gia đình vì chưa có chỗ ở riêng. Vợ anh dạy học trong Hà Đông, bao nhiêu năm xin chuyển về Hà Nội vẫn chưa được. Con trai may xin được đi học nghể ở Tiệp Khắc, anh cùng hai con gái ở tạm một căn phòng trên gác nhà số 4 này. Giáng Vân, con gái đầu, vừa tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn (ôi, cháu cũng lại theo cái nghiệp văn chương khốn khổ), còn Tâm em Vân đang có việc làm tạm tại một cơ sở của quân đội. Có hy vọng người ta sẽ cấp cho một căn hộ mãi trong Kim Giang vùng ngoại ô trồng rau muống ven con sông Kim Giang nước thối quanh năm. Nhưng đi lên đi xuống mòn đường chết cỏ vẫn chưa thấy đâu cái quyết định cấp nhà.

- Hình như ông Xuân Thiều sắp được cấp nhà ngay trên đường Lý Nam Đế này, sao anh không xin một căn hộ ở đấy cho gần? – Tôi hỏi anh Oánh.

Anh nhìn tôi mỉm cười thiểu não:

- Ông tưởng dễ lắm đấy? Cái thớ mình làm sao mà chen nổi được vào những chỗ ngon lành thế.

Cái tính anh thế, không hề bon chen, chỉ biết tận tuỵ phục vụ, nhận phần khó, phần thiệt về mình. Tôi đã được anh kể cho nghe ít sự tích chuyện đi B – đi chiến trường miền Nam – ở cái tạp chí Văn nghệ Quân đội này. Những người đi sớm nhất là Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn), Nguyên Ngọc, đi từ năm 1962. Rồi đến ông Văn Phác Chủ nhiệm tạp chí vào làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân giải phóng miền Nam. Năm 1966, ông Văn Phác điện ra xin một số cây bút cứng của Văn nghệ Quân đội vào tăng cường cho lực lượng trong đó. Không thấy có tên Nguyễn Trọng Oánh trong danh sách, chắc vì chưa được coi là cây bút cứng. Còn các cây bút cứng thì, người kêu bệnh này tật nọ, kẻ la lối: “Tôi là hình nhân thế mạng à?”. Rốt lại chỉ có hai người xung phong đi là Nguyễn Trọng Oánh và Trúc Hà (Nam Hà), hai cây bút khi ấy chưa được nổi tiếng bằng các cây khác. Sau những năm dài ở chiến trường trở về, xen giữa những lời chúc mừng thật lòng, cũng đã có người, vẻ đùa cợt thân thiện mà đầy hàm ý, bảo với Nguyên Ngọc và Nguyễn Trọng Oánh: “Hai ông là hai cây trọng pháo ở cái nhà số 4 này”. Mới nghe thì đó là lời khen tặng, nhưng ngẫm kỹ thì cũng chả hoàn toàn là thế. Nguyễn Trọng Oánh cặm cụi viết, vốn sống tích lũy từ chiến trường đang bề bộn, tiểu thuyết “Đất trắng” ra tập 1 được dư luận chú ý ngay. Tôi thấy anh thích được ngồi viết hơn là làm Tổng Biên tập. Thỉnh thoảng lại nghe anh kêu mệt, mệt vì sức khoẻ phần nào, nhưng chủ yếu mệt vì cái bầu khí đầy rẫy sự dòm ngó soi mói sẵn sàng hạ nhau vì một sơ hở nào đấy trong nội dung tờ tạp chí. Mà sơ hở thì thiếu gì, khi mỗi câu, mỗi chữ đều được đặt dưới cặp kính của người lính gác cổng về tư tưởng. Dưới cặp kính ấy thì ngay đến cái phẩm chất người nghệ sĩ - chiến sĩ cũng có lúc bị nghi vấn, hạch sách. Chẳng hạn tôi nhớ có lần anh Oánh cho đăng một bài của tôi viết về kỷ niệm mấy anh em văn nghệ Khu 5 đi chiến dịch có đoạn kể Nguyên Ngọc, Thu Bồn và tôi đã đọc thơ và đọc cả tuỳ bút nữa, ở cửa hầm nhà bà Bốn Thí (thôn Tây, xã Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam) trước một công chúng đặc biệt, đó là đội quân tóc dài – đội quân đấu tranh chính trị sắp sửa xuống đường đêm giáp tết Mậu Thân trong khi hoả lực pháo, cối từ căn cứ Bồ Bồ ngay cạnh bắn ra tới tấp. Tôi kết luận bài báo: Từ ánh mắt những người nghe đêm ấy, chúng tôi nhận được một nguồn sức mạnh phi thường để rồi không bao giờ còn biết lùi bước trước bất kỳ một trở lực nào. Bài báo đăng vào thời điểm Nguyên Ngọc đang bị nện mạnh vì Đề dẫn. Thế là trong cuộc họp biên tập, ông Phó Tổng Biên tập Xuân Thiều liền đưa ra chất vấn: Tác giả muốn ám chỉ trở lực nào trong xã hội tốt đẹp của ta hiện nay? Lại có hàm ý như thách thức, thách thức ai? Viết như thế, đăng như thế có lợi gì? Ông ta phê người viết đã đành, nhưng cái chính là phê người cho đăng, tức là anh Oánh. Tuy nhiên chúng tôi, Thanh Quế, Triệu Bôn, tôi và anh Nguyễn Chí Trung vẫn động viên anh Oánh kiên trì làm nhiệm vụ của mình, không được nản. Bởi chúng tôi thấy anh là người chân thực, trong sạch, khẳng khái, dám bảo vệ những gì mình cho là đúng, trong khi mấy người đang nhấp nhỏm nhảy vào cương vị của anh thì hoàn toàn xa lạ với những đức tính ấy.

Trong ba Phó Tổng Biên tập thì Phó Tổng Biên tập Hồ Phương là nhà văn nổi tiếng từ kháng chiến chống Pháp với truyện ngắn “Thư nhà”. Nhưng sau truyện ngắn ấy chưa thấy có tác phẩm nào đáng chú ý ngoại trừ truyện ngắn “Cỏ non” được dư luận coi là tương đối khá. Trong tập thơ “Chân dung nhà văn” của Xuân Sách có chân dung số 1 là vẽ ông:

Cỏ non nay chắc đã già

Buồn tênh lại giở thư nhà ra xem”.

Thời kháng chiến chống Mỹ, ông có đi B theo dạng gọi là “B ngắn”, vào chiến khu Trị Thiên ít tháng trở về viết mấy cuốn người thật việc thật in sách, đăng báo, phát sóng rôm rả. Đặc biệt ông có cuốn ký sự “Chúng tôi ở Cồn Cỏ” mặc dù ông không cần ra đảo Cồn cỏ. (Đây cũng là phương thức phục vụ kịp thời của một số nhà văn hồi đó, chẳng hạn nhà văn Nguyễn Khải có ký sự “Hoà Vang” ghi theo lời kể của một cán bộ từ Hoà Vang ra). Ông là dân cựu trào ở Văn nghệ Quân đội, lại nổi tiếng sớm, nên khi ông Vũ Cao đi, không ít người đã đinh ninh chiếc ghế tổng Biên tập đương nhiên phải thuộc về ông .

Phó Tổng Biên tập Xuân Thiều vào làng văn với tập truyện ngắn “Đôi vai”. “Đôi vai thì gánh lập trường. Đôi tay…”, thơ “Chân dung nhà văn” vẽ ông thế. Tôi thấy đúng lắm. Ông lúc nào cũng tỏ ra rất là lập trường, trong các cuộc hội nghị. Sau chuyến đi B ngắn trở về ông có tiểu thuyết “Thôn ven đường”. Ông có thế mạnh hơn hai ông phó kia là có thêm chức Bí thư chi bộ, coi như một chứng chỉ ngời ngời về lập trường, quan điểm.

Phó Tổng Biên tập Nguyễn Chí Trung viết ít, có thể nói là quá ít và rất kỹ tính trong văn chương. Anh được biết đến nhiềù với truyện ngắn “Bức thư làng Mực” được đưa vào tuyển tập và sau đó giữ chỗ thường xuyên trong các tuyển tập. Nhưng công việc chủ yếu choán hết thời gian tâm sức của anh là công việc của một cán bộ chính trị. Con người nhà văn và con người cán bộ ở anh đều chung một niềm say mê, phải nói một niềm say mê khác thường mà tôi thấy ít nhà văn ít cán bộ nào sánh kịp, ấy là niềm say mê lao vào thực tế. Tôi quen anh từ năm 1967, đã được anh tạo điều kiện cho đi các chiến dịch của quân chủ lực. Tôi thấy anh lúc nào cũng lăn lộn mê mải ở những nơi gian khổ nhất, dễ chết nhất, khi thì cùng với các đội viên đội công tác rúc rào vượt hào vào các ấp chiến lược, khi thì cùng các chiến sĩ đặc công cắt rào vào tận lô cốt giặc. Trong trận đánh chiếm căn cứ Liệt Kiểm (Quảng Nam) năm 1972, anh được cử làm phái viên của Quân khu xuống một đơn vị đặc công. Trận thắng giòn giã. Anh đựơc tặng thưởng huân chương nhờ công lao đóng góp cho đơn vị, một điều hiếm có đối với các phái viên. Chiến dịch Thượng Đức năm 1974 do binh đoàn Hương Giang đảm nhiệm, anh ở trong đoàn phái viên của Quân khu 5 cử đến tham gia hỗ trợ. Trận then chốt bị nhâm nhây. Nguyễn Chí Trung lặng lẽ mò xuống tận đại đội chủ công tìm ra nguyên nhân sự trục trặc là do mở sai hướng đột phá. Anh giúp đơn vị mở hướng đột phá mới. Đánh thắng xong, người đại đội trưởng cũng không biết tên anh, chỉ biết là một đồng chí nhà báo cấp trên (nhà văn Cao Tiến Lê năm ấy đi chiến dịch đã thuật lại việc này trong một bài ký sự). Say mê thực tế bao nhiêu lại say mê học tập bấy nhiêu, dù tuổi đã lớn. Dốc hết tiền lương ra mời thầy dạy riêng tại căn gác nhà số 4 Lý Nam Đế hằng đêm. Mãi chẳng chịu lấy vợ vì còn mải mê chiến đấu, mải mê học tập. Tôi cứ tiếc mãi một điều, niềm say mê thực tế, say mê học tập đã làm mòn mỏi trong anh niềm say mê ngồi vào bàn viết.

Đấy, cái bàn cờ nhân sự trong giới lãnh đạo ở tạp chí Văn nghệ Quân đội vào thời điểm đấu tranh quanh vụ Đề dẫn là như vậy.

Trong các cuộc họp kiểm điểm sau khi học nghị quyết Ban Bí thư có cả Thượng tá Phạm Bá Hoà Phó Bí thư đảng uỷ Tổng cục Chính trị và hai Trung tá phái viên, một người tên là Tràng, còn người nữa tôi không biết tên, ngồi dự thường xuyên. Những anh muốn chứng tỏ lập trường với cấp trên càng được dịp tha hồ múa võ mồm. Hồ Phương, Xuân Thiều ráo riết phê phán Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Chí Trung là cùng có quan điểm với Đề dẫn, nghĩa là tư sản, là một giuộc với phần tử xét lại Garôđi, là mơ hồ, chao đảo, là lệch lạc nghiêm trọng. Chưa dám quy là chống Đảng, chắc có lẽ vì thấy chơi thế thì nó đao búa lộ liễu quá, cái tội chống Đảng từ lâu vốn đã ngầm được coi ngang với tội tử hình hoặc khổ sai chung thân, hạ nhau bằng miếng này không khỏi mang tiếng thất đức. Nguyễn Chí Trung còn bị quy thêm tội là đồng tác giả của Đề dẫn. Tội này thì không oan, mà Nguyễn Chí Trung cũng chẳng chối. Anh bảo vệ Đề dẫn như người lính giữ chốt đơn độc chống phản kích. Trích dẫn đủ hết, nào Mác, nào Ăngghen, Lênin, đưa hết các cụ tổ lý luận ra làm khiên mộc. Ông Xuân Thiều lại lôi chuyện “biểu tình” để nện tôi và anh Oánh. Chúng tôi kiên quyết phản đối. Tại sao viết thư cho Bộ Chính trị lại là biểu tình được? Nói như vậy là vu cáo, là chụp mũ. Ông Chính Hữu buộc phải có lời xin lỗi và rút lui hai tiếng “biểu tình”. Tuy vậy ông cũng khăng khăng nhấn mạnh lại nguyên tắc không được gửi thư khiếu nại vượt cấp. Ông Xuân Thiều còn quy chúng tôi cái tội trong khi Bộ Chính trị đang bận trăm công ngàn việc hệ trọng mà gửi thư như vậy là “làm rối” Bộ Chính trị. Sợ thật! Nhiều người nghe vậy không khỏi nhìn nhau tủm tỉm cười.

Có lần, khi túm tụm mấy anh em ngoài cuộc họp, tôi nghe Nguyễn Khải bảo Nguyễn Chí Trung: “Gớm, cái thằng Xuân Thiều! Còn ai hiểu cái quan điểm lập trường của nó hơn mình. Mình chỉ cần nói một câu thôi cũng đủ găm nó vào tường”.

- Sao ông không nói? – Nguyễn Chí Trung hỏi lại.

- Ông Trung ạ, kinh nghiệm chiến trường thì ông với ông Ngọc, ông Oánh có thừa, nhưng kinh nghiệm chính trường thì các ông còn là phải học nhiều, học nhiều. Ở đời có ba cái đam mê mà ít có thằng đàn ông nào cưỡng nổi: mê gái, mê tiền, mê quyền. Xin ông nhớ cho…

Tất cả nhìn nhau cười vui vẻ.

Đêm về, ngồi với nhau bên chén rượu suông trong phòng riêng, anh Oánh cứ nhìn tôi khe khẽ lắc đầu thở dài ngao ngán. Ngao ngán vì bao nhiêu lời lẽ dữ dằn đưa ra sát phạt về lập trường quan điểm suy cho cùng cũng chỉ là trò tranh xôi giành thịt y hệt bọn quan lại lý hào cũ, chỉ khác bây giờ được phết lên lớp sơn cách mạng. Ngao ngán hơn nữa vì lẽ: Mình thật lòng lo lắng cho Đảng, viết thư báo động với cấp cao nhất về tình hình đáng được trên đặc biệt lưu tâm ở Hội Nhà văn thì người ta ném bức thư vòng trở xuống để bên dưới có thêm cớ làm thịt nhau.

- Ngạt thở lắm rồi! Ngạt thở lắm rồi! Yêu cầu Quốc hội…!

Tiếng kêu thường lệ của cái ông điên điên bên ngôi nhà đối diện kề sân sau trụ sở báo Quân đội Nhân dân lại cất lên. Ngày nào cũng vậy, cứ đến giờ này là ông ta lại thò cổ ra khỏi ô cửa nhỏ của căn gác áp mái và kêu lên như thế. Có hôm ông kêu ngay từ lúc chập tối, kêu suốt đến đêm, lạc cả giọng. Và cứ lặp đi lặp lại chừng ấy:

- Ngạt thở lắm rồi! Yêu cầu Quốc hội!… Ngạt thở lắm rồi!…

Không nhớ ông ta kêu thế từ bao giờ. Cũng không ai rõ nguồn cơn nào trong tiếng kêu ấy. Nghe mãi quen tai, không còn ai động lòng. Tôi có hỏi thăm, người ta chậc lưỡi: “Ông ấy điên mà!…”.

Tôi mở cửa sổ nhìn sang. Không thể nào nhìn rõ ông ta được. Căn gác áp mái của ông nằm ngoài vùng sáng vàng vọt của thành phố thiếu điện. Chỉ nghe tiếng kêu mà đoán ra. Tựa hồ tiếng kêu của một kiếp người tuyệt vọng nhưng không chịu tuyệt vọng.

Dưới đường, những chiếc xe bò chở than nối nhau lững thững đi.

Móng bò khua lộp cộp uể oải, rã rời. Những chiếc xe đổi thùng người kéo lình kình lầm lũi đi. Bóng mấy người công nhân cũng đen kịt lầm lũi như chiếc xe. Đã bao nhiêu năm rồi, thủ đô đã trải qua bao biến cố vĩ đại, mà vẫn nguyên đấy biểu tượng sống động của một cuộc đời tù đọng, ung rữa, từ thời tôi còn bé…

Ít lâu sau, anh Nguyễn Trọng Oánh viết thư lên Tổng cục Chính trị xin rút khỏi cương vị quyền Tổng Biên tập, chuyển sang tổ sáng tác. Anh Nguyễn Chí Trung được cử (hoặc bị điều) đi học ở Học viện Chính trị, sau đó đi Cam-pu-chia.

Bên Hội Nhà văn, cuộc đánh Đề dẫn không chỉ diễn ra trong các cuộc họp nội bộ mà nhảy lên mặt báo. Đây là một hành vi vô nguyên tắc, vì Đề dẫn là một tài liệu nội bộ, chỉ phổ biến trong các hội viên đảng viên dự hội nghị tháng 6 năm 1979. Sau này tôi mới hiểu, khi người hoặc nhóm quyền lực nào đó trong Đảng định đánh ai thì họ bất chấp nguyên tắc. Báo Văn Nghệ liên tiếp đăng các bài gọi là “Thư đầu năm viết cuối năm” gửi một chị Kim Nga nào đó của Chế Lan Viên đánh đòn rất nặng vào Đề dẫn (Nguyên Ngọc) và bài “Về một đặc điểm của văn học nước ta” (Hoàng Ngọc Hiến). Gần đây tôi mới biết nhà văn Vũ Thị Thường, vợ nhà thơ Chế Lan Viên, có tên thật là Lê Kim Nga.

Bài của Hoàng Ngọc Hiến thì trước kia đăng trên báo Văn Nghệ. Riêng Đề dẫn thì người ta chỉ lẩy ra ít câu để đánh chứ không được đăng ở đâu cả. (Mãi đến năm 1988, khi tôi làm Tổng Biên tập tạp chí Langbian của Hội Văn nghệ Lâm Đồng mới đưa đăng được già nửa thì tạp chí bị ngưng). Cái kiểu trói tay bịt miệng đối thủ rồi xúm lại đánh như thế vẫn kéo dài về sau và không biết còn kéo dài đến tận bao giờ – mà vụ đánh bài “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ” của Hà Sĩ Phu và bài “Từ bỏ chủ nghĩa cộng sản…” của Phan Đình Diệu (trả lời phỏng vấn của nhà sử học Na Uy Stein Tonnesson) là những bằng chứng điển hình.

Nguyên Ngọc cho tôi biết, trong Đảng đoàn, anh hầu như đã trở nên đơn độc. Những người lúc ban đầu tỏ ra chí cốt, tương đắc với anh, nay chẳng còn ai. Ông Chế Lan Viên thì thế. Ông Nguyễn Khải thì đã xếp ba lô để nhót vào Sài Gòn, trước khi bỏ chạy cũng quay lại phê phán Nguyên Ngọc với Đề dẫn để bày tỏ lập trường với trên. Nhiều năm sau, trên báo Công an TP Hồ Chí Minh số Tết Nhâm Thân (1992), tôi đọc thấy những lời này của ông: “Hễ có dịp được viết bài hay phát biểu trước đám đông về những lỗi lầm văn nghiệp của bạn bè, tôi thường tìm những câu những chữ ác độc để chứng tỏ sự sắc sảo khôn ngoan của mình. Nổi danh bằng cách giẫm đạp lên tử thi của người khác quả là ghê tởm, nhưng đúng là thế”. Đấy là ông nói về sự độc ác vô tâm thời trẻ của mình. Không biết đến cái thời xảy ra vụ Đề dẫn thì thế nào? Còn cái cảnh ghê tởm giẫm đạp lên tử thi của người khác thì thấy vẫn cứ diễn ra dài dài đến tận giờ. Lớp sau tiếp lớp trước, lớp nào cũng không thiếu những nhà này nhà nọ giẫm đạp lên tử thi các đồng nghiệp nạn nhân của mình để không phải chỉ nổi danh mà để kiếm một cái ghế trong Hội, Hội đồng, Quốc hội hoặc Ban này Bộ nọ. Tất cả như thể quay cuồng trong một mê hồn trận do một thế lực quỷ sứ phù phép, thứ phép thuật được nhào luyện bởi một bàn tay thì cầm cần câu nhử mồi danh lợi, còn tay kia thì tước đoạt đến tận cùng cái quyền đựơc có quan điểm riêng của mỗi con người. Bất luận kẻ nào có quan điểm khác biệt hoặc đối lập với quan điểm chính thống đều phải bị trừng trị, lộ liễu có, tinh vi có. Một cái lò khổng lồ sản sinh ra muôn vàn điều ác, đúng như B. Pasternak đã báo động từ nửa thế kỷ trước: “Tai hoạ chủ yếu, cội nguồn của cái ác trong mai sau chính là mất lòng tin vào giá trị của ý kiến riêng”.

Tôi nhớ một buổi tối mùa hè nóng nực, tôi với vợ chồng anh Nguyên Ngọc ngồi hóng mát ở sân sau nhà số 4 Lý Nam Đế. Anh Nguyễn Khải đi đâu chơi về cũng ghé lại góp chuyện. Chị Tâm vợ anh Ngọc vốn người thẳng tính, hỏi độp anh Khải:

- Này ông Khải, ông đọc cái truyện “Xôtnhicôp” của Vaxin Bưcôp chưa?

Anh Khải đáp ngay với một tiếng cười hề hề, đầu hơi ngoẻo:

- Rồi, đọc rồi. Tôi biết bà hỏi thế là bà định nói tôi cái gì rồi…

Cái truyện vừa của Bưcốp kể về một đôi bạn Hồng quân Liên Xô đi trinh sát trong vùng phát xít Đức chiếm đóng, bị địch truy đuổi họ không hề rời nhau, nhưng khi bị địch bắt thì một người đã phản bạn, phản quốc, khai báo hết với địch, mặc dù trước đó anh ta đã ra sức cõng bạn khi bạn bị thương. Kết cục cả hai cùng bị giặc treo cổ.

Nguyễn Khải lái nhanh câu chuyện sang đề tài khác. Bầu khí đang hơi sượng mau chóng bình thường trở lại.

Sau này, có lần Nguyên Ngọc nói với tôi: Điều bi thảm hơn hết và đáng suy ngẫm hơn hết là ở chỗ những người thông minh sắc sảo vào hàng nhất nước như ông Chế Lan Viên, ông Nguyễn Khải, các ông ấy thừa biết cả. Các ông ấy thừa biết thế nào là đúng, thế nào là sai, thế nào là cũ, thế nào là mới, các ông ấy căm phẫn những kẻ giáo điều học phiệt chẳng khác gì mình, ấy thế mà rồi… thế đấy.

Điều Nguyên Ngọc nói làm tôi nhớ lại đầu mùa thu năm 1975 khi lần đầu tiên tôi ra Hà Nội nghỉ phép sau 8 năm ở chiến trường, một hôm được gặp ông Chế Lan Viên ở sân trụ sở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật 51 Trần Hưng Đạo. Ông thuật lại vắn tắt cho tôi, một kẻ từ chiến trường lớ ngớ bước ra, về vụ người ta vừa đánh một số tác phẩm văn nghệ năm 1974. Ông thuật lại với một mối căm phẫn đang còn rất sôi sục trong lòng. Ông bảo nếu không có chiến thắng 30 tháng 4 thì còn khối anh em chết vì cái vụ này. Ông đặc biệt căm phẫn một bài trên tạp chí Học tập (sau đổi là tạp chí Cộng sản) hô hoán rằng đã thấy bốc lên một luồng tà khí trong văn học. “Tà khí nào? Tà khí nào?”, ông Chế dằn giọng hỏi, tất nhiên là hỏi một người vô hình nào đó, gương mặt tái đi vì căm phẫn.

Ấy thế mà rồi ông vẫn luôn làm như không có gì xảy ra hết, và lẳng lặng ngồi vào cái bàn tiệc bày toàn bánh vẽ.

BÁNH VẼ

Chưa cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ

Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn

Cầm lên nhấp nháp

Chả là nếu anh từ chối

Chúng sẽ bảo anh phá rối

Đêm vui.

Bảo anh không còn có khả năng nhai

Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…

Thế thì còn dịp đâu nhai thứ thiệt?

Rốt cuộc, anh lại ngồi vào bàn

Như không có gì xảy ra hết

Và những người khác thấy anh ngồi

Họ cũng ngồi thôi

Nhai ngồm ngoàm

CHẾ LAN VIÊN

(Văn học và dư luận, Nxb TP HCM tháng 8/1991)

Không biết đến nay còn bao nhiêu người vẫn kiên trì ngồi trong bàn tiệc bánh vẽ để mong có một ngày được nhai thứ thiệt? Mới đây có anh bạn từ Hà Nội vào bảo với tôi rằng trên các bàn tiệc bây giờ là bánh thật rồi chứ không phải bánh vẽ nữa (anh dẫn chứng ông Tổng Thư ký nọ, ba ủy viên kia được cấp nhà tiêu chuẩn bộ trưởng, thứ trưởng), chỉ có điều muốn được ăn bánh thật thì phải nói dối điêu luyện y như thật.

Ông Chế Lan Viên trong loạt thơ cuối đời có một bài là bài “Đà đao”: “Bước đường cùng thì cũng phải đà đao”. Có lẽ bài “Bánh vẽ” tôi vừa dẫn trên là một cái miếng đà đao trong thế trận chữ nghĩa mấy mươi năm hung hiểm. Nhưng chẳng biết cái miếng đà đao này ông nhằm vào ai? Tôi đồ rằng ông nhằm cái kẻ đã đẩy ông, một thi tài trác việt đến thế trong thời trẻ, lâm vào cảnh bao năm ròng, để mong ngóng có ngày sẽ được nhai thứ thiệt, đã phải… giết… giết…

Cái cần đưa vào thơ tôi đã giết rồi

Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười

Giết một kỷ niệm, giết một uớc mơ

Tôi giết cái cánh sắp bay trước khi tôi viết

Tôi giết bão ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ

Giết luôn cả mặt trời lên trên biển. Giết mưa

Và giết luôn cả cỏ mọc trong mưa luôn thể.

(Trích bài “Trừ đi” của Chế Lan Viên đăng trong tạp chí Tác phẩm mới)

Lại nói về Nguyên Ngọc. Tuy vẫn làm Bí thư Đảng đoàn nhưng Nguyên Ngọc bị vô hiệu hoá dần. Người ta đưa ông Bùi Hiển làm thường trực Hội. Rồi có quyết định giải thể các Đảng đoàn. Thế là Nguyên Ngọc mất chức rất êm, rất hợp lý. Đến lúc chuẩn bị Đại hội lần thứ ba của Hội, Nguyên Ngọc chỉ được phân công phụ trách hậu cần, nghĩa là lo việc đi quyên tiền và việc tương cà mắm muối.

Từ Đại hội lần thứ hai đến Đại hội lần thứ ba là hai mươi năm. Điều lệ Hội quy định nhiệm kỳ mỗi đại hội là năm năm. Nhưng điều lệ có là cái gì! Tất cả phải tuân thủ sự chỉ đạo của trên. Họp lúc nào, họp bao nhiêu người, bàn bạc cái gì, ai làm Tổng Thư ký đều phải do trên. Trên chưa sắp đặt xong thì chưa được họp. Có đủ thứ lý do cho việc kéo dài nhiệm kỳ tới hai mươi năm, nào là vì hoàn cảnh chiến tranh, rồi vì tiền nong eo hẹp…

Trong cái giấc mơ lớn về ngày toàn thắng mà tôi ôm ấp suốt những năm lặn ngụp trong khói lửa chiến đấu, có một giấc mơ con thế này: Mình được sống sót, được trở về dự một cuộc đại đoàn viên của giới văn nghệ Việt Nam thống nhất, hoà hợp, Bắc Nam rừng núi thị thành sum họp, cùng nhau bàn bạc và hoạch định công cuộc phục hưng văn hoá Việt, cái công cuộc đáng lẽ được bắt đầu từ ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã phải tạm gác vì hai cuộc kháng chiến trường kỳ.

Nhưng giấc mơ con ấy vẫn chỉ là giấc mơ cho đến tận giờ. Làm sao có thể nói đến văn hoá một cách thật sự văn hoá khi mà người ta lấy một chủ nghĩa độc tôn áp đặt lên toàn xã hội và cấm đoán hành hạ những ai có quan điểm khác biệt, đối lập với chủ nghĩa ấy? Cái hành vi ngu dân đại quy mô kiểu trung cổ này còn kéo dài đến tận bao giờ? Có lẽ nó còn kéo dài chừng nào giới trí thức văn nghệ sĩ còn chưa thấy bức bối ngạt thở vì mất tự do.

Thời hạn đại hội cứ lần lữa lùi lại. Chỉ thấy có sự bổ sung Ban Chấp hành, đưa thêm một số vị thuộc lực lượng Văn nghệ Giải phóng miền Nam, nghĩa là xếp thêm ghế cho giới quan chức văn chương.

Đúng là Hội của mấy nhà văn. Tôi cũng vỡ nhẽ dần. Tuy vậy, vẫn cứ hy vọng, ngóng chờ. Thỉnh thoảng một số hội viên gặp nhau thì thầm bàn tán:

- Nghe nói sắp đại hội hả?

- Còn lâu. Tớ vừa gặp thằng X trên Ban, nó bảo còn “khuất tạp” lắm, trên chưa cho họp đâu.

- Này, lão T lại vừa đi nước ngoài chuyến thứ một trăm linh…

- Chính từ họ cả, họ ấm ức nhòm ngó nhau, rồi theo dõi nhau, rồi tính đếm, rồi xì ra mình mới biết.

- Năm nay có chuyến đi Tiệp, tớ được vào danh sách rồi, thế mà họ lại gạt ra để cho cái thằng Z chuyên lăng xăng nhắng nhít được đi.

- Này, cậu có biết cái chuyện tiếu lâm đời mới này ở sân bay Matxcơva không? Lão B phải quàng chéo qua người hai cái lốp xe để đỡ phải trả thêm tiền cước, hai tay lại mắc hai xách nặng nên không thể nào bắt tay đồng chí nhà văn nước bạn ra tiễn được.

- Chuyện ấy đã thấm gì. Ông có biết chuyện hai viên đá lửa không?

Chuyện hai viên đá lửa thật khó tin, nhưng nhiều bạn bè văn chương trong Hội cứ nhất quyết khẳng định với tôi là chuyện thật một trăm phần trăm. Một nhà thơ vào hàng thần thi thời tiền chiến nay là quan lớn văn hoá, năm nào cũng đi nước ngoài dăm ba chuyến. Có một lần sau chuyến đi, ngồi trên xe từ sân bay về, ông hỏi anh lái xe:

- Cậu có bật lửa không?

Anh lái xe thầm nghĩ chuyến này thủ trưởng đi nước tư bản về sẽ rộng rãi hơn trước chứ không keo cú như bấy lâu, chắc định làm quà cho mình chiếc bật lửa, bèn đáp:

- Dạ, không có.

- À, tưởng nếu có thì mình cho cậu hai viên đá lửa.

Đại khái cảnh chờ đợi hội hè cứ trôi đi dài dài trong những câu chuyện như thế.

Rồi cuối cùng cũng họp. Mà phải họp đại hội đại biểu, bất chấp nguyện vọng tha thiết của hầu hết hội viên sau ngày thống nhất đất nước là họp toàn thể. Theo một quy định từ đâu đó bên trên, chẳng biết có văn bản hay chỉ là lệnh miệng, đại hội phải họp đại biểu.

Các cuộc họp để bầu đại biểu đã gây ra biết bao ấm ức, khó chịu, khó xử. Rất nhiều hội viên nêu vấn đề: nhà văn thì mỗi người là mỗi người, làm sao ai đại diện cho ai được? Mặc. Cứ phải bầu đại biểu. Có một số nhà văn bất bình không tham gia các cuộc bầu cử đại biểu.

Lại một chuyện kỳ cục này nữa. Tuy là họp đại biểu, nhưng riêng số người được chỉ định thành đại biểu (ai chỉ định, không rõ) không phải qua bầu cử đã chiếm gần một phần ba. Đó là 43 vị trong Ban Chấp hành (toàn bộ đại hội có 150 đại biểu). Đây là một sự tuỳ tiện về thể thức, một hành vi coi thường hội viên mà hồi đó đa số hội viên còn thờ ơ với các thể thức dân chủ dù còn rất sơ đẳng, nên không mấy ai nhận ra. Mà có ai nhận ra, thì liệu biết làm thế nào để phản kháng?

Giữa thu 1983, Đại hội họp ở Hội trường Ba Đình, nơi thường tiến hành các nghi lễ quốc gia. Các đại biểu ở xa về được bố trí ăn ở tại nhà khách của Hội đồng Bộ trưởng số 37 Hùng Vương. Nhiều người phấn khởi bảo nhau: như thế là đại hội của Hội Nhà văn được “Trên” coi trọng lắm.

Buổi chiều trước ngày khai mạc Đại hội, có cuộc họp riêng các hội viên là đảng viên, do Ban Bí thư Trung ương Đảng triệu tập. Đây là một thông lệ, bao giờ cũng họp trong Đảng trước. Bí thư Trung ương Đảng Hoàng Tùng đến dự và phát biểu đầu tiên. Tôi không còn nhớ ông nói những gì, chỉ nhớ một ý chủ yếu được nhấn đi nhấn lại là yêu cầu các đồng chí đảng viên xác định quan điểm lập trường cho vững chắc, giữ thái độ thật đúng đắn, nghiêm túc, đoàn kết để đảm bảo cho Đại hội thành công. Ông nói khoảng hơn ba mươi phút. Tiếp liền đó Trưởng ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương Hà Xuân Trường phát biểu khoảng mười lăm phút, cũng tiếp tục nhấn mạnh vấn đề xác định thái độ. Phát biểu xong, ông Hà Xuân Trường liền hỏi hội nghị: “Có đồng chí nào có ý kiến gì không?”. Mới được khoảng một vài phút, mọi người còn đang suy nghĩ trong yên lặng, thì ông đã vội nói: “Không đồng chí nào có ý kiến gì, vậy chúng ta giải tán”. Thật đột ngột. Mọi người đứng dậy bước ra. Ít ai ngờ cuộc hội nghị đảng viên hội viên trước đại hội lại diễn ra theo kiểu như vậy. Nó giống một cuộc phổ biến chỉ thị ở chi bộ đại đội. Hai mươi năm mới có một cuộc đại hội, một cuộc sinh hoạt không những chỉ hệ trọng đối với bản thân Hội mà quan hệ tới cả nền văn học của đất nước, biết bao nhiêu điều các nhà văn cần nói, biết bao nhiêu điều những người lãnh đạo cần nghe và phải nghe, những điều khó nói ra trước công luận (theo nề nếp hồi đó), thì có thể và cần phải được nói hết trong nội bộ Đảng một cách thẳng thắn, cởi mở, đặc biệt là những vấn đề về quan điểm, về lãnh đạo, quản lý văn nghệ và cả những vấn đề về nhân cách những người lãnh đạo Hội nữa. Thế nhưng điều trông đợi chính đáng ròng rã hai mươi năm đó đã bị sổ tuột cái rẹt. Tôi thấy rất rõ là cuộc hội nghị các hội viên đảng viên được tổ chức chỉ là để siết chặt lại sợi dây trói đã bị lỏng ra với vụ Đề dẫn, các đảng viên được mời tới là để nghe huấn thị chứ không phải để thảo luận, để “hiến kế” cho lãnh đạo, tuy cũng có cái câu hỏi gượng gạo chiếu lệ: “Có đồng chí nào có ý kiến gì không?”.

Buổi tối có cuộc hội nghị toàn thể các đại biểu đại hội để thảo luận trước danh sách để cử ứng cử viên Ban Chấp hành mới. Ban trù bị đưa ra một danh sách do Ban Chấp hành cũ giới thiệu. Rồi các đại biểu giới thiệu thêm. Mọi việc đều trơn tru. Chỉ có một chút gay cấn nhẹ là khi giáo sư Hoàng Xuân Nhị nêu vấn đề những phiếu không bầu đủ số lượng uỷ viên chấp hành như quy định có hợp lệ hay không. Ông Hà Xuân Trường đã tỏ thái độ thiếu lịch sự với giáo sư Nhị, bị nhà văn Cao Tiến Lê phản đối. Ông Hà Xuân Trường đã xin lỗi giáo sư.

Ngày hôm sau, Đại hội họp chính thức. Sau báo cáo chính, là báo cáo bổ sung về văn xuôi, về thơ, v.v. Các tham luận đều được viết sẵn gửi cho Đoàn Chủ tịch xem trước. Rồi bầu cử. Phiếu bầu in ronéo, trong đó danh sách đề cử viên được in làm hai khối, nửa trang trên gồm những tên do Ban Chấp hành cũ giới thiệu. Một số người trong Ban Chấp hành mới kể lại với tôi, việc bầu Ban Thư ký và Tổng Thư ký diễn ra như sau: trong cuộc họp đầu tiên của Ban Chấp hành mới, một đại diện cấp trên nêu danh sách những người mà Trên gợi ý nên là Tổng Thư ký và uỷ viên thư ký, nghe xong mọi người giơ tay,và như thế Ban Thư ký, Tổng Thư ký đã được bầu ra với sự “nhất trí cao”.

Nguyên Ngọc chỉ trúng vào Ban Chấp hành, không được cấp trên cho vào Ban Thư ký.

Mọi sự trúng phóc với sự sắp đặt từ trước. Bản thân những người dự Đại hội cầm lá phiếu bầu (trong đó có người viết những dòng này) trong nhận thức cũng mặc nhiên thừa nhận sự sắp đặt ấy như một thứ luật lệ bất thành văn không thể cưỡng lại, không dám cưỡng lại. Nghĩ lại mà thấy xấu hổ về ý thức dân chủ của mình.

Buổi bế mạc, nhà văn Nguyễn Đình Thi, người vừa được “bầu” lại làm Tổng Thư ký tỏ ra rất xúc động và mừng rỡ. Niềm xúc động ấy khiến ông khi thay mặt Ban Chấp hành mới được “bầu” phát biểu trước đại hội, thốt lên một câu nổi tiếng: “Chúng ta, những nhà văn, chúng ta chỉ là những hạt bụi, nhưng là những hạt bụi lấp lánh ánh sáng của Đảng”.

Hôm sau, tình cờ tôi gặp nhà sử học Trần Quốc Vượng, ông Vượng cứ nhìn tôi bằng cặp mắt như thể tôi là ông Nguyễn Đình Thi, và lắc đầu tặc lưỡi mà bảo: “Nhà văn các ông… hừ… việc gì phải thế nhỉ?…”.

Một anh bạn tôi bên ngành giáo dục, nhà ở gần chợ Bắc Qua, kể với tôi rằng, có một cô buôn gà thường ghé sang nhà anh xem ti vi nhờ, tối qua theo dõi màn hình tường thuật buổi bế mạc Đại hội Nhà văn, khi nghe xong ông Nguyễn Đình Thi hùng hồn tuyên bố câu ấy đã hồn nhiên bật ra một lời bình phẩm: “Gớm, cậu đéo làolịnh thế?”. (Xin phép bạn đọc, tôi phải ghi nguyên xi thế mới giữ trọn được cái khí lực ngôn từ đặc biệt của nhà bình luận dân gian)…

Đà Lạt, tháng 5 năm 1994

BMQ

(Rút từ bản thảo “TRÓI VÀ CỞI, VÀ…”)