Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 6 tháng 10, 2020

Bùi Minh Quốc – nhà thơ dấn thân tự do

Phạm Xuân Nguyên

(Sinh nhật lần thứ 80, nhà thơ Bùi Minh Quốc có hai cuốn sách của mình: - Nhạc lá, truyện thiếu nhi tái bản, Nxb Kim Đồng; - Mẹ Việt Nam, thơ tuyển tám mươi tuổi, Samizdat. Đây là bài giới thiệu của tôi đầu tập thơ.)

*

Nghĩ về một nhà thơ ta có thể nghĩ về nhiều điều. Về sự sáng tạo nghệ thuật văn chương. Về tương quan giữa thơ và đời. Về nhà thơ và nhân cách nhà thơ trong cuộc sống. Đối với Bùi Minh Quốc, quan sát thơ ông và cách sống của ông tôi nghĩ về ông là một nhà thơ dấn thân.

Ông dấn thân theo lý tưởng mà ông tin ngay ở những vần thơ đầu tiên khi đang còn trên ghế nhà trường Chu Văn An (Hà Nội). Những vần thơ rạo rực sôi nổi thúc giục thanh niên thủ đô lên miền núi khai hoang theo lời kêu gọi của đảng đầu những năm 1960. Ngay từ hồi đó ông đã coi đây là một cuộc chiến đấu với đói nghèo, lạc hậu, đúng như lý tưởng dạy: “Đi chiến đấu là niềm vui bất tận / Là mặt trời toả nắng nhuộm đời xuân”.

Nên dễ hiểu, khi chiến tranh nổ ra ông dấn thân vào chiến trường miền Nam năm 1967 (sau bốn năm làm phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam với những chuyến tác nghiệp tại tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Linh trên miền Bắc và chiến trường Lào). Sau đó cả vợ ông – nhà văn Dương Thị Xuân Quý, cũng tiếp bước theo ông, để lại đứa con gái nhỏ mới hơn một tuổi ở lại miền Bắc.

Ông đi tìm định nghĩa Hạnh Phúc ở chiến trường.

Ông thấy “cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao” ngay giữa cảnh đạn bom chết chóc.

Đất nước đối với ông là “mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ”.

Đến nay mỗi khi hát bài hát nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ bài thơ này của mình ông vẫn rất sôi nổi, hào hứng. Vì đó là tình yêu của ông! Vì đó là một thời sống đẹp trong ông!Thơ ông viết từ chiến trường đầy lạc quan, tin tưởng, hòa trong bản đồng ca thơ của một thời lãng mạn chiến tranh. Đó là cảm hứng chung của cả một nền thơ theo lý tưởng.

Nhưng cũng từ rất sớm cảm hứng yêu nước đã có trong thơ Bùi Minh Quốc. Càng dấn mình vào cuộc chiến khắc nghiệt ông càng nhận ra Đất Nước là Nhân Dân. Và Nhân Dân trong thơ ông là Người Mẹ. Những người mẹ bình thường và vĩ đại. Mẹ trở thành tấm gương soi làm lộ ra chất người ở những ai soi vào đó. Mẹ trở thành thước đo mọi giá trị ở đời. Mẹ dạy các con những bài học vỡ lòng về Sống, Chết, Tổ quốc, Nhân Dân.

Bùi Minh Quốc đã nhận được từ Mẹ, từ Nhân Dân sự thật này trong những tháng ngày sống chết:

Ở đây, tôi đã thấy cái tột đỉnh anh hùng và sự tột cùng đê tiện

mỗi chân lý được trăm lần kiểm nghiệm

mỗi tín điều có máu đỏ rọi lên

khắc nghiệt

vững bền.

Ở đây,

bọn giết người bị tức thời trừng trị

bọn cơ hội không tìm ra mặt nạ

những anh hùng không cần có bục cao

vẫn lớn lao trong bùn đất chiến hào

họ sống họ yêu đánh giặc cấy trồng sinh nở

thế thôi.

Câu cuối đoạn thơ này còn mấy chữ “Và nhân loại trông vào” theo cái âm hưởng của một thời ta coi ta là tấm gương của loài người. Nhưng chính cái “ở đây, lúc ấy” đã làm bật ra một Bùi Minh Quốc khác sau ngày hòa bình, khi ông buộc phải chứng kiến sự phản bội của đàn con đối với Người Mẹ - Mẹ Việt Nam, “ở đây, lúc này”. Và Bùi Minh Quốc lại một lần nữa dấn thân. Từ người chiến sĩ chống giặc ngoại xâm ông mau chóng trở thành người chiến sĩ đấu tranh vì Tự Do - Dân Chủ cho Nhân Dân. Như ông đã viết cho con gái khi ở chiến trường: “Mẹ trao con lại cho đời / Trao con khát vọng làm người tự do”.

Cho nên khi hòa bình lập lại ông không thể khoanh tay nhìn tấn trò bội phản để “dân tộc này bị vỗ nợ Tự Do”. Ngay trong chiến tranh, trước sự phản bội đầu hàng của một huyện ủy viên ông đã viết dứt khoát rõ ràng: “Thước đo lòng trung thành / Không dài hơn cho tôi hoặc ngắn bớt cho anh.” Nhưng giờ đây là sự phản bội ở một phạm vi và cấp độ ông thấy là khủng khiếp và trắng trợn vô cùng. Sự phản bội lịch sử!

Có lẽ nào? Có lẽ nào? Lịch sử

Lại như con thò lò trong ván bài quỷ dữ

Máu Nhân Dân tuôn chảy đúc ngai vàng

Bạo chúa ngồi lem lẻm tụng Nhân Dân?

Ơi em gái Trường Sơn mười tám tuổi

Cùng đồng đội đêm nao truy điệu sống cho mình

Và cứ thế dấn thân vào lửa dội

Em nghĩ gì sau cặp mắt kiên trinh?

Em nghĩ tới tương lai tươi thắm ngọt lành?

Tương lai ấy bây giờ tôi sống dở

Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa

Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi.”

Ông đã từng tin “Mọi thứ kẻ thù chúng ta tiêu diệt hết / Và sắp đặt cuộc đời theo ý muốn của ta”. Hóa ra không phải thế. Khi kẻ thù bây giờ là đồng chí đồng đội hôm qua. Bùi Minh Quốc đau đớn, phẫn uất, căm giận. Thơ ông vì thế là cuộc trường chinh chiến đấu từ hôm qua đến hôm nay. Và ông vẫn là người thơ chiến binh dấn thân cho lẽ phải, lẽ công bằng của con người và xã hội. Chỉ cần đọc bài thơ “Đất quê ta mênh mông” ông làm năm 1967 với giọng điệu ngợi ca và đến năm 2011 ông viết thêm đoạn hai với giọng điệu phê phán, phẫn uất có thể hình dung con đường ông đã đi trong một cuộc đời đã trải tám phần mười thế kỷ. Ngày trước là khúc ca sử thi, ngày nay là tấn bi kịch. Ông dấn thân vì uất ức thấy lý tưởng bị phản bội, “Cay đắng thay / Mỉa mai thay / Trọn tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt / Lại đúc nên chính cỗ máy này”.

Nhưng vẫn còn đó một Bùi Minh Quốc quyết liệt như ngày nào: “Đất quê ta mênh mông / Biển quê ta mênh mông / Nuôi tiếp những anh hùng.” Những anh hùng đứng lên chống lại những đứa con phản bội Mẹ, tranh chức tranh ghế tranh đất, bán cả lương tâm đạo đức để làm giàu. Những anh hùng quyết vạch mặt chỉ tên những kẻ đồng chí “thẻ đỏ tim đen”, những “bọn đểu còn trong Đảng”. Bùi Minh Quốc đã xếp mình vào hàng ngũ đó, quyết không để những tên giặc mới hôm nay cứ nhơn nhơn trên đỉnh máu xương bao người đã ngã xuống. Trong một bài thơ như một lời thề mới “Vì nhân dân quên mình” ông đã trang trọng viết tên mình vào câu thơ:

BÙI MINH QUỐC

Xưa viết ĐẤT MẸ NUÔI TA THÀNH DŨNG SĨ

Nay viết BẢN ÁN CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI TOÀN TRỊ.”

Đó là một thái độ dấn thân quyết liệt, nhất quán của ông. Thái độ ấy đã khiến ông phải chịu nhiều hệ lụy. Ngay trong chiến tranh bài thơ về thước đo lòng trung thành là như nhau cho mọi người cũng đã gây khó khăn cho ông. Càng về sau này thơ ông càng phẫn uất, quyết liệt trước những vấn đề, sự kiện nóng bỏng, bức xúc của xã hội và đất nước thì sự quấy nhiễu làm khó ông từ phía chính quyền càng nhiều hơn. Ông còn cô đơn giữa các đồng nghiệp, bạn hữu.

Nhưng tôi đang nói đến sự dấn thân tự do của Bùi Minh Quốc ở cả tư cách công dân và nhà thơ. Tôi hiểu sự dấn thân đó của ông theo quan niệm của nhà triết học hiện sinh Pháp Jean-Paul Sartre (1905-1980). Dấn thân (engagement) là một thuật ngữ đặc biệt trong kho từ vựng của Sartre, nó nói đến quá trình chấp nhận trách nhiệm về hậu quả chính trị trong hành động của con người ta. Sartre, hơn bất kỳ một nhà triết học nào khác cùng thời mình, đã bảo vệ quan niệm văn chương phải có trách nhiệm xã hội, tức văn học dấn thân (litérature engagée). Giống như nhà Marxist Italia là Antonio Gramsci, Sartre cho rằng trí thức, văn nghệ sĩ, cũng như những người công dân bình thường, có trách nhiệm phải xác định lập trường của mình về những xung đột chính trị lớn của thời đại mình, về những sự kiện liên quan đến số phận của số đông người. Một nhà văn có trách nhiệm xã hội cần phải nêu lên những biến cố lớn của thời đại, phải cất lên tiếng nói chống bất công và phải đấu tranh giảm nhẹ áp bức. Có thể là hơi lý tưởng, nhưng ông hy vọng văn chương là một phương tiện mà thiểu số bị áp bức dùng để tạo nên ý thức nhóm và thông qua ý thức đó đánh thức tầng lớp trên tham gia hành động.

Quả là Bùi Minh Quốc đang hành động với tâm niệm và thái độ đó. Điều này càng được chứng thực qua lời thơ như tiếng gầm sấm sét của ông sau khi tòa án Nhân dân Hà Nội xét xử vụ Đồng Tâm với hai án tử hình (14.9.2020).

Đồng Tâm!

Dồn nén tim ta sấm sét gầm!

Hỡi cả loài người hãy nhìn xoáy

Đồng Tâm

Chúng đang tự đóng đinh vào lịch sử

Cái bản mặt tà quyền rừng rú.”

Ông đã đi từ niềm kiêu hãnh “Và nhân loại nhìn vào” Việt Nam thời chiến đến tiếng thét đau đớn kêu gọi cả loài người hãy nhìn xoáy Việt Nam hôm nay! Tiếng thét của một nhà thơ dấn thân tự do đầy phẫn nộ!

Tôi lại đi lầm lũi cuộc hành trình

Chỉ có thơ thôi

THƠ

với cường quyền

đối mặt

Sống trong tôi là triệu người đã khuất

Đang thét đòi món nợ

TỰ DO!

Bùi Minh Quốc đã thế và vẫn thế ở tuổi tám mươi này.

Hà Nội, 15.9.2020