Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

Thuật ngữ chính trị (57)

Phạm Nguyên Trường


177. European Parliament – Nghị viện châu Âu. Nghị viện châu Âu là một nghị viện với các nghị sĩ được bầu cử trực tiếp của Liên minh châu Âu (EU). Đây là một trong ba nhánh lập pháp của EU và là một trong 7 thiết chế của tổ chức này. Cơ quan này cùng với Hội đồng Liên minh châu Âu (Council of the European Union) thông qua luật pháp của EU, thường là trên cơ sở đề nghị của Ủy ban châu Âu (European Commission) và được mô tả là một trong những cơ quan lập pháp quyền lực nhất thế giới. Nghị viện châu Âu bao gồm 750 nghị sĩ, đại diện cho số cử tri lớn thứ hai thế giới (sau Ấn Độ) và là khu bầu cử dân chủ xuyên quốc gia lớn nhất trên thế giới (492 triệu người).

Từ năm 1970, Nghị viện được bầu cử trực tiếp mỗi năm năm một lần theo thể thức phổ thông đầu phiếu. Mặc dù Nghị viện châu Âu có quyền lập pháp, tương tự như Hội đồng Liên minh châu Âu, cơ quan này lại không có quyền chủ động lập pháp – đây là đặc quyền của Ủy ban châu Âu - như phần lớn nghị viện các nước. Nghị viện là “thiết chế đầu tiên" của Liên minh châu Âu (được nhắc đến đầu tiên trong các hiệp ước), có quyền về lập pháp và ngân sách như Hội đồng Liên minh châu Âu (trừ những vần đề áp dụng những thủ tục lập pháp đặc biệt). Nghị viện lại có quyền kiểm soát ngân sách Liên minh châu Âu kể từ thập niên 1970 và có quyền chấp nhận hoặc phủ quyết đối với việc bổ nhiệm toàn bộ Ủy ban châu Âu.

Tổng hành dinh của Nghị viện châu Âu nằm ở thành phố Strasbourg, Pháp, còn các văn phòng hàng chính thì nằm ở thành phố Luxembourg. Các phiên họp toàn thể được tổ chức ở Strasbourg và ở Brussels, Bỉ, còn các ủy ban của nghị viện thường họp ở Brussel.

178. European Union - Liên minh châu Âu (EU). Liên minh châu Âu là liên minh kinh tế – chính trị bao gồm 27 quốc gia thành viên ở châu Âu với diện tích 4.233.255 km2, dân số khoảng 447 triệu người. Năm 2020, Liên minh châu Âu chỉ có khoảng 5,8% dân số thế giới, những chiếm khoảng 18% GDP danh nghĩa toàn cầu và tất cả các nước trong Liên minh đều có Chỉ số phát triển con người (Human Development Index) rất cao. Liên minh thường xuyên tiến hành các sứ mạnh ngoại giao trên toàn thế giới và có đại diện tại Liên Hiệp Quốc, WTO, G7, G20. Do ảnh hưởng trên toàn thế giới mà tổ chức này được coi là siêu cường đang lên.

Động lực cho quá trình hình thành Liên minh châu Âu xuất phát không chỉ từ sự tàn phá do chiến tranh gây ra, mà còn từ đe doạ an ninh vẫn tiếp tục tồn tại. Được Mỹ thúc giục, một châu Âu mạnh về kinh tế (nhờ bãi bỏ các hàng rào mậu dịch) biết rằng, nếu hợp nhất thì sẽ được trang bị tốt hơn nhằm chống lại đe doạ của Liên Xô. Châu Âu cũng hiểu rằng nếu người Đức dính líu vào những thoả thuận như thế, thì nước này sẽ không còn đe dọa các nước khác như trước đây nữa. Tất nhiên, các công ty đa quốc gia có trụ sở ở Mỹ cũng sẽ hưởng lợi từ một thị trường đã được mở rộng. Như vậy, đe doạ về an ninh, kích thích về kinh tế và tầm nhìn thời hậu chiến, tất cả đều có vai trò trong việc đưa giới tinh hoa chính trị tiến tới hợp nhất châu Âu .

Cộng đồng Than và Thép châu Âu đặt ngành sản xuất than và thép của Pháp và (Tây) Đức dưới một ban lãnh đạo gọi là “High Authority”, là bước thứ nhất trong việc thực hiện ý tưởng này. Mặc dù Đức được đối xử bình đẳng, khu vực kinh tế then chốt là cơ sở cho kỹ nghệ quốc phòng của nước này nằm trong tay cộng đồng các nước Pháp, Italy và các nước Benelux (Bỉ, Hà Lan, và Luxembourg). Thí nghiệm mang tính chức năng này đã thu được thành công mỹ mãn trong việc tăng nhanh sản lượng than và thép đến mức các nước thành viên đồng ý mở rộng hợp tác trong Cộng đồng Năng lượng Nguyên tử Châu Âu (European Atomic Energy Community) và Cộng đồng Kinh tế châu Âu (European Economic Community). Do đó, các Hiệp ước Rome (Treaties of Rome), ký vào năm 1957, giao cho 6 quốc gia thành lập thị trường chung – bãi bỏ các hạn chế nội thương; áp đặt biểu thuế xuất khẩu chung; giảm bớt các rào cản đối với việc đi lại của con người, dịch vụ, và vốn; và thiết lập chính sách nông nghiệp và vận tải chung. Năm 1968, phần lớn những mục đích đã hoàn thành, sớm được hai năm.

Những địa hạt chính sách mới dần dà được đưa vào dưới chiếc ô của cộng đồng, trong đó có y tế, an ninh, và các tiêu chuẩn hàng hóa tiêu dùng. Khi thành công trong những địa hạt này giảm đi, và trì trệ về kinh tế cản trở tiến bộ, thì người ta đã hành động. Sáng kiến đầu tiên là khuếch trương quy mô của cộng đồng trong tiến trình gọi là mở rộng. Năm 1973, có 3 thành viên mới tham gia với 6 thành viên ban đầu. Rồi thêm 6 lần mở rộng kế tiếp, kết quả là hiện nay tổ chức này có 27 nước thành viên. Những lần mở rộng đã gia tăng ảnh hưởng của tổ chức, nhưng cũng làm cho việc ban hành quyết định trở nên phức tạp.

Năm 1986, bước đi quan trọng nhất là làm sâu sắc thêm tiến trình hội nhập – ký Đạo luật Một Châu Âu (Single European Act - SEA) đặt ra mục tiêu hoàn thiện một thị trường duy nhất vào năm 1992. Đạt được mục đích này có nghĩa là tiến trình phức tạp trong việc bãi bỏ những hàng rào vật chất, tài chính và kỹ thuật đối với buôn bán; thống nhất các tiêu chuẩn quốc gia về y tế; thay đổi các mức thuế; và xóa bỏ những cản trở trong việc đi lại của người dân. Tiến trình này cũng giải quyết những vấn đề mới về môi trường và công nghệ. Cần phải thực hiện ba ngàn biện pháp cụ thể thì mới hoàn thiện được thị trường duy nhất.

Năm 1992, Hiệp ước Maastricht đã được ký trước khi tiến trình này được hoàn thiện. Cộng đồng Châu Âu trở thành Liên minh châu Âu (EU). Các thành viên tự mình cam kết không chỉ xây dựng liên minh kinh tế mà còn xây dựng liên minh về chính trị, trong đó có thành lập chính sách chung về ngoại giao và quốc phòng, một đồng tiền duy nhất và một ngân hàng trung ương của khu vực này. Năm năm sau, Hiệp ước Amsterdam được kí, thay đổi một số điều khoản trong những hiệp ước cũ, trong đó có trao thêm quyền cho Nghị viện Châu Âu, nhưng nhìn chung, Hiệp ước này nhấn mạnh thêm các quyền cá nhân, tư cách công dân, công lý và các vấn đề đối nội.

179. Evolution – Tiến hóa. Evolution (Tiến hóa) là một trong một số từ, trong đó có “grow”, “development” và “change” hàm ý về sự biến đổi tự nhiên theo thời gian của một hệ thống hay cơ cấu. Tuy nhiên “tiến hóa” lại được người ta gán cho ý nghĩa đặc biệt là sự đa dạng hóa của loài thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên. Không có một học thuyết chính trị duy nhất thích hợp với quá trình chọn lọc tự nhiên và tư tưởng về chọn lọc tự nhiên khuyến khích nhiều tín điều và phương pháp luận khác nhau.