Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Điệp viên thượng thặng Phạm Xuân Ẩn

Yên Ba

PHẦN 1: TÊN NGƯỜI NHƯ CUỘC ĐỜI

Đã có rất nhiều cuốn sách viết về các điệp viên huyền thoại nước ngoài, những người trong một số trường hợp, đã làm thay đổi dòng chảy của lịch sử. Sự thay đổi đó tốt hay xấu, tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi người, vào lợi ích cốt lõi mà các điệp viên đó phụng sự. Một điệp viên có thể là người hùng đối với một bên này, đồng thời lại là kẻ phản bội đối với một phía khác. Đó là điều bình thường trong những hoàn cảnh bất bình thường: chiến tranh lạnh hoặc chiến tranh nóng.

Lịch sử trăm năm của những cuộc đối đầu liên miên bất tuyệt giữa các lực lượng trên thế giới đã có vô số những điệp viên mà tầm cỡ của họ xứng với hai từ “huyền thoại”. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam, cụ thể là tình báo cộng sản Việt Nam, có những điệp viên huyền thoại của mình hay không?

Câu trả lời là có. Mà không chỉ một người. Tầm cỡ thế giới của những điệp viên Việt Nam này đã được xác thực qua những tài liệu mật dần được công khai, cho thấy có nhiều điệp viên cộng sản Bắc Việt đóng góp phần mình không chỉ cho những trận đánh ở quy mô tầm chiến dịch mà thật sự là những điệp viên chiến lược. Thông tin do họ cung cấp cho Tổng hành dinh Hà Nội, trong nhiều trường hợp, đã làm xoay chuyển cuộc chiến.

Một trong số những người đó là điệp viên Phạm Xuân Ẩn.

***

Phạm Xuân Ẩn sinh năm 1927 tại xã Bình Trước, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, trong gia đình một viên chức cao cấp của chính quyền thuộc địa. Năm 1945, Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông bỏ học và tham gia tổ chức Thanh niên Tiền phong, sau đó học một khóa huấn luyện của Việt Minh về công tác tuyên truyền.

Năm 1952, ông ra Chiến khu D và được Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – Ủy viên Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam Bộ – giao nhiệm vụ tình báo chiến lược. Năm 1953, tại rạch Cái Bát, Cà Mau trong rừng U Minh, dưới sự chủ tọa của Lê Đức Thọ (khi đó là Phó Bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam), Phạm Xuân Ẩn được chính thức kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1954, Phạm Xuân Ẩn bị gọi nhập ngũ và được trưng dụng ngay làm bí thư phòng Chiến tranh tâm lý trong Bộ Tổng hành dinh quân đội Liên hiệp Pháp tại Camp Aux Mares (thành Ô Ma). Chính tại đây, ông đã quen biết với Đại tá Edward Lansdale, Trưởng phái bộ quân sự đặc biệt của Mỹ (SMM), trên thực tế là người chỉ huy CIA tại Đông Dương.

Tháng 10 năm 1957, theo sự chỉ đạo của Mai Chí Thọ và Trần Quốc Hương (tức Mười Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương) Phạm Xuân Ẩn qua Mỹ học ngành báo chí tại Quận Cam, California, trong hai năm (1957-1959) và là người Việt Nam đầu tiên sang học báo chí tại quận Cam.

Tháng 10 năm 1959, Phạm Xuân Ẩn về nước, được Trần Kim Tuyến, giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị Văn hóa Xã hội (thực chất là cơ quan mật vụ trực thuộc Phủ Tổng thống), biệt phái sang làm việc tại Việt Tấn xã, phụ trách những phóng viên ngoại quốc làm việc tại đây.

Từ năm 1960 đến giữa năm 1964, ông làm cho Hãng thông tấn Anh Reuters.

Từ năm 1966 ông làm việc cho tuần báo Time, đến năm 1969 thì được nhận vào làm chính thức. Ngoài ra ông còn là cộng tác viên của các tờ báo khác như The Christian Science Monitor...

Từ khi ở Mỹ về nước cho đến năm 1975, với vỏ bọc là phóng viên, nhờ quan hệ rộng với các sĩ quan cao cấp, các nhân viên tình báo, an ninh quân đội và người của CIA, Phạm Xuân Ẩn đã có được mọi nguồn tin tức quan trọng từ quân đội, cảnh sát và cơ quan tình báo Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

(hết trích Wiki)

***

Tầm vóc của điệp viên Phạm Xuân Ẩn như thế nào?

Thomas Bass, trong cuốn Người điệp viên yêu quý chúng ta, chiến tranh Việt Nam và trò chơi nguy hiểm của Phạm Xuân Ẩn (được dịch sang tiếng Việt với tựa đề Điệp viên Z21, kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ), đã thuật lại rằng những tin tình báo do Phạm Xuân Ẩn gửi về Hà Nội tỉ mỉ đến mức người ta kể rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã reo lên: Chúng ta đang ở trong phòng hành quân của Hoa Kỳ!

Tổng cộng, Phạm Xuân Ẩn đã gửi về căn cứ 498 báo cáo tin tình báo (con số chính thức được Việt Nam công bố năm 2007), bao gồm tài liệu nguyên gốc đã được sao chụp, các thông tin mà ông thu lượm cùng phân tích và nhận định của bản thân.

Giai đoạn 1961-1965: những bản tài liệu nguyên bản về chiến lược chiến tranh đặc biệt như Tài liệu McGarr (với nội dung "tập trung chống cộng sản và du kích về quân sự; còn những vấn đề chính trị, hành chính và kinh tế cũng chỉ tập trung nhằm mục đích chống cộng"), tài liệu Staley, tài liệu Taylor, tài liệu Harkins; tài liệu Ấp chiến lược... Ông gửi về nguyên bản kế hoạch Staley-Taylor.

Giai đoạn 1965 - 1968: các kế hoạch liên quan đến chiến tranh cục bộ, phục vụ chiến thuật cho Tổng tiến công Mậu Thân 1968.

Giai đoạn 1969 - 1973: những tài liệu liên quan đến chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh.

Giai đoạn 1973 - 1975: hàng trăm bản tin nguyên bản "phục vụ cấp trên hạ quyết tâm giải phóng miền Nam"...

Nói cách khác, qua những thông tin do Phạm Xuân Ẩn cung cấp trong suốt chiều dài cuộc chiến, Hà Nội có thể trả lời được những câu hỏi then chốt mang tính chiến lược: đối phó với chiến thuật trực thăng vận của Mỹ như thế nào? (tiêu biểu là mang lại chiến thắng cho quân giải phóng ở trận Ấp Bắc). Kế hoạch bình định miền Nam của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ra sao? (ông lấy được toàn bộ kế hoạch này gửi ra Bắc). Mỹ có đổ bộ vào Việt Nam hay không? (thời điểm giữa những năm 1960, Phạm Xuân Ẩn khẳng định chắc chắn). Nếu quân giải phóng tiến hành giải phóng miền Nam thì Mỹ có quay lại hay không? (câu trả lời là cực kỳ quan trọng cho chiến dịch tổng tấn công mùa xuân năm 1975 của Bắc Việt)...

Là một điệp viên của Tổng cục II (Tổng cục tình báo quốc phòng), Phạm Xuân Ẩn được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1976, được thăng hàm Thiếu tướng cùng với vô số huân huy chương khác vì góp phần trong những thành tích chiến đấu, đã cho thấy đóng góp phi thường của người điệp viên chiến lược này đối với những chiến công của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Trong thời gian hoạt động ở Sài Gòn, chiều chiều, cùng với con chó Béc giê Đức, ông Phạm Xuân Ẩn thường ngồi với các đồng nghiệp ở tiệm café Givral trên đường Catinat cũ (nay là Đồng Khởi), xế cửa Trụ sở Hạ viện Sài Gòn (nay là Nhà hát thành phố HCM), chủ trì “hãng tin vỉa hè” tại đây. Vì thế, ông còn được các đồng nghiệp gọi là “ông tướng Givral”. Không một ai trong số họ biết ông là một điệp viên thượng thặng của cộng sản.

***

Cuốn sách đầu tiên viết về Phạm Xuân Ẩn, đưa ông ra ánh sáng là Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời, của nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải.

Trong suốt 10 năm trời, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải đã kiên nhẫn gặp, trò chuyện với Phạm Xuân Ẩn nhưng luôn nhận được những lời khuyến cáo: hãy dừng ngay việc viết một cuốn sách về Phạm Xuân Ẩn. Lý do có lẽ bởi thời gian sau năm 1975 chưa đủ lâu, những người phụ trách công tác của ông Ẩn lo ngại những bí mật sẽ bị lộ ra trước thời điểm thích hợp.

Sau 10 năm, chỉ do một sự tình cờ, bản thảo mới được in thành sách tham dự một cuộc thi văn học do Nhà xuất bản Công an nhân dân phát động, rồi bất ngờ đoạt Giải A cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” (1999-2002) và Giải A do Bộ Quốc phòng trao tặng.

Trước đó đã từng có nhiều nhà báo nước ngoài gặp Phạm Xuân Ẩn nhưng với sự khéo léo của một nhà tình báo, ông đã không để cho họ khai thác được quá nhiều về mình, chỉ dừng lại ở những bài báo lẻ tẻ. Chỉ đến khi cuốn Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời của nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải ra đời và được tặng giải thưởng, các nhà báo nước ngoài mới có điều kiện tiếp cận để viết về ông.

Dẫu vậy, Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời là cuốn sách duy nhất viết về mình mà ông Phạm Xuân Ẩn được đọc khi ông còn sống.

Cuốn sách này đã mở đầu cho hàng loạt sách của các tác giả nước ngoài viết về Phạm Xuân Ẩn.

Tên ông, Ẩn, có nghĩa là "giấu mặt".

image

Bức ảnh duy nhất chụp tác giả Nguyễn Thị Ngọc Hải, bên trái, với cả gia đình ông Phạm Xuân Ẩn.

image

image[9]

Ông Ẩn thời trẻ.

image

Ông Ẩn trong ký túc xá trường học tại quận Cam, California.

image

Ông Ẩn (áo đen, ngậm thuốc lá), thời kỳ làm tại Việt Tấn xã.

image

Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn và Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

image

Ông Ẩn (ngoài cùng, bên trái) cùng các đồng nghiệp ở văn phòng tạp chí The Times tại Sài Gòn.

image

Ông Phạm Xuân Ẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nguồn: https://www.facebook.com/groups/conghoasach/permalink/3424101134338416

 

PHẦN 2: NHỮNG TIN ĐỒN KHÔNG CÓ CƠ SỞ

Sau cuốn sách đầu tiên viết về Phạm Xuân Ẩn là Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời, của nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải, ra đời và nhận nhiều giải thưởng, nhiều nhà báo quốc tế đã tìm gặp Phạm Xuân Ẩn để kết nối những mẩu chuyện rời rạc thành những tác phẩm văn học về cuộc đời của nhà tình báo huyền thoại. Từ đó, hàng loạt các cuốn sách về Phạm Xuân Ẩn do các tác giả nước ngoài chấp bút, đã lần lượt được xuất bản...

Điệp viên hoàn hảo (tựa phụ Cuộc đời hai mặt không thể tin được của Phạm Xuân Ẩn), tác giả Larry Berman.

Cuốn này có hai phiên bản. Một phiên bản xuất bản lần đầu năm 2007 của Nhà xuất bản Thông tấn, người dịch là Nguyễn Đại Phượng, phóng viên ban Quốc tế báo Tiền phong.

Phiên bản thứ hai là X6, Điệp viên hoàn hảo (Cuộc đời hai mặt phi thường của Phạm Xuân Ẩn), do First New-Trí Việt xuất bản qua nhà Hồng Đức, năm 2013. Người dịch là một phóng viên khác, Đỗ Hùng, Ban Quốc tế báo Thanh Niên.

Larry Berman là một nhà sử học có nhiều tác phẩm khá nổi tiếng liên quan đến chiến tranh Việt Nam như Không hòa bình, không danh dự: Nixon, Kissinger và sự phản bội ở Việt Nam; Con đường đi đến bế tắc ở Việt Nam; Vạch kế hoạch cho một thảm họa: Mỹ hóa cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Lần đầu tiên Larry Berman gặp Phạm Xuân Ẩn là vào tháng 7-2001 tại một nhà hàng ở Sài Gòn. Trong những năm sau đó, đến tháng 6-2006, Larry Berman đã thường xuyên gặp Phạm Xuân Ẩn ở Sài Gòn, lúc đầu ở quán bán bánh ngọt và café Givral trên đường Đồng Khởi đối diện với khách sạn Continental, sau đó là ở nhà riêng của ông Ẩn trên đường Lý Chính Thắng.

Theo lời thuật lại của Larry Berman trong cuốn sách Điệp viên hoàn hảo thì ông đã được Phạm Xuân Ẩn chính thức chấp nhận là người viết hồi ký cho vị tướng tình báo.

Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman có lẽ là cuốn sách tương đối đầy đủ về cuộc đời của một nhà tình báo lẫy lừng mà lại do một người nước ngoài chấp bút. Trong cuốn sách này, nhiều thông tin về cuộc đời bí mật của ông Phạm Xuân Ẩn lần đầu tiên được công bố.

***

Cuốn sách cũng làm rõ một số tin đồn, thậm chí là những thông tin hỏa mù liên quan đến Phạm Xuân Ẩn mà không thể kiểm chứng được. Chẳng hạn như Davis De Voss, cựu Trưởng phân xã tạp chí Time phụ trách khu vực Đông Nam Á, năm 1981 đã quay trở lại Sài Gòn, khi ấy được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau này, Davis De Voss viết một bài báo trên tờ Weekly Standard tháng 6-2006, trong đó “tiết lộ” rằng trong chuyến quay về Sài Gòn năm ấy, ông Ẩn đã bí mật gặp ông ta ở chợ chim Sài Gòn rồi quay về nhà ông Ẩn để tránh sự theo dõi của công an! Khi về nhà, theo lời Davis De Voss thì ông Ẩn đã đề nghị với ông ta giúp bí mật đưa gia đình đi trốn (vượt biên). Theo lời Davis De Voss thì cũng trong câu chuyện ở nhà, ông Ẩn còn nói rằng đã từng cố gắng đưa gia đình vượt biên nhưng không thành, mà những hai lần!

Câu chuyện này chẳng thể nào kiểm chứng được vì chỉ có mỗi mình ông Davis De Voss kể, còn ông Ẩn, người mà năm 2016 là thời điểm Davis De Voss kể lại câu chuyện, đã qua đời từ năm 2006, không thể nào cãi lại được.

Trong Điệp viên hoàn hảo, Larry Berman thuật lại câu chuyện này, nhưng tôi thấy có hai yếu tố liên quan: thứ nhất là năm 1981, khi quay về Mỹ sau chuyến trở lại Sài Gòn, Davis De Voss đã viết một bức thư cho một đồng nghiệp là Karsten Prager.

Trong bức thư này, sau khi chỉ trích thậm tệ sự yếu kém trong cung cách điều hành của các cán bộ Việt Cộng thời kỳ đó (cái này vào thời điểm năm 1981 không thể nói là “yếu kém” mà thật ra phải nói là “thảm họa” mới chính xác), thì người cựu Trưởng đại diện tạp chí Time này kết luận rằng Phạm Xuân Ẩn “là một cán bộ cao cấp của Bộ Nội vụ” (đương nhiên không đúng vì ông Ẩn là điệp viên của Tổng cục II, tình báo quốc phòng), và ông ta (Davis De Voss) đã “cố tìm gặp ông ta (Phạm Xuân Ẩn) trong thời gian 5 ngày ở Sài Gòn, “nhưng ông ấy đã từ chối”.

Nếu có gặp được Phạm Xuân Ẩn ở Sài Gòn thì hẳn là De Voss đã không nhầm lẫn đến mức coi ông Ẩn là điệp viên của Bộ Nội vụ (công an).

Thứ hai là trong một cố gắng nhằm bạch hóa tối đa những tin đồn không có căn cứ liên quan đến cuộc đời Phạm Xuân Ẩn, tác giả cuốn Điệp viên hoàn hảo đã tìm gặp con trai ông Phạm Xuân Ẩn là Phạm Xuân Hoàng Ân để hỏi thực hư (về chuyện ông Ẩn hai lần tính tổ chức vượt biên cho gia đình). Thời điểm gặp chắc chắn phải diễn ra trước thời điểm tác giả hoàn thành bản thảo cuốn sách vào tháng 9-2006. Phạm Xuân Hoàng Ân có trả lời tác giả (được dẫn trong sách Điệp viên hoàn hảo): “Chúng cháu không sợ bài báo đó, bởi vì những điều ông ấy (Davis De Voss) viết đều có thể kiểm chứng được một cách dễ dàng bởi còn những người ở đây, và thực tế gia đình cháu không bao giờ làm như vậy.”...

***

Sáu năm sau lần phát hành bản dịch đầu tiên của Điệp viên hoàn hảo vào năm 2007, Nhà xuất bản Hồng Đức lại phối hợp với Trí Việt cho ra phiên bản X6-Điệp viên hoàn hảo vào năm 2013.

Sở dĩ có phiên bản này bởi sau 6 năm, tác giả Larry Berman mới công bố thêm một số chi tiết, câu chuyện mà ở lần xuất bản trước ông chưa được phép công bố, cùng những phản ứng của một số người trong giới quân sự và dân sự Mỹ đối với phiên bản Điệp viên hoàn hảo ra đời trước đó 6 năm, thêm một loạt các bài viết của những người đồng đội ông Ẩn sau khi người điệp viên qua đời...

Thế nhưng lý do quan trọng nhất của sự ra đời của phiên bản tiếng Việt X6 Điệp viên hoàn hảo này là do bản dịch tiếng Việt lần trước đã bị kiểm duyệt, cắt xén đi nhiều thông tin có trong bản tiếng Anh. Đấy là điều mà bất cứ một tác giả sách nào có lương tri cũng khó có thể chấp nhận. Theo Larry Berman, phiên bản X6 lần này dịch trọn vẹn bản gốc tiếng Anh có bổ sung thêm nhiều tư liệu mới, vì vậy nên được xem là một cuốn sách mới về điệp viên kỳ tài Phạm Xuân Ẩn.

Khi tặng sách cho bạn đọc Việt Nam, Larry Berman thường viết thêm vào hai chữ tiếng Việt Hoa Binh, như là mong mỏi của ông về một thế giới không còn chiến tranh. Ông tác giả Larry Berman này có một niềm tin sắt đá rằng kiếp trước ông là người Việt Nam.

Ấn bản Điệp viên hoàn hảo đầu tiên năm 2007.

image

Chữ ký của Larry Berman trong ấn bản đầu.

Ấn bản X6 in trọn vẹn câu chuyện Điệp viên hoàn hảo có bổ sung thêm nhiều tư liệu chưa được phép công bố trong ấn bản trước.

Chữ ký của Larry Berman trong ấn bản X6.

Tác giả Larry Berman, phải, cùng Phạm Xuân Ẩn.

Phạm Xuân Ẩn và vợ trong ngày cưới.

Thẻ nhà báo của Phạm Xuân Ẩn.

Điệp viên Phạm Xuân Ẩn trên đường phố Sài Gòn.

Phạm Xuân Ẩn, thứ hai từ trái sang, cùng các bạn bè người Việt và Mỹ.

Ảnh một số kỷ vật của Phạm Xuân Ẩn đăng trong phiên bản X6.

Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn.

Bức tượng đồng Phạm Xuân Ẩn cùng con chó Béc giê quen thuộc.

Nguồn: https://www.facebook.com/groups/conghoasach/permalink/3430931083655421/

PHẦN 3: NHỮNG KHÓ KHĂN KHI SÁCH GIÁN ĐIỆP BỊ KIỂM DUYỆT

Điệp viên Z21, kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ, tác giả Thomas Bass, do Nhã Nam xuất bản qua giấy phép của Nhà xuất bản Hồng Đức.

Thomas Bass là một nhà văn, giáo sư người Mỹ chuyên ngành văn học và lịch sử từng giảng dạy văn học và lịch sử tại Viện Đại học Hamilton và Đại học California, là cựu giám đốc của Hamilton trong Chương trình "Truyền thông trong Thời đại số" của thành phố New York. Năm 2011 ông nhận dạy một lớp Khoa học Po Paris về "Kinh tế Chính trị trong Truyền thông."(wiki)

Đầu những năm 1990, Thomas Bass tới Việt Nam tìm tài liệu để viết về những đứa con lai của lính Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam với các cô gái bản địa, được một chương trình của Quốc hội Mỹ bảo trợ đưa sang Mỹ, tập trung ở một số thành phố như Rochester và Utica. Cuốn sách này sau đó được xuất bản ở Mỹ năm 1996.

Chính nhờ thế mà Thomas Bass đã gặp Phạm Xuân Ẩn rất sớm, từ năm 1992. Tuy nhiên, là một tình báo viên dày dạn kinh nghiệm, Phạm Xuân Ẩn đã khéo léo đánh lạc hướng khiến cho Thomas Bass khai thác được rất ít tư liệu, chỉ đủ để viết một bài báo.

Phải đến cuối năm 2003, sau khi cuốn Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời của nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải ra đời hồi năm 2002 và thân phận của Phạm Xuân Ẩn đã công khai ít nhiều, Phạm Xuân Ẩn mới đồng ý gặp Thomas Bass để có những cuộc trò chuyện dài hơn, đi sâu hơn vào những chi tiết trong cuộc đời hoạt động lẫy lừng của ông Phạm Xuân Ẩn...

Năm 2005, Thomass Bass viết một bài báo đăng trên tờ The New Yorker. Sau khi bài báo được đăng, Thomas Bass ký hợp đồng để phát triển bài viết này thành một cuốn sách, công việc mà Thomas Bass nghĩ rằng sẽ dễ dàng. Tuy vậy, thực tế đã diễn ra không như vậy.

Khi gặp Phạm Xuân Ẩn, Thomas Bass cảm thấy như bị sa vào trong làn khói mờ của những tấm gương, đến mức Bass nghĩ rằng mình đã bị rơi vào đúng vào chiếc bẫy như những đồng nghiệp của Phạm Xuân Ẩn trong thời kỳ chiến tranh. Phong cách cuốn hút của Phạm Xuân Ẩn đã làm Bass nhiều lần lạc hướng khiến Bass rất khó khăn để có thể xác định xem người điệp viên đã làm những gì trong thời gian hoạt động bí mật đầy hiểm nguy trước đó...

Bass đi đường vòng bằng các tìm kiếm những cuộc phỏng vấn với một số thành viên trong lưới hoạt động tình báo của Phạm Xuân Ẩn, một công việc mà có lẽ những người chỉ huy của ông Ẩn cho phép Bass thực hiện chỉ bởi vì nó không bộc lộ quá nhiều những bí mật trong cuộc đời Phạm Xuân Ẩn.

Tháng 1-2006, chỉ một thời gian ngắn trước khi mất, ông Phạm Xuân Ẩn thông báo cho Thomas Bass biết đó là cuộc gặp cuối cùng giữa hai người bởi đã có một người khác đang viết “tiểu sử” cho Phạm Xuân Ẩn (chính là Larry Berman, tác giả cuốn Điệp viên hoàn hảo). Quyết định này đã làm tổn thương Bass sâu sắc nhưng tác giả vẫn không bỏ cuộc mà tiếp tục theo đuổi dự án.

Tháng 9-2006, Phạm Xuân Ẩn qua đời. Những thông tin về ông dần dần được công bố nhiều hơn, cho thấy tầm vóc đáng ngạc nhiên về các hoạt động tình báo của Phạm Xuân Ẩn. Thomas Bass đã có thể bổ sung thêm nhiều tư liệu cho cuốn sách, vốn đã không thể ra đời khi ông Ẩn còn sống. Trong tiếng Anh, cuốn sách của Thomas Bass có tựa đề là Người điệp viên yêu mến chúng ta (tức nước Mỹ), tựa đề khiến một tác giả khác là Luke Hunt viết hẳn một cuốn sách khác có tựa là Người điệp viên không yêu mến chúng ta để phản bác lại!

Cũng như bản in lần đầu cuốn Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman và những cuốn sách khác liên quan đến gián điệp, chủ đề nhạy cảm đối với bất kỳ thể chế nào, cuốn sách của Thomas Bass cũng bị kiểm duyệt chặt chẽ. Phải mất đến 5 năm, cuốn sách mới được ra đời nhờ sự nỗ lực của Nhã Nam và Nxb Hồng Đức, ở phiên bản đã bị cắt bớt những chi tiết “bị cho là” nhạy cảm, với tựa đề Điệp viên Z21, kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ.

Sau khi bản dịch tiếng Việt của cuốn sách ra đời, Thomas Bass đã dồn toàn bộ sự giận dữ đối với hệ thống kiểm duyệt vô hình ở Việt Nam vào bài viết dài đăng trên một trang mạng ở Đức, trong đó miêu tả một cách đầy ác ý các biên tập viên và người quản lý ở Nhã Nam, những người đã mất rất nhiều công sức để giúp đưa cuốn sách đến với bạn đọc.

Cả ông đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, người mà Bass cho là có vai trò trong việc giúp bản dịch ra đời, cũng bị mô tả dưới con mắt giễu nhại...

Nhìn nhận một cách khách quan, những người xuất bản cuốn sách ở Việt Nam nợ Bass một lời xin lỗi vì hệ thống kiểm duyệt xuất bản ở Việt Nam “vốn dĩ nó đã thế”, còn Bass nợ những người đã giúp cho cuốn sách ra đời một lời xin lỗi vì thái độ unfair của ông ta khi đăng bài đả kích cá nhân trong khi vấn đề không nằm ở các cá nhân làm công tác xuất bản.

***

Một người Việt trầm lặng, bản của Nhà xuất bản Tri thức ra năm 2017, trong khi bản của nhà xuất bản Thanh Hóa ra năm 2007 dưới tựa Một người Việt thầm lặng. Theo tôi “trầm lặng” hợp lý hơn bởi tác giả chơi chữ dựa trên cuốn Một người Mỹ trầm lặng của Graham Greene). Tác giả cuốn sách là Jean Claude Pomonti, người Pháp. (Tựa đề phụ của cuốn sách này là Câu chuyện khác thường về một điệp viên đã thách nước Mỹ.)

Tính đến nay, Pomonti là tác giả duy nhất viết sách về Phạm Xuân Ẩn đã quen biết riêng Phạm Xuân Ẩn trong thời gian trước năm 1975, khi là phóng viên thường trú báo Le Monde (Thế giới) của Pháp tại Sài Gòn trong thời gian cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam.

Trong thời gian sau khi ký Hiệp định hòa bình Paris, nhờ sự chỉ dẫn của Phạm Xuân Ẩn, Pomonti cùng với một số đồng nghiệp báo chí phương Tây khác đã thành công trong việc đi vào vùng giải phóng và ở lại đó trong hai ngày. Kết quả là Pomonti có một bài báo kể lại chuyến đi thăm vùng giải phóng, dẫn tới việc bị chính quyền Sài Gòn rút giấy phép hành nghề, cấm lưu trú ở Việt Nam...

Đương nhiên, khi quen biết riêng với Phạm Xuân Ẩn trong thời gian chiến tranh, Pomonti không biết ông Ẩn là điệp viên cộng sản. Năm 1978, khi xuất hiện một bài báo trên một tờ báo Pháp tiết lộ ông Ẩn là điệp viên cộng sản, không những thế còn là một điệp viên sừng sỏ, Pomonti, khi ấy đang ở Nairobi, Kenya, đã bị sốc.

Phải đến năm 1989, khi có dịp quay lại Sài Gòn, Pomonti mới gặp lại ông Ẩn ở nhà ông Ngô Công Đức, một thành viên thuộc “lực lượng thứ ba” trước đây. Rồi năm 2004, khi tới Việt Nam dự lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Pomonti gặp ông Ẩn ở nhà riêng tại Sài Gòn...

Dựa trên những tài liệu sách báo được dần dần đăng công khai cùng với những ấn tượng còn lại từ thời chiến tranh cùng các cuộc trò chuyện với ông Ẩn, cuốn Một người Việt trầm lặng của Pomonti dựng tiểu sử của Phạm Xuân Ẩn và không khí Sài Gòn thời chiến từ góc nhìn của một người Pháp, rộng hơn là quan điểm của chính phủ Pháp đối với cuộc chiến tranh Việt Nam.

Bản dịch tiếng Việt cuốn sách của Thomas Bass.

Người điệp viên yêu mến chúng ta (Thomas Bass chơi chữ phỏng theo một cuốn sách về điệp viên 007 Người điệp viên yêu tôi, nhưng Phạm Xuân Ẩn không phải là James Bond).

Tác giả Thomas Bass cùng với bản dịch tiếng Việt cuốn sách.

Trùm mật vụ Trần Kim Tuyến, người được Phạm Xuân Ẩn cứu trong những giờ cuối cùng của cuộc chiến tranh.

Phạm Xuân Ẩn cùng con chó becgie.

Hai bản dịch Một người Việt trầm lặng, cuốn sách tiếng Pháp hiếm hoi viết về cuộc đời hoạt động của Phạm Xuân Ẩn.

Tác giả Jean Claude Pomonti.

Ông Ẩn cũng có thú vui chơi chim.

Nguồn: https://www.facebook.com/groups/conghoasach/permalink/3436999789715217/