Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2020

Đất Thánh

Kịch Nguyễn Viện

 

 

Nhân vật:

 

Đạo sư

Đệ tử - Cán bộ

Nhà thơ

Vợ, con nhà thơ

Phóng viên

Dân quân

Quần chúng

 

                                                        

HỒI I.

                   

                  

 

THỜI GIAN:

Một buổi sáng năm 1965.

 

 

CẢNH 1:

 

Đạo sư ngồi uống trà trong am Quế Sơn, đâu đó ở miền Nam Việt Nam.

 

Đệ tử (đứng bên cửa sổ): Thưa thầy, quân Mỹ đã đổ bộ vào Đà Nẵng.

 

Đạo sư:Con đã xem lại bụi tường vi cho ta chưa?

 

Đệ tử:Dạ, để hôm nay con xuống núi tìm ít phân bón.

 

Đạo sư: Nhân tiện, con ghé bưu điện gửi cho ta bức thư.

 

Đệ tử: Dạ.

 

Đạo sư: Con đừng quên mỗi bước đi của con người là một chuyển động chuyển hóa vào tương lai cái nghiệp quả của tư tưởng và sự sống chết của bản thân. Bởi vậy, con cần phải biết thở sao cho chân đi và nhịp thở ôn nhu hòa điệu. Con sẽ không cảm thấy mệt khi phải lên xuống ngọn núi này.

 

Đệ tử: Dạ, con luôn ghi nhớ điều ấy.

 

Đạo sư: Khi về, nhớ mua mấy xấp giấy. Ta nghĩ đã đến lúc sẽ phải viết nhiều rồi đây.

 

Đệ tử: Thưa thầy, con đi.

 

(Đệ tử bước ra. Còn lại một mình, đạo sư uống cạn tách trà, xong ngài giơ cái tách lên cao, nhìn. Khi ngài hạ tay xuống, cái tách vẫn lơ lửng giữa không trung. Bây giờ thì cái tách nhìn ngài. Im lặng).

 

Đạo sư: Ta uống cạn ngươi, hay ngươi uống cạn ta cũng không có gì khác nhau. Nhưng dù thế cả ta và ngươi đều biết rằng, nước không bao giờ hết. Vậy thì ngươi hãy cứ là một cái tách.

 

(Đạo sư giơ tay cầm cái tách đặt xuống bàn. Ngài đứng dậy bước từng bước rất chậm ra mái hiên - mép ngoài sân khấu, nhìn thấu suốt thế giới. Tiếng trống ngũ liên dồn dập vang lên. Tiếng chân người chạy. Tiếng đám đông hô: “Đả đảo bọn cướp nhà, cướp đất” nhiều lần. Đột ngột sân khấu lại chìm trong yên lặng. Đệ tử xuất hiện ở góc trong, để cho sân khấu trống).

 

Đệ tử: Thưa thầy, giấy bút con đã để sẵn trên bàn thầy làm việc. Cũng có một bức thư của nhà xuất bản Lá Dứa gởi thầy.

 

Đạo sư (không quay lại):Hãy trả lời là một tháng nữa ta sẽ viết xong cho họ.

 

Đệ tử:Thầy không nên quá sức, con nghĩ chậm hơn chút cũng không sao.

 

Đạo sư:Đừng lo cho ta. Cứ bảo họ như thế.

 

Đệ tử: Thưa thầy, quân Đồng Minh cũng đã vào nước ta.

 

Đạo sư: Ông Ngô Đình Diệm đã sai lầm, nhưng những người lật đổ ông Diệm còn sai lầm hơn nữa, Mỹ cần những người dễ sai bảo.

 

Đệ tử: Chính quyền Sài Gòn muốn gặp thầy. Sáng nay ông tỉnh trưởng đã đích thân tới đây. Nhưng con nói thầy đã nhập thất.

 

Đạo sư: Tốt. Nhắn với ông ấy là thờ Bụt thì không nhất thiết phải đến chùa.

 

Đệ tử: Thưa thầy, những người trong rừng cũng muốn gặp thầy.

 

Đạo sư: Nói với họ là ta biết ta phải làm gì.

 

Đệ tử:Tòa đại sứ Mỹ nói cánh cửa của họ rộng mở, bất cứ lúc nào thầy muốn, họ sẽ đón tiếp.

 

Đạo sư: Quế Sơn của ta cũng đủ bao la lắm rồi.

 

(Đạo sư quay trở lại bàn viết, ngài ngồi xuống ghế. Đệ tử đi vào trong và lấy ra một bát trầm, đốt. Khói trầm nghi ngút. Từ xa vọng tới tiếng hô của đám đông: “Đả đảo bọn cướp nhà, cướp đất”).

 

Đệ tử (nói vọng từ ngoài vào): Thưa thầy, nhà thơ Lê Ngàn đang lên đồi.

 

Đạo sư: Thế à. Ta phải ra đón hắn thôi.

 

(Đạo sư đứng lên. Bước ra khỏi sân khấu)

 

 

 

 

CẢNH 2:

 

Backdrop là một video clip cảnh đồi quế. Đạo sư và nhà thơ đi dạo trên đồi Quế Sơn.

 

 

Đạo sư: Kính mừng thi sĩ đến Quế Sơn.

 

Nhà thơ (vai đeo ba lô): Nẻo về quế lộ vẫn đầm đìa quế hương. Thiện tai.

 

Đạo sư: Đa tạ từ tâm của nghĩa sĩ.

 

Nhà thơ (cười lớn):Sư ông ăn phải bả của Việt Cộng hay sao mà lại gọi tôi là “nghĩa sĩ”?

 

Đạo sư: Oan gia rồi đây. Chữ nghĩa của ông chẳng phải đã rất sát phạt sao?

 

Nhà thơ: Nhưng tôi không “chống Mỹ, cứu nước” như ông. Tôi chỉ động thủ vào giữa hai đùi thánh thiện của sa mạc sa cơ thời thế linh hồn gái non.

 

Đạo sư: Thật ra thì thi sĩ nào chẳng là nghĩa sĩ nếu hắn muốn sống còn với cuộc chơi?

 

Nhà thơ: Vấn đề là cuộc chơi ở đây do chính ta bày ra hay do người khác đẩy ta vào cơn túy lụy?

 

Đạo sư: Ông muốn nói tôi là con bài của Mặt trận Giải Phóng?

 

Nhà thơ: Quả thật tôi muốn hỏi ông điều ấy.

 

Đạo sư: Tôi nghĩ không cần phải giải thích, nhất là với một người bạn hiểu biết như ông.

 

Nhà thơ: Tất nhiên, tôi hiểu ông. Nhưng tôi không muốn nhầm lẫn ông với những người kêu gọi hòa bình khác. Họ sẽ phải trả giá đắt cho sự nông nổi trí thức, mà lại rất Chí Phèo này.

 

Đạo sư: Cần phải nghĩ đến khía cạnh tích cực của nó.

 

Nhà thơ: Tôi hy vọng cả tôi và ông còn sống đến ngày hòa bình, xem họ có sống được với hòa bình của Cộng sản không?

 

Đạo sư: Chuyện ấy hạ hồi phân giải. Tôi nghĩ trước mắt là cần phải chấm dứt sự hiện diện của người Mỹ và chấm dứt chiến tranh. Chấm dứt sát sinh từ tâm thức con người.

 

Nhà thơ: Nhưng rất tiếc bọn Cộng sản không bao giờ có được đức hiếu sinh của nhà Phật. Đây là cái sai lầm chết người của bọn a dua phản chiến khắp thế giới.

 

Đạo sư: Thôi không nói chuyện chính trị nữa. Tôi nghĩ ông đến để cho tôi nghe thơ mới của ông, đúng không?

 

Nhà thơ: Ừ. Đừng vọng động nhé.

 

Đạo sư (cười): Người làm thơ đã phá chấp thì chẳng lẽ người nghe thơ lại chấp sao.

 

Nhà thơ: Đọc thơ cũng cần có nghi lễ của nó.

 

(Họ dừng chân dưới một bóng cây. Ông nhà thơ gỡ ba lô xuống, mở ra lấy bịch thịt chó với đầy đủ gia vị và một chai rượu đế bày ngay xuống đất. Cũng ngay lúc ấy một đàn chó xuất hiện, chúng ngồi đầy trên sân khấu. Sân khấu quay. Đàn chó quay quanh bữa tiệc của hai người).

 

Nhà thơ: Nào.

 

(Họ cụng ly)

 

Nhà thơ: Thơ đây:

 

“Thôi không nói nữa dù lời vẫn trào khỏi

cuống họng

Không đi nữa dù chân đang bước

con đường không dẫn về

nơi an nghỉ

của chữ nghĩa

mù tối lúc làm tình

Không nói nữa cơn điên tháng tư

lột da tìm cảm xúc giết người của nắng của không một ai

những nấm mộ tự hủy của dự phóng bát ngát

Không đi nữa không đi nữa với ma không mặc áo cà sa đi với đĩ

không với bất tận ngôn

không

cả với thơ ngây

ngất một trời lồn.

 

Thôi không nằm nữa dù đang chết trân chết mơ màng chết bầm dập

Tính không của lồn là

rỗng

cảm xúc giết người là

tiếng rên sướng thỏa không đụ nữa giữa lúc cặc cương cứng

Ngày mai không ánh sáng

hơi thở chật lồng ngực

Không ăn nữa những giấc mơ vàng vọt dù tuyệt vọng

Không điên nữa dù cơn vẫn lên

vẫn

nứng cặc hứng mần thơ

nhớ người (người ơi có biết?)

 

Không ngồi nữa quán cà phê quen thuộc vỉa hè

giết thần thánh giết hèn mọn giết

không ghê răng

lập ngôn gốc cây chó đái

bờ vực

phục sinh bọn độc tài trên đầu lưỡi

Không

cắt hai hòn dái làm đức

hạnh mưa tinh trùng

Không hát nữa dẫu cõi lòng hoan lạc

để chiều hôm ấp ủ oan hồn

vào địa ngục

Không đến nữa chỗ mong chờ của

quỉ

Trăng lung linh tiếng gọi của

mơ hồ

rất âu yếm của làn da dưới háng…”

 

Đạo sư (sau vài phút im lặng): Tôi có cảm giác như đây là bài thơ cuối cùng của ông.

 

Nhà thơ: Ông có nhớ câu này của Thanh Tâm Tuyền: “Bài thơ hay là cái chết cuối cùng” không?

 

Đạo sư: Nhớ. Ông ấy cũng là một người tạo ra lịch sử.

 

Nhà thơ: À, đây mới là mục đích cuộc thăm viếng của tôi với ông.

 

Đạo sư: Tôi nghe.

 

Nhà thơ: Báo Time vừa có bài viết về ông. Họ nói ông là kẻ làm cho người khác mất ngủ.

 

Đạo sư: Làm gì có người khác.

 

Nhà thơ: Cả chính quyền và Việt Cộng đều e ngại ông. 

 

Đạo sư: Tòa đại sứ Mỹ đã ngỏ ý sẵn sàng cho tôi tỵ nạn chính trị.

 

Nhà thơ: Ông ở đây thật nguy hiểm. Bất cứ một thằng khùng nào cũng có thể đến giết ông.

 

Đạo sư: Tôi không sợ ai giết. Vấn đề là họ không muốn tôi ở đây.

 

Nhà thơ: Ảnh hưởng của ông quá lớn.

 

Đạo sư: Không có gì lớn quá hay bé quá để chuyển hóa một năng lượng. Tôi đang có một cuốn sách mới, viết về Quế Sơn, trước khi có thể tôi sẽ phải từ giã nó. Vẫn biết mọi thứ vẫn chỉ là sắc – không, nhưng không khỏi cảm thấy đau đớn ông à.

 

Nhà thơ: Vì Quế Sơn chính là ông. Để từ giã một cái gì đấy, người ta trước hết cần từ giã chính mình.

 

Đạo sư: Cám ơn ông. Cho tôi hỏi ông điều này: Nếu mai kia mốt nọ, miền Bắc giải phóng miền Nam, ông có dám ở lại không?

 

Nhà thơ: Việt Cộng có thể giết tôi, nhưng chẳng lẽ tôi bỏ chạy theo Mỹ? Dẫu sao tôi vẫn muốn chia sẻ cái số phận của dân tộc, đấy không phải là cái gì to tát. Tôi không mường tượng được một nhà văn hay nhà thơ lại tự ý bứt ra khỏi gốc rễ của mình. Tôi cũng muốn hỏi ông: Tại sao ông nghĩ miền Bắc sẽ giải phóng miền Nam mà không phải ngược lại?

 

Đạo sư: Đó là cái chiều của lịch sử. Miền Bắc họ biết sử dụng cái chiều ấy.

 

Nhà thơ: Cái ác?

 

Đạo sư:Lịch sử không thiện không ác. Nếu tôi bị buộc phải ra đi, tôi muốn giao Quế Sơn lại cho ông gìn giữ, ông thấy thế nào?

 

Nhà thơ: Sao không giao lại cho giáo hội?

 

Đạo sư: Quế Sơn không phải tôn giáo, Quế Sơn là một nẻo về.

 

Nhà thơ: Thế thì tôi về hay tôi đến?

 

Đạo sư: Sao cũng được. Quế Sơn thuộc về ông và những nỗi niềm thế kỷ của chúng ta.

 

(Bóng tối đổ dần xuống cho đến khi phủ mờ hình bóng đạo sư, nhà thơ và lũ chó).

 

                            

 

CẢNH 3:

 

Trong phòng khách của am Quế Sơn.

 

 

Đạo sư: Người Mỹ sẽ mang xe đến đón. Chúng ta còn nửa tiếng nữa để hít thở bầu trời này.

 

(Đâu đó vọng về tiếng súng)

 

Nhà thơ: Ông định đến đâu?

 

Đạo sư: Tất nhiên không thể ở Mỹ. Hội nghị Paris đã bắt đầu. Có lẽ tôi đến đó.

 

Nhà thơ (giễu cợt):Ông định thổi sáo bên sông Seine à? (*)

 

Đạo sư: Ông đừng cười. Tôi sẽ dành phần còn lại của đời mình để tìm kiếm hòa bình cho mỗi con người.

 

Nhà thơ (vẫn mỉa mai): Thiện tai. Đại nguyện của bồ tát.

 

Đạo sư (cười): Ông vẫn không bỏ được thói “gần chùa gọi Bụt bằng anh”.

 

Nhà thơ: Không gọi Bụt bằng anh thì sao là bạn của ông được.

 

Đạo sư:Tôi để lại cái máy đánh chữ và tất cả sách vở lại cho ông. Hy vọng hơi hám nhà chùa sẽ giúp ông bớt phần hơi háng vạn sự thanh lâu.

 

Nhà thơ: Hay là tôi biến am Quế Sơn thành động đĩ thập thành gái núi. Có khi lại để tiếng thơm đến muôn đời sau.

 

Đạo sư: Sự thanh sạch của Quế Sơn thì không điều gì có thể làm nó hoen ố. Tôi cũng biết không một ai ngoài Lê Ngàn có thể giữ được Quế Sơn trước những biến cố khốc liệt sau này.

 

Nhà thơ: Có vẻ như ông nhìn thấy tương lai?

 

Đạo sư: Đôi khi. Ông sẽ khốn khổ vì Quế Sơn. Nhưng ông cũng sẽ vinh quang vì Quế Sơn.

 

Nhà thơ: Ông không sợ tôi bỏ chạy? Hoặc bán xới đi lấy tiền chơi đĩ khắp thế giới?

 

Đạo sư (cười): Thử xem. Một cõi ngoài ly tán cũng ly kỳ máu xương.

 

(Có tiếng còi xe)

 

Đạo sư: Họ tới rồi. Tôi phải đi. (hỏi đệ tử) Con ở lại đây chứ?

 

Đệ tử: Dạ không, con vào rừng.

 

Đạo sư: Ta vẫn biết con là người của Mặt trận. Cầu chúc con bình an. (Quay sang nhà thơ)  Cả ông nữa, bình an nhé. Nhớ chăm sóc bụi tường vi giùm tôi.

 

(Đạo sư khoác túi vải lên vai dợm bước. Nhưng ngài đứng lại rồi nằm sấp xuống mặt đất. Khi người Mỹ bước vào, ngài mới đứng lên và bước ra. Đệ tử cũng bước ra theo họ. Chỉ còn nhà thơ Lê Ngàn ngồi lại).

 

                                                                   

 

 

HỒI II

                   

 

 

CẢNH 1:

 

Nhà thơ Lê Ngàn vẫn ngồi đó, tê liệt. Tiếng súng đạn ầm ầm. Tiếng xe tăng nghiến xích sắt trên đường. Tiếng la hét. Tiếng khóc. Tiếng bài hát “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước, diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước. Ôi xương tan máu rơi lòng hận thù ngất trời…” cho biết đã đến thời điểm 30.4.1975. Vợ và hai đứa con của Lê Ngàn tuần tự xuất hiện và ngồi trước mặt nhà thơ.

 

 

Vợ nhà thơ: Hình như mọi người đã bỏ chạy hết rồi.

 

Nhà thơ: Rồi họ cũng sẽ phải quay lại. Chúng ta cần bình tĩnh đón nhận bất trắc không sợ hãi.

 

Vợ nhà thơ: Ai cũng sợ bị giết và cướp mất tài sản.

 

Nhà thơ: Chúng không thể giết hết được nhân dân. Không ai có thể cướp Quế Sơn của chúng ta. Ngày mai, các con không phải đi học nữa. Chúng ta sẽ đốt bỏ am này và dựng một ngôi nhà lá nhỏ, hằng ngày cầm dao vác cuốc chăm sóc và bảo vệ rừng quế, đóng trọn cái số phận bần nông vinh quang khốn kiếp của xã hội xã hội chủ nghĩa. May ra, chúng ta sống sót.

 

(Video Clip chiếu cảnh am Quế Sơn to lớn chìm ngập trong khói lửa. Cả nhà Lê Ngàn đứng nhìn đám lửa, im lặng thẫn thờ. Người đệ tử cũ của đạo sư xuất hiện trong vai trò của một cán bộ cùng với mấy dân quân đeo băng đỏ, tay cầm súng).

 

Cán bộ:Tất cả kinh sách cũng cần phải thiêu hủy. Không được để bất cứ nọc độc nào của Mỹ Ngụy lây nhiễm vào xã hội mới.

 

Nhà thơ: Các ông thấy cái nào là nọc độc thì cứ đốt. Tôi không làm.

 

(Ông cán bộ hất đầu. Mấy người dân quân xông vào nhà, họ khuân ra từng đống sách ném vào lửa. Cả nhà Lê Ngàn tiếp tục im lặng nhìn đám cháy cho đến khi mọi thứ trở thành tro bụi. Ông cán bộ và mấy dân quân bỏ đi, một người trong số họ hùng hồn hát: “Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước…”).

 

 

 

CẢNH 2:

 

Trên đồi Quế Sơn, gia đình Lê Ngàn đang trồng mì. Ông cán bộ từ xa đi tới.

 

 

Vợ nhà thơ: Hình như thằng cán bộ tìm mình.

 

Nhà thơ: Mọi người lánh đi một chút, để bố nói chuyện với thằng này.

 

(Khi mọi người đi hết, cán bộ xuất hiện)

 

Cán bộ: Lao động tốt đấy. Nhưng nhà ông để đất hoang nhiều quá, hiến cho Hợp tác xã đi.

 

Nhà thơ: Ông nói gì? Đất này hoang à? Cỏ tôi để cho bò. Cây tôi để làm củi. Thằng nào xớ rớ tới tôi chém cho bỏ mẹ.

 

Cán bộ: Tôi muốn giúp ông để ông có cơ hội đóng góp cho cách mạng, nhưng ông không muốn thì ông sẽ phải khóc mà dâng.

 

Nhà thơ: Chúng mày muốn ăn cướp?

 

Cán bộ: Ông bảo cách mạng ăn cướp?

 

Nhà thơ: Đứa nào chiếm đất của nhân dân là ăn cướp. Chúng mày tưởng chỉ có chúng mày là cách mạng hả? Tao cũng là cách mạng nè. Tao chống cường quyền bóc lột áp bức có phải là cách mạng không? Mày là cường quyền hay mày là nhân dân?

 

Cán bộ: Chống lại chính quyền là phản cách mạng. Các đồng chí đâu? Bắt thằng phản động này.

 

(Mấy dân quân chạy đến. Một người bịt mồm nhà thơ, hai người khác giữ và trói gô nhà thơ lại. Rồi họ lôi ông đi như một con chó).

 

   

 

CẢNH 3:

 

Vợ con nhà thơ đang xới đất trên đồi Quế Sơn.

 

 

Con trai (đứng chống cuốc): Mẹ, con muốn đi tu.

 

Mẹ:Con không thể trốn tránh cuộc sống này.

 

Con trai: Con không trốn tránh, nhưng con ghê tởm nó.

 

Mẹ: Con muốn tu thì cứ tu tại đây. Đây là đất Phật.

 

Con gái: Đây là đất của quỉ dữ.

 

Mẹ: Con không được nói thế.

 

Con gái: Thế tại sao họ lại bắt bố?

 

Mẹ: Vì bố muốn làm người tuẫn đạo. Con hiểu không?

 

Con gái: Không phải. Bố chỉ muốn giữ những gì của bố.

 

Mẹ: Điều ấy cũng không sai. Nhưng mẹ biết bố còn muốn sống như một biểu tượng. Và bố phải trả giá cho nó. Thời đại này không còn biểu tượng.

 

Con trai: Bố không thể cứu vãn được những gì đã mất. Ngày hôm nay, chúng ta lại bị cướp mất một vạt đồi nữa. Không biết cho đến khi bố được tha về, chúng ta còn chỗ dung thân hay không?

 

Mẹ: Đấy là điều mẹ không muốn con bỏ cuộc. Chúng ta sẽ chết ở đây.

 

Con gái: Cái chết không làm chứng được cho chân lý.

 

Mẹ: Nhưng nó làm chứng được cho sự sống của chúng ta.

 

(Có tiếng ồn ào, lộn xộn, càng lúc càng lớn, rồi đám đông xuất hiện với dao, cuốc, xẻng trên tay. Người ta nghe được một vài tiếng:“Đất của tôi”. Một vài tiếng khác: “Đất không là của ai”. Khi họ đi qua, trên sân khấu không còn nhìn thấy vợ con nhà thơ Lê Ngàn nữa. Thay vào đó, Lê Ngàn cầm búa và đục, đang tạc thơ vào hòn đá tảng).

 

 

 

CẢNH 4:

 

Vườn đá tảng.

 

 

Nhà thơ (vừa đọc vừa đục):

 

“Không văn hiến nữa để văn bia chói lọi

dòng giống hoang

 

Không lên đường xuống phố nữa để

thân tàn ma dại với

mai sau

Không ngấp nghé cõi đời sắp

hết

tiếng chuông đổ vào tịch mịch

không với bao la

cát chạy

hôn bàn chân em ướt

không tận cùng

tiếng rên

 

Không với đất để lên trời ngửa cổ

hôn vạn dặm

Không với trời để về đất

ôm chúng sinh gặm lá cỏ

vu vơ

Không ngày mai tắt thở

 

(Ngắt quãng bởi những tiếng thét. Nhà thơ bước qua một tảng đá khác)

 

Không be bét thời gian để cô quạnh

nghìn trùng máu

lạnh tanh

Không nhòe nhoẹt dấu chân vô định

hồn người

Không với mặn

nồng nồng trái chín

không với xanh xao đằm đằm lông măng

không một chút

không nhiêu khê khúc khuỷu lời

thú hoang

ghềnh đá mốc

Không khóc”

 

 (Nhà thơ đi khuất sau một tảng đá. Đạo sư xuất hiện)

 

Đạo sư: Những đóa tường vi của tôi vẫn nở chứ?

 

(Nói xong đạo sư đi khuất. Nhà thơ xuất hiện)

 

Nhà thơ: Những đóa tường vi vẫn nở, nhưng nó không phải của ông.

 

(Nhà thơ đi khuất. Đạo sư xuất hiện)

 

Đạo sư: Những đóa tường vi chắc chắn không phải của tôi, hay của Hồ Chí Minh, hoặc của ông, nhưng đóa tường vi nở sáng ngày hôm đó đã thuộc về tôi. Trở thành nghiệp chướng của tôi.

 

(Đạo sư đi khuất. Nhà thơ xuất hiện)

 

Nhà thơ: Vậy thì ông nên quên đã có một đóa tường vi vừa nở hay đã nở ngày hôm đó, cũng như ông nên quên những chuyện đã xảy ra ở xứ này.

 

(Nhà thơ đi khuất. Đạo sư xuất hiện)

 

Đạo sư: Tôi không thể quên một đóa tường vi, cũng như không thể quên những oan hồn vất vưởng của cả hai phía trong cuộc chiến vừa qua.

 

(Đạo sư đi khuất. Nhà thơ xuất hiện)

 

Nhà thơ: Cuộc chiến chưa chấm dứt.

 

(Nhà thơ đi khuất. Đạo sư xuất hiện)

 

Đạo sư: Tôi biết điều ấy. Chính vì thế tôi muốn kiến tạo một tâm thức hòa bình cho con người. Và tôi cũng muốn lập trai đàn giải oan. Tôi muốn trở lại Quế Sơn.

 

(Đạo sư đi khuất. Nhà thơ xuất hiện)

 

Nhà thơ: Quế Sơn của ông không còn nữa. Am của ông, tôi đã đốt. Đất của ông, người ta đã cướp. Ở đây, chỉ còn linh hồn tôi thoi thóp. Và thơ tôi lao động trên phế tích của ngôn ngữ thời gian.

 

(Nhà thơ đi khuất. Đạo sư xuất hiện)

 

Đạo sư: Ông đang đứng ở đâu? Chẳng phải là Quế Sơn tao nhã nẻo về cố quận?

 

(Đạo sư đi khuất. Nhà thơ xuất hiện)

 

Nhà thơ: Tôi đang đứng ở chỗ máu chảy tang thương ngẫu lục vẫn truyền sử xanh.

 

(Nhà thơ đi khuất. Đạo sư xuất hiện)

 

Đạo sư: Vẫn không phải vô sở trú thì có thể trao đổi trên cơ sở hiện sinh hiện tượng cơ cấu luận, phải không đạo hữu?

 

(Đạo sư đi khuất. Nhà thơ xuất hiện)

 

Nhà thơ: Không, Quế Sơn đã không còn hiện thực xã hội chủ nghĩa mà quá độ đến hậu hiện đại thất tung thất tán rồi.

 

(Nhà thơ đi khuất. Đạo sư xuất hiện)

 

Đạo sư: Thế thì ông cần phải bình tâm hồi hướng chân như.  Sáng mai, tại New York, tôi có buổi pháp thoại với các quan chức Liên Hiệp Quốc về ý nghĩa của sự dời đổi xét cả trên hai bình diện tâm thức và lịch sử. Buổi pháp thoại sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp trên toàn thế giới, sau đó là cuộc hành thiền qua phố Wall… Ông tham dự nhé.

 

(Đạo sư đi khuất. Nhà thơ xuất hiện)

 

Nhà thơ: Ông muốn làm Phật sống à?

 

(Nhà thơ đi khuất. Đạo sư xuất hiện)

 

Đạo sư: Ông cũng biết là Phật vô cầu, tại sao ông hỏi tôi điều đó?

 

(Đạo sư đi khuất. Nhà thơ xuất hiện)

 

Nhà thơ: Vì tôi thấy buồn cười.

 

(Nhà thơ đi khuất. Đạo sư xuất hiện)

 

Đạo sư: Lòng thành của tôi chưa đủ để chuyển hóa ông. Thật đáng tiếc. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi không tiếp tục chuyển vào thế giới tâm nguyện hòa bình của chư Phật, trong đó có ông.

 

(Đạo sư đi khuất. Nhà thơ xuất hiện)

 

Nhà thơ (cười lớn, tiếp tục đục đá và đọc):

 

“Không cười cợt đười ươi và

gái gú

chay tịnh mắt

để lòng tà vô độ

 

Hình đã đổ đè bóng

Mưa đầu mùa trút suốt chiều hôm

lồn cạn

ráng chiều xanh

mướt

Không gọi nữa em yêu ngày chuyển

bụng

sinh đẻ hoàng hôn

không thác lũ mặt trời

 

Không trăng sao của sến

mùa đĩ ngựa

làm tình với mây bay

thoát

Không phu phen chữ

nghĩa đồng bào

rối loạn cương dương cõi miền thánh

 

Không một lần nữa

âm binh

Không ở lại lầu xanh thiếu phụ để thúy kiều

về quê (Tàu) bắt ốc nuôi chồng cũ

không vào lăng thăm vua không vào miếu thăm thần không đốt hương

để nghìn thu vắng

lạnh cẳng lạnh gáy lạnh lưng

ba nghìn thế giới

Không bó tay ngồi xổm chửi đổng thiên hạ

Nhất định không

tao tất thắng mày tất thua

cả cái chết”.

 

                                                                

 

 

 

HỒI III.

                           

 

 

CẢNH 1:

 

Nhà thơ Lê Ngàn vẫn đục đá. Chỉ có âm thanh của cái đục chạm vào đá. Tiếng đục chậm dần và tắt hẳn. Sân khấu hoàn toàn im lặng và rồi đoàn người biểu tình xuất hiện. Họ là những người già, cả đàn ông và đàn bà, mang theo hình Hồ Chí Minh và quốc kỳ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đi trước. Tiếp theo là các biểu ngữ: “Trả đất lại cho chúng tôi”, “Chúng tôi cần công lý”, “Đả đảo bọn cướp nhà, cướp đất”… Trên những chiếc nón lá nông dân của họ cũng có những dòng chữ tương tự. Họ đi lặng lẽ, mệt mỏi, kéo lê trên sân khấu nhiều vòng, như thể họ đã đi qua nhiều năm tháng. Sân khấu vẫn im lặng. Chỉ có ánh sáng thay đổi như ngày qua đêm, rồi lại ngày…

 

 

 

CẢNH 2:

 

Tiếp theo đoàn biểu tình, Đạo sư dẫn đầu đoàn người hành thiền từng bước đi qua sân khấu, rất chậm, có tiếng mõ làm nhịp. Backdrop chuyển qua phố Wall, New York. Khi đoàn người cùng với đạo sư vòng trở lại sân khấu lần thứ hai, cũng vẫn rất chậm trong tiếng mõ, phóng viên báo Time xuất hiện. Đoàn người đứng lại, tay chắp trước ngực.

 

 

Phóng viên: Thưa đạo sư, ngài có ý định sẽ tổ chức hành thiền qua lăng Hồ Chí Minh?

 

Đạo sư: Mô Phật. Một ngày nào đó. Đấy là một ý tưởng tuyệt vời. Phố Wall hay quảng trường Ba Đình cũng vô ngại như nhau.

 

Phóng viên: Ngài tin chính quyền Hà Nội sẽ cho ngài về làm điều đó?

 

Đạo sư: Chuyện gì cũng có thể. Tôi luôn để ngỏ tất cả mọi cơ hội tốt lành.

 

Phóng viên: Có nghĩa ngài nghĩ Hà Nội sẽ thay đổi?

 

Đạo sư: Vâng, vấn đề là thời gian và chúng ta biết chờ đợi.

 

Phóng viên: Có người nói pháp môn của ngài có thể sẽ được Hà Nội chọn như một giải pháp cho vấn đề tư tưởng thời kỳ hậu Cộng sản ở Việt Nam. Thưa ngài, có thể xảy ra điều đó không?

 

Đạo sư: Phần anh, anh có tin không?

 

Phóng viên: Về mặt lý thuyết thì có thể. Việt Nam đang có một khoảng trống về tư tưởng sau khi ý thức hệ Cộng sản phá sản. Tư tưởng chắp vá và hời hợt của ông Hồ Chí Minh không đủ tầm để thay thế, mặc dù chính quyền đã có nhiều nỗ lực cổ xúy cho cái gọi là tinh thần dân tộc của ông ta. Việt Nam vẫn là một quốc gia Phật giáo và ngài là nhân vật được thế giới kính trọng.

 

Đạo sư: Cám ơn anh. Thật ra, những nỗ lực hoằng pháp của chúng tôi đang hướng đến toàn nhân loại. Không chỉ Việt Nam đói khổ cần được lấp đầy bằng an lạc mà Tây phương cũng cần được giải thoát bằng những hân tưởng của thiền gia.

 

Phóng viên: Có thể là vậy. Một số tăng thân của ngài cho rằng Quế Sơn là đất thánh, ngài sẽ về Quế Sơn và lập đạo tràng ở đó?

 

Đạo sư: Ở đâu con người an lạc, ở đó là đất thánh. Khi điều kiện cho phép, tôi sẽ về Quế Sơn, chỉ mong nhìn được những đóa tường vi vẫn nở.

 

Phóng viên: Những đóa tường vi có ý nghĩa gì với ngài?

 

Đạo sư: Nẻo về cho những linh hồn luân lạc.

 

Phóng viên: Tại sao ngài không nói về Niết Bàn?

 

Đạo sư: Đạo Phật trong đời sống và Niết Bàn của tôi là hạnh phúc của cha mẹ tôi. Tôn giáo cần được nhìn thấy ở những góc độ hình nhi hạ và chỉ ở bối cảnh hình nhi hạ, tôn giáo mới mang lại an bình cho con người.

 

Phóng viên: Phải chăng tôn giáo không cần “Thượng đế”?

 

Đạo sư:Tôi không nói là con người không cần Thượng đế, nhưng con người cần phải biết tự lo liệu cho mình.

 

Phóng viên: Tiếng nói của ngài có thể hòa giải được những khác biệt đối kháng?

 

Đạo sư: Tôi tin là vậy khi con người có thiện tâm, thiện ý với nhau.

 

Phóng viên: Nhưng chính tôn giáo vẫn là những nguyên nhân chính yếu nhất của sự chia rẽ con người.

 

Đạo sư: Vâng, đấy chính là một trong những lý do chúng tôi muốn tôn giáo hòa giải giữa con người với nhau trước khi hòa giải với Thượng đế.

 

Phóng viên: Liệu ngài có hòa giải được với Hà Nội và hòa giải được những người Việt Nam sau cuộc chiến vừa qua, đặc biệt với đồng đạo của ngài ở trong nước?

 

Đạo sư: Trước hết cần phải nói lại điều này: Pháp môn của Quế Sơn và bản thân tôi không đối kháng với bất cứ ai, cho nên vấn đề hòa giải không cần phải đặt ra đối với vị thế của Quế Sơn. Tôi không phủ nhận rằng giữa những người Việt Nam còn nhiều ngăn cách và khác biệt, pháp môn của Quế Sơn không có khả năng hòa giải chính trị cho một dân tộc, nhưng pháp môn của Quế Sơn có thể mang đến cho mỗi con người một giải pháp riêng.

 

Phóng viên:Sau Liên Hiệp Quốc, ngài có định đến Little Saigon trước khi được về Hà Nội?

 

Đạo sư: Vâng, tôi sẽ đến đó với những đóa tường vi dù có được hoan nghênh hay không.

 

Phóng viên: Có một vài tờ báo của người Việt đang bôi nhọ ngài. Đó có phải là tình cảnh của một tiên tri với đồng hương của mình như trong Kinh Thánh Thiên Chúa giáo, hay có những tranh chấp về ảnh hưởng giữa ngài và các thế lực khác?

 

Đạo sư: Không ai phủ nhận được sự thật. Và chỉ trong sự thật, con người mới tìm được sự công bằng. Pháp môn của Quế Sơn là nụ cười và chia sẻ nụ cười.

 

Phóng viên: Ngài không phủ nhận sự tranh chấp?

 

Đạo sư: Thế giới vốn mâu thuẫn và tranh chấp, nhưng tôi đến để đối thoại và hòa giải trong sự khiêm cung của một hành giả, chuyển hóa năng lượng hòa bình vào tâm thức con người.

 

Phóng viên: Tách rời khỏi hệ thống Phật giáo chính thống, pháp môn của ngài có thể bị coi là một dị giáo?

 

Đạo sư: Phật giáo là con đường mở. Và người ta có nhiều cách khác nhau để giải thoát. Pháp môn của Quế Sơn chưa bao giờ là một dị giáo.

 

Phóng viên: Về cơ bản, đó là một tư tưởng đối nghịch với các chế độ toàn trị. Nhưng xem ra Hà Nội vẫn có ý định đón chào ngài. Ngài giải thích điều này thế nào?

 

Đạo sư: Anh có vẻ vẫn thích nói chuyện chính trị. Thật ra, anh cũng như tôi đều biết trong chính trị, tất cả chỉ là những con bài, và người làm chính trị biết khi nào họ phải đi nước cờ nào. Tôi cũng sẽ trở thành một con bài trong ván cờ của họ. Vấn đề là tôi tìm được lợi ích gì trong ván cờ ấy.

 

Phóng viên: Vâng, lợi ích của ngài?

 

Đạo sư: Tôi có cơ hội để nói những điều tôi ước mơ cho đồng bào mình.

 

Phóng viên: Họ có cho ngài cơ hội ấy không?

 

Đạo sư: Khi đứng trước đồng bào mình, không ai bịt được miệng tôi.

 

Phóng viên: Xét cho cùng, ngài là một giáo sĩ hay nhà chính trị?

 

Đạo sư: Đi đến tận cùng một giáo sĩ sẽ là một nhà chính trị, và đi đến tận cùng nhà chính trị sẽ là một giáo sĩ. Theo quan điểm của tôi, nếu cả nhà chính trị và giáo sĩ ý thức được đầy đủ điều này thì sẽ tốt hơn cho xã hội loài người. Bởi tận cùng của mọi đức hạnh đều giống nhau. Nhưng sự cấu kết giữa tôn giáo và nhà nước lại là một thảm họa cho con người, như nó đã và đang xảy ra trong lịch sử.

 

Phóng viên: Tôi có thể hiểu đạo tràng của ngài như một cộng đồng chính trị không?

 

Đạo sư: Chúng tôi không nhằm mục đích chiếm lĩnh quyền lực, mà giải thoát quyền lực trên cuộc sống để con người có thể an cư trong tự do.

 

Phóng viên: Hà Nội tin rằng ngài vô hại?

 

Đạo sư: Thậm chí, họ có thể nghĩ chúng tôi trang trí cho bộ mặt nhân quyền và chính sách hòa giải của họ.

 

Phóng viên: Ngài chấp nhận điều ấy?

 

Đạo sư: Chẳng có điều gì không phải trả giá và sự trả giá nào cho lịch sử bao giờ cũng đắt. Vì thế cơ hội để người ta có thể nhen lên niềm hy vọng thì dù nhỏ đến đâu cũng quí.

 

Phóng viên: Ngài hy vọng điều gì?

 

Đạo sư: Mọi người tin vào sự đối thoại.

 

(Đám đông hành thiền vây quanh người phóng viên và nuốt mất ông ta. Họ vẫn chắp tay và tiếp tục bước đi trong nhịp của tiếng mõ).

 

                                                         

                                                          

 

HỒI IV.

                                

 

 

CẢNH 1:

 

Vườn đá tảng. Nhà thơ Lê Ngàn cùng vợ và hai con, mỗi người ngồi trên một tảng đá. Tất cả đều trần truồng. Thỉnh thoảng từ xa vọng lại tiếng của đám đông: “Trả đất lại cho chúng tôi”, “Đả đảo bọn cướp nhà, cướp đất”…

 

 

Con trai: Con không tin ông ấy dám vác mặt về đây đòi đất.

 

Vợ nhà thơ: Có thể ông ta không đến, nhưng biết đâu ông ta lại chẳng bắt tay với chính quyền để đuổi mình ra khỏi đây.

 

Con gái: Tại sao bố không điều đình sòng phẳng với ông ta? Chẳng phải chúng ta đã có công gìn giữ nó tới ngày nay, dù không còn nguyên vẹn?

 

Nhà thơ: Chính vì chúng ta đã gìn giữ nó suốt mấy chục năm qua bất chấp tù tội và máu chảy, cho nên bố không muốn chúng ta phải từ bỏ nó.

 

Con gái: Chắc chắn hôm nay ông ta đến chứ?

 

Nhà thơ: Ông ta đã hẹn bố như thế.

 

Con gái: Tại sao bố không tin có thể nói chuyện phải trái với ông ta?

 

Nhà thơ: Không thể nói chuyện với những người mà họ đã tự cho mình một huyền thoại thần thánh.

 

Con trai: Có khi bố lo lắng quá đáng.

 

Nhà thơ: Con đừng quên sự cuồng tín tôn giáo là một trong những bi kịch khốc liệt nhất của con người, nhiều khi nó đẩy con người tới chỗ phản lại chính cái lý tưởng của mình.

 

Con trai: Nhưng chắc gì ông ta đến để đòi đất?

 

Nhà thơ: Dù ông ta mua lại hay ông ta đòi, bố cũng không chấp nhận. Không có bất cứ sự thương lượng nào với Quế Sơn. Bởi Quế Sơn cũng là đất thánh của chúng ta.

 

Con trai: Nó chỉ là đất thánh của bố thôi. Con thấy sống ở đâu cũng được. Quế Sơn chỉ mang lại phiền toái.

 

Nhà thơ: Quế Sơn là danh dự của chúng ta. Bố thà chết, không để mất Quế Sơn.

 

Con trai: Con sẽ đi khỏi đây sau vụ mùa này.

 

Nhà thơ: Gia nghiệp của bố cũng là của con.

 

Con trai: Con không cần. Các đấng tối cao muốn giành giật thánh địa làm chỗ cho người ta tôn thờ thì cứ giành, nhưng đừng để con chiên của mình đổ máu.

 

(Nói xong, người con trai đi khuất sau các tảng đá).

 

Vợ nhà thơ: Thật ra em nghĩ, ông ta sẽ không ra mặt để làm chuyện này. Vấn đề là chúng ta phải đối phó ra sao khi có áp lực của chính quyền?

 

Nhà thơ: Đến đường cùng, anh sẽ tự thiêu. Đó là cách làm cho Quế Sơn trở nên ô uế, ông ta phải xấu hổ và danh dự của chúng ta được gìn giữ. Em có dám tự thiêu với anh không?

 

Vợ nhà thơ: Em không dám hứa. Điều ấy đòi hỏi sự dũng cảm, có khi là điên rồ.

 

Nhà thơ: Em cũng nghi ngờ lẽ phải của chúng ta ư?

 

Vợ nhà thơ: Không, em không nghi ngờ gì cả. Chính em đã đổ mồ hôi, nước mắt xuống đất này. Nhưng tại sao chúng ta phải chết để cho người khác hưởng?

 

Nhà thơ: Đôi khi, người ta cũng cần phải chết cho chân lý.

 

Vợ nhà thơ: Không dại. Chân lý luôn thuộc về kẻ thắng. Em muốn cho người ta thấy chân lý và sự công bằng.

 

Con gái: Mẹ nói đúng. Hoặc chúng ta tung hê tất cả như anh Hai, hoặc chúng ta tử thủ đến cùng.

 

Nhà thơ: Trong trường hợp của chúng ta, cả hai điều ấy đều bất khả. Họ sẽ vất chúng ta ra khỏi chỗ này như nhổ một nhúm cỏ. Chúng ta không có quyền từ chối ước muốn của họ. Chúng ta cũng không có cả tiếng nói để tự vệ. Chúng ta chỉ có cái chết để minh chứng cho lẽ phải.

 

Vợ nhà thơ: Em không chấp nhận mất hết. Em sẽ đương đầu.

 

(Đoàn biểu tình rách rưới với những biểu ngữ “Đả đảo bọn cướp nhà, cướp đất”, “Trả lại đất cho dân nghèo”, “Chúng tôi đòi công bằng”… đi ngang qua sân khấu chậm chạp, lê lết trong im lặng. Khi họ đi hết, gia đình nhà thơ Lê Ngàn cũng không còn một ai. Sân khấu trống trơn. Từ rất xa có tiếng mõ và tiếng tụng kinh từ từ lớn dần, cho đến khi nó trở thành một thứ âm thanh ồn ào chiếm lĩnh hết không gian, đạo sư xuất hiện).

 

                         

CẢNH 2:

 

Âm bản. Vườn đá tảng. Chuyển qua kịch hình thể với những vũ điệu theo kiểu hát bội.

 

Sự xuất hiện của đạo sư làm cho thế giới bỗng nhiên im lặng. Từ căng thẳng, khuôn mặt của đạo sư trở nên hân hoan khác thường. Ngài nhìn quanh như thể tìm lại những gì thân thuộc. Ngài sờ vào từng tảng đá và ngửi. Ngài cúi xuống đánh hơi sát mặt đất và bốc lên một nắm  tung lên trời. Ngài lại cúi xuống mặt đất và ngửi. Khuôn mặt ngài giãn ra một nụ cười mãn nguyện. Rồi ngài nằm sấp xuống, hai tay giang rộng ôm mặt đất. Tiếng mõ bắt đầu vang lên từng tiếng, chững chạc. Rất lâu sau, ngài đứng lên. Lúc đó tiếng sênh phách mới hòa nhịp. Ngài bước đi, hai tay khuỳnh ra và ôm một khoảng trống. Vẫn loanh quanh qua các viên đá tảng, ngài chưa thật sự tìm thấy cái ngài muốn, vì thế có lúc ngài ngửa cổ lên trời, ngửi hư không. Từ trên cao rơi xuống một cái lọng che trên đầu ngài. Khuôn mặt ngài trở nên trầm trọng và ngài bước đi nặng nề. Trước mặt ngài xuất hiện một cái ghế trông giống như ngai vàng rực rỡ. Ngài ngồi xuống cái ghế đó. Loay hoay trên ghế một lúc ngài mới tìm được một tư thế thoải mái. Ngài muốn nói một điều gì đó nhưng không thành tiếng. Tiếng sênh phách từ từ lắng xuống. Người ta nghe thấy có tiếng rên của phụ nữ sung sướng lúc làm tình. Ngài ngồi mơ màng. Khán giả chờ đợi ngài sẽ sục cặc và dường như ngài đã sục cặc. Bất chợt tiếng đại hồng chung vang lên, trầm và mạnh. Ngài sửa lại tư thế, xếp bằng hai chân tọa thiền. Tiếng chuông và tiếng rên của đàn bà quyện vào nhau, làm nhịp cho nhau. Bỗng nhiên ngài gầm lên để chiến thắng cơn cám dỗ. Ngài đạp đổ chiếc ghế. Nhưng tiếng rên đàn bà vẫn còn đó. Tiếng chuông cũng trở nên hoan lạc. Ngài lại bước đi, tìm kiếm cái thất lạc. Dường như không còn Quế Sơn. Không còn vườn đá tảng. Ngài đi trên đồng bằng, trên những phố không người. Rồi ngài quyết định phải nhặt nhạnh lại mọi thứ của ngài. Nhưng thật ra ngài cũng không phân biệt được cái gì là của ngài và cái gì không phải của ngài. Bởi thế, ngài nhặt tất cả những gì ngài thấy. Ngài bị đánh đập bởi lũ côn đồ. Ngài bị phỉ nhổ bởi đồng đạo. Tuy thế, tiếng rên của đàn bà vẫn đeo bám ngài. Ở cuối đường, tiếng rên làm cho ngài gục xuống cùng với bóng tối.

 

Sân khấu lại trở nên im lặng như thể chưa diễn ra điều gì.

 

Nhà thơ Lê Ngàn xuất hiện, ông đi ngang sân khấu một tay cầm ngọn nến, một tay cầm đóa tường vi. Rồi vợ và con trai, con gái ông cũng lần lượt xuất hiện và đi qua sân khấu như đi qua trần gian và không để lại một dấu vết gì. Nhưng những con người khốn khổ thì vẫn tồn tại. Đoàn biểu tình với biểu ngữ: “Đả đảo bọn cướp nhà, cướp đất”, “Trả lại đất cho chúng tôi”… kéo lê tới giữa sân khấu và họ ngồi xuống, tại đó, mãi mãi. Màn nhung của sân khấu vẫn mở. Cho đến khi các diễn viên chính ra chào khán giả và mọi nghi thức như tặng hoa đã xong, khán giả ra về, những người biểu tình đòi đất vẫn tiếp tục ngồi với biểu ngữ của họ.

 

(2007)