Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

Văn học miền Nam 54-75 (677): Xuân Vũ (kỳ 21)

21

(Câu chuyện xảy ra đã tám năm, trên con đường “Giải phóng miền Nam” của tôi. Nhưng bây giờ tôi vẫn còn nhớ những phút hãi hùng có thể làm cho người ta đứt mạch máu chết ngay tại chỗ. Bây giờ cái khe suối đó, cái vách đá đó, mỗi khi tôi nhớ lại, vẫn cứ dựng đứng trong đầu tôi với cái xác chết có người nhận nhưng lại hóa ra vô thừa nhận.
Tôi nhớ lại, lúc đó tôi lôi tay Thu chạy về và cũng cuốn tăng giựt võng chạy đi. Về sau tôi hỏi ra mới biết là chị y tá vợ anh y sĩ kia (anh ta là bác sĩ chớ không phải y tá như người ta đồn) rốt cùng rồi cũng phải bỏ xác chồng nằm đó mà chạy đi với những người khác).

° ° °

Có lẽ chị ta tưởng rằng chị ta chỉ chạy lánh tạm một lúc rồi trở lại tìm cách chôn cất cho chồng, dù không đủ nghi lễ nhưng vùi khỏi mặt đất cho ấm thân thì cũng được. Nhưng chị không ngờ rằng chị không trở lại được nơi đó một lần thứ hai nữa. Mà cũng không có ai trở lại đó lần nào nữa. Kể cả anh giao liên là người “có trách nhiệm.” 
Nếu như ở đồng bằng thì người ta có thể đào vội một cái huyệt cạn cạn rồi cho cái xác xuống lấp đất lại, nhưng ở đây thì không thể. 
Vì toàn vách đá, đá liền với đá không thể đào xới xuống một tấc đất. Chỉ có thể tìm một kẹt đá, dồn cái xác vào và đóng kín lại bằng một hòn đá. 
Ấy là nói trường hợp có đủ thì giờ. Chứ còn như vừa rồi là đành chịu để cho cái xác người bác sĩ xấu số kia nằm đó cho đến lúc… 
Ngay cả người vợ cũng không kịp khóc cho hết nước mắt tình nghĩa với người chồng. Ở thì không được. Đi không đành, nhưng vẫn phải đi. Đến chỗ hạ trại mới, chúng tôi mới tỉnh hồn ra. 
Chị y sĩ vợ của anh bác sĩ tên là Tâm. 
Chị Tâm đến nơi, quăng tất cả đồ đạc xuống đất, và ngồi khóc tiếp những giọt nước mắt mà lúc nãy vì sợ hãi không lăn ra được. Chị khóc to, khóc mùi mẫn, khóc nhưng không gào thét nữa. 
Tiếng khóc bật ra từ tim gan, tâm não của chị như một mạch suối nứt chảy từ một vách đá, tràn trề. 
Trông thảm thê quá, tôi không dám nhìn, cũng không dám hỏi thăm. Bây giờ ai động tới nỗi đau thương của chị, chị cũng không hay biết hoặc chỉ làm cho chị đau hơn mà thôi. 
Tôi và Năm Cà Dom cả Hoàng Việt cũng đều ngậm tăm không ai nói với ai điều gì. Hoàng Việt thì thỉnh thoảng lại chắc lưỡi. Năm Cà Dom thì chửi đổng. Còn Thu thì thất sá hồn kinh mặt xanh như chàm đổ. 
Trong khi chị Tâm cứ ngồi phệt đó, tóc xõa dài xuống phủ cả lưng, hai tay cứ bưng lấy mặt, đôi vai của chị cứ run lên theo những tràng nấc dài, tức tưởi. 
Thời may, anh giao liên lại đi qua. Anh ta vừa đi vừa hỏi: 
- Ở yên chưa? 
- Được rồi. 
Anh ta dừng lại lại trước mặt chúng tôi và giải thích: 
- Nhưng phải coi chừng, tụi biệt kích này ghê gớm lắm. Tụi nó là người Thượng, hơn chục thằng thôi, nhưng nó lội nhẩm dấu rừng này, không có bộ đội nào đánh được. Nó rình rình một cú ngon ăn là nổ mấy phát rồi rút ngay. Nó leo núi như khỉ. Thấy đó là biến mất. Đố cha ai đuổi kịp. Có đuổi theo thì cũng chẳng biết đường nào. Đâu có dấu chân? Lớ quớ lại bị nó làm thêm mấy phát. Ai dám đuổi? 
Anh ta lại nói tiếp: 
- Bộ đội ta chặn đánh nó mãi. Bằng cách là đi lẩn trong một đoàn cán bộ dân chánh để nhử nó. Hễ nó nổ súng là bộ đội rượt ngay. Nhưng tụi nó khôn lắm. Hễ bộ đội đi ở khúc đầu thì nó đợi cho khúc đầu qua xong rồi nó tỉa khúc đuôi, hễ bộ đội đi khúc đuôi thì nó chơi khúc đầu, còn hễ bộ đội đi hai đầu thì nó nằm im. 
Làm mãi không kết quả, rồi bộ đội cũng thối chí không theo nữa. Cho nên bây giờ tụi nó lộng hành lắm! Xuất hiện và biến đi đều bất ngờ. 
Anh giao liên vừa nói đến đó thì chị Tâm chạy tới vừa khóc vừa nói: 
- Trời ơi! Vậy bỏ chồng tôi ở một mình sao? 
Anh giao liên lắc đầu và dậm chân: 
- Vậy chớ tôi biết làm sao bây giờ? 
- Thôi anh đưa giùm tôi đến đó. 
- Úy trời đất! Chị muốn đi theo ảnh luôn sao! 
- Tôi bây giờ sống cũng chẳng làm gì. 
- Sao chị nói vậy, ảnh không vui lòng đâu. Thôi chị ạ, đừng khóc nữa. Tôi rầu thối ruột đây. Mấy trăm khách ở trong cái hang đó tưởng nằm yên chờ đường thông rồi sẽ đi chẳng ngờ nó đánh tán loạn thế này thì khổ quá! Một bước cũng không dám đi. Rừng núi rậm rì hiểm trở thế này, biết nó núp ở đâu? Nguy hiểm lắm. Trở lại không được đâu chị ạ! Chị nên nghe tôi. Đầu óc chị bây giờ tối mù mịt, không nghĩ ra được gì sáng suốt đâu. Không phải tôi tàn nhẫn với chị hoặc với anh ấy. Nhưng vì tôi đã gặp chuyện bất ngờ như vậy cũng đã nhiều rồi. Cho nên tôi có kinh nghiệm giải quyết. Giữa một người đã chết và một người còn sống, nên bảo vê người nào? Cố nhiên không thể quý người chết hơn là kẻ sống, dù người chết đó có là ông gì đi nữa? Đó, trường hợp hồi nãy không xua tất cả mọi người đi, ở đó có thể chúng nó hồi mã tam thương trở lại lắm. 
Chị Tâm càng khóc to. Chị cố nén tiếng khóc và nói: 
- Vậy thì tôi đành ở lại đây thôi. Chớ đi về trong đó làm nữa.
- Chị nói vậy sao được. Người sống đống vàng mà! 
- Khi ra đi… thì hai đứa… còn bây giờ… 
- Chiến tranh mà chị. Sống nay chết mai ai nào đoán được. 
Tôi được biết hai anh chị lấy nhau từ Hà Nội. Anh người Nam cùng quận với tôi, nhưng anh ở An Thái cách xã tôi ba xã. (Đến nay tôi vẫn còn nhớ tên anh, nhưng không rõ gia đình anh ở đâu để báo tin giùm). Còn chị Tâm là người Hà Nội. Lại một cặp uyên ương Nam Bắc. Nhưng giờ đây đã chích cánh dọc đường. 
Hai người định về tận quê nhà rồi sẽ làm lễ cưới lại lần thứ hai để có sự chứng kiến của gia đình. Chị Tâm rất sung sướng với cái hình ảnh thắm thiết đó. Chị rất yêu mến đất nước miền Nam và đã nuôi hy vọng được vào Nam hồi còn đi học. 
Họ dự định sẽ xây một chiếc tổ hạnh phúc đơn sơ, bé nhỏ trong khói lửa. Họ sẽ săn sóc mẹ già và sống với nhau đến trọn đời. 
Bà mẹ người Nam sẽ rất yêu quý cô dâu miền Bắc. 
Đứa con trai đi xa hơn mười năm, khi cất bước trở về, chỉ ước mơ có thế. Người con dâu mới đi vào một gia đình miền Nam cũng chỉ mơ ước giản đơn như thế. Nhưng rồi đều không thành. 
Ai sáng suốt và trải đời, hãy tính giùm cho chị Tâm. Các ông lớn ông nhỏ ở miền Bắc ngồi trong phòng viết những bài hịch kêu gọi này nọ có dám nhìn tận những sự thực xảy ra trên con đường này không? 
Tôi thì quá ngao ngán rồi. Mắt tôi đã đầy hết cả những hình ảnh đau thương. Vừa mới xảy ra việc cậu em trai của Thu đó, bây giờ lại thêm chuyện biệt kích này. 
Rồi đêm đến. Chúng tôi như những người nằm trong chơi vơi của sự đau thương cả phần hồn lẫn phần xác. 
Nửa đêm tôi giật mình thức dậy. Lúc bấy giờ trời có trăng ánh trăng lờ mờ rọi qua những tàng cây dày đặc. Tôi thấy một cái hình người đứng bỏ tóc xõa lặng chết như tượng đá. 
Tôi không dám cựa mình. 
Cái hình người ấy cứ đứng lặng ngắt như một cái bóng ma. Ánh trăng lạnh lẽo rơi xuống vai, xuống tóc mập mờ hư ảo như có như không. Sự đau khổ đã hóa thành người. Hay con người quá đau khổ đã hóa đá. Vận mệnh đã gỡ tay chị ra khỏi sự bám víu của cuộc đời. Bỗng tôi nghe tiếng rên rỉ khe khẽ. Tiếng kêu bị nén trong cổ họng chỉ bật ra ri rỉ như nước rịn ra từ những làn nứt của một hòn đá. Chị Tâm đã không còn sức để khóc gào nữa. Chị nói lảm nhảm những câu gì trong miệng không nghe được rồi lại khóc, rồi lại nói. 
Sau cùng có lẽ nước mắt đã cạn, chị kể lể. 
Tôi chỉ nghe được một đoạn như sau: 
- Anh ơi! Sao anh nỡ chết bỏ em. Chết tức tưởi đau đớn làm vậy. Anh sắp về đến quê rồi… Mẹ già trông đợi. Mà anh cứ mãi nằm lại đây, chẳng bao giờ về. Còn em sống đây cũng như đã chết rồi Em đi với ai? … 
Tôi nằm không dám thở, chín lịm cả người. 
Bỗng cái bóng kia di chuyển. Nó lù lù đi tới ít bước, rồi quay trở lại trên dấu chân cũ, rồi gục đầu vào một gốc cây, rồi lại ngửa mặt lên trăng, làm cho những vệt tóc chảy ngược ra sau gáy trông rất ghê rợn. 
Tôi muốn gọi chị một tiếng, an ủi chị nhưng tôi không dám, mà cứ nằm như thế cho đến lúc Thu kêu lên thất thanh: 
- Hồng! Hồng… Đứng lại. 
Vệt đèn pin của Thu rọi vút theo một bóng người. Và tiếng thét của Thu có vẻ đuổi theo người kia: 
- Em trốn thì chị tự vận. 
Bây giờ tôi mới hiểu ra. Và tôi chạy vụt sang lều của Thu. 
Thu đã nhoài người ra khỏi màn, một tay giơ đèn pin ra và lại quát: 
- Em trở lại không? Em có trở lại không? Em trốn chị lần này thì chị sẽ chết ở đây cho em xem! 
Cái bóng người hiện rõ trong vệt ánh sáng xanh rẽ quạt. Đúng là thằng Hồng. Tôi nhận ra hắn nhờ mái tóc bù xù của hắn. 
Thật là kỳ quái. Cái thằng nhỏ trốn chị, lại trở về tìm chị như một cái bóng ma. Mà Thu cũng ghê gớm thật. Giá Thu không nói cái câu quyết hệt đó thì hắn không trở lại. 
Hắn đi chầm chậm như sợ phải đến gặp chị hắn. 
Còn Thu thì cứ lăm lăm chiếc đèn trong tay như sợ thằng em bất kham lủi mất. 
Nhưng không, hắn chỉ đi chầm chậm ít bước rồi dường như không đè nén được tình cảm, hắn chạy lao tới ngả vào lòng người chị. Chiếc đèn trên tay Thu rơi xuống đất. 
Tôi muốn xem lại sự thực một lần nữa xem có phải là sự thực hay là tôi nằm mơ? 
Tôi nhặt chiếc đèn soi vào cảnh tượng đó. Quả thật. Cũng mái tóc hôm trước của thằng người Kinh Kong. 
Thế là yên ổn. Tôi trở về võng nằm, như nằm giữa hai gọng kềm tương phản, một bên là tử biệt một bên là trùng phùng, nhưng cả hai người trong cuộc đều khóc: Thu và chị Tâm. 
Chị Tâm vẫn còn lởn vởn ở đấy. 
Tôi lắng nghe câu chuyện của hai chị em Thu. 
- Sao em cứ trốn chị? 
- Em không muốn cho chị trông thấy thằng người của em đã biến thành ngợm. 
- Rồi em định đi đâu? 
- Thì em cứ đi lang thang trong rừng như em đã sống lâu nay. 
- Nhưng sao hôm qua em biết chị mà không nhìn chị? 
- Em ghét chị lắm. 
- Sao lại ghét? 
- Đi làm gì vào trong này kia chứ? 
- Sao? 
- Chị không thấy con đường này nọ như thế nào à? 
- Chi đâu có dè. 
- Em đã viết bao nhiêu lá thư cho chị, còn gì nữa. 
- Ơ kìa sao lại hờn, chi có nhận được thư em đâu nào? Em có biết thầy mẹ ở nhà khổ sở vì em bao nhiên không? 
- Em biết chứ, nhưng em… 
- Nhưng tại sao em không trở về? 
- Em như thế này, em không muốn trở về. 
-Bây giờ nếu chị đi về với em thì em có cùng đi với chị không? 
- Cái gì cơ? 
- Chị sẽ đi về với em. 
- Về đâu? 
- Em ngớ ngẩn thế! 
- Em không hiểu thật mà. 
- Chứ em định về đâu?
- Nếu em có về thì sẽ về đâu ngoài nhà mình? 
- Thì chị cũng như em.
Im lặng một lúc lâu. Có lẽ Thu đang ôm đầu đứa em trai vào lòng mình và hai chị em cùng khóc. Một lát sau tôi lại nghe… 
- Lâu nay em sống ở đâu? 
- Ngoài rừng ra thì còn ở đâu hở chị? 
- Lấy gì em ăn? 
- Ăn cắp! 
- Hả? Em nói gì? 
- Em ăn cắp để ăn. Ăn cắp gạo, ăn cắp thức ăn…
- Của ai? 
- Của bệnh xá, của những người như chị đây này. 
- Trời, em làm những chuyện như vậy sao? 
- Đói mà chuyện gì không dám làm, chị! 
- Trời ơi, em trai của chị. 
- Thôi, chị đừng có khóc rồi em cũng khóc theo, không nói chuyện được. Em còn sống và gặp chị đây cũng là chuyện may hiếm.
Câu chuyện gián đoạn một chập, rồi tiếp: 
- Bây giờ chị định thế nào? 
- Về thôi em ạ! 
- Tại sao, chị không đi theo đơn vị chị nữa à? 
- Còn em? 
- Em ớn lắm rồi! Người ta bỏ em suýt chết rã xác, bây giờ chẳng lẽ em lại lót tót chạy theo xin đi với họ? 
- Nhưng em có kế hoạch trở về như thế nào? 
- Em đã chuẩn bị lương khô xong rồi. Thế là đi! 
- Không gặp chị em có đi không? 
- Đi chứ! Rủi quá, nếu em về gặp chị ở Hà Nội thì em không cho chị đi vô đây bao giờ. Chung quanh đây có ai không, họ nghe chị em mình bàn chuyện này họ báo cáo với giao liên thì chết với họ đấy. 
- Không có ai đâu. 
- Cái anh gì đi vô trong bệnh xá hôm qua, nay đâu rồi? Anh ấy là… 
- Thôi bỏ chuyện đó đi. Nói chuyện khác. Chị hỏi em nhé. Tại sao em lại tìm đến chị trong lúc nửa đêm mà lại không cho chị biết và khi chị biết thì em vụt chạy? 
- Em nhớ chị quá cơ! Lúc em gặp chị lần đầu tiên, em muốn kêu lên và chạy tới ôm chầm lấy chị mà khóc hết tất cả nước mắt cho chị, nhưng không hiểu sao lúc đó trong tình cảm em lại gợn lên một điều gì, rồi em dừng lại, rồi em lánh xa chị. Em có ý định không cho chị gặp nữa. Nhưng rồi em không chịu đựng nổi sự xa cách đó. Lúc chị đã lên bệnh xá tìm em, em cũng trông thấy chị, nhưng em không để chị thấy em. Em muốn theo dõi chị như một cái bóng ma. 
- Em toàn nói gở! 
- Thật mà. Bây giờ, em chẳng khác nào con quỉ rừng xanh… Em phá phách, em gây rối loạn. Chị xem đồng đội của em đó. Bỏ bạn mình trong trường hợp như vậy thế mà còn gọi nhau là đồng chí được à? Bây giờ em thù tất cả những ai em gặp trên con đường này. Em muốn lập một đảng cướp hùng cứ cả vùng này đánh tất cả không đầu phục ai cả…
Trời lại sáng như nhũng buổi sáng khác. 
Thu ngồi bên cạnh cậu em trai sờ mái tóc, sờ má. sờ tay nó và cứ hỏi luôn mồm: 
- Sao thế này em? 
Còn thằng bé thì cứ cười khảy: 
- Thì em đã bảo em là người rừng mà lại. 
- Sao lại cái sẹo này? 
- Chẻ củi thuê cho bệnh xá bị đứt. 
- Sao lại chẻ củi thuê? 
- Chẻ củi người ta mới cho ăn cơm chứ! 
- Em có nhịn đói không? 
- Cái đó thì xoàng quá! 
- Cái gì mới không xoàng? 
- Đánh nhau. Bắn nhau suýt chết! 
- Trời! Em không còn là em ngày xưa nữa. 
- Nhưng em vẫn là em chị chứ! Chi vui lòng không? 
- Sao em lại hỏi chị thế?
- Vì em bây giờ không là em ngày xưa nữa. Như chị nói…
- Thôi mà em! 
Buổi sáng ấy chúng tôi ăn cơm với nhau. Cả ba không nói chuyện gì. Cơm xong thì thằng Hồng đòi về. Thu gắt: 
- Em về đâu? 
- Về bệnh xá, chỗ ở của em. 
- Em ở đó bao lâu rồi? 
- Gần một năm. Nếu không có chị đến đây thì em sẽ ở mãi. 
- Nhưng từ giờ phút này trở đi, chị nhất định không để cho em đi xa chị một bước. Nếu em cãi chị mà em đi thì em sẽ không còn trông thấy mặt chị nữa. 
Hồng, cậu bé có vẻ ngang ngạnh kỳ khôi, bây giờ bên chị đã trở nên ngoan ngoãn. Sự dịu hiền có sức thuyết phục và hoán cải. Hồng nói với chị bằng một giọng thân ái: 
- Em xin lỗi chị. Em hứa với chị như thế. Nhưng em trở về để lấy đồ đạc rồi mới thực hành ý định của chị em mình được chứ. Nếu chị kiềng em ở đây mãi rồi làm sao? 
- Chị em mình sẽ chia nhau khẩu phần. Chi sẽ cắt đôi võng và dây võng ra, thế là em được một cái võng. Để tránh muỗi, chị sẽ đắp chăn trùm đầu, còn em thì ngủ màn. 
- Không, em không cần chăn màn. Muỗi đòn xóc bây giờ vô hiệu quả đối với em rồi! 
Hai chị em cứ quấn quít bên nhau mãi và bàn chuyện trở ra Hà Nội một cách công khai trước mặt tôi. Tôi không lấy làm lạ lùng gì, cho nên câu chuyện của hai chị em rất tự nhiên. Thu còn quả quyết về tôi: 
- Anh ấy về Nam là vì quê anh ấy ở trong Nam, chứ nếu anh ấy là người Hà Nội thì anh ấy cũng làm “bê quay” như mình! 
Sau khi nghe Hồng giải thích, Thu ưng chịu cho Hồng trở về nhưng chỉ cho phép Hồng đi trong nội ngày rồi trở lại. Hồng cũng hứa chắc như vậy. Thu đưa Hồng một quãng. Tôi cũng đi theo. 
Hồng và Thu cả hai chị em vui hẳn lên, như đã trông thấy ngày sum họp của gia đình mình ngay trước mắt. 
- Nếu bây giờ đi thì bao giờ tới Hà Nội em? Thu hỏi. 
Hồng đáp: 
- Chậm nhất là sáu mươi ngày. 
- Sao lâu thế? 
- Thì phải trừ hao ngày bệnh, ngày nghỉ của chị. Lần vào chị đi đã mất gần hai tháng rồi mà. Bây giờ chị yếu hơn trước. 
- Không biết người ta có cho mình trở ra không? 
- Cho ra thì không bao giờ, nhưng mình trốn. 
- Trốn cách nào? 
- Mình cứ đi theo đường mòn, nhưng khi gần đến trạm giao liên thi mình rẽ vào từng. Cứ thế mà đi. 
- Em có thuộc đường không? 
- Thuộc chứ! 
- Đường giao liên họ thay đổi liền liền, em làm sao biết được mà đi? 
Thằng Hồng bị một câu hỏi bất ngờ, cứ ậm ờ không trả lời suông sẻ được, nhưng hắn cũng nhanh trí đáp: 
- Đường ở trong miệng mình chớ ở đâu mà không biết, chị! 
- Ở đây đâu có gặp ai mà hỏi đường. 
Bị bắt bí lần thứ hai Hồng hơi cáu, Hồng gạt phắt: 
- Thôi chị để em lo, chị đừng lo. 
Rồi Hồng vuột khỏi tay chạy vút về phía trước nhưng Thu thét lên như bị một viên đạn đúng vào ngực. 
Thằng bé chạy bỗng quay trở lại…
Thu nắm tay nó rồi ôm chầm lấy nó nức nở. 
- Thôi đừng đi em ạ! 
- Tại sao vậy chị! 
- Em ở lại đây với chị hoặc chị sẽ đi với em. Chị không thể vắng em. 
Tôi nói với Hồng: 
- Thôi đừng đi nữa Hồng ạ, để chị Thu khỏi buồn. Anh khổ lắm. Rồi chừng nào hai chi em thấy thuận tiện cho việc trở lại Hà Nội thì cứ đi. Anh không khuyên Thu đi tới mà Thu trở lại cũng không can. Cuộc sống của một người bây giờ là tùy thuộc cá nhân người ấy. Ở đây không có ai giúp đỡ gì cho chúng ta, ngoài anh giao liên có một nhiệm vụ duy nhất và độc nhất là dẫn đường. 
Hồng nói với Thu: 
- Chị cứ gàn cản mãi thế này thì rồi chị em mình sẽ cứ dậm chân ở mãi một chỗ không đi đâu được. Chị cứ theo anh về đi, rồi em sẽ trở lại. 
- Nhưng em đi đường nào cơ? 
- Em đi đường của em mà. Chị sợ biệt kích phải không? 
- Em đừng có dại mồm. 
- Con đường biệt kích là con đường của em đây. 
Rồi Hồng lại đi. 
Tôi trở về với Thu, lòng buồn và nặng trĩu. Toàn những chuyện bi đát bất ngờ. Từ lúc Hồng đi, Thu cứ hết đứng lại ngồi và trông chừng mặt trời. 
Mãi tới chiều, rồi trời tối hẳn không thấy Hồng trở lại. Rồi cho đến khuya, cũng không thấy. 
Thu cứ càu nhàu: 
- Thằng này nó hoang rồi. Đầu óc nó hỏng rồi anh ạ. Em không nói nổi nó đâu! Khổ lắm! 
Rồi tới lúc gần sáng, đang ngủ bỗng nhiên tôi lật nhào xuống đất Chiếc võng bật lên, và dây mắc tăng đứt tung ra như có bàn tay nào bứt thật mạnh. 
Ình ình ình... liên hồi. Tôi như một trái bóng nẩy lia lịa trên mặt đất Mặt đất nghiêng ngửa, sàn qua sàn lại mà tôi là hạt gạo trên một cái sàn đang lắc mạnh. 
- Thu ơi! 
Tôi muốn gọi nhưng mồm thốt không ra tiếng. Tôi cứ nằm miết xuống đất và nghe những tiếng nổ hằng loạt dài tưởng trận mưa bom đang rơi trên lưng mình. 
Tôi vừa ngóc lên thì lại ình… ình… ình. 
Tôi lại nằm mép xuống, nín thở, tay quờ quạng ôm chặt một gốc cây để khỏi bị tung ra xa. Chung quanh tôi cây run ào ào như bão dậy. Có tiếng gọi nhau í ới, thất thanh. Tôi mới biết rằng trận B52 vừa qua ở gần mình quá, gần đến nổi tưởng chính mình đang chịu trận bom ấy. Tôi lồm cồm ngồi dậy và lại gọi: 
- Thu ơi! 
- Dạ! Em đây. 
- Có sao không em? 
- Không sao cả. 
Bỗng Thu òa lên khắc mùi mẫn. Tôi gạn hỏi mãi Thu mới bật ra tiếng nói: 
- Chắc thằng Hồng chết quá. Em đã bảo đừng đi mà. Trời ơi. Em làm gì mà trời bắt em phải khổ thế này? Làm sao đi tìm nó bây giờ. Lần này mà gặp nó nhất định hai chị em sẽ trở lui ngay. 
Rồi trời sáng thiệt mặt. 
Thu biến sắc. Trông Thu như người đang ốm nặng. Tôi không biết làm gì, đành nằm thở dài. Có lẽ tai họa này chỉ có tiên thánh mới cứu thoát. 
Bất chợt, nhìn sang tăng của Thu tôi bỗng thấy chiếc nanh heo từng mắc tòng teng ở ngay đầu võng của Thu. Tôi nói và trỏ vào chiếc nanh heo: 
- Thằng Hồng nó tặng lại cho em kia kìa. 
Thu đang nằm bỗng nhìn lên. Rồi Thu ngồi bật dậy với món đồ vật cầm nơi tay. Tôi nói: 
- Chiếc nanh heo đó quí lắm đấy em. Mang vào người đi! Có tai nạn sắp đến là em có thể biết trước đấy. Người ta đeo nó như đeo bùa vậy! 
Thu làm thinh. Từ đôi mắt lệ rơi từng giọt xuống cái món đồ ly kỳ. 
Thu càng buồn. Thu cảm thấy như thằng Hồng tặng lại Thu món đồ này để làm kỷ niệm. Thu cứ sụt sịt khóc. 
Đến xế chiều hôm ấy thì anh chàng thiếu tá Kim đến. Không phải anh ta tìm tôi mà vì tôi trông thấy anh ta đi ngang nên tôi gọi. 
Anh ta ngồi xuống đất và nói ngay: 
- Suýt chết. Cả tôi lẫn thằng Cường. 
- Bom hả? 
- Không phải nó bỏ ngay bệnh xá đâu. Nó bỏ đâu ở miệt cửa khẩu ấy mà. 
- Nhưng sao lại anh và Cường suýt chết? 
- Một trái bom văng vào khu vực bệnh xá. Chỉ có một trái thôi. Và là trái cuối cùng. Nó bắn tung ra khỏi bãi chừng mấy cây số! Lúc đó tôi và bác sĩ Cường đang lụm cụm nấu nước uống trà. 
Tôi hỏi: 
- Anh có trông thấy thằng em tôi về đó không? 
- Không thấy! 
-Ủa, sao nó bảo nó về đó kia! 
- Nếu hôm nay có nó thì tôi lôi nó cùng về Hà Nội luôn. 
Thu hỏi Kim: 
- Anh không trông thấy nó về bệnh xá từ chiều hôm qua tới nay à anh? 
- Không thấy. Cái thằng bé ấy đáng thương lắm. – Kim thở dài.- Cuộc sống tàn nhẫn một cách kỳ cục ở đây đã làm hỏng thằng bé. Nó thích đọc sách ghê. Gặp sách gì cũng đọc. Thế mà bây giờ lại ra hồn thế đó. Nó đi suốt ngoài rừng. Một hôm nó nhặt được một cái nanh heo từng chết rũ. Cái nanh cắm hẳn trong một thân cây. Nghe người ta nói quí lắm nó mới buộc dây đeo vào cổ. 
Thu nói một mình: 
- Thế thì nó không sao đâu. 
- Hôm qua nó ra chơi ngoài này à? Kim hỏi. 
- Dạ vâng, em ra tìm tôi, nhưng khi tôi trông thấy nó lại lủi trốn. 
- Thế thì không sao đâu, trận B52 ở xa mà! 
Tôi hỏi Kim: 
- Thế bây giờ anh định đi đâu? 
- Về Hà Nội. 
- Chỉ có hai thầy trò thế này à? Tôi trỏ vào cậu cần vụ của Kim và hỏi: Cậu này có giỏi đường rừng không? 
- Thì đi từng chặng thôi. Về báo cáo cho bộ tổng rõ tình trạng đường sá. Để thế này thì lính tráng chết hết. Đi mười thằng vô tới nơi chỉ còn hai ba tên là cùng. Tôi đi tay không, có người giúp đỡ thế này mà còn lê lết huống gì pháo binh? 
Tôi tuôn ra ngay: 
- Không biết trung ương nghĩ thế nào mà cho bộ đội và cán bộ đi trên một con đường thế này mà lại không đủ thực phẩm. 
Kim lắc đầu: 
- Chết vô lý nhiều quá! 
Thu ngồi thờ thẫn. Có lẽ nghe Kim nói về Hà Nội và nếu có thằng Hồng thì y sẽ lôi nó cùng đi. Nếu nó đi thì Thu cùng đi với nó. Nếu đi thì khổ gì Thu cũng xin chịu, có chết rồi Thu cũng còn cố lóc tới vài bước để được gần Hà Nội thêm lên. 
Tôi bỗng quay lại Thu: 
- Kìa em, viết thư về nhà đi, gửi anh Kim mang về giùm cho. Được không anh? 
- Được nhưng viết ngắn thôi. Túi tôi bây giờ ít ra cũng trên chục bức. Toàn dân Hà Nội đi vô đây rồi bị mắc kẹt không về được. Đứa nào đứa nấy kêu trời không thấu. 
Thu vội vã lấy bút giấy ra viết còn tôi thì trò chuyện với Kim. 
Tôi hỏi: 
- Theo anh thì trung ương có biết tình trạng của binh sĩ, cán bộ trên đường này không? 
- Biết chứ. 
- Biết sao không sửa? 
- Sửa thế nào? Theo anh thì trung ương phải sửa như thế nào? 
- Tôi không hiểu như thế nào, nhưng nếu thế này thì đừng để cho quân sĩ và cán bộ phải đi. 
Kim lại thở dài. Rồi anh nói: 
- Ở đây chưa phải là cái đỉnh gian khổ, thế mà bà con mình đã kêu thế. Huống hồ gì vô một quãng nữa? 
Tôi không muốn nghe Kim kể những gian khổ ở phía trước mặt chúng tôi, những gian khổ mà chắc chắn chúng tôi phải chịu đựng, mà chúng tôi không muốn chịu đựng. Tôi hỏi: 
- Bao giờ thì anh đi? 
- Thì tôi đang đi đây. 
Tôi không bao giờ nghĩ rằng tôi phải trở ra Hà Nội, ngược lại tôi sợ điều đó nữa là đằng khác, nhưng tôi thương Thu. Tôi đoán biết tâm trạng của Thu lúc này. 
Thu muốn đi lắm, nhưng đi làm sao được với một người mới quen. Nếu có cậu bé ở đây thì Thu nhất định đi ngay với nó. Không có ai can được. Chập sau Kim từ giã ra đi. 
Trời trên đầu tôi thật nặng. 
Dưới đất, chung quanh tôi cũng không có gì vui. Lấy rừng làm nhà. Đó là một điều đã quen thuộc với chúng tôi. Và chung quanh lúc nào cũng có vài chuyện vô lý xảy ra. 
Thu hết đứng lại ngồi, cứ ngóng về phía thằng Hồng. Còn tôi thì cứ im lặng. Cứ để cho Thu đắm mình trong nỗi đau buồn của Thu Tôi cũng không sang nói chuyện với Năm Cà Dom và Hoàng Việt. 
Không còn chuyện gì để mà nói.

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=vuot%20truong%20son%202%20%20%20xuong%20trang%20truong%20son&page=21