Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 264): Bể Dâu – Nam Dao (1)

Mùa rừng động

14

TUYỆT TÌNH

Đoàn xe từ Huế đổ đèo như một con trăn rừng ngoằn ngoèo trườn xuống biển. Quảng Trị thất thủ, Huế nay thành mục tiêu quân sự của lính Bắc, dân nhốn nháo chạy loạn. Mặc cho ông tướng bốn sao Ngô Quang Trưởng thề sẽ tái chiếm Quảng Trị, số người chạy xuống Đà Nẵng ngày một nhiều. Tin đồn về chuyện hai bên cắm cờ tranh đất trước khi Hội Nghị Paris tái họp tháng bảy tới khiến có người quả quyết chỉ trong ngày một ngày hai Bắc Việt nhất định sẽ tấn công. Không ai nhắc, thảm kịch Tết Mậu Thân lại đánh thức những hồn ma cách đây chẳng lâu.

Nhìn những chiếc xe vòng lưng đèo, anh tài ê a, đất đai, cũng có định mệnh của nó. Cứ xem cái đèo Hải Vân này. Giữ được đèo thì muốn ra Bắc hay vô Nam đều dễ dàng. Chả thế mà phải mất gần sáu năm vua Trần Anh Tông mới điều đình được với Chế Mân nước Chiêm đánh đổi Huyền Trân công chúa lấy hai châu Ô, Lý. Liếc nhìn sang, anh tài hỏi:

- Trung Úy biết chuyện Huyền Trân với Trần Khắc Chung chớ hỉ? Hò ớ... ai mang cây quế.. mà bỏ... giữa rừng. Để cho thằng Mán thằng Mường nó ơ à nó leo... Hò ớ ơ...

Nhân gật, chỉ tay về phía trước, miệng nói, lên đèo rồi, cẩn thận nghe! Dứt tiếng hò, anh tài làm lơ, cười hà hà, tiếp:

-Vậy nên cái trục Huế - Đà Nẵng hoạn nạn dữ lắm. Tài mệnh tương đố mà. Còn con người, ai cũng có định mệnh người nấy, muốn cải muốn đổi cũng chẳng đặng.

Anh tài bóp còi, bẻ cua, bên cạnh là bờ vực nhìn xuống sâu đến chóng mặt. Anh hềnh hệch, thiệt đó, ‘‘ổng’’ kêu ai, người nấy dạ thôi à! Lúc ‘‘ổng’’ kêu, là vì hai cõi âm dương mất thăng bằng. Linh hồn người ta mỏng manh nhưng cũng có chút xíu trọng lượng. Từ ngày khai thiên lập địa, thằng ác xuống địa ngục rồi luân hồi thành chó ngựa thì hổng tính. Nhưng trên kia cà, anh tài chỉ tay lên trời, khi mà nhẹ quá là phải thêm vô. Muốn vậy, bắt chết rồi tuyển lựa người ăn ở có đức có nhơn cho lên, như tuyển lựa tài tử đó. Vậy là ‘‘ổng’’ kêu! Khi hai cõi âm dương mất thăng bằng quá lố, ‘‘ổng’’chơi xả láng, làm cái dịch tả, dịch hạch. Nếu gấp gáp, ‘‘ổng’’ chơi cho cái dịch người.

- Cái chi là dịch người? Nhân thắc mắc.

- Thì chiến tranh mà, Trung Úy ...

Nhân liếc mắt ngó xuống vực:

- ‘‘Ổng’’ chưa kêu thì đừng thưa vội nghe!

Anh tài tỉnh bơ:

- Chưa kêu mà dạ liền ‘‘ổng’’ cũng chẳng nghe, ăn thua gì. Số mệnh mà!

Lên tới đỉnh đèo, anh tài ngừng xe nghỉ xả hơi, nhân dịp đến lơn vơn tán tỉnh cô bé bán cà phê. Lững thững bước đến bờ vực cạnh cái lô-cốt thấp thoáng bóng lính canh, Nhân nhìn ra xa. Biển xanh ngắt chạy tít tắp đến cuối tầm mắt trong ánh nắng chói chan dằn xuống mặt đất khô rang cái nóng bỏng da cháy thịt. Phía dưới, hàng quán lao xao. Đám người phần lớn là đàn bà trẻ con, tay xách nách mang, níu lấy nhau ơi ới kêu, ơi ới gọi. Xe hàng cả đoàn, cái đỗ dọc cái đỗ ngang, trên mui ăm ắp những túi vải, rương, hòm, bàn ghế. Lơ xe tất tả chạy tới chạy lui, hò hét cho xe de, giục hành khách lên, gây nhau, chửi tục ầm ĩ.

Lòng bỗng nóng như lửa đốt, Nhân vẫy anh tài, làm dấu lên đường. Dọc quốc lộ 1, những người chạy loạn đi từng tốp sau đoàn xe bò, xe ba gác, xích lô... cái nào cái nấy chất đầy mùng mền, xoong nồi, chén bát. Thỉnh thoảng, trên không máy bay xẹt ngang, bỏ lại đàng sau một giải khói trắng loãng dần rồi biến mất. Tiếng ầm ì vẳng lại, nhưng không thể là tiếng sấm báo mưa mùa hè mà là tiếng máy bay F-104 và A-4 của Mỹ chắc đang thả bom ở phía bắc Quảng Trị. Không khí bất trắc hằn trên những nét mặt thất thần, cử chỉ hốt hoảng bất thường, và nhất là tiếng khóc tỉ tê của những kẻ tiếc cửa tiếc nhà.

Anh tài rồ máy, bóp còi liên tục nhích xe lên trên con đường người qua kẻ lại lơ ngơ như bị hớp hồn. Ngay trên bờ sông Hương toàn người là người. Dân chạy giặc cắm lều tạm trú trên những bãi đất ven sông, ngẩn ngơ nhìn qua hàng rào thép gai chung quanh có Hiến Binh và Cảnh Sát đứng gác. Lâu lâu, những chiếc xe Quân Cảnh vùn vụt lao đi trong tiếng còi hụ hốt hoảng. Huế dịu dàng trong trí nhớ Nhân ngày hôm nao không còn nữa. Bây giờ, chỉ có Huế đang thất thần, Huế của thời binh lửa vặn mình mê sảng. Xe vào đại lộ Hùng Vương. Anh tài hỏi đường. Nhân bảo, cứ đi thẳng. Thấy cầu Tràng Tiền thì quẹo trái, men sông một chặp sẽ gặp đường Nguyễn Trường Tộ cắt ngang. Nhân tiếp:

- Khúc quẹo đó có khách sạn ngay đầu đường! Anh ngừng xe cho năm phút, tôi vào thuê phòng rồi ra ngay, ta đi tiếp....

*

Nhảy xuống chiếc Jeep bánh sệt bùn đất, Nhân đợi anh tài quay xe, vẫy tay ra dấu tạm biệt. Băng qua đường, Nhân nhướng mắt nhìn số trong khu nhà dòng Chúa Cứu Thế trước khi qua cầu Phủ Cam. Để ba lô xuống vỉa hè, Nhân rút cặp kính đen bỏ túi, máu rần rật dồn lên mặt. Cũng vẫn khung cảnh này mùa hè năm đó. Sát lề đường, bà già ngồi, trước mặt cái tủ kính con con trong xếp những bao thuốc lá. Xa xa, cây thập tự nóc nhà thờ bạc thếch màu nắng cắm chênh vênh nhô trên thoải dốc vòng đường chân trời. Nhân nuốt nước bọt, tay vịn vào thân cây sù sì, không thấy vui, không thấy buồn, nhưng lòng gờn gợn một niềm ngậm ngùi khó hiểu. Nhân tự hỏi, có thật mọi sự đã an bài? Như thế, sao mình lại đến đây? Đến, để tìm gì? Nhân bật một tiếng cười khan, nhớ lời anh tài khi đổ đèo Hải Vân. Ừ thì cứ coi như thân ai phận nấy đã được xếp theo một thứ định mệnh!

Lắc đầu xua những câu hỏi quẩn quanh, Nhân hít một hơi thật sâu, mím môi lách vào con hẻm dẫn lên cầu thang. Bấm chuông, Nhân lột chiếc nón đỏ trên đầu ra cầm tay. Tiếng dép nhựa lạch xạch lết trên nền đá lát. Tiếng vặn ổ khóa. Cửa hé mở. Rồi tiếng reo:

- Trời đất! Con! Con đó hỉ. Vô nhà đi con...

Bà cụ nắm tay Nhân kéo, miệng tiếp tục la lớn:

- Ánh ơi, Ánh, lên mau, coi ai nè!

Một bóng áo trắng thoắt hiện cạnh chiếc tủ chè kê ven lối đi. Nhân bỏ ba lô xuống nền nhà, nước mắt bỗng rưng rưng. Ai đây? Ai đang nắm lấy tay mình. Bàn tay nhỏ nhắn, run rẩy, mơ hồ. Những ngón thuôn dài hững hờ tựa sợi tơ chao trong gió sớm bất chợt víu chặt tay Nhân như bám một mảnh ván trôi sông. Rồi tiếng kêu, răng mà chừ anh mới tới! Và đôi mắt sâu thẳm. Đôi mắt một thoáng như dại ra, long lanh lệ sau hàng mi cong chớp lên rồi khép lại. Nhân nhìn những giọt nước mắt vừa ngọt ngào vừa oán trách. Không hiểu sao, trong lòng chàng vẳng lên câu hát ôi mắt em xưa, có sầu cô quạnh khi gió thu về rờn rợn nước sông!

Dao Ánh. Cô sinh viên văn khoa Ngô Thị Dao Ánh cách đây bốn năm vẫn đợi Nhân và Thuyết ở Công Trường con Rùa nhìn xéo qua nhà thờ Đức Bà. Vẫn áo trắng, vẫn để mái tóc buông lơi trên vai, vẫn chớp hàng mi cong dài, vẫn nhìn lên ngỡ ngàng? Nhân lùi một bước, cố nhếch môi cười. Không! Bây giờ, mắt nàng đã có đuôi. Và nàng nay nhìn xuống. Bên khóe miệng, một vết nhăn dài chập chờn định hình. Nàng cắn môi, không hé cười khoe chiếc răng khểnh. A, đâu rồi nụ cười hồn nhiên những ngày xưa chưa nhuốm đau thương. Nàng nhìn, mắt vẫn sâu hun hút. Ôi mắt em sâu, có sầu cô quạnh, khi gió thu về... Cũng là khi Nhân bỏ hết tiền dành dụm ra mua một sâu hạt trai làm quà cưới cho Ánh. Kèm vào là một câu chúc tụng nhạt nhẽo. Chúc Ánh và Thuyết trăm năm hạnh phúc. Món quà gửi đi, và Ánh hồi âm, cám ơn Nhân, viết trăm năm thì ngắn... Nàng chấm ba chấm ở đấy, hẳn để vang vọng vế thơ cổ... một ngày dài ghê.

Mạ Ánh nói, giọng có chút trách móc:

- Con vô rửa tay cho khỏe, rồi ăn cơm trưa! Sao lúc trước con không về ăn cưới em Ánh?

Đúng lúc đó có tiếng trẻ con khóc ở phòng trong. Ánh giả không nghe mạ hỏi Nhân, quay mặt đi vào. Lắng tai nghe tiếng đứa bé, mạ Ánh lắc đầu, kêu con nhỏ mấy ngày rồi quặt quẹo, chiều nay phải đưa lên chùa xin mấy Sư chẩn bệnh. Kéo tay Nhân ngồi xuống chiếc ghế tràng kỷ, bà rót nước trong phích vào bình trà, miệng hỏi tin chiến sự. Thấy hàng xóm rục rịch tính chạy về Đà Nẵng, bà bùi ngùi, than nhà nay chỉ hai người đàn bà và một đứa trẻ còn phải ẵm, thời loạn chẳng biết bấu víu vào ai. Nhìn lên bàn thờ trên có bức ảnh cha Ánh, tròng mắt bà ươn ướt, buột một tiếng thở dài. Nhân thắp hương, cắm vào bát gạo đã đầy tàn, chắp tay, nhắm mắt tưởng đến một người quá cố Nhân gặp qua đôi lần khi đến thăm Huế cách đây sáu năm. Ánh ẵm con ra, ngượng ngịu nhìn Nhân, miệng nựng, bé Quỳnh ra chào bác đây. Ngồi xuống, Ánh đưa con vào tay Nhân, ngập ngừng:

- Anh coi nó giống ai?

Đỡ lấy con bé, Nhân giơ nó lên ngắm. Nó ưỡn mình, chân đạp, miệng lại cất tiếng khóc. Đưa trả cho Ánh, Nhân lấy giọng tự nhiên, đùa:

- Cứ khóc thế này thì chắc giống mẹ...

Ngước nhìn Nhân, Ánh không đáp, cười bằng mắt. Nàng ôm con dỗ dành, vừa đứng lên thì mạ Ánh đi ra giang tay đón. Đứa bé chúi người theo bà ngoại, hẳn vì có người lạ. Mạ Ánh nói, các con cứ ngồi nói chuyện, mạ vừa sửa soạn cơm nước, vừa trông cháu.

*

Tiếng khóc của bé Quỳnh khiến Nhân ý thức rõ ràng là cái thời chàng gọi là ngày xưa đó đã thực sự qua đi như con diều đứt dây chúi xuống trong gió lộng. Cái ngày xưa ấy, bộ ba Ánh, Thuyết và Nhân cùng mới vào đại học. Thuyết học chứng chỉ Sinh-Lý-Hóa SPCN, Ánh ban Triết văn khoa và Nhân, học dự bị Y khoa. Ánh và Thuyết quen nhau ở Huế, cùng vào Sài Gòn. Bộ ba gặp nhau lần đầu ở Chùa Xá Lợi trong một buổi thuyết pháp. Nhân tò mò muốn xem không khí đấu tranh của phật tử. Còn Ánh và Thuyết, có lẽ họ tìm kiếm lại dư âm của chùa Từ Đàm trong những ngày «Phật xuống đường» phản đối Ngô Đình Cẩn. Ngày đó, ai cũng có pháp danh mang hơi hướm cửa Thiền. Đã dăm ba lần thấy Nhân trong giảng đường đại học, Thuyết mỉm cười làm quen, tự giới thiệu rồi hỏi:

- Anh là...?

- Tôi là Phêrô Phan Thượng Nhân.

Nhân thừa biết đèo tên thánh vào thế nào cũng làm những Phật tử giật mình. Quả thật, bên cạnh Thuyết, Ánh sững người ngạc nhiên.

- Anh... công giáo cũng vào chùa à?

- Vâng, tôi đang ở trong sân chùa. Nhân đáp, cảm thấy vui vui, cố tình trêu cô gái.

Nhưng rất hồn nhiên, Ánh mím môi hỏi ngay:

- Anh đi do thám?

Câu hỏi của Ánh, Nhân nhớ mãi, không giấu được chút hằn học của một phật tử đang tranh đấu khiến Nhân phá lên cười, đáp:

- Tôi không phải là gián điệp Z28 vượt tuyến đâu!

Đến lượt Ánh gập người bưng miệng cười rũ rượi.

Họ trở thành bạn. Ở tuổi mười tám, ai nấy bước vào đời sống bằng những bước chân ngây ngô của những con hoẵng mới lớn. Cả ba dường như không chú ý lắm đến sự kiện Vịnh Bắc Bộ, cũng không để ý đến tin tổng thống Johnson ngỏ ý biếu Hồ Chí Minh năm tỉ đô-la, hay tin Phạm văn Đồng từ chối và đáp lại trong bản đề nghị bốn điểm về nguyên tắc dân tộc tự quyết đăng trên trang nhất các nhật báo Chính Luận, Tự Do... Chiến tranh tuy gần, nhưng còn xa thành phố, và rất lạ lẫm với thị dân. Hồn nhiên, cả ba đi uống nước mía Viễn Đông, xem ciné buổi trưa ở Rex hạ giá cho sinh viên, ăn bò khô, bò bía, trao đổi với nhau những ước mộng tương lai. Ánh khi xong cử nhân, sẽ tìm chỗ dạy học. Ở đâu cũng được nhưng tốt nhất là Huế, Huế thơ, Huế mộng, Huế của những tà áo trắng Đồng Khánh. Thuyết bảo, để xem, sang năm thi lại vào trường Y, hay Nha, và cùng lắm thì học Dược. Còn Nhân, Nhân sẽ thi vào Quân Y. Mười chín tuổi, lương chuẩn úy. Thỉnh thoảng mới mặc quân phục, cầu vai đỏ có con rắn vàng, khỏi phải đi kèm trẻ em tại tư gia. Và có thể ‘‘thoát ly’’, ra thuê nhà với dăm thằng bạn, khỏi phải về ngửa tay xin tiền gia đình.

Ánh là người đưa đẩy Nhân phiêu du vào văn chương nước ngoài. Không như Nhân, nàng đọc tiếng Pháp khá chạy, chỉ cần một quyển từ điển bỏ túi loại nhỏ, thỉnh thoảng mới chép miệng phàn nàn. Còn Nhân, thú thật, Nhân đánh vật với những Le Mythe de Sisyphe, với L’étranger của Camus. Nhưng vì tự ái, chỉ năm sau là Nhân mò mẫm với tay đụng đến cả Les Mots của Sartre. Mốt thời thượng kiểu hiện sinh, con trai để râu tóc lởm chởm, uống rượu và hút thuốc. Con gái thì tập tễnh nữ quyền. Ánh hồn nhiên giúi vào Thuyết cuốn Le Deuxième Sexe, bảo đây là của bà Beauvoir, nhờ bà mà phụ nữ đã được đi bầu, có quyền và bình đẳng với phái nam, kể cả ở Huế, Huế của những mệ, những o còn ép mình trong nếp sống trói buộc của một thời phong kiến đã qua. Thuyết cười. Nhân biết nó yêu Ánh. Nó vào Sài Gòn học là để theo nàng, chứ SPCN thì học ở Huế cũng được!

Thời đó cả ba hay tranh luận, vừa kháo chuyện văn chương, vừa châm trích nhau. Đôi lúc tức quá Ánh đỏ mặt, bật khóc. Những lúc ấy Nhân nhường cho Thuyết ân cần dỗ dành, rồi cả ba lại quấn lấy nhau dưới những lùm cây của hàng cà phê ven đường hay trong khuôn viên Đại Học. Nhưng rồi một tối, Thuyết đến tìm Nhân, mắt đỏ hoe, ngồi im, tay bưng lấy đầu. Hỏi mãi, Thuyết mới nói, Ánh giận. Tại sao? Thuyết kể, nghe một người quen khen, Thuyết mua tặng cho Ánh một cuốn sách. Tuần sau gặp lại, Ánh vứt cuốn sách xuống đất, nước mắt ứa ra, chỉ nói, bộ anh khi tôi lắm hẳn, rồi quày quả bỏ đi. Từ đó, Thuyết đến tìm, nhưng nhất định Ánh không tiếp. Nhân mượn Thuyết cuốn sách, có cái tên rất hiền lành, là Nhật Ký. Đọc xong và đoán ra cớ sự, Nhân vừa buồn cười vừa thương hại Thuyết. Mang sách đến nhà Ánh, Nhân hỏi:

- Sao Ánh lại giận Thuyết?

- Thì ra hắn nói với anh như vậy à? Mặt Ánh đỏ lên, môi mím lại. Khi Nhân chìa cuốn sách ra, Ánh tiếp - hắn coi em không ra gì, mang cái thứ sách rẻ tiền kích dâm tới cho, chắc hắn tưởng em là loại gái hoang đàng!

Nhân cố nín cười, im lặng. Không nhẫn nại thêm được nữa, Ánh nguýt, giọng hờn dỗi:

- Hắn nhờ anh làm thuyết khách hỉ?

- Không! Anh đến vì... Vì thấy Ánh bất công!

- Bất công? Giọng ngạc nhiên, Ánh găng lên - bất công làm sao? Anh có đọc nó chưa, Ánh chỉ cuốn sách, mặt hầm hầm.

Nhân gật, hỏi lại, thế Ánh đã đọc chưa? Trề môi, Ánh ngúng nguẩy:

- Đọc chục trang, biết ý đồ của hắn, thôi không thèm đọc tiếp!

- Ánh đọc sách để biết ý đồ của kẻ tặng sách? Để cuốn sách lại đây cho Ánh đọc để Ánh tìm hiểu Anais Nin. Câu chuyện tình giữa Miller và Anais Nin có thật. Và họ… là thế đấy. Văn chương bà ta đầy ắp những đam mê nhục cảm. Vì bà đã sống hết mình, sống thật! Hiện tồn trước, bản thể sau, không phải xưa nay Ánh thích câu tuyên ngôn đó sao?

Mươi ngày sau, Nhân gặp Ánh và Thuyết ở cửa trường Văn Khoa. Ánh tíu tít, khoe, em theo lời anh, đọc cuốn sách đó rồi. Thuyết không nói năng gì, làm mặt tỉnh, lảng nói sang những chuyện đâu đâu. Rồi từ đó, hình như Thuyết tránh mặt Nhân. Một hôm, Ánh đến tìm Nhân, mặt buồn buồn, chỉ bâng quơ dăm ba chuyện văn chương rồi ra về. Khi tiễn Ánh ra đầu ngõ, Nhân choáng người nghe Ánh hỏi, giọng có chút hoảng hốt, tình yêu là cái gì, hở anh? Không ngoái lại, Ánh rồ chiếc Velo Solex, tà áo trắng phất phơ trong làn sóng xe trùng trùng xuôi về bùng binh Thánh Gióng.

*

Chỉ còn hai người, Nhân mới thấy cái khoảng trống giữa mình với Ánh. Chàng bỗng nhiên tê cứng, mất khả năng nói dù chỉ một câu để đánh cho vỡ ra sự im lặng đớn đau. Bao nhiêu những lời Nhân đã nghĩ trước để nói với Ánh thình lình bay biến như gió vô tăm. Trước mắt chàng, Ánh bằng da bằng thịt, chứ không phải Ánh trong những cơn nửa mê nửa tỉnh. Với tay, là tới, nhưng Ánh ơi, sao mà diệu vợi. Mái tóc bỏ lửng trên đôi vai thon gầy khơi gọi một vòng tay bảo bọc bỗng chốc nhập nhòa trước mặt. Giữa nàng và Nhân, là Thuyết. Nếu không có một người thứ ba, liệu chàng sẽ ôm đôi vai gầy kia vào vòng tay mình, cho dù chỉ trong một giây một phút? Miệng đắng chát, Nhân ngập ngừng:

- Ánh viết thư, nói thế là cả năm nay bặt tin Thuyết...

- ...

- Còn đám bạn Thuyết, Ánh đã đi hỏi ai chưa?

- Mấy anh ‘‘nhảy núi’’ đi luôn, đâu có ai về sau Mậu Thân. Ánh thở dài - mà dẫu về thì cũng phải lén lút, hỏi thế nào được.

- ...

- Anh ở Huế bao lâu?

- Hai hôm thôi. Sáng thứ hai, lên đường đi Quảng Trị!

Ánh thở ra nhè nhẹ, nhìn Nhân trong bộ quân phục, chép miệng nhưng không nói gì. Lát sau, nàng bật miệng:

- Nghe nói đánh lớn lắm, người chết chôn không kịp!

Gật đầu, Nhân trấn an:

- Nhưng là bác sĩ, chắc là đi đàng sau, ít nguy hiểm!

Ánh gượng cười, nói vào:

- Chắc vậy!

Bất ngờ, không biết động lực nào thôi thúc, Nhân buột miệng, thốt:

- Nếu... nếu Thuyết không bao giờ trở về...

Ánh vội đặt tay lên miệng Nhân, không để chàng nói tiếp. Nàng đứng dậy, vùng lên đi ra sau, dặn với lại:

- Ánh giúp mạ dọn cơm nghe!

Mươi phút sau, tiếng dép nhựa kéo lê từ bếp lên nhà trên. Rồi tiếng bé Quỳnh ô ê ngọng ngịu. Mạ Ánh nói với cháu, coi chừng, bước qua ngưỡng cửa kẻo té đó. Bữa trưa đơn giản, nhưng Nhân ăn rất ngon miệng. Mạ Ánh gắp thức ăn vào bát cho Nhân, miệng kể lại thời xưa Nhân đến chơi, rồi lại nhắc Thuyết. Ánh không nói gì, chỉ lẳng lặng bón cho bé Quỳnh, thỉnh thoảng đưa mắt nhìn Nhân.

*

Sau bữa cơm trưa, mạ Ánh giục mọi người đi nghỉ trước khi lên chùa. Nhân nằm trong phòng khách, cố nhắm mắt, lòng bất định. Phòng bên, thỉnh thoảng bé Quỳnh bật khóc, lẫn vào tiếng Ánh cất lên ru con, giọng nhừa nhựa mê hoặc:

Thuyền từ Đông Ba, thuyền ra Đập Đá,

thuyền xuôi Vĩ Dạ, về ngả Ba Sình

Lờ đờ bóng ngả trăng chênh...

Nhân thả mắt nhìn lên. Không có bóng trăng treo trên chiếc kèo ngang trần nhà. Chỉ dăm ba con thạch sùng cong đuôi đang bò vào những hốc tối. Thình lình, chúng tụ lại ở một góc tường mé trái, nơi đối diện với ban thờ. Một con, hai con. Rồi cứ thế, ba , bốn...cho đến khi chúng lúc nhúc có cả chục, cả trăm. Con đầu đàn, có lẽ thế vì nó một mình xông về phía Nhân, ngóc đầu, quẫy đuôi, dương cặp mắt đen nháy nhỏ như hạt đỗ nhìn tròng trọc. Cặp mắt to lên, trương phềnh, lồi ra như mắt những con cóc, đỏ hon hỏn sắc máu. Con thạch sùng phồng mình, mỗi lúc một giống những con cá sấu. Đằng sau nó, những con khác lừ đừ tiến theo, hình thể cứ lớn dần, miệng há rộng, răng sắc nhọn nhe lởm chởm. Con đầu đàn nói tiếng người, quát mi không được thế! Nhân ấp úng, không được cái gì? Mi không được yêu. Người ta đã chồng con. Cũng tại mi, xưa mi nhút nhát, hèn hạ. Bây giờ, mi đốn mạt. Con đầu đàn hả miệng táp vào đầu Nhân. Phản xạ khiến Nhân kịp lùi lại tránh. Cả đàn lúc nhúc cùng một lúc đập đuôi, bụi mù lên, tiếng đập chát chúa xoáy vào tai như tiếng súng. Chúng chia nhau vây bủa lấy Nhân. Vùng lên, Nhân cắm cổ vừa chạy vừa kêu cứu. Khi Nhân mở mắt, Ánh ngồi bên, đang lay Nhân dậy. Ánh đứng lên khi bé Quỳnh chạy ra ôm cổ mẹ.

*

Xế trưa, hai bà cháu bé Quỳnh ngồi đợi lượt mình giữa đám người chờ chẩn bệnh trong một căn phòng rộng nằm góc sân chùa. Nhân và Ánh ra ngoài. Mặt trời ngả về Tây, nắng bớt rực, nhưng không khí vẫn hừng hực một cơn sốt chưa hạ. Ánh im lặng, quay mặt về phía núi xa xa. Nhìn từ sân chùa, Tam Thai gồ lên như lưng một con gấu cúi xuống mang cái nặng nhọc của những ngày tháng chập chờ viễn tượng binh lửa.

Tam Thai là nơi cách đây gần sáu năm, cũng vào lúc nắng xế trên những tàn cây cuối cánh rừng tít tắp tả ngạn sông Hương, Nhân nhắm mắt để gió thổi những sợi tóc Ánh bay lên vuốt ve mặt mũi. Lạy chúa Ba Ngôi, Nhân thầm khấn, xin Người tiếp tục làm gió, cho cái ân phúc kia dài suốt một đời. Ánh quay lại, tay đưa lên giữ mái tóc, miệng nhỏ nhẻ, gió hung, anh hỉ? Nhân im lặng. Ánh làm vẻ hờn dỗi, trề môi, nói chi cũng không ưng, gió rứa mà không hung ư? Nhân gật, tâm thức mơ hồ văng vẳng, gió có thế nào đi chăng nữa thì gió cũng đã đưa những sợi tóc kia buộc anh vào em từ phút này cho đến mai sau. Nhưng Nhân không mở miệng nổi, dẫu đó là điều Nhân cảm thấy hiển nhiên như chính sự sống của mình. Ánh dường như chờ đợi. Nàng quay lại nhìn Nhân. Gió hung thiệt, Nhân thốt lên, ngớ ngẩn. Trong mắt Ánh thoáng có chút gì thất vọng. Nàng làm bộ phá lên cười. Rồi nàng đứng lên dõi theo một ánh nắng, miệng gọi Thuyết. Ngay đó, Thuyết xuất hiện, tay xách máy chụp hình, miệng kêu, Ánh, đứng yên để bấm một pô. Cứ thế, Thuyết miệng khen lúc thì cặp mắt, khi thì cái dáng người, tay bấm máy lách tách. Lát sau, Thuyết đến bên, nhờ Nhân chụp cho Thuyết và Ánh. Nàng lại cười, chiếc răng khểnh ánh lên dưới nắng. Và khi Ánh bảo, anh Nhân à, chụp với em một kiểu, Nhân cảm thấy nổi lên trong lòng một thứ ghen tuông vô cớ. Chàng ấm ức, khủng khẳng lắc đầu, nói mình không ăn ảnh. Ánh nhắc lại, kỳ ghê, nói chi cũng không ưng...Nhân lại lắc, nhưng bây giờ tự giận mình vô cùng. Giận đến độ chỉ muốn đâm đầu vào khoảng không trống hốc từ đỉnh núi xuống đến quán nước nằm chơ vơ dưới chân núi.

Bỗng đâu như ngày xưa gió thốc lên, cây trong sân chùa xào xạc lá. Ánh giữ vành nón, miệng bâng quơ, lại gió. Câu nói thoảng qua kéo Nhân quay về thực tại. Gió thổi và tóc Ánh bay, lại vướng vào mặt vào mũi Nhân, như câu Ánh hỏi ngày nào. Sau Tết Mậu Thân, Ánh đến nhà Nhân tìm, để mảnh giấy báo, gia đình em có chuyện không may, em phải về Huế ngay. Là sinh viên Quân Y, Nhân bị cấm trại. Việt Cộng đang đánh toà Đại Sứ Mỹ, chiếm hụt Đài Phát Thanh, bao vây Tổng Nha Cảnh Sát, tấn công vào cổng số 4 Bộ Tổng Tham Mưu. Trong Chợ Lớn, đang đụng độ khốc liệt. Vì thế, khi Nhân cầm thư Ánh tất tả đi tìm thì Ánh đã rời Sài Gòn. Tháng sau, Ánh viết báo tin cha Ánh chết. Đạn không có mắt, ghim vào ngực ông, một người hiền lành làm công chức loại không vai vế trong sở Bưu Chính gần chợ Đông Ba. Rồi thư qua thư lại cho đến một hôm, chữ Ánh run rẩy ‘’ Mạ khóc hết nước mắt, mặt sưng vù, nay chỉ còn mình em. Em ở lại với mạ, bỏ ngang năm học. Anh Thuyết cũng đã về Huế. May gia đình anh ấy không việc gì. Bây giờ, Huế không còn như xưa đâu anh. Huế quấn một vành khăn xô, để tang những người chết, không bị đạn bắn thì bị chôn sống, cả ngàn. Gia đình em nay vào cảnh khốn cùng, chắc em không vào Sài Gòn đi học được nữa đâu. Có người đến cầu hôn, và nếu em lấy chồng, mạ em bớt lo. Em hoang mang, chẳng biết thế nào. Em lấy chồng, anh nghĩ sao?’’.

Nhớ câu Ánh hỏi trong bức thư ngày xưa, Nhân ngập ngừng:

- Khi Ánh hỏi chuyện lấy chồng ...

Mặt thình lình đanh lại như đóng băng, Ánh im lặng, nhìn thẳng vào mắt Nhân. Lúng túng, Nhân tiếp:

- Câu trả lời ngày xưa, là tùy Ánh...

Ánh bật cười, giọng cay đắng:

- Thì dĩ nhiên, không lẽ lại tùy vào ai khác đây!

- Nhưng tùy Ánh, bởi vì...

- Bởi anh chẳng hiểu chi! Thế thôi! Ánh sẵng giọng.

Nhân buột miệng:

- Bởi... bởi vì anh sợ. Anh nghĩ thời binh lửa sống nay chết mai! Anh không dám ràng buộc ai, không dám yêu ai! Và nếu có được yêu, thì tình yêu ấy thành hình phạt!

Ánh quay lại, quắc mắt:

- Anh đừng đổ cho thời binh lửa để biện minh cho cái chuyện không dám yêu. Hừ, như thế thì sao người ta vẫn lấy nhau, vẫn ngủ với nhau, vẫn sinh con? Càng gần sự chết, càng muốn sống. Càng muốn sống, càng yêu. Không yêu được, là đã chết rồi. Và thường, ai rồi cũng chết, không sớm thì muộn, chết nhiều cách, chết nhiều lần!

Cười khan, Ánh cay đắng:

- Bộ anh muốn Ánh bây chừ hỏi lại anh câu đó à... Ánh lấy chồng rồi, thưa anh. Chưa có tin Thuyết, Ánh chưa là gái góa. Mà chưa góa, ai lại nghĩ đến chuyện lấy chồng!

Nhìn Nhân mặt cúi xuống như chẳng còn dám đối diện với nàng, Ánh bỗng thấy mình bất nhẫn. Sống trong những căng thẳng, lời nàng như mũi tên nhọn khi thả dây cung lao đi thì nàng hết sức, chỉ còn một nỗi ngậm ngùi tràn ngập trong lòng. Ánh nghẹn giọng:

- Anh đừng để tâm, em nói như một kẻ cùng quẫn!

Nhân im lặng, xót xa nhìn Ánh. Vẫn mái tóc xưa nhưng nay trời im gió. Chàng thì thào:

- Ngày trước, khi nhận thư Ánh...

- Thôi anh! Anh đừng nhắc lại. Chuyện đã thành cổ tích mất rồi, Ánh vội ngắt.

Ngắm ánh nắng vàng ệnh nhuộm những ô lúa xa xa viền lấy chân núi, Ánh quay mặt đi, thẫn thờ:

- Nhanh thiệt. Thuyết đi lúc bé Quỳnh hai tháng. Giờ nó đã gần hai tuổi...

Khi cùng Bửu Chỉ nhảy núi, Thuyết có viết cho Nhân, vắn tắt nhưng quyết liệt ‘‘ Mình không ở lại với Ánh và bé Quỳnh, thôi thì đành. Nhỡ mệnh hệ thế nào chỉ còn bạn, xin nhớ giùm. Là bác sĩ, chắc bạn yên lành hơn mình, không phải và không cần cầm súng!’’. Nhân chợt nhớ câu mình buột miệng, nếu Thuyết không bao giờ trở về... Liệu đó có phải là sự ao ước ngấm ngầm ẩn trong tiềm thức như con rắn ngỏng đầu chực phun nọc độc. Giọng ân hận, Nhân thiết tha:

- Mai, hai đứa mình cùng đi hỏi tin Thuyết. Đến chủ nhật anh mới hết phép, sáng thứ hai phải ra Phong Điền.

Tay vuốt mái tóc phất phơ bồng bềnh gió, Ánh không đáp. Lát sau, nàng buồn bã:

- Thuyết thì nhảy núi. Anh là bác sĩ, bác sĩ nhảy dù. Sao chỗ yên chỗ lành anh không chọn?

Thấy Nhân im lặng, Ánh tiếp:

- Hay anh cũng lại là Thiên Thần Mũ Đỏ, binh chủng lẫy lừng, anh hùng! Thiên thần, chắc bất tử, nhưng nhảy dù thì không, anh biết vậy chứ? Ánh nén thở dài, buột miệng - Chết đi để bỏ những người còn sống chưa chắc đã là anh hùng. Thậm chí ngược lại! Thuyết nhảy núi vì nếu không, người ta sẽ bắt bớ tù đầy, thậm chí thủ tiêu. Nhưng anh, ai bắt anh phải nhẩy dù?

- Dĩ nhiên là không ai ép buộc. Nhưng chính anh, anh sẽ có cảm tưởng ...trốn chạy ... nếu như anh ở lại phía sau chiến trường.

Ánh ngắt lời Nhân, run giọng:

- ... dù đằng trước là một cuộc chém giết ư?

Chỉ gượng gạo nói đến đấy, Ánh không giữ vẻ cứng cỏi được nữa. Nàng quay mặt giấu nước mắt, tay đưa lên ôm mặt. Một đàn quạ đen bay ngang, cánh đập phành phạch, oàng oạc kêu dọa dẫm. Nhân để yên cho Ánh khóc.

Tiếng mạ Ánh gọi. Ánh mỉm cười lau nước mắt rồi vội vã men ngách sân đi vào. Bé Quỳnh thấy mẹ, toe toét, tay giơ ra. Ánh bồng lấy con, miệng hỏi mạ. Bà nói, con bé cảm hàn, Sư đã bốc cho một toa thuốc nam. Nhân bước đến, nhìn rồi đưa tay về phía bé. Hết lạ, nó nhoẻn miệng, sà vào tay Nhân. Bế nó, lòng Nhân tự dưng thanh thản. Những nỗi oan nghiệt bỗng chốc tuyệt tăm như chưa hề có trên cõi đời này khi nó chúm miệng hôn lên má Nhân .

*

Hai người rủ nhau đi lên ăn cơm ở một cái quán cheo leo trên dốc. Quán vắng teo, khác hẳn lần Nhân ghé thời Huế còn thanh bình. Ông chủ quán chậm rãi ra tiếp khách. Ánh hỏi:

- Răng không chạy loạn?

Ông nhếch mép, bực dọc:

- Âm Phủ rồi, chừ chạy đi mô!

Nhìn từ quán cơm, ngọn đồi cuối tầm mắt u lên như thân một con voi già nằm phủ phục. Đâu đó, đèn nhấp nháy sáng. Voi hé cặp mắt nhỏ tí, mệt mỏi, đợi chờ vô vọng tiếng xênh nhịp phách của một thời quá vãng. Ánh so đũa, rót nước chấm chan cho Nhân. Nhìn Nhân trong bộ thường phục, Ánh thấy lại thuở mình mới vào Sài Gòn đi học. Thời con gái, Ánh chưa biết sự khắc nghiệt của cuộc nhân sinh, với tay là chạm được hạnh phúc. Nỗi đau nếu có chỉ trong những trang sách như không bao giờ là thật. Bên cạnh Nhân, kỷ niệm những ngày hồn nhiên khiến Ánh bỗng thấy lòng mình chùng xuống. Trong một thoáng, Ánh cảm thấy một nỗi thương xót dịu dàng trải lên mọi sự sống. Nàng khép mắt, buông mình thả vào cõi an bình tuyệt diệu dẫu chỉ một thoáng chốc.

Nhân vẫy tay, gọi một xị đế. Ngạc nhiên, Ánh thốt, giọng trách móc:

- Bây giờ anh cũng rượu rồi ư?

- Chỉ thỉnh thoảng thôi Ánh ạ, Nhân đáp.

Nhưng rượu trôi qua cổ sao lần này đắng lạ lùng. Ngoài trời, chớp sáng loé ném trên mặt dòng Hương những nét chém ngoằn nghoèo mang sắc kim lạnh buốt. Gió bất ngờ tạt ngang. Những tàn cây lặng lẽ đón dăm ba giọt mưa nặng nhọc buông mình tí tách. Ánh kêu, sắp mưa to rồi, phải về thôi. Nàng rót cho Nhân ly nước trà, ánh mắt giục giã.

Hai người gọi xích lô, đi về bến xe An Cựu. Hơi lạnh từ sông Hương bốc lên bờ. Người đạp xe, tuổi chắc đôi mươi, căng tấm bạt che mưa. Nhìn khách, anh dí dỏm, muốn đạp tới sáng cũng đạp, vì mai thì biết ra sao ngày sau? Những sợi tóc Ánh lại vương vào mặt Nhân. Chàng kín đáo hít nhẹ mùi hương da thịt Ánh, tay ôm hờ cái thân thể đàn bà hừng hực lên cơn sốt. Cả hai lặng nhìn Huế co ro trong mưa đêm. Dưới ánh đèn đường vàng vọt, Huế nay còn gì? Tiếng xe lôi run rẩy khằng khặc ho khan. Tiếng xe cứu thương thất thanh hụ còi như gọi những linh hồn đi hoang vất vưởng. Người người thảng thốt, chập chờn, thoi thóp trong một cõi nhân sinh vào cơn hấp hối. Bến xe toàn những kẻ tay xách nách mang. Họ ngơ ngác nhìn, thảng thốt nói như nói mê, lê lết từ chỗ này sang chỗ khác, mắt mệt mỏi nhớn nhác ngóng những chuyến xe xuống Đà Nẵng.

Nhân kéo tay Ánh nhắm hướng ngõ Âm Hồn đi giữa bóng đêm chập chờn, nghe trong cây tiếng gió thỉnh thoảng rì rào than vãn. Ánh thì thào, chỉ tối đêm mấy anh mới về Tuyệt Tình Cốc. Đó là nơi Nhân đã ghé lần ra Huế mấy năm trước. Khi ấy, Cốc vừa là « toà soạn », vừa là nhà in báo Việt Nam-Việt Nam. Hoàng Phủ Ngọc Tường, Cốc chủ, cũng là chủ nhiệm, nói tờ báo phải ‘‘rút vào bí mật‘’ vì có tin báo Cảnh Sát Huế sẽ bắt bớ đàn áp. Toàn bộ ban biên tập - trẻ thì mười bảy, mười tám, và già cũng chỉ nhấp nhỉnh ba mươi - là những kẻ ‘‘dấn thân’’ rất ‘‘ lãng mạn cách mạng’’. Họ rõ rệt: Mỹ là quân xâm lược, và họ có nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Trên vách Tuyệt Tình, họ đề thơ Quang Dũng, thơ Phùng Quán...Họ tụ nhau làm việc thâu đêm, mơ mộng với nhau về một ngày mai cộng sản - thứ cộng sản nhân đạo như giấc mơ kiểu triết gia hiện sinh J.P.Sartre. Nhưng Huế không phải là Paris để mơ mộng như người ta mơ trong những quán cà phê trên đại lộ St Germain des Prés. Giấc mơ ở Huế thành những cơn ác mộng, bắt đầu bằng cái thế bị mật vụ truy lùng, sau đến An Ninh quân đội của tướng Nguyễn Chánh Thi ‘‘không đảm bảo tính mạng’’ cho những người làm báo như họ. Tường giả trang thầy dòng lẩn vào gió núi. Rồi lần lượt Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Trần Vàng Sao... thành mây giang hồ. Đến hôm nay, chỉ còn họa sĩ họ Đinh náu lại cốc, trở thành hộp thư của những bức thư không tên người nhận, không chữ ký người viết.

Ánh lách vào, tay gõ nhẹ cánh cửa Cốc nay lung lay xộc xệch.

- Ai đó hỉ?

- Em... Ánh đây!

Một khuôn mặt ló ra dưới ánh đèn dầu. Nhân nhận ra người họa sĩ nhờ cái nốt ruồi nổi trên má. Còn họa sĩ, anh nhìn Ánh rồi nhìn bộ đồ lính dù rằn ri trên người Nhân. Ánh nhắc tên, anh lại à lên một tiếng, mở rộng cửa. Nhìn Nhân, anh lo lắng hỏi, đánh đấm thế nào? Nhân đáp, tướng Ngô Quang Trưởng sẽ là tư lệnh chiến dịch Tái Chiếm Quảng Trị.

Ánh thầm thì:

- Anh có tin tức gì của Thuyết không?

Nghe Ánh hỏi, lòng Nhân không hiểu sao lại nhói đau. Thật tình mong Ánh nhận được một chút tin tức của Thuyết, Nhân cảm thấy vai mình nặng như đeo đá khi thấy họa sĩ khẽ lắc đầu.

- Còn anh Kha? Ánh tiếp.

- Kha cũng luẩn quẩn đâu đây! Hoạ sĩ ngập ngừng - bạn bè mấy đứa bây giờ như ma chơi, lúc biến lúc hiện, nửa sống nửa chết!

Nhắc đến, Nhân lại nhớ đêm gặp Ngô Kha ở Tuyệt Tình Cốc. Người thi sĩ mảnh khảnh miệng khi nào cũng nhếch một nụ cười buồn kia đã chép lên vách những dòng thơ tài hoa:

...bây giờ trên mặt đất quê hương

tôi thắp muôn nến hồng nến trắng

những nến hồng đưa em vào mùa hè hốt hoảng

những nến trắng tiễn chân người chiến sĩ về hư vô

Ôi em...Xin nguyện cầu

lời cổ ngữ hằn đau trên phiến đá

nắm đất ải khô dành riêng cho bè bạn

nhỡ mai này từ giã cuộc đời với bàn tay vôi đá.

Tuyệt Tình cốc. Cái tên nơi xưa dăm sinh viên bỏ học ‘’xuống đường’’ không thi kỳ một, về cặm cụi đèn sách thi kỳ hai. Họ hẹn với những nàng kiều nữ xứ Thần Kinh đến cuối mùa, thi xong, ta lại thò tay đụng vào Tình hoa, loại hoa đỏ tươi như máu, đụng một lần thì cứ vắng người yêu là thân thể quằn quại bốc cháy nhóm lửa địa ngục. Nhưng bên cạnh cây Tình hoa, thiên nhiên oái oăm sinh thành Tuyệt Tình. Hoa Tuyệt Tình màu tím nhạt, hương bay xa, cây đầy gai nhọn tua túa chĩa ra như lông nhím. Khi gai đâm, máu chảy thành giọt thì tim đóng băng, kẻ đã yêu một lần rồi sẽ không bao giờ còn yêu được lần thứ hai, người chưa yêu thì thôi, đường trần hết mọi tơ vương, cô đơn bước vào cõi giá băng miên viễn.

*

Họ ngồi với nhau, chuyện trò to nhỏ, thời gian cạn một bình trà. Với Huế kiêu sa, kinh đô một đế chế có gần trăm năm lịch sử, câu hỏi đi hỏi lại vẫn là sao mà những người con tinh anh của Huế giờ bỏ hết đi nhảy núi. Họa sĩ trầm giọng, khuôn mặt ẩn vào nửa ánh đèn dầu lạc lung linh hắt bóng ba người lên vách, tay vẽ trong không khí một vòng tròn:

- Khắc nghiệt vô cùng là sự lựa chọn rồi một lúc nào phải làm. Quyết định xong, người hôm qua là bạn nay hóa ra thù. Và ngược lại. Nhưng cứ chần chờ, bạn sẽ là kẻ bị đẩy ra ngoài. Sẽ thành một thứ cô hồn trên dương thế, ai cũng lánh xa, dè dặt, thủ thế. Và khi chẳng cần giấu, là thái độ khinh khi ruồng rẫy...

Ánh kể, trước khi Thuyết mất hút trong màu xanh của rừng, Thuyết đã trải qua những đêm không ngủ, mắt trống trơ chú mục nhìn lên trần nhà, rồi khóc rưng rức. Thuyết nói, cứ thế này sớm muộn không nhảy núi bên này thì cũng vô tù ngục bên kia. Rồi nắm tay Ánh, hỏi, em ơi thế nào là Tổ Quốc? Ánh thẫn thờ, kể:

- Khi đó em không biết, em nói, là cái gì thật thiêng liêng gắn định mệnh mình vào đất nước này? Bây giờ, nói thật, em thấy đó là hai chữ trống trơn như hai đầu sợi dây thòng lọng có thể tròng vào những cái cổ ...Rồi nay em tự hỏi, khi khoa trương sự thiêng liêng của hai chữ Tổ Quốc, có phải em cũng trách nhiệm phần nào việc nhảy núi của Thuyết?

Thình lình, họa sĩ nhìn Nhân, giọng ủ dột:

- Còn Nhân, sao lại chọn đi nhảy dù để ra chiến trường?

Cũng câu này, Ánh vừa trách móc và mẹ Nhân cũng đã từng hỏi. Chưa nghe Nhân đáp, mẹ sẵng, nuôi cho con ăn học, có phải để học xong là dấn mình vào chỗ chết đâu. Giọng day dứt, mẹ tiếp, thành bác sĩ, đi chữa bệnh cứu người, cứu được càng nhiều càng hay. Ra tiền tuyến, mỗi ngày cứu được bao nhiêu? Ở bệnh viện hậu phương cứu được bao nhiêu? Cứ so sánh, thì biết phải làm gì! Nhân vẫn im lặng khiến mẹ chỉ còn biết ôm lấy mặt. Lẳng lặng ngồi xuống cạnh, Nhân nói, ai cũng ở hậu phương thì lấy đâu ra y sĩ tiền tuyến. Mẹ đập tay xuống mặt phản, ấm ức, con là thủ khoa khóa Quân Y năm nay, con có quyền chọn cơ mà! Vâng, Nhân đáp, chính thế mà con phải chọn cái chỗ xứng đáng nhất, không phải là cho một thủ khoa, mà là cho một con người trách nhiệm chịu đầu sóng ngọn gió chứ không chỉ nghĩ đến sự an thân cho riêng mình.

Nhân với tay lấy tách nước trà, chưa kịp nói thì Ánh buột miệng mỉa mai, giọng đay nghiến:

- Thiên thần Mũ đỏ mình đồng da sắt hẳn chắc là bất tử...

Họa sĩ ngước nhìn, chẳng hiểu Ánh đùa hay thật. Phần Nhân, chàng biết là mình chưa bao giờ muốn làm anh hùng trong cái thế giới hung bạo này. Chàng hoàn toàn ý thức vai trò diễn viên phụ trong một bi kịch khổng lồ, thứ diễn viên tồi, như hề thương, rơi nước mắt để chọc cười. Cái cười chẳng lên đến mức cười ra nước mắt, mà là cười ngu ngơ. Kiểu một người chồng đi lượm mảnh đầu của vợ lắp vào cái xác không đầu. Kiểu một người cha đi nhặt cái tay của con lắp vào cái xác không tay. Kiểu một người con đi lùng hai cái cẳng của cha bị bom chém cụt, lựa bỏ cả đống những cái cẳng chân mang giày, thầm nhủ cha ta xưa nay suốt một đời chân đất... Hai tháng qua nằm chết dí trong vòng vây. Mỗi ngày Nhân xẻ, mổ, cắt vá hàng chục ca những Thiên thần Mũ đỏ gãy cánh dưới hỏa pháo lính Bắc. Chàng mục kích sự tan tác, ghê rợn, kinh hoàng nhất như một kẻ bàng quan đi xem chính mình, cái anh Trung Úy Phan Thượng Nhân, xem anh làm người ra sao, hận thù và yêu thương thế nào. Chiến trường là địa ngục. Là những ngày mưa bom, mưa trúng chỉ một giọt cũng đủ tan xác. Là những đêm mưa pháo, pháo 82 ly rằng rặc, pháo 130 ly ào ạt, pháo trùm không gian bằng muôn vàn đóa hoa màu lửa ập xuống đánh cho thế gian vật vã vỡ ra trăm mảnh, tốc lên, bay xa như những tờ giấy vụn tươm tả trong những cơn gió lộng. Nhân biết, biết rõ. Và chỉ còn rờn rợn kinh tởm cả cái chết cũng như sự sống. Chàng định đáp lời họa sĩ, nhưng cổ tắc lại, tiên cảm thấy những điều mình sẽ nói chỉ có sống qua mới hiểu, bất khả diễn tả bằng lời cho bất cứ một ai. Thở dài, Nhân nhẹ nhàng, giọng có đôi chút ai oán:

- Thịt da ai cũng là người, Ánh ơi! Bất tử thì chắc là không! Và định nghiệp, thì vậy...

Ba người ngồi, không ai nhìn ai, im lặng. Trong vườn, côn trùng cất tiếng gọi đêm. Đâu đây thỉnh thoảng tiếng ễnh ương âm vang lên quanh mặt nước ao lung linh mầu sương trắng là lụa. Ánh đứng dậy. Chia tay, họa sĩ họ Đinh bùi ngùi hỏi:

- Chừ bao giờ mới gặp lại?

Không đợi câu trả lời, anh lẳng lặng quay người khuất sau ngưỡng cửa. Thời chiến, những hẹn hò đều ít nhiều là những câu có chút dối trá cho yên lòng kẻ ở người đi.

Trước khi rời Tuyệt Tình Cốc, Ánh kéo Nhân ra bờ ao sau vườn, nơi có hai loại hoa. Trời trên cao dệt một thảm sao, long lanh nhưng lạnh lẽo vô cảm. Kéo tay Nhân, Ánh chỉ, cây Tuyệt Tình đây, anh nhớ không? Ánh nghiêm nghị, chúng ta không bao giờ bước qua cái vạch số mệnh đã vẽ ra. Chẳng đợi Nhân nói, Ánh mở bàn tay, đưa lên mắt nhìn chằm chặp, mặt băng giá. Thình lình, Ánh chụp tay xuống một bụi gai. Nhân nghe một tiếng rên ấm ức trong thanh quản. Nâng tay Ánh lên, bàn tay đã ứa đầy máu run rẩy như con chim non lìa tổ rơi xuống sỏi đá trên mặt đất trần trụi thương đau, chàng đau đớn áp mặt vào. Mặt Nhân bê bết những giọt máu Ánh. Thì ra đâu phải chỉ có súng, có đạn, có dao mới làm máu đổ. Ánh rên lên khe khẽ. Nhân nín lặng. Thình lình Nhân ôm lấy Ánh, như điên dại, miệng nói, Ánh ơi, giá mà anh nói yêu em trước ngày em lấy Thuyết. Giá mà anh lấy em, chịu cái phận hèn một y sĩ hậu phương, đẻ cho em một bé Quỳnh có cha có mẹ. Chỉ thế thôi, thì nào em có phải xoè tay chụp vào bụi gai Tuyệt Tình. Nhưng qua làn nước mắt nhoè nhoẹt, Nhân mơ hồ thấy Ánh vứt một bông hoa tím xuống ao. Miệng cười chua xót, nàng thốt lên, giá mà...Rồi nàng đẩy Nhân ra, đứng dậy.