Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 260): Người đi trên mây – Nguyễn Xuân Hoàng (26)

NGƯỜI ĐI TRÊN MÂY (Kỳ 75, 76 & 77)

Kỳ 75

Ngó theo hướng mắt Tâm, tôi thấy từ một chiếc ô tô đậu sát lề đường bên cạnh gốc me, một cô gái bước xuống. Cánh cửa xe đã đóng lại, nhưng cô vẫn đứng yên một chỗ nhìn ngó xung quanh, trước khi đi thẳng về phía bàn chúng tôi.

Tôi nhận ra là Uyên ngay khi cô cất bước. Cô đi thẳng đến chỗ tôi ngồi, ngó quanh bàn và nói:

-Xin lỗi các anh, tôi có chút chuyện muốn nói riêng với anh Thăng!

-Mời cô tự nhiên! Cô cứ như bọn tôi không có mặt ở đây là được rồi! Nhật nói đùa không ác ý.

-Cám ơn anh! Tôi cũng đang nghĩ vậy! Uyên đáp lại nhanh không để hở một phút.

Tôi kéo ghế đứng dậy. Tôi biết là mình phải về. Tôi chợt nhớ tối nay là sinh nhật của Uyên và tối nay cũng là buổi gặp gỡ chót với Quỳnh.

-Đi đâu vậy bạn? Tâm hỏi chận.

-Tao có chút chuyện. Tôi nói.

-Chưa giới thiệu mà! Nhật kêu lên.

-Xin lỗi. Đây là Uyên, con gái cụ Phan. Và đây là anh Nhật, nhà báo-nhà binh, anh Tâm, nhà văn khét tiếng Khô Khốc Thiền Sư, và đây là anh Phùng, “godautre” của trường Văn Khoa.

-Còn một người chưa được giới thiệu! Nhật nhắc.

-Ai? Tôi ngạc nhiên.

-Ông chứ còn ai?

-Thôi, giỡn hoài!

-Để tao giới thiệu giùm với cô Uyên. Nhật đứng dậy đưa tay về phía tôi, nói với Uyên:

-Và đây là Thăng, người đi trên mây.

-Sao lại người đi trên mây? Uyên hỏi.

-Nghĩa là người này chỉ biết có trời trăng chứ không biết thổ thần thổ địa.

-Đủ chưa? Tao lên đường?

-Mày tên là Thăng, nhưng chưa thể thăng sớm dễ dàng như vậy đâu! Nhật không tha tôi.

-Làm sao bây giờ! Thủ tục xong rồi mà! Uyên nôn nóng làm tôi tức cười.

-Thủ tục đã xong đâu! Nhật trả lời.

-Vậy còn gì nào? Uyên hơi xẵng giọng.

-Còn mục chót. Nhưng hơi gay! Tâm chen vô. Tôi biết Tâm muốn để tôi đi.

-Xin anh cứ nói! Uyên vẫn nôn nóng.

-Chuyện như vầy. Bữa nay cả bọn tôi đồng ý đi uống rượu. “Người-đi-trên-mây” là cái ông này - Tâm chỉ tôi - ổng kêu một két bia. Một két bia là hai mươi bốn chai. Chia cho bốn đứa, một đứa sáu chai. Nãy giờ trung bình mỗi đứa ba chai.

Ông-trên-mây thì chỉ mới chai rưỡi. Ổng muốn đi cũng dễ thôi. Cạn hết sáu chai phần ổng thì ổng có quyền dzọt.

Tâm khề khà như một ông già.

-Nghĩa là anh Thăng còn phải uống bốn chai rưỡi nữa? Uyên hỏi.

-Đúng!

-Nếu anh Thăng uống không hết thì sao?

-Thì chưa đi Nhật chêm vào.

Uyên cúi thấp xuống vai tôi, nói khẽ.

-Anh uống hết không?

-Chắc không hết! Tôi thành thật.

Tâm quay sang nói nhỏ gì đó với Nhật và Phùng, xong hắn tuyên bố:

-Cho phép cô Uyên giúp sức!

-Cám ơn anh! Sao anh không nói sớm? Uyên cười.

-Cứ coi như anh Thăng uống ba chai. Tôi uống ba chai.

Uyên lấy bia đổ vào ly tôi và chúng tôi chia nhau hết ly này đến ly khác. Cả đám trố mắt nhìn Uyên uống bia như uống nước ngọt.

Khi tôi theo Uyên ngồi hẳn vào trong xe, nhìn qua cửa kính, tôi thấy người chủ quán vừa mang ra cây đèn dầu. Cả đám bạn tôi như những bóng đen bất động. Ánh sáng của ngọn đèn hắt lên từ phía cổ chiếu rõ những mảng cằm phản với bóng đen của cả khuôn mặt.

Xe chạy vòng theo đường Lê Văn Duyệt trở về nhà ông Phan. Tôi nghe trong hơi thở của Uyên còn đọng mùi bia rượu.

Kỳ 76

Khách đến đã khá đông. Phần lớn là sinh viên Văn khoa và Luật khoa, những trường Uyên có ghi danh lấy chứng chỉ. Mặc dù thời buổi này (mà chắc là thời buổi nào cũng thế thôi!) “phi bác sĩ bất thành phu phụ,” sinh viên y khoa không thấy có trong phần khách mời của Uyên.

Tôi không hiểu sự giao du của Uyên, và thật tình mà nói, tôi có bao giờ tìm hiểu chuyện riêng của Uyên. Nhưng sở dĩ tôi biết điều này là vì trên đường từ Chợ Đũi về, sau khi đã uống giùm tôi một “loáng” ba chai bia, Uyên hỏi đố là tôi có thể đoán được khách mời sinh nhật của cô tối nay là ai không. Tôi nói tôi không biết. (Mà làm sao tôi biết được?) Uyên cho hay có ba cái đặc biệt của sinh nhật cô. Trước hết là cô mừng tôi “chặt được sợi dây cuối cùng của một ràng buộc đã là vô ích.” Thứ nữa là cô có một người bạn mới, một cô bạn gái tên Quỳnh. Và sau cùng, cái đặc biệt của sinh nhật Uyên chính là cô sẽ từ chối lời cầu hôn của một sinh viên y khoa duy nhất trong buổi tiệc này.

Khác với buổi dạ tiệc lần đầu tôi đến nhà ông Phan, không khí hôm nay ồn ào náo nhiệt và rôm rả hơn. Những người trẻ tuổi của thành phố, trong đó có một số người từ quân trường trở về phép đặc biệt, đang quây quanh Uyên và bà Phan. Hai mẹ con đứng bên cạnh nhau, giữa những người trẻ tuổi trông giống như hai chị em. Bà Phan nhỏ nhắn dịu dàng, xinh đẹp nhờ cách trang điểm đơn sơ và ăn mặc giản dị. Còn Uyên như lớn hẳn lên do cách phấn son có phần hơi thái quá một chút, mắt bôi đen, má tô hồng, môi đỏ son. Hôm nay cô mặc chiếc áo dài nhung màu tím than, điểm hoa trắng nhỏ. Áo hở cổ rất rộng, để lộ làn da trắng muốt nổi lên trên sợi dây màu đen tuyền với một thập tự giá bằng gỗ mun. Cao hơn bà Phan gần nửa đầu, Uyên giống như một người mẫu. Trước mặt tôi hôm nay là một cô Uyên lạ hẳn: sắc sảo và cương quyết. Có phải vì đây là lần đầu tiên Uyên có một khuôn mặt trang nghiêm của một người sắp quyết định một điều gì lớn lao trong đời mình?

Phòng khách đèn sáng trưng. Tất cả bạn Uyên ở ngoài vườn cây đã tụ tập hẳn vào trong. Không khí chật chội ấm cúng. Giữa phòng là một chiếc bàn hình bầu dục, mặt đá có vân. Một chiếc bánh sinh nhật lớn trong hộp kiếng đặt giữa bàn, quanh bánh là những bông hồng vàng và nhung thẫm. Quà tặng đủ cỡ nằm la liệt dưới sàn nhà.

Tôi bước về chỗ bà Phan.

“Joyeux anniversaire!”

Rất nhiều tiếng chúc mừng của những người trẻ tuổi. Như một con công, một con công “chúa,” đang khiêu vũ giữa bầy, cô tươi cười, hân hoan, đáp lễ. Bà Phan thấy tôi tới gần, lên tiếng gọi.

-Thăng đến đây!

-Mừng sinh nhật Uyên!

-Cám ơn anh. Uyên nghiêng mặt về phía tôi. Và tôi hôn cô.

-Sinh nhật vui vẻ! Tôi chúc một lần nữa.

Bà Phan đặt tay lên vai tôi ra dấu. Tôi theo bà bước ra khỏi đám đông. Khi đến chỗ vách có treo thanh kiếm Nhật, bà Phan dừng lại hỏi tôi, giọng trách móc dịu dàng:

-Cháu đi đâu suốt cả tuần?

-Thưa bác... Tôi ấp úng.

-Nghe nói cháu đã có Bản Đại Tự?

-Thưa bác, cháu đã nhận.

-Cháu thấy sao?

Thấy sao? Hình như có người đã hỏi tôi một câu tương tự. Thấy sao là sao? Dửng dưng! Hình như người ta nóng lòng chờ đợi một điều gì đó, nếu không có nó người ta sẽ khổ sở đến không chịu nổi, vậy mà khi điều ấy đến người ta lại thấy dửng dưng. Nhưng với bà Phan, tôi biết phải trả lời sao.

-Thưa bác... Tôi luôn luôn ngọng trước những câu hỏi của bà Phan.

-Tôi muốn nói là cháu thấy việc xử ấy có công bằng không?

-Thưa bác, cháu không để ý đến khía cạnh công bằng pháp lý của bản án. Chính cháu là nguyên đơn và cháu hiểu rằng tờ giấy phán quyết ấy chẳng qua cũng chỉ là một tờ giấy. Nó không thay đổi được gì đời cháu.

-Nghĩa là sao?

-Thưa bác, cháu nghĩ là cháu đã làm một điều ngu xuẩn. Cháu đã cố gắng một cách vô ích.

-Chào anh! Bà Phan đang nghiêm bỗng nở nụ cười hướng về phía một ông khách tiến về phía chúng tôi.

-Không dám, chào chị. Chị hồi này khỏe luôn chứ ạ! Khách trả lời khi đứng trước mặt bà.

Kỳ 77

Đó là một người đàn ông tròn và lùn. Ông đeo chiếc kính lão nhỏ, để râu mép. Bộ quần áo ông mặc là một loại vải đắt tiền được cắt rất khéo.

-Chào bác Phan đi con!

Người đàn ông nói với người thanh niên đứng bên mà tôi không để ý. Anh rất trẻ, trắng trẻo, gầy và hơi xanh. Mắt anh nhìn thẳng, nụ cười tự tin.

-Cháu Ngạc đang là sinh viên năm thứ ba trường đại học y khoa.

Người đàn ông giới thiệu con trai một cách trang trọng và kiêu hãnh.

-Tôi cũng xin được giới thiệu với anh đây là cháu Thăng, con trai của một người bạn thân của gia đình tôi.

-Chào cậu!

Người đàn ông ngó tôi không mấy thiện cảm. Ông đưa tay cho tôi bắt. Những ngón tay ông rất lơi trong tay tôi.

-Uyên, lại đây con!

Bà Phan gọi Uyên ra khỏi đám bạn cô. Bà giới thiệu người đàn ông với chúng tôi.

-Bác Đại đây là tổng giám đốc công ty thương thuyền Vihaco, có tàu chạy đường Singapore và Hong Kong. Và đây là cháu Uyên!

-Kính bác!

Uyên nghiêng mình lễ phép.

-Cháu Thăng tiếp khách hộ Uyên nhé!

Bà Phan nói với tôi và đưa tay mời hai cha con ông Đại.

Còn lại một mình, tôi đi dọc theo vách tường, đến thềm cửa lớn. Tôi đứng lặng nhìn ra sân. Những ngọn đèn xanh đỏ bắt quanh các cành cây đã tắt. Đêm đang xuống. Tôi có ý trông chờ Quỳnh. Liệu cô có đến không? Tôi nhớ câu chuyện với Quỳnh sáng nay. Dường như chúng tôi đã ngầm đồng ý với nhau rằng đã đến lúc mỗi người phải sống một đời riêng. Tôi nhớ đến ông Phan, người đã vắng mặt trong ngôi nhà này, và quyền thế có vẻ như cũng đã theo ông mà ra đi. Tôi chợt nhận ra, chính ngay chỗ tôi đứng bây giờ là nơi tôi đã bắt tay ông Phan lần đầu. Cái vẻ u ám trầm mặc của vườn cây giờ đây khác hẳn với cái vẻ rực rỡ quyền quí của nó trước kia, gợi lại trong tôi biết bao điều cần suy nghĩ. Phải chăng quyền thế cũng như ánh sáng và bóng tối? Phải chăng đời sống cũng như nước thủy triều, nó tấp lên rồi rút xuống? Ông Phan đã ra đi, và đó hình như là một chuyến đi không có đường trở lại. Quỳnh và Uyên cũng sẽ ra đi, và cả hai như cũng sắp nói với tôi lời vĩnh biệt.

-Tại sao Thăng đứng đây? Vào trong này với Uyên!

Uyên nắm cánh tay tôi thật chặt. Trong bóng tối, tôi thấy mắt cô sáng long lanh.

-Ông tổng giám đốc công ty về rồi à?

-Vâng. Bác Đại và anh Ngạc vừa về xong. Bác ấy không vui!

Có vẻ như Uyên muốn cho tôi biết rằng cô vừa nói lời từ hôn với người thanh niên tên Ngạc.

-Mấy giờ rồi anh?

Tôi nhìn đồng hồ tay.

-Tám rưỡi.

Tôi thấy Uyên bồn chồn nôn nóng.

-Sao Uyên chưa cắt bánh sinh nhật?

-Uyên muốn chờ chị Quỳnh.

-Tôi sợ là sẽ quá trễ. Sắp đến giờ giới nghiêm rồi!

-Vâng. Uyên biết. Nhưng me đã có giấy phép đặc biệt.

-Thôi, mình vào đi. Sinh nhật của cô thì cô phải có mặt với bạn bè chớ!

-Bây giờ thì Uyên không muốn vào nữa. Uyên có chuyện muốn nói với anh. Trong đó đông người Uyên sẽ khó nói.

-Cô có biết là hôm nay cô lạ lắm không?

Tôi gạt ngang.

-Uyên hiểu. Nhưng anh có biết anh là người không thực tế không? Tại sao anh không xin học bổng?

-Học bổng gì? Tôi ngạc nhiên.

-Me đã nói với anh rồi mà! Uyên trố mắt nhìn tôi.

-Tôi không nhớ. Thật tình là tôi không nhớ.

-Me nói bố sẽ lo cho anh cái học bổng nếu anh muốn. Anh vẫn chưa trả lời đề nghị của bố?

-A! Tôi nhớ ra rồi. Nhưng tôi vẫn chưa tìm ra câu trả lời. Tôi bị xâu xé giữa sự ở và sự ra đi. Đi Mỹ có nghĩa là đi theo Uyên, là chạy theo một mối tình mà cà hai đều biết rằng chỉ là một thách đố, là mãi mãi chia tay với Quỳnh, là trốn lánh những móng vuốt của người đàn bà, là tự bứt mình ra khòi Đăng và Mai mà tôi thương yêu nhất. Còn ở lại, có nghĩa là chịu đựng sức ép của một quyền lực vô hình, là chấp nhận nỗi khốn khổ của một trái tim dẫy dụa vì bị ruồng bỏ...

(còn tiếp)

Nguồn: https://ngo-quyen.org/p3623a5068/nguyen-xuan-hoang-nguoi-di-tren-may-ky-75-76-77