Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

Trong im lặng diệu kỳ

(Về tập Lịch mùa của Pháp Hoan, 2016, AJAR Press/ Fish Eyes Series)

Lê Hồ Quang

clip_image001

Cảm nhận trong im lặng diệu kỳ” là một ý trong bài Tĩnh tọa của Pháp Hoan và cũng chính là tứ xuyên suốt Lịch mùa – tập thơ đầu tay của tác giả này. Trong tập thơ, “im lặng” trước hết là một trạng thái chủ thể:

Đóng mọi giác quan lại

trong căn phòng bóng tối

đêm xanh hơi thở

sâu lắng, rung động tiếng chuông ngân

Một dòng sông chảy trên một dòng sông

một ý tưởng tràn trên một ý tưởng

… Đóng mọi giác quan lại

Và cảm nhận trong im lặng diệu kỳ

Những chu kỳ của diệt và sinh

Luân chuyển trong mê đồ của thực tại

Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, ở đây, “im lặng” chính là một hình thức quán tưởng tâm ý, để thân tâm an trú trong thanh tịnh, và từ đó mà bản chất của vạn pháp được hiển lộ. Trong im lặng, không có sự phân biệt nhị nguyên. Ở đó, tốt/xấu, cao/thấp, trắng/đen, sống/chết, tôi/ta, cá nhân/vũ trụ... đều là Một, trong cõi thanh tịnh. Cho nên, im lặng là Không, nhưng im lặng cũng là Có, là Đầy đủ. Khi ta hiểu theo cách đó, im lặng đã mang một ý nghĩa khác. Đó là đặc tính chủ thể nhưng nó đã phản chiếu và bao hàm trạng thái, đặc tính khách thể – thế giới thiên nhiên, con người và thơ ca mà cái tôi tìm kiếm, hướng về. “Im lặng diệu kỳ”, do đó, vừa là xuất phát điểm của hành trình nội tâm, vừa là phương cách diễn tả, đồng thời, cũng là đối tượng và đích đến. Bởi vậy, như một nghịch lý dễ hiểu, Lịch mùa, dù được mô tả trong/ bằng im lặng, nhưng đã cho thấy cả một thế giới xôn xao cảm giác và rung động. Đó không chỉ là rung động của giác quan vật chất mà còn là những rung động tâm linh xuất phát tự thân tâm vị thiền sinh trẻ tuổi, người dường như luôn biết tìm thấy nỗi hân hoan trong từng khoảnh khắc sống.

Mùa xuân sau một cái chết là một đại diện khỏe khoắn của tinh thần Lịch mùa. Vẻ đẹp của nó không nằm ở việc chuyển tải triết lý về lẽ tử sinh đã thành lối mòn mà nằm trong cách mô tả đời sống nhằm dẫn đến những nhận thức triết lý kia. Ta hãy đọc trọn vẹn bài thơ này:

Mùa xuân sau một cái chết

Một bông hoa đang nở trên cánh đồng

một bông khác nở ra từ kẽ đá

một bông khác trên ngọn đồi xa lạ

Trên nghĩa trang lạnh giá

bông hoa đầu tiên cũng đang hé nở

một bông khác

và một bông khác nữa

Và kìa sau tấm lưng tôi hàng loạt bông hoa thi nhau nở rộ

chúng làm tấm áo choàng của tôi nhanh chóng phồng lên

như cánh buồm trước gió

Rồi từ cuống họng tôi những bông hoa chui ra

những bông khác từ đôi mắt tôi

từ đầu những ngón tay

từ đôi tai

từ lồng ngực…

chúng đang chiếm đoạt lấy thân thể tôi

chúng đang làm tâm tư tôi trở nên bấn loạn

Bất chợt tôi nhớ ra là mình đã qua đời vài năm trước đó

và tấm thân bây giờ là mảnh đất màu mỡ cho đám hoa lá mùa xuân

Nội dung bài thơ gắn liền và được khai triển theo cùng điểm nhìn chủ thể, điểm nhìn ấy dịch chuyển đến đâu thì không gian thơ (và nội dung bài thơ) mở ra đến đấy. Con mắt nhà thơ chăm chú dõi theo sự hé nở của những bông hoa, từ xa đến gần, bắt đầu từ cánh đồng, đến kẽ đá, ngọn đồi, nghĩa trang lạnh giá, và thu hẹp dần góc nhìn, đến khi bất ngờ nhận ra, “và kìa sau tấm lưng tôi hàng loạt bông hoa thi nhau nở rộ”. Cứ thế, bằng lối quan sát điềm tĩnh, tỉ mỉ và bình thản, chủ thể - tác giả tiếp tục dõi sâu hơn vào “cuống họng tôi những bông hoa chui ra/ những bông hoa khác từ đôi mắt tôi/ từ đầu ngón tay/ từ lồng ngực”. Bài thơ kết thúc bằng một sự thật sửng sốt: “Bất chợt tôi nhớ ra là mình đã qua đời vài năm trước đó và tấm thân bây giờ là mảnh đất màu mỡ cho đám hoa lá mùa xuân”. Từ dòng đầu tiên cho đến khi kết thúc, tác giả vẫn luôn kiên trì lối mô tả khách quan, tối giản. Sự tiết chế này có tác dụng dẫn dụ người đọc đi vào thế giới của sự bất thường một cách tự nhiên. Dường như không ai – ngay cả tác giả – nhận ra sự bất thường này cho đến khi anh ta “chợt nhớ mình đã qua đời” và khi đó, điểm nhìn và tính chất của cái nhìn lập tức thay đổi. Không phải là cái nhìn của kẻ đang sống, đang đứng ngắm nghía, mô tả cảnh vật – cái thế giới ngoài mình, tách rời và đối lập với mình – trong thì hiện tại, trong những phiến cảnh rời rạc, một cách nhàn nhã vô tư lự; mà là cái nhìn của kẻ đã chết, đã nằm dưới đất, nơi thân xác và đất đen hòa làm một, đang hồi cố đời sống trong cái nhìn tổng kết, khái quát. Một loạt tương quan đối lập mang ý vị triết học dấy lên từ đó. Nhưng cái đáng quan tâm trong bài thơ này không phải là những tương quan đối lập (là điều dễ nhận thấy và cũng đã được bàn nhiều trong thơ như một chủ đề phổ quát) mà là sự chuyển hóa giữa các yếu tố đối lập ấy, và hơn thế, là cách mô tả về quá trình ấy. Sự sống và cái chết chuyển hóa và thâm nhập vào nhau tự nhiên đến đỗi khó có thể nhận ra được, đến nỗi ngay cả với kẻ (đã nằm dưới mộ), cảm giác những bông hoa chui ra từ cuống họng, từ đôi mắt hay ngón tay, đôi tai, lồng ngực... cũng là một cái gì không thể tự nhiên hơn và bởi thế, dường như không đem lại sự chấn động đáng kể nào với “tôi” - người quan sát, đồng thời cũng là kẻ đã/ đang chết. (Thực ra, đặt trong những câu thơ này, nhận định về những bông hoa “đang chiếm đoạt lấy thân thể tôi, làm tâm tư tôi trở nên bấn loạn” cũng có thể được hiểu theo một cách khác, theo nghĩa đen, “cực thực” và điều này, tự nó đã làm bật nổi tính chất dị thường của sự việc. Dị thường bởi chính sự quá bình thường, hiển nhiên của nó). Và thế là, ngay cả với người đã chết, những cảm giác, cảm xúc ấy làm cho anh ta “sống” hơn hết. Ở đây không hẳn là sự song hành (hiểu theo nghĩa tách rời hai điểm nhìn người sống - kẻ chết, âm - dương, quá khứ - hiện tại...) mà là sự chuyển hóa, hòa trộn, thống nhất giữa hai điểm nhìn ấy.

Nhìn rộng ra, có thể thấy sự hòa hợp giữa cái tôi và cái ta, giữa cá nhân và vũ trụ, giữa cái hữu hạn và cái Vô cùng là một đặc điểm nổi bật trong Lịch mùa. Sự hòa hợp này khăng khít và tự nhiên đến nỗi dường như chính chủ thể cũng thấy không cần phải có sự phân biệt với khách thể trong quan sát, mô tả. Xuân sớm là một ví dụ:

 

Báo đài đưa tin anh đào ra hoa

khi ta bận đóng chiếc hòm gỗ trong khu vườn vắng

Mùa xuân đến bất thường như cơn bão

gom lá khô ném vào khung cửa sổ

mèo con sợ hãi leo lên cây mận trước nhà

Nắng tắt

chú sóc nhỏ ló đầu khỏi tán cây dẻ

sáo đen ngưng hót bên kia hàng rào

tiếng ấm trà reo trên bếp

Đôi ba hạt mưa buông nhẹ trên mặt nước

những đóa hoa vàng nở ra trước cơn dông

người đưa thư trước ngõ rời đi trong gió

Rõ ràng, hình ảnh một mùa xuân “bất thường gom lá khô ném vào khung cửa sổ” hay hình ảnh “những đóa hoa vàng nở ra trước cơn dông” trong Xuân sớm dường như không hẳn chỉ được mô tả từ cái nhìn khách quan của kẻ đứng ngoài, tách rời vạn vật. Đó còn là cái nhìn từ bên trong của chính sự vật. Tự bên trong nó đủ sức nhận ra cả cái bất thường của cơn dông giữa mùa xuân lẫn tốc độ chậm rãi của những đóa hoa vàng nở ra trước cơn giông lốc. Cũng vậy, hình ảnh một chú sóc, một quả táo cuối thu, con rắn lục thay da bên tảng đá hay những bông tuyết đầu mùa rơi xuống hóa thành chú ngựa lồng lên hí vang (Giấc mộng đầu đông, Thu, Xuân)… vừa xuất hiện trong tư cách cá thể đơn nhất, riêng biệt, vừa trong tư cách biểu trưng của một đời sống thống nhất, vĩnh cửu, nằm ngoài không - thời gian vật lý. Bởi vậy, thơ nói về khung cảnh sinh hoạt hàng ngày nhưng người ta thấy sự bình yên, an lạc của nội tâm. Thơ nói về những chi tiết nhỏ bé, vụn vặt nhưng người ta thấy cái rộng rãi, khoáng đạt của tự nhiên, vũ trụ. Thiền vị toát ra từ những cảnh tượng đời sống đơn sơ, giản dị mà ấm áp, mà thực chất, ta cũng có thể hình dung như những sát na đầy ý nghĩa của tồn tại. Cũng cần nói thêm là thơ Pháp Hoan thường xuyên nói về cái chết. Có khi nó là chủ đề xuyên suốt bài thơ (ví dụ Mùa xuân sau một cái chết); có khi là hàng loạt hình ảnh, chi tiết liên đới, ví dụ con cá chửa/ bò lên bờ đất chết cạn, cánh đồng xác chết, loài chim ma, từng đôi xác chết cổ xưa say ngất, hai người đàn ông treo cổ trên cây, hơi thở từ những người đã chết... Nhưng dẫu hình ảnh cái chết xuất hiện thường xuyên, ấn tượng chung cục không phải là ý nghĩ về kết thúc bi thảm của cuộc đời, mà ngược lại. Cái chết, qua cách diễn tả của Pháp Hoan, dường như đã trở thành một phần tất yếu trong đời sống, sự tham dự và nhắc nhở thường xuyên của nó đã soi tỏ ý nghĩa, giá trị của sự sống.

Tương phản, đối lập chính là kiểu kết cấu nổi bật của Lịch mùa. Đó là sự đối lập giữa sự trôi chảy và an tĩnh. Là sự đối lập giữa nhất thời và vĩnh viễn. Cá biệt và Toàn thể. Sự sống và cái chết… Xét đến cùng, nó nhằm hướng đến khẳng định tính chất hòa hợp, thống nhất của thế giới ở cấp độ chung nhất, phổ quát nhất. Rất khó để tách rời các phần/ đoạn trong một số bài thơ để thực hiện các thao tác phân tích: tất cả những câu chữ ấy tập hợp lại, cấu kết với nhau thành một sinh thể chữ. Chúng thì thầm những câu chuyện tuyệt đẹp về đời sống, như cái mạch ngầm sự sống vẫn rì rào tuôn chảy đâu đó, đằng dưới đời sống của sinh giới. Màu sắc, cảm giác, âm thanh, những đường nét chuyển động,… tự chúng tạo nên vẻ đẹp riêng, như bản hòa ca của Vô cùng. Điều này có thể tìm thấy trong những bài viết về bốn mùa thời gian (hẳn không ngẫu nhiên mà tập thơ này có tên Lịch mùa):

 

- Thiên nhiên sáng nay tụ tập quanh vườn lắng nghe hoa táo nở

có con rắn lục thay da bên hòn đá

lũ bướm trắng bay qua làng như một cơn lốc hoa

không nhà, không quê hương

thiền tăng ngủ quên bên bờ suối

mơ thấy mình là cây anh đào

nở ra dưới bầu trời đầy sao.

(Xuân)

- Tiếng sấm động giữa trưa nắng hạ

bóng cơn mưa rào trên giàn mướp trổ hoa

tia chớp xanh lấp lánh trên tán lá

mặt trời đỏ say ngủ trong ổ trứng gà

tôi là con ếch nhỏ trong nồi canh trưa nay

mẹ là trái bầu cha là bông súng

em là bụng trứng con cá chửa

bò lên bờ đất chết cạn đêm qua…

(Mưa dông)

- Tôi nằm yên nghe gió cuốn lá rơi trên đầu

tôi nằm yên nghe lời than thở từ biển cả

dưới lòng đất sâu nước đang reo lên vui sướng

có tiếng súng nổ đâu đó trong rừng khô mùa thu

và đâu đó tiếng dã thú kêu gọi cái ác trong lá mục

tôi đợi chờ cái chết của tuổi trẻ

tôi đợi chờ ngày mưa

tôi đợi chờ tháng nắng

và đợi chờ trên con đường cùng tôi

là cây táo dại

với những cành khô đã hoá thành gai nhọn

đâm sâu vào những quả chín cuối mùa

(Thu)

- Mùa đông khắc nghiệt đột ngột tràn về trong không gian

bẻ cong tiếng động

xoá nhòa thời gian

làm chậm những dòng suy nghĩ

Tôi lang thang trong rừng buổi sớm mai

một thân cây già đổ xuống trên mặt hồ đóng băng

làm nên một vết nứt chạy dài

Và khi gió lạnh thổi về

mặt hồ phát ra từng tiếng động đứt đoạn

giòn và khô

như tiếng xương gãy

Vết nứt lớn thêm ra, phân thành nhiều nhánh nhỏ

trong khi linh hồn cổ thụ đang chậm chạp trôi ra ngoài

(Biến cố mùa đông)

Càng đi sâu vào những nghiệm sinh về vĩnh cửu, cái tôi Lịch mùa càng khao khát được thong dong nhẹ bước vào vô tận. Nhưng là một con người trẻ tuổi và giàu khát vọng, một cách tự nhiên, những sợi dây trần gian ràng rịt khiến cái tôi này không dễ lựa chọn tâm thế “vô tâm” buông bỏ. Tự do, “một thứ Tự do/ Còn xanh hơn cả cỏ trên nấm mồ của họ (Đâu đó trên bản đồ của lương tâm) của Pháp Hoan, do vậy, cần được nhìn nhận từ góc độ xã hội, nhân sinh. Dĩ nhiên, với nhà thơ này, ý niệm tự do còn gắn liền với cao vọng giải phóng tinh thần, tư tưởng, nhằm thoát khỏi những “mê đồ của sân si, nhằm tìm thấy sự “an lạc nội tâm vĩnh hằng. Cảm xúc thanh cao” và “lý trí đẹp đẽ”, do vậy, trở thành cái đích mà tác giả hướng tới. Tất nhiên, trên thực tế, không phải bài nào trong Lịch mùa cũng đã đạt đến sự hài hòa thẩm mỹ cần thiết giữa lý trí và xúc cảm. Một số chỗ về ý tưởng cũng như diễn đạt còn mòn sáo, cũ kỹ, chẳng hạn Tôi phóng thích đoàn nô lệ trong tôi/ Tôi triệu hồi những nụ hôn đã hóa đá; Mỗi hạt cát là một xác sao khô/ Được chưng cất trong biển hồ nước mắt...

Lịch mùa, nếu ở phần đầu chủ yếu hướng về cảm hứng tự nhiên, tâm linh mang đậm ý vị Thiền học, triết học, thì trong phần sau đã chuyển sang những nội dung thế sự nhiều hơn và có vẻ hơi ly tâm so với tên tập. Nghĩa là cái tên Lịch mùa dường như chưa bao hết được những nội dung trong tập thơ này. Riêng tôi nghĩ, chính sự “ly tâm” so với tên tập này lại là một điểm đáng suy nghĩ. Nó cho thấy, dù viết về vòng quay bất tận của thời gian thì thì hiện tại mới là cái thời gian tồn tại đích thực của con người. Thì hiện tại, như một đối tượng ẩn hình nhưng luôn hiện diện trong tác phẩm, là lựa chọn hướng về của cái tôi, nên dù đi xa đến mấy, nhà thơ vẫn khó lòng ly tâm với cuộc đời này, thế cuộc này. Tuy nhiên, về mặt thi pháp, tác giả cũng cần chú ý hơn đến tính nhất quán trong cấu trúc của toàn tập.

Từ những bài thơ đầu tay trong Lịch mùa đến những sáng tác gần đây, cảm hứng cũng như thi pháp thơ của Pháp Hoan đã ít nhiều thay đổi. Cảm hứng mô tả về thế giới với giọng điệu, hình ảnh tươi tắn, cụ thể dần ngả sang cảm hứng triết luận đậm nét, trực diện hơn. Mặc dù vậy, việc gia tăng tính luận đề cũng để lại dấu vết, ít nhiều át đi vẻ tự nhiên, trong trẻo của hình tượng, ngôn từ, vốn là điểm nổi bật trong những sáng tác trước đó. Bên cạnh yếu tố phúng dụ, tự sự, đôi khi xuất hiện yếu tố giễu nhại, điều hiếm gặp trong Lịch mùa. Ảnh hưởng của việc đọc, dịch các tác giả Âu Mỹ cũng có thể thấy rõ trong các sáng tác này. Những tìm tòi, đổi mới ấy, theo tôi, là hết sức ý nghĩa và cần thiết đối với người cầm bút. Và dĩ nhiên, cho thơ.

Vinh, 28/8/2018

L.H.Q