Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

Sự thật phía sau hành trình “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử”

Nguyễn Văn Phước

Nhiều năm trước tôi đã từng được nghe đến sự kiện mà một vài người rỉ tai nhau, nói nhỏ về trận hải chiến đẫm máu ở một đảo ngoài Trường Sa. Các em học sinh, sinh viên cũng nghe nói máu Trường Sa đã đổ nhưng không rõ đổ máu ở đâu? Do ai? Trong trường hợp nào?... Những bài báo chính thống hiếm hoi, rải rác lúc đó cũng không giúp người đọc hiểu rõ sự việc vì một số bài chỉ đề cập mập mờ, cẩn trọng là do “tàu lạ”, “quân đội nước ngoài” gây ra, không hề dám nhắc đến tên Trung Quốc. Trừ những bài báo rất thẳng thắn, mạnh mẽ đăng tuyên bố của Bộ Ngoại giao ngay khi xảy ra vụ việc, nhưng trên báo giấy và đã rất lâu rồi, từ năm 1988, sau đó dường như không ai nhắc đến nữa. Kể cả gần đây tàu thuyền ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc ức hiếp, đâm chìm thì báo chí chính thống vẫn chỉ dám nói là do tàu lạ, tàu nước ngoài...

Tôi và anh em First News đã từng có ý định làm một cuốn sách về sự kiện Trung Quốc giết người chiếm đảo đó ở Trường Sa nhưng manh mối thông tin xác thực rất ít. Mãi đến khi Trung Quốc kéo giàn khoan HD981 qua vùng biển chủ quyền của Việt Nam thì một đoạn clip video chừng ba phút bằng tiếng Trung, có logo tiếng Trung Quốc ở góc trên phải do Hải quân Trung Quốc công bố nhiều năm trước đó khoảng 2006, bỗng rộ lên trên mạng Internet, mấy anh em First News đưa tôi xem. Và tôi đã lặng người rất lâu và xem đi xem lại nhiều lần. Sau khi kiểm tra dịch ra tiếng Việt và xác nhận tính xác thực đoạn clip đó, tôi quyết định xếp lại những dự án xuất bản đang làm và tập trung toàn bộ tâm lực anh em vào tìm, thu thập tư liệu cho bản thảo.

Không phải ai trong First News lúc đó cũng đồng ý tôi làm cuốn sách này, bạn bè tôi, những người hiểu chuyện nhìn tôi lo lắng “Khó xin giấy phép xuất bản lắm”. Nhà báo Lê Thanh Phong đã tích cực tìm tư liệu cho tôi nhưng cũng nói thẳng chắc nịch: “Em tìm cho anh là vì anh yêu cầu chứ em thách anh xin được giấy phép đó! Anh sao rành chính trị bằng những thằng chuyên lăn lộn viết nội chính hàng chục năm như em! Anh sao quá ngây thơ!”. Nhà báo Đào Tuấn còn cười, nói: “Anh phải đặt tên sách là “Vòng tròn trái bưởi” may ra còn được cấp phép – chứ đặt “Vòng tròn Gạc Ma” là never!”. Nhà văn Nguyễn Quang Lập khuyên chân tình: “Đụng vào tường đá làm gì cho rắc rối, mang hoạ vào thân. Tìm sách khác để làm để nuôi nhân viên đi, thời buổi xuất bản khó khăn lắm rồi. Đừng có dại dột!”.

Lúc đầu từ những bài viết của các nhà báo (đã đăng và chưa được đăng lúc đó), sau đó tìm ra số điện thoại liên lạc của các cựu binh Gạc Ma đang ở các tỉnh thành... Sau vài tháng, cuốn sách đã hình thành để đi xin giấy phép với cái tên: “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử” (Vòng Tròn Bất Tử đã được nhiều người gọi khi nhắc tới sự việc Gạc Ma bi thương trước đó) – bởi vì thực sự cái vòng tròn các chiến sĩ Việt Nam đứng trên đảo nước biển tới lưng ngã xuống khi bị quân Trung Quốc trên tàu bất ngờ bắn thẳng bằng súng máy hoả lực cao như bắn bia với tiếng hô “Tả! Tả! Tả!...” trong đoạn clip 26 năm trước luôn cứ mãi ám ảnh tôi, kể cả khi đi ngủ.

Trong quá trình đi xin phép các NXB, tôi luôn mang theo cái Ipad để mở đoạn clip đó cho những người cần xem, tôi rất ngạc nhiên là nhiều vị cán bộ, kể cả cấp cao, cũng chưa từng xem đoạn clip Gạc Ma này, tôi làm hẳn một clip mang tên Hạt Giống Tâm Hồn chép đoạn clip có tiếng thuyết minh tiếng Việt trên mạng để dễ trình bày. Vì tôi biết giữa biết và hiểu đến cảm xúc trắc ẩn, cần làm điều gì đó cho các chiến sĩ Gạc Ma là một chặng đường khá xa, cần sự kiên định. Các bạn nên xem clip này:

https://m.youtube.com/watch?v=aIkKWCp5poY

NXB đầu tiên do tôi rút về để hoàn thiện và nộp các NXB khác được một cán bộ Cục Xuất bản giới thiệu là hợp hơn. Các NXB rất vui vẻ khi nhận bản thảo nhưng ít tuần sau đó, đã im lặng trả lại, không nói lý do, chỉ nói không phù hợp với chức năng của NXB. Trong suốt quá trình bốn năm xin giấy phép xuất bản chưa bao giờ tôi nhận được công văn hay bất kỳ văn bản nào nói cuốn sách không cấp giấy phép là do chất lượng bản thảo không đạt yêu cầu. Mà ngay cả cuốn sách đã xuất bản rồi bản thân tôi dù đã cố gắng hết sức, cũng còn cảm thấy còn có thể bổ sung thêm những phần về mưu đồ của Trung Quốc trên Biển Đông, nỗi đau đảo Gạc Ma bây giờ, kế hoạch đánh chiếm đảo Gạc Ma và các đảo ở Trường Sa của Trung Quốc đã có từ lâu rồi (theo thông tin nội bộ của Bộ Tư lệnh Hải Quân Trung Quốc bằng tiếng Trung mà chúng tôi tìm được), nhưng anh An Tiêm lúc đó là Vụ Xuất Bản nói là rất nhạy cảm, để lần sau tái bản bổ sung cũng chưa muộn. Tìm cách ra được cuốn sách trước đã.

Thân sinh tôi lúc đó nhập viện vì bệnh nặng, sợ không qua khỏi, mà ông rất muốn tôi làm cuốn sách này, làm điều gì đó ý nghĩa cho các liệt sĩ Gạc Ma. Bản thân ông cũng là bậc cách mạng lão thành nhưng cũng chỉ biết đến Gạc Ma khi tôi đưa ông xem đoạn clip. Lúc đó tôi cảm nhận hành trình xin xuất bản này sẽ lâu, phải qua nhiều cấp. (Mà hầu như ai cũng sợ trách nhiệm. Ngay cả đến năm 2016, theo lời tướng Lương kể, Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng phải chờ ý kiến chỉ đạo của cao nhất từ Quân uỷ Trung ương). Lúc đó tôi nhận ra xuất bản có luật xuất bản, nhưng vẽ tranh chưa có luật vẽ tranh, muốn vẽ thì vẽ, và sau đó nói về ý nghĩa, sự kiện xảy ra trên bức tranh là hợp pháp – nên nghĩ ra ý tưởng đấu giá bức tranh tôi đặt vẽ cùng tên “Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử”. Tôi mời hoạ sĩ Bùi Lệ Trang để vẽ bức tranh tôi chụp lại màn hình lúc quân Trung Quốc bắn các chiến sĩ ta trên đảo Gạc Ma. Cuộc đấu giá bức tranh sơn dầu khổ 1,6m x 2,2m vô tiền khoáng hậu trên báo chí và mạng xã hội khởi đầu ngày 4/6/2015 kéo dài suốt 7 tuần, 49 ngày kết thúc vào ngày 22/7/2015 bằng cuộc đấu giá chính thức cùng Đại Lễ Tưởng Niệm Cầu Siêu lần đầu tiên cho 64 liệt sĩ Gạc Ma ở chùa Vĩnh Nghiêm với hơn 3000 người tham dự làm lan toả một tinh thần yêu nước lạ thường và sự hiểu biết về Gạc Ma đến nhiều tầng lớp bạn đọc. Mỗi tuần một người đấu giá và được quyền tặng cho một ai đó và nói rõ lý do tặng. Thông tin này lúc đó đều được báo chí quan tâm đăng tải.

Khởi đầu là Thiếu tướng Lê Mã Lương với mức giá 50 triệu. Tôi đã tìm gặp Tướng Lê Mã Lương sau khi bản thảo đã đi qua được vài NXB vì đọc trên mạng nhận thấy Tướng Lương rất quan tâm đến sự kiện Gạc Ma, Trường Sa và nhờ Tướng Lương cấu trúc và thẩm định lại các chi tiết quân sự bản thảo và đứng tên chủ biên viết Lời Giới thiệu cùng xin giấy phép, chứ không trực tiếp viết bài hay định hướng. Thực sự lúc đó anh em chúng tôi tìm tòi hỏi thăm bất cứ ai có quan tâm và có hiểu biết về Gạc Ma đều tìm cách liên hệ để mời cùng thực hiện cuốn sách để chất lượng hơn. Tôi là người làm sách, quan hệ tiếp cận bên quân đội và Bộ Tư lệnh Hải Quân còn hạn chế nên phải nhờ người quen liên hệ, đó là Thiếu tướng Lê Mã Lương có người từng là thuộc cấp trước đây đang làm ở đó. Mãi sau mới xin được công văn có dấu đỏ của Bộ Tư lệnh Hải Quân xác nhận danh sách 64 liệt sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma bởi quân Trung Quốc và sự kiện Gạc Ma là có thật. Đó là yêu cầu bắt buộc của Cục Xuất Bản ngay từ đầu là phía bên Việt Nam phải có văn bản có dấu đỏ xác nhận sự việc là có thật. Mà chúng tôi hỏi khắp nhưng không có cơ quan nào dám khẳng định sự việc bằng văn bản, đóng dấu – ngoài Bộ Tư lệnh Hải Quân.

Vâng! Bất cứ ai giúp chúng tôi được tôi đều sẵn lòng bay đi gặp, và ở Việt Nam lúc đó quá ít người lên tiếng nói về Gạc Ma. Bây giờ tôi mới biết có một số người rất am hiểu về sự kiện Gạc Ma, thậm chí biết rất rõ mà sao trong suốt thời gian vài chục năm đó họ lại im lặng, bặt vô âm tín. Sao suốt 30 năm qua họ không lên tiếng của sự thật cho dân và quân ta biết rõ về trận thảm sát đau thương này của quân Trung Quốc? Nếu biết họ lên tiếng nói chính trực, chúng tôi chắc chắn đã đi tìm bằng được và mời họ tham gia cuốn sách rồi. Chúng tôi coi cuốn sách này không phải của riêng ai, mà của người Việt Nam, mà chúng tôi như là có sứ mệnh phải dấn thân thực hiện.

Người đấu giá tiếp theo là GSBS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đấu giá 100 triệu và tặng bức tranh cho Quốc hội Việt Nam. Sau đó anh Lê Viết Hải – Tập đoàn Hoà Bình đấu giá 200 triệu tặng bức tranh cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, rồi ông James G. Zumwalt con trai Đô đốc Hải Quân Mỹ đấu giá 17.000 USD tặng bức tranh cho Hải Quân Mỹ, rồi Thượng Toạ Thích Thanh Phong, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm thay mặt cho Trung Ương Giáo hội Phật giáo và toàn thể phật tử Việt Nam đấu giá 400 triệu đồng và tặng bức tranh cho toàn thể dân tộc Việt Nam thì bùng lên một làn sóng truyền thông lạ kỳ kể về sự kiện Gạc Ma trên mạng xã hội và trên báo chí Việt Nam, lan ra cả nước ngoài, Nhật, Mỹ... Mỗi lần đấu giá, bức tranh về sự thật Gạc Ma lại khắc ghi thêm vào lòng bạn đọc.

https://m.youtube.com/watch?v=pyWW9Yizvzw

Đến lúc đó thì có chuyện xảy ra, vào lúc 4h chiều giữa tháng 6/2015 tôi đang ở Bệnh viện Hoàn Mỹ chăm sóc cha tôi trong phòng săn sóc đặc hiệt, lúc bệnh tình của ông đã quá nặng rồi, thì nhận được điện thoại của em Quân Trọng Vũ: “Anh Phước ơi, anh về công ty gấp, có xe công an đến đòi gặp anh!”. Tôi lo cho ông xong về tới First News lúc 5h. Đón tôi là hai cán bộ An Ninh, một Đại tá, một Trung tá từ Hà Nội bay vào, đưa giấy giới thiệu ra, tôi mở một chai rượu và rót trà mời uống.

Anh Đại tá tên T. bắt đầu luôn, nghiêm giọng hỏi:

– Vì sao anh có bức tranh Gạc Ma?

– Một hoạ sĩ vẽ tặng tôi.

– Anh đấu giá tranh để làm gì?

– Tôi đấu giá tranh Gạc Ma để lấy tiền giúp đỡ 64 gia đình Liệt sĩ Gạc Ma. Có gì sai không ạ?

– Anh có giấy phép đấu giá tranh không?

– Tôi không có giấy phép. Vì tôi đấu giá qua mạng xã hội và báo chí để giúp liệt sĩ nên tôi nghĩ không cần giấy phép.

– Sao anh không đấu giá một lần tại một sự kiện mà lại đấu giá mỗi tuần?

– Đâu có luật nào bắt đấu giá một lần đâu?

– Vì sao anh tổ chức đấu giá mà lại còn tặng bức tranh cho Quốc hội, cho Thủ tướng? Ai cho phép anh tặng vậy? Anh tặng vậy có ý gì?

– Tôi không tặng! Mà chính người bỏ tiền đấu giá tranh họ có quyền tặng ai đó là quyền của họ. Pháp luật Việt Nam đâu có cấm một người dân tặng tranh cho một ai đó đâu?

– Anh sẽ còn tặng bức tranh Gạc Ma cho ai nữa?

– Tôi không biết. Tuần tới ai đấu giá cao hơn thì được quyền tặng bức tranh cho một ai đó mà họ muốn. Tôi còn không biết tuần sau ai sẽ đấu giá cao hơn nên không trả lời anh được.

Thấy hai anh im lặng, uống rượu, tôi bắt đầu hỏi lại:

– Cho tôi hỏi thăm một chút, anh sinh năm bao nhiêu để tiện xưng hô?

– Tôi sinh năm 1962.

– Anh là Đại tá, trước khi vào công an, anh công tác ở đâu?

– Sao anh lại hỏi tôi như vậy?

– Bây giờ là hơn 6h chiều, sau giờ làm việc, anh hỏi tôi thì tôi cũng hỏi thăm anh mà. Có gì khách khí và ngại đâu?

– Tôi đã từng đi bộ đọi, tôi đã từng tham gia chiến trường K.

– Vào năm 1988 anh ở đâu?

– Tôi ở Vị Xuyên, Hà Giang.

– Anh đã xem clip Trung Quốc thảm sát chiến sĩ ta ở Gạc Ma chưa?

– Tôi có nghe nói về Gạc Ma, nhưng chưa có dịp xem clip đó.

Tôi mở đoạn clip đó cho hai anh xem, vặn loa to một chút và cùng xem với hai anh. Gương mặt hai người thay đổi, cảm xúc hơn theo từng diễn biến trên clip. Đến lúc Trung Quốc bắn chiến sĩ ta, hai anh tập trung chăm chú, thốt lên: “Ôi! Dã man quá!”.

Sau đó im lặng một hồi, tôi trở lại câu chuyện với Đại tá T. bằng một giọng trầm và sâu:

– Tôi hỏi anh câu này không phải anh bỏ qua nhé. Nếu vào ngày 14–3–1988 anh không được Bộ Quốc phòng cử lên Vị Xuyên, Hà Giang công tác, mà cử ra đảo Gạc Ma. Vào ngày đó nếu anh và đồng đội bị quân Trung Quốc bắn chết y như anh vừa xem đoạn clip vừa rồi. Gia đình vợ con, bố mẹ anh suốt một thời gian dài khó khăn. Sau 27 năm, có một người có thiện tâm muốn đấu giá một bức tranh về khoảnh khắc anh hy sinh, kể lại câu chuyện đó, và lấy tiền đấu giá tranh giúp đỡ gia đình, vợ con, bố mẹ anh. Thì không phải anh đang ngồi uống rượu với tôi ở đây đâu, mà là linh hồn của anh đang vất vưởng nơi biển lạnh, có cảm thấy ấm lòng và ủng hộ việc tôi làm cho tên tuổi anh và gia đình anh không?

Nói tới đây, hai anh An Ninh im lặng, trầm ngâm suy tư, cầm cốc trà trên tay mãi mà không uống.

Một lát lâu sau, viên Đại tá T. đứng dậy, nhìn thẳng vào mắt tôi, bắt tay tôi thật chặt: “Tôi sẽ về báo cáo để ủng hộ việc anh làm!”.

(Tôi thực sự có ấn tượng tốt về hai anh An Ninh đáng nhớ này).

Tiếp sau đó là một cô gái người Việt gốc Hoa đấu giá 500 triệu và tặng bức tranh cho Tổng thống Obama.

http://congan.com.vn/tin–chinh/buc–tranh–gac–ma–vong–tron–bat–tu–duoc–tra–gia–500–trieu–dong–de–tang–barack–obama_3562.html

Rồi vợ chồng cụ Nguyễn Công Nghệ – Nguyễn Thị Phương đấu 730 triệu tặng bức tranh cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, kèm bức thư lăn tay bằng máu gửi Tập Cận Bình (vào đêm đấu giá bức tranh, lá thư đặc biệt này đã được một người đấu giá 300 triệu để tặng tiền cho Cảnh Sát Biển Việt Nam).

https://tintuc.vn/ong–tap–can–binh–se–duoc–tang–buc–tranh–gac–ma–vong–tron–bat–tu–59510

Buổi đấu giá chính thức được Thầy Thích Thanh Phong sắp xếp trong Đại Lễ Cầu Siêu Tưởng Niệm lần đầu tiên cho 64 liệt sĩ Gạc Ma hơn 3000 người tại chùa Vĩnh Nghiêm rất trang trọng và lớn. Một khán đài khổng lồ được dựng lên sân chùa trước chánh điện, vì báo chí đã đưa tin trước là Đại Lễ Tưởng Niệm lần đầu tiên về Gạc Ma và đấu giá tranh chính thức. Gần tới giờ, tình hình căng như dây đàn, đây là lân đầu tiên một sự kiện lớn tổ chức cho các liệt sĩ Gạc Ma, rất may Thầy mời được Đại tướng Trần Đại Quang đến dự vào lúc 5h chiều, báo chí thông tin được bùng nổ các bài viết lớn mạnh dạn gọi đích danh Trung Quốc là quân xâm lược – ngay từ đêm hôm đó kéo dài suốt cả tuần sau. Bức tranh được anh Lê Viết Hải đấu giá 1 tỷ 280 triệu và đã trao đầy đủ cho 64 gia đình liệt sĩ Gạc Ma. Đêm xúc động nhiều nước mắt đó được giới truyền thông đánh giá như một Hội Nghị Diên Hồng. Đặc biệt, trước lúc tưởng niệm và đấu giá tranh, đoạn Video Trung Quốc xả súng bắn 64 chiến sĩ ta được chiếu cho các gia đình liệt sĩ và cựu binh Gạc Ma cùng 3000 người trên hai màn hình cỡ lớn 600 inch và hệ thống âm thanh công suất lớn 38 loa lắp đặt quanh sân chùa đã tạo nên một cảm xúc chưa từng có cho tất cả mọi người tham dự. Những tiếng kêu: “Trời đất ơi!”, tiếng nấc nghẹn, khóc thành tiếng của vợ con Liệt sĩ Trần Văn Phương và gia đình liệt sĩ cùng tất cả mọi người đã tạo nên một không khí chưa từng có. Có ai đó từ các vị sư cao tuổi hô to: “Sát Thát”. Cả một rừng người uất nghẹn, căm phẫn về sự thật lần đầu chứng kiến. Một tình yêu thương người lính, yêu Tổ quốc dâng trào...

Tối đó, tất cả các gia đình liệt sĩ, cựu binh Gạc Ma, gia đình tử sĩ Hoàng Sa đều được tặng 20 triệu đồng. Đã chống ngoại xâm thì dù ở thể chế nào cũng cần được tôn vinh.

(mọi thông tin đều kiểm chứng trên các báo chính thống)

https://m.youtube.com/watch?v=by8ST9a_wl8

http://congan.com.vn/tin–chinh/uoc–mong–tot–cung–cua–bac–cach–mang–lao–thanh–67–nam–tuoi–dang_8401.html

Trong giai đoạn đấu giá tranh đặc biệt chưa từng có này, nhiều bạn bè đã unfriend trên fb và cả bạn ngoài đời, ngừng liên lạc điện thoại với tôi, cả những Đảng viên, doanh nhân, nghệ sĩ có tiếng. Tôi hiểu và rất cảm thông với họ. Sau này thấy an toàn, họ mới gọi, tìm lại tôi. Sau cuộc đấu giá bức tranh và Đại lễ tưởng niệm cầu siêu ít ngày, Cha tôi mất trong bệnh viện.

Tôi kể lại chỉ muốn nói một bộ phận chưa hiểu hết ngọn nguồn, tôn vinh, tri ân những người đã trực tiếp đối đầu với hiểm nguy và cả mạng sống để bảo vệ biển đảo, tổ quốc là điều chúng ta không thể quên được.

Trước đó nhiều nhà báo từng viết về Gạc Ma bị gỡ bài, rút thẻ, nhiều đơn vị tổ chức tưởng niệm Gạc Ma bị quấy rối...

Chẳng lẽ ở đất nước này, hy sinh xương máu chống quân Trung Quốc xâm lược tổ quốc mình là một cái tội, phải bị lãng quên, bị hất hủi sao?

Những anh hùng đã hy sinh trong cuộc xâm lược của Trung Quốc 17–2–1979 như Lê Đình Chinh, Nguyễn Bá Lại, Hoàng Thị Hồng Chiêm... rất nhiều năm qua có ai nhắc tới không? Trường Tiểu học mang tên nữ anh hùng Hoàng Thị Hồng Chiêm vì sao đã bị thay tên, đục bỏ chữ từ rất lâu rồi?

Sau này, nếu, Trung Quốc nổ súng tấn công xâm lược Việt Nam, ai sẽ lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nếu họ biết trước dù chết hay may mắn còn sống, họ sẽ bị đối xử như như đã từng? Hãy thay đổi ngay khi còn kịp!

Các bạn sẽ hiểu hành trình thuyết phục và đấu tranh cho cuốn sách đầy đủ nhất đầu tiên ở Việt Nam về trận thảm sát Gạc Ma gọi đích danh Trung Quốc là thủ phạm được xuất bản chính thức khó khăn và gian nan như thế nào.

Và đây là lá thư do chính con gái Liệt sĩ Trần Văn Phương Thuy Tran, người cầm cờ trên đảo Gạc Ma bị Trung Quốc hạ sát bằng lưỡi lê ngay trên đảo – trước khi rút lên tàu hạ nòng nã đạn bắn giết 64 chiến sĩ Việt Nam, viết, tất cả là sự thật.

https://kimdunghn.wordpress.com/2015/08/13/bai–hoc–quy–gia–tu–mot–dom–lua–nho–gac–ma/

Tất cả những điều mắt thấy tai nghe đó, thôi thúc tôi ngày đêm vượt mọi khó khăn trở ngại xin phép bằng được để xuất bản cuốn sách thiêng liêng này. Không ít lần tôi đã khấn trước bàn thờ Phật xin anh linh 64 liệt sĩ Gạc Ma độ trì, hỗ trợ tôi ra bằng được cuốn sách này.

Không ít lần vào những lúc khó khăn, tuyệt vọng nhất, nhiều người đã khuyên tôi dừng lại, khuyên tôi từ bỏ. Nhiều người đã khuyên tôi mang bản thảo qua Mỹ hay nước ngoài in. Nhưng tôi mong muốn cuốn sách được in ra trên mảnh đất này – nơi thấm máu xương bao nhiêu con người trung hiếu – mà hương hồn anh linh họ đang còn ẩn hiện đâu đây, nơi có biết bao khát khao chờ đợi của những người liên quan, quan tâm còn sống.

Trong một cuốn sách lần đầu tiên về Gạc Ma chắc chắn chúng tôi không tránh khỏi những thiếu sót. Và tìm những cựu binh nhân chứng từ Gạc Ma trở về cũng chỉ liên hệ được 22 người, chủ yếu qua cựu binh Lê Hữu Thảo, Ban Liên Lạc cựu binh Gạc Ma. Như trường hợp Đại tá Hoàng Bùi Hải quê ở xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. (Khi xảy ra sự kiện Gạc Ma 14/3/1988 thì Hoàng Bùi Hải là Thượng úy, được giao chức đảo trưởng đảo Colin), chúng tôi cũng chưa có dịp phỏng vấn. Đến ngày ra mắt sách chúng tôi và nhà báo Nguyễn Huy Toàn mới kịp mời anh Hải vào Sài Gòn dự lễ Họp Báo. Và chúng tôi đã tìm được thông tin về cựu binh Nguyễn Văn Lực ở Quảng Bình, cựu binh Cơ, Luận, Phúc quê Lệ Ninh, Quảng Bình, cựu binh Tại quê ở Huế, Võ Văn Doàn quê ở Đông Hà, Quảng Trị, Hồ Văn Đạo ở Bố Trạch, Quảng Bình, Phạm Văn Đương, Nguyễn Thanh Xuân ở Ba Đồn, Quảng Bình, cựu binh Đỗ Ngọc Hưng quê Kiến An, Hải Phòng, cựu binh Nguyễn Văn Ninh quê Bắc Ninh, Lê Văn Dũng, Lê Thanh Miền quê Quảng Bình, cựu binh Hoàng Văn Chúc mới tìm được ở Long Thành Đồng Nai... dự định sẽ phỏng vấn trong lần ấn bản mới. Vì vừa rồi chốt bản thảo với NXB Văn Học từ tháng 3/2018 nên chúng tôi không kịp bổ sung, đưa thêm thông tin.

Chúng tôi sẽ mời tất cả cựu binh Gạc Ma và đại diện các gia đình Liệt sĩ Gạc Ma vào TP. HCM dự Đại Lễ Tưởng Niệm Cầu Siêu vào ngày 25/7/2018 để trao quà, tiền từ tiền bán sách lần 2. Tại ngày Ra mắt sách 10/7/2018 chúng tôi đã trao 484 triệu từ các hoạt động và vận động của First News cho 64 gia đình Liệt sĩ Gạc Ma. Với cuốn sách thiêng liêng này, First News không hề tính đến yếu tố thương mại lời lỗ như các sách khác.

Về những sai sót trong cuốn sách thì có một chi tiết nhầm tên cựu chiến binh Gạc Ma Mai Xuân Hải qua lời kể của cựu binh Nguyễn Văn Thống, vì hai người cùng tên, cùng chữ lót, cùng quê, chỉ khác họ là do lỗi chúng tôi, không phải của Tướng Lê Mã Lương, hay NXB. Đoạn phỏng vấn cựu binh Nguyễn Văn Lanh cả hai lần đều lặp lại là “vì có lệnh không nổ súng nên tôi...” có lẽ văn nói của anh Lanh lúc đó đang liền mạch nên không để ý chữ trước, mà chúng tôi cũng nghĩ không quan trọng nên để như vậy. (Đây hoàn toàn là lỗi của chúng tôi chứ Tướng Lương không hề biết chi tiết này, đừng trách Tướng Lương). Còn trong các lời phỏng vấn các cựu binh khác đều là “Lệnh Không Nổ Súng Trước”. Không bao giờ chúng tôi nghĩ đến ngày sách ra, rất nhiều người không đọc sách, không quan tâm đến tổng thể cuốn sách, mà chỉ chăm chăm vào đúng một chữ “TRƯỚC” của cựu binh Lanh như bắt được vàng và tạo nên một làn sóng phản đối, khủng khiếp chưa từng có, đòi thu hồi, đòi huỷ diệt cuốn sách và mạt sát, đòi truy tố những người thực hiện. Còn năm lỗi còn lại không quan trọng do chúng tôi tự tìm ra để đưa vào bảng đính chính đã in bổ sung.

Thật ra, một cuốn sách dày dặn và quan trọng về một sự kiện bi hùng lịch sử ở Gạc Ma – Trường Sa của Tổ quốc lẽ ra như tôi và rất nhiều người mong muốn phải được nhà nước đứng tổ chức thực hiện ở NXB Sự Thật hay NXB Quân Đội Nhân Dân, thì một đơn vị xuất bản nhỏ bé như First News – Trí Việt sẽ không phải đứng ra gian nan thực hiện suốt bốn năm qua.

Nhưng cuốn sách cũng đã được ra đời – dù chưa hoàn thiện như mong muốn – như trang đầu tiên trong sách tôi đã viết. Tôi phải rất cảm ơn một số người, đang tại chức, đã ủng hộ việc cấp phép. Tôi mong rằng đây là cuốn sách không của riêng ai, mà của người Việt Nam, và rất mong tất cả mọi người cùng đóng góp, giúp tâm sức để nó hoàn thiện nhất có thể – thay vì lao vào xâu xé nó – vì những sơ sót không mong muốn. Vì nó không chỉ là cuốn sách tri ân tinh thần quả cảm của 64 người con đất Việt hy sinh mạng sống của mình vì một hòn đảo đã vĩnh viễn bị cướp đi bởi quân xâm lược, mà còn là một bằng chứng không thể chối cãi đối với Trung Quốc: Gạc Ma – Trường Sa là của Việt Nam! Và hãy cảnh giác cao độ với Trung Quốc: thực phẩm, sản phẩm điện tử và dịch vụ viễn thông, Đặc khu, “Vành đai và Con đường” mà các nước khác nhận ra chân tướng đã tẩy chay, các món vay, lời lẽ và bẫy chuột cùng những viên đạn lạnh bọc đường!

Xin đừng vô cảm rước giặc vào nhà và tự biến mình thành giặc ngay trên quê hương mình. Đời người chỉ sống có một lần. Tiền bạc không mua được danh dự. Đừng để khi chết đi dân đời đời nguyền rủa. Nhân quả nhãn tiền. Hãy nhìn đặc khu Gạc Ma sau 30 năm. Thà chết đứng hơn sống quì.

Đừng để cái chết tức tưởi của các anh trên đảo Gạc Ma mà linh hồn còn vất vưởng nơi biển lạnh đảo xa trở nên vô nghĩa! Các anh đã chấp nhận chết đứng – trên biển – hứng trọn làn đạn man rợ của quân thù – lần cuối cùng trên đảo Gạc Ma – trước khi hòn đảo vĩnh viễn rơi vào tay Trung Quốc.

(Xin các bạn bình luận về hành trình cuốn sách, và ý nghĩa tri ân sâu xa của cuốn sách, cũng như nguy cơ của đất nước trước âm mưu Trung Quốc, vui lòng không bình luận, chỉ trích những vấn đề ngoài lề. Trong bài viết này lúc đầu có đề cập hai cán bộ An Ninh đến làm việc với tôi 6/2015 không phải đến từ A87 – mà ở một đơn vị CA khác, sau stt này, viên Đại tá đó (từ Hà Nội) đã nhắn tin, gọi điện cho tôi chúc mừng cuốn sách được ra đời, và muốn tôi ký tặng anh một cuốn sách Gạc Ma – Vòng Tròn Bất Tử).

Phụ lục:

Bài hc quý giá t mt đm la nh Gc Ma

Tô Văn Trường

Tôi nhớ có lần đọc ở đâu đó, có người viết đại ý: ”Một định lý trong cuộc sống mà ai cũng đồng tình: một ánh lửa chia sẻ là một ánh lửa lan tỏa. Một đồng tiền kinh doanh là một đồng tiền sinh lợi. Đôi môi có hé mở mới thu nhận được nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới tràn ngập vui sướng”.

clip_image001

Nhiều đơn vị lớn có uy tín đã từng tổ chức tưởng nhớ tri ân các chiến sỹ đã hy sinh anh dũng ở Gạc Ma nhưng đều bất thành. Hình ảnh một số người dân Việt Nam tụ tập biểu lộ lòng yêu nước và tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh anh dũng ở Gạc Ma bị đám đông dư luận viên phá rối thô bạo năm ngoái ở thủ đô Hà Nội vẫn ám ảnh nhiều người, bỗng nhiên vỡ òa nhờ sự kiện “Bức tranh Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” kết thúc thật có hậu và lan tỏa khắp cả nước, thật xúc động ngoài tiên liệu của Ban tổ chức và người khởi xướng từ ý tưởng nhờ họa sĩ vẽ bức tranh ban đầu đến tổ chức thực hiện chính là ông Nguyễn Văn Phước, giám đốc Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt – First News.

Khi cuộc đấu giá của First News đi được nửa chặng đường thì một nhân tố mới xuất hiện đã hỗ trợ rất nhiều và cùng đứng ra tổ chức Đại lễ tưởng niệm lần đầu tiên cho các chiến sĩ Gạc Ma trên 4000 người tham dự vô cùng xúc động và uy nghiêm, được báo chí và VTV đánh giá như một “Hội nghị Diên Hồng” – Đó là Thương Tọa Thích Thanh Phong, Trụ trì Chùa Vĩnh Nghiêm, đã trực tiếp đấu giá bức tranh và đứng ra cùng First News kết nối với Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thực hiện rất thành công sự kiện vô tiền khoáng hậu này.
Ban tổ chức, các nhà tài trợ tổ chức thực hiện thành công chương trình đấu giá bức tranh “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” và trao toàn bộ số tiền cho 64 gia đình liệt sỹ, kể cả 7 chiến sĩ Gạc Ma (1988) từng bị Trung Quốc bắt giam giữ 3 năm và 5 gia đình tử sĩ trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 còn ở Việt Nam đồng đều mỗi gia đình 20 triệu đồng là một việc làm hết sức có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, biểu lộ sự hòa giải dân tộc cùng là con cháu dòng máu Lạc Hồng hy sinh bảo vệ hải đảo của tổ quốc. Ban tổ chức cũng đã tặng Cảnh sát Biển Việt Nam 300 triệu đồng.

Link tường thuật của VTV: https://youtu.be/by8ST9a_wl8

Tiếng vang và cách thức truyền thông của sự kiện đấu giá “Bức tranh Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” rất đặc biệt ở chỗ: Sự việc không chỉ được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống của nhà nước, trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội, Face book trong và ngoài nước, nhất là ở Mỹ.

Đích thân ông G. James Zumwalt – con trai Đô đốc Hải Quân Mỹ Zumwalt – từng là Trung tá Hải quân trong chiến tranh Việt Nam viết bài trên báo ở Mỹ. Rất nhiều người bất ngờ đặt câu hỏi thú vị: “Điều lạ gì đang diễn ra đây?”. “Diễn biến gì đây?” khi bức tranh Gạc Ma được những người đấu giá muốn tặng cho Quốc hội, cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho Tổng Thống Obama, cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cho Viện bảo tàng, v.v… cùng những lý do xác đáng và thú vị. Đúng là một sự kiện chưa từng xảy ra, bất ngờ nối tiếp bất ngờ. Vâng! Chỉ có lòng yêu nước mới lan tỏa với độ nóng và nhanh rộng, đầy cảm xúc đến như vậy. Và cũng đã rất lâu rồi, cảm xúc đó mới xuất hiện trở lại ở Việt Nam…

Một đốm lửa nhỏ từ sự kiện “Bức tranh Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” đã thổi bùng lòng yêu nước bất tử không chỉ thể hiện qua những câu chuyện trong các trang sử, mà hiện diện ngay giữa cuộc sống hàng ngày. Chúng ta có thể thấy được, chạm đến được và cùng rung động với sự bất tử đó.

Hành động hung hăng tàn bạo của Trung Quốc thể hiện rõ trong vụ thảm sát những lính Việt Nam dũng cảm với “Vòng tròn bất tử” được tạo ra bởi 73 chiến sĩ hải quân dàn thế phòng thủ cố giữ lá cờ. Ai đã coi Clip video quay thật về cuộc tàn sát này đã đăng tải trên internet vào năm 2012 càng thấy rõ mức độ tàn ác của cuộc thảm sát và dã tâm ngày nay của Trung Quốc tiếp tục bành trướng muốn độc chiếm biển Đông.

Bằng ngôn ngữ “biểu tượng”, Bùi Lệ Trang đã khéo léo thể hiện một “trận chiến” dưới dạng một vòng cung, một chiến lũy “nước” ở trung tâm bức họa; giống như một vòng hoa lớn được đan kết bằng những con người đang giương cao 3 lá cờ Tổ quốc (qua khứ, hiện tại và tương lai) trong trận chiến “quyết tử vì Tổ quôc quyết sinh”, dưới làn đạn dày đặc, hung hãn của quân thù.

Biểu tượng “người chiến sỹ cầm Cờ đỏ sao vàng, không vũ khí trong tay với trái tim rỉ máu”, là phần thể hiện tinh thần tinh tế nhất của bức tranh muốn chuyển tải đến người xem, gây cảm xúc mạnh. Nó thể hiện ý chí sắt đá và tinh thần quật cường, bất diệt của dân tộc ta, không khuất phục trước bất kỳ kẻ thù nào, được trang bị vũ khí tối tân đến mấy (những họng súng đang nhả đạn). Đây cũng là thông điệp hòa bình của Việt Nam ta gửi cho thế giới thông qua biểu tượng “đường chân trời hình vòng cung, biển xanh, mây trắng”.

Một bất ngờ sau cùng – Sau cuộc đấu giá và đại lễ, Ban tổ chức và rất nhiều người đã xúc động bật khóc khi đọc bức thư cảm ơn chân tình, mộc mạc của Trần Thị Thủy, con gái của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, người giữ cờ và hi sinh trên đảo Gạc Ma – Quần đảo Trường Sa trong trận chiến không cân sức với quân xâm lược tàn bạo Trung Quốc, được đăng nguyên văn như sau:

“Vừa qua, con được tham dự đại lễ cầu siêu cho anh linh của ba con cùng những đồng đội đã hi sinh tại Chùa Vĩnh Nghiêm và nhân đây con cùng gia đình những đồng đội của ba được nhận sự ủng hộ từ số tiền bán đấu giá bức tranh “ Gạc ma – Vòng tròn bất tử” của Ban tổ chức.

Trước hết, con xin được thay mặt gia đình cảm ơn sự động viên, quan tâm của tất cả mọi người. Xin được gửi lời cảm ơn tới Ban Trụ trì Chùa Vĩnh Nghiêm cùng toàn thể tăng ni phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức một buổi đại lễ cầu siêu cho linh hồn của ba con và đồng đội, đây là một đại lễ lớn nhất và diễn ra đầu tiên kể từ khi ba con nằm xuống, đã 27 năm rồi, thời gian trôi qua không phải là khoảng thời gian quá dài nhưng cũng không phải là ngắn đối với gia đình chúng con; những gia đình mất đi người thân, người mẹ mất con, người vợ mất chồng và những đứa con vĩnh viễn không bao giờ được gặp người cha thân yêu của mình. Đó chính là nỗi đau thương thiệt thòi quá lớn mà không gì có thể bù đắp được .

27 năm trôi qua con chưa bao giờ được chứng kiến hay tham dự một buổi đại lễ cầu siêu nào để cầu cho linh hồn những người đã không tiếc thân minh hi sinh cho Tổ quốc để họ được yên ủi nằm lại trong lòng biển sâu lạnh lẽo, băng giá.Cho tới ngày hôm nay con mới được chính thức tham dự một đại lễ cầu siêu lớn như vậy, thực sự con cảm thấy rất ấm lòng, cũng là sự động viên tinh thần rất lớn đối với gia đình con cũng như gia đình 63 liệt sỹ khác.
Xin cảm ơn họa sĩ Bùi Lệ Trang, người đã vẽ lên bức tranh bằng những đường nét sắc sảo để có một bức tranh mang đậm chất nhân văn và đánh vào lòng tự trọng của những kẻ đã đang tâm ăn cướp của người khác.

Cũng xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới giám đốc Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt ( First News), người đã có ý tưởng và cùng với Ban tổ chức, các nhà tài trợ… tổ chức thực hiện thành công chương trình đấu giá bức tranh “ Gạc ma – Vòng tròn bất tử” và trao toàn bộ số tiền cho 64 gia đình liệt sỹ, một việc làm hết sức có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là sự động viên lớn cho những gia đình như chúng con trong dịp 27/7 này.

Nhân dịp này không chỉ gia đình con mà cả gia đình của 63 liệt sĩ khác được công khai khóc cho những người chồng, người cha của mình mà không phải sợ bị ảnh hưởng đến tập thể hay cá nhân nào. Thiết nghĩ, cha mình hi sinh không tiếc bản thân mình cho Tổ quốc; không phải là để ghi danh hay gia đình đòi hỏi bất cứ một thứ gì, nhưng thời gian qua kể từ lúc cha con hi sinh gia đình con rất ít khi được nhận sự quan tâm của Nhà nước. Thi thoảng chỉ là những dịp lễ, ngày thương binh liệt sỹ; thế nhưng dần già càng về sau thì càng bị quên lãng.
Ba con mất đi chỉ có gia đình, mẹ con con chịu thiệt thòi, mất mát. Một mình mẹ phải gánh vác mọi việc trong gia đình, ruộng vườn cày cấy, làm thuê cuốc mướn vất vả khó nhọc để có tiền nuôi con ăn học trưởng thành. Bởi vì với những đồng tiền trợ cấp ít ỏi của con không thể đủ để cho mình con ăn học. Bản thân mẹ không được nhận trợ cấp cho đến năm 2009, qua bao nhiêu lần ngược xuôi làm giấy tờ thủ tục thì mới được hưởng. mọi khó khăn khổ nhọc trong cuộc sống có lẽ là mẹ đã trải qua không bỏ sót cái nào.

Trong những năm trước, có thể nói nhắc đến sự kiện 14/3/1988 là điều không thể, như bị ngăn cấm, như sợ bị ảnh hưởng đến quan hệ ”quốc gia láng giềng tốt đẹp” giữa mình và một đất nước đã đang tâm cướp đi bao sinh mạng, bao người thân yêu của chúng con. Với tư cách là một người con mất cha, con cảm thấy rất căm thù kẻ thù, lòng căm hận sôi sục nhưng tại sao lại không được bày tỏ, tại sao lại không được nhắc đến và tại sao chúng ta lại phải giấu diếm cho tội ác tày trời của chúng.

Chúng ta kìm nén, chúng ta nhường nhịn và chúng ta nhẫn nhục mãi cho tới tận ngày hôm nay để chúng ta nhận được những gì, cũng không có gì thay đổi, vẫn là sự ngang nhiên xâm chiếm, vẫn là sự ngang tàng táo tợn khó hiểu của những kẻ bộc lộ rõ bản chất xấu xa với những ý đồ nham hiểm trên vùng biển của ta; làm hại người dân của ta.

Cho tới ngày hôm nay khi được tự do nói đến, khi được một số cơ quan, đoàn thể quan tâm đến thì có một số người cha người mẹ của liệt sỹ đã mất vì già yếu, bệnh tật. Cũng có một số thương binh trở về từ cuộc chiến đã mất, những người còn sống cũng chưa được hưởng chế độ gì, hoặc nếu có thì phải trải qua bao khó khăn mới có được như mẹ con.

Những điều tâm sự con nói ở đây không phải là để chỉ trích toàn bộ hệ thống mà đây là một số bộ phận, cơ quan nhà nước và những cá nhân tắc trách trong công việc. Họ không hề biết rằng ai đã hi sinh ai đã đổ máu để lại phía sau là gia đình, là vợ góa con côi, mẹ già côi cút để cho họ có quyền được sống và ngồi đó hưởng sự sung sướng. Họ hạch sách và đòi hỏi đủ điều để phục vụ cho lợi ích của họ.Đây chính là điều mà con cảm thấy không được hài lòng nhất trong thời gian qua. Cha con và đồng đội ngã xuống vì Tổ quốc, để lại cho người thân của họ những nỗi đau không gì bù đắp được, thế nhưng khi những người còn sống đã chịu nhiều đau thương mất mát thì lại không được quan tâm chia sẻ, động viên.

Không phải đòi hỏi nhưng đó là quyền lợi mà những người thân như gia đình chúng con cần được có; chúng con cần những lời động viên , cần sự quan tâm và cần sự chia sẻ để lấy đó làm niềm an ủi tinh thần mà vượt qua mọi khó khăn thử thách trong cuộc sống; và con nghĩ mọi sự chia sẻ ấy sẽ làm yên lòng người đã khuất, và ấm áp lòng người còn sống.

Cho nên trong dịp này, một đại lễ cầu siêu cho anh linh các liệt sỹ và một cuộc đấu giá để hỗ trợ cho gia đình là rất có ý nghĩa. Một lần nữa con xin cảm ơn tấm lòng quan tâm chia sẻ của tất cả mọi người.”
Thay cho lời kết của Nhân quả:

“Nếu ta bắn vào quá khứ bằng súng lục – tương lai sẽ bắn ta bằng đại bác”.

Lịch sử có cả gam mầu hồng và mầu tối. Trận “thảm sát” Gạc Ma, không hiểu vô tình hay hữu ý, mà người ta (giới hữu trách) không hề nói nhiều về nó? Có thể, họ ỉm đi để đổi lấy “mối quan hệ” với ông bạn láng giềng đểu giả. Điều đáng nói nữa về măt đối nội (nội bộ ta), hình như họ muốn quên Gạc Ma, họ lại chối bỏ quên luôn cả 64 người con anh dũng đã hi sinh để bảo vệ lãnh hải của tổ quốc? Giả thử, nếu Trung Quốc không công bố đoạn video nhạy cảm và dã man ấy, thì mấy ai ở Việt Nam biết được điều sự thật này?.

Dân tộc ta luôn trân trọng và yêu quí sự thật, và lòng trung thực, đừng làm mất lòng dân vì thiếu trung thực. Mà có dân mới có tất cả – mất lòng tin của dân là mất tất cả. Hãy nhớ rằng khi có giặc ngoại xâm, chỉ có dân và con cái người dân đi đánh giặc – nên hãy biết tri ân từ bây giờ, kẻo muộn.

Bài học quý giá qua sự kiện đốm lửa nhỏ Gạc Ma đã làm rõ thêm nhiều điều cần phải bàn tiếp. Đặc biệt là vấn đề chia sẻ thông tin của giới hữu trách với người dân; việc cư xử, tri ân với những người đã hi sinh trong cuộc chiến biên giới chống quân giặc Tầu.

Lịch sử tồn tại của một dân tộc là chuỗi các sự kiện tích cực và tiêu cực. Giới chính trị thường lợi dụng phần tích cực của lịch sử và “ỉm đi” phần không có lợi cho họ (tiêu cực). Sự kiện Gạc Ma chỉ là một trường hợp cụ thể cho sự “què quặt” đó. Người dân Việt Nam và giới trẻ ngày nay không thích học sử Việt vì người ta đã chủ ý “bẻ” đi phần không thích, để nó tồn tại như một con chim Việt bị què.

Xin trích câu nói nổi tiếng trong ngôi đền thờ cổ Vua Hùng để kết luận cho bài viết này:

“Ngọn muốn vươn đến tột đỉnh của tương lai,

Rễ phải bám chặt tận cùng của quá khứ”.

Ông cha ta với lịch sử 4000 năm văn hiến đã dạy truyền thống tốt đẹp như vậy, tại sao không nghe theo?

(Viết từ đêm đấu giá tranh Gạc Ma - Vòng Tròn Bất Tử 3000 người tại Chùa Vĩnh Nghiêm 22/7/2015).