Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2020

Những thế hệ thi sĩ văn học Châu Phi

Ngu Yên

Tôi đọc, viết lại và viết thêm từ bài viết của Tanure Ojaide và Tijan M. Sallah giới thiệu tuyển tập thơ Châu Phi “The New African Poetry, An Anthology” và một số tài liệu khác. Mục đích góp nhặt, trình bày khái quát sự nhận xét của các nhà phê bình về một nền văn học, nói chung, thi học, nói riêng, mang đặc tính thuộc địa đấu tranh và hậu thuộc địa với khái niệm, phải làm gì khi đã giành được độc lập, tự do.

(Khi đọc và viết, thường xuyên, tôi có cảm giác họ đang nói về thơ Việt và tình cảnh ở Việt Nam trong một khúc đường lịch sử tương tự.

Năm đó quân kháng chiến thua lớn ở Diêu Trì. Chú họ tôi bị bắt. Pháp đưa tù về gần đến Cầu Đôi, thì được lệnh xử bắn tập thể.

[...]

Người ta dẫn họ đến gò đất

trong trò chơi bịt mắt phỉnh phờ

họ nghiêng ngả dựa vào bao cát

xoay lưng ra đại dương

nơi sẽ dìm sâu thân xác họ.

Súng tiểu liên lốp đốp nổ vang

thân người ngã xuống

một tiếng thét tiễn đưa

ném họ vào bóng tối.

[...]

(The Earth, My Brother. Kofi Awoonor. Nguồn: https://www.poemhunter.com/poem/the-earth-my-brother/)

Ngày tập kết, cậu tôi từ Liên khu năm trốn vào Sài Gòn. Việt Minh bắt giam mợ và đứa con trai mới sinh được hai tháng. Mươi ngày sau, mợ tôi qua đời trong ngục riêng, mọi người bận rộn lo việc di cư, không ai biết. Đến khi khám phá ra, đứa bé đã tím bầm hấp hối vì bú sữa người chết.

[...]

Từ cuộc thảm sát thật sự trong linh hồn

Khi có người hỏi

“Phải trả giá bao nhiêu

Để được yêu thương và độc lập?”

(We Have Come Home. Lenrie Peters. Nguồn: Moore 1998:88.)

[...]

Cảm giác liên hệ gần gũi này đã thúc giục tôi say sưa tìm hiểu thơ của 23 quốc gia Châu Phi. Thật lạ lùng, khi tìm đến thơ lưu vong, tôi đã thấy tôi ở trong đó.

[...]

Sống chỉ là những trí nhớ chưa sinh ra

đời xoay quanh

như một cái sọ

trên cổ thời gian

chúng ta nhớ, chúng ta quên

rồi chết

hy vọng trở thành ký ức

vĩnh cửu chưa ra đời

giữa cầu xin

và lãng quên

trong hồi tưởng

đời sống hiện diện.”

(Memory. Barolong Seboni. Nguồn: Moore, 1998:31))

Nhìn tổng quát, theo Keguro Macharia, văn học Châu Phi đã trải qua bốn thế hệ. Thế hệ đầu tiên có thể kéo dài, tối thiểu từ Leo Afrivanus, 1494-1554 (?). Thế hệ thứ hai, có lẽ bắt đầu từ các nữ sĩ như Ama Ata Aidoo, Mariama Bâ, Rebeka Njau, Bessie Head... Hầu hết là những nhà văn cách tân của thế hệ thứ nhất. Thế hệ thứ ba và thứ tư thông thường sáng tác bằng ngoại ngữ Âu Châu. Ông không xác định mấu chốt thời gian, vì cho rằng không có tài liệu chính xác.

Nhiều học giả đồng ý với nhau, phân chia văn học Châu Phi theo các thời kỳ: Tiền thuộc địa, Thuộc địa, Hậu thuộc địa và đương đại.

Những thế hệ thi sĩ

Về thi ca, Wole Soyinka nhận định: “Thơ không phải là sự biểu hiện của cá nhân, mà chính là sự thoát ly từ cá nhân đó qua thơ. Họ sáng tác từ những kinh nghiệm đã có trong quá khứ. Thi sĩ hình dung những tệ nạn xã hội bằng cách sử dụng những biểu tượng đưa vào thơ, trở thành những giải pháp sâu sắc, vì vậy, thi sĩ không làm thơ đễ diễn đạt cá nhân.

Thơ Châu Phi bày tỏ nhiều mối quan tâm khiến cho thơ trở nên đặc biệt để tìm hiểu truyền thống và đạo lý ở Châu Phi.

Ông cho rằng nền thi ca này bao trùm hầu hết kinh nghiệm lịch sử và hiện đại. Thơ của họ dù là thơ tình vẫn như bản cáo trạng. Dù lời thơ dịu dàng, ngọt ngào vẫn là những lời buộc tội thương tâm. (African Poetry as an Expression of Agony.)

Thơ Châu Phi và nỗi thống khổ không thể tách rời. Một số lớn trở thành khí giới đấu tranh, chống cự, ngăn chặn những tệ hại đang phá hủy quốc gia, dân tộc và nạn xâm lăng từ vật chất đến tinh thần. Thơ của họ mang tính hiện thực và lịch sử. Bên cạnh dòng thơ đấu tranh, dòng thơ quan trọng không kém là những bài thơ tự xác định bản sắc, tự ý thức và “thẩm mỹ đen”.

(“Thẩm mỹ đen” cụm từ nêu ra bản sắc đẹp đặc thù từ hiện tại lên đến nguồn gốc của một sắc dân. Còn “thẩm mỹ vàng”, tôi nghĩ đến bề sâu và bề rộng của bản sắc vàng, bên trong có “thẩm mỹ Việt”. Đó là những thứ gì? Nồng độ, thấm nhuần, chung thủy, được thể hiện ra sao?)

Châu Phi bao gồm 55 đất nước, trước kia là thuộc địa của Anh, Pháp và Bồ Đào Nha. Mặc dù họ có cả ngàn loại ngôn ngữ địa phương nhưng ngôn ngữ Âu Châu được sử dụng như ngôn ngữ chung. Cho dù sử dụng ngôn ngữ Âu Châu, khi đưa vào thi ca, thơ đó thể hiện được bản chất âm nhạc và nhảy múa.

Ojaide và Sallah nhận xét, trong tiến trình lịch sử thi ca Châu Phi, có ba thế hệ thi sĩ trong thời khoảng đáng quan tâm: Thuộc địa và Hậu thuộc địa.

1. Thế hệ thứ nhất

Những thi sĩ sáng tác trong thời kỳ thuộc địa. Như Dennis Chukude Osadebay ở Ngeria, H. D. E. Dhlomo và Benedict Wallet Vilakazi ở Nam Phi, Kwame Kyeretwice Boakye Danquah, Michael Dei Anang, Gladys Casely Hayford, và R.E. G. Armattoe ở Ghana... Những thi sĩ này không mấy bận tâm về kỹ thuật, mà chú tâm về dân tộc, giống nòi. Họ bị ảnh hưởng văn minh Tây phương và đạo Thiên Chúa. Họ cảm phục ánh sáng, kỹ thuật và đời sống của người đô hộ. Giai đoạn này thiếu vắng tiếng nói phê phán những khiếm khuyết, trình bày những bi quan của bản tính thuộc địa, như sưu thuế cao, lao động nô lệ, thất thoát tài nguyên quốc gia...

Mathias Iroro Orhero nhận xét, đây là giai đoạn sớm nhất trong thi ca hiện đại ở Châu Phi. Khoảng từ 1920 đến 1940, những thi sĩ trong thời điểm này hầu hết được hấp thụ học vấn từ Âu Châu. Họ làm thơ với tính cách tài tử, có thể xem như thơ tập sự. Chủ yếu theo chủ nghĩa Quốc gia (Nationalism). Patrick Oloko đề nghị, không nên xem trọng những nhà thơ này, chỉ duyệt qua như một tò mò trong lịch sử. Ông cho rằng thơ của họ thiếu “sự tinh tế của văn chương”. Một số thi sĩ như Dennis Osadebey, Nnamdi Azikiwe, R. E. G. Armattoe, Gladys Casely Hayford, Michael Dei-Anang, B. W. Vilakazi, Benibengor Blay... sáng tác chung quanh chủ đề ca tụng truyền thống và văn hóa bản xứ.

2. Thế hệ thứ hai

Vào khoảng gần cuối thời Thuộc địa, có thể nói vào thập niên 1950, thi sĩ thế hệ thứ hai xuất hiện với trào lưu đổi mới. Họ là những tiếng nói riêng tư, đấu tranh, tấn công vào những tệ nạn xã hội, nhất là đòi hỏi tự do dân tộc và chủ quyền quốc gia. Họ khởi đầu dòng thơ nghiêm túc và hàn lâm ở Châu Phi. Thơ của họ bận tâm với những khổ đau, những bi kịch xã hội, những bất chính của nhà cầm quyền đô hộ qua cảm xúc cá nhân.

Các thi sĩ thế hệ này bị ảnh hưởng sâu đậm bởi những thần tượng Âu châu như William Shakespeare. T.S. Eliot, Ezra Pound, Gerald Manley Hopkins, W.B. Yeats và các thi sĩ phái Tượng trưng. Từ phần thuộc địa Anh, họ là Gabriel Okara, Christopher Okigbo, Wole Soyinka, John Pepper Clark, Lenrie Peters, Dennis Brutus, Kofi Awoonor, Okot p’Bitek, và Kwesi Brew. Từ thuộc địa Pháp, họ là Leopold Sedar Senghor, Tchicaya U’Tamsi, Birago Diop, và David Diop. Từ thuộc địa Bồ Đào Nha, họ là Agostinho Neto, Antonio Jacinto, Vasco Cabral, và Noemia de Sousa. Thuộc về dòng thơ Ả Rập, có Salah Abdel Abur, Ahmad Hijazi, và Muhammad Al-Faituri.

Họ sử dụng tất cả những kỹ thuật và học thuật của người Tây Phương như hư cấu, ám chỉ, biểu tượng, phân mảnh (fragmentation), cú pháp tung hứng (syntactic jugglery), tượng trưng... Ví dụ một bài thơ sử dụng kỹ thuật siêu thực pha trộn tượng trưng.

Khi bình minh vừa đến bờ sông

Tôi nghe tiếng trống từ rừng sâu báo hiệu

nhịp điệu thần bí, khẩn trương, nguyên sơ

như thịt tươi chảy máu,

nói về tuổi trẻ và cuộc khởi đầu,

Tôi thấy con báo sẵn sàng bắt mồi,

con beo gầm gừ sắp phóng tới

đám thợ săn khom người chĩa ngọn giáo lên.

Máu tôi nổi sóng, hóa thành cuồng lưu

lật chìm năm tháng

cùng lúc tôi đang bú trong lòng mẹ;

cùng lúc tôi vô tư bước đi

trên lối mòn không thay đổi

mộc mạc, đóng khố trần trụi

sôi nổi trên đôi chân vội vàng

và trái tim dò dẫm

trong lá xanh và hoa dại rộn ràng.

Tôi nghe tiếng dương cầm than oán

độc tấu một cách cầu kỳ

qua bản concerto xé rách;

[...]

(Dương cầm và tiếng trống. The Piano and The Drums. Gabriel Okara.)

(Nguồn: https://litionaryblog.wordpress.com/2017/12/19/the-piano-and-the-drums/)

Sự tương phản giữa tiếng dương cầm cầu kỳ và tiếng trống nguyên sơ tượng trưng bản chất đối chọi giữa Âu châu và Châu Phi. Ý tưởng của một người trần trụi đối đầu với một hệ thống văn minh đầy đe dọa, ông Okara kết luận: “Và tôi lạc lõng giữa sương mù buổi sáng của thời đại / dọc theo bờ sông lang thang trong nhịp điệu bí ẩn / của tiếng trống rừng sâu và tấu khúc dương cầm.

Lịch sử thi ca Châu phi thắp sáng lên bởi một số bài thơ trí tuệ xán lạn và cảm xúc trong học thuật. Lời lẽ giản dị, thâm trầm, đánh thức lương tâm của người dân lờ mờ lòng yêu nước. Câu thơ không cần xách động, nổi lửa, chỉ nhẹ nhàng nhắc nhớ vị trí của ai là chủ nhà. Bài thơ “Con chim sâu” của Kofi Awoonor là một ví dụ.

Trong sân nhà có thân cây duy nhất

Con chim sâu xây tổ và đẻ trứng trên cây.

Chúng tôi không muốn đuổi chim đi

Theo dõi công phu xây cất tổ

Và quan sát khi nó đẻ trứng.

Con chim sâu trở lại đội lốt chủ nhân.

Thuyết pháp cứu rỗi người chủ nhà.

Họ nói họ đến từ phương Tây

Nơi bão tố ngoài khơi đánh hải âu gãy cánh

Và ngư dân hong lưới bằng hơi lửa đèn lồng.

Lời rao giảng cho chúng ta lời tiên đoán

Chân trời mới giới hạn nơi tổ chim.

Nhưng chúng ta không thể tham dự cầu nguyện

và hưởng ứng theo người truyền đức tin.

Chúng ta mỗi ngày tìm kiếm nhà mới,

Tìm cách xây lại bàn thờ khác

vì đền thờ cũ bị ô uế bởi phân chim Sâu.

(The Weaver Bird. Nguồn: Moore 1998: 17.)

Những đề tài và đối tượng của bài thơ được chọn lựa ngay trong đời sống thực tế. Thi sĩ không chỉ trình bày theo hiện thực hoặc biểu hiện hiện thực mà đào sâu vào tâm lý tự cao (ego) và lòng tự tôn tha hóa. Những đề tài đó cưu mang nội dung khác biệt, không cần phải lập lại, cảm động vì thực tế, văn vẻ bởi tưởng tượng, màu sắc qua ẩn dụ.

Ca khúc Lawino

của Okot p’Bitek.

Này tộc dân, hãy nghe

tôi đang khóc vì chồng

mất đầu

Ocol đã mất đầu

trong khu rừng sách.

Khi chồng tôi

còn theo đuổi ái tình

mắt anh đầy sức sống,

chưa mù lòa,

Ocol chưa trở thành khờ dại

anh ấy vẫn còn là đàn ông!

Anh ta chưa trở thành đàn bà,

vẫn còn tự do,

con tim vẫn còn tự chủ.

[...]

Chồng tôi đọc rất nhiều,

đọc rộng hiểu sâu ...

và thông minh như người da trắng

Rồi vì đọc

đã giết chết chồng tôi,

theo truyền thống

anh đã trở thành

một gốc cây

Anh chê bai nhiều điều về bộ tộc Acoli

nói rằng

đường hướng dân da đen

là đen

Vì nhãn cầu anh bị nổ

anh mang kính mát,

Nhà của chồng tôi

tối tăm như rừng sách

Một số sách đứng

cao to

như cây Tido...

[...]

Trong lòng như lửa đốt

Tôi muốn nôn mửa!

Đối với tất cả thanh thiếu niên

chúng ta chấm dứt khi lạc vào rừng,

dũng khí của họ chết trong lớp học ...

(Nguồn: https://thepurpleskirtblog.wordpress.com/2017/11/17/song-of-lawino-by-okot-pbitek/)

Ca khúc Lawino mượn thể thơ truyền khẩu nói lên truyền thống của tộc dân Acoli. Khiển trách, báo động về vấn đề văn hóa bản xứ bị xâm phạm. E sợ sức mạnh văn minh sẽ tha hóa người địa phương.

(Tha hóa là vấn đề cần xét từ nhiều mặt khác nhau. Một tư duy phức tạp cần cẩn trọng và trung thực. Học hỏi điều hay vẻ đẹp của thế giới không có nghĩa là quên lãng hoặc xem thường tinh hoa của dân tộc. Giữ hương quê mẹ cũng không thể khăng khăng khi không còn mùi thơm. Nói một cách khác, bản thể của dân tộc không thể thay đổi. Trao dồi phụ thể của dân tộc là chuyện phải làm và nên phong phú hóa những thuộc tính của dân tộc.)

Một trong sức mạnh của thơ Châu Phi là cảm xúc mãnh liệt khi thi sĩ viết về tử vong, súng đạn, giải phóng, bạo động, đấu tranh cụ thể bằng xương máu. Thơ của họ không chỉ là lời hô hào nảy lửa mà tình cảm cho quê nhà đã biến lời thơ xúc động và chinh phục. Thơ chiến đấu của họ không chỉ ý tưởng và hình ảnh dữ dội, tang thương, xách động qua luận lý, mà nỗi lòng có thật, giận dữ có thật, sỉ nhục có thật, trả thù có thật, đã xuất hiện qua vô thức, đúc ý tứ, hình ảnh vào câu thơ.

[...]

Chúng con nhớ ngày ấy

trên đường mẹ đông người lũ lượt

như cơn lụt tràn ngập Cuanza.

Cơn thịnh nộ sấm sét lớn hơn súng đại bác

trong pháo đài của những kẻ hành hình.

Chúng con tấn công trong làn mưa đạn

và gục ngã khắp nẻo đường –

Những con đường xán lạn

Ôi, mẹ Luanda.

Chúng con chiến thắng

trong ngày khốn nạn ấy,

hàng trăm anh em da đen

bước dõng dạc cho những đường bất tử.

Chúng con băng qua rừng rậm

qua cơm mưa dầm nhiệt đới

thương binh rên rỉ trên băng ca

lưng chiến sĩ còn hằn in dây đạn

bước vội qua đầm lầy ngăn cản

chúng con đến gặp mẹ

Ôi, mẹ Luanda.

[,,,]

(Nguồn Moore 1998: 17.)

(1) Luanda: Thủ đô của Angola. Là một thành phố lớn nhất trong vùng Nam Phi.

(2) 4 tháng 2 năm 1961 là ngày nổi loạn của các tù nhân trong nhà tù tại Luanda. Cũng là thời điểm bắt đầu của chiến tranh thuộc địa sẽ chấm dứt tại Bồ Đào Nha ngày 25 tháng 4 năm 1974.

Thơ của thế hệ thi sĩ thứ hai còn sôi nổi về mặt châm biếm chính trị. Chứng kiến quyền lực đi ngược với nguyện vọng người dân bởi những lãnh tụ Châu Phi đã giành được quyền lực từ các nhà cầm quyền đô hộ, thi sĩ phê phán và chỉ trích những tệ đoan, những vấn nạn xã hội lúc đương thời.

Kể tôi nghe về người anh em

đã treo cổ trong tù tự vẫn

bằng tấm chăn

có phải anh ta điên đầu vì hành hạ.

Kể tôi nghe về người anh em

đã nhảy xuống tự tử

từ tầng thứ chín lầu cao

có phải anh vụng về không bám được cô đơn trên đó

Kể tôi nghe về kẻ đội mũ trùm đầu

giữa buổi diễn hành đã giết những người cùng huyết thống

phải chăng màu da anh bắt đầu

đổi sang màu cô độc

Ô, kể tôi nghe về người chị

mang thai trở về nhà

từ ngục thất

có phải chị mang tội theo Luật Vô Luân

Kể tôi nghe về người anh em

đã treo cổ trong tù tự vẫn

bằng vải xé ra từ quần jean

có phải anh ta giấu kéo trong phòng giam

Thưa ông, kể tôi nghe, hãy kể tôi nghe

về cảnh tượng khủng khiếp

một xác chết bầm dập

chưa bắt đầu ngồi dậy trong lương tâm của ông.

(Nguồn: Kể tôi nghe vài tin tức. Tell Me News. Sydney Sipho Sepamla.

https://journals.sagepub.com/doi/pdf/10.1080/03064227808532726)

3. Thế hệ thứ ba

Thế hệ thi sĩ thứ ba có được lợi thế vì các thi sĩ đi trước đã gây được sự chú ý của thế giới về văn học Châu Phi. Lợi điểm quan trọng hơn, họ học hỏi được kỹ thuật và nghệ thuật sáng tác của các thi sĩ nổi tiếng trong thế hệ thứ hai. Thế hệ này đã hấp thụ các ưu điểm của thơ Tây Phương. Từ căn bản đó, họ mở rộng, đào sâu, hòa nhập và sáng tạo thành những học thuật riêng biệt. Có thể ghi nhận một số thi sĩ đương thời như Kofi Anyidoho, Syl Cheny-Coker, Amal Dunqul, Jack Mapanie, Niyi Osundare, và Mongane Wally Serote... Có thể nói, họ chẳng những có quê hương độc lập tự do, mà còn có độc lập tự do trong nghệ thuật sáng tác.

Lịch sử của Châu Phi từ giữa thập niên 1970 trở đi tạo ra những thay đổi lớn về kinh tế và xã hội. Những cuộc cách mạng, nội chiến trong các quốc gia, những chiến tranh giữa các bộ tộc, những mâu thuẫn giữa các chính quyền, những chênh lệch giữa các tầng lớp xã hội, và những nghèo đói, bệnh tật xảy ra cho một số đất nước chậm tiến, tạo thành bối cảnh phức tạp và đối tượng phong phú cho thế hệ thi sĩ đương đại.

Hầu hết họ đã giảm bớt sự đổ tội cho những quốc gia đô hộ trước kia như Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, và Hoa Kỳ. Họ quan tâm tự ý thức, tự phân tích về bản tính dân tộc, về những bạo quyền, chuyên chế, độc tài của các nhà cầm quyền. Họ trình bày những gì đã tạo ra định mệnh khốn khổ cho người dân. Họ đổ lỗi cho chính họ. Cùng một lúc, họ tin tưởng nhân quyền và nguồn năng lực da đen sẽ mang đến một ngày mai tốt đẹp hơn.

Tránh xa những khuôn mặt đẫm mồ hôi

những mặt nạ bụi bẩn của tình nhân bị quấy nhiễu

đã quên hết lời thề

bị cuốn vào chiến trận điên loạn

của đồng xu nhựa xoay nhanh

Bố ơi, cứu con với

Tránh xa những bà mẹ thất tiết

đã quên mất con kế thừa

trong nhà giữ trẻ hỏa hoạn

để âu yếm tiền giấy

cùng thích thú khoái lạc

Bố ơi, cứu con với

Cứu con khỏi đêm tử vong

trước khi gà gáy sáng làm lòng con cạn kiệt

trước khi tin đồn về mùi hôi buổi điểm tâm

xô ngã nguyện vọng con đang săn đuổi

[...]

Họ đánh đổi ý lực với gió

cho đến khi trái tim tan biến vào vàng đen

Họ đánh đổi trí tuệ với gió

cho đến khi quên lời dạy của thánh thần.

(Cứu con với. Odia Ofeimun. Moore 1998: 293)

Thơ Châu Phi đương đại chẳng những đuổi kịp các trào lưu thi ca hàng đầu trên thế giới, họ còn chứng minh cho thấy những đặc điểm bản sắc văn chương da đen, văn hóa da đen, niềm tự hào da đen, và những tài năng cá nhân qua những chiều hướng đặc thù. Thơ Châu Phi đương đại có khuynh hướng rời bỏ kinh viện, đi về lối thơ nói, hát, nhảy múa, ...

Thơ đương đại được Orhero đề nghị từ 1990 sang thế kỷ 21. Họ sáng tác về những vấn đề mang tính thế giới, như di cư, lưu vong, nữ quyền, sắc tộc, kỳ thị. giới tính... Vì lý do này, Friday A. Okon đã gọi họ là “Tiếng vang gần đây từ một Châu Phi toàn cầu hóa.” (1)

Cùng một lúc, những nhà thơ trẻ tìm đến đề tài và nội dung bài thơ trong các chi tiết sống hàng ngày với nhãn quan khám phá những mới lạ từ sự quen thuộc. Đây là khuynh hướng chung của thi ca thế giới hôm nay. Ví dụ bài thơ của Niyi Osundare (1947- ): The Word Is An Egg, Lời nói là một quả trứng.

Lưỡi tôi là ngọn lửa hồng

Đừng để cháy tai bạn

Khi lời nói thông thường mâu thuẫn

Ngoài đường phố tiếng cười đợi chờ

Khoảnh khắc phát ra tiếng lầm bầm

Một tia nắng từ đôi môi mặt trời lặn

Chúng ta sẽ đếm số răng

Của mặt trăng

Rôi hát những vòng hoa nhỏ

Cho những ngôi sao biệt tăm

Lời nói, lời nói

là quả trứng

Nếu rơi xuống đất

Từ cái lưỡi lỡ lời

Nó sẽ vỡ

Không thể thu hồi. (4)

(Nguồn: Ojaide 1999:212.)

(Tôi đọc thơ Châu Phi, cảm nhận được một điều đáng quí: Đó là niềm tin vào tinh hoa da đen. Niềm tin đó mới nhìn, tưởng chừng như một khám phá, chứng minh của trí tuệ. Khi nghĩ ngợi xa hơn, niềm tin này đến từ lòng yêu thương đất nước và dân tộc, nói một cách tổng quan. Tôi tự hỏi, tôi yêu quê hương, dân tộc được bao nhiêu? Đã làm gì? Còn các bạn thì sao? Có lẽ, chúng ta có tình tự quê hương, có lo nghĩ đến dân tộc, nhưng cường độ chưa đủ để tin tưởng tinh hoa Việt sẽ vượt qua những tính xấu, những hèn mọn, những hẹp lượng, những tự cao, những lười biếng, những sợ hãi, để tinh hoa đó sẽ mang văn chương, văn hóa Việt nổi bật vào thế giới.)

Thơ Anh ngữ bồi

Một lãnh vực khác, có lẽ sẽ phát triển lớn hơn trong tương lai, đó là văn chương sáng tác bằng ngoại ngữ đặc biệt.

Ngày nay, Anh ngữ gần như trở thành ngôn ngữ đại diện trên thế giới qua vai trò chính trị và kinh tế. Từ đó, tác phẩm Anh ngữ được đón nhận dễ dàng vì nhiều người trên thế giới học, đọc và viết Anh ngữ. Vì vậy, sáng tác bằng hai ngoại ngữ: English và Spanish, có thể nói là ước mơ “nếu có thể” của những người sáng tác bằng ngôn ngữ bản xứ.

Tuy nhiên, sáng tác bằng một ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ, chắc chắn không dễ dàng. Cho dù thông suốt ngôn ngữ thứ hai, thứ ba, vẫn không thể thấm nhuần văn hóa ngoại như văn hóa nội. Chưa kể, thuần thục một ngôn ngữ ngoại là câu hỏi hơn là câu trả lời. (Mỗi người Việt, chúng ta có thể tự hỏi mình, đã thuần thục tiếng Việt ở mức độ nào? Nói chi đến sinh ngữ khác.)

Dùng dịch thuật thay thế, vấn đề này vẫn gặp một số trở ngại. Dịch một tác phẩm địa phương ra tiếng ngoại quốc đòi hỏi căn bản dịch giả: 1- hoặc là người địa phương thông thạo tiếng ngoại quốc, 2- hoặc người ngoại quốc thông thạo tiếng địa phương. Cả hai trường hợp đều vấp phải vấn nạn thẩm thấu văn hóa. Ngoài ra, giỏi sinh ngữ chưa hẳn có thể làm dịch giả đúng nghĩa. Dịch thơ khác với dịch văn xuôi. Dịch thơ, thông thường phải là người yêu thơ.

Giữa những phức tạp đó, chọn lựa tốt hơn, tạm thời, vẫn là tác giả tự dịch hoặc tự sáng tác bằng ngoại ngữ. Tuy nhiên, không phải tác giả nào cũng có khả năng ngôn ngữ ngoại thượng thừa.

Trong chiều hướng này, một số thi sĩ Châu Phi đi tiền phong về sáng tác bằng “Anh ngữ bồi” (pidgin English). Có sự khác biệt giữa Anh ngữ bồi và Anh ngữ sai (broken English) (2). Họ cũng sáng tác bằng Pháp ngữ bồi, Ả Rập bồi.

Sinh ngữ bồi là một hệ thống ngôn ngữ cụ thể, thực tế. Mặc dù đơn giản. Được tạo ra khi người giao tiếp cần nói hai hoặc nhiều ngôn ngữ. Sinh ngữ bồi là một hỗn hợp giữa hai hoặc nhiều ngôn ngữ với mục đích hoàn tất việc trao đổi ý tưởng bằng ít từ vựng và cách phát biểu đơn giản (3). Ví dụ bài thơ: “I wan bi President” của Ezenwa-Ohaeto. Đúng ra phải viết: I want to be a president.

[...]

E get one dream (Tôi mơ một giấc mơ)

wey dey worry me (mỗi ngày làm tôi lo lắng)

Di dream bi say (giấc mơ nói với tôi)

I wan bi President (Tôi muốn làm tổng thống)

[...]

(Nguồn: https://zodml.org/blog/i-wan-bi-president-poem-ezenwa-ohaeto)

Ezenwa-Ohaeto (1958-205) là thi sĩ Nigeria, vừa là một học giả. Ông tốt nghiệp đại học ở Nigeria tại Nsukka và Đại học Benin. Ông là người Nigeria đầu tiên ấn hành tác phẩm thơ bằng Anh ngữ bồi. Ông đoạt nhiều giải thưởng về thơ, văn xuôi và phê bình.

Đây là vấn đề có khả năng mở rộng tranh cãi và khai phá những chiều hướng mới. Một số câu hỏi được đặt ra:

1- Trong tinh thần tự do. độc lập và bình đẳng, phải chăng một loại ngôn ngữ chung cho thế giới là vấn đề cần giải quyết để tránh ưu thế ngôn ngữ cho các quốc gia có sức mạnh về chính trị, quân sự và kinh tế?

2- Có cần thiết xây dựng một ngôn ngữ chung mà đa số nhân loại có thể hiểu, có thể dùng để giao tiếp? Nếu có, loại ngôn ngữ này phải đơn giản, ít luật lệ, dễ học... để phù hợp với khả năng trung bình của đa số. Loại ngôn ngữ này có triển vọng nối kết toàn cầu.

3- Nếu có một loại ngôn ngữ chung cho thơ, sáng tác và thưởng ngoạn, phải chăng thi ca thế giới sẽ có cơ hội phát triển toàn cầu và người đọc được thưởng thức văn chương, đời sống đa văn hóa?

4- Một bài thơ cố ý viết sai ngữ pháp, có phải là bài thơ dở, hoặc không giá trị?

(Thi ca Việt cũng đi qua những chặng đường thuộc địa, hậu thuộc địa và đương đại. Chúng ta đi từ thơ truyền thống đến thơ Mới, thơ Kháng chiến, thơ Nam Bắc chia dòng, thơ nội ngoại chia bờ... Kiểm điểm lại, gia tài ta có được bao nhiêu? Gần như ở thế giới ít ai biết tới.)

Ghi:

(1) Okon, Friday A. 21013. “Politics and the Development of Modern African Poetry”. English Language and Literature Studies, Vol. 3, No. 1.

(2) Ngôn ngữ bồi sử dụng ít từ vựng. Dùng ngữ phạm và cú pháp đơn giản. Sự khác biệt lớn giữa tiếng Anh bồi và tiếng Anh sai (broken English) là tiếng Anh sai không bao giờ trở thành ngôn ngữ mẹ đẻ hpặc mẹ nuôi, trong khi tiếng Anh bồi có thể đóng vai trò này.

Có nhiều loại tiếng Anh bồi. Ngôn ngữ này có luật lệ, qui tắc, do đó những người sử dụng tiếng Anh bồi có thể hiểu nhau và phát biểu tương tự. Tiếng Anh sai, đơn thuần, là người sử dụng không đúng. Không có qui tắc nhất định.

(3) Tamasi, Susan & Lamont Antieau 2015. Language and Linguistic Diversity in the US. An Introduction. Routledge. Taylor & Francis.

(4) Ungatherably không có trong từ điển. Theo như lời giải thích của tác giả, đây là từ vựng riêng, mượn âm theo cách nói, có nghĩa “không thể lấy lại”. (Niyi Osundare's “The World is an Egg” Using Bakhtinian Dialogic as a Critical Tool by Maryscholar”.

Nguồn: https://www.academia.edu/3673912

- Adetuyi, Chris Ajibade & Adeniran, Adeola Adetomi 2018. “African Poetry as an Expression of Agony”. World Journal of English Language, Vol.8, No. 1.

https://www.researchgate.net/publication/325017215_African_Poetry_as_an_Expression_of_Agony

- Ojaide, Tanure and Tijan M. Sallah 1999. The New African Poetry, An Anthology. Lynne Rienner Publishers. Boulder-London.

- Orhero, Mathias Iroro 2017. “Trends in Modern African Poetic Composition: Identifying the Canons”. UNIUYO Journal of Humanities, Volume 21, No. 1, January – December.

https://www.researchgate.net/publication/321776494

- Macharia, Keguro. May, 13, 2106. African: Poetry: Introduction. https://thenewinquiry.com/blog/african-poetry-introduction/

- Moore, Gerald 1998. The Penguin Book of Modern African Poetry. Version 4. Peguin Books, Penguin Group.