Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2020

Càng già càng nhớ mẹ

Tạp bút Khuất Đẩu

Mẹ ơi!

Khi viết những dòng chữ hư ảo này gửi vào thinh không, con đã tám mươi tuổi rồi và xa mẹ đã ba mươi năm hơn.

Ba mươi năm mất mẹ, dù đã lớn, con vẫn là một kẻ mồ côi.

Mồ côi tội lắm ai ơi

Đói cơm khát nước ai người chăm lo!

Cho dù không đói cơm khát nước, nhưng con thèm xiết bao được nghe hai tiếng con ơi từ miệng mẹ gọi.

Con ơi, ăn miếng bánh mẹ mới mua nè!

Con ơi, mặc thử cái áo mẹ mới may nè!

Con ơi!

Con ơi!

Ba mươi năm rồi, con chỉ nghe cha ơi, ông ơi, chứ không còn nghe con ơi nữa, buồn biết mấy!

Chẳng những thèm được nghe mẹ gọi mà con còn thèm được mẹ hôn, cho dù lúc nhỏ con thường tìm cách tránh né vì răng mẹ đen, miệng mẹ đỏ vì ăn trầu.

Cũng cái miệng ấy mẹ đã nhai và mớm cơm cho con, miếng cơm đầu đời dù có màu hồng vẫn cay cay và bị chê là mất vệ sinh, giờ con nhận ra rằng đó là mùi vị ngọt bùi và cay đắng của cuộc đời, mẹ đã tập cho con nếm trước để mai sau bước vào đời không bất ngờ và tuyệt vọng.

Đến tuổi đi học, mẹ  vào giường lay con dậy, rửa mặt, thay áo mới dẫn con đi tới trường. Nhà mình nghèo, cả mẹ và con đều đi chân không, mẹ thường nhấc bổng con lên qua những chỗ đầy bùn và phân trâu bò trên đường làng. Khi tới lớp chân con vẫn trắng trẻo sạch sẽ, chân mẹ thì bùn đất lấm lem, đến nỗi mẹ xấu hổ không dám nhìn thẳng vào mặt thầy giáo.

Khi con cảm sốt, mẹ ra vườn hái đủ thứ lá nấu nước xông, sợ rằng con có thể ngã mẹ đã ngồi ôm con vào lòng cùng xông cho đến khi mình mẩy con và mẹ ướt dầm. Rồi cháo hành cho mau hạ sốt, rồi mật ong và cháo nếp cho mau lại sức… và nhiều thứ khác nữa, ngay cả khi con đã lớn sồ sinh con đẻ cháu cho mẹ.

Mẹ là như vậy, là miếng cơm nhai cho con dễ nuốt, là chiếc chiếu khô cho con nằm ấm áp, là chỗ đất sạch cho con đặt chân lên, là nồi lá xông thơm lừng cho con khỏi bệnh, là chén mật ong vàng óng cho con tẩm bổ.

Me giản dị như thế, quê mùa như thế, nhưng mẹ là mẹ của con.

Mẹ rất tầm thường nhưng với con thì Mẹ thật phi thường.

Vậy nên. Mẹ ơi, càng già con càng thương mẹ và nhớ mẹ xiết bao!

Tháng sáu trời không mưa, 2020