Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020

Tình yêu nước Mỹ trong tôi

Lê Học Lãnh Vân

Cuộc đời làm việc đưa tôi đi rất nhiều châu trên thế giới, Á, Mỹ, Âu… với một lịch trình rất dày đặc khiến đôi khi tôi có cảm giác trái đất chỉ như một hòn giả sơn! Trong các nước đã sống, làm việc và đi qua, đọng lại sâu sắc nhất trong tôi là ba nước, nước Việt của tổ tiên, nước Pháp nơi tôi xem như cái nôi khoa học của mình, và nước Mỹ. Với tôi, tình yêu nước Mỹ thật kỳ lạ. Mãnh liệt và êm đềm, rõ rệt và phân vân, tất cả đến với tôi một cách tự nhiên khó phai mờ.

Sau nhiều năm suy xét, phân tích, tổng hợp, tôi có thể nói mình yêu nước Mỹ vì hai lý do chính: tính thực dụng của nó và tính đa chiều trong tính cách của nó.

Xin nêu dưới đây vài thí dụ.

Tính thực dụng của Mỹ thì chắc nhiều người trên thế giới đã biết.

Trước khi vào thí dụ thứ nhất, xin khẳng định một trăm phần trăm nhiều bạn tôi là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và nhìn chung tôi thấy họ không khác gì mình, dù chắc chắn tôi ủng hộ chính thể dân chủ chính danh. Tại sao kỳ thị một người vì quan điểm chính trị, cho dù người đó ủng hộ độc tài? Con người sinh ra bình đẳng và có quyền chọn lựa cách sống, khuynh hướng chính trị cho mình. Dân chủ, đa nguyên, đa đảng, tam quyền phân lập… là các điểm những người chống Cộng bên châu Âu thường nêu lên ba mươi năm trước…

Mỹ thì khác. Những người Mỹ chống Cộng không nói lý thuyết quá nhiều. Một người bạn Mỹ ba mươi năm trước hỏi xã hội nào mà con người không thích ăn ngon, không thích có tiền, không thích tự do, miễn cách họ mưu cầu những điều đó là chính đáng? Cứ đem tiền vô Việt Nam đầu tư, mình vừa có cách làm tiền mà mọi loại ý thức hệ trong đó sẽ lần lần tự thay đổi nếu người trong xã hội đó thích tự do, dân chủ hơn. Nếu so sánh xã hội Việt Nam thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với thời Tổng Bí thư Lê Duẩn, bạn sẽ nhận xét gì về câu nói của người Mỹ kia?

Các công ty đa quốc gia Hoa Kỳ có một số giá trị cốt lõi gần nhau. Một giá trị cốt lõi là tôn trọng con người. Không dễ giải thích với một số người Việt rằng giá trị đó không vì đạo đức, mà vì thực tiễn. Trong xã hội hiện nay, luật pháp cấm các hành vi vi phạm nhân quyền. Giá trị tôn trọng con người sẽ giúp nhân viên công ty không vi phạm các điều có thể khiến công ty bị phạt nặng hay làm tổn hại danh tiếng, tổn hại thương hiệu, tổn hại giá trị thương hiệu. Tinh thần thực dụng khiến người Mỹ thấy, hiểu điều này một cách rất tự nhiên.

Một giá trị cốt lõi khác là không vi phạm luật pháp. Tại sao có giá trị đó? Vì công ty vi phạm pháp luật phải chịu phạt rất rất nhiều tiền, thậm chí bị cấm hoạt động. Rất đơn giản và thực dụng!

Nước Mỹ có phân biệt chủng tộc không?

Trên một sàn ga điện ngầm của New York, khi xe lửa trờ tới, một anh chàng da trắng chen lên lấn một anh chàng da đen. Người da đen, dù đang đứng ở vị trí thuận tiện, vẫn lùi lại nhường. Khi đã lên toa và xe bắt đầu chạy, hai người phụ nữ trẻ da trắng nói lớn vào anh chàng lấn kia: “Bỉ ổi”! Nhiều người xung quanh hướng ánh mắt ủng hộ về hai cô gái. Anh chàng lấn luống cuống, tôi đang bận, tôi đang bận…

- Bỉ ổi! Nước Mỹ không cho phép anh lấn bất cứ người nào, phụ nữ, trẻ con, chủng tộc nào, người quốc tịch nào, nghe chưa! Anh bận người khác không bận sao? Anh phải xin phép người ta, anh là người phân biệt chủng tộc bỉ ổi!

Anh chàng lấn lấm lét im re trước không khí không thuận lợi cho mình!

Giữa giờ một buổi hội thảo khoa học, vị giáo sư Mỹ da trắng đã nói với tôi rằng đa số người da đen tại Mỹ nằm ở lớp đáy. Quốc gia đưa họ rất nhiều ưu đãi, họ không biết cách dùng hay không muốn dùng để tạo thành quả tương xứng. Đó là một khối nặng kéo nước Mỹ đi chậm! Số người nói ra như vị giáo sư kia không nhiều, nhưng câu nói đó khiến ta cảm nhận gì? Một quan tâm về tính hữu hiệu của chính sách, hay một quan điểm phân biệt màu da?

Bạn tôi, một Ph.D. người Mỹ gốc Phi, rất thường chống đối các quyết định của khoa trưởng. Anh nói tư tưởng kỳ thị người Mỹ gốc Phi luôn nằm trong đầu người Mỹ gốc Âu.

- Nhưng nước Mỹ có nhiều nhân vật lớn gốc Phi. Như Colins Powell rất được kính trọng…

- Nước Mỹ trọng dụng vài người gốc Phi xuất sắc. Nhưng nước Mỹ khinh rẻ hay thờ ơ với rất nhiều người gốc Phi xoay tròn trong đói nghèo, thiếu hiểu biết… Các thành phố Mỹ luôn có ba vùng. Vùng sang cho giới thượng lưu hoặc rất giàu có. Vùng trung bình không giàu nhưng an ninh. Và vùng lộn xộn, nơi thiều tiền, thiếu học thức, thiếu an ninh, đa số dân cư trong vùng này là Mỹ gốc Phi!

- Tôi ngưỡng mộ Hiến Pháp Mỹ, giá trị Mỹ, chúng luôn chống lại bất kỳ biểu hiện kỳ thị nào.

- Tư tưởng, kiến thức làm ra Hiến Pháp, luật pháp. Thói quen, tình cảm quyết định cách sống hàng ngày trong xã hội…

Câu trả lời của anh bạn Mỹ gốc Phi càng cho tôi thấy rõ nét đa tính chất của nước Mỹ. Trên khía cạnh nào cũng vậy, không chỉ trên khía cạnh màu da!

Trong những ngày này, khi nước Mỹ đang rối bời vì dịch do virút Covid-19, vì các chấn động xã hội tiếp theo cái chết của George Floyd, vì tranh cử tổng thống… đọc các bản tin, xem hình ảnh, về các cuộc biểu tình tôi càng cảm thấy gần gũi nước Mỹ hơn. Dù tin tưởng vào nền Dân Chủ Mỹ được thiết lập gần 250 năm trước và đã bao phen chứng minh tính vững chắc cùng độ dẽo dai của nó, tôi vẫn lo lắng. Sự việc không còn chỉ của riêng nước Mỹ nữa mà đã thuộc về thế giới, về nhân loại!

Nước Mỹ không chỉ chia rẽ về cuộc sống hiện tai. Khi đòi phỉ báng hay dỡ bỏ những cái tên như Washington, Jefferson… phải chăng nước Mỹ đang đi tới chia rẽ sâu sắc hơn về những giá trị đã làm nên nước Mỹ trăm năm qua hùng cường và cao cả, xứ sở của các mũi nhọn tiến bộ cả về khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội, cả về mức độ giàu có lẫn cách tổ chức xã hội hướng tới nhân bản và văn minh?

Nước Mỹ đang đang cựa quậy để lột xác khắc phục các khiếm khuyết và mạnh mẽ hơn hay nước Mỹ đang từ từ lăn khỏi vị trí được ngưỡng mộ nhất của cộng đồng các quốc gia để xuống vị trí thấp hơn?

Phải chăng khi tâm lý “toàn cầu hóa” không còn được ưa chuộng như trước thì sức mạnh của “Hợp Chúng Quốc” cũng không được như xưa?

Tại sao sự việc bùng phát dưới thời tổng thống Trump, khi ông cầm quyền đã gần hết một nhiệm kỳ?

Người ở rất xa nước Mỹ này không dám trả lời những câu hỏi quá rộng, quá tế nhị, cần một cái nhìn thấu đáo nhiều mặt về lịch sử, xã hội, con người Mỹ.

Chỉ nhớ lại lịch sử thế giới gần đây cho ta những bài học cay đắng về bạo loạn và bạo lực xã hội.

Đã có những nước từng có thời kỳ tương đối phát triển, xã hội dù không phải là tấm gương cho thế giới thì cũng tương đối ấm no trong dân chủ, tự do… Bởi những khiếm khuyết mà xã hội nào cũng có thể có, người dân nơi đó phủ nhận các giá trị căn bản và to lớn hơn nhiều. Thay vì cải tạo xã hội bằng cách tác động hòa bình để tiệm tiến thay đổi nhận thức các tầng lớp dân chúng, thay đổi cách tổ chức xã hội, thay đổi các chính sách… họ lại kêu gọi căm thù, tiêu diệt con người cụ thể, hủy bỏ các giá trị truyền thống từ bao đời trước, giật sập nhiều tượng đài lịch sử…

Bây giờ, nhiều người trong họ tiếc thời đã qua. Khi các thành phần trong xã hội đã chia rẽ sâu sắc tới trở thành thế lực thù địch của nhau, quá khó để thiết lập lại tâm thế an hòa và cộng tác. Khi đạo đức đã suy thoái, quá khó để xây dựng lại. Khi nền móng sự cố kết quốc gia đã đổ vỡ…

Người Việt của tôi ơi, có phải một Hoa Kỳ tiếp tục hùng cường, vững mạnh với các giá trị văn minh của nền dân chủ, Hoa Kỳ đó có quyền lợi song hành với Việt Nam, và là một nguồn lực nước Việt Nam chúng ta có thể dùng hay không?

Ngày 20 tháng 6 năm 2020