Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2020

Phố vẫn gió (kỳ 10)

Lê Minh Hà

Lần nào trở về tôi cũng mò tới nhà Béo lập tức. Cái gara xưa vợ chồng nó chui rúc nay đã thành một ngôi nhà ba tầng mỗi tầng trụi thùi lụi một phòng, cửa chính cửa phụ gì cũng chỉ có thể mở về một phía nên vẫn bí. Béo kéo tôi ra chợ mua bún, mấy xiên thịt nướng, củ tỏi quả chanh về tự pha nước chấm, y như bao nhiêu ngày xưa. Rồi nó dẫn tôi lên nhà thắp hương cho mẹ nó vừa mất. Bàn thờ cụ bà để trong căn phòng làm việc của bố nó – căn phòng đẹp nhất nhà nhìn xuống phố có tới bốn cửa sổ hai mặt tường. Bước chân vào phòng, tôi ngạc nhiên thấy hai cửa sổ phía đông đóng chặt cả kính lẫn chớp. Bố Béo giải thích là để đỡ ồn. À, tiếng hát karaoke. Béo lục cục vặn quả bàng mở tung hai cánh cửa và tôi hiểu ra, bàng hoàng. Ngôi nhà thằng Khương mới xây ban công chồm ra che nửa đường vào từ cổng tưởng chừng từ cửa sổ nhà Béo có thể với tay ra trèo qua được. Chắc ông già không chỉ ngứa tai, còn nhức mắt. “Còn đau hết cả đầu vì vợ chồng thằng Khanh khuân tất cả máy may lên trên tầng áp mái, suốt ngày cứ lạch xạch lào rào. Ông bà buồn lắm.”

Béo ứa nước mắt khi cùng tôi xuống lại nhà vợ chồng nó. Nó kể đã gặp luật sư xin tư vấn cho bố nó lập di chúc. Hai mươi mấy năm qua, gần như trọn vẹn diện tích nhà ông thứ trưởng được cấp vợ chồng thằng con trai một dùng cho chuyện làm ăn. Nay, cũng vì chuyện làm ăn, thằng em Béo rỉa róc ông bà già dại, gác một không xin lại trèo lên ở gác hai, giờ sân vườn bị chiếm, nhà thì rộng thế đẹp thế nhưng nước nôi khan hiếm phải thuê người gánh hàng ngày, bán cũng chả được bao nhiêu. “Định bán à?”, tôi hỏi, và Béo kín đáo nhìn về cuối phòng nơi chồng nó đang dán mắt vào màn hình máy tính: “Không, các cụ ở mấy chục năm, cũng gọi là cái lộc hưởng nốt đời theo Cách Mạng, cũng chỉ còn cái xác nhà đó thôi mày… Vợ chồng thằng Khanh ép bán lấy tiền mua nhà mặt phố cho chúng nó mở cửa hàng. Có bán cũng làm sao đủ. Vậy mà chúng nó cứ như phát điên phát rồ từ hồi thằng Khương xây nhà. Sao không nhớ cái ngày thằng Khương còn bé chui trong cái phòng gầm cầu thang nó cứ quay quay không có chỗ mà rúc tránh cán chổi bà nó quật. Sao không nhìn thằng Khương nó lăn lộn thế nào. Bằng cái mắt muỗi đã phải nhảy xe buýt về quê cất hàng cho bà nó bán chè chén. Đề đóm nó ghi rồi. Chạy hàng từ biên giới cũng chạy rồi. Hai tay hai dao cũng rồi. Tù cũng tù rồi. Mày chưa biết nhỉ? Nó bán cả heroin… cái hồi mày quyết định đi không về nữa ấy. Đằng này nhà mình thằng Khanh chỉ là thứ công tử nhà mất giá.”


Béo hồn nhiên biến hình trước mặt tôi. Trước tôi là một người đàn bà đi rộng biết nhiều đang bất lực và cay đắng. Cay đắng thật. Khi mà nhà chỉ có hai chị em, ai cũng có phúc có phần ở đời mà giờ lũ con cái của hai nhà không muốn dính dáng gì đến nhau. “Bọn trẻ nhà tao giờ gặp vợ thằng Khanh cũng không chào mày ạ. Ra vào một cánh cổng này, chạm mặt hàng ngày mà thế. Mẹ tao những ngày cuối đau đớn lắm, vì bệnh tật, vì đủ thứ không thể làm gì được. Ai đời lúc bà vừa mất, ông phải vào cấp cứu trong Việt Xô, vợ chồng nó để ông cho tao chăm, dám mở tủ lấy cái sổ đỏ tính vượt mặt ông bán nhà. Người ta không dám mua vì chúng nó không phải là chính chủ nhưng nếu chúng nó phá giá thì chưa biết thế nào. Ông suýt chết vì thất vọng mày ạ. Tao mời luật sư là vì ông đòi thế, ông muốn thu xếp mọi điều phòng khi…”

Phòng khi… Nhưng trong lúc cái khi đó chưa đến? Tự dưng tôi thấy mình thấp giọng: “Cụ ông về hưu có nghiên cứu khoa học huyền bí không mày?” Béo nhìn tôi, nghiêm túc: “Không! Nhưng mà tao!” Thật đúng là một tin bổ ngửa. Béo, đứa có thể nhảy múa với đủ thứ kiến thức làm tôi mụ mị, đứa sống trong một nhà bôn nòi đến cái bàn thờ mẹ nó chưa chết còn không có, đứa đi tây về ta thoăn thoắt giờ say mê chuyện tâm linh. Bác Nắng đi chùa đã đành. Bà osin ăn lương nhà nước ngày xưa kéo theo được cả bà thủ trưởng cũ đi làm công quả. Nghe kể bà già chín mươi có bảy mươi năm tuổi đảng biến cái lò sưởi bề thế y như cái lò sưởi trong phòng Béo thời con gái thành ban thờ Phật ngồi tụng kinh gõ mõ, cũng còn hiểu được. Bạn bè tôi rằm mồng một khối đứa ăn chay ngủ chay cầu con không nghiện cầu chồng lên cao đi xa không bị ma nữ ám hạ cánh an toàn và vân vân, hiểu được. Nhưng mà Béo! Từ bao giờ nó quay ra tin toàn những chuyện đến đứa cả tin như tôi nghe tới đâu là ngờ vực tới đó? Lòng tin của nó dào dạt đến mức Béo giờ chỉ chờ đến tuổi hưu là tận hiến mình cho sự nghiệp tâm linh. Nhìn những cốc những chén những cục thạch anh dụng cụ hành nghề của Béo, nghe Béo phấn khích kể những bước tiến trên con đường tu tập, tôi đâm hoang mang không hiểu bạn mình ngộ hay là đốn ngộ. Chợt hiện dáng bố Thái Hằng lòng khòng ngật ngưỡng trên hai cái ghế đẩu chồng lên nhau cố vươn lên cắm mấy nén hương ở bàn thờ sát trần nhà, chợt hình dung dáng bác Thiều Như lọ mọ bên cái lò sưởi nay là bàn thờ Phật, thay cho những lời gang thép khi xưa chỉ còn là những tiếng thì thào cầu khấn, tôi đã định chòng cô bạn lại im. Ừ thôi, còn có một cái gì để sợ để tin là tốt lắm rồi. Như thế, tôi còn được tin bạn mình không đổi. Bà mẹ chồng tôi về hưu cũng toàn tâm toàn ý đi chùa. Bà bảo nước mình một thời dại dột phá hết đình chùa miếu đền, người chẳng biết sợ cái gì nên người dám làm điều ác. Điều bà nói không hẳn đúng, chẳng qua chúng tôi được dạy không sợ cái này để mà sợ cái khác mà thôi. Bây giờ, nhà nhà run rẩy lo sự tâm linh, nghĩ cho cùng cũng chỉ là chuyển vế đổi dấu lại cho nỗi sợ. Nhưng mà cứ sợ cái gì không hình thù, sợ những hình phạt mù mờ thì cũng mệt. Tôi không muốn sợ như Béo vì sẽ phải rèn luyện tu dưỡng theo một kiểu nào đó, kiểu gì tôi cũng ngại. Tôi chọn cho mình cái sợ rõ ràng từng ngày: Chồng. Người đàn ông đồng bào tôi đã gặp giữa những ngày tháng cô độc nhất ở xứ người, khi những người tôi gắn bó, (một ông chồng ta, một ông chồng tây và hai ông bồ tây) đã lần lượt ra khỏi đời tôi. Đấy là may mắn hay đấy là hạnh phúc, tôi không biết. Nhưng chúng tôi đã sống êm đẹp được mấy năm rồi và tôi hiểu ra mình sợ thay đổi, dù đó chỉ là thay đổi một thói quen, không phải là yêu, mà là phụ thuộc về cảm giác. Nếu mà chồng tôi cũng từng tệ bạc, cũng từng thờ ơ, cũng làm tôi như Béo từng ngày hốt hoảng thấy lòng mình vợi cạn, có lẽ tôi cũng như nó, khéo còn tiến xa hơn trên đường tu dưỡng tâm linh vì không còn bị ràng buộc bởi cơ quan đoàn thể lợi ích nào. Dù gì thì từ bé tôi đã bị chỉ mặt bảo là căn cao số nặng mà, tu là tiến, Béo cũng vừa bảo thế.
Câu Béo nói, tôi sang tai cho chồng ngay ở sân bay khi anh ra đón. Tống được va li vào cốp xe rồi, chồng đẩy tôi ngồi vào ghế, quay sang cài dây an toàn cho vợ y như vợ là một đứa trẻ, rồi cười: “Tu đi. Tu là tiến! Tiến lên phía trước tiến lên hàng đầu hàng đầu rồi biết đi đâu đi đâu không biết hàng đầu cứ đi. Câu này có vẻ vẫn đúng với người Việt mình thế kỉ 21 nhỉ!” Nhìn mặt tôi lụng bụng chắc cũng chán, chồng dỗ dành: “Thôi cứ đứng một chỗ rồi tôi dắt. Chẳng bao giờ vào siêu thị một cửa mà ra được đúng cửa đó lại còn đòi định theo nó tu mới chả tiến. Cô nương có khác gì Partisan ở trong rừng tiến về thành phố đâu, ba bước đã lạc…”

Đúng thế thật. Tôi trở về và lạc trong thành phố của mình. Những phố hiền hẹp lại vì cao ốc. Những hàng cây cao giờ lũn cũn dán mình vào các bức tường kính. Những ngôi nhà xưa ý nhị sau những hàng rào những khoảng vườn nay chồm ra sát phố, chìa cái mặt tiền nhiều phen cơi nới sang sửa nhìn chẳng khác gì mặt đàn bà tuổi tôi qua mỹ viện, hơn chăng là ở giá trị sử dụng tăng. Tôi trở về và lạc ngay trong những khu tập thể ngày xưa, khu Bách Khoa, khu Thanh Nhàn, khu Nam Đồng, Thành Công, Giảng Võ, lạc ngay trong khu tập thể chính mình từng sống từ lúc được sinh ra đời cho tới lúc dại giai theo người đi tít mù tắp. Cái trật tự cũ đã biến hình, trở thành dị dạng, với những ngôi nhà tủn hoẳn lởm khởm chen với hàng quán tự sinh theo nhu cầu của cư dân, hàng nước kiêm ghi số đề, hàng quà, hàng dưa cà mắm muối, hàng cắt tóc gội đầu, quán karaoke, tiệm làm móng kiêm mát xa mát gần vui vẻ. Mật độ quán xá cao thì nó sẽ phình thành chợ. Ở một cái chợ như thế dưới chân cầu thang nhà bà chị gái, lúc tôi đang ngồi ngó cái mặt mình trong gương cho cậu thợ cắt tóc gốc Hạc Trì ở đúng cái làng mấy năm trời sát nhập sát thế nào mà thành ra chẳng tỉnh nào nhận sửa gáy, đột nhiên giật mình thấy đằng sau một cái thùng bốc hơi nghi ngút toàn mùi lòng lợn luộc, bàn thịt quay, xe bánh mì, và lố nhố đàn bà. Cậu thợ cắt tóc vít đầu tôi xuống bảo có gì đâu công an phường đi dẹp trật tự ấy mà. Một cái xe cảnh sát chạy chầm chậm qua phố chợ chật hẹp, vốn là con đường nhỏ nối giữa các khu nhà cao tầng. Ông (đồn phó - cậu thợ cắt tóc giảng) da đen cháy cầm cái loa đứng trên xe hò hét, mấy cậu dân phòng lăng xăng nhấc cái xe đạp lồng cồng hai sọt dứa, túm bốn góc tấm ni lông bày mấy nải chuối xanh quẳng lên xe. Đằng sau cái xe, người lại túa ra. Chị hàng lòng luộc đứng sau lưng tôi đã tranh thủ vớt ra cả rổ dồi với ruột, giục giã anh chồng lẻo khoẻo gọi người bê thùng nước dùng nóng giẫy ra lại chỗ bán hàng. Tôi hoảng hồn co cẳng, chỉ sợ nhỡ thùng nước xuýt mỡ màng đổ. Cái cảnh dẹp đường để sạch nhà sạch phố đẹp Thủ đô này ngày chưa đi tôi từng biết rồi, cũng như biết sự bốc hốt ăn mày gái điếm trước mỗi dịp kỷ niệm cái gì đấy. Chỉ có xe chuyên dụng ngày đó có vẻ không nhiều không đẹp như bây giờ. Bâng quơ hỏi ngày nào công an cũng phải dẹp thế này à. Có người bâng quơ trả lời ngày nào cũng, cũng chẳng làm sao, tháng đóng hụi chết rồi. Chứ người ta làm thật thì chỉ có cách về treo cổ con lên trước rồi treo cổ vợ chồng sau, khỏi phải ăn. Tất cả cùng cười. Tôi cúi đầu cho cậu thợ gọt gáy, nhớ cái phố chợ gần nhà ngày trước đã bị giải tán, tự hỏi những cô hàng thịt hàng cá hàng rau hàng đậu hàng mắm muối dưa cà thân quen ngày xưa giờ sống thế nào? Có dạt tới một cái chợ như chợ này? Có đang cong mông đẩy hàng ra bán tiếp coi giờ công an phường đi trấn dẹp là giờ giải lao? Đột ngột loa phường hực lên. Người ta đọc một bản tin gì đó. Trong cái hỗn loạn mới mẻ này tôi chịu chết nghe đứt đứt nối nối từng câu. Nghĩ không biết tại sao người ta lại cần tới cái loa phường man rợ này. Cứ tưởng chỉ thời chiến tranh mới cần tới cái loa để nghe “đồng bào chú ý máy bay địch cách Hà Nội … “ mà xua nhau vào hầm trú ẩn kịp lúc còi báo động hú.

Con bé hàng xóm học hành giỏi giang bậc nhất khu tập thể của tôi xong đại học tổng hợp văn chẳng biết xin việc ở đâu quay về làm công tác đoàn cho phường giờ đã thành phó chủ tịch quận. Mạnh gạo bạo tiền, ngày xưa nó rụt rè, vì nhà nghèo, vì có giỏi cũng là giỏi hơn đứa dốt, và vì mặc cảm mặt mụn, bây giờ nó vào khu tập thể là bao nhiêu người ngồi ràn rạt bán hàng quà đầu ngõ chao chát mời chào. Toàn những bậc tuổi bố mẹ nó về hưu xoay nghề mới. Gặp tôi, nó chao chát“chị mới về”, giọng chẳng có tí teo mừng rỡ nào. Phó chủ tịch quận đi rồi cô hàng cháo trai truyền vai của bà hàng xóm mới khua cái muôi dính cháy cháo bảo tôi “Nó bây giờ giàu lắm chị ạ. Chị ngày xưa học xong mà xin về phường như nó khéo chả phải đi kinh tế mới tận cái nước Đức xa xôi ấy làm gì. Nó có mấy cái nhà bên Đầm Trấu đấy. Mỗi căn mặt đường xây lên là mười mấy tỉ. Bà nhà em bảo trước mấy ông khu mình toàn ra đó bắt cóc đêm mưa…” Tôi cười. Xung quanh tôi những mặt người hừng lên vì nỗi nhớ, râm ran chuyện cũ nhắc lại. Nhưng hỏi chuyện mới, tiếng nói cười lặng dần. Cô hàng xóm bán cháo hạ giọng đưa tin. Chồng chị Phương chết rồi, chết sau hồi chị đi ít ngày. HIV. Tại chứa gái ngày vợ đi xuất khẩu lao động đấy. Thằng Thành dưới gác nhà chị em mình cũng chết rồi. Nghiện. Con An một mẩu mà vú vê thây lẩy như hai quả bưởi làm gái bị bắt lên bắt xuống mấy lần không thấy về lại, chẳng biết sang Trung Quốc hay cũng tiêu rồi. Thằng con nhà Thanh khoèo chơi đề gãy, chán đời cũng lao vào hút, hôm rồi ngáo đá nồng nỗng một bọc giữa hai bẹn đi ra phố làm ai cũng sợ. Mấy thằng con giai con mấy chị cùng tuổi chị ngày xưa còn mỗi thằng Hỗ sống. Toàn chết vì phá đá quá liều.

Tôi ngồi nhìn cô hàng cháo về làm dâu nhà hàng xóm cùng tầng từ ngày tóc xanh mười tám nay đã thành mẹ vợ của cậu xe ôm đầu ngõ xoè tay tính đếm ai sống ai chết, nghe xung quanh tiếng các bà tranh cãi bổ sung danh sách người nghiện trong khu và tiên đoán tương lai từng người, bụng dạ lăng quăng quanh cái tương lai đi lên bằng công tác phường từng bỏ qua mình. Đi lên bằng công tác phường! Tôi làm sao làm nổi. Sáng mùa hè lùa trẻ con đi tập thể dục, đêm mùa hè mất điện quây chúng nó lại giữa sân tập đồng ca “đảng đã cho tôi một mùa xuân đầy ước vọng” để đi thi với các phường các quận, tôi chịu. Mà cái mặt tôi cứ hơn hớn lên nhìn ông hàng xóm bố chồng cô hàng cháo trai này đây rồi cười sằng sặc theo ông thì khó mà có đoàn thể nào vời. Nhưng không cười không được trước ông ca sĩ thiếu tá đoàn Phòng không – Không quân giải ngũ về lôi đâu ra cái quần lá tọa màu chàm vá chằng vá đụp chiều nào cũng chen chân với chúng tôi ở máy nước công cộng rửa một rổ rau mậu dịch to tướng theo lệnh vợ. Cúi người mỏi, ông vươn cái lưng gầy lên lấy hơi cất giọng “cho ngày nay cho ngày mai cho hai ngày sau…”. Dáng ông với cái quần thắt dải rút, giọng ông vang trên nền vòi nước tồ tồ cống róc ra róc rách hay phết. Xúc động còn hơn xem ti vi phát Ái Vân xinh đẹp phơi phới trên sân khấu nước người với chính giai điệu này. “Bạn đời ơi hãy tin hãy yêu và hát cùng chúng tôi… Cho ngày nay cho ngày mai cho muôn đời sau… Cho ngày nay cho ngày mai…” Chi bộ tổ hưu cũng chẳng cấm được ông thiếu tá hát nhăng. Chưa góp ý thì ông mới hát bên vòi nước công cộng, khán thính giả chỉ mới là hàng xóm. Lấy ý kiến đóng góp, chiều chiều ông ra phố xếp hàng mua rau mậu dịch, vặn cái cạp quần thắt dải rút thành một nùi trước bụng lép, ông đứng hát ngay bên xe rau “cho ngày nay cho ngày mai cho hai ngày sau bạn đời ơi hãy tin hãy yêu”. Mà giọng ông mới vang chứ. Chi bộ thôi góp ý cử người tới nhà gặp riêng, ông bỏ họp rồi thôi Đảng hẳn, chẳng đơn chẳng từ, cứ lặng lẽ thôi. Mỗi bà vợ bé như cái kẹo mút dở mà ông vô cùng nể sợ là làm được ông im thôi hát các lời bài hát nhại. Bây giờ người ta gọi là nhạc chế đây. Trong vô số những lời hát nhại tôi luôn nghe ra một niềm vui sống khoẻ khoắn bất thường. Không có nó và những chuyện tào lao như thế giữa những ngày tháng ăn bo bo cốt lấy no, tôi nghĩ ông thiếu tá ca sĩ hàng xóm khó mà chịu nổi cái cảnh mình đi chiến trường về thì thằng con hào hoa nhất lại bị đưa đi trường giáo dưỡng tít trong núi rừng Thanh Hóa. Mà chính tôi nhờ thế cũng trở thành một tôi khác mà Béo và Thái Hằng không biết. Thiếu cái gương mặt thứ hai này e rằng tôi không dám chơi lâu thế với chúng nó vì nỗi nghèo, nỗi dốt, nỗi nhát, nỗi đã thế vẫn còn không thôi khát khao.

Khát khao thì khát khao. Có ai đánh thuế. Giờ tôi vẫn khát khao, nhưng là khát khao được sống khác đi ngày tháng cũ. Như thế tôi đã chẳng phải nhìn nó qua một khoảng rỗng hai mươi năm có lẻ thế này. Thật thì đôi khi ngồi thanh lí một đoạn đời cũng thấy buồn buồn tồi tội cho lốc nhốc tuổi mình. Giá lò dò ra với đời này sớm hay muộn chừng sáu bảy mười năm, khéo vô khối đứa trong chúng tôi đã không chọn quê người thành quê mình. Già hơn, có lẽ chúng tôi hẳn đã thành một cái gì đấy để mà sợ thay đổi và tiếc cái mình đã tu dưỡng rèn luyện phấn đấu mới đạt tới, trẻ hơn, thì sẽ lớn lên đúng lúc chế độ bao cấp đi tong và Mỹ thôi cấm vận, bao nhiêu là cơ hội sống sáng lòa lòa trước mặt. Dù sao thì tôi giờ không còn vừa ở lại cống hiến cho tây vừa tiếc phần đời không kịp sống cho ta nữa, chí ít thì tôi cũng hiểu ra rằng mình đã có một cơ hội, một thế nhìn quê nhà trong một chiều kích mới, để hiểu mình và biết yêu Tổ Quốc với người Việt Nam lắm lúc ngậm ngùi như thế nào. Nhưng mà người ở luôn thương người đi rằng xa xứ thiếu phong vị quê nhà thiếu tình gia đình thiếu đủ thứ, nghe ra rất tội tình thì thú thực là kì quặc. May mà hơn hai mươi năm đổi mới đi ngang đi dọc đất trời đã không còn là đặc quyền của một số ví dụ như lãnh đạo cấp to cấp bé vận động viên hay nghệ sĩ vân vân, người mình đi qua xứ người đã thôi nhìn khúc ruột ngàn dặm như khúc ruột thừa, thương thương hại hại rất buồn cười. Chẳng ai tự đặt câu hỏi rằng khổ thế sao mình vẫn thích qua và người ta thì muốn ở. Đấy là một mâu thuẫn lớn ai cũng nhìn mà không thấy. Nói thật là cái chuyện người Việt nằm mê thấy mùi nước mắm lại quay quắt thương đất thương người là chuyện của bà con mình đi Đông Âu từ đời tám hoánh nào cách đây vài mươi thập kỉ. Thế nên có chuyện bà mẹ chồng cũ của Em bé Hà Nội lễ mễ bê cả túi nước mắm cô qua Đức cho con dâu mới đổ nước đun rồi lọc thành nước mắm mà chấm mà húp làm cả lũ vừa buồn cười vừa cảm động. Thật thì chẳng khác gì ở nhà, muốn có lại cảm giác thèm nhạt như xưa để ăn thấy ngon cũng khó. Thịt chó tôi không ham. Nhưng cháo lòng, bún phở bánh cuốn miến lươn tuốt tuột cái gì cũng sẵn. Qua Hung ăn bún tươi còn tưởng bún Việt bay qua trời tây hóa ra lại là hàng bà con tự sản tự tiêu. Ngồi ăn rồi cười vì đôi ba ông nhà văn bà nhà báo đi tây uống rượu được đãi phị cả người, nghe chủ than thân trách phận cho sướng mồm về lại viết những phóng sự dài thòng thương cảm. Có thật là họ viết như họ nghĩ không nhỉ? Cứ đọc được là tôi lại sực nhớ cảnh các văn nghệ sĩ già đầu nhà ta hồi trước hay lúm khúm tới nhà cô bạn công an văn hóa. Mà họ bằng hoặc sắp bằng tuổi ông bố nó chứ chẳng bỡn, nổi tiếng dĩ nhiên hơn bố nó rồi. Hỏi sao họ phải đến quà cáp cho mày, cô bạn cười khì khì: “Tao chịu trách nhiệm thẩm tra lí lịch của họ. Lần nào đi nước ngoài cũng phải thẩm tra lại.”Thế thật ra thì mày làm gì?”Thì đến công an phường hỏi dăm câu ba điều chuyện nhà cửa của nhau rồi xem từ lần đi trước tới lần đi này họ có gì mới không xong rồi chứng nhận. Mai tao phải xuống phường mày đấy. Ông ca sĩ vừa rồi ở phố ngay gần nhà mày đấy!”


Ôi chao, ông ca sĩ đó mặt trắng mắt tròn lông mày đen mềm như lông mày phụ nữ. Tôi vốn thích ông vì giọng và phong thái đến là sang trọng. Nhưng lúc nãy tôi bắt đầu ít thích ông rồi vì trong khi rất lễ độ với cô bạn tôi ông không thèm dành cho tôi nửa góc mắt. Mà tôi đã lịch sự với ông như thế, đã để bạn mình tiếp ông, chứ đằng thằng ra với cái tính tôi bọn bạn gái trai gì chưa đứa nào dám lỡ hẹn. Lần đầu tiên tôi biết ông không cao như tôi đã tưởng khi ông đứng trên sân khấu với chất giọng opera thật là vang và lần đầu tiên tôi biết ông hói giữa đỉnh đầu. Phát hiện này dẫn tới phát hiện khác, rằng lẽ ra nên như bạn mình, bận tâm quái gì sự học, vào trung cấp an ninh mất có ba năm rồi thế nào cơ quan cũng cho đi học tiếp, thi thố sẽ nhẹ đi rất nhiều, mà ra trường, thì thế: làm giữa Hà Nội, chức bé quyền to, công việc chẳng cái gì ra cái gì nhưng mầu ra mầu, chỉ nội cái việc nhận vé xem phim xem ca nhạc tuồng chèo cải lương đủ sướng. Nói mình là công an thì còn phải lăn tăn nhưng nói mình là công an văn hóa thì thật là văn hóa. Nhưng sung sướng trong ý nghĩ một hồi thì lại biết là không theo được, học xong lấy ai xin việc cho? Chẳng như nó, chẳng như mấy đứa bạn nữa thuộc diện con em học hành rất tậm tịt nhưng ra trường là về không sở thì bộ, như thể chỉ chờ chúng nó tốt nghiệp là ở đó một chỗ làm trống thòi ra. Ngày tôi ra đi cô bạn đã xong đại học Luật, thiếu tá, trưởng phòng xét hỏi công an quận. Không có nó thì tôi chịu chết không làm lại được tờ giấy chứng nhận kết hôn bị thằng ăn cắp nào thó mất lúc dắt xe vào chợ. Khi cưới chồng thì tờ giấy đó phường cấp. Lúc chồng biến thì giấy lại do quận cấp. Hỏi xin sao lại thì phường cho dấu hình chữ nhật vẹo vọ như khắc bằng củ khoai sống. Lên tới quận làm mấy thứ giấy tờ tiếp lại bị mắng dấu này mà là dấu sao y bản chính à. Hình tròn, dấu này hình tròn biết chưa? Mềm mỏng cãi cố ở phường người ta bảo có gì thì chỉ dấu quốc huy, chẳng to hơn tất cả các loại dấu à. Cô văn thư, rồi anh quận phó có việc gì đó vừa vào phòng nhìn tôi như nhìn người bị dở. Không có cô bạn mới lên trưởng phòng xét hỏi thì chắc tôi đành đoạn để chồng theo người, muốn bỏ cũng không xong vì không chứng minh được mình là đương kim vợ, muốn đút dăm đồng cho xong việc như mấy cô hàng quà đầu ngõ bàn giúp thì lại ngượng mồm không dám hỏi đút vào đâu.

Nhờ có bạn oách thế mà tôi ra khỏi cuộc hôn nhân đầu tiên êm thấm. Cũng một phần vì chẳng có gì phải chia từ của tới con và đó là một kết cục chẳng cần nói cũng biết trước. Ngày đó Thái Hằng đi rồi, tôi loay hoay trong dăm bảy lời tỏ tình, dị ứng với cách trình bày cảm xúc nửa Văn nghệ quân đội nửa báo ngành từa tựa ông nhà thơ chú rể cũ của Thái Hằng bèn quay ra ngắm nghía một anh chàng lừng khừng nên chẳng hiểu sao lại làm tôi tin cậy. Nhưng lấy một người đàn ông từng nhìn như chọc vào mắt mình cười nửa miệng “em tên Ngân à nghe cũng rung đấy nhỉ em học sư phạm à cái nghề cũng bình thường nhỉ em mà không phải đeo kính thì trông cũng được đấy nhỉ” và mẹ chàng diễn giải cái bình thường đó như chàng kể lại thành “làm cái nghề ấy thì lấy phấn vẽ ra tiền mà thay kính”, thử nghĩ mà xem, thật rất dễ rơi đánh phịch từ cái mốc bình thường xuống cái mốc tầm thường trong mắt người. Thế mà buổi đầu tôi còn tự huyễn người ta thật thà, hoặc nếu không phải thật thà thì là mánh riêng tán gái loại siêu mới nói năng kiểu chọc ngoáy khó nghe như thế để lấy tôi - kẻ vốn nhát trên cả nhát nên lại bị nhầm thành kiêu kì mới hay chứ.

Tránh mà thành không chống được số phận. Sở dĩ chồng tôi có cái kiểu kiêu bạc buổi ban đầu thế vì anh khát khao làm thi sĩ hoặc văn sĩ chứ không phải chỉ là bác sĩ như đã học và anh coi tôi là bạn đọc tiềm năng kiêm vợ nếu lấy chắc sẽ thủy chung. Làm nhạc sĩ họa sĩ cũng hay nhưng mà khó. Cái gì chứ cứ văn thơ thì chỉ cần biết chữ quốc ngữ. Người xưa còn chẳng cần. Hàng ngày ngoài giờ khám ở phòng y tế cơ quan bút phê vào y bạ toàn thuốc đau mắt với đau bụng ỉa chảy ho long đờm (cái này rất sẵn phát ngay) hoặc cùng lắm là đôi ba thứ kháng sinh tự đi mà mua, cùng lắm nữa là kí giấy giới thiệu đi đâu đó cho người ta soi chụp chiếu phá thai mổ dạ dày châm cứu xoa bóp dân tộc, chồng tôi làm thơ. Lâm li tình yêu “em xa rồi còn lại có anh thôi bếp lửa một mình không đủ sôi nồi cơm nhỏ nhỏ khi anh đi trong thành phố của chúng ta ào ào dựng xây bộn bề vôi vữa anh biết mình lớn lên trong nỗi nhớ em em em”, chồng tôi cao giọng đọc thơ trong căn phòng oải mùi hương quần áo cũ anh thay rồi treo lên mắc áo theo trật tự riêng để mặc quay vòng. Quay hết một vòng thì anh sẽ nhắc tôi cuối tuần xong soạn bài chấm bài dạy thêm mang ra giặt giũ kiểm tra khuỷu tay mông đít xem mòn rách thế nào. Giặt được mười chín vòng quần áo chồng mặc ra treo lên và đứng là cả đống quần áo phơi nửa tuần mưa phùn không khô trong tiếng anh đọc thơ và tiếng cười rúc rích của mấy cô bé yêu thơ thì tôi nhận ra mình toàn lang thang cùng “Bên kia sông Đuống.” “Em ơi buồn làm chi anh đưa em về…” Cũng mưa phùn nhưng tươi mát không hôi mù như trong căn phòng quần áo ẩm bốc hơi này. Khôi có đóng vai trò gì trong cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi không, không biết, nhưng ý nghĩ về một mùa xuân gió cỏ và mưa mới đó mà đã thành xa lắc cứ rưng rưng trong trí đã làm cho tôi hiểu. Không thể thế này mãi, công việc ngày nào cũng như ngày nào, đồng lương tháng nào cũng như tháng nào bị coi là không đáng gì chưa đủ nuôi mồm nay chồng còn ăn ké, thơ chồng làm theo kiểu phú tỉ hứng đời mới hứng gì cũng đều không bắt đầu từ vợ, mùi quần áo phơi lâu mà không khô, tiếng cười rúc rích của đám con gái đang cùng chồng tôi thật lòng đắm đuối với thơ ca có thể biến tôi thành cái mộc nhĩ tươi sống khổng lồ. Biến thôi.

Cọc đi tìm trâu mà trâu lồng rồi thì chỉ có mỗi cách đi tìm trâu khác nếu không muốn đơn thân làm cọc. Mà muốn cũng chẳng được, còn là con gái giữ thân dễ hơn khi đã thành đàn bà. Chán lắm rồi, tôi cắm cọc tự trói vào một người đàn ông Đức dài hơn tôi ít ra cũng từ đầu gối trở xuống quen trong một cuộc hội thảo gì đó về môi trường khi tôi đã thành giáo dở bỏ nghề bỏ chồng được dăm năm. Ngày tôi quyết định lấy chồng lần hai, với dự định rõ ràng là theo người ra đi, bệnh xã hội đã lên đời không chỉ có tim la như thời SỐ ĐỎ LÀM ĐĨ của ông Vũ Trọng Phụng mà đã có HIV có AIDS. Tỉnh đến phát ngại với chính mình, tôi bắt chồng đi kiểm tra sức khoẻ, tự mình cũng đi. Ông bác sĩ ở viện Vệ sinh Dịch tễ đã già, tóc húi cua, lưng lòng khòng chân cong cong thò ra bên dưới tà áo choàng trắng nhờ nhệch sau khi giải thích cho tôi về các chỉ số xét nghiệm tự dưng cười lục khục “Này cháu, thế của bọn tây có to dài hơn của ta không cháu?”

Phải mất cả phút tôi mới hiểu được mối quan tâm của ông. Vừa phẫn nộ vừa thấy kì quái. Hai mươi năm sau đọc lá cải Việt online gặp toàn những tít phái sinh từ câu hỏi của ông bác sĩ về chuyện trai tây trai ta tôi mới hiểu đó là một thứ mặc cảm nói là của dân tộc thì to nhưng đúng là thế thật và nó không bắt đầu từ xa xôi lịch sử quái nào, chỉ là kết quả của một sự tự sướng khi bắt đầu được tự do thụ hưởng mà không phải ép mình đạo đức giả như trong thời bao cấp. Nhưng thời này cũng có những chuẩn mực đạo đức giả và thật riêng của nó và vì thế mà tôi ngạc nhiên khi người ta còn quá quan tâm một cách thô thiển như mối quan tâm của ông bác sĩ vừa khám cho tôi. Ông đang xếp tôi vào hạng nào đằng sau cái thủ tóc húi cua tiêu nhiều hơn muối kia? Chẳng gì thì tôi cũng được bạn tôi đồng nghiệp với ông đưa vào đây. Hay bởi khi ấy lấy tây dưới mắt thiên hạ thường là một cách lên đời của những người đàn bà quá kém sắc trong mắt người cùng chủng tộc hay quá nhan sắc mà rơi vào cảnh làm gái và do đó không cần nể trọng? Mất thêm phút nữa dằn cơn tức giận, tôi cười:

“Tây nó to cao hơn ta. Đến cái chân nó cũng dài hơn cần giày bề thế hơn ta thì cái chim… Với lại cháu đã biết hết đâu mà so sánh. Giờ chú cho cháu xem của ta nó thế nào thì cháu mới nói được của tây hơn kém ra sao.”

Ông bác sĩ ngồi đờ ra, môi run lập bập. Tự dưng tôi thấy thương thương. Chắc ông cũng dại mồm lần đầu lại vớ phải tôi thẳng đơ như cái ê ke. Tự dưng tôi nhớ Thái Hằng. Nó mà biết tôi dám đối đáp kiểu này chắc phục lăn thôi không coi tôi là cả ngẫn, khéo còn đổi tên cho tôi thành Thị Đốp không chừng. Nó chẳng còn ở thành phố này để tôi dốc ruột và để run cùng tôi trước cái quyết định lấy tây làm cả nhà bổ chửng làm cả khu tập thể sôi sùng sục. “Me tây thì dạy ai.” Hơn một lần tôi nghe tiếng xì xào truyền thanh từ hàng quà này sang hàng quà khác suốt cổng khu tập thể ra tới phố. Hơn một lần tôi muốn dừng phắt lại hét vào mặt anh chồng lỗm bỗm tiếng Việt chỉ hóng hớt được mỗi mấy chữ không dấu cứ giật giật tay vợ cười tít “me tai ai ai me tai.” Hơn một lần tôi muốn gào suốt cổng “không phải me tây thì dạy ai?” Rồi chẳng bao lâu nữa đâu dân mình sẽ tự kê kích mình lên một cái thang giá trị mới và những mối tình những cuộc hôn nhân dị chủng càng ở xa da càng trắng mũi càng lõ càng tốt đã trở thành sự may mắn, niềm hãnh diện của nhiều gia đình từ thành phố tới nông thôn. Nhưng hình như ít người muốn tin rằng trong đó có tình yêu có cảm giác yên tâm mà những người đàn bà đã chọn theo chồng xuất mình ra khỏi xứ tìm thấy. Tôi không thể nói rằng tôi đã đắm say trong cuộc hôn nhân thứ hai này, nhưng Heinrich thật sự là một gốc cây, một bức tường, là gì cũng được nhưng khi để mình tựa vào đó ngồi sụp xuống tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Khi đó, khi nghe những đài truyền thanh mồm phát những lời quá đáng theo từng bước chân mình ra phố, trong nỗi điên giận vì bị tị nạnh và phỉ báng tôi nhớ mình đã nhớ Thái Hằng quay quắt. Có lần nó bảo tao tiếng vậy chỉ là cái đụn rạ đống rơm có thể cháy từ trong lõi còn mày y như cái vại sành bị rạn mà khó vỡ. Hình như nó hiểu tôi hơn tất cả, khác Béo, và hình như vì thế mà cái ngày còn con gái nó cứ muốn lôi tôi cặp kè với ông chú trẻ của nó. Khôi.

Tôi đủ lì để hỏi chú Thái Hằng rằng nếu ngày đó hai mươi lăm năm trước tôi quay đầu xe đi về góc phố ấy thì Khôi có đi một mạch không về như thế không. Hỏi, thực ra lòng cũng bẽ bàng. Khi cả hai đã là những đàn ông đàn bà từng trải, đã ra khỏi vô số những mối quan hệ mà người ta thường tâng lên thành những cuộc tình, ra khỏi không chỉ là một cuộc hôn nhân chính thức. Tuy nhiên tôi chưa đủ lì để tự hỏi mình rằng nếu (?) như thế (!), người có đi và có về thì chúng tôi sẽ ra sao? Điều hiển nhiên là đã chắc gì hạnh phúc. Hạnh phúc nhọc nhằn, đòi hỏi phải sẻ phải chia toàn những thứ chẳng ai mong, kiểu như vợ chồng chú Kiên cô Thụy, ai muốn rơi vào cảnh ấy. Mà nếu sẻ chia những chật vật kiểu như đời sống của phần lớn cư dân trong khu tập thể của tôi, Khôi không thể và tôi không cần, biết trong một mối quan hệ như thế mình sẽ càng ngày càng hụt hơi như thế nào. Cái ý nghĩ đó tự nung nấu trong tôi, là lí do tôi ngần ngừ rồi quyết định dắt xe đạp ngược hướng góc phố Khôi chờ tôi như Thái Hằng dặn. Không bao giờ Khôi biết, khi đó, khi lập cập đạp xe trên phố, tôi đã tự dạy mình tránh mặt, tránh mặt, tránh mặt và nếu hai tháng sau vẫn cứ nhớ như đã bắt đầu nhớ từ buổi bên kia sông Đuống, tôi sẽ tự tới trình diện với Khôi. Tôi đâu biết, một lần quay đầu mà thành hai mươi lăm năm biệt tích khỏi đời nhau.

Nhưng mà thôi, chí ít là nhờ thế mà giờ giữa tôi với chú Thái Hằng vẫn phập phồng một điều gì đó làm người ta cảm giác mình vẫn trẻ. Không như giữa tôi và ông chồng đầu. Người chồng đầu tiên mà tôi đã rất khó khăn lo làm lại giấy tờ chứng minh mình là vợ thật để li dị chính với lí do ngày trước tôi đã sợ, nếu tôi và Khôi... Ra tòa, hòa giải, nghe chánh án dạy dỗ lòng chung thủy và thắc mắc vì sao không thể yêu nhau, tôi đờ đẫn và kiên quyết: bỏ, trong khi ông chồng bằng chính quy bác sĩ kiêm thi sĩ chưa được đời công nhận đột nhiên thực tế trở lại kiên quyết: không. Người ta muốn chắp nối hàn gắn lại cho chúng tôi cũng phải, vì mọi lí do tôi muốn đưa ra đều không đáng gì. Chồng lắm cô bíu ríu là vì thơ, không hề lăng nhăng. Kêu gì? Chồng không giúp việc nhà, thì cũng như mọi đàn ông tôi không có cơ hội lấy làm chồng ở các gia đình khác. Than gì? Chồng không giúp rập được gì nhiều trong chuyện áo cơm. Yêu mà chỉ nói chuyện tiêu, tiền bạc cầm trên tay thì hay nói ra lời thì tầm thường quá. Làm sao tôi có thể giải thích cho bà chánh án mà tôi đồ rằng chắc chắn làm chồng chán vì cách nói năng như sách giáo khoa đang quyết định đời tôi kia hiểu rằng tôi không chán chồng, tôi chỉ đơn giản là chán cuộc sống này, tôi muốn đêm nằm một mình một cõi đi về không phải giật mình sượng sùng vì hơi chồng bên cạnh, không phải thấy mình có tội. Bởi vì trong cõi ấy không có chồng tôi, mà là Bảo, là bác Khánh, là Khôi, là một cách thế sống tôi thiết tha vì không thể sống qua, nên hình như đẹp.

L.M.H.

(Xem tiếp kỳ sau)