Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2020

Người đàn ông da trắng trong tấm hình đó

Riccardo Gazzaniga

(Bài này bản gốc viết bằng tiếng Ý của nhà văn Riccardo Gazzaniga trên báo griotmag.com ngày 10/10/2015, được Alexa Combs Dieffenbach dịch sang tiếng Anh, và Phan Tấn Hải dịch sang tiếng Việt.)

Đôi khi hình ảnh lừa gạt người xem. Thí dụ, như tấm ảnh này (Hình 1). Hai vận động viên da đen John Carlos và Tommie Smith đứng cuối đầu, đưa một tay lên cao, vào ngày họ lãnh huy chương chạy 200 mét tại Thế Vận Mùa Hè 1968 ở thành phố Mexico City, và tấm ảnh này đã lừa gạt tôi trong thời gian dài.

Tôi luôn luôn nhìn tấm ảnh đó như một hình ảnh mạnh mẽ của hai người đàn ông da đen, chân trần, với đầu cuối xuống, các bàn tay mang găng đen đưa cao lên trong khi nhạc trỗi lên quốc ca Hoa Kỳ, bản “The Star-Spangled Banner.” Đó là một cử chỉ biểu tượng mạnh mẽ – đấu tranh vì dân quyền cho người Mỹ gốc Phi trong một năm mà các thảm kịch xảy ra, trong đó có cái chết của Martin Luther King và Bobby Kennedy.

Đó là tấm hình lịch sử của hai người đàn ông da màu. Do vậy, tôi chưa bao giờ thực sự chú ý tới người đàn ông kia, da trắng, giống tôi, bất động nơi bậc thứ nhì của bục nhận giải thưởng đó. Tôi xem người kia như một hiện diện tình cờ, phụ thêm trong khoảnh khắc của Carlos và Smith, hay là một kiểu như người chen vào. Thực sự, tôi còn đã nghĩ rằng người đó – trông như dường chỉ là một người Anh Quốc cười gượng – trong kiểu đứng bất động lạnh lẽo như đại diện cho các ý chí muốn chống lại sự thay đổi mà Smith và Carlos đang đưa lên trong hành động phản đối lặng lẽ. Nhưng tôi đã nhầm.

Nhờ một bài báo cũ của Gianni Mura, hôm nay tôi khám phá ra sự thực: rằng người đàn ông da trắng trong tấm ảnh đó, có lẽ, là vị anh hùng thứ ba trong đêm đó của năm 1968. Tên vận động viên đó là Peter Norman, một lực sĩ Úc chạy kỳ thi chung kết 200 mét sau khi chạy đường bán kết với thời lượng tuyệt vời 20.22 giây đồng hồ. Chỉ có hai người Mỹ, tên là Tommie “The Jet” Smith và John Carlos, đã chạy nhanh hơn với tốc độ, theo thứ tự là 20.14 và 20.12 giây đồng hồ.

Như dường rằng chiến thắng sẽ được quyết định giữa hai người Mỹ. Norman là một vận động viên chạy vô danh, người như dường vừa mới chạy cho nóng người. Vài năm sau, John Carlos nói rằng anh được hỏi về những gì đã xảy ra cho người lực sĩ da trắng nhỏ con đó – đứng cao chỉ 5’6”(= 1.68 mét) và chạy cũng nhanh như anh và Smith, cả hai đều cao hơn ở mức 6’2” (1.8796 meters).

Tới khi chạy tuyến chung kết, kẻ bên lề có tên là Peter Norman đã chạy nhanh kỷ lục, tốc độ là 20.06 giây đồng hồ, nhanh nhất đối với bản thân và vẫn là kỷ lục nhanh với Úc châu tới giờ, 47 năm sau (bài này viết năm 2015).

Nhưng kỷ lục đó vẫn chưa đủ, vì Tommie Smith thực sự là “The Jet” (phi cơ phản lực) và Smith vượt hơn kỷ lục Úc châu của Norman với một kỷ lục thế giới. Ngắn gọn, đó là một cuộc thi chạy tuyệt vời.

Nhưng cuộc thi chạy đó sẽ không bao giờ được ghi nhớ như chuyện xảy ra tại lễ trao huy chương.

Không lâu sau cuộc thi chạy là người ta thấy một chuyện lớn chưa từng có đã xảy ra trên bục lãnh huy chương. Smith và Carlos quyết định rằng họ muốn cho toàn thế giới thấy cách họ đấu tranh cho nhân quyền, và cho tiếng nói là truyền bá khắp các lực sĩ.

Norman là người da trắng từ Úc châu, một quốc gia có luật phân biệt chủng tộc gay gắt (apartheid laws), gần nghiêm khắc như ở Nam Phi. Đã có căng thẳng và biểu tình trên đường phố Úc châu sau khi có hạn chế nặng nề việc đón nhận người da màu nhập cư và về luật kỳ thị chống lại dân nguyên trú, một số trong đó bao gồm việc cưỡng bách trẻ em nguyên trú đưa làm con nuôi trong các gia đình da trắng.

Hai vận động viên Mỹ đã hỏi Norman rằng anh có tin vào nhân quyền hay không. Norman trả lời rằng anh tin. Họ hỏi Norman tiếp rằng anh có tin vào Thượng Đế không, và anh, người trước đó hoạt động trong tổ chức Salvation Army (Đạo Binh Cứu Rỗi), nói rằng anh tin mạnh mẽ vào Thượng Đế. John Carlos nhớ lại rằng, “Chúng tôi biết ngay rằng chúng tôi sắp làm một hành động vĩ đại hơn bất kỳ thành tích lực sĩ nào, và anh ta [Norman] nói, ‘Tôi sẽ đứng với hai bạn’ – Tôi dự kiến sẽ nhìn thấy nỗi sợ trong mắt Norman, nhưng thay vào đó chúng tôi nhìn thấy sự thương yêu.”

Smith và Carlos trước đó đã quyết định đứng trên bục giải thưởng trong khi mang huy hiệu của Olympic Project for Human Rights (Dự Án Thế Vận Vì Nhân Quyền), một phong trào của các lực sĩ hỗ trợ cuộc chiến đòi bình đẳng [màu da].

Họ sẽ lãnh huy chương trong khi để chân trần, biểu tượng sự đói nghèo vây quanh người da màu. Họ sẽ mang găng tay đen nổi tiếng, biểu tượng cho chính nghĩa của nhóm Black Panthers (Báo Đen). Nhưng trước khi bước lên bục huy chương, họ nhận ra họ chỉ có một cặp găng tay đen. Norman mới nói, “Mỗi người một chiếc [găng].” Smith và Carlos đón nhận lời khuyên đó.

Nhưng rồi Norman làm một chuyện khác. Norman vừa chỉ vào huy hiệu Olympic Project for Human Rights trên ngực hai lực sĩ Mỹ vừa hỏi, “Tôi tin vào điều hai bạn tin. Bạn còn có một huy hiệu nào cho tôi không? Như thế tôi có thể bày tỏ sự ủng hộ của tôi đối với chính nghĩa của hai bạn.” Smith thú nhận là lúc đó kinh ngạc, nghĩ rằng, “Thằng cha da trắng Úc châu này là ai vậy? Nó thắng huy chương bạc, nó không thể thấy nó chỉ cầm huy chương và thế là đủ sao!”

Smith trả lời rằng anh không có dư huy hiệu, cũng vì anh sẽ không bị từ chối huy hiệu của anh. Lúc đó có một lực sĩ da trắng Hoa Kỳ bên cuộc thi chèo thuyền, tên là Paul Hoffman, một nhà hoạt động cho phong trào Olympic Project for Human Rights. Sau khi nghe được, Hoffman không do dự, nghĩ ngay: “Nếu một người Úc da trắng hỏi xin tôi huy hiệu Olympic Project for Human Rights, thì Chúa ơi anh ta sẽ có. Tôi sẽ tặng anh này cái duy nhất tôi có: cái của tôi.”

Ba lực sĩ bước ra sân và bước lên bục huy chương: phần còn lại là lịch sử, được giữ lại nhờ sức mạnh tấm hình chụp lại (huy hiệu nhìn thấy trong hình là vòng tròn nền trắng có khắc chữ và hình đeo nơi ngực trái ba lực sĩ). Norman kể lại, “Tôi không có thể nhìn thấy chuyện xảy ra, nhưng tôi đã biết trước rằng ba người chúng tôi đều theo đúng kế hoạch khi một giọng trong đám đông cất tiếng hát bản quốc ca Hoa Kỳ nhưng rồi giọng hát dịu xuống, dứt bặt. Cả sân vận động lặng im như tờ.”

Trướng phái đoàn Thế Vận Hoa Kỳ thể là các lực sĩ này sẽ phải trả giá trọn đời họ vì cử chỉ đó, một cử chỉ ông nghĩ là không liên hệ gì tới thể thao. Smith và Carlos tức khắc bị ngưng trong phái đoàn Thế Vận Hoa Kỳ và bị trục xuất ra khỏi Làng Thế Vận, trong khi lực sĩ đua thuyền Hoffman bị cáo buộc tội âm mưu.

Khi về Mỹ, hai người đàn ông chạy nhanh hàng đầu thế giới bị truy bức nặng nề và bị hăm dọa ám sát.

Nhưng với thời gian, trong tận cùng, đã chứng minh rằng họ đã làm điều phải và họ trở thành các nhà vô địch trong cuộc chiến vì nhân quyền. Với hình ảnh được hồi phục, họ đã hợp tác với hội Vận Động Viên Hoa Kỳ, và một bức tượng của họ được dựng lên trong khuôn viên Đại học San Jose State University. Nhưng Peter Norman vắng mặt trong tượng đài này. Việc Norman vắng mặt [trên tượng đài] trông như bia mộ của một anh hùng mà không ai từng ghi nhận. Một lực sĩ bị bỏ quên, bị xóa khỏi lịch sử, ngay cả tại Úc châu, nơi đất nước của anh.

Sau đó bốn năm, tại Thế Vận Mùa Hè 1972 tổ chức tại Munich, Đức Quốc, Norman không được cho vào đội lực sĩ chạy điền kinh của Úc, bất kể anh từng chạy đủ điều kiện 13 lần cuộc thi chạy 200 mét và 4 lần cuộc thi chạy 100 mét.

Norman đã rời bỏ sự nghiệp lực sĩ chạy thi sau nỗi thất vọng này, chỉ tiếp tục chạy ở mức độ tài tử.

Trở về trong một nước Úc bảo thủ và bị tẩy trắng, Norman bị xem như kể ngoài lề, gia đình anh bị xem như mạt hạng, và việc làm không thể tìm được. Có một lúc, Norman làm việc như một thầy dạy thể dục trong phòng gym, tiếp tục cuộc chiến chống bất bình đẳng trong cương vị người hoạt động nghiệp đoàn, và thỉnh thoảng làm việc trong một tiệm chặt thịt. Thế rồi Norman bị một vết thương, gây ra nhiễm trùng hoại cơ, dẫn tới việc anh trầm cảm và nghiện rượu.

Như lời John Carlos, “Trong khi chúng tôi bị bầm dập, thì Peter Norman đối mặt với cả đất nước của anh và đơn độc đau khổ.” Trong nhiều năm, Norman chỉ có một cơ hội duy nhất để tự cứu: Norman được khuyến dụ là hãy lên án hành vi của hai lực sĩ kia, John Carlos và Tommie Smith, để bù lại Norman sẽ được hệ thống này ân xá, miễn truy bức.

Việc ân xá sẽ có thể cho Norman tìm được việc làm ổn định nhờ tổ chức Ủy Ban Thế Vận Úc Châu và sẽ được là một thành viên trong tổ chức Thế Vận 2000 Sydney (2000 Sydney Olympic Games). Nhưng Norman không bao giờ ân hận, và không bao giờ lên án sự lựa chọn của hai lực sĩ Mỹ kia.

Norman là lực sĩ Úc chạy nhanh nhất trong lịch sử và vẫn là người giữ kỷ lục 200 mét, nhưng Norman không được mời vào Thế Vận ở Sydney. Chính lúc đó, Ủy Ban Thế Vận Hoa Kỳ khi biết chuyện đã mời Norman tham dự trong nhóm của họ và đã mời Norman dự tiệc sinh nhật nhà vô địch Thế Vận Michael Johnson, người đã ngưỡng mộ Peter Norman như là một anh hùng và là mô hình gương mẫu.

Peter Norman đột tử vì bệnh tim trong năm 2006, mà không hề được đất nước của anh xin lỗi vì đã xử tệ bạc với anh. Trong tang lễ của anh, Tommie Smith và John Carlos, những người bạn của Norman kể từ khoảnh khắc đó của năm 1968, là hai người khiêng quan tài cho anh, đưa tiễn anh như một anh hùng.

John Carlos nói, “Peter Norman là một chiến sĩ cô đơn. Một cách ý thức, anh đã tự lựa chọn làm con cừu hiến tế trong khi nhân danh nhân quyền. Không có ai khác hơn anh xứng đáng để Úc châu nên vinh danh, công nhận và biết ơn.”

Tommie Smith nói, “Norman đã trả giá với lựa chọn của anh. Đó không chỉ là một cử chỉ đơn giản để giúp chúng tôi, đó là cuộc chiến CỦA ANH TA. Anh ta là một người da trắng, một người đàn ông da trắng Úc Châu giữa hai người đàn ông da màu, đứng thẳng trong khoảnh khắc chiến thắng đó, tất cả [ba người] đều nhân danh cùng một chính nghĩa.”

Chỉ tới năm 2012, Hạ Viện Úc Châu chấp thuận một bản văn chính thức xin lỗi Peter Norman và ghi tên anh trở lại vào lịch sử với nội dung Hạ Viện:

“Công nhận thành quả thể thao xuất sắc của cố vận động viên Peter Norman, người thắng huy chương bạc trong cuộc thi chạy 200 mét tại Thế Vận 1968 ở Mexico City, với thời lượng 20.06 giây đồng hồ, vẫn còn là một kỷ lục Úc Châu.

“Công nhận lòng can đảm của Peter Norman khi mang huy hiệu Olympic Project for Human Rights lúc đứng trên bục huy chương, trong đoàn kết với các lực sĩ Mỹ gốc Phi Tommie Smith và John Carlos, những người đã bày tỏ hình thức chào ‘sức mạnh da đen’.

“Xin lỗi Peter Norman vì những sai trái Úc Châu đối xử khi gạt tên ông ra ngoài Thế Vận 1972 Munich, bất kể ông liên tục đủ điều kiện thể thao; và tuy chậm trễ, nay công nhận vai trò mãnh liệt mà Peter Norman đã thực hiện trong việc đòi hỏi bình đẳng sắc tộc.”

Tuy nhiên, có lẽ, những chữ nhắc chúng ta về Peter Norman đầy đủ nhất là chính lời anh khi mô tả lý do anh làm như thế, trong phim tài liệu nhan đề “Salute,” được viết, đạo diễn và sản xuất bởi cháu trai của anh là Matt.

“Tôi không có thể nhìn thấy vì sao một người da đen không có thể uống cùng nước từ một vòi nước, đi cùng một xe buýt hay vào học cùng trường như một người da trắng. Có một sự bất công xã hội mà tôi không có thể làm bất cứ gì từ nơi tôi ở, nhưng tôi hẳn nhiên là ghét bất công đó. Người ta nói rằng việc chia sẻ huy chương bạc của tôi trong sự kiện đó trên bục chiến thắng đó đã làm cho thành quả của tôi trật hướng. Ngược lại. Tôi phải thú nhận, rằng tôi khá là hãnh diện khi là một phần của nó.”

Khi ngay cả bây giờ, như dường cuộc chiến vì nhân quyền và bình đẳng có vẻ bất tận, và sinh mạng vô tội đang bị giết đi, chúng ta phải nhớ những người đã tự hy sinh, như Peter Norman, và tìm cách theo bước của họ. Bình đẳng và công lý không phải là cuộc chiến của một cộng đồng đơn lẻ, nó là cuộc chiến của tất cả mọi người.

Do vậy, tháng 10/2015 này, khi tôi có mặt ở San Jose, tôi sẽ tới thăm tượng Olympic Black Power (Sức Mạnh Đen ở Thế Vận) nơi khuôn viên Đại học San Jose State University, và bục huy chương không người đó sẽ nhắc tôi về Peter Norman, người anh hùng can đảm chân thực nhưng đã bị bỏ quên.

Tác giả cập nhật ngày 13/10/2015: Tác giả viết một blog để đáp ứng với các lời bình ông nhận được từ khi bài viết được chia sẻ ào ạt: "Nhà Văn Trong Bài Viết Đó.”

Trang Films For Action cập nhật ngày 18/10/2015: Trong tuần lễ từ khi chúng tôi chia sẻ bài viết, bài tuyệt vời này đã được hơn 4 triệu người đọc. Rõ ràng đây là mộtc âu chuyện làm rung động một cách phổ quát, làm thăng hoa và cho thấy mặt đẹp nhất của bản chất con người. Đã có nhiều cuộc thảo luận về bài này từ đó, và một trong các chủ đề là về tượng đài ở San Jose. Nơi tượng đài này, vị trí Peter Norman đứng bị bỏ trống, làm nhiều người kêu gọi hãy thêm tượng Norman vào. Nhưng đó lại không phải là điều Norman muốn. Trong cuộc phỏng vấn của Democracy Now, lực sĩ John Carlos giải thích rằng Norman muốn chỗ anh đứng bỏ trống để bất kỳ ai tới thăm tượng sẽ có thể đứng vào nơi đó và để chụp hình cho thấy họ đứng đoàn kết với Smith và Carlos, y như Norman đã làm năm 1968. Peter Norman, chúng tôi chào vinh danh anh.

(Bản văn gốc của nhà văn Ý Riccardo Gazzaniga. Dịch sang tiếng Anh và bình luận do Alexa Combs Dieffenbach. Phan Tấn Hải dịch sang tiếng Việt.)

H 1_three men Olympics

Hình 1: Trong Thế Vận 1968 ở Mexico City, trên bục nhận huy chương, từ trái: Peter Norman, Tommie Smith và John Carlos. Cả ba người mang nơi ngực trái huy hiệu Dự Án Thế Vận Vì Nhân Quyền, đòi bình đẳng sắc tộc. Hai lực sĩ da đen đi chân trần, đưa tay chào kiểu Sức Mạnh Đen.

H 2_two black men statue Olympics

Hình 2: Tượng đài xây năm 2003 ở khuôn viên Đại học San Jose State University, chỉ có hai lực sĩ da đen chân trần. Vị trí của Norman được bỏ trống để khách tới có thể đứng vào chỗ trống để chụp hình, vì chính nghĩa bình đẳng.

H 3_ban luc si da den khieng quan tai luc si da trang

Hình 3: Peter Norman từ trần tháng 10/2006 vì bệnh tim. Hai bạn lực sĩ da đen từ Hoa Kỳ sang Úc khiêng quan tài từ biệt.

H 4_hinh anh ba vai den trang hy huu_griot-magazine-tommie-smith-john-carlos-peter-norman

Hình 4: Tình bạn lực sĩ vượt qua màu da ở Làng Thế Vận 1968.