Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2020

Văn học miền Nam 54-75 (kỳ 651): Duy Lam (2)

CÁI LƯỚI
2.
Sau một phút yên lặng, ông Hạ nghe thấy Di và Tô bảo nhau sửa soạn sách vở vì sắp đến giờ đi học.
Bỗng nhiên Tô cười khẽ một tiếng lẩm bẩm như nửa nói với Di, nửa với chính mình:
"Có một đặc điểm của gia đình mình mỗi khi nghĩ tới anh lại buồn cười. Tại sao chúng ta lại sống kỳ khôi như thế? Tại sao chúng ta hành hạ lẫn nhau, làm khổ nhau chẳng khác những nhân vật trong một tấn bi hài kịch? Tại sao không cùng chịu đựng nghèo túng, đau khổ, nụ cười trên môi và coi mọi sự không quan trọng. Thiếu gì gia đình còn nghèo khổ bằng vạn gia đình mình. Sống dễ dãi hơn không chừng chúng ta đạt được hạnh phúc."

"Anh nói có phần đúng nhưng chỉ đứng với anh! Anh nhớ người ta không phải là gỗ đá."
"Di đừng hiểu lầm anh. Đâu anh có đòi hỏi Di phải tha thứ tất cả những lỗi lầm của ba! Trường hợp anh chẳng hạn. Di có dám cả quyết một trăm phần trăm là anh không oán ghét ba một chút nào không? Dĩ nhiên anh cũng oán ghét ba; nhưng đối với anh, ba dầu sao cũng chỉ là 'một người xấu xa' trong số nhiều người xấu xa khác ở trên đời. Ba không phải tất cả mọi người! Oán ghét ba không có nghĩa anh oán ghét lây cả sang bất cứ người nào anh gặp. Phản đối ba cũng không có nghĩa chống đối với tất cả mọi người trong xã hội một cách điên khùng... Như Di bướng với thằng đội Tây hôm nào chẳng hạn..."
Giọng Di đột nhiên trở nên khô khan và hằn học: 
"Thôi! Có lẽ anh đừng nên quan tâm đến những hành động của em làm gì cho mệt!"
"Tuỳ Di!"
Hai đứa con trai ông Hạ rời khỏi nhà đã được một lúc lâu, ông vẫn nằm nghĩ ngợi miên man. Lần đầu tiên trong đời tâm hồn ông xúc động và rối loạn một cách lạ lùng. Cuộc đời dành cho ông thật nhiều bất ngờ.
Sau buổi trưa nghe lỏm được cuộc thảo luận khá sôi nổi giữa hai anh em Tô, Di, thái độ và sự cư xử của ông Hạ đối với vợ con có phần thay đổi. Ông cố tránh đề cập đến chuyện nghèo túng nợ nần. Trong những bữa cơm, ông mang những chuyện vui vui ra nói và gợi mọi người bàn đến tương lai. Đôi khi ông cũng săn sóc hỏi han đến sức khoẻ của vợ, điều trước kia ông không hề quan tâm. Ông khuyên nhủ vợ không nên lo nghĩ quá đáng. Các con trai đều đã lớn, trong vài năm nữa chúng đi làm, vợ chồng ông sẽ sống thoải mái hơn. Ông hỏi han chuyện học hành của Tô và Di và hứa hẹn sẽ may sắm thêm quần áo cho Lan, một khi làm ăn phát đạt hơn.
Nhưng dần dần ông khám phá thấy một sự kiện rất đáng buồn: Mặc dầu ông có thiện chí, khéo kéo mềm mỏng, lấy lại được sự thương yêu và tin cậy của các con và vợ không dễ như ông tưởng. Ông đâm nghi ngờ công cuộc đó có lẽ không thể thực hiện nổi.
Thoạt đầu, trước lề lối cư xử biến đổi của ông, vợ con ông đều ngạc nhiên; nhưng về sau phản ứng của mỗi cá nhân khác nhau.
Bà Hạ thấy bầu không khí trong gia đình nhẹ nhõm và dễ thở hơn, nên lại vui vẻ và tươi tắn. Tuy nhiên sự vui vẻ của bà vẫn thoáng chút gắng gượng và lo âu. Hình như bà nghi ngờ sự thay đổi tâm tính của ông chỉ nhất thời. Nếu ông bộc lộ một sự khoan dung hơi quá đáng và thiếu tự nhiên, bà đôi khi nhìn ông, dò hỏi và e ngại.
Tô vẫn giữ thái độ thản nhiên cách biệt, nhưng không hẳn ra mặt lãnh đạm đối với bố. Tô không bất mãn, nhưng cũng không hề khuyến khích hành động gây tình cảm với mọi người của bố. Tuy Tô sống ngay cạnh ông Hạ, ngồi học, đọc sách cùng một phòng và cũng không tránh trao đổi những câu chuyện thông thường với ông; nhưng nhiều khi ông vẫn cảm thấy thắc mắc về đứa con cả. Ông không hiểu nên xếp Tô vào hạng người nào? Tại sao trẻ tuổi, Tô đã kín đáo và chín chắn như vậy? Trước những câu khôi hài nhạt nhẽo của ông Hạ, Tô chỉ nhìn bố, đôi mắt long lanh sáng không có ác cảm, thoáng ánh chế riễu nhẹ nhàng, và như thầm nói “Ba cứ tiếp tục đi! Chẳng được bao nhiêu lâu đâu. Rồi ba sẽ trở lại thành ba trước kia”.
Ông Hạ hơi cảm thấy ngượng trước cái nhìn sâu sắc thấu vào ruột gan của đứa con cả.
Di không những lộ hẳn vẻ bực trước những cố gắng gây cảm tình của ông Hạ, mà lại còn không để lỡ một cơ hội dù nhỏ nhặt nhất, để chứng tỏ nó khinh miệt và coi thường bố hơn trước. Ông Hạ nói một câu khôi hài, Di cười ầm ĩ như trêu tức: Ông cố gắng nói những câu êm dịu với vợ và Lan, Di đứng dậy ra khỏi phòng; ông hỏi Di việc học hành, hắn chỉ trả lời nhát gừng.
Sau hơn nửa tháng trời gắng gượng đóng vai “người chồng người cha kiểu mẫu”, đến một hôm ông Hạ cảm thấy chán nản tuyệt vọng. Hiển nhiên là ý định của ông thật điên rồ và kịch cỡm. Ông định đánh lừa mình và vợ con mà không nổi.
Ông cũng không hối tiếc những cố gắng vun xới lại hạnh phúc của gia đình. Dầu sao ông cũng đã làm hết sức và dĩ nhiên nếu sau này có xảy ra chuyện gì ông có thể tự bào chữa: Đâu phải lỗi tự ông.
Một buổi sáng chủ nhật trời gây gấy lạnh. Tiết trời bắt đầu ngả sang thu. Ông Hạ ngồi đọc báo ở bàn, Di nằm dài ở divan cạnh cửa sổ nhìn ra ngoài trời mưa, vẻ mặt đăm chiêu. Dạo này Di mãi bận tâm về một vấn đề khúc mắc riêng tư nào đó, nên cũng ít khi cãi lộn hoặc to tiếng với bố. Tô nằm bò ra giường viết lách, cạnh mẹ và Lan đang lúi húi khâu vá và nói chuyện rời rạc.
Trong ít ngày gần đây, tự nhiên ông thấy lời nói trở nên vô ích. Ông cố gắng trao đổi càng ít lời với vợ con càng hay. Nói nhiều mà làm gì, một khi ông đã ý thức dù có nói hàng nghìn lời âu yếm gắng gượng, ông cũng không lôi kéo mọi người gần ông thêm chút nào.
Một bầu không khí nặng nề, uể oải bao trùm lên khung cảnh gia đình. Cơn mưa phùn đầu mùa đánh dấu mùa thu đến.
Bỗng nhiên ông Hạ lên tiếng gọi Tô:
"Tô! Nghe ba đọc bản thông báo này của Phú Thủ Hiến!"
Mọi người – trừ Di – đều ngửng đầu lên, vẻ mặt chăm chú. Thông cáo cho biết chính phủ cần gấp một số thanh niên tình nguyện gia nhập những đoàn Quân thứ lưu động mới thành lập, để đảm nhận những chức vụ cán bộ xã hội và tuyên truyền. Lương bổng khá lại được thêm tiền “feuille de route" hàng ngày.
Đọc xong bản thông báo, ông Hạ đặt tờ báo xuống, với lấy ống thuốc lào chậm rãi nhồi thuốc, hút và thờ khói mù mịt. Ông dình mò, chờ đợi một sự thay đổi trong vẻ mặt Tô, qua làn khói trắng xanh. Dạo này ông thận trọng, khôn ngoan và mềm dẻo hơn trong sự cư xử với đứa con cả. Có lẽ ông nên tránh dùng áp lực để ép buộc Tô.
Tô có vẻ suy nghĩ. Hắn nhờ ông đọc lại kĩ càng những đoạn nói về lương bổng, điều kiện gia nhập, công tác phải thực hiện v.v... Bà Hạ và Lan kín đáo trao đổi một cái nhìn băn khoăn e ngại, đoạn cùng quay nhìn khuôn mặt Tô.
Tô gõ gõ chiếc bút xuống giường, mặt lơ đãng nhìn mưa đan nhau ngoài trời. Tự nhiên hắn nói bâng quơ:
"Mưa phùn đâm nhớ trại bà ngoại quá nhỉ: Lâu không về quê chẳng hiểu cảnh quê nó ra làm sao nữa."
Mắt long lanh sáng, Tô ôn lại những kỷ niệm xưa cũ với mẹ và Lan. Bà Hạ và Lan, giọng nói tha thiết cùng Tô góp nhặt từng kỷ niệm hình ảnh nên thơ và mờ ảo của dĩ vãng, cố vẽ lại một quãng đời sống êm đềm đã qua. Tuy nhiên mọi người đều cảm thấy Tô đã có một định ý rõ rệt trong đầu về thông cáo trong báo, song chưa chịu nói thẳng ra.
Quả nhiên khi câu chuyện quê xưa đã tàn, Tô đột ngột nói:
"Được! Ý kiến hay đấy! Sáng mai con đến Phủ Thủ hiến ghi tên tình nguyện gia nhập Quân thứ lưu động. Ờ! Nhân tiện có dịp xem ở quê hiện giờ người ta sống ra làm sao. Chắc lắm chuyện hay."
Bà Hạ lo ngại hỏi:
"Công việc có nguy hiểm lắm không? Sao thấy ba nói là sẽ phải hoạt động ngay tại những vùng Pháp vừa hành quân qua. Nhỡ Việt Minh lẩn quẩn đâu đấy thì sao?"
Ông Hạ nhìn Tô, nhưng không nói gì. Nguy hiểm có làm con ông ngại ngùng không?
Tô nhún vai đáp:
"Thanh niên công tác xã hội dính dáng gì đến quân sự. Nó giết làm quái gì!"
Di nằm trên đi văng, mắt nhắm, cười khảy một tiếng và buông một câu hằn học:
"Tụi Pháp! Di ghét tất cả tụi Pháp!"
Bà Hạ, Lan và cả chính ông Hạ hơi ngạc nhiên trước câu nói chẳng ăn nhập gì đến chuyện đang bàn của Di. Tô nhíu cặp lông mày dậm một chút, miệng phảng phất một nụ cười khó hiểu. Hắn nhìn Di, dáng chờ đợi.
Giọng nói nhát gừng của Di lại cất tiếng:
"Và Di khinh bỉ luôn những kẻ nào liếm gót giầy tụi Tây, hoặc khờ dại để chúng lợi dụng..."
"Di ghét nhiều người nhỉ?"
Di mở mắt, từ từ ngồi dậy, vòng hai tay ôm hai đầu gối, nhìn thẳng bức tường trước mặt. Một phút im lặng nặng nề trôi qua. Di lại nói:
"Thanh niên công tác xã hội! Hừ! Tây nó hiếp gái, đốt trụi làng đi rồi mình đến công tác, an ủi vỗ về... Rõ thật cao thượng!"
Nghe luận điệu của Di, ông Hạ nhịn không nổi, mắng:
"Cái thằng lẩn thẩn! Mày nói năng gì mà kỳ vậy?"
Tô không nhìn bố, khoác tay ngăn ông đừng can thiệp vào câu chuyện, bắt đầu gay gắt giữa hắn và Di:
"Di cứ nói tiếp đi!"
"Dĩ nhiên là Di sẽ nói tiếp còn nói nhiều là khác. Nôm na Di muốn nói thẳng để anh rõ, anh sẽ bị lợi dụng nếu gia nhập Quân thứ lưu động. Cái thằng giám đốc đoàn Quân thứ lưu động được Tây cho ít tiền đã vội cuống lên làm vừa lòng các quan thầy..."
Tô vặn:
"Ai cho Di biết những chuyện ấy?"
Di lừng khừng đáp mơ hồ:
"Nhiều bạn của Di."
"Bạn của Di có lẽ biết nhiều chuyện quá đấy!"
"Chắc chắn là họ biết nhiều chuyện hơn những người ngây thơ và dễ tin, như anh chẳng hạn. Nhưng anh cứ gia nhập và đi đi. Di không can đâu."
Tô không cãi lại em, có vẻ suy nghĩ, một bàn tay đặt lên vai Lan, ngón tay nghịch nghịch với mấy món tóc mềm chảy sõa xuống lưng. Lan rúc rích cười, rút cổ và so vai lại:
"Anh làm em buồn!"
Tô nhẹ nhàng hỏi em gái:
"Ý kiến Lan thế nào?"
"Em ấy hả? Em thấy cả hai anh đều gàn... Ấy! Anh đừng kéo áo em! Áo mạng nhiều chỗ quá, anh đụng mạnh vào đâu đó cũng bục ra."
Tô hạ tầm mắt xuống, chăm chú ngắm chiếc áo mặc trong nhà đã bạc mày giặt nhiều chất vải mỏng tanh và xơ xác của Lan. Bà Hạ rụt rè hỏi:
"Tô! Con nhất định rồi đấy à? Nếu nguy hiểm thế, con gia nhập làm gì?"
Tô giọng đùa cợt:
"Mẹ đừng lo! Con chết thế quái nào được. Me thường bảo theo số tử vi con sống đến 80 tuổi cơ mà. Vả ở lại nhà có hai đứa con trai lớn, một đứa đi thì một đứa ở lại nhà. Đâu me đã sợ tuyệt tự."
Thấy môi mẹ hơi run run và mắt nhìn van lơn, Lan trách anh:
"Anh chỉ được cái bạo miệng. Anh làm me sợ rồi đấy!"
"Để rồi lĩnh lương tháng đầu, anh mua cho Lan và me mỗi người một chiếc áo lụa mới là hết sợ ngay ấy mà. Me! Me hài lòng chứ?"
Bà Hạ cúi đầu xuống mắt chớp chớp. Trước sự cương quyết của đứa con trai đầu lòng, bà không biết nói gì hơn.
Tô lấy ngón tay nâng cằm mẹ lên, bắt nhìn vào mắt mình. Bà Hạ mỉm một nụ cười gượng gạo để con yên lòng. Ông Hạ thở ra nhẹ nhõm khi biết chắc Tô sẽ gia nhập Quân thứ lưu động. Tuy không nói ra miệng, ông Hạ cho rằng băn khoăn về vấn đề sẽ bị Pháp lợi dụng hay không thật thiếu thực tế. Mang sức mình ra kiếm tiền có gì đáng xấu hổ. Có ai lại muốn những cảnh giết chóc. Sống trước đã!
Nhưng Tô không quên cuộc thảo luận vừa rồi giữa hắn và Di. Ông Hạ ngạc nhiên không hiểu sao các con trai ông đều để tâm đến những vấn đề, hoặc ông không ngờ tới, hoặc ông biết nhưng không mấy bận tâm. Chúng bàn cãi hăng hái một cách thực tình. Ông không hiểu chúng muốn tìm tòi cái gì nhưng chúng thật khác xa ông xưa kia. Dĩ nhiên, thường thường ông bỏ ngoài tai những sự thảo luận sôi nổi của các con trai. Nhưng, đôi khi chúng làm ông e ngại: Chúng suy nghĩ nhiều quá nên trí óc và tâm hồn thiếu quân bằng.
Ông Hạ ngồi hút thuốc lào theo rõi cuộc đấu khẩu giữa hai anh em. Ông biết có can chúng cũng bằng thừa. Chúng lăn mình vào cuộc thảo luận. Những lời nói quất đi quất lại như những làn roi.
Tô quay hẳn về phía Di, nói tiếp câu chuyện dở dang:
"Như anh đã có dịp bàn bạc với Di trước đây, thực ra anh ghét rất nhiều điều mà Di không hay biết. Anh ghét tụi Pháp! Hiển nhiên là vậy. Di nên nhớ dạo anh đi buôn anh đã gây sự với mấy thằng Tây đóng đồn và bị chúng lôi vào đồn đánh cho một trận nên thân. Dạo đi làm bên Gia Lâm, vì sơ ý và cả tin, anh đã để bọn phu lấy cắp mất một ít dụng cụ lặt vặt. Thằng đốc công người Pháp mắng anh là “cochon, salaud anamite”. Anh đã tức giận run rẩy cả người. Nhưng anh không thể chửi mắng tay đôi với nó, một phần vì không quen và không thể nói được những câu tục tằn thô bỉ, phần khác anh muốn mỉa mai cay độc nhưng tiếng Pháp kém, cổ họng anh cũng nghẹn, anh chỉ đứng ngẩn ra..."
Tô mỉm một nụ cười nửa buồn bã, nửa như muốn chế riễu chính mình. Thuật lại một câu chuyện nhục nhã, giọng Tô bình tĩnh một cách khác thường, làm như người bị nhục không phải là hắn.
"Lần đầu tiên bị sỉ nhục, anh hình như mất hẳn lý trí. Tất cả chung quanh anh quay cuồng. Anh choáng váng và trong một lúc anh tưởng chừng anh không còn nữa, chỉ là một khối hỗn độn, không đầu không đuôi. Anh đã đứng một mình tại một chỗ khuất vắng, nhìn ra khoảng rỗng của mấy sân bay cũ, và anh khóc lúc nào không hay. Vào giây phút ấy, anh hiểu tại sao người ta có thể giết người được. Ngay buổi sáng hôm đó anh xin nghỉ việc. Và mặc dầu anh đã tìm gặp thằng đốc công Tây, nhìn thẳng vào mặt hắn, với cái vốn liếng Tây giả cày của anh, anh cố dồn hết tất cả sự khinh bỉ của anh vào một câu chắp nối lủng củng và bảo cho “Monsieur le contre maitre"biết anh không “kính trọng"những hạng người như nó. Anh cũng không thể quên những điều anh khám phá ra được về...anh. Hiện giờ nhớ lại anh thấy anh thật phi lý. Tại sao anh lại đã muốn giết hết bọn Pháp, bất cứ đứa nào và bằng bất cứ cách nào..."
Di ngắt lời anh, giọng đanh lại:
"Anh muốn giết là phải. Di hiểu anh! Tại sao anh lại cho là phi lý?"
Tô hơi do dự một chút đáp:
"Anh không chắc có thể giải thích được rõ ràng tại sao phi lý. Nhưng có điều anh chắc nhất là anh cố gắng chế ngự để anh không nổi điên lên như một con chó đại, và chỉ vì oán hận một thằng đốc công mà oán lây sang tất cả những người Pháp khác."
Di nóng nảy giơ tay ngăn Tô lại:
"Thôi! Anh nói thế em đã hiểu rồi! Vẫn cái luận điệu cứng nhắc cũ rích của anh. Một người ác đểu giả không có nghĩa tất cả mọi người ác và đểu giả! Nghe anh chướng tai không chịu được... Nghĩ đi nghĩ lại em thấy anh thế nào ấy. Thiếu tự nhiên. Đúng rồi! Anh không dám nhìn thẳng vào sự thật. Anh chỉ tìm cách đánh lừa chính anh. Anh không dám tự công nhận là anh ghét độc ghét địa một người nào! Anh chỉ tìm cách vịn vào cái thuyết giả tạo anh bịa ra, để khỏi hổ thẹn vì đã không dám hành động. Em thì em đánh cho thằng đốc công mấy cái tát rồi ra sao thì ra... Ít nhất em cũng không hèn!"
Khi bị em ám chỉ mình là “hèn"lông mày của Tô hơi nhíu lại. Hắn tỏ vẻ khó chịu như phải nghe một câu nói vô ý thức của trẻ con.
"Di tưởng anh chỉ tìm cách tô xanh đỏ những hành động cũ của anh phải không? Di đâu biết anh đã khổ sở biết bao nhiêu sau những hành động của anh và hiện giờ nghĩ lại sự đau khổ của anh cũng không hề giảm bớt."
Di cười khảy mỉa mai:
"Khổ thì kêu lên, đấm đá, đâm chém cho hả dạ. Nghĩ ngợi suy tưởng làm bớt khổ được à?"
Nghe câu nói dữ tợn của Di, bà Hạ vội nói giọng van lơn:
"Thôi hai anh em đừng cãi nhau nữa! Me sợ lắm! Các con làm me nhức cả đầu, chẳng biết nghĩ sao cho phải!"
Di vùng đứng dậy nói gần như quát với anh:
"Nghĩ đi! Anh cứ tiếp tục nghĩ đi! Chẳng đi đến đâu hết!"
"Anh cứ nghĩ, và còn nghĩ ngợi nhiều nữa. Và anh hành động. Di đừng quên điều đó! Anh sẽ nhập đoàn Quân thứ lưu động. Đấy là điều vào giây phút này anh nhất định làm. Đó là quyết định của anh."
"Quyết định làm thày tớ cho mấy thằng liếm gót giày tụi Pháp!"
Tô há miệng định cãi nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Hắn mím môi hai cạnh miệng chĩu xuống. Trên khuôn mặt thường khi lạnh lùng của Tô, một vẻ kiêu hãnh mới lạ vừa xuất hiện. Di mãi say sưa trong thảo luận nên không lưu ý đến sự thay đổi trong thái độ của anh. Hắn nóng nảy đợi một sự giải thích, đối đáp của anh. Sự rút lui quá sớm của Tô khiến Di ngạc nhiên, bực mình và thất vọng. Mọi người tưởng câu chuyện giữa hai anh em đã kết liễu nhưng rồi Tô lại đột ngột hỏi Di:
"Mày chẳng hãy còn nhớ cái chết của bác Hai không? Và bác Bằng gái, anh Đại bị Vẹm bắt cầm tù đến nay cũng chẳng biết sống chết ra sao? Và chính gia đình mình, Vẹm chẳng theo rõi đuổi bắt, làng ngày qua làng khác? Đến nỗi phải hồi cư về thành mới yên thân? Mày có thấy những người vô tội bị bắt giết cầm tù phi lý không? Bác Hai lành như bụt, suốt đời không dính đến chính trị. Thủ tiêu bác ích gì? ...Tại sao hả? Tại bác Hai là anh của bác Bằng trai. Mà bác Bằng trai hoạt động chính trị, đối lập với tụi Vẹm, đánh nhau với Vẹm, giết chúng. Thật buồn cười và vô lý phải không mày? Nhưng những chuyện đó 'đã' xảy ra, không ai có thể chối cãi gì được, kể cả mày...!"
"Mặc các bác ! Di không cần biết! Các bác thù Vẹm, đó chuyện riêng của các bác. Mỗi người một hoàn cảnh! Di chỉ cần biết có Di, Di chỉ cần giải quyết những vấn đề của Di theo lối của Di mà thôi!"
Ông Hạ quan sát khuôn mặt có sắc giận của Tô, ngạc nhiên và nghi ngờ. Tại sao Tô lại mang chuyện các bác ngoại nó hoạt động chính trị ra đây nói làm chi? Vấn đề đó liên quan gì đến việc Tô tham dự Quận thứ lưu động? Ông có cảm tưởng không biết có đúng hay không, Tô mang các bác nó ra để biện minh cho hành động của hắn, và đánh đổ mọi lập luận của Di.
Tô nhìn thẳng vào mặt Di, giọng sắc, gay gắt và khinh bỉ:
"Thế thì Di cứ việc tiếp tục lo cho thân Di! Hành động theo ý Di và để mặc anh. Can thiệp vào những hành động của anh làm quái gì...?"
Di hằn học nhìn anh, mặt tái lại vì tức giận. Nó vùng đứng dậy và đầu trần, không khoác áo mưa, hắn rời khỏi nhà đi đâu không biết.
Sự im lặng nặng nề khó thở bao trùm lên mọi người. Tiếng mưa rơi bắt đầu nặng hạt, trên mái ngói văng xuống nghe rõ mồn một. Khuôn mặt Tô trở lại bình thản – một sự bình thản khó hiểu và dày đặc tựa một chiếc mặt nạ. Hắn loay hoay vẽ những hình thù nhằng nhịt lên mặt giấy. Bà Hạ lúi húi khâu, thỉnh thoảng lại liếc nhìn Tô. Bỗng nhiên Lan buông kim khâu kêu “ái" một tiếng, và suýt soa giơ một ngón tay lên trước mặt:
"Me! Kim của me cũ quá vừa khâu đã gãy làm mấy mảnh làm con chảy máu đây này! Có lẽ phải chập hai chiếc kim làm một mới khâu xong chiếc áo của con..."
Giọng nói trong trẻo của Lan khiến bầu không khí nhẹ hẳn đi. Bà Hạ mỉm cười. Tô nhìn em gái cho ngón tay vào miệng mút chùn chụt và cũng mỉm cười. Ông Hạ hỏi Tô:
"Tô à! Con nhớ sắm một chiếc áo mưa mới và bảo Lan đan cho một chiếc áo len. Mùa này khí hậu vùng quê bắt đầu lạnh rồi đấy!"
Tô liếc nhìn bố tủm tỉm cười không nói. Trong một giây ngắn ngủi ông Hạ có cảm tưởng giữa ông và đứa con đầu lòng, một sự cảm thông mặc dầu mong manh, vừa ló hiện.
Khoảng một tuần lễ sau. Từ biệt gia đình lên đường theo đoàn Quân thứ lưu động về hoạt động ở các vùng núi đá vôi, đồng chiêm miền Đông triều. Di vắng mặt tại gia đình vào hôm Tô ra đi.
Tô vắng mặt đã gần được một tháng trời. Cuộc sống trong gia đình ông Hạ trầm hẳn xuống. Tuy không ai bảo ai, mọi người – kể cả ông Hạ – đều mong mỏi một lá thư của Tô, hăm hở tìm kiếm một tin tức dù nhỏ bé, hay bất cứ một bản thông tin nào trên báo liên quan đến những hoạt động của các đoàn Quân thứ lưu động, hay tình hình chiến sự tại khu vực Đông Triều. Mong thư Tô thật vô lý vì Tô đã giao hẹn trước khi đi sẽ không viết thư về nhà. Tính nết Tô trong gia đình ai cũng rõ: Ra đi hắn ghét người đưa tiển, trở về ghét người đón rước và hắn ghét luôn cả những tình cảm dễ dãi, sướt mướt. Hôm hắn đi, bà Hạ muốn khóc lắm, mà cũng không dám. Trước nụ cười thoáng chế diễu và nét mặt thản nhiên cả quyết của Tô, mọi người đều cảm thấy những sự bộc lộ tình cảm hình như đều trở thành khôi hài.
Di vắng nhà luôn luôn, lầm lì và không hề đả động đến anh. Thỉnh thoảng vài thanh niên đến tìm hắn. Không ai rõ Di và những người bạn mới này bàn bạc những gì. Họ đều cố ý hạ thấp giọng thì thầm vào tai nhau, hoặc kéo nhau ra một hàng cà phê nhỏ đầu phố chuyện trò cho kín đáo.
Một hôm tình cờ thấy ảnh Tô trên một tờ báo, ông Hạ mua về đưa mọi người xem. Ảnh chụp Tô đang xay gạo, cởi trần mồ hôi nhễ nhại, mặt xem đen, miệng cười để lộ hàm răng khoẻ mạnh. Một người đàn bà nhà quê dắt mấy đứa con nhỏ, đứng cạnh Tô dưới một tấm biểu ngữ “Quân thứ lưu động là bạn dân”. 
Bà Hạ nửa cảm động, nửa vui kêu lên: “Chà! Thằng Tô trông khoẻ hẳn ra! Có xương có thịt hẳn hoi!"Lan tò mò hỏi mẹ: “Me! Anh Tô biết xay gạo thật đấy à? Hay anh giả vờ lấy điệu để chụp ảnh?"Bà Hạ cười đáp “Có chứ! Hồi nhỏ về trại bà anh Tô mày đã xay nổi hơn trăm vòng liên tiếp!"Di ngắm chiếc ảnh chăm chú, một nụ cười mai mỉa thoáng hiện. Hắn lẩm bẩm “Q.T.L.Đ. là bạn dân! Hừ! Giả dối thất! Thật là trò múa rối!"Hắn quăng trả mẹ tờ báo, trở về bàn làm việc. Không dự vào câu chuyện của mọi người. Bà Hạ cúi đầu im lặng không bênh Tô. Sự bất hoà giữa hai con trai trong khoảng thời gian gần đây là một mối lo âu đè nặng thêm lên vai bà. Lan thở dài một tiếng, thốt lên một lời ghen tị “Đàn ông thật sướng! Muốn đi đâu thì đi, làm gì mặc ý...!"Lan gọi giật mẹ, giọng kinh ngạc, làm như tình cảm nẩy nở trong tâm hồn nó rất mới lạ: “Mẹ! Con nhớ anh Tô quá mẹ ạ! Anh ấy đi xa nhà vắng hẳn đi. Ai cũng ngơ ngơ ngẩn ngẩn”. Ông Hạ cầm ảnh Tô lên, lặng lẽ ngắm nghía. Ông tưởng như nhìn thấy hình ảnh ông hồi trẻ tuổi. Tô thật giống ông, cũng khuôn mặt, cặp mắt, nụ cười đó. Tuy nhiên khuôn mặt thoáng một vẻ kiêu hãnh lặng lẽ của Tô, khiến ngay khi cười, hắn cũng vẫn xa cách và không gây được cảm tình với mọi người.
Nhìn thân hình tuổi trẻ, đầy sinh lực, tương phản hẳn với khung cảnh hoang tàn của chiến tranh, ông tự hỏi Tô sung sướng hay khổ sở trong công việc hiện tại. Chắc chắn phải chịu đựng rất nhiều kham khổ và thiếu thốn trong cuộc sống nay đây mai đó của đoàn Quân thứ lưu động. Một cảm giác nửa buồn bã nửa kiêu hãnh khiến ông đăm chiêu. Ông chỉ biết mong Tô trở về và lo ngại biết đâu Tô có thể chết được vì mình và Việt Minh tấn công, nhưng ông đâu ngờ ông vừa nghĩ về đứa con trai cả như là một người có một đời sống biệt lập, không lệ thuộc vào ông trên bất cứ phương diện nào.
Sau hơn hai tháng hoạt động liên tiếp, Tô được về gia đình nghỉ phép mấy ngày. Ngay khi Tô bước chân vào nhà, mọi người đều thấy ngay Tô đã thay đổi khá nhiều. Cử chỉ dáng điệu rắn rỏi hẳn lên, ra dáng một người quen chỉ huy. Hắn cười dễ dàng hơn xưa. Bà Hạ và Lan mừng rỡ cuống quít, bám lấy Tô không rời một bước. Lan khoái trá ra mặt. Lần đầu tiên trong đời nàng được đóng vai trò cô em gái nhở có người anh đi xa về – mặc dầu xa nhà có hai tháng. Lan tò mò lục hết các túi lớn nhỏ của chiếc túi dết của anh. Vật gì cũng khiến Lan ngạc nhiên và hỏi Tô những câu oái oăm và bất ngờ. Có lẽ từ lâu lắm, gia đình ông bà Hạ mới được hưởng những giây phút khoái hoạt đầy kích thích như buổi đó. Di sau khi gật đầu chào anh, vẫn ngồi yên một chỗ, dáng điệu vẻ mặt nóng nảy.
Di cũng để lộ một vẻ lo âu e ngại trên nét mặt. Tô không để lọt qua mắt thái độ của Di.
Sau bữa cơm chiều đầy tiếng cười nói của Tô và Lan, những câu hỏi về những chi tiết ăn uống, ăn mặc của bà Hạ, những câu chuyện hàn huyên, cuộc “thẩm vấn" kẻ đi xa về thực sự bắt đầu.
Trả lời một câu hỏi của ông Hạ, Tô cho biết theo đề nghị của anh em, hắn đã nhận chức trưởng ban Xã hội kiêm Tuyên truyền, điều khiển hơn 20 thanh niên, phần lớn nhiều tuổi hơn hắn. Ông hỏi có tiền phụ cấp chức vụ hay không, Tô trả lời giản dị:
"Con không rõ? Nhưng dĩ nhiên con vẫn nhận làm trưởng ban. Họ sở dĩ bầu con, cũng chỉ vì con khá ngoại ngữ và ăn nói tạm được."
Câu chuyện kéo dài tưởng không bao giờ dứt. Tô có bao nhiêu chuyện để kể. Khi hắn muốn, Tô có thể trở thành một người kể chuyện rất duyên dáng, dí dỏm và đôi khi châm biếm. Qua những lời nói của Tô, những nhân vật sống liên tiếp theo nhau xuất hiện trước mặt mọi người. Chỉ cần nêu một chi tiết nhỏ nhặt, một tật xấu, một thói quen kỳ khôi, một đặc điểm thể chất, Tô cũng đã miêu tả ngay được rõ rệt, linh động một người bạn hắn: Ông Trưởng đoàn, nhưng sĩ quan Bảo chính chỉ huy đại đội binh sĩ bảo vệ cho đoàn Quân thứ lưu động v.v...
Tất cả mọi người – kể cả Di – đều bị câu chuyện Tô kể hấp dẫn. Di Ánh mắt long lanh, nhìn anh không rời, nhưng không hỏi anh lấy một câu.
Thoạt tiên, Tô nói đến đời sống du mục của Q.T.L.Đ. nay làng này mai làng khác. Hắn nhắc đến tên những làng xa lạ, ngay đến ông Hạ cũng mới nghe thấy lần đầu; hoặc đã nghe thấy từ trước, nhưng không hề có một ý niệm làng đó thực sự nằm vào vùng nào. Nhìn khuôn mặt đen sạm, đôi mắt lúc mơ màng, lúc nhiệt thành, đôi khi thoáng một ánh thần bí là lạ của Tô, ông tự nhiên cảm thấy đời sống của bọn trẻ bây giờ sôi nổi, xúc tích hơn ông nhiều lắm, và có lẽ chúng nhìn đời cũng với những con mắt khác ông.
Một cánh cửa vừa hé mở đâu đây và ông thấp thoáng thấy những mầu sắc rực rỡ, những ý nghĩa mới mẻ của cuộc đời.
Giọng nói trầm trầm của Tô vẳng lên:
"Bọn này đi qua không biết bao nhiêu làng mà kể. Mới đầu Tô còn chịu khó ghi tên các làng vào một cuốn sổ, nhưng về sau cũng đâm chán. Ghi mãi cũng phải mỏi tay chứ! Vùng Đông triều thật nhiều cảnh lạ. Tô còn nhớ lần đầu tiên bọn này đặt chân tới hoạt động: Thanh hà. Sau mấy giờ đồng hồ trên sà lan nhỏ, đáy phẳng của nhà binh, vượt qua những khoảng đồng lau sậy ngập nước rộng mênh mông, không bóng một người hay một chiếc thuyền, bọn này mới đổ bộ lên làng. Tô không ngờ nước mình lại có những chỗ cảnh vật bao la đến thế! Và sự im lặng bao trùm lên cảnh vật thật lạ lùng... Chỉ nghe thấy tiếng gió thổi qua lau sậy và tiếng quạ kêu."
Lan giọng háo hức:
"Rộng đến thế kia hở anh? Thú nhỉ! Thế anh có sợ không?"
"Không sợ nhưng cũng rờn rợn. Bọn này cười đùa pha trò ầm ĩ, nhưng chỉ được một vài tiếng đồng hồ đầu. Về sau, một phần mệt, phần thấy vui đùa nó lạc lõng thế nào ấy, nên đều bớt mồm miệng. Một số nói chuyện thì thầm, một số đăm chiêu ngắm cảnh vật. Riêng Tô, không hiểu sao cảnh vật lại rất xa lạ và mang một vẻ đe doạ khó tả. Hình như mình là một kẻ cướp xâm phạm vào đất kẻ khác. Những lùm cây xanh đục lờ mờ của các làng cạnh sông, những cây sậy lau, những đám rong ẩn hiện dưới đáy nước đều như những con mắt rình mò bọn này."
Di tự nhiên buông một câu:
"Anh Tô chỉ khéo vẽ vời! Chớ có gì mà sợ. Chỉ có Việt Minh thôi!"
"Việt Minh? Chẳng thấy bóng chúng đâu mà ngay cả đến chúng cũng vậy. Bước chân lên làng, hầm hố giao thông hào ngang dọc, nhà cửa bị Tây hành quân qua đốt cháy gần hết. Mấy tháng bạn của Tô bảo nhau “Mình đi giúp dân mà đếch thấy dân đâu mà giúp. Không chừng chưa giúp được ai mà chết đói rã họng”.
Bà Hạ hỏi:
"Thế bọn con có mang theo nhiều đồ ăn dự trữ không?"
"Không! Chỉ đủ ăn bữa trưa hôm đó. Ăn xong bọn này, hăng hái và liều nhất, chia nhau đi lùng khắp làng tìm dân."
Ông Hạ hỏi:
"Bọn thanh niên của con không được võ trang à?"
"Mang súng làm quái gì cho nặng mình. Bọn công an và hành chính người nào cũng có súng lục. Ông Trưởng đoàn định lấy ít súng của Đại đội Bảo Chính cho bọn này mượn, nhưng con từ chối. Hoạt động xã hội mang súng chướng chết!
Ông hơi chột dạ nghĩ bụng, Tô liều thật, nhưng nó cũng có lý riêng của nó. Tô kể tiếp:
"Vui lắm me ạ! Tóm dân làng không được, bọn này tìm thức ăn vậy. Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, thằng thì bắt được con gà, thằng hái được mấy bó rau muống, thằng khám phá ra được một vựa thóc chôn ngầm dưới đất, tụi Tây tìm thấy trước nhưng không mang đi nổi. Bọn này hè nhau thằng xay, thằng giã, thằng sàng, thằng quạt. Chiều đến ăn cơm gạo mới, thịt gà luộc, kho, canh rau muống. Ngon ra phết!"
Bà Hạ kêu lên:
"Lấy của dân mang tiếng chết!"
"Đâu có lấy không! Ít hôm sau dân về đông đầy làng, bọn này mang tiền trả thóc, gà; lại còn lấy tiền quĩ mua thóc của họ, giúp họ xay, giã lấy gạo ăn."
Lan cười bàn góp:
"Giống như trong bức ảnh."
Tô ngơ ngác:
"Bức ảnh nào?"
Lan tìm bức ảnh cắt trong báo, đưa cho anh xem.
Di cười khẩy một tiếng khô khan. Tô ngắm ảnh mình, nét mặt chợt nghiêm trang và già hẳn đi. Một ánh khắc khoải thoáng hiện trong đôi mắt xâu của hắn. Hắn chỉ ngón tay vào người đàn bà quê, ngồi bó gối mắt buồn rười rượi ở góc bên. Giọng hắn ngập ngừng:
"Người đàn bà này bị Tây…"
Tô liếc nhìn mẹ và Lan, ngừng nói. Hai khoảng hồng xuất hiện trên gò má bà Hạ. Ông Hạ đoán biết lý do khiến Tô do dự, nên bất giác đằng hắng một tiếng, kín đáo nhìn Tô. Ông chưa tìm được câu hỏi nào để kéo câu chuyện về một hướng khác, Lan đã ngây thơ và tò mò dục anh:
"Anh nói tiếp đi chứ! Người đàn bà ấy làm sao?"
Ông Hạ mắng gắt Lan:
"Cái con quỷ này! Biết gì mà hỏi."
Lan ngơ ngác đưa mắt nhìn mọi người, đoạn chắc cũng chợt hiểu nên mặt đỏ lên như rần. Câu nói đột ngột và sỗ sàng của Di, đến như một mũi tên:
"Việc gì anh Tô phải ngần ngại, che đậy! Cứ nói trắng ra bị Tây hiếp có tiện không? Chuyện đó thường xảy ra, hơi đâu bi thảm hoá làm chi!"
Mặc dầu cố ý làm giọng nói của nó thật cay độc, thật mỉa mai, Di cũng không xúc phạm nổi Tô. Tô ngồi dậy, nhưng hình như tách biệt hẳn khỏi mọi người. Hắn bắt đầu kể chuyện về “người đàn bà”. Giọng đều đều như máy, trần trụi tình cảm. Không một ánh oán hận, thù ghét, thương xót ló hiện trong mắt hắn. Tô đã nghĩ đi nghĩ lại về câu chuyện đó rất nhiều lần, và dần dần từng tình tiết ý nghĩa của câu chuyện thấm vào tâm hồn hắn, ăn xâu vào tiềm thức hắn. Hiện giờ chính miệng hắn mấp máy, các âm thanh phát ra, nhưng mọi người hình như đang “nghe"một nhân vật Tô khác xa lạ, không phải Tô thường khi.
"Theo dân làng kể lại, người đàn bà ấy bị Pháp chia nhau hiếp hơn mười lần, chết đi sống lại, trước mắt mấy đứa con. Chồng bà trước trước đấy ít lâu bị Việt Minh bắt đi làm dân công. Chắc bà ta có thể phát điên dại, nếu không có mấy đứa con còn cần nuôi nấng trông nom. Khi bọn này tới làng, bà ta đã có mang khoảng 4, 5 tháng. Hỏi, bà ta kể lại tỉ mỉ 'tai hoạ' đã xảy đến cho mình, giọng đều đều, không khóc lóc vật vã. Không hiểu sao, suốt trong thời kỳ này đóng tại làng, bà ta cứ luẩn quẩn quanh chỗ bọn này ở. Hễ Tô bước chân khỏi nhà, đã thấy bà ta ngồi bó gối ở đầu hiên, hoặc một góc vườn. Bọn này giúp tiền, quần áo cũ, gạo, đôi khi nhờ vài việc vặt. Tô tự hỏi chắc có một lý do gì xô đẩy bà ta gần bọn này. Về sau Tô tìm ra: Đó là thái độ dân làng đối với bà ta, không ai xua đuổi hất hủi hay ghét bỏ bà ta, nhưng mọi người không ai bảo ai đều cố tránh tiếp xúc với bà ta càng ít càng hay. Theo Tô biết, nhiều người giúp bà ta gạo, thức ăn, nhưng giúp đấy để rồi tránh ra cho nhanh...như tránh một người mắc bệnh hủi. Họ sợ! Nhưng sợ cái gì, trốn tránh cái gì?"
Bà Hạ thở dài, giọng xót thương:
"Tội nghiệp!"
Lan môi mím lại và tự nhiên thốt lên một câu giận dữ, khiến mọi người ngạc nhiên:
"Tụi khốn! Dã man..."
Tô cũng phải ngạc nhiên, trước phản ứng mạnh mẽ của cô em nhỏ. Hắn tiếp:
"Đứa con trai lớn của bà ta, khoảng 12 tuổi, nhất định van xin bọn này cho đi theo 'hầu hạ', bỏ mặc mẹ tại làng. Nó không lấy gì làm thông minh và cũng giống trăm nghìn đứa trẻ quê mùa khác. Nhưng thỉnh thoảng nó ngồi bó gối im lặng, mắt đỏ ngầu. Tô có cảm tưởng nhớn lên nó có thể giết người dễ dàng..."
Di ngắt lời anh:
"Đúng vậy! Giết hết bọn Pháp là xong!"
Tô hỏi lại em:
"Di có chắc đó là giải pháp hay độc nhất hay không?"
"Em hỏi anh một câu. Một câu thôi! Anh nghĩ gì về trường hợp người đàn bà ấy? Nãy giờ anh chỉ kể lại mà chẳng hề cho biết ý kiến riêng."
Giọng Tô xa xôi và câu trả lời cũng khó hiểu:
"Anh nghĩ rất nhiều về chuyện đó. Còn ý kiến của anh… Nhưng thật ra anh cũng chưa có một ý kiến rõ rệt nào. Anh thấy trường hợp của anh bây giờ cũng không khác trường hợp của người đàn bà đó bao nhiêu. Anh chỉ biết một điều. Anh..."
Di nóng nảy chờ đợi, nhưng Tô ngừng nói, lảng sang chuyện khác:
"Chết chửa, nãy giờ toàn nói chuyện đâu đâu, quên cả những chuyện thú vị trong đời sống “du tử"của bọn này. Me và Lan có biết không, bọn này...."
Di chưng hửng. Nó thất vọng ra mặt. Đôi mắt nóng nảy, bốc lửa của hắn nhìn soi mói khuôn mặt Tô. Hắn hậm hực, bực tức nhưng rồi cũng đành ngồi yên.
Tô kể tiếp:
"Bọn này nếu hôm trước đến một làng hoang vắng dân bỏ đi hết, hôm sau chia nhau đến các làng lân cận lôi dân về. Trời mưa, trời nắng mặc kệ, bọn này say lên vì đi bộ. Lội bùn ngập đến đầu gối, gặp sông chắn ngang đường cầu đã bị phá đổ, cởi phăng quần áo đóng bè chuối vượt sông. Tối trở về mệt rã rời lăn ra ngủ. Ấy thế mà sáng hôm sau đã lại tranh nhau đi nữa, không ai muốn ở nhà giữa một khung cảnh thê lương thiếu hơi người. Thường thường khoảng 4, 5 ngày sau dân trốn tránh tại các làng chung quanh mới ùn ùn kéo về làng bọn này đóng, dựng lại nhà cửa. Lúc đó bọ này mới được nghỉ ngơi đôi chút và làm quen với dân..."
Di ngắt lời, giọng nghi ngờ:
"Miễn là họ để cho mình làm quen!"
Từ lúc bắt đầu câu chuyện đến giờ, lần đầu tiên khuôn mặt Tô căng thẳng và một vẻ khắc khoải lẫn lộn với một sự điên dại vẫn kìm giữ được, xuất hiện trong đôi mắt hơi sếch của Tô.
Di nghi ngờ là phải! Nói nghe có vẻ giản dị, nhưng thực ra công việc làm quen với họ rất khó và riêng với Tô nặng nhọc không kém một cực hình..."
Lan bất mãn:
"Anh chỉ nói quá! Em không tin! Anh đến để giúp họ cơ mà!"
Bà Hạ cũng đồng ý với Lan:
"Các con mệt nhọc vì họ, họ cũng phải biết ơn chứ?"
"Một người giúp nhưng lại có đến mười người phá..."
Tô im lặng một phút.
Ông Hạ hỏi một câu mà không biết trước là thừa vì đâu ngu đến nỗi tin tưởng tổ chức Quân thứ lưu động gồm toàn những người nhiệt thành và lý tưởng như Tô.
"Ai phá?"
"Ai phá? Tất cả mọi người trừ dăm ba người: Một thiểu số thật mỉa mai và lạc lõng."
Di bàn góp:
"Chắc hẳn trong thiểu số lạc lõng đó có anh? 'Những kẽ lạc lõng!' Hừ! Sao câu đó đúng thế không biết!"
Bà Hạ nhìn Di, trách móc:
"Tại sao con hay bàn ngang thế? Để anh nói chuyện cho yên... Con ở nhà làm sao biết những nỗi khó khăn mệt nhọc của anh được."
Khuôn mặt Di tối sầm lại. Hắn liếc nhìn rất nhanh Tô ngồi giữa me và Lan, đôi mắt trở nên dữ tợn. Hắn vừa bị gạt ra khỏi những nỗi buồn vui của mọi người.
Càng kể chuyện giọng Tô càng mải mê và dần dần mất hẳn vẻ lãnh đạm xa cách lúc ban đầu.
"Không bao giờ Tô quên nổi buổi đầu tiên Tô nói trước dân chúng. Việc tuyên truyền là nhiệm vụ của bọn này, nên bọn này cũng phải chia nhau đến các gia đình trong làng mời họ đến nghe. Khi họp nhau lại phân công, Tô là trưởng ban dĩ nhiên sẽ là diễn giả chính. Buổi đầu ra mặt, anh nào cũng hăng hái nhưng cũng đều lúng túng như nhau. Thuở bé đến giờ đã tuyên truyền ai bao giờ đâu. Thằng bàn 'Phải có ca nhạc mới nhộn nhịp. Tao sẽ chơi đàn, thằng Quân hát'. Thằng khác bảo 'Mít tinh thường phải hô khẩu hiệu cho hăng, Thằng Tô nói xong, ra hiệu bọn này la mấy khẩu hiệu cho xôm trò'. Một thằng dụt dè góp ý 'Có nên diễn một vở kịch ngắn không. Dân chúng lâu không được xem kịch chắc thú lắm!”'Nhưng không ai bảo ai, mọi người đều tránh không đề cập đến việc 'Tô sẽ nói cái gì với dân'. Và Tô thấy không ai nhắc đến vai trò diễn giả, tự nhiên Tô cũng im miệng không nêu ra. Rõ ràng tất cả đều cho Tô gánh nặng làm thế nào đạt được kết quả cho cuộc mít tinh. Nếu Tô thất bại? Ai cũng e ngại điều đó, nhưng cũng không dám nói ra nốt.... Phân công xong, Tô lẳng lặng tìm một góc đình ngồi xem lại mấy tài liệu tuyên truyền của Bộ thông tin, một mình. Tô còn nhớ rõ như in, trên đầu Tô nóc đình bị đạn súng cối thủng một lỗ lớn, nắng chiếu xuống phủ lên người Tô và hai bàn tay Tô cầm tập tài liệu. Nhìn tập giấy rung nhẹ Tô mới biết tay Tô hơi run. Bất giác Tô tỳ tay lên đùi, hai tay ôm lấy trán mắt nhắm lại, để người lắng xuống..."
Tô ngừng lại, đôi mắt nhìn thẳng trước mặt, hồi tưởng lại những hình ảnh, xúc động riêng của hắn. Lan, miệng hé mở nhìn anh không rời. Cô nàng nóng nảy dục:
"Anh Tô! Kể tiếp đi chứ anh! Anh có cảm động nhiều không?"
"Cảm động? Cảm động vừa phải thôi. Nói cho đúng Tô cảm thấy sợ hãi. Không phải sợ đến nỗi mất bình tĩnh tê liệt cả chân tay, vì Tô tự biết sau vài lời lẽ lúng túng lúc đầu, Tô sẽ có thể nói rất hăng, nhưng mà là khắc khoải, nghẹn ngào. Ngồi đây, cách biệt, Tô nghe văng vẳng tiếng đàn, tiếng hát tập của mấy thằng bạn, tiếng một thằng hỏi 'Thằng Tô đâu rồi ấy nhỉ'. 'Để nó yên! Nó đang xem lại tập tài liệu'; tiếng rì rầm của đám đông dân chúng tập họp ngoài sân đình tựa như một làn sóng ngầm tràn đến gần, gần hơn nữa. Tự nhiên, hình như đất sập dưới chân Tô. Người Tô bị hỗng, lơ lửng chẳng đâu vào đâu. Tô vừa tự hỏi: 'Nói cách nào để nắm được họ?'. Muốn lôi cuốn một đám đông, người ta phải biết đám đông đó ra sao, muốn gì, ghét gì, yêu gì. Mà Tô từ nhỏ đến giờ Tô đâu sống gần dân quê? Chẳng biết tí gì là có, về họ? Trong những năm gần đây dân quê chắc đã thay đổi rất nhiều."
"Nhưng họ thay đổi như thế nào. Tô cũng không biết nốt..."
Ông Hạ ngắt lời Tô:
"Con thật rắc rối! Cứ nhảy ra trước mặt họ, nói đại đi là xong. Dân quê ấy mà! Thời nào vẫn ngu như nhau."
Bà Hạ cười tin tưởng:
"Ông chẳng cần phải giục nó. Xưa nay Tô vẫn ăn nói gãy gọn và có sợ ai hay sợ cái gì bao giờ đâu."
Tô giơ tay làm một cử chỉ nóng nẩy, bực tức.
"Mọi người không hiểu ý Tô. Hay có lẽ Tô diễn tả kém. Phải trông thấy tận mắt, sống những phút giây đó mới hiểu được tâm trạng Tô. Khó nói quá!"
Lan cái với anh:
"Nghe chuyện anh Tô kể tức bỏ xừ thế này! Chưa nói hết chuyện, anh đã kêu la bai bải 'Khó nói quá! Khó nói quá!'. Anh không kể nhanh em không nghe nữa đâu!"
Tô cười trước sự nóng ruột của em gái. Hắn kể tiếp:
"Ngay khi Tô bước chân ra hiên, đứng đối diện với đám đông, Tô thấy ngay một đặc điểm khác thường: Đám đông theo mình thường biết, phải ồn ào hỗn độn, nhất là dân quê lại càng thiếu trật tự hơn nữa. Nhưng đây trái hẳn lại, cái đám mấy trăm người toàn quần áo nâu đứng đó, yên lặng một cách lạ lùng. Tô đưa mắt quan sát một vòng. Hàng trăm khuôn mặt hốc hác đen đủi, mắt đều nhìn xuống chân. Họ không buồn nhìn những gì xảy ra trước mắt họ. Họ cũng không nói chuyện với nhau. Trời hôm ấy Tô còn nhớ không nắng chói chang, không khí oi ả và khó thở. Không hiểu sao cái ánh sáng bàng bạc trùm lên cảnh vật và đám đông khiến Tô có cảm tưởng mọi sự có vẻ thực quá đáng, rõ ràng quá nên càng giống như một giấc mộng.
Thắng – một thằng bạn Tô – nói thầm vào tai Tô 'Mẹ nó chứ! Mày trông kìa! Chúng nó đứng như phỗng đá thế kia chẳng khác một bọn câm điếc, nói làm chó gì cho bẩn mồm. Thật buồn nôn được! Lại còn mấy thằng công an khốn nạn kia nữa chứ! Chúng đang làm cái trò gì đấy...' Hắn hất cầm về phía đám đông. Năm sáu tên công an, súng dao kè kè nên sườn, mặt mũi vênh váo, đang xô đẩy một toán dân ở phía cuối sân. Chắc chúng vừa đi lùa về được. Tiếng chửi rủa Tô nghe rõ mồn một 'Đ.M.! Xếp hàng ngay ngắn vào! Dỏng tai mà nghe 'các ông ấy' tuyên truyền. Lại còn bướng hả? Ông lại tẩn cho một trận bây giờ? Thằng này mày là Việt Minh hả? Đứng vào hàng! Nhanh lên!' Bọn công an chửi rủa văng tục khạc nhổ, không nể nang giữ ý. Tô thấy tên trưởng ban nháy mấy thằng dưới quyền, thì thầm vào tai nhau, đoạn chia nhau lẻn vào đám đông, hau háu nhìn vào mắt từng người. Rõ ràng chúng lợi dụng buổi tập họp đông đúc này để nhận diện những kẻ tình nghi và tìm gái. Lão phó trưởng đoàn miệng ngậm một chiếc tẩu lớn, tay tì lên chiếc ba toong, đứng cạnh Tô. Lãi có hình dáng giống một con cóc lớn. Người đẫy đà mặt phì phị, mắt ốc nhồi lờ đờ lướt qua đám dân. Hắn hình như không nhìn và lưu ý đến bất cứ ai. Nhưng đừng lầm dưới bộ dáng lù khù, hẳn thực ra là một người cứng rắn, nham hiểm và đáng sợ. Phục sức của hắn cũng kỳ khôi. Hắn luôn luôn mặc một chiếc áo kaki nhầu nát, chiếc quần short tím than để lộ đôi chân đen đủi gân guốc. Đầu hắn đội một chiếc mũ lính rúm rò và vai vắt một chiếc khăn mặt lớn..."
Lan so vai:
"Gớm nghe anh Tô kể em thấy kinh kinh!"
"Anh cũng vậy. Anh không sợ hắn, nhưng hễ bắt buộc phải gần cạnh hắn, anh cũng thất da thịt gây gây. Bọn công an đồn đại rất nhiều chuyện về hắn. Khi Tô ra hiệu, mấy đứa bạn Tô bắt đầu đàn và đồng ca một bản hùng tráng. Mọi người tưởng tượng một chút sẽ thấy ngay tiếng đàn hát của bọn này lạc lõng, trơ trẽn biết là chừng nào. Cũng từa tựa như mình ca hát vui nhộn cho một đám người trong gia đình vừa có người chết. Tô liếc nhìn những khuôn mặt trắng trẻo, thị thành của mấy thằng bạn nổi bật trên nền nâu tối của đám đông, khuôn mặt phì phị điểm một nụ cười thâm hiểm chết nhạo của lão phó trưởng đoàn, và người đàn bà bị Tây hiếp ngồi xổm bó gối ở một gốc sân đình, tách biệt hẳn với dân làng và bọn này: Người Tô toát mồ hôi và vào giây phút đó, tự nhiên Tô muốn kêu lên 'Thôi hết cả đi! Ngừng lại, ngừng lại…! Sai lầm tất cả!'"
Kể đến đây, Tô đưa tay chùi mấy hạt mồ hôi lấp lánh trên trán.
"Nhưng, Tô biết thừa là đã quá chậm. Tô không thể ngừng lại cái trò hề đã mở màn và đang diễn ra. Thật là một trò hề phi lý, nhưng Tô vẫn phải dự vào, bất cứ nói gì, nhưng Tô vẫn phải nói, với họ. Nhạc ngừng. Tô tiến lên một bước. Và Tô nói liên tiếp gần một tiếng đồng hồ liền. Về sau các bạn kể lại, Tô mới biết mình đã nói nhiều đến thế. Chứ thực ra, Tô không có ý niệm gì về thời gian. Tô chỉ nhìn thấy những bộ mặt đen đủi câm nín, từng lớp từng lớp, họp thành một bức tường thành sừng sững mà Tô phải chọc thủng, lay động bằng những lời nói của Tô."
Di đột ngột hỏi:
"Anh có nhớ anh đã nói những gì hay không?"
"Anh đã nói những gì, anh cũng không nhớ rõ. Hình như vớ được cái gì, anh nói cái đó. Anh nói đến độc lập, tinh thần quốc gia, nhân dân đoàn kết, phát triển kinh tế, giáo dục... Đại khái tất cả những gì mọi người thường đọc báo nghe qua những bài diễn văn, vừa kêu vừa rỗng. Mặc dầu, Tô cố sức làm cho giọng nói của mình tha thiết, đầy nhiệt thành, tin tưởng. Nhưng hễ Tô hăng lên được trong mươi, mười lăm phút, và rồi Tô ngửng đầu lên quan sát xem phản ứng của đám đông ra sao, tìm tòi một dấu hiệu nào khả dĩ chứng tỏ họ có nghe Tô; nhưng lại chỉ bắt gặp những bộ mặt câm lặng, không xúc cảm của đám đông, mấy bộ mặt nhăn nhó của mấy tên công an, và cái “người đàn bà ấy" ngồi bó gối như một bức tượng, nhắc nhở Tô đến những chuyện kinh tởm đã xảy ra; người Tô lại lảo đảo và điên dại, vì thấy mình bất lực. Tô không chịu thua vả bỏ cuộc ngay, tiếp tục hăng hái hơn nữa. Kết quả vẫn vậy! Tô không thể nắm được họ. Và Tô ngừng nói, chấm dứt cái vai trò diễn giả đã kéo quá dài của Tô, lùi bước đứng cạnh các bạn Tô, Tô không nhìn ai và cũng không muốn nói chuyện với bất cứ ai. Người đẫm mồ hôi, miệng đắng và chát như người vừa lên một cơn sốt rét kinh niên. Chỉ có thằng Thắng vẫn thản nhiên ghé vào tai Tô, sỉ vả 'Tội nghiệp cho chú mày quá! Trông mày hăng hái diễn thuyết sùi cả bọt mép, tao thương mày quá! Hơi đâu hoài công phí sức nói với tụi dân ngu cu đen...' Lạ thay Tô không giận hắn, lại còn mỉm cười cám ơn hắn là khác. Không chắc lời hắn nói hoàn toàn đúng, nhưng dầu sao hắn cũng là người hiểu được tâm trạng Tô lúc đó hơn ai hết.
Tô ngừng nói. Ngắm khuôn mặt đăm chiêu của Tô, ông Hạ thầm thương hại Tô. Có lẽ Tô đã quan trọng hoá những việc đã xảy đến cho hắn, và đã cố gán cho cái công việc tuyên truyền của hắn một ý nghĩa quá lý tưởng. Ông thầm đồng ý với Thắng: Hơi đâu quan tâm đến phản ứng của mấy thằng dân ngu dốt, đầu óc tối tăm. Tô cảm thấy bất lực là phải lắm. Làm sao bắc nổi một cây cầu thông cảm giữa hắn – một người trí thức – với những người dân sống như run, dế sợ hãi đủ mọi thứ: Tây, Chính quyền, Việt Minh. Kẻ yếu bị dầy xéo là chuyện tất nhiên, theo ông. Ông an ủi Tô:
"Con nói lưu loát thế xứng đáng là trưởng ban lắm rồi, thắc mắc làm gì về những chi tiết vặt vãnh. Ba cho rằng điều cần nhất phải chứng tỏ mình có khả năng. Con đã chứng tỏ được, thế là đủ."
Tô im lặng, không cãi lại ông, nụ cười xa cách khó hiểu lại thấp thoáng ẩn hiện trên môi hắn. Di, sau mấy phút ngẫm nghĩ, lên tiếng giọng gay gắt:
"Lạ thật! Di không hiểu tại sao anh Tô khi nhìn các bộ mặt dân quê lại không hiểu ngay thái độ rất rõ rệt của họ đối với bọn anh và cái 'trò hề' của bọn anh? Theo Di, đó là một thái độ căm hờn! Ba bảo họ ngu đần, anh Tô cho rằng họ sợ, họ câm nín. Sai hết! Một đêm nào đó họ sẽ mò đến cắt cổ bọn anh không chừng! Lúc đó anh Tô cũng không kịp có thời giờ quan sát và lẩn thẩn tự hỏi thái độ bọ họ ra sao đối với anh, vì trong bóng tối không ai nhìn ra ai đâu!"
Bà Hạ và Lan rùng mình, thất sắc. Ý kiến của Di thật táo bạo, nhưng rất có thể biến thành sự thật. Tô nhìn Di, đoạn trả lời dằn từng tiếng một:
"'Trong bóng tối không ai nhìn ra ai đâu!' Ấy! cũng chỉ vì anh muốn phân biệt ai là ai nên anh mới gia nhập Quân thứ Lưu động. Còn Di, Di tài thật! Nhìn đâu cũng thấy căm hờn, oán ghét!"
Di cười mãi:
"Dù anh gắn cho Di cái tật nhìn đâu cũng thấy oán ghét, anh cũng không ngăn nổi bọn 'dân quê' cắt cổ anh, nếu họ muốn thế."
Tô cau mặt, không đáp. Bà Hạ và Lan giục, hắn lại tiếp tục:
"Sau khi Tô ngừng nói lùi về phía sau và các bạn Tô chơi xong một bản nhạc hùng khác, lão phó trưởng đoàn đủng đỉnh bảo Tô 'Anh cho phép tôi nói với 'cử toạ' đôi ba lời!'. Hắn tiến lên một bước cầm ba toong gõ mạnh xuống hiên đá và bắt đầu nói, không giáo đầu. Dáng bộ lù khì thường lệ mất hẳn, trong nháy mắt biến thành một người khác: Tiếng oang oang, mắt ốc nhồi tròn lên, chốc chốc hắn lại cầm nan chỉ thẳng vào mặt đám dân đe doạ, nạt nộ. Hắn nói nhiều và lâu lắm, Tô không nhớ rõ những gì. Đại khái hắn xỉ vả, “Chúng mày toàn là đồ ngu! Suốt đời chỉ làm đầy tớ…! Chúng mày ngu dại nghe Việt Minh dụ dỗ... Bất cứ thằng Việt Minh khốn nạn nào bảo chúng mày cái gì là chúng may cung cúc nghe ngay v.v..."
Di giận dữ rủa một câu:
"Cái thằng già đểu giả! Mà tại sao anh lại có thể sống cạnh và công tác dưới quyền với hạng người nhầy nhụa và kinh tởm như vậy?"
"Dĩ nhiên hắn 'nhầy nhụa kinh tởm' Di xem, đâu có phải chỉ có tụi Pháp là đáng giết hết. Nếu vậy lão phó trưởng đoàn cần bị đập bẹp bụng như khi ta đập một con cóc. Tuy nhiên, hiện tại hắn vẫn sống nhăn ra đấy và giữ một chức vụ hơi lớn. Thành thật mà nói, mình không thể chối cãi thái độ của lão rất rõ rệt: Dân đen là một tụi ngu dốt, cần phải khi vuốt ve, khi đòn vọt. Đe doạ không xong, bắt bớ tra tấn cho đến khi vì sợ họ phải vâng theo..."
Tô quay về phía bố hỏi:
"Những kẻ như lão này trong chính phủ đâu thiếu gì phải không ba?"
Ông Hạ gật đầu đồng ý, lại còn cẩn thận khuyên:
"Con đừng nên gây thù chuốc oán với lão phó trưởng đoàn làm chi! Hắn là hạng người rất nguy hiểm. Hắn sẽ tìm cách hại con nếu con dại dột bướng bỉnh ra mặt chống đối hắn."
Tô mỉm cười khinh thị, không đáp. Di cũng có vẻ suy nghĩ về câu chuyện Tô vừa kể.
Trầm ngâm một chút, Tô lại lên tiếng:
"Sau buổi nói chuyện với dân chúng đầu tiên, Tô nhất định không tổ chức những trò hề ấy nữa."
Ông Hạ hơi ngạc nhiên:
"Con làm thế nào lão phó trưởng đoàn chịu à? Ban tuyên truyền không hoạt động tuyên truyền đâu có được."
Giọng Tô thoáng chua chát:
"Ba khỏi lo hộ bọn này. Thực ra bọn này làm hay không làm đâu quan trọng, và cũng chẳng ai hơi đâu quan tâm theo dõi làm chi. Bọn này chỉ là một bức bình phong che đậy cho họ. Tô đâu có ngu đến nỗi không nhận thấy sự kiện đó."
Di cười mỉa mai:
"Và kết luận là bọn anh thụ động, ì ra đấy, cuối tháng lĩnh lương."
"A! Di nhầm rồi. Không thể dễ cho bọn anh thụ động, một khi bọn anh chỉ làm những điều bọn anh ưa thích và cho là phải. Thiếu gì cách giúp dân! Nhiều lắm, anh không tiện kể ra đây.Và kết quả khiến các anh nức lòng nhất là dân chúng ưa bọn bày rõ rệt. Bọn anh đóng ở nhà nào, dân chúng không bảo nhau đều sống quây chung quanh."
Di lại cười:
"Một con nhạn đâu mang nổi lại cả một mùa xuân! Hơn nữa em không tin dân ưa bọn anh như anh tưởng. Họ chỉ ghét anh 'ít' hơn bọn công an, lính tráng mà thôi. Ngoài ra, chỉ nói đến riêng anh, em biết quá rõ anh thích cái gì rồi. Anh thích đứng khoanh tay, dửng dưng quan sát phân tách mọi sự xảy ra chung quanh. Anh đã thế, chắc các bạn anh cũng chẳng hơn gì!"
"Suy nghĩ, tỉnh táo cố tìm rõ ý nghĩa mọi chuyện xảy ra không dễ như Di tưởng đâu, và cũng không phải là một tội lỗi ghê gớm như Di hiểu. Di biết gì đến người khác mà lên giọng chỉ trích? Trong tâm hồn, trong trí óc Di chỉ toàn những Di, Di đầy ứ những 'oán hờn', 'giận ghét', của Di. 'Di ghét người này, Di muốn giết người kia'. Di còn mê lên vì chính Di, còn thời giờ đâu ngó ngàng đến ai. Có bao giờ Di đặt mình vào địa vị anh và tự hỏi 'Tại sao anh lại gia nhập Quân thứ Lưu động? Tại sao anh làm thế này, nghĩ thế kia…?' chưa đã?"
Tô dồn cho Di một thôi, một hồi, cơn giận dữ lộ hẳn lên nét mặt, trong giọng nói. Mọi người – kể cả Di – đều ngạc nhiên, sững sờ. Trước đến nay, không ai tin Tô có thể nổi giận.
Giọng Tô vẫn gay gắt:
"Di là một thằng điên, Di hiểu chưa? Di điên, Di mù quáng thời mặc Di. Di cứ tiếp tục điên đi anh không ngăn cản. Nhưng Di để yên cho những kẻ thích suy nghĩ, tìm tòi như anh. Trước đây đã có lần Di cả quyết anh không thể hiểu nổi Di. Nhưng anh đã 'cố gắng' tìm hiểu Di! Còn Di! Di không hề nghĩ đến chuyện tìm hiểu người khác, nói gì đến cố gắng hay không cố gắng..."
Giọng Tô đầy khinh bỉ, nhưng ánh mắt lại thoáng vẻ thương hại:
"Nếu Di muốn, anh khuyên Di cứ việc trở về cái thế giới đầy oán ghét, ấm ức, tối mò mò của Di. Phần anh, có thể anh gia nhập Quân thứ Lưu động là một điều lầm lẫn, nhưng dù sao anh cũng 'dám' lầm lẫn. Mà chỉ khi người ta hành động, người ta sống, người ta mới lầm lẫn được. Còn ngồi ì ra đấy, thụ động, nhưng ta sẽ có thể trở thành một ông thánh, cứ tưởng mình khôn ngoan lắm! Biết nhiều chuyện lắm, nhưng thực ra mù tịt cả hai mắt."
Di ngồi khoanh tay, đầu gục xuống và im lặng nghe Tô. Hắn có vẻ xúc động. Hắn vụng về đứng dậy khi anh ngừng nói, ra đứng cạnh cửa sổ nhìn ra phố, quay lưng lại mọi người.
Trời lại bắt đầu tối. Gió thổi từng cơn. Dăm ba chiếc lá vàng bay lướt qua cửa sổ rơi trên nền nhà, sát khuôn mặt mọi người khi ẩn khi hiện, trong khung cảnh tranh sáng tranh tối của căn phòng. Câu chuyện về cuộc sống của Tô vừa mang lại cho bầu không khí gia đình những xáo trộn khó tả.
Lan nhìn Tô, rồi quay sang nhìn Di đứng tách biệt cánh cửa sổ, nheo mũi lại, thở dài đánh sượt một cái:
"Lạ thật! Hễ cứ ngồi đối mặt nhau một lúc, thế nào hai anh Tô, Di cũng cãi nhau một trận mới hả. Tại sao thế hở anh Tô? Các anh thích thế à? Mà sao đàn ông cứ nhăn nhó khổ sở vì những chuyện chẳng đâu vào đâu. Nghe các anh, em rức cả đầu..."
Bà Hạ cười buồn bã, nói với Tô:
"Các con là con trai, đã lớn rồi, muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi, mẹ là đàn bà mẹ đâu hiểu và cũng không can ngăn, níu kéo, miễn là khi các con sống cạnh nhau, hoà thuận, đừng coi nhau như quân thù quân hằn là mẹ hài lòng… Mẹ buồn Tô đi xa nguy hiểm, mẹ lo cho Tô từng khắc từng giây. Vừa bước chân về nhà, hai anh em đã lại cãi nhau, tiếng nặng tiếng nhẹ. Mẹ thấy nó làm sao ấy!"
Tô an ủi mẹ:
"Ồ! Mẹ để ý đến những chuyện cãi vã lăng nhăng của bọn con làm gì. Khác tính nhau, anh em xung khắc là chuyện thường."
"Nhưng, mẹ vẫn ngài ngại khi..."
Tô nói chặn ngay:
"Mẹ đừng lo ngại gì hết! Chúng con cãi nhau, chứ không thù ghét nhau đến nỗi đánh nhau đâm chém nhau đâu mà mẹ sợ."
Bà Hạ lưỡng lự, định nói thêm, nhưng trước vẻ mặt lơ đãng, mơ màng đâu đâu của con, bà đành im lặng.
Mấy tháng nay, gia đình ông Hạ không trả nổi tiền điện, nên điện trong nhà bị cắt. Ông mò mẫm rịt thuốc lào trong bóng tối. Bà Hạ lên tiếng bảo Lan thắp mấy cây nến. Hai anh em Tô, Di vẫn giữ nguyên dáng bộ cũ, mỗi người theo đuổi một nguồn tư tưởng riêng.
Lan cầm hai cây nến vừa thắp, từ nhà trong bước ra. Khuôn mặt thanh tú, hai gò má hồng của Lan nổi bật trên những khoảng tối sáng của căn phòng. Tô đưa mắt nghìn theo em gái, một ánh vui thú, nghịch ngợm khiến khuôn mặt thường khi nghiêm trang và già trước tuổi của hắn trở lại trẻ trung – nếu không thể nói là trẻ con. Tự nhiên hắn bảo mẹ:
"Lan dạo này xinh tệ, me có thấy thế không?"
Lan đang lúi húi gắn nến lên bàn đáp ngay:
"Me ạ! Dễ đến mấy năm nay mới thấy anh Tô khen con xinh. Con tưởng các anh con mải mê những chuyện gàn dở, nên quên mất cả các cô con gái. Chằng bao giờ con thấy hai anh nói đến các cô, mọi rợ thật!
Tô có vẻ ngẫm nghĩ, hắn lục túi lấy ra một bao thuốc lá. Hắn gọi Di, giọng trở lại thân mật:
"Ê, Di! Hút thuốc không?"
Di lẳng lặng lại gần anh, đón điếu thuốc và hai anh em hút thuốc thở khói mù mịt, trước những cặp mắt ngạc nhiên của ông bà. Ông tự hỏi không biết chúng bắt đầu hút thuốc từ bao giờ. Dầu sao, sự làm lành kín đáo giữa hai đứa con trai cũng khiến bà Hạ mừng thầm. Bà liếc nhìn Lan và vẻ mặt hai người đàn bà trong gia đình rạng rỡ hẳn lên.
Một cơn gió lùa vào nhà. Lan rùng mình nhẹ, tay ôm lấy hai vai và hỏi anh:
"Mùa này ở vùng quê có lạnh không anh Tô?"
"Đâu có! Anh vẫn tắm và bơi ở sông hoài! Khoái lắm!"
Tô nói nhiều hơn đến chính hắn. Giọng nói và vẻ mặt Tô cũng thay đổi, không còn xa cách, khắc khoải hoặc chua chát như hồi nãy, trở nên mơ màng, đôi khi háo hức, nóng ấm.
"Mới đây bọn này đóng tại một làng nằm kề một con sông nhỏ. Bên kia sông chạy xa tít về phía chân trời là một cánh đồng sậy lau. Điều khiến Tô lạ lùng ngạc nhiên là sự trái ngược giữa dòng sông và cánh đồng sậy. Sông nhỏ nhưng nước chảy siết ghê gớm, suốt ngày đêm ầm ì và cuồn cuộn sóng. Cánh đồng sậy thì im lặng không ngờ, dăm thì mười hoạ có gió nhẹ lướt qua. Đứng cạnh sông, Tô cảm thấy chóng mặt, say mê một cách khó tả. Tô muốn nhảy xuống để dòng nước lôi cuốn, ghì lấy Tô. Mấy thằng bạn Tô bơi kém không dám bơi xa bờ. Tô bơi sang bờ bên kia và lội bì bõm một mình trong cánh đồng sậy, nước ngập ngang thắt lưng. Vào những buổi trưa trời nắng, chỉ có mỗi mình Tô. Sau khi để sóng nước nhồi lên nhồi xuống, và vẫy vùng cố bơi ngược dòng, Tô mệt phờ râu, lóp ngóp bò lên nằm thở dốc trên một cái bè, sậy khô tự nhiên kết thành. Chân tay rã rời, nhưng thú vị kinh khủng. Hình như con sông giống một người đàn bà nồng nhiệt mà Tô thì vừa yêu con sông đó..."
Lan đỏ mặt, mắng khẽ anh:
"Anh Tô nói bậy rồi…! Anh mê đàn bà, à mê sông đến mất trí kia à?"
Ông Hạ cau mặt, hơi bất mãn trước lối nói sống sượng của Tô. Bà Hạ mỉm cười khoan dung, còn Di ánh mắt nóng nảy, vẻ chăm chú kích thích lộ rõ trên khuôn mặt trắng và gầy. Tô quên bẵng mọi người, say sưa trong kỷ niệm.
"Vào những lúc khó quên ấy. Tô hình như không còn phải là Tô nữa. Tô quên hết cảnh vật hoang tàn quanh mình, quên cả những nỗi buồn phiền thắc mắc và dĩ nhiên quên luôn cả Việt Minh có thể lẩn quẩn đâu đây, rình mò, đe doạ. Đầu óc Tô rỗng tuếch. Tô chỉ cảm thấy nắng ấm trùm lên thân hình trần truồng của Tô. Ngực Tô phập phồng, cổ nghẹn ngào vì mệt, vì khoái cảm. Ngực Tô còn mang mấy vết thương rớm máu, con sông hình như vừa cào lên đây. Đôi khi Tô thiếp đi trong vài phút, hàng giờ. Sao biết được! Có hôm Tô nằm gối đầu lên tay, ngắm một đàn chim trắng, cổ dài bay lướt theo gió thành một vòng tròn và lên cao dần, cao dần, cho đến khi biến mất. Nhờ đàn chim Tô mới cảm thấy chiều sâu thăm thẳm của bầu trời thấm vào từng thớ thịt. Tô thật chẳng còn muốn gì hơn nữa: Con sông cuồn cuộn nồng nàn, trời xâu thăm thẳm và cánh đồng im lặng dầy đặc những cây sậy mảnh mai, chen chúc nhau thay thế cho những tư tưởng ý nghĩ của Tô, và nắng ấm. Tất cả những cái đó thừa sức thay thế cho tâm hồn, trí não Tô... Nếu được như vậy mãi mãi, Tô không cần nghĩ ngợi suy tưởng làm gì..."
Tô ngừng một chút, đôi mắt nhìn đăm đăm trước mắt như muốn đẩy lui xa tít, bốn bức tường chật hẹp vây khép gia đình này. Lan khe khẽ nhắc anh:
"Anh Tô! Tỉnh mộng đi chứ anh!"
Tô mỉm cười, hơi ngượng nghịu – một sự lạ – hình như hắn hổ thẹn vì đã thổ lộ quá nhiều chuyện về mình. Hắn thở ra một hơi dài, lẩm bẩm:
"Tỉnh mộng? Nhưng đây đâu có phải là một giấc mộng. Nhưng mộng hay thực, đổi những giây phút đó lấy bất cứ cái gì anh cũng không đổi..."
Di nhận xét:
"Tóm lại, anh chỉ sung sướng khi anh có một mình!"
"Không hẳn như vậy. Cũng tại con sông ấy, vào buổi chiều khi các bạn anh đã bơi tắm xong ra về. Còn lại mỗi những anh, chân tay ôm chặt một chiếc cột trơ trọi giữa dòng – vết tích của một nhịp cầu còn lại ở phía bên kia, nổi bật đen thẩm trên nền cánh đồng sậy hoang vu bên kia sông và tự nhiên anh cảm thấy sợ hãi, e dè. Trái hẳn với buổi trưa cảnh vật hoà với anh là một, vào lúc đó cảnh vật hình như lại đè nén anh, bóp anh nghẹt thở. Và anh chợt thấy rõ...tình cảnh hiện tại của anh nó tuyệt vọng, không lối thoát đến nhường nào. Ngày mai, anh sẽ phải làm gì để gán cho cuộc sống một ý nghĩa? Bất cứ một ý nghĩa nào, dầu nhỏ bé tầm thường nhất... Anh vội vã mặc quần áo và như muốn trốn chạy một cái gì, trốn cho nhanh. Về gần đến chỗ bọn anh ở, nghe tiếng các bạn anh cười nói, tiếng đành hát ông ổng của thằng Thắng, anh vui mừng chẳng khác một đứa trẻ vừa lạc đường. Giây phút ấy đừng nói đến chuyện tiếp xúc với mấy thằng bạn mà anh có cảm tình một phần nào, dù phải gặp những người kinh tởm bần tiện nhất như lão phó trưởng đoàn hay tụi công an, anh thấy vẫn còn hơn phải cô độc. Anh thật yếu ớt và có thể nói là hèn nhát, không thể tha thứ được!"
Tô nhìn Di, thẳng thắn hỏi:
"Anh làm Di ngạc nhiên phải không? Thường khi anh đâu phải hạng người sợ bất cứ cái gì. Đừng hiểu nhầm anh!"
Di cười gượng gạo.
"Em không ngạc nhiên và cũng không hiểu lầm anh chút nào. Em chỉ thấy, anh cũng chẳng hơn gì em. Có vậy thôi!"
Tô ngạc nhiên.
"Hơn Di?"Tô nhún vai. "Lạ thật! Nhiều khi Di có những ý nghĩ kỳ khôi, anh không ngờ tới. Anh không bao giờ lưu ý đến vấn đề ai hơn ai, nhất là giữa anh và Di."
Lan hích mẹ một cái ra hiệu can thiệp, đoạn chen vào:
"Ê! Ê! Hai ông gàn... Cấm cãi nhau nữa đấy nhé! Me mắng cho mà nghe."
Tiện dịp, ông Hạ cũng tiếp luôn, lôi các con trai trở về thực tại:
"Thôi! Nói chuyện thế đã nhiều rồi. Để cho thằng Tô nghỉ ngơi chứ! À! Thế nào, con đã lĩnh lương chưa?"
Tô lẳng lặng móc ví lấy tiền, nhưng hắn không trao cho bố, lại đưa cho mẹ và nói giản dị:
"Của me! 6.000 đồng tiền hai tháng lương con mới lãnh. À! Me nhớ trưa mai làm một bữa bún chả. Thật nhiều bún và thật nhiều chả. Con có mời Thắng lại dùng cơm trưa với gia đình mình."
Bà Hạ liếc nhìn chồng rất nhanh, đỡ lấy sấp giấy bạc, tay hơi run và giọng cảm động:
"Con làm lụng vất vả trong mấy tháng trời mà chỉ được từng này tiền. Chính phỉ bất công quá!"
Tô mủm mỉm cười:
"Thằng Thắng nó cũng than phiền từa tựa Me. Nó bảo: 'Mẹ nó! Lĩnh hai tháng lương chỉ đủ tao đi nhảy hai ba bữa là hết nhẵn.'"
Bà Hạ kêu lên:
"Thằng bạn con nó điên à! Tiêu gì mà dữ vậy?"
"Có gì lạ, Thắng con nhà giàu, lại là con một."
Lan tò mò:
"Con nhà giàu còn đi Quân thứ Lưu động làm gì?"
"Hắn thích thế!"
"Kỳ khôi, anh Thắng là người thế nào hở anh Tô? Gàn bằng anh hay hơn?"
"Mai Lan gặp sẽ biết! À! Tô quên bẵng mất. Hai hàng áo lụa Tô hứa mua cho me và Lan, ngày mai Thắng sẽ mang đến."
"Hàng vải anh mua cho me và em lại do bạn anh mang tới. Sao trái cựa vậy?"
"Hắn nợ tiền anh. Hắn có bà chị họ mở cửa hàng vải..."