Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2020

Văn học miền Nam 54-75 (kỳ 564): Duy Lam (5)

CÁI LƯỚI

5.

Lan dịu dàng:

"Tội nghiệp anh! Chắc anh buồn lắm!"

Thắng cười khô khan:

"Cám ơn Lan! Đàn bà lúc nào cũng thương hại được. Tài thật! Bon! Từ đó, anh sống như một người mang một cái bướu vô hình, trên lưng, đè nặng... Ăn chơi, nhảy nhót, tiêu tiền, rượu cũng không thể loại bỏ cảm tưởng mang cái bướu đó khỏi đời anh. Vì thế, tất cả, đều khiến anh bực bội: Tình yêu của anh, của đàn bà; sự giàu có, không thể tránh được của gia đình anh. Có một dạo, anh tự nhiên xấu hổ về sự giàu có của me anh. Thật kỳ khôi! Anh thấy xấu hổ khi anh phung phí những món tiền lớn không do chính anh kiếm ra. Nhưng, dần dần, anh khám phá ra. Không! Anh chấp nhận những cái khó chịu đó của đời anh: Tình yêu và giàu có. Comme cà! Tuy nhiên cái bướu vẫn còn! Cho đến khi anh gặp Tô, cùng sống trong hành động như Tô, đột nhiên anh trở lại thành một người đàn ông nhẹ nhõm, tự do hơn... Lan! Anh yêu em!"

Giọng Thắng nao nức, cuồng nhiệt, vụt ra như một mũi tên. Im lặng bao trùm lên phòng ngoài rất lâu.

Ở nhà trong ông Hạ đã bắt đầu buồn ngủ, mí mắt nặng dần. Thắng ra về vì phải, vì ông thấp thoáng nghe thấy tiếng hắn nói:

"Anh về!"

"Không! Anh đừng về vội!"

Tiếng ghế xô đẩy, tiếng Lan thở dài và rồi hai đứa thì thầm. Ông nửa thức nửa ngủ, gọi Lan:

"Lan! Đi ngủ, nhớ đóng cửa kĩ càng đấy!"

Tiếng cửa ngoài đóng lại. Đèn nhà ngoài vụt tắt. Im lặng.

Không biết bao nhiêu lâu sau, bà Hạ cựa mình nói lảm nhảm, khiến ông tỉnh giấc. Ông quài tay đập đập vào vai vợ. Hình như có tiếng cửa ngoài mở lạch cạch. Lan thì thầm. Lan nói chuyện với ai? Nói một mình? Ông cũng không rõ, vì giấc ngủ vụt đến, chiếm ngự lấy ông.

Thắng quay trở về đoàn Quân thứ đã được gần nửa tháng. Tâm tính Lan trong khoảng thời gian này, thay đổi khá bất ngờ, khiến cả ông lẫn bà Hạ ngạc nhiên. Rõ ràng, Lan đã trút bỏ xác cô con gái để biến thành một người đàn bà, nồng nàn và khó hiểu. Nhiều khi Lan ngồi ngẩn ra hàng giờ, cậy răng cũng không nói lấy một tiếng; nhiều khi lại cười nói ồn ào một cách quá đáng: Má hồng lên, mắt sáng quắc, thân hình căng thẳng, không chịu ngồi yên một chỗ. Hình như nguồn yêu đương tràn ngập trong người Lan, bắt buộc nàng phải tung ra khắp mọi phía, hướng vào tất cả mọi người chung quanh. Bà Hạ kêu lên:

"Cái con quỷ này! Điên đấy à? Ngồi yên nào, làm me chóng cả mặt!"

Lan trả lời bằng một chuỗi cười ròn rã:

"Me đuổi con phải không? Con đi thăm anh Di đây!"

"Hôm nay thứ tư, ai cho Lan vào thăm!"

"Thế thì con viết thư cho anh ấy vậy!"

Nếu không sửa soạn các món quà được để mang vào cho Di, nếu không viết thư cho Di, Lan cắm cúi viết – cứ hai ba ngày một lần, rất đều đặn – thư cho Thắng, Tô: Mặc dầu Thắng Tô không viết qua về nhà lấy một lá thư ngắn ngủi. Bà Hạ tò mò hỏi:

"Lan viết gì mà lắm thế? Các anh ấy đâu trả lời."

Lan khoát tay, tỏ vẻ bất cần, đáp:

"Con biết các anh thích nhận thư, đọc thư con là con viết. Đâu cần được trả lời."

Những dòng chữ to, nét cứng rắn đàn ông, của Lan, tiếp nhau phủ kín trang giấy này sang trang giấy khác. Ông bà Hạ chịu không hiểu nổi, Lan tìm đâu ra nhiều chuyện viết đến thế. Viết xong, Lan phải đi bỏ thư ngay, không thể chờ lấy một phút.

Lan cũng năng săn sóc ông bà Hạ. Nếu buổi chiều đi làm về, ông ngồi xem sách hoặc nghỉ ngơi một mình, Lan cũng mang truyện ngoại quốc đến ngồi ở bàn bên cạnh, đọc và chốc chốc lại quấy rầy, hỏi một chữ khó, hay nhờ ông giảng một đoạn khó hiểu.

Nhà vắng hai đứa con trai, được nghe tiếng Lan nói liến thoắng, cười, và nhìn khuôn mặt linh động nở nang của Lan, cũng là một nguồn an ủi cho ông bà Hạ.

Lan vừa háo hức, lại vừa e ngại, mong chóng đến ngày toà xử Di, và ngày Di trở về khung cảnh gia đình. Trong những buổi được vào thăm Di, hai anh em cùng chỉ trao đổi dăm ba câu ngắn ngủi. Đôi khi Lan lo ngại hỏi vô tội:

"Me! Con sợ anh Di sau khi nằm trong tù ra sẽ thay đổi nhiều đúng thế không me?"

"Sao lại thay đổi chóng thế được!"

"Biết đâu đấy! Anh Di sống chung đụng toàn với những người tù ghê gớm cả."

"Thay đổi hay không, anh Di vẫn là anh con kia mà!"

"Nhưng con vẫn ngại! Để con viết thư giục anh Tô cố về vài hôm trước khi anh Di mãn hạn!"

Ông Hạ mắng Lan:

"Đừng vớ vẩn! Toà xử nặng hay nhẹ thì ăn nhập gì đến chuyện anh mày về."

Lan không trả lời bố, quay sang van nài mẹ:

"Mẹ bằng lòng mẹ nhé! Có anh Tô, con yên tâm hơn."

Vĩ cho biết vụ của Di và mấy đứa bạn Di, chưa biết sẽ mang xử vào ngày nào. Đây là một vụ liên quan đến chính trị.

Dạo này Vĩ càng năng đến thăm Lan. Đối với hắn, Lan bớt gay gắt và cũng không lãnh đạm kiêu hãnh như trước kia. Lan bắt đầu thương hại anh chàng luật sư si tình. Lan nhận những bó hoa, hộp kẹo bánh, một vài món đồ trang sức nho nhỏ của Vĩ, không lộ vẻ khó chịu và cũng không thân mật hơn trong cử chỉ, lời nói. Lan cũng kiên nhẫn ngồi nghe những câu chuyện tâm sự của Vĩ, thỉnh thoảng hỏi dăm ba câu ngắn, hoặc điểm những nụ cười thương hại mà Vĩ sẵn lòng tin đó là những nụ cười khuyến khích.

Những câu chuyện Vĩ kể về gia đình và đời hắn, Lan thường mang thuật lại cho mẹ nghe vào buổi tối.

Trong ngày, chỉ vào những lúc trước khi ngủ, mái tóc đã ắt đầu điểm bạc kề bên mái tóc đen mượt của cô gái yêu, bà Hạ mới vui vẻ một chút, lắng nghe những lời tỉ tê và những câu hỏi ngộ nghĩ quái ác của Lan.

Vĩ là con trai độc nhất của gia đình giàu có. Thày Vĩ là một nhà doanh thương khôn khéo, có tăm tiếng trong giới thương mại của thành phố. Vĩ nhớn lên trong một thế giới toàn đàn bà: Bảy bà chị lớn trên Vĩ, bốn bà vợ của thày Vĩ, Vĩ là con bà vợ thứ tư. Ngay từ bé Vĩ đã được chăm sóc, chiều chuộng rất mực. Nhưng từ khi bắt đầu lớn và hiểu biết, Vĩ không cảm thấy sung sướng. Thảm cảnh gia đình đè nặng lên Vĩ, khiến Vĩ ngạt thở. Thày Vĩ, sau khi bà vợ trẻ thứ tư sinh hạ Vĩ, ông không còn lưu tâm đến bất cứ chuyện gì, "ngoài bộ bàn đèn thuốc phiện – và dĩ nhiên cũng thờ ơ cả bổn phận làm chồng đối với các bà vợ.

Cái gì phải xảy đến đã xảy đến: Me Vĩ dan díu với một con rể, chồng người chị thứ hai của Vĩ. Người con rể vô nghề nghiệp, không nuôi nổi vợ, nên đành phải sống bám vào sự giàu có của gia đình nhà vợ. Khi câu chuyện loạn luân này bị khám phá – nhờ sự dò xét và theo rõi của người vú già trung thành, bế ẵm Vĩ – mẹ Vĩ bỏ nhà đi biệt tích, cùng với tình nhân. Những biến chuyển dồn dập này đã khiến Vĩ ngơ ngác, đầu óc mụ đi trong một khoảng thời gian. Thày Vĩ nằm hút liên miên suốt ngày trong phòng riêng, không tiếp khách, và cũng không cho phép bất cứ ai trong gia đình được giáp mặt ông. Vĩ vẫn được các chị săn sóc, không hề thiếu thốn về phương diện vật chất và tiện nghi. Tuy nhiên Vĩ mơ màng cảm thấy giữa mọi người và hắn, một sự thay đổi lớn lao đã xảy đến: Hắn trở thành cái đích cho sự thương hại của tất cả mọi người. Bản tính đa cảm, Vĩ không dám có một hành động hay lời nói phản kháng ngay cả những khi mấy người đày tớ hay các bà chị bàn tán rè bỉu người mẹ sinh ra Vĩ, Vĩ cũng chỉ cúi đầu, ngồi im như một bức tượng, không dám thở mạnh và cũng không đủ can đảm đứng dậy bỏ đi.

Vĩ sống lủi thủi và lạc lõng đang cái thế giới toàn đàn bà ấy, đầy dãy sự thù hằn, tranh chấp quyền lợi nhỏ nhen giữa mấy bà vợ và những người chị cùng cha khác mẹ. Sau khi mẹ Vĩ bỏ đi, Vĩ cảm thấy lúc nào cũng bị ám ảnh bởi một mặc cảm phạm tội: Một cái tội không do hắn gây ra mà tự nhiên hắn phải gánh chịu, thay cho một người vắng mặt.

Vĩ cũng không phải là một đứa trẻ có thể sống cô độc với những đau khổ của mình. Hắn e ngại những câu nói châm biếm của mọi người, nhưng lúc nào cũng quấn lấy mọi người, hướng cặp mắt cầu xin được yêu vào mọi người. Thà nhận những tình cảm thương hại của bất cứ ai, còn hơn sống lẻ loi.

Đến mộ hôm Vĩ sực nhớ đến thày Vĩ, một người đàn ông khác sống cùng dưới một mái nhà. Trước kia, Vĩ luôn luôn được thày Vĩ gọi vào phòng cho ngồi cạnh bàn đèn, xem ông thoăn thoắt tiêm thuốc hay nằm mơ màng ngâm mấy câu thơ Tàu cổ. Từ dạo mẹ Vĩ bỏ đi, không hiểu sao thày Vĩ đóng chặt cửa phòng, không thò đầu ra ngoài, và cũng không sai người gọi đến Vĩ. Tuy nhớ bố, Vĩ cũng phải thầm sợ giáp mặt ông, vì theo lời các chị và chính chị cả thày Vĩ, Vĩ giống mẹ như hệt. Thày Vĩ ghét mẹ Vĩ, biết đâu trông thấy Vĩ cũng ghét luôn Vĩ. Vĩ e ngại nét mặt Vĩ gợi trong tâm hồn ông hình ảnh đáng khinh về người vợ phụ bạc.

Cho đến một buổi chiều, trời chạng vạng, Vĩ đang ngồi thù lù ăn một chiếc bánh ở góc chiếc vườn nhỏ, trồng toàn những loại hoa quý, hắn nhìn thấy thày hắn, hay tay chắp sau lưng, đầu hơi cúi, thơ thẩn dạo chơi trên lối đi trải sỏi. Vĩ ngừng ăn, chăm chú theo rõi những cử động chậm rãi trầm tĩnh của bố. Thấy bố tiến về phía hắn, cổ họng Vĩ thắt lại, nửa mong muốn, nửa e ngại ông khám phá ra sự có mặt của hắn. Thày Vĩ đi qua trước mặt Vĩ; trong vườn tối, chắc ông cũng nhầm tưởng Vĩ chỉ là một lùm cây vô tri giác. Không biết một sức mạnh vô hình nào đã thúc Vĩ bật đứng dậy, đến sau lưng kéo áo bố gọi, “Thày! Thày!" Thày Vĩ dừng bước, hơi cúi đầu xuống, bàn tay ông khẽ đặt lên tóc Vĩ, soa soa và lần xuống, lướt trên má, mũi và cặp mắt đầm nước của Vĩ. Vĩ nghe thấy bố thở dài. Một lúc sau ông nhẹ nhàng hỏi:

"Vĩ đấy ư con! Sao tối rồi con còn ngồi đây làm chi? Tội nghiệp thằng bé!"

Vĩ oà khóc, vì xúc động và sung sướng. Thày Vĩ đã nhận ra Vĩ và không quên Vĩ.

Thày Vĩ dắt Vĩ trở về phòng ông và chiều hôm ấy trở đi, ông sai người nhà kê một chiếc giường nhỏ và cho phép Vĩ được ngủ cùng phòng với ông. Suốt ngày Vĩ quanh quẩn bên bàn đèn, hoặc chơi những trò chơi lẵng lẽ cần ít cử động trên sàn nhà trải thảm. Thày Vĩ rất ít nói, Vĩ cũng không phải là một đứa trẻ liến thoắng và chỉ khi thày Vĩ hỏi câu gì Vĩ mới trả lời. Có khi cả ngày hai cha con không nói với nhau một câu. Điều đó đối với Vĩ không quan trọng, hắn chỉ cần được sống cạnh bố, không đòi hỏi gì hơn.

Đó là thời kỳ sung sướng nhất trong thời thơ ấu của Vĩ, tuy nhiên quá ngắn ngủi, vì khoảng gần một năm, thày Vĩ qua đời, ông chết vì bệnh tim.

Buổi tối hôm ông chết, Vĩ là người độc nhất có mặt cạnh ông. Đương tiêm thuốc hút, tự nhiên thày Vĩ ôm ngực rên lên một tiếng nhẹ, bỏ rơi chiếc tẩu xuống giường. Vĩ đang lúi húi chơi bi một mình dưới sàn, ngửng đầu lên, nhưng thấy ông nhắm mắt, hắn lại tưởng ông ngủ. Một lúc sau, Vĩ ngừng chơi, nghe ngóng. Sự im lặng o phòng có một cái gì khác thường rờn rợn. Vĩ đứng dậy lại gần bố lay khe khẽ vai ông, gọi:

"Thày! Thày dậy hút đi chứ! Đèn lụi bấc rồi đây này."

Không thấy ông cục cựa, bất giác Vĩ rụt tay về. Da thịt ông lạnh ngắt và mặt xanh như tàu lá. Vĩ kêu lên một tiếng ngắn, ngã khuỵu xuống sàn và ngất đi.

Tuy yêu bố, sau đám tang, Vĩ không dám ngủ trong phòng thày Vĩ nữa. Hắn cũng không bao giờ dám bén mảng đến căn phòng, trong đó hắn đã sống những phút giây êm đềm nhất trong đời. Vĩ ốm một trận thập tử nhất sinh trong mấy tháng trời. Vì mê sảng và suốt ngày gọi tên thày. Hình như mẹ Vĩ biết tin con ốm, có tìm đến thăm, nhưng không ai chịu cho bà bước chân qua ngưỡng cửa.

Vĩ được hưởng một phần gia tài thày hắn để lại. Cho đến tuổi thành niên, hắn sống với bà cả, người thủ hộ của hắn trước luật pháp. Bà cả đam mê cờ bạc, đồng bóng và sau khi vung phí hết phần gia tài của riêng mình, dần dần ăn lấn sang phần gia tài của Vĩ. Khi Vĩ đến tuổi thành niên, Vĩ đặt tay ký giấy bán nhà, bán ruộng hắn được thừa hưởng, để “mẹ"(bà cả) có vốn buôn bán “nuôi"hắn ăn học thành tài. Vĩ không thể và cũng không dám chối từ, nhất là bà cả khéo léo dùng những lời nói ngọt như đường đánh vào tâm hồn đa cảm của Vĩ.

Cũng nhờ bà cả mối manh vận động. Vĩ lấy được vợ giàu khi hắn thi đỗ lên lớp năm thứ hai trường luật.

Vĩ ra ở riêng. Vợ hắn giàu, nên Vĩ yên tâm tiếp tục học hành không phải lo kiếm sống. Tuy nhiên, vừa thoát khỏi sự lợi dụng thâm độc của bà cả, Vĩ lại rơi vào vòng kiểm soát và chi phối của một người vợ nhiều tham vọng. Vợ Vĩ thuộc một dòng họ giầu nhưng không một ai đỗ đạt cao. Vợ Vĩ thúc đẩy chồng học hành. Vĩ đã làm thoả mãn sự ham danh của vợ, Vĩ đỗ cử nhân luật, không trượt năm nào.

Cũng theo lời vợ xúi giục, hắn nộp đơn ở toà án kiện “bà cả"đã bán hết phần lớn gia tài của hắn, tiêu phí vào những công chuyện riêng, không chịu trao cho hắn lấy một xu. Hắn đã được kiện. Phải bồi thường cho Vĩ một số tiền lớn, bà cả khánh kiệt gia sản, sống nghèo khổ bệ rạc. Đã có lần, bà ta nhịn nhục, liều tìm đến Vĩ ở văn phòng, van xin tha thứ và yêu cầu Vĩ giúp đỡ ít tiền. Thực ra Vĩ không hề thù oán bà cả. Trước những giọt nước mắt cá sấu của “mẹ”, hắn mềm lòng rất chóng. Hắn thú thật, hắn muốn giúp lắm nhưng trong túi không có lấy một xu. Bao nhiêu tiền kiếm được đều giao cho vợ hết. Bất mãn vì thấy công mình là công cốc, bà cả trở mặt chửi mắng Vĩ một trận thậm tệ, trước mặt nhiều người dưới quyền Vĩ, và bỏ đi. Vĩ không hề giận, hắn nhận phần lỗi về hắn. Hắn “thành thật"tiếc không có tiền giúp bà cả.

Không biết ai đem câu chuyện đó nói đến tai vợ Vĩ, Vĩ lại bị vợ mắng cho một trận “là luật sư không thạo luật pháp mà đành chịu để một con 'nặc nô' mạ lỵ công khai. Sao không tống cổ 'nó' ra cửa, hay gọi đội xếp can thiệp bắt đi." Một lần nữa Vĩ lại phải xin lỗi vợ vì tội hắn đã tỏ ra quá nhu nhược, để mặc kẻ khác động chạm đến danh dự của hắn và vợ hắn,

Vợ Vĩ chỉ là con một phú thương, nhưng lại rất xinh đẹp. Tuy nhiên nếu hỏi Vĩ vợ hắn đẹp hay xấu, hắn ngớ ra không biết trả lời ra sao. Hắn không nhìn vợ hắn với con mắt của một người đàn ông yêu đương. Hắn chỉ biết vợ hắn là một người đàn bà khôn ngoan, rất “đáng kính”, thế thôi.

Lan tình cờ đã có lần gặp vợ Vĩ ở văn phòng Vĩ. Vợ Vĩ thuộc hạn đàn bà đẹp như một bức tượng, da trắng xanh, môi mỏng và hồng, mắt sắc lạnh lẽo, dáng điệu đài các, dáng đi kiểu cách và không nhìn đến bất cứ ai ở chung quanh. Cảm tưởng của Lan sau khi gặp vợ Vĩ? Lan chỉ nói gọn lỏn: “Bà ấy đẹp và lạnh như đá. Tội nghiệp anh Vĩ.”

Cuộc đời Vĩ là như vậy cho đến khi hắn gặp Lan.

Trước sắc đẹp quyến rũ và nồng nàn của Lan, Vĩ chắc cũng cảm thấy e ngại kính nể, như hắn đã từng kính nể e ngại những người đàn bà trước đây có một ảnh hưởng mạnh mẽ đến hắn. Nhưng thêm vào tình cảm kính nể đàn bà cố hữu đó, Vĩ “yêu"Lan: một tình yêu thờ phụng đối với một thần tượng. Tuy yêu Lan, thoạt đầu Vĩ cũng không cảm thấy hắn phạm tội ngoại tình với vợ. Chỉ có ngoại tình khi người ta hết yêu một người này và dồn tình yêu đó sang cho một người khác mà Vĩ đâu có “yêu"vợ hắn!

Vĩ để mặc tình yêu đầy mới mẻ và kích thích, tuy một chiều, lôi cuốn hắn, thúc đẩy hắn làm những hành động quá si ngây đối với một người có địa vị và đứng tuổi như hắn. Rất đều đặn, chiều nào hắn cũng đến thăm Lan, và ôm theo một bó hoa, hoặc biếu Lan những món quà nho nhỏ, đồ trang sức, phấn sáp, kẹo bánh. Nhưng, đến thăm Lan hắn phải nói dối vợ bận nhiều việc phải làm thêm ở văn phòng; muốn có tiền mua quà biếu hắn phải giữ lại riêng cho hắn một số tiền. Dần dần mặc cảm phạm tội lừa dối vợ thành hình trong tâm hồn hắn. Bản tính yếu mềm đa cảm, hắn không thể tự kiềm chế, tìm cách xa lánh Lan. Nếu hắn mua hoa tặng Lan, hắn cũng mua hoa tặng vợ. Vợ Vĩ ngạc nhiên thấy chồng săn sóc đến mình nhiều hơn trước, biết mua quà tặng – một điều xưa nay Vĩ không hề nghĩ tới chứ đừng nói thực hiện. Tuy hài lòng, theo Thắng cho biết, vợ Vĩ chớm nghi ngờ trước sự thay đổi đột ngột của chồng.

Trước đến nay, Vĩ chỉ quan tâm một cách vừa phải đến việc biện hộ cho các thân chủ. Thực ra, hắn cũng chẳng ưa gì nghề luật sướng và cũng không màng kiếm nhiều tiền. Khi phải bênh vực cho Di, anh người hắn yêu, Vĩ tận tâm hăng hái mình cách không ngờ. Hắn cố gắng vận động tất cả những giới chức tư pháp, hắn quen biết nhờ sự giao thiệp khá rộng của vợ. Hắn chịu khó tìm gặp ông Biện lý có trách nhiệm thẩm vấn Di, nói hộ Di, chỉ còn thiếu điều van lạy ông này nữa là hết.

Về phần ông Hạ, ông bắt đầu cảm thấy lo ngại trước tấm tình yêu vô vọng của Vĩ.

Nếu vợ Vĩ, người đàn bà khôn ngoan nhiều tham vọng ấy, khám phá ra tình yêu vụng trộm của chồng, ông e gia đình ông sẽ gặp phải nhiều chuyện rắc rối.

Ông tự nhủ khi có dịp thuận tiện, ông sẽ nói chuyện thẳng với Vĩ, yêu cầu hắn giải quyết vấn đề một cách dứt khoát.

Chỉ trong vòng mấy hôm nữa, toà sẽ xử vụ Di và mấy người bạn hắn. Gia đình ông Hạ và Vĩ đều không ngờ toà xử vụ này sớm thế. Lan biết dù có viết thư, Tô cũng không về Hà Nội kịp để dự phiên toà. Tuy nhiên, nó cũng bận bịu viết những lá thư dài dằng dặc, gửi cho Thắng và Tô: Sửa soạn dọn dẹp nhà cửa, giường chiếu cho ngày Di về. Không hiểu Vĩ nói với Lan ra sao, mà Lan lại tin tưởng Di sẽ được tha bổng. Ông Hạ bi quan hơn, dự đoán Di sẽ lĩnh ít ra cũng vài năm tù.

Buổi sáng hôm toà xử, vợ chồng ông Hạ và Lan được Vĩ mang xe đến tận nhà đón. Gia đình ông ngồi chờ suốt buổi sáng nhưng toà vẫn chưa xử đến vụ Di, nên đành trở về nhà.

Buổi chiều, khoảng ba giờ mọi người trở lại toà, tiếp tục chờ đến sáu giờ hơn, toà mới xử đến vụ Di và cũng là vụ cuối cùng. Ngoài sân trời đã nhá nhem tối. Hành lang toà án vắng tanh. Trong phòng xử chỉ còn gia đình ông Hạ và những thân nhân của mấy người bạn Di. Các vị quan toà, và ngay cả đến mấy người lính gác đều lộ vẻ mệt mỏi trên nét mặt và trong dáng điệu.

Lan suốt từ sáng đến giây phút đó, luôn luôn ngồi thẳng trên ghế, một tay nắm chặt tay mẹ, một tay nóng nảy vò nát chiếc khăn tay nhỏ. Hai mẹ con hầu như không trao đổi với nhau đến một câu.

Khi toà gọi đến tên mấy người bạn Di và Di, Lan hơi nhỏm người dậy, môi mím chặt, nét mặt căng thẳng. Di theo mấy người bạn, cùng trẻ tuổi như hắn, tiến ra và đến ngồi ở hàng ghế dành cho các bị cáo. Sau mấy tháng xa cách, Di đã đổi khác hẳn đi, thân hình gầy gò, làn da xanh mướt, quầng mắt trũng xâu. Hắn có vẻ buồn và chán nản, thờ ơ với mọi sự việc quanh mình. Khuôn mặt hốc hác nhưng vẫn đẹp trai, thanh tú của Di hướng ra phía mấy rặng cây sấu ngoài sân toà. Không một lần Di quay mặt nhìn đến gia đình. Dấu hiệu nóng nảy bực bội độc nhất ở hắn là hai bàn tay xương xẩu ngón dài bấm chặt vào nhau hằn lên những vết đỏ máu tụ lại.

Sau khi thẩm vấn các bạn Di, Toà gọi đến Di, bị cáo cuối cùng. Nghe gọi đến tên mình, trong một giây ngắn ngủi, đôi mắt Di rực sáng lên: Nhưng rồi nét mặt hắn trở lại thờ ơ. Hắn mệt mỏi trả lời những câu hỏi của ông chánh án. Giọng Di hơi nhỏ, gia đình ông Hạ ngồi ở hàng ghế đầu, nghe cũng không rõ.

Qua những câu hỏi của Toà và những câu trả lời đều đều như đã được học thuộc lòng từ trước của Di, ông Hạ khấp khởi mừng thầm. Không có chứng vớ rõ rệt nào buộc tội Di. Mấy người bạn Di hình như đều cố ý gỡ tội cho Di, không hề nhận Di có dúng tay trực tiếp vào việc ném truyền đơn.

Luật sư Vĩ đứng dậy cãi cho Di. Thật không ngờ! Vĩ cãi rất hùng hồn, không lắp một chút nào. Chốc chốc hắn lại ngoảnh nhìn xuống chỗ Lan ngồi. Trông thấy mặt Lan, hắn được tiếp thêm sức, biện hộ hăng hơn. Nhưng Lan đâu có nghe lời hắn cãi. Lan còn mãi chăm chú quan sát khuôn mặt người anh thân yêu.

Khi ông Chánh án hỏi Di muốn nói gì để tự bào chữa, Di hình như không nghe thấy câu hỏi, vẫn ngồi yên, nét mặt bất động. Ông Chánh án gặng hỏi lần thứ nhì, Di miễn cưỡng lắc đầu khe khẽ, không buồn đáp. Ông Hạ nghĩ kể hắn im lặng là phải. Tự bào chữa, nhỡ Di không máu lên, không thận trọng lời nói không chừng lại hoá thành tự buộc tội.

Lúc toà đứng dậy vào phòng nghị án, bà Hạ khuôn mặt tái ngắt, ngồi lặng trên ghế hồi hộp và xúc động. Trong mấy phút chờ đợi lâu hàng thế kỷ, Di ngửng đầu lên nhìn Lan, và mẹ, trong im lặng, vì bị cáo không được phép nói chuyện.

Di được trắng án! Mấy người bạn hắn – trừ một người cũng được trắng án như Di – đều lãnh án, người ba năm, người năm năm.

Di chưa được trả tự do ngay, vì phải quay về nhà giam làm xong mấy thủ tục giấy tờ. Khi toà tuyên án, Di chậm rãi đưa mắt nhìn một lượt, ông chánh án, biện lý và mỉm một nụ cười dữ tợn, cạnh môi cong xuống. Nụ cười khó hiểu của hắn khiến ông Hạ lo ngại không đâu.

Sau khi mấy người lính đã đưa các bị cáo ra xe trở về nhà giam, Vĩ khuôn mặt nở nang hớn hở rảo bước về phía hàng ghế gia đình ông Hạ. Mặt hắn ửng đỏ, mắt hấp hay sau cặp kính. Ông bà Hạ cám ơn hắn. Hắn cảm động, lắp bắp mấy câu nhún nhường, liếc nhìn Lan và vẻ sung sướng lộ hẳn lên nét mặt, khi Lan mỉm cười khen hắn:

"Anh Vĩ cãi hay lắm! Chiều mai mời anh lại chơi và dùng cơm với chúng tôi. Phải không me? Mai nhà mình mời anh Vĩ để cảm ơn anh ấy chứ."

Ông bà Hạ đồng ý với Lan. Đây là lần đầu tiên ông bà mời Vĩ dùng cơm với gia đình.

Vĩ dẫn ông bà Hạ ra xe. Hắn đi trước, cạnh Lan. Khuôn mặt Lan rạng rỡ. Lan lơ đãng trả lời những câu hỏi của Vĩ. Một chiếc xe hơi đen tiến lại và dừng lại cách Vĩ Lan không bao xa. Người tài xế chạy vòng sang phía bên kia xe, trịnh trọng mở cửa. Một người đàn bà nhỏ nhắn khoan thai vén áo bước xuống. Tự nhiên Vĩ đứng khựng lại, như trời trồng ở giữa lối đi. Tai và gáy hắn đỏ lên. Người đàn bà không nhìn Vĩ, lạnh lẽo quan sát Lan từ đầu đến chân. Lan làm ra vẻ không lưu ý tới và không nhận ra vợ Vĩ – người đàn bà đó là vợ Vĩ – ngửng đầu cao, cầm đưa ra phía trước kiêu hãnh. Lan vẫn tiến bước, nên Vĩ bị tụt lại phía sau. Vợ Vĩ vẫn đứng yên tại chỗ không lại gần chồng và cũng không nói một câu. Vĩ lật đật đến bên vợ, vợ Vĩ hỏi chồng, giọng trong trẻo, hơi kéo dài đài các:

"Toà mới xử xong phải không mình? Muộn rồi đấy!"

"À! Vừa mới xong! Anh Di, thân chủ của anh được trắng án. Anh giới thiệu với mình... cô... cô Lan, em gái anh Di..."

Hắn gọi với Lan, giọng lạc hẳn đi:

"Xin lỗi! Cô... cô Lan!"

Lan quay người lại nhìn Vĩ, ánh mắt khinh bỉ và thương hại. Vĩ tiến đến gần Lan. Hắn đứng giữa hai người đàn bà, một tay giơ về phía vợ, thân hình hướng về phía Lan.

"Cô Lan! Xin giới thiệu... nhà tôi."

Ông bà hạ vừa tiến đến chỗ vợ chồng Vĩ. Vĩ cũng giới thiệu luôn. Vợ Vĩ hơi cúi đầu lạnh nhạt chào ông bà. Lan lại gần mẹ, ung dung nói:

"Ông Vĩ hay nhắc đến bà. Hôm nay chúng tôi mới được gặp."

Lan nhìn Vị, tiếp luôn:

"Ba me tôi có mời ông bà ngày mai lại dùng cơm chiều. Chắc ông chưa kịp chuyển lời mời tới bà."

Vợ Vĩ hơi nghiêng đầu, nhìn chồng soi mói nét mặt không hề lộ vẻ ngạc nhiên. Vĩ lúng túng chưa biết đáp sao, vợ Vĩ đã lãnh đạm trả lời, mặt hướng về phía ông bà Hạ.

"Chúng tôi rất tiếc! Cám ơn ông bà, ngày mai chúng tôi có bận chút việc nhà."

Ông Hạ thẳng thắn đáp:

"Không hề gì! Chúng tôi chỉ có ý định mời ông bà dùng cơm để cám ơn ông về việc ông đã tận tâm bênh vực cho con trai chúng tôi. Xin phép ông bà."

Ông Hạ cáo từ vợ chồng. Vĩ và cùng vợ ra về. Vĩ chạy theo lúng mời ông bà lên xe hắn. Ông Hạ gạt đi, giọng cả quyết.

Một lúc sau, gia đình ông Hạ đang đi trên bờ hè, chiếc xe của Vĩ lướt qua dưới đường. Khuôn mặt đẹp và nửa người trên của vợ Vĩ bất động như một bức tượng bằng đá. Hai vợ chồng ngồi cách xa nhau trên hàng ghế sau, không ai nói chuyện với ai. Vĩ không dám liếc ngang về phía Lan. Chỉ nhìn cái gáy ửng đỏ của Vĩ, người ta hình như cũng đã thấy mặc cảm tội lỗi của Vĩ nổi rõ lên mồn một.

Lan tủm tỉm cười nhìn theo hai vợ chồng Vĩ. Chợt nhớ ra lời mời có vẻ quá tự ý của Lan khi nãy, ông Hạ mắng con gái. Lan chỉ cười, lém lỉnh đáp:

"Ba đừng mắng con tội nghiệp! Trông thấy bà Vĩ con đã biết ngay bà ta sẽ từ chối lời mời của gia đình mình. Càng may phải không ba?"

Tuy bực mình với Lan, ông cũng vẫn phải thầm công nhận Lan nói đúng.

Di trở về với gia đình đã được một tuần lễ. Không khí gia đình ông Hạ không vì sự có mặt của một người con trai mà vui vẻ ồn ào hơn chút nào. Sau những ngày bị giam giữ Di càng ít nói hơn trước. Hắn không hề đả động đến những chuyện đã xảy đến cho hắn trong nhà tù. Bà Hạ và Lan đôi ba lần khéo léo gợi chuyện Di nhưng Di chỉ gạt đi, giọng phũ phàng: “Con xin me! Lan! Đừng hỏi!”

Bà Hạ vội lảng sang chuyện khác, còn Lan tò mò nhìn anh, ánh mắt thắc mắc.

Tuy vậy, đối với hai người đàn bà trong gia đình, thái độ Di dịu dàng và âu yếm hơn xưa. Có lẽ những ngày sống lẫn lộn với các tù nhân đủ mọi hạng người đã mở mắt hắn phần nào về giá trị tình thương yêu của đàn bà.

Lan đã có lần vặn hỏi anh:

"Hồi anh trong tù tại sao anh không chịu gặp mặt me và chỉ muốn gặp mặt em thôi? Me giận anh nhiều lắm đấy!"

Khuôn mặt Di tối sầm lại. Hắn không nổi giận, chỉ lẩm bẩm một câu nghe không rõ. Lan gặng thêm, Di trả lời ngắn ngủi:

"Vì anh không đủ can đảm nhìn mặt me vào lúc đó."

Đoạn hắn ngồi bó gối im lặng. Nghe câu trả lời bất ngờ của anh, Lan lộ vẻ hối hận và xúc động. Trong mấy ngày đầu mới về nhà, chiều nào Di cũng nhờ Lan đun cho một nồi nước sôi. Di đổ ra thau, cho một nhúm muối vào, ngâm hai cánh tay và bắp chân. Khi Di vén tay áo và ống quần lên bà Hạ và Lan mới nhìn thấy lần đầu, những vết tím và mấy vết thương bắt đầu lên da non. Bà Hạ đứng lặng người, đau với cái đau của con. Di đầu cúi, lặng lẽ nhìn chân tay mình. Nụ cười dữ tợn nhợt nhạt khiến khuôn mặt Di méo mó.

Hẳn đuổi mẹ và Lan, không cho đứng cạnh. Di lộ vẻ không bằng lòng khi bà Hạ ngồi thụp xuống trước mặt hắn, dùng hai bàn tay bóp nhẹ hai bắp chân tím bầm của con.

Sau khi mẹ và em đã lảng ra phòng ngoài thì thầm trò chuyện, Di ngồi một mình tách biệt, ngâm chân trong nước nóng, hút thuốc lá, đắm mình trong những suy tưởng thầm kín.

Tuy không nói ra miệng, Lan và mẹ đều thầm mong thời gian qua sẽ làm dịu bớt hay xoá nhoà, những ẩn ức của Di và Di sẽ trở lại đời sống bình thường.

Lan gửi một bức thư cho Tô, báo tin Di đã được tự do và đã về nhà. Mấy hôm sau gia đình ông Hạ nhận được một lá thư bảo đảm cho Tô; bên trong đựng một bưu phiếu 2.000 đồng và mấy hàng chữ, không đề cả đến ngày tháng:

Cả nhà,

Đã nhận được thư Lan. Me lĩnh bưu phiếu 2.000 đồng kèm theo đây, trả cho luật sư Vĩ. Bọn này đều mạnh khoẻ, bình yên. Đừng lo, chưa ai chết đâu! Chưa rõ ngày nào về Hà Nội.

Hết.

Trong thư tuyệt nhiên Tô không đả động gì đến Di. Nhận thư, Lan bực mình mất mấy ngày. Lan càu nhàu than phiền với me.

"Không viết thư về thì không viết hẳn đi, anh Tô ác thế thì thôi! Viết vỏn vẹn mấy dòng, xem bực cả mình. Sao không đánh giây thép có phải tiện hơn không."

Tuy bất mãn với anh, Lan cũng vẫn chịu khó viết một lá thư dài, tường trình tỉ mỉ những chuyện xảy ra trong gia đình và những nhận xét riêng của Lan về mọi người. Và cũng như thường lệ, Tô vẫn không trả lời thư em gái.

Sau những ngày xa cách, lầu đầu phải dàn mặt nhau, ông Hạ và Di không hé răng chuyện trò và người nào cũng cố ý làm ra vẻ không chú ý đến sự hiện diện của người kia. Ngày này qua ngày khác, sự im lặng giữa hai cha con tiếp tục kéo dài. Ông Hạ không thúc giục và cũng không đả động đến chuyện Di trở lại trường học. Ông chịu đựng sự có mặt của hắn như một ung nhọt vô phương cứu chữa và cũng không có cách nào cắt bỏ nổi.

Trên bề mặt, Di hình như cũng không có oán thù bố sâu xa và mãnh liệt như trước đây. Trong bữa cơm, nếu ông Hạ trách móc vợ về chuyện đã dùng 2.000 đồng Tô gửi trả tiền luật sư để trang trải một món nợ gấp, Di không bênh me, gây gổ với bố, hay đứng phắt dậy vùng vằng rời khỏi nhà, phản ứng thông thường của hắn. Trái lại, tuy vẻ mặt nóng nảy, chán ngán, Di vẫn im lặng tiếp tục ăn.

Tối đến Di cũng không hay đi chơi khuya và ngủ lang. Hắn cũng không đọc sách. Hắn chỉ ưa ngồi bó gối ngắm Lan và mẹ khâu vá dưới ánh nến lung linh. Đôi khi, hắn cũng biết cười trước những câu nói ngộ nghĩnh của em gái. Trong bữa cơm, hắn ăn ngon lành những món mẹ cặm cụi làm vì biết hắn ưa thích. Hắn lấy lại sức rất chóng, da mặt đã bớt xanh và tay chân đã có da thịt hẳn hoi, tuy nhiên vẫn húng hắng ho.

Thỉnh thoảng bà Hạ và Lan nói chuyện về Tô, Thắng. Khi bà trêu Lan, một cách kín đáo, về chuyện yêu đương giữa Lan và Thắng, trước khuôn mặt rạng rỡ, gò má ửng đỏ của em gái. Di lộ vẻ ngạc nhiên. Lan Di bắt đầu nhắc đến những cô bạn gái của Lan.

Tuy không cố ý, Lan vẫn không thể ngăn mình có một giọng của “kẻ biết nhiều chuyện”, khi cùng Di bàn đến tình yêu. Những lời lẽ say mê của Lan khiến Di suy nghĩ. Trong cặp mắt sâu dữ tợn của Di thoáng đôi ánh mơ màng, háo hức.

Đột nhiên một hôm, Di đòi Lan giới thiệu hắn với một cô bạn gái xinh xẻo, bạn cùng lớp với Lan, trước kia thỉnh thoảng đến thăm Lan tại nhà. Lan cười, thú vị đắc thắng, nhận lời.

Cuộc sống gia đình ông Hạ dần dần trở lại bình thường, nhưng cũng không kéo dài được bao lâu.

Chìu anh, Lan tìm cách giới thiệu Di một loạt mấy cô bạn học cùng lớp. Lan có rất nhiều bạn cả trai lẫn gái. Sắc đẹp Lan cuốn hút những thanh niên như ngọn đèn sáng quyến rũ côn trùng.

Sở dĩ họ, dạo này, ít dám đặt chân đến gia đình ông Hạ vì bộ mặt hầm hầm, thái độ lạnh nhạt của ông hạ đã khiến họ e dè sợ hãi. Thực ra ông không ghét riêng một người nào. Ông chỉ không chịu được sự vui vẻ khoái hoạt của người khác – trường hợp điển hình Thắng – Lan chẳng hạn. Những ánh mắt tươi trẻ, những tiếng cười ròn rã, những câu chuyện đùa bỡn, tán tỉnh nhau làm ông nóng nảy, bực tức và đôi khi thốt lên những câu khiếm nhã thô lỗ, không hiếu khách chút nào.

Hai anh em Di Lan có nhiều dấu hiệu thân với nhau hơn trước. Vào buổi chiều hai đứa hay rủ nhau dạo bước dọc theo phố ra phía bờ sông Hồng Hà. Lan nói cười luôn miệng, hỏi han ý kiến Di về cô bạn thường đi học về cùng một đường với Lan mà Di vừa gặp; Di vụng về tìm ý, diễn tả những nhận xét của hắn về đàn bà con gái, và vụng về cười trước những câu trêu cợt của em.

Di chú ý đến con gái và tình yêu thật là điều khá ngạc nhiên cho gia đình.

Mấy năm trước đây, Di cũng rất ác cảm với sự vui vẻ của người khác. Khi Tô Lan và mấy cô bạn nhỏ của Lan ríu rít trò chuyện, dự tính những cuộc đi chơi chùa Láng hay những vùng phụ cận, Di chỉ ngồi yên một chỗ, cách biệt. Dù Tô Lan tìm đủ mọi cách lôi kéo Di vào bầu không khí vui chung, hỏi Di một vài câu, rủ Di đi cùng, Di cười ngượng ngập, trả lời ngắn ngủi và rồi đứng dậy lầm lủi ra cửa đứng, hoặc đi biệt. Lan mới đầu còn chạy theo níu anh lại, thầm thì vào tai anh, nét mặt trách móc hờn giận, nhưng cũng không làm Di thay đổi thái độ. Cho đến một hôm Di hất tay em gái, giọng gay gắt: “Mặc kệ bạn em. Anh không thích vui vẻ. Anh không muốn ai có cảm tình với anh hết!”

Mới đây, Lan đã có lần thủ thỉ với mẹ:

“Me ạ! Giá con làm thế nào để anh Di yêu được một cô gái, có phải hay biết mấy. Bận tán tỉnh không chừng anh Di không còn nghĩ đến những chuyện liên can đến chính trị nữa.”

Trong gia đình, Lan là người độc nhất phần nào gần gũi với Di, nên nàng tin tưởng vào ảnh hưởng tình cảm đến anh và hi vọng kéo Di lại cuộc sống bình thường. Lan cũng không quên hồi bé hai anh em đã thân nhau đến mực nào.

Lan thuở nhỏ rất ít khi bị ông Hạ mắng. Thỉnh thoảng Lan bướng bỉnh quá lắm, nếu ông tức giận phát cho mấy cái, thời sau đó cũng phải mềm lòng trước đôi mắt to đẫm nước, khuôn mặt xinh đẹp giận dỗi của Lan và lại chiều chuộng “cô con gái rượu của ba"hơn trước. Ngay đến Di, lầm lì và khó tính là vậy mà cũng phải nể cô em gái. Mỗi khi Lan sụt sịt khóc, hay la hét giậm chân bành bạch, Di bịt tai lại và bỏ chạy thật xa. Di rất khổ sở khi phải chứng kiến những giọt nước mắt của người khác, nhất là phái nữ. Khi đã bắt đầu lớn và hơi chút hiểu biết, Di cũng có vẻ thân với em gái hơn với Tô. Tô còn mải đi chơi xa, bơi thuyền, không để tâm và cũng không mấy thú vị trong những trò chơi trẻ con, cần nhiều óc tưởng tượng hơn cử động. Di trái lại, sẵn sàng bỏ hàng giờ, nằm phục xuống đất, giảng cho Lan nghe ý nghĩa của những hình ảnh nhiều mầu trong những cuốn sách ngoại quốc. Ngay hồi đó, Lan đã tỏ ra thực tế và quả quyết hơn anh, mặc dầu nàng chỉ là con gái. Lan hay đòi hỏi Di phải làm điều này điều nọ cho bằng được. Tuy nhiên khi không đồng ý với những ý muốn rất vô lý của Lan, Di cuối cùng vẫn phải nhượng bộ chiều Lan. Di hay bị mọi người chế là “nhớn thế mà chịu thua em gái”.

Biết được chiều chuộng, nên Lan hay tìm cách bênh vực Di mỗi khi Di bị bố mắng. Có lần đang ngồi trên lòng ông Hạ; Lan tụt xuống đất dỗi với ông, vì ông la Di cứ ngồi ỳ một xó đọc sách, không chịu ra nắng chơi đùa cho thân thể cứng cáp. Di chạy đi một chỗ kín đáo để khóc và nung nấu lòng oán giận. Lan tìm Di an ủi. Di tức giận xô đẩy Lan: “Đi đi! Tao không cần cái mặt mày. Tao ghét tất cả mọi người!" đoạn chui vào một căn phòng sép chứa đồ đạc cũ, chặn cửa lại, ngồi lì trong đó suốt buổi tối. Lan bướng bỉnh không chịu bỏ đi, ngồi chờ anh ngoài cửa. Cuối cùng quá mệt, Lan thiếp ngủ nằm còng queo trên mặt đất. Đi qua trông thấy, ông Hạ bế Lan vào giường. Sáng hôm sau, Di bị thêm một trận đòn vì đã gián tiếp làm em gái bị lạnh và cảm mất mấy ngày.

Di rất ít bạn cùng lứa tuổi. Hiếm khi Di rủ các bạn học về nhà chơi đùa. Lan là người độc nhất trong gia đình chịu khó ngồi nghe Di kể những chuyện thần tiên quái đản chính Di nghĩ ra, những mộng tưởng lớn lao về tương lai hay những nhân vật cảnh tượng chỉ riêng hắn nhìn thấy nổi. Lan mở to mắt vì nghe anh thêu dệt thêm thắt tình tiết cho những câu chuyện, không chán. Di đôi khi vô tình làm Lan sợ hãi xúc động vì những câu chuyện ma quỷ hoang đường hắn kể. Nhưng Lan vẫn thán phục anh, gặp ai nàng cũng khoe anh có tài hơn người.

Có lần Lan chạy đến ôm lấy bố, nói cuống quít:

"Ba! Ba ra cứu anh Di mau lên không anh ấy chết đến nơi. Anh Di sắp nhảy trên cây liễu xuống đấy."

Ông Hạ vuốt tóc Lan vỗ về:

"Im nào! Cái thằng Di thật hư, chỉ doạ em thôi. Đừng tin nó! Có các vàng nó cũng không dám trèo lên cây cao chứ đừng nói là nhảy xuống. Nó nhát như cáy ấy."

Tuy vậy ông cũng dắt Lan ra sân. Ông ngạc nhiên. Di ngồi vắt vẻo trên một cành cây rất cao, mặt đeo những chiếc mặt nạ cho trẻ con chơi. Chắc Di tự cho nó là ma cà rồng có thể bay từ ngọn cây nầy sang ngọn cây khác. Ông hét lên mắng. Mãi sau Di mới chịu tụt xuống. Lan lon ton chạy đến gần anh, nắm lấy tay anh, láu táu:

"Lần sau anh đừng doạ em nữa nhé! Em sợ lắm."

Di hất tay Lan ra. Liếc thấy bố đang nhìn hắn chế nhạo, Di đỏ mặt giận dữ, tát luôn Lan một cái và quát lên:

"Ai khiến mày mách lẻo! Cút đi!"

Lan oà khóc, chạy lại ôm lấy chân bố. Ông Hạ lôi ngay Di vào nhà, đánh cho một trận nên thân, bắt nhịn cơm trưa.

Trong bữa cơm Lan vẫn vui vẻ như thường lệ. Mọi người bắt gặp Lan để riêng phần hoa quả tráng miệng không dùng tới. Lan định ý nhường phần cho anh. Đối với Lan, hành động đó quả thật là một hy sinh lớn lao. Trong gia đình ai còn lạ gì tính ham ăn ham uống của Lan.

Thực tế, ham hưởng thụ, nhưng khi cần Lan vẫn có thể hy sinh quyền lợi riêng, hay cả đến thân mình như sau này khi đã lớn, để giúp những người thân yêu.

Sau những ngày hoạt động chính trị, đầy những kích thích mạnh, vừa quay trở về cuộc sống êm đềm của gia đình được ít lâu, tình yêu trai gái thúc đẩy trong tâm hồn Di, lại thúc đẩy Di lao mình vào một cuộc săn đuổi tình yêu cuồng nhiệt.

Hắn yêu Thủy. Thủy là con gái một công chức cao cấp, nhà cùng một phố gia đình ông Hạ. Thủy hao hao giống một thiếu nữ Nhật: Thân hình thanh thanh mềm mại, đôi mắt đen láy, mi mắt hơi cụp xuống. Thủy nói như hát, hễ cười là giơ khăn tay lên che mấy chiếc răng khểnh. Nghe những lời nói ríu rít trẻ con của Thủy, nhiều người – nhất là Di – tưởng tâm hồn Thủy rất đa cảm mềm yếu. Nhưng Thủy rất thực tế, sắc mắc. Thủy giống một mũi kim nhọn ẩn dưới một lớp nhung mịn màng. Thoạt đầu, Thủy cũng có vẻ cảm tình với khuôn mặt đẹp trai, đôi mắt bốc lửa của Di. Sau vài lần gặp gỡ, mặc dầu với sự có mặt của Lan, Thủy cũng có vẻ hơi e ngại Di, nhưng không hiểu sao Thủy vẫn đến chơi đều đều và gặp Di.

Di rất ít nói. Hắn nghe Lan Thủy trò chuyện, nhiều hơn là dự vào câu chuyện. Hắn chỉ ngồi nhìn Thủy chăm chắm. Tia mắt sỗ sàng của Di hình như muốn ăn sống nuốt tươi thân hình tươi trẻ, bộ ngực con gái, chiếc cổ trắng muốt thanh tú của Thủy. Đôi khi cái nhìn của Di dai dẳng đến độ khiến mọi người ngồi chung quanh cảm thấy ngượng khó chịu thay cho Thủy.

Nếu Di chỉ nhìn Thủy suông thôi còn đỡ. Thỉnh thoảng hắn bật nói một câu, khen sắc đẹp của Thủy. Lời khen sống sượng quá đáng khiến tất cả đàn bà có mặt đều đỏ mặt – kể cả Lan. Quen tính anh, Lan chỉ cười xoà, hoặc cùng lắm đuổi Di ra chỗ khác. Thủy cũng ngượng nhưng đôi khi nàng liếc xéo Di, che miệng rúch rích cười, kín đáo khêu gợi và khuyến khích.

Di ăn nói vụng về thô lỗ, vì xưa nay hắn chưa hề tán tỉnh ai. Muốn thành công hắn phải ăn nói mềm mỏng, pha trò duyên dáng và khéo chiều phụ nữ, những đức tính hắn không có. Có lẽ để đánh át cái mặc cảm vụng về trước mặt phụ nữ và bù đắp phần nào cho những sở đoản của hắn, Di đành phải dùng tới một lối nói sỗ sàng khinh bạc và vô luân.

Nhờ sự can thiệp của một giáo sư quen biết vợ chồng Hạ, nên tuy gặp vài chuyện rắc rối, Di vẫn xin được phép quay trở lại trường học công lập cũ. Năm nay Di chuẩn bị thi tú tài phần I, nhưng hắn quan tâm đến chuyện yêu đương nhiều hơn là học hành.

Chiều nào Di cũng chịu khó đến đón Thủy, Lan tại cổng trường nữ học, và sau khi Thủy đã từ biệt Lan trước cửa nhà ông bà Hạ, Di còn thân hành dẫn Thủy về tận nhà. Thủy năng đến thăm Di, Lan nhiều hơn trước và đôi ba lần Thủy còn nán ở lại sau buổi học để trò chuyện riêng với Di, trong khi bà Hạ và Lan bận sửa soạn bếp nước.

Đoạn tự nhiên bẵng đi mấy hôm không thấy mặt Thủy. Di trở lại thái độ câm nín, tăm tối trước kia, tránh trò chuyện với em gái và đến tối hắn quay về với thói quen cũ, mặc quần áo, rời bỏ khung cảnh gia đình đi đâu đến khuya mới về.

Hơi lo ngại, bà Hạ hỏi Lan về Thủy và Di. Lan lắc đầu và cũng không biết gì hơn mẹ. Mọi người đã tưởng vì một hành động bạo tợn nào đó, Di đã khiến Thủy sợ hãi, đoạn tuyệt với Di: Nhưng đâu ngờ một lần nữa sự đam mê rồ dại của Di lại gây cho gia đình nhiều buồn phiền. Ba Thủy đột ngột xuất hiện ở nhà ông bà Hạ vào một buổi chiều thứ bảy, mục đích muốn gặp ông về chuyện Di.

Vừa mở cửa, khuôn mặt hầm hầm của ông khách đã khiến ông Hạ chột dạ. Ông Viết – tên ba Thủy – nói oang oang, giọng hách dịch:

"Xin lỗi! Ông là thân sinh cậu Di?"

"Vâng."

"Tôi là 'Thày' con Thủy. Tôi mong được nói chuyện riêng với ông vài phút. "

Ông Viết tiến thẳng vào nhà theo lời ông Hạ mời. Ông cúi đầu chào bà Hạ, đoạn đứng sừng sững giữa nhà, cặp mắt to hơi lồi, vằn ngang dọc những tia đỏ, nhìn lướt qua khung cảnh nghèo nàn.

Ông Hạ chưa kịp hỏi han, ông khách đã đi thẳng vào vấn đề, chăm chắm nhìn vào mặt ông.

"Tôi có việc khẩn cấp phải đi ngay, nên vắn tắt chỉ có mấy lời. Tôi không ưa đe doạ bất cứ ai. Tôi yêu cầu ông cấm hẳn 'cậu' Di, từ nay không còn được theo đuổi tán tỉnh con gái tôi. Nó còn vị thành niên! Tôi là người có chức vị! Tôi sẽ bảo vệ danh tiếng gia đình bằng bất cứ cách nào. Nếu trong tương lai, cậu Di tiếp tục có những hành động bậy bạ, xâm phạm đến tiết hạnh con Thủy, tôi bắt buộc phải nhờ đến pháp luật can thiệp. Chắc ông bà hiểu tôi?"

Mặt ông Hạ nóng bừng. Ông Viết tưởng ông là ai? Thái độ khinh miệt, giọng nói của người trên với kẻ dưới của ông Viết khiến ông bất mãn. Ông cố kìm giữ để giọng nói vẫn bình tĩnh.

""Xin lỗi ông! Dĩ nhiên, tôi có bổn phận ngăn cấm con trai tôi không cho làm bất cứ chuyện bậy bạ nào. Nhưng có điều khiến tôi thắc mắc. Chẳng hay những chuyện bậy bạ ông kết tội Di là những chuyện gì vậy? Có chính ông chứng kiến vụ 'xâm phạm tiết hạnh' đó không? Hay ông chỉ cứ đoán vô căn cứ?"

Mặt ông Viết đỏ lên, quai hàm bạnh ra. Ông nhìn ông Hạ một giây như muốn đánh giá bản lĩnh người đối thoại. Ông dằn giọng:

"Nếu không có chứng cớ tôi đến đây làm chi!"

Ông rút trong túi ra một tập thư dầy, quẳng lên bàn. Ông Hạ cầm tập thư lên liếc xem qua. Toàn là thư Di viết cho Thủy. Ông Hạ thản nhiên hất hàm, giọng mỉa mai:

"Thưa ông chỉ có vậy thôi sao? Trai gái thời nay trao đổi thư từ có gì là lạ!"

Ông Viết trừng mắt cười gằn:

"Tôi đâu có ngu đến nỗi chỉ dựa vào mấy lá thư vớ vẩn này mà đã đưa con trai ông ra toà. Ông nên biết, những hành động của con trai ông mà chính mắt tôi chứng kiến – ông nghe rõ chưa? Không toà án nào không kết tội nặng. Ngay buổi trưa nay, tạt qua nhà con gái tôi chạy ra níu lấy tôi, mặt mũi nhớn nhớn tóc sõa sợi và một bên tay áo tả tơi. Ai là người dám xâm phạm đến con gái tôi? Con trai ông chứ ai! Tôi đây này! Tôi là bố nó mà xưa nay con không nỡ nặng lời chứ đừng nói đánh đập nó. C’est un brute! Trông thấy con ông đứng trong phòng riêng con gái tôi, tôi lộn ruột, nắm cổ tống luôn ra cửa. Cậu ấy không chịu nhận mình có lỗi lại còn dám gạt tay tôi ra, cãi bướng 'Ông không có quyền đụng chạm vào tôi! Ông không cần xô đẩy, tôi đi ngay bây giờ đây!' A ha! Tại sao tôi không có quyền tống cậu ấy ra cửa? Nhà là nhà tôi, con gái là con gái tôi. Thế mà còn dám mở miệng lý sự. Hấp! Một cái bạt tai! Chưa hết chuyện."

Lưỡi ông líu lại vì giận. Chợt khuôn mặt ông tái ngắt, cặp môi dầy run rẩy. Ông ôm lấy ngực. Bà Hạ vội bảo Lan, đã lên nhà trên khi nghe thấy mọi người to tiếng:

"Lan! Chạy lấy cốc nước nóng! Mau lên! Ông! Xin ông bình tĩnh..."

Ông Viết ngồi phịch xuống chiếc ghế ông Hạ vừa đẩy về phía ông, thở hổn hển, uống một hơi hết cốc nước. Một lúc sau ông mới hoàn hồn, mặt hồng hào trở lại. Trước những ánh mắt dò hỏi của vợ chồng ông Hạ, ông gượng gạo hỏi:

"À! Quả tim! Tôi hơi bị yếu tim. Không sao! Không sao!"

Ông rút khăn tay lau trán, dáng điệu nóng nảy, mệt mỏi, đoạn hỏi ông bà Hạ:

"Bây giờ ông bà đã rõ đầu đuôi câu chuyện, ông bà tính sao? Tôi cũng xin nhắc ông bà, tôi đã tra hỏi con gái tôi. Nó khóc lóc, nhất định chối không yêu cậu và không hề ưng thuận để cậu Di gặp riêng nó tại nhà. Nó còn cho tôi rõ, không phải đây là lần đầu. Trước đây đã rất nhiều phen cậu Di ép buộc nó làm những chuyện tồi bại. Nó yêu cầu tôi, van nài tôi, tìm đủ mọi cách cấm cửa, tôi còn làm hơn thế nữa. Nếu cần tôi sẽ kiện, bò tù kẻ đã manh tâm..."

Chợt ông bà Hạ ngạc nhiên. Lan vừa ngửng phắt đầu lên nhìn ra phía cửa. Ông Hạ quay mặt lại. Di đứng sừng sững ở cửa vào từ lúc nào không ai hay. Ông vừa bối rối vừa oán giận. Sự xuất hiện của Di làm hỏng hết mọi chuyện. Tại sao hắn không khôn ngoan lánh mặt? Chiếc xe hơi ông Viết để ngoài cửa, hắn mê ngủ hay sao mà không nhìn thấy? Hay hắn nhìn thấy, nhưng vẫn cứ vào? Ông Hạ đã thầm lựa chọn sắp đặt những lý do sẽ nêu ra để làm ông Viết yên lòng, và cố tìm đủ mọi cách để hoãn binh, dù phải dùng tới những lời lẽ nhún nhường, mềm mỏng.

Ông trừng mắt, nghiêm khắc mắng phủ đầu:

"Di! Mày đi đâu chơi đi! Để người lớn nói chuyện."

Di lừ lừ lần lượt nhìn ông Viết, bố mẹ, tập thư trên bàn. Khuôn mặt chán chường, ánh mắt dữ tợn của hắn khiến ông Hạ ngấy đến tận cổ. Hắn định giở trò gì đây? Ông Viết cau có nhìn ông Hạ, chờ đợi những phản ứng của ông Hạ. Giọng ông Hạ gay gắt hơn:

"Mày còn đứng đây làm gì nữa? Không nghe thấy lời tao nói hả?"

Cặp mắt sâu của bà Hạ nhìn chăm chăm vào khuôn mặt thoáng một vẻ khác thường của con trai. Môi hơi run run, bà yếu ớt can thiệp:

"Thôi mình! Mình đừng vội nóng. Di con! Con hãy nghe lời ba!"

Ông Viết sấn tới, dang tay tát Di. Cái tát quá mạnh và bất ngờ, Di tránh không kịp. Mấy vết ngón tay hằn đỏ trên má Di. Ông Hạ sửng người. Di đi quá xa. Mạ lỵ một người có quyền thế như ông Viết thật là một sự dại dột không thể tha thứ được. Ông phải bình tĩnh lại, bỏ qua tất cả những lời lẽ xúc phạm tới chỗ sâu xa nhất của con người, can thiệp ngay để kéo Di ra khỏi tình trạng nghiêm trọng này.

Di lặng lẽ đưa tay lên xoa má. Đôi mắt hắn dữ tợn đến nỗi ông Viết đang hùng hổ vậy mà bất giác cũng phải lùi lại một bước.

Giọng Di cất lên lạnh lẽo, hăm doạ:

"Này! Ông hãy dóng tai lên nghe tôi! Vào khoảng nửa đêm, mỗi tối thứ năm, một người gầy mặc quần áo thợ thuyền, má có một vết sẹo, lẩn vào nhà ông. Để làm ông, ông thử nói tôi nghe?"

Mặt ông Viết đang đỏ, vụt tái ngắt. Mắt ông trợn trừng, mồm há ra. Tấm thân phì nộn của ông lảo đảo, không đứng vững. Vợ chồng ông Hạ sửng sốt liếc nhìn nhau. Tại sao vừa nghe một câu doạ nạt bóng gió của Di, ông Viết đã lộ vẻ kinh hãi đến như vậy.

Di đưa tay áo lên quệt mấy giọt máu rỉ ra một bên mép. Hắn nhìn vết máu đỏ nổi bật trên vải trắng một giây, môi mím lại. Cặp mắt hắn tràn ngập một vẻ kinh tởm, khó tả. Hắn nhìn cặp má phì phị, cặp môi dầy tái ngắt, cái cổ núng nính mỡ của ông Viết, đoạn lẩm bẩm như tự nói với mình:

"Đừng lo! Không ai thèm hạ mình tố cáo cái hạng ròi bọ, thối nát này đâu mà sợ. Bỏ tù à, còn quá nhẹ! Một ngày kia, rất gần, người ta sẽ..."

Di đưa tay lên cổ hắn, làm một cử chỉ cắt cổ nhanh và gọn. Bà Hạ, Lan rùng mình.

Ông Viết buông người rơi xuống chiếc ghế gần ông nhất, lắp bắp:

"Thế... thế ra chúng mày... cùng một bọn...."

"Bây giờ ông mới biết hả? Càng tốt! Tôi khuyên ông chớ có dại tìm cách hãm hại bọn tôi. Hiện nay bọn tôi còn cần đến ông nên tạm thời ông sẽ sống yên ổn ít lâu."

Đột nhiên Lan lên tiếng:

"Không! Anh Di! Anh đừng nói giọng như vậy. Em xin anh! Em không dám tin anh lại có thể... "

Di quay sang nhìn em. Đôi mắt đỏ ngầu của nó hình như nhìn suốt qua người Lan, không hễ nhận ra Lan. Giọng nó bực tức:

"Ai dám ngăn tôi? Không ai có thể ngăn tôi được hết! Không ai cấm nổi tôi giết cái lão..."

Lan cắt ngang, giọng tha thiết:

"Kìa anh! Anh không nhận ra em à? Em đây mà, Lan đây, đang nói với anh, đâu có phải những người anh thù ghét. Anh…!"

Khuôn mặt đương căng thẳng của Di chợt dịu lại. Hắn đứng bất động , suy nghĩ, đầu hơi cúi. Đoạn hắn từ từ ngửng đầu lên, nhìn mẹ và Lan, môi mỉm một nụ cười nhợt nhạt, cay đắng. Hắn như vừa tỉnh một cơn ác mộng.

Sau đấy, hắn lục trong ngăn kéo bàn học, lôi ra một tập thư, lẳng lặng trao cho ông Viết: Tập thư Thủy viết cho hắn, buộc một chiếc nơ hồng nhạt.

Hắn bảo ông Viết, giọng hơi sẵng, thoáng mệt mỏi:

"Ông về đi! Tôi không muốn trông thấy mặt ông nữa."

Trước dáng điệu băn khoăn của ông, hắn bực bội:

"Con gái ông còn nguyên vẹn mà! Ông đừng lo! Mà làm sao có chuyện xảy ra nổi cơ chứ! Ông nói đúng! Thủy không yêu tôi! Chứng cớ? Thủy đã đuổi tôi khỏi nhà. Ông còn muốn gì nữa?"

Tuy chưa có vẻ tin hẳn vào những lời cam quyết của Di, ông Viết cũng đành đứng dậy ra về.

Ông Viết về rồi, Di ngồi lầm lì ở bàn hắn, mắt nhìn chăm chăm vào bức tường trước mặt, môi mím lại, câm nín.

Hắn rời khỏi nhà, chiều cũng không về ăn cơm. Trong bữa cơm không ai nhắc đến Di. Tuy nhiên tất cả mọi người đều thầm nghĩ đến hắn. Riêng ông Hạ, vẫn bực bội, cay đắng khi nhớ lại những lời Di nói với ông hồi chiều. Hắn thật bất công và nhẫn tâm. Nhưng ông không thể chối cãi, đến một phạm vi nào, hắn có lý.

Khoảng hơn mười một giờ đêm, Di mới trở về nhà. Ông bà Hạ đi ngủ. Lan đang cắm cúi viết thư, nghe tiếng cửa lạch cạch, ngửng đầu lên.

Di hỏi ngay:

"Me ngủ rồi à?"

Di chỉ hỏi đến me. Tiếng Lan:

"Rồi anh ạ! Anh ăn cơm chưa? Em có phần cơm cho anh."

Di không đáp, kiểng chân nhìn lên mấy nóc tủ, tìm tòi.

"Lan tìm hộ cái va ly nâu."

"Anh đi đâu bây giờ mà cần tới va ly?"

Di bực mình:

"Tôi yêu cầu cô im ngay đi cho tôi nhờ! Va ly! Va ly! ...Để sắp quần áo, để cút đi cho khuất mắt!"

Một phút trôi qua.

Bất chợt Di bật hỏi:

"Tại sao cô nhìn tôi như thế kia? Trông tôi buồn cười lắm hả?"

Lan đáp, vẫn dịu dàng:

"Không những buồn cười mà còn lố bịch là khác!"

Di xấn tới gần Lan, nắm lấy cổ tay Lan lay lay. Lan kêu nho nhỏ đau đớn:

"Anh Di! Anh làm em đau! Sái cả cổ tay đây này."

Di hừ một tiếng. Lan tiếp, giọng bướng bỉnh:

"Nhưng, để em nói cho anh rõ: Em không sợ anh đâu đấy! Nào, bây giờ anh trả lời rõ ràng cho em: Anh đi đâu?"

"Đi đâu hả? Đi ngủ với một người đàn bà!"

Di tưởng hắn có thể làm em câm miệng, nếu hắn ăn nói thật sống sượng. Lan đâu chịu thua.

"Sao anh xoàng thế? Anh chỉ tìm được mỗi cách ấy thôi à: Ngủ với một người đàn bà! A, em hiểu rồi, bị một người đàn bà cự tuyệt đuổi ra khỏi phòng, anh đi ngủ với một người khác, ngay tức khắc, để chứng tỏ anh cóc cần chứ gì!"

"Sao cô tinh thế! Cùng là đàn bà cả có khác. Ừ! Đúng thế đấy! Tôi coi đàn bà như nhau hết!"

Im lặng, Di lại hỏi:

"Cô không tin tôi phải không? Tôi biết cô không tin tôi..."

Lan chậm rãi:

"Nếu anh không đưa thư Thủy và cả thư anh viết cho em đọc, chắc em sẽ tin anh."

Tức giận, điên dại khiến giọng Di run rẩy:

"Cô làm tôi buồn nôn! Phải! Tôi đã lầm... Tôi đã lầm một cách khốn khổ, ngu dại. Tại sao tôi lại yêu Thủy đến thế! Thật nhục nhã! Cô nói đúng lắm, cô khôn ngoan lắm! Cô cứ xỉ vả, khinh bỉ tôi đi! Ai cũng có lý cả, trừ tôi!"

Lan mắng khẽ anh:

"Khe khẽ chứ anh. Anh trẻ con tệ!"

Có tiếng chân ghế cọ mạnh trên sàn gạch, Di vừa buông người ngồi xuống. Lan nhẹ nhàng hỏi anh. Lan hình như cố ý gợi chuyện Di về tình yêu giữa Di và Thủy.

"Em nghĩ rằng sở dĩ trưa nay Thủy xua đuổi anh là vì anh làm Thủy sợ hết hồn. Chuyện! Anh dữ chết đi thế này! Em biết hễ anh mà đòi cái gì, ai không làm anh vừa lòng thời phải biết."

Tuy trách móc anh, giọng Lan vẫn phảng phất một vẻ âu yếm, rộng lượng.

Di cay đắng:

"Một khi đã yêu nhau tại sao lại sợ: yêu là phải cho bằng hết! Anh có tiếc Thủy cái gì đâu? Thủy vừa nói Thủy thích mặc những hàng lụa mềm mại, anh đã mua tặng ngay Thủy mấy hàng áo; Thủy thích của ngọt, thích hoa Glaieul, anh đâu có quên mua mỗi khi đến thăm Thủy. Anh! Trước đây chế giễu và ghét thậm tệ những kẻ hễ tán tỉnh đàn bà là phải bận tâm đến những chi tiết vật chất đó!"

Lan dụt dè hỏi:

"Anh lấy tiền đâu ra nhiều vậy?"

"Tiền? Ồ! Thiếu gì! Đằng nào cũng là tiền sẽ chui vào túi ông Viết. Bớt đi một chút, đâu ăn thua gì."

"Em không hiểu, ông Viết dính dáng..."

"Có gì mà em không hiểu. Cái lão béo bội phản ấy, chuyên môn buôn hàng lậu, giao dịch với cả ngoài khu. Đời nào hắn dám kiện anh. Anh biết nhiều chuyện có thể khiến hắn mất chức dễ như bỡn."

"Anh yêu Thủy, anh mua quà cho Thủy. Nhưng em thấy nó thế nào ấy, tiền đó dầu sao đâu phải của anh."

Di xô ghế, đứng dậy, đi đi lại lại.

"Anh xin em đừng nói nữa! Em làm anh điên lên bây giờ đây! Mấy thằng bạn anh xỉ vả anh cũng đã nhiều, nay lại đến lượt em."

Lan im lặng.

"Mà em có biết tại sao những thằng bạn anh, chính em, làm anh điên lên không hả? Anh điên không phải vì anh hối hận thắc mắc đã làm một điều xấu, thiếu đàng hoàng về mặt tiền nong. Anh không hề hối hận kiểu đó, em hiểu chưa? Anh cáu vì thấy mọi người hẹp hòi, bất công và vô lý! Anh hoạt động đắc lực, anh đã vào tù ngồi, rồi đây anh còn có thể bị bắt đánh đập tra tấn nhiều lần nữa. Tại sao người ta lại để tâm, trách móc anh? Thế người ta nói năng ra sao trước những vết thương tích chưa hoàn toàn lên da non này trên da thịt anh? Hả? Anh liều mình không hối tiếc, không e ngại, người ta cũng không kể đến hay sao? Không! Đối với anh tiêu lạm một món tiền nhỏ 'không thể' là xấu xa, đó là cái quyền của anh!"

"Nhiều người bạn anh, cũng hoạt động như anh, họ đâu đòi cái quyền đó?"

Di cười khô khan:

"Sao biết được là không! Không chừng chúng còn tệ hơn anh là khác, Chúng chỉ tài hơn anh ở chỗ khéo biết che đậy, không lộ liễu như anh mà thôi."

Giọng Lan thoáng vẻ cứng rắn:

"Em chỉ hỏi anh vậy thôi, em không có ý trách móc anh. Nhưng, em không hiểu tại sao anh lại tốn tiền tặng quà cho một cô gái như Thủy? Riêng ý em, em thấy Thủy không đáng được nhận và cũng không đáng được anh yêu say mê đến thế. Em cứ nghĩ rằng, trong lúc me đang lo rạc người đi vì nợ, trong khi em không có lấy một chiếc áo lành lặn, anh lại tặng quà Thủy. Nói thế, tức là em ghen với Thủy phải không anh? Anh để em nói nốt đã, đừng ngắt lời. Có chứ, em có ghen, phần nào thôi, vì nghĩ đến me. Nhưng thực ra, ghen thì ít, mà bực bội với anh thì nhiều. Em buồn, vì em không hiểu anh. Không hiểu tại sao anh có những hành động thật mâu thuẫn. Anh thường bảo anh yêu me, yêu em, sở dĩ anh chưa rời gia đình cũng vì không nỡ bỏ rơi me trong cảnh khổ. Vậy mà, vừa yêu một người đàn bà khác, anh đã..."

Di cắt ngang, tàn nhẫn:

"Em đang kể công với anh phải không? Nếu anh biết me và em yêu anh, 'ban phát' cho anh ít tình cảm, mà đòi anh trả công như vậy, chắc hồi ngồi tù, anh đã không cho bất cứ ai gặp anh hết! Anh đâu có ngửa tay xin mọi người yêu anh. Mà, một lần cuối cùng anh muốn nói trắng ra một điều, để mọi sự đều rõ ràng. Anh yêu cầu em nghe cho kĩ! Mọi người yêu anh thì cứ việc yêu, nhưng đừng bao giờ "anh xin em – tưởng nhầm rằng yêu anh như thế tức là anh đã automatiquement lệ thuộc vào mọi người. Yêu anh là một chuyện còn anh lệ thuộc vào mọi người lại là một chuyện khác hẳn."

Giọng Di vụt đau khổ, tuyệt vọng:

"Em không hiểu, cảm thấy mình lệ thuộc vào những người mình yêu nó kinh tởm đến mức nào."

Hai anh em cùng yên lặng. Lan, giọng xúc động:

"Anh đã nói như vậy, em cũng chịu anh luôn. Anh thật kỳ lạ! Ai lại nghĩ yêu, lệ thuộc vào mọi người là kinh tởm. Em thời trái hẳn lại. Em yêu me, em yêu các anh, em cảm thấy tự hào là khác."

Di cay đắng:

"Hừ! Đã lệ thuộc còn tự hào vào chỗ chó nào được!"

Lan cúi đầu, nói nho nhỏ:

"Anh làm em sợ! Cứ tưởng tượng từ nay trở đi, mỗi khi em săn sóc anh, tỏ ra quyến luyến âu yếm anh, em lại 'biết' sau đó anh sẽ khổ sở, kinh tởm những tình cảm yêu thương nẩy nở trong tâm hồn anh, em biết cư xử làm sao cho phải bây giờ? Mà tại sao anh lại rắc rối đến thế cơ chứ! Tại sao anh lại nói những chuyện đó cho em nghe làm chi? Để mặc mọi người yêu anh có được không? Anh đi đi! Anh điên rồi..."

Lan thút thít khóc. Di lẳng lặng tiếp tục xếp quần áo vào va ly.

Một lúc sau, tiếng Di lại cất lên:

"Hừ! Bây giờ mọi người đâm ra sợ tôi. Tôi đã hoá thành một con quỷ hay sao? Thật mỉa mai, có phải tôi làm mọi người sợ vì tôi lạnh lùng, trơ trơ không tình cảm, inhumain? Không! Mà vì tôi yêu mọi người quá mạnh mẽ. Sao? Tôi méo mó, tôi không bình thường chỉ vì khi tôi yêu, tôi quên hết và đâm đầu làm những chuyện rồ dại. A, hoá ra mọi người xua đuổi kinh hãi tôi là vì vậy phải không?"

Ngừng một chút, Di lại tiếp tục, nghẹn ngào:

"Kỳ thật, Thủy cũng nói y hệt vậy: 'Anh đi đi! Thủy không muốn thấy mặt anh nữa. Thủy sợ lắm'. Không ai bảo ai, mọi người đều đứng cả về một phe. Còn mỗi mình tôi lẻ loi. Ha! Đúng ra, chính mọi người mới ác và tàn nhẫn đối với tôi. Cô Lan! Cô là đàn bà, cô khoe khoang với tôi cô đã biết thế nào yêu say mê. Bây giờ cô thử giải thích tôi nghe thái độ của Thủy đối với tôi là thế nào?

Tại sao, từ lúc đầu, nếu biết không theo kịp với sự say mê cuồng nhiệt, đòi hỏi đến điều của tôi, Thủy lại không tỏ ra lãnh đạm xua đuổi tôi như một con chó? Ngay từ lúc đầu! Nếu vậy, tôi sẽ hiểu và bỏ đi ngay. Tôi cũng biết tự ái chứ? Nhưng không, Thủy không làm như vậy. Thủy chỉ muốn đùa rỡn với tình yêu của tôi. Thủy kích thích tôi, chơi cái trò 'nếu nó gần ta, ta xa nó; nếu nó xa ta, ta gần lại'. Nếu tôi thổ lộ ước mong được hôn vào làn sa trắng mịn ở gáy Thủy trong một bức thư, hôm sau tôi đến Thủy mặc áo mỏng hở cổ ra tiếp tôi. Biết tôi hằng tha thiết được ngắm, được ngồi trong căn phòng con gái của Thủy, Thủy nhất định từ chối không cho tôi bước chân qua ngưỡng cửa. Tôi đòi được hôn lên môi Thủy, Thủy đẩy tôi ra, nhưng để an ủi tôi, thỉnh thoảng Thủy cho tôi cầm tay..."

Lan lẩm bẩm một mình:

"Cái con ranh thật ác!"

Di gay gắt:

"Cô nói gì? Cô cho tôi là quỷnh là ngố phải không và tôi chỉ là một trò chơi trong tay đàn bà? Cô đâu có biết, Thủy đâu có biết, mỗi khi đụng vào da thịt Thủy, người tôi đã run rẩy, phát sốt, phát rét. Chắc cô tự hỏi tại sao tôi lại không đè nén những ham muốn mê đắm của tôi xuống? Bởi vì tôi không thể quên hồi trong tù, sau mỗi lần bị tra tấn, chân tay còn đau buốt, không hiểu sao tôi lại thấy hiện rõ ra trước mắt – tưởng như có thể sờ thấy nắm được – thân hình óng ả mềm mại của một thiếu nữ. Tôi cố gắng xua đuổi ám ảnh dai dẳng đó. Tôi xỉ vả tôi 'Đâu phải lúc mơ tưởng đến đàn bà, tình yêu? Mày hãy mở mắt ra! Hãy để thân thể mày quặn đau vì những vết tra tấn chứ không phải say đắm trong những khoái cảm do sự tưởng tượng đến yêu đương gây ra.' Nhưng tất cả đều vô ích! ...Và tôi nằm co quắp trên sàn lạnh ngắt của nhà tù, cô độc với lòng ham muốn của chính mình – lòng ham muốn mà tôi tự biết không cách nào thoả mãn nổi... Vì vậy sao bắt tôi ngồi im, ngoan ngoãn trong khi ngay trong tầm tay tôi có một người con gái tôi yêu như Thủy..."

Lan thốt lên một câu:

"Bây giờ em mới hiểu tại sao đàn ông các anh lại có thể tàn bạo và dữ tợn đến như vậy. Nhưng, nếu chúng em không theo kịp các anh thời đâu phải lỗi ở chúng em."

"Dù lỗi không phải ở các cô, mọi sự đối với tôi vẫn không thay đổi. Vì tôi vẫn phải cứ sống, cứ ham muốn. Tôi biết hướng lòng ham muốn mê say của tôi vào đâu? Vào khoảng không à? Vô lý! Trong tù, mỗi khi phải đối diện với những khuôn mặt bỉ ổi của mấy thằng công an Tây lai, tim tôi thắt lại như bị ai bóp mạnh. Tôi tự bảo, 'Tao trông thấy cái mặt nhày nhụa của mày! Tao sẽ giết chết chúng mày! Một ngày kia tao sẽ giết mày cũng chắc chắn như khi được tự do, tao sẽ tìm cho bằng được người con gái tao sẽ yêu, chiếm người đó hoàn toàn!' Nhưng cái đó có thật chứ! Lòng oán hận của tôi hiển nhiên có đối tượng hẳn hoi, tại sao tình yêu của tôi lại không thể hướng được vào một ai? Cô không làm tôi ngã lòng được đâu. Không có Thủy, sẽ có một người khác."

Lan im lặng không cãi anh. Di đóng mạnh nắp va ly bước thẳng ra phía cửa.

Lan ngập ngừng hỏi với:

"Anh Di! Anh không để lại cho em địa chỉ của nơi anh sẽ ở hay sao?"

"Sao cô không nói thẳng ra cô muốn biết người đàn bà tôi sẽ sống cùng là ai. Ngân là một nữ giáo viên. Ngân yêu tôi và lúc nào cũng sẵn sàng sống chung với tôi. Ngân có nghề nghiệp, Ngân sẽ nuôi tôi. Cô biết thế đã đủ chưa?"

"Anh vẫn chưa cho em biết địa chỉ."

"Khỏi phải biết! Cô cứ nói với me, thỉnh thoảng tôi sẽ về qua nhà. Cô yên tâm, nếu Thắng và cô lấy nhau tôi sẽ có mặt trong đám cưới mà. Ấy là ví dụ hắn sẽ hỏi cô làm vợ."

Giọng Lan thoáng vẻ giận dữ:

"Anh đi đi! Đi luôn đi, đừng về nữa."

Tiếng cửa ngoài đóng mạnh. Im lặng trở lại.

Khoảng nửa tiếng sau, đèn nhà ngoài vẫn chưa tắt, ông Hạ nhỏm dậy ra xem Lan tại sao chưa đi ngủ. Ông thấy Lan đang ngồi ở bàn, lúi húi viết. Lan không ngửng đầu lên. Ông đằng hắng, Lan vẫn không ngừng tay. Tự nhiên ông cảm thấy cần phải nói với con gái một câu, bất cứ câu gì.

"Lan à! Ba... con tìm cho ba mấy viên thuốc aspirinne."

Lan lẳng lặng đứng dậy, đến gần bàn cạnh bố, mở ngăn kéo lục lọi. Gò má Lan hơi hồng, cặp mắt đỏ hoe. Ông lại hỏi:

"Dạo này con có nhận được tin tức gì về anh Tô không?"

Lan lắc đầu nhè nhẹ.

"Thế còn Thắng? Bao giờ Thắng về Hà Nội?"

Lan nhìn ông Hạ đăm đăm. Không hiểu sao ông trở nên ngượng ngập thoáng bực bội trước ánh mắt Lan.

Ông vội vã quay vào phòng ngủ, quên bẵng cả chuyện vừa nhờ Lan tìm hộ mấy viên thuốc.

Sau hôm gia đình ông Hạ tình cờ gặp vợ Vĩ ở Toà Án, bẵng đi gần nửa tháng không thấy Vĩ đến thăm Lan. Mọi người đã tưởng dù yêu Lan, Vĩ chắc đã không có đủ can đảm hành động trái ý vợ.

Nhưng ông bà Hạ, và nhất là Lan ngạc nhiên thấy Vĩ lại xuất hiện, vẫn không quên mang bó hoa tặng cố hữu. Tuy nhiên những buổi đến thăm của Vĩ không còn được đều đặn như trước.

Di vừa rời khỏi gia đình được mấy ngày, thời Tô về.

Tô về đột ngột, không một lá thư báo trước. Chiều hôm ấy trời u ám, khí hậu khô gây gấy lạnh. Ông bà Hạ và Lan đều có mặt ở phòng khách, Lan đang lơ đãng tháo một chiếc áo len cũ của Tô.

Tiếng cửa ra vào mở. Mọi người đều ngửng đầu. Lan bật đứng dậy reo lên:

"Anh Tô! Anh Tô về!"

Người xuất hiện trong khung cửa đúng là Tô. Đầu để trần, Tô cũng mặc bộ đồng phục tương tự Thắng hôm nào. Hắn mang một chiếc ba lô trên vai, một chiếc khác xách tay.

Bà Hạ thò hai chân xuống đất, khuôn mặt rạng rỡ, tiếng nói run run:

"Kìa Tô! Con tôi! Trời ơi, me mừng quá! Mong con hàng ngày."

Lan chân không kịp xỏ vào dép, tay vẫn cầm chiếc ao len đang tháo dở, chạy vội đến gần anh, thoăn thoắt như một con hoẵng nhỏ. Lan rướn người, kiễng chân, chạm khẽ khuôn mặt ửng hồng vào khuôn mặt xương xương của anh.

Lan, một tay níu lấy vai anh, một tay đỡ hộ anh một chiếc ba lô, miệng hỏi tíu tít:

"Anh! Anh tệ thật! Chỉ thích làm mọi người ngạc nhiên là không ai bằng..."Mắt Lan long lanh sáng, và cả đến chiếc tai nhỏ trắng của Lan cũng hồng lên. "Thế anh Thắng đâu hả anh? Hai anh chắc cùng về chứ? Anh có mệt không? Chà! Dạo này anh hơi gầy."

Thái độ Tô hơi khác thường. Hắn đứng dậy lặng lẽ và ngay khi thân hình tươi trẻ của em gái áp vào người, hắn cũng không làm một cử động nhỏ kéo em lại gần, một tay hắn buông lỏng, một tay vẫn nắm chặt quai chiếc ba lô.

Tô nhìn em chăm chắm, như đo lường, cân nhắc một cái gì. Những nét trên khuôn mặt bất động, cứng và sắc tựa một bức tường, chỉ cặp mắt long lanh của hắn là sống, giống hai con vật nhỏ ẩn sâu dưới cặp lông mày dậm.

Lan hơi ngạc nhiên, lay lay vai anh:

"Anh vào hẳn nhà đi chứ! Sao đứng ngẩn ra nhìn em hoài thế kia?"

Đột nhiên Tô bật gọi “Lan!” Không hiểu sao tự nhiên Lan rùng mình, trước lời gọi tên mình rất thường của anh. Lan nhìn theo cánh tay anh giơ lên, đặt trên vai mình, những ngón dài và gầy bấm sâu vào da thịt. Tô buông một câu:

"Thắng chết rồi! Việt Minh tấn công, bắn chết."

Ông Hạ giật mình thảng thốt. Bà đưa tay ôm lấy ngực. Bất giác, hai ông bà đều hướng tia mắt vào khuôn mặt Lan.

Lan lặng người, tay chân đờ đẫn, chiếc ba lô và áo len rơi xuống mặt đất. Cặp mắt Lan mở to, ngây dại như một đứa trẻ trước một nỗi kinh hoàng quá lớn. Hai anh em Tô Lan nhìn nhau.

Đôi môi Lan mấp máy:

"Anh Thắng... anh Thắng chết rồi! Chết!"

Đột nhiên Lan loạng choạng như người vừa bị một vật nặng đập mạnh vào đầu. Lan bắt đầu run rẩy, mặt tái ngắt. Nàng đưa hai tay lên ấp lên hai bên vai, cố giữ cho thân hình bớt run. Nhưng tuyệt nhiên Lan không rên rỉ hay kêu than. Lan đứng đấy, chẳng khác nào một con chim non dưới cơn mưa.

Một phút trôi qua dài như một thế kỷ. Lan đã hết run, đôi môi trắng bệch mím chặt, mắt ráo hoảnh.

Lan cúi đầu, nhìn xuống ba lô dưới chân, rồi ngửng lên nhìn anh. Tô gật đầu.

Lan rứt khỏi sự níu giữ của anh, lầm lủi xách ba lô của Thắng đi thẳng vào nhà trong, không nhìn ai.

Tô nhìn theo em. Vai Lan lệch sang một bên dưới sức nặng của chiếc ba lô. Cánh tay Tô vẫn giữ nguyên trong tư thế giơ cao, những ngón tay từ từ quắp lại, nằm vào trong khoảng không.

Tô quay về phía bố mẹ. Sau khi báo tin cho em gái về cái chết của Thắng, những nét cứng nhắc căng thẳng trên khuôn mặt Tô trùng lại. Chỉ có sự đau khổ của một người thân mới có thể in hằn trên mặt Tô những nét rõ rệt, còn trước đến nay sự đau đớn của riêng Tô bao giờ cũng nấp dưới một chiếc mặt nạ đóng kín, bí ẩn. Hình như, khi bị bó buộc mang sự đau đớn của người khác trong người, Tô phần nào không còn là nó nữa.

Tự nhiên vợ chồng ông Hạ cảm thấy e dè, xa lạ trước đứa con trai. Ông bà không nhận ra Tô, ngày nào về nhà nghỉ phép đầy sinh lực và háo hức trước đời sống.

Mãi cho đến lúc Tô mỉm cười dịu dàng – nụ cười quen thuộc – lặng lẽ nhìn khuôn mặt hốc hác âu yếm của mẹ, nói giản dị: “Me!”. Vợ chồng ông mới thở ra nhẹ cả người! Tô đã về gia đình.

Tô lại gần mẹ, quay lưng lại.

"Me đỡ hộ con chiếc ba lô."

Bà Hạ nước mắt rưng rưng nửa vui nửa buồn. Bà giúp Tô tháo quai chiếc ba lô, đặt nhẹ một bàn tay lên làn da rám nắng của chiếc gáy dài và gầy của con.

"Con tôi dạo này gầy quá!"

Tô nhún vai rất nhẹ, trả lời:

"Nhưng con hãy còn sống mà!"

Bà rùng mình,

"Con đừng nói thế! Trông con đứng đây... cạnh me... mà me vẫn còn sợ. Nhỡ con mệnh hệ nào..."

Tô quài một tay qua vai, nắm lấy bàn tay của mẹ. Hắn lơ đãng lẩm bẩm:

"À phải! Đâu phải chuyện dễ dàng gì cho những người còn sống."

Bà Hạ nghiêng đầu hỏi:

"Con nói gì đấy Tô?"

"Không! Di đâu me?"

Vợ chồng ông Hạ không ai trả lời câu hỏi của Tô, không phải lúc!

Tô kéo một chiếc ghế, ngồi xuống trước mặt bố mẹ. Hắn vấn thuốc lá, châm hút, và cũng không buồn thay bộ quần áo bám đầy bụi đường. Hắn ngồi trầm ngâm, hai tay khoanh trước ngực, cặp chân dài ruỗi thẳng. Sự im lặng cố ý của Tô thật khó hiểu. Hắn ngồi đấy mà hình như không ngồi một mình. Hình bóng của cái chết nhiều khi gần gũi hơn người ta tưởng.

Ông Hạ đằng hắng, hỏi Tô:

"Việt Minh tấn công đoàn con hôm nào, sao không thấy báo đăng? Ngoài Thắng ra còn có nhiều người bị thương hay bị giết không?"

Những câu trả lời của Tô ngắn và gọn, không chút ngập ngừng. Hắn hình như chỉ muốn thuật lại người sự việc đã xảy ra, một lần, để rồi không bao giờ phải nhắc lại.

"Cách đây ba hôm, Việt Minh tấn công đoàn vào ban đêm. Khá nhiều binh sĩ Bảo Chính đoàn bị giết và bắt đi. Tiếng súng vừa nổ, Thắng nhỏm dậy chạy về phía bộ chỉ huy đóng gần đấy. Chắc hắn vớ lấy vũ khí của người lính nào bị thương, nên khi bọn này lôi được hắn về: tay Thắng còn nắm chặt khẩu súng. Đạn phá vỡ lồng ngực Thắng. Mất quá nhiều máu. Gần sáng Thắng mới chết."

Đó là tất cả những điều Tô cho ông bà Hạ biết về Thắng. Tuy nhiên, ẩn dưới một sự miêu tả giản dị – hình như từng chữ từng câu đã được Tô chọn lựa, cân nhắc từ trước – Ý nghĩa khủng khiếp của cơn hấp hối dài, và cái chết của Thắng, vẫn khiến vợ chồng ông ớn lạnh cả người.

Tô cố gắng ghìm giữ những lời diễn tả trong một cái khung cứng ngắc. Có lẽ hắn sợ hãi trước cái chết, nhưng hắn lại có ý nghĩ khác dấu vết của bản chất hắn trên tình cảm sợ hãi tự nhiên đó.

Sau khi Tô đã ngừng nói, một bầu không khí im lặng bao trùm lên mọi người. Không bảo nhau, vợ chồng ông Hạ đều lắng tai nghe ngóng. Không một tiếng động từ phòng trong vọng ra. Lan đang làm gì trong đó với những đồ vật mới đây Thắng dùng tới hàng ngày.

Bà Hạ đứng dậy, định vào với Lan. Đoán được ý mẹ, Tô lắc đầu liền mấy cái. Bà do dự một chút, đoạn ngồi xuống, vẻ mặt thương xót.

Hai bàn tay chắp lại trước ngực, bà ngập ngừng hỏi:

"Tô! Con đã báo tin? Mẹ Thắng đã biết anh Thắng chết?"

Tô hơi nhướng một bên lông mày, mấy vết răn thấp thoáng trên vừng trán.

"Vâng! Chính con sẽ mang tin đó báo cho mẹ Thắng."

Tô chậm rãi đứng dậy, đầu hơi cúi.

"Con về ngay bây giờ. Con lại qua nhà Thắng."

Tô đã ra gần đến cửa, bà Hạ gọi với:

"Con vừa về đến nhà chưa kịp nghỉ ngơi. Để đến tối hãy đi."

Tô chưa kịp trả lời thời tiếng Lan vẳng lên sau lưng ông bà Hạ.

"Anh Tô! Anh cho em cùng đi."

Lan, mặt nhợt nhạt, những lọn tóc đen sõa xuống hai bên mặt, càng khiến cặp mắt thêm to, sâu thẳm, Chân tay Lan không run dáng điệu cũng không nóng nảy, nhưng nhìn Lan người ta vẫn cảm thấy khó có thể tưởng tượng hình ảnh sự tuyệt vọng lại có thể khác thế được. Lan vịn một tay vào khung cửa, tay kia xách chiếc ba lô.

Tô hỏi em, giọng thoáng mệt mỏi:

"Đi cùng với anh? Tại sao mới được chứ? Có ích gì đâu?"

Chiếc cằm nhỏ của Lan đưa ta phía trước – một dáng bướng bỉnh quen thuộc.

"Em muốn gặp mẹ anh Thắng... lúc này hơn bao giờ. Anh không ưng, một hôm khác em sẽ gặp riêng, cũng vậy."

Tô không lưu ý đến sự đòi hỏi bướng bỉnh của em, giọng nó thoáng trách móc:

"Em không hiểu! Có phải nhìn tận mắt sự đau khổ của người khác, cái đau của mình đã dịu bớt được."

"Anh đừng nói thế! Anh hiểu lầm, em không có ý định."Lan cúi xuống nhìn chiếc ba lô như nhìn một sinh vật đang thở, sống…"Em chỉ nghĩ, chắc me anh Thắng rất mong được thấy những vật thuộc về anh Thắng."

Tô khoác tay làm một cử chỉ không rõ rệt:

"Em cứ giữ lại vài ngày. Anh sẽ trao cho mẹ Thắng sau cũng được."

Những ngón tay Lan siết chặt quai chiếc ba lô, kéo sát gần mình, nhưng Lan vẫn lắc đầu.

"Không! Em không thể... em không muốn giữ..."

"Tuỳ em! Nhưng còn một thứ thuộc về em, anh trao lại."

Tô lại gần chiếc ba lô của Tô, lấy ra một tập thư khá dầy, đưa Lan. Lan hơi ngơ ngác, đỡ lấy. Tô có vẻ xúc động. Hắn đứng yên, chờ đợi. Đồng thời vào giây phút Lan nhận ra những dòng chữ đề trên phong bì là do chính tay nàng viết, Lan – cũng như ông Hạ – lưu ý tới mấy giọt máu đã khô đen vấy lên chiếc thư ngoài cùng.

Lan đưa một tay áp vào miệng, ngăn một tiếng kêu, người lặng đi. Mọi người đã tưởng Lan sắp ngất, nhưng không, Lan chỉ dương to cặp mắt, nửa kinh hãi, nửa như bị mấy giọt máy khô hấp dẫn, làm mê muội. Miệng Lan mấp máy, hình như nàng gọi tên Thắng.

Thân hình mảnh khảnh của Tô chế ngự hẳn Lan một cái đầu. Tô lên tiếng, giọng khô khan, đứt đoạn:

"Bức thư cuối cùng em gửi, Thắng giữ trên mình... Những lá thư thuộc về em, anh không thể để lọt vào tay ai."

Lan áp tập thư vào ngực trong một dáng điệu ôm ghì, mê say. Mắt Lan từ từ nhắm lại, ngực phập phồng, người lảo đảo không vững. Hai dòng nước mắt lặng lẽ chạy dài trên má.

Tô giơ cánh tay đỡ ngang người em. Lan dựa đầu vào vai anh, bật khóc nức nở, thốt lên những lời trẻ thơ, vô nghĩa:

"Không! Em không muốn làm như vậy. Sao anh ác thế? Trao thư cho em. Không! Anh làm như vậy phải lắm. Anh Thắng chết rồi, không còn gì nữa. Tất cả những lời yêu đương... vô ích..."

Tô mỉm một nụ cười âu yếm, như chịu lỗi với em. Tay Tô vỗ nhẹ trên vai Lan. Tô cúi đầu, chạm nhẹ làn môi trên tóc em, miệng thầm thì:

"Khóc đi! Khóc cho nhiều... Chỉ còn thiếu những giọt nước mắt khóc người chết để làm người ấy chết hẳn. Phải, chỉ còn thiếu có vậy."

Lan đã ngừng khóc. Tô dìu em lại bên mẹ. Bà Hạ, nước mắt rưng rưng, đỡ Lan ngồi xuống bên mình, quàng tay ôm con, vai kề vai.

Lan ngồi, người thẳng đơ, mắt nhìn không rời tập thư đặt trên đùi. Lan như ngây như dại, không nghe không trông thấy bất cứ tiếng động hay sự vật nào chung quanh mình, trừ tập thư. Thỉnh thoảng, Lan nấc lên, vai hơi rung rung, chẳng khác một đứa trẻ vừa trải qua một cơn xúc động mạnh.

Lan cũng không hay biết Tô rời khỏi nhà vào lúc nào, mang theo chiếc ba lô của Thắng.

Tô đã đi rồi, ông Hạ ngồi bó gối cạnh hai người đàn bà. Thắng đối với ông vẫn chỉ là một người xa lạ, nhưng không hiểu sao ông thầm biết từ hôm nay trở đi, không khí gia đình ông phần nào sẽ đổi khác, vì cái chết của Thắng. Ông yêu con gái, nhưng chắc chắn ông không muốn chứng kiến nó đau khổ. Ông đã quá quen với khuôn mặt tươi mát, những tiếng cười ròn rã của Lan. Nếu con gái ông đổi thay, sầu não, ông sẽ bực bội. Tình trạng gia ông chưa đủ tối tăm bi thảm hay sao mà lại còn phải chịu đựng thêm sự ám ảnh của cái chết.

Khi người ta bắt đầu già như ông, người ta tránh nghĩ đến cái chết như tránh nghĩ đến những bệnh truyền nhiễm ghê khiếp.

Buổi tối hôm ấy kéo dài tưởng chừng vô tận. Sau khi Tô báo tin cho mẹ Thắng trở về, nhìn khuôn mặt lầm lì của hắn, vợ chồng ông Hạ thầm hiểu không nên đả động hay nhắc đến tên Thắng trong câu chuyện.

Trong bữa cơm – Lan không ăn – câu chuyện rời rạc. Tô trả lời nhát gừng những câu hỏi gượng gạo của bố mẹ về thời kỳ hoạt động vừa qua. Tô chỉ mỉm cười mỗi một lần, khi trao cho mẹ 3.000 đồng, tiền lương tháng cuối cùng. Tô hỏi qua về mấy món nợ của mẹ, những nguyên nhân khiến Di bỏ nhà ra đi. Tô cũng không quên hứa với mẹ, sẽ đi tìm Di, nói chuyện với Di và lôi Di trở về gia đình. Tính Tô như vậy, ngay trong những giây phút đen tối nhất, hắn cũng vẫn không xao lãng những vấn đề còn cần phải giải quyết. Bà Hạ, mỗi khi có mặt đứa con cả, là cảm thấy vững tâm hơn.

Bà bận bịu chân tay, sửa soạn giường chiếu, chỗ làm việc cho Tô. Bà cũng vào nhà trong ngồi cạnh Lan khoảng hơn tiếng đồng hồ. Không nghe tiếng hai mẹ con trò chuyện như thường lệ. Ông Hạ cũng vào phòng trong một hai bận, tìm một cuốn sách hay cặp kính. Lan nằm ngửa trên giường, mắt mở lớn, đuôi mắt rung rung và nhìn thẳng lên trên nhà. Tập thư Lan áp vào ngực, hai bàn tay thon và xanh đè lên trên. Bà Hạ ngồi dưới chân con gái, lặng lẽ khâu vá. Không nghe Lan thở dài và cũng không thấy Lan cử động.

Trông hai mẹ con tự nhiên ông Hạ liên tưởng đến cảnh tượng một người hấp hối trên giường bệnh. Nhưng ngay đến Tô cũng không nỡ tâm khuấy động bầu không khí nặng nề bi thảm không hợp với tâm tính Tô chút nào – đang đè nặng tâm hồn mọi người.

Xếp gọn xong sách vở giấy bút trên bàn, dáng điệu chậm chạp như tuân theo một tục lệ thầm kín, Tô ngồi xuống ghế, tay ôm lấy trán, đăm chiêu.

Ông Hạ ngạc nhiên thấy hắn lúi húi viết. Vào giây phút này, em hắn đang nằm ôm tập thư còn vấy máu một người bạn thân của hắn, Tô còn để tâm trí được vào việc viết lách kể cũng lạ. Mà Tô có thể viết được những gì?

Bà Hạ từ dưới bếp lên, bưng trên tay một tách cà phê, bốc khói nghi ngút. Khi bà đặt tách xuống trước mặt Tô, hắn ngửng đầu lên, mỉm cười – nụ cười của một đứa trẻ hài lòng vì được chiều chuộng. Chỉ khi cười với những người đàn bà hắn thương yêu, Tô mới trở lại là đứa bé xưa cũ, đứa con vợ chồng ông Hạ nuôi nấng chăm sóc cẩn thận nhất.

Tô mỉm cười hỏi mẹ:

"Me vẫn cho ít đường đấy chứ?"

Câu hỏi rất thường Tô đã hỏi mẹ, nhưng tới nay mới phát lộ phần nào bản chất sâu kín của Tô. Câu nói ngang với một lời thách thức, ngạo mạn và thật dễ yêu của Tô, hình như vượt lên trên những biến cố và không chừng cả những đau khổ của mọi người cũng như của chính Tô.

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=cai%20luoi&page=5