Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2020

Thơ Liêu Thái

Những linh hồn đói ăn

Có ai đó vừa ném ra không gian
Một thứ gì đó như lời đe dọa
Có kèm theo nhiều sinh mạng đổ xuống
Và có ăn chia với những trại hòm…


Phao cơm
Những người đàn bà thức dậy lúc 4g sáng
Những chiếc phao cơm bắt đầu khua chèo
Và tôi nhìn thấy bà
Một linh hồn đã lâu năm không biết đói
Lặng lẽ chống chiếc phao cơm cháy
Bơi quanh con nước nhỏ ngoài vườn
Nơi đàn cá thia lia đã chui vào lòng đất
Mỗi khi nắng hạn về
Và chúng ngủ im hơi lòng đất suốt mùa hè dài
Những đám mây xốp chuyện trò cùng hoa gạo
Thả lời ru đỏ au một vùng trời
Tiếng kêu của người già chống phao cơm
Đôi khi nghe oạp oạp…
*
Lũ chúng tôi có gương mặt buồn
Và đôi khi bốc đồng, nổi loạn
Chúng tôi chơi thả diều, đá bóng và bắt dế cỏ
Khi mùa đông tới, chúng tôi còn tập bơi trong con nước nhuộm phù sa
Đương nhiên con nước lũ miền Trung không nặng phù sa như miệt Tây Nam Bộ
Đôi lần tôi nằm mơ mình ngồi xe khách
Chạy từ miệt Hà Tiên về Cà Mau
Và gặp một lão già dắt ba đứa trẻ
Gương mặt chúng lấm lem nhưng bụ bẫm
Đôi mắt đứa trẻ nhất có gì đó rất thông minh
Nhưng đen lánh nỗi buồn
Xe đi băng qua vườn dừa dọc bờ biển và ghé quán ăn đường dài
Tôi nhìn thấy vẻ mặt của mấy đứa trẻ rất đói và thèm ăn
Nhưng lão già (tôi nghĩ: Hình như keo kiệt và bủn xỉn)
Không cho chúng ăn gì
Lão kèn cựa từng đồng với bà hàng nước
Buổi trưa của chúng được lấp bằng ba bịch nước mía và ba cái bánh mì trắng
Hình như chúng không thể nuốt nổi…
*
Y đã hỏi xin lão già hãy cho y được mua thức ăn cho ba đứa nhỏ
Y nghĩ rằng lão sẽ nổi khùng và quát tháo với y
Bởi với gương mặt luôn rắp tâm trả thù và dữ tợn của lão
Dự báo với y về thứ gì đó không thiện lành
Nhưng thứ y nhận được
Là câu nói lí nhí và gương mặt cúi gầm của lão
“Dạ. Cảm ơn anh!”
Những con chữ thốt ra từ miệng một lão già vốn làm y uất ức
Khiến mọi thứ trở nên trống rỗng
Có gì đó nằng nặng, khác với tức giận hay khinh bỉ hay cay cú
Đang đè nặng trong lồng ngực y
Và bốn dĩa cơm vịt quay cùng những cái miệng ăn như tia chớp
Và những gương mặt cúi gầm vừa buồn tủi vừa ăn
Khiến y không thể cầm lòng…
*
“Dạ, tui không phải là ông nội của ba đứa nhỏ
Vì chúng nó là con tui
Anh cũng đừng xưng tui bằng bác với cháu
Tui năm nay chưa đầy bốn mươi
Vì khổ quá nên tóc bạc mà già trước tuổi
Mẹ của mấy đứa không chịu nổi cảnh nghèo
Đã bỏ lên Hà Tiên để làm mát xa còn gọi là đấm bóp
Tui dắt tụi nhỏ lên gọi nó về
Nhưng nó không về
Mấy lần trước tui đi một mình tìm nó
Nhưng nó gọi tụi đầu gấu đánh tui bầm dập
Nên lần này tui dắt tụi nhỏ đi
Để nó nể tụi nhỏ mà không đánh
Ngày xưa tui là bộ đội, tui yêu những người lính đi K.
Ngày xưa tui ước mơ mình làm sĩ quan quân đội
Ngày xưa tụi tui yêu nhau đẹp lắm
Chính tui đã hại nó
Bởi nó thương tui và lấy tui với nhiều lý tưởng
Nhưng mọi thứ trở nên nặng nề khốn khó
Khi nó đẻ con và miếng ăn cứ giật gấu vá vai
Tui thương nó lắm
Tui có lỗi với nó và với mấy đứa nhỏ…”
*
Câu chuyện của người đàn ông mà y nhầm tưởng là ông nội của ba đứa nhỏ
Người đàn ông nhỏ hơn y gần con giáp
Nhưng ban đầu y gọi bằng bác
Sau này y gọi bằng anh em và coi hắn như đứa em ruột thịt
Y hơi áy náy vì dĩa cơm của y khiến đứa nhỏ bị ói mửa
Một bữa no giữa thế kỉ hăm mốt chăng!
Xe đường dài, đường mắc lư, uốn éo khiến đứa bé bị sốc sau ăn
Và nó tựa vào nàng
Như một người mẹ
Y quên mất rằng mọi chuyện từ đầu do nàng quán xuyến
Ý định xin lão già để mời cơm mấy đứa nhỏ cũng là của nàng
Y chỉ bốc đồng và xốc nổi…
Tháng ba
Mưa tháng ba ễnh ương vào nhà
Đứa bé khóc vì tiếng kêu của chúng
Có lẽ trong khói mưa
Có giọt nước mắt trời
Khiến cho tháng ba trở nên lay động
Chiếc phao bằng cơm cháy của bà
Vẫn cứ bơi quanh khu vườn cũ
Người ta nói rằng nỗi ám thị về đất hay chỗ ở và chỗ chôn
Khiến con người có thể yêu nhau hoặc thù hận nhau đến chết
Và nếu được sống một kiếp khác sau chết
Nỗi ám ảnh về đất không bay hơi
Mà chôn sâu lòng đất và mọc thành gai độc
Trong khi những con cá thia lia
Có thể chào cờ sau mưa
Chúng lại chui ra từ lòng đất và bơi tung tăn
Cũng có thể chúng đang bay trong đám mây nước
Đứa bé bắt đầu tư lự
Về bầu trời và những cụm mây
Về chiếc phao cơm trong giấc mơ
Người lớn học cách im lặng
Khi thế giới đã quá ồn ào
Da vàng
“Người da vàng thượng đẳng…”
Đôi khi y đã nói vậy trong cơn ngái ngủ
Mùi da thuộc từ những hiệu giày trên đường Hùng Vương
Mùi cá kho dưa trên đường Bạch Đằng
Bến than và những chiếc tàu viễn dương
Những gã trai cởi trần thả từ bong tàu xuống sông Hàn
Thành đội Trần Phú và chú Hòa lùn của y đã chết ở K.
Chú ấy quen y trong một buổi diễn văn nghệ quần chúng
Hai chú cháu trở thành thân thiết và y mấy lần được chú dẫn đi bảo tàng
Nơi có xác máy bay Mỹ và những bào thai trong hũ
Y rất sợ điều này, chú Hòa bảo đừng bao giờ để chiến tranh,
Vì chiến tranh sẽ lấy đi mạng người và trả lại những bào thai trong hũ
Lúc ấy y không hiểu cho mấy
Kỉ niệm của y là cây trứng cá
Ngay trước đài truyền hình
Của Đà Nẵng những năm 1980
Và y vẫn luôn tin rằng người da vàng thượng đắng
Bởi đằng sau những đám ruộng ngập bùn
Đằng sau những con sông đầy rác
Đằng sau những ngôi đền hôi mùi phân dơi
Và đằng sau những tấm huân chương sáng chóa
Dường như sự tử tế hay thứ gì na ná với nó
Vẫn trò chuyện theo cách riêng của nó
Khiến da vàng trầm ngâm
Khiến da vàng máu lệ
Khiến da vàng mắt đen và mũi tẹt
Cúi xuống lượm lon bia và chần chừ
giữa uống hay trả lại cho khổ chủ
Y vẫn tin điều đó
Khi trái mít sù sì hằng năm vẫn cho những bộ dái thơ mộng
Khi cây xương rồng trổ bông màu máu Chàm
Khi những bông sen hạ thổn thức sớm mai Hà Nội
Mẹ ngậm ngùi đẻ con trên tàn tích chiến tranh…
Những người da vàng thượng đằng
Được xưng bằng cậu, ngài, ông, bà cô đồng
Nơi điện thờ hay phủ, lăng, đền và chùa phía Bắc
Những người da vàng thượng đẳng hay nhảy múa
Hát hầu đồng gọi cơm cá tôn nghiêm…
Khải huyền
Mọi thứ như một lời khải huyền
Hay sấm đất tháng ba dậy mùa
Hay những câu chữ lâm râm trên miệng người đãng trí
Mẹ xin được chết như một cái cây
Sau một giấc ngủ và không đau đớn
Chiến tranh vẫn ngủ cùng mẹ đêm đêm
thay thế chỗ nằm của cha…
*
Những ngọn roi quá khứ khiến người ta sợ sống hơn sợ chết
Và những bông hoa trong vườn không đủ thơm
Để níu mọi thứ trở về với cỏ cây buổi sáng
Những tiếng chim chào mào thổn thức
Mùi ổi sẻ thơm và mùi mít chín
Mùi hoa cà chua hay hoa cải hoa ngò
Mùi hăng ngọt bầu đường tháng năm
Tất cả như lời khải huyền
Về nỗi vui tồn tại và vượt cạn
Mi biết, cả thế giới đang bơi đứng
Và vượt cạn trên mặt địa cầu
Có ai đó vừa ném ra không gian
Một thứ gì đó như lời đe dọa
Có kèm theo nhiều sinh mạng đổ xuống
Và có ăn chia với những trại hòm
Hay lò thiêu không kịp ngừng thở
Những cái chết như một lời đe dọa
Về sự sống và miếng ăn
Hình như không mang ý nghĩa nào khác
Bởi mọi lời tiên tri đều giả đối
Bởi mọi niềm tin đã cũ mốc và có nguy cơ ôi thiu
Bởi mọi bến bờ yêu thương đã tàn tật
Mi hãy đi như một đứa trẻ bước ra đường…
*
Người đã chết từ trong bụng mẹ
Vạt rau khoai và con nước mương chứng kiến điều ấy
Cái giếng làng và một ít nước trong veo sót lại
Không đủ soi một ngụm trời ước mơ
Của đứa trẻ hằng khao khát lên đường
Sấm tháng ba dội chân thơ dại
Đi mải miết núi đồi hoang vu
Tiếng chim chích sau vườn thúc giục
Hoa cải ngồng đuổi bắt trời xa…
Mẹ Chàm
Những người đò ngang đò dọc
Thu Bồn chở Ngọc Linh xuôi về Cửa Đại
Thắp nén nhang vái trời cao lạy đất dày
Lạy mẹ Pô Pô bình yên cho người sông nước
Lạy nỗi đam mê sự sống diệu kỳ
Lạy cả những lỗi lầm tiền nhân khai canh mở đất
Lạy những vong linh lênh đênh mặt biển tìm bờ
Lạy tình yêu dở dang nơi cố xứ
Lạy những dòng sông bất tận địa cầu
Nơi đứa trẻ khởi đầu bước chân ra ngõ
Và không hẹn quay về
Khi lời nguyền chưa được hóa giải
Những chum vại trong bảo tàng Chăm Pa
Mân mấn nỗi buồn thủy tổ
Con sông đã chảy băng những công trình dày mồ hôi
Và máu của tiền nhân
Loang lổ trên bàn nhậu sau một đại hội
Y nhớ đến chiếc cầu gãy
Nơi phần cuối một nhánh sông chết
Những người vạn đò co cụm đời gầy
Bằng những mẻ cá mẻ tôm lồng lộng ước mơ
Và thêm một lần co cụm
Khi chính quyền vác loa đi kêu gọi tự cách ly
Thế giới trở nên nhỏ bé và lẻ loi
Vì những bông nưa chưa kịp nở triền đê

Bầy thiên di
Những bông nưa đã nở trên thành cổ
Bà ấy ngồi nhớ lại năm tháng vàng son
Bên gốc vú sữa già trăm tuổi
Có nhiều lớp thiên di đã về rồi đi
Và những trục trặc sử lịch
Giống như vết đạn thân cây
Dấu thẹo làm mưng đau cái nhìn quá vãng
Khi đoàn quân hãnh tiến húc đổ cổng dinh Độc Lập
Bà ấy đã mặc áo dài, tay cầm cờ và hoa
Với niềm tin mãnh liệt vào ngày mai…
*
Bà được (hay bị?!) xếp vào tổ chức kiểm kê trưng thu tài sản
Bà dẫn quân đánh tư sản và tàn dư ngụy quyền
Bà được lên tận Thủ Đức để nghe Đỗ Mười nói về tương lai
Bà được bầu làm trưởng nhóm vì có anh là liệt sĩ
Và những tiếng kêu gào
Và những lời than khóc
Và những gương mặt thất thần
Và những người đàn ông chùng gối lạy
Và những nồi canh giấu vàng
Cả nhà không dám múc, chỉ ngồi nhìn nồi canh và chờ
Một thành viên trong đoàn đã nhìn thấy dấu hiệu lạ
Đến cầm vá khuấy đều nồi canh
Tiếng khoen vàng, thẻ vàng va leng keng…
Ngày hôm sau là cái chết của một gia đình cùng đường
Vì đó là số vàng còn lại để chung cho chuyến vượt biên
Chân trời tự do đã đến với họ sớm hơn
Bà nghĩ vậy và rút khỏi đoàn kiểm kê tài sản
Bà đã lùi về vùng quê hẻo lánh xứ Quảng
Cùng những âm ba than khóc của Sài Gòn
Bà chui vào những đám ruộng đầy phân và bùn
Bà cố nhét mọi thứ của quá khứ xuống đám ruộng
Sình nhạt loãng
Đời sống nhạt loãng
Bà chỉ nghe được tiếng kêu khóc và cố nhớ thử đâu là tội lỗi của mình
Bà yêu những bông nưa dại bởi chúng làm nhớ gương mặt Sài Gòn
Một gương mặt thanh tú, chưa có than củi và áo quần giăng đầy balcon
Bà vĩnh viễn gắn Sài Gòn vào đám ruộng
Và điều ấy thật vô nghĩa hay bất lực
Và đôi khi bà thắp nhang lạy bốn hướng
Vinh quang thay lời nguyền khói nhang…
Khí dung
Một thế giới nhạt loãng
Trong buổi sớm đầy khí dung và lời đe dọa
Người già lại chống phao cơm đi trong khí dung
Bơi theo con nước quanh vườn
Nơi ấy có một con ếch già tội lỗi
Luôn chắp tay khi gặp bóng người
Và những con cá thia lia bảy màu đã bay về trời
Khi đứa bé trong lọ thủy tinh ở bảo tàng cất tiếng hát
Về một chuyện sử ca bằng thủy tinh
Thế giới đã cách ly từ hôm tháng Chạp
Thế giới lại cách ly từ hôm tháng Giêng
Thế giới lại cách ly từ hôm tháng Hai
Những người già không thiết sống
Những người trẻ sống như chết rồi
*
Thằng Út trôi về đâu đó vô định
Út là tên của người đàn ông chúng tôi từng gặp
Trên chuyến xe từ Hà Tiên về Cà Mau
Có ba đứa con nhỏ và vợ bỏ đi
Nhiều lần lên Hà Tiên để tìm vợ
Và bị vợ cho đầu gấu rượt đánh tả tơi
Cái lần chúng tôi gặp
Trên chuyến xe ấy
Là lần người đàn bà trốn biệt
Bốn cha con quay về sau nhiều ngày lang thang
Túi rỗng và bụng đói
*
Tôi xem Út như đứa em
Kể từ khi câu chuyện đời của hắn lọt vào nhật ký
Thi thoảng hắn gọi điện thoại
Kể những chuyện hắn vừa gặp như kể với người anh chí thiết
Hắn nghèo nhưng chưa bao giờ xin tôi đồng nào
Cho dù một cái card điện thoại
Những khi tôi muốn tặng sách vở cho con của Út
Tôi phải nói rất khéo
Có khi dùng đến răn đe
Hắn mới chịu nhận
Có lẽ tìm một đứa nghèo, chung thủy, bao dung và khốn khổ thượng thừa
Tôi không ngại ngần gọi tên thằng Út
Và không dưng, hắn bặt vô âm tín sau một lần gọi điện thoại nói chuyện rất lâu
Chịu xin tôi một cái thẻ card để tiếp tục nói về cuộc đời
Trong lúc hắn trò chuyện
Tôi có nghe tiếng trẻ con khóc
Nhưng hỏi gì hắn cũng không nói
Và cũng từ đó tôi gọi vào số của hắn đều có câu trả lời điện tử “Thuê bao hiện không liên lạc được, xin quí khách vui lòng gọi lại lần sau”…

Cá khô
Năm nay miệt Cửu Long hạn mặn
Y vác máy và đi
Đương nhiên không quên ghé Cà Mau thăm Út
Tìm nhà hắn nhưng không thấy người
Chỉ gặp một chủ nhà mới
Giới thiệu là anh họ của Út
“Thằng Út đã dắt con đi biệt xứ
Sau cái lần hắn cùng ba đứa nhỏ ra Lạng Sơn
(nghĩa là hắn đi trọn vẹn hai đầu đất nước)
Để làm phu khuân vác và nhờ một người Nùng giúp sang Trung Quốc tìm vợ
Con vợ hắn bị lừa bán sang bên đó
Sau đó tìm về được nhưng không còn khỏe
Vì đã bị lừa lấy mất trái thận
Cha con nó bỏ đi biệt xứ sau khi vợ nó chết…
Tui ở đây coi nhà giùm cho nó, chứ cũng chẳng mua bán chi…”.
Người đàn ông đã nói vậy với y
Trong lúc y quyết định trả phòng ở Ozon để đi khỏi nơi này
Y chịu không nổi để ở thêm giây phút nào nữa
Bởi từ phòng của y có thể nhìn thấy cánh đồng sình lầy, nơi có chiếc cầu khỉ bắc vào nhà của Út
Nơi có mấy tấm tôn cũ sì và một căn nhà mà nhìn từ xa rất giống một thứ gì đó không phải của con người sử dụng
Y tạm biệt Cà Mau
Trong nỗi khắc nghiệt của cái lồng ngực ho đau vì ám thị
Những ngày mắc cạn
Có những trang viết mắc cạn nơi gác xép
của mười bảy năm về trước hay hai mươi nhăm năm gì đó
Con số ước định chả nói lên điều gì
Khi bỗng dưng y tự nhốt mình vào căn gác ấy
Và mọi thứ hiện ra đòi nợ
Một món nợ kì cục u mê ám chướng
Ẩn chất hình ảnh người vợ của thầy giáo cũ
Kẻ đã rủ rê y cùng chơi trò ngoại tình
Nhưng lúc đó y vừa sợ vừa đang bệnh cảm cúm
Và người đàn bà này đã mời một gã trai bạn y
Cùng chơi trò ngoại tình
Ác thay gã trai cũng vừa cưới vợ
Nhưng khoái chơi trò này
Và kết cục là cả hai đứa tan nát gia đình
Gã trai trốn nợ biệt xứ
Vợ thầy trốn tiếng biệt tăm
Xứ sở của y có nhiều người chơi trò này
Vì cái thứ thuộc về nội tình có gì đó mệt mỏi
Và cõng nặng nhiều thứ
Nên những gì thuộc về ngoại biên
Giúp người ta chạm ngay bản năng gốc
Và người ta có thể kêu gào như lợn gà trâu bò chó
Mà không cần nhớ mình phải làm người
*
Y thu xếp mọi thứ vào hành trang ký ức
Nhìn đứa bé khải huyền
Chuẩn bị cuộc lên đường
Khi lời tiên tri thúc giục
Về một kỉ nguyên ánh sáng bên kia
Và sẽ không còn những thiên tài nấp sau con đường tơ lụa
Bởi thói quen lười đọc và sống chạm bản năng
Bởi thói quen vo tròn đạo đức ném vào sọt rác
Và con người cần được sinh ra lần nữa
Bởi Mẹ thánh linh
Bên bờ sông linh thánh
Có đứa trẻ chào đời
Sau tiếng reo vui của bà mụ
Mang bí số C_19
Vòng vèo khắp năm châu
Để đốt bỏ những thước lụa cuối cùng
Trên con đường chết chóc
Và chấp nhận hồi sinh…