Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

Hai chữ Ba Lan

Tạp bút Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Gần nửa thế kỷ nay (vì bài viết lại năm 2020) có chuyện muốn kể nhưng cứ khất lần mãi. Bởi con chữ chưa nhập hồn nhập vía vào chuyện, nó vừa ngọ ngoạy trong đầu lại lỉnh mất tiêu. Lại thêm già hay đái tật, đái đây chẳng hẳn là… đi đái mà là đeo. Vì đeo cái tật quên, chuyện kể thành truyện viết, sau một thời gian dài thế nào chả quên dăm chi tiết vụn vặt, nên chỉ ngại bạn đọc khó tính chửi cho mục mả.

Nói cho ngay, tối nay không ngủ được, bởi mới hồi chiều, con gái đẻ ở Mỹ mời bố đi ăn. Thế là giấc mộng từ chương ập tới, bèn bật đèn lên viết để dối già.     

Tất cả bằng vào hai chữ Ba Lan, thưa bạn đọc.

***

Ừ,  thì hãy trở về thăm thú trại tỵ nạn để có chút quá khứ vị lai này nọ.

Số là người viết nào đó tả cảnh nằm trong trại tỵ nạn thấy hoa không nở, chả biết xuân về hay chưa! Vì thế qua đây mấy chục năm, tôi cứ ngỡ Camp Pendleton ở… thung lũng hoa vàng San Jose.

Dạo ấy ngoài California, tôi chỉ biết người Việt ta ở trại Arkansas, vì ông cụ tôi lạc hoa lưu thủy đến đấy. Gần đây tôi mới hay còn hai trại khác ở Florida và Pennsylvania. Nói dối phải tội, để bài viết có trọng lượng, tuần trước lọ mọ vào máy vi tính tôi mới biết trại ở San Diego là của thủy quân lục chiến Mỹ. Trại có tám khu lều vải và khoảng hai chục ngàn người. Nên mới túm tó thêm mấy địa danh trên. Vì năm 1975, tiếng Tây tiếng u tôi tha ma mộ địa lắm. Chả nói đâu xa, buổi sáng đầu tiên trong trại Pendleton, tôi lò dò bách bộ xếp hàng đi ăn. Va vào mắt cái xe đẩy như xe cà-rem bán Root beer, ngỡ beer là… bia, bèn mua uống và ớ ra…

Bao lâu sau được ra trại, tới nhà bảo trợ tôi không nhớ. Ấy là chưa kể đất sinh cỏ trời sinh tật, tôi còn có tật láo ngáo và lớ ngớ nữa mới thành chuyện. Chuyện là tới phi trường muốn mua Coca Cola, bạn trong trại tỵ nạn mách nước: nước Mỹ không gọi Coca Cola mà là Coke. Bèn láo ngáo gọi một cái... cốc. Hốt nhiên thấy cô bán hàng mặt đỏ cay đỏ cợt, mấy năm sau đốn ngộ ra chỉ đành hỡi ơi.

Bước lên cầu thang, cô tiếp viên hỏi: “Mày có ăn meal và hít smocking không? ». Rất thản nhiên tôi nói “No” vì nghe lớ ngớ là... milk. Còn thở ra khói thì Yes. Cô tiếp viên nói vọng vào rõ to với cô tiếp viên ở trong: “Thằng Chino này không ăn nhưng biết… hút thuốc lá”.

Tôi quắn đầu vặn óc nghĩ không ra sao cô ta gọi tôi là... Chino.

Bạn đọc lậu bậu quên đi thung lũng hoa vàng, lất phất qua những ngày tháng chân ướt chân ráo nghe vui hơn. Vui chả vui mấy vì một là cái phi trường bé tẹo như phi trường Biên Hòa, nhưng chẳng thể thiếu cái đài không lưu như chuồng chim bồ câu. Hai là thị xã tôi ngụ cư nhỏ như Pleiku Đi dăm phút đã về chốn cũ, một buổi chiều nao lòng bỗng bâng khuâng. Mãi sau này mới hay hớm phố thị loe ngoe mấy ngàn dân. Họ ăn nhờ ở đậu hai khách sạn mà ngày ấy tôi không chịu hiểu cụm từ second honeymoon là thống khoái gì.

Thành phố được nhiều người biết qua hai khách sạn với phòng ngủ bốn bức tường, sàn nhà và trần nhà đếu lát gương. Vì đã có đạo diển làm phim với cảnh trí: Có cụ ông cụ bà dắt díu nhau nhập động hoa vàng. Qua sáu cái gương bự xự, người ngợm họ như Tôn Ngộ Không hoá phép ra cả ngàn Tôn Ngộ Không khác, nên hai cụ chả biết đâu mà lần mò tới cái giường.

Với đi dăm phút là tới tiệm hớt tóc. Vì từ 30 tháng 4 cho đến ngày chọn mảnh đất tạm dung này, tôi chưa cắt tóc nên rất… hippy. Ngồi lên ghế, ông phó cúi hỏi cắt thế nào cho phải phép, nhưng tôi không chịu hiểu  Chả lẽ không biết làm gì là làm thinh, đành ngó lơ trên tường treo tấm ảnh The Three Stooges, phim thằng anh Larry hay véo tai hai thằng em. Ông phó cúi nhìn theo làm như hiểu ra, cầm kéo tách tách một thôi một hồi: Một tôi hoá kiếp in hịt thằng Larry có mái tóc như… cái nồi chụp lên cái đầu.

Vào Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng, một bữa tôi bâng quơ ra phố, vồ được cái bar của Sài Gòn xưa cũ. Bèn vào. Leo lên ghế (stool) cao ngất nguởng, đúng ra là bò mới leo lên nổi. Dòm trước mặt chai bia có tên quen thuộc Budweiser. Lại bạn trong trại tỵ nạn đẩy đưa sống trên đời ăn miếng dồi chó mà cứ theo bạn ta, dồi chó Mỹ nó gọi là hotdog. Dòm quanh quất chả thấy chó gì sất. Vì không đủ chữ nhét răng, bèn cơm chỉ chỉ đại cục thịt khô dài như cái đũa.

Đành nhai. Làm chai nữa cho tiêu sầu vạn cổ, chợt nghĩ sao lại ngồi một mình ở đây…  Thế là oà lên khóc tu tu. Chỉ tội cho thằng bartender mặt cứ thộn ra. Bởi thằng này đâu có hay nỗi vong gia thất thổ của một tôi, một dân Chàm vừa mất đất.

Bây giờ kể chuyện về người bảo trợ, tôi gọi là cho gần gũi.

Ngày qua Guam, nhìn chiếc xe Pinto đã hãi lắm rồi. Nay dòm chiếc Cadillac 8 máy cũ kỹ của nó còn khiếp hơn nữa. Nói theo người Nam, to bành ky như ngồi trong ghế bành vậy. Xe cũ rích vậy đấy nhưng như ngồi trên mây cưỡi gió. Đường về thành phố Chino trời tối, nhìn đuôi xe trước đèn đỏ, ngó sang đường ngược chiều đèn vàng hoa cả mắt. Từ trên đồi nhìn xuống đàn bỏ cả ngàn con, cổ bò đeo đèn lung linh ẩn hiện trong bóng đêm. Tôi ngỡ sao trên trời, phiêu diêu mình ở trên thiên đường nhìn xuống hạ giới.

Thiên đường đâu chả thấy, ít lâu sau thằng tôi đi cày như hạc.

Buổi sáng thằng bảo trợ chở tôi đi cày. Chiều về, vì khác giờ giấc nên phải cuốc bộ bốn, năm dặm đường. Đường hai bên xe cộ vắng tanh, nhà cửa cách nhau cả một cánh đồng như đồng Ông Cộ. Tôi có cảm giác cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân, hiểu hiu hắt là đường nhỏ gió lạnh thổi vào một tôi, trong khi trời nóng như đổ lửa. Nhưng không nóng bằng sở làm là xưởng giặt ủi quần áo. Xưởng to như hangar máy bay ở phi trường Tân Sơn Nhất, mái tôn, trống hoác, lại gần sa mạc, nên nóng kể gì. Ấy là chưa kể máy ủi quần áo phà hơi nóng, nóng như lò bễ.

Về ăn uống sướng kể sao cho hết. Mấy tuần đầu chưa đi làm, ngày nào cũng trưa đại táo, chiều tiểu táo, bàn ăn trải khăn trắng toát, dao nĩa sáng choang, tôi tha hồ vật lộn với dao nĩa kêu loảng xoảng. Cuối tuần, thằng bảo trợ chơi màn nướng thịt ngoài trời. Tay cầm chai bia Corona (bia Mễ) có lát chanh cắm ở miệng chai. Thấy tôi ớ ra, nó khẽ đánh mắt một cái và chỉ cho tôi uống bia với… muối. Cho đến một ngày…

Ấy là cái ngày nhà tôi đi đẻ. Số là bu nó có mang, tức mang cái ba lô ngược từ sau ra trước, đâu đó được mấy tháng không biết. Mấy tháng sau tìm ổ để đẻ đái, nhè vào thời gian này chưa có chương trình giúp đỡ của chính phủ. Vào đến nhà thương, họ chỉ dẫn thằng bảo trợ chạy tới cơ quan chính phủ để làm giấy tờ. Xế chiều về, lại thấy nhân viên văn phòng đợi sẵn và nói OK. Hai chữ OK đầu đời, tôi hiểu ngay đơ là mình có con rồi. Họ hỏi đặt tên con là gì? Trong cái khoảng u u minh minh ấy, vì bối rối như sư đẻ nên đặt tên con bằng vào tên người xưa. Lát sau nhà tôi hỏi: “Anh vẫn nhớ Thu Hà?”. Thôi thì cũng đành gật đầu….

Sau đấy tháng ba ngày tám, ăn đong ăn vay với nhiễu nhương, nhiễu sự…

Chuyện nhiễu nhương một buổi đi làm về, nhà tôi cách rách rằng cũng như trong nhà thương, vợ thằng bảo trợ vừa chỉ bảo cho nhà tôi cách nuôi con ở Mỹ: thay tã, nằm sấp. Vợ nó vừa vắn hai dài một: Không có tiền trả điện thoại. Hỏi nhiêu, đáp 10 đồng một tháng. Nhà tôi hỏi tới cu ti tỉ muội mới vỡ nhẽ ra nhiễu sự là…

Là bố thằng bảo trợ gốc Ba Lan đã về hưu, nghe người Việt tỵ nạn qua đây. Ông gọi thằng con nói: “Tao tỵ nạn ở Mỹ từ năm 1954 như họ. Bây giờ tao già rồi. Mày thay tao giúp đỡ họ được không?”. Thế là vợ chồng thằng bảo trợ mang vợ chồng tôi về nuôi báo cô. Trong khi nó làm cái nghề xưa như trái đất ở Mỹ là đi gõ cửa từng nhà để bán dao làm bếp, có mà ăn cám, mặc dù dòm thấy bộ dao trong hộp là muốn mua ngay. Nghĩ đến cái thằng số ăn mày bị gậy phải mang, nên mỗi hai tuần tôi đưa nửa tiền lương để phụ với vợ chồng nó. Sau đó sẽ di tản chiến thuật về Houston, là đất mới của toàn gia quê vợ. Nhưng phải đợi vì cháu bé còn quá nhỏ.

Mấy tháng sau, ngồi trong máy bay về quê, tôi nghĩ dại nếu như ta vẫn còn tử thủ, người Miên chạy sang ta tỵ nạn thì chỉ có từ chết đến bị thương, vì chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Nhưng tôi chả dám hó hé ra đây, sợ đạn lạc, bạn đọc chửi cho thối đầu.

Về thành phố lớn, đi làm ngay vì anh chị em bên vợ ai nấy chữ nghĩa ngập đầu nên mỗi người lãnh một tiệm grocery U-Totem. Đúng tên với tiệm thực phẩm, vì đồ nguội và rau cải nhiều như nêm cối. Sáng chủ nhật nhà tôi tới, de đít xe vào là xong. Ấy là chưa kể sau lưng tôi có một kho tiếp liệu thuốc lá, cuối tiệm là một kho đạn bia. Từ đó, tôi thảnh thơi hít thuốc lá có mùi nhang và tu bia chùa mệt nghỉ.

Với bia bọt, để lấy ngắn nuôi dài cho bài tạp bút này, tôi nhồi nhét những mảnh đời chân ướt chân ráo vào đây. Bởi chưng, khoảng thời gian giữa năm 75 và 80, vừa mới đứt phim, một lũ tụi tôi như những cánh chim tan tác gọi nhau họp đàn. Cứ chiều cuối tuần không hẹn mà gặp, không gọi mà đến, đến quán nhậu. Thằng nào ra sớm ngồi đợi đấy, làm một hai chai dằn bụng cho ấm lòng kẻ tha hương người lữ thứ, nhìn trời nhìn đất buồn vu vơ. Quán mì đây của anh Tàu Chợ Lớn vừa mới tưng bừng khai trương đã có âm hưởng âm thầm đóng cửa vì vắng như chùa Bà Đanh.

Như luật bất thành văn, vào độ, mỗi khứa thay nhau làm một round bia, tiền trao cháo múc, cười nói vung vít, nước miếng văng mệt nghỉ. Quán có món nhậu chính là xíu quách, tay nào chịu chơi bắt đĩa bò lúc lắc, hay gà xé phay. Tất cả nằm trong những ngày tháng sa cơ lỡ vận nơi đất khách quê người, thưa ban đọc.

Bởi sa cơ lỡ vận lại điếc không sợ súng, thổ ngơi thằng nào cũng gần kho đạn Gò Vấp. Thiếu úy Sư đoàn 1 qua đến Guam lên trung úy, tới Camp Pendleton đặc cách đại úy. Khỉ một nỗi mỗi lần đổi trại, là mỗi lần đổi quân binh chủng có lửa, như Lực lượng đặc biệt chốn biên thùy, hay Biệt kích nhảy qua bên kia biên giới, ông cố nội ai mà mò ra.

Nghe tức như bò đá, giữa đám ba quân chẳng lẽ lật tẩy nhau, nhờ anh tí, anh chơi khó quá, bộ Nghĩa quân, Địa phương quân để cho chó gặm à.

Bán trời không văn tự là quan ba tàu bay L19, ngày 30-4 đáp máy bay nhấp nhổm xuống xa lộ Biên Hòa. Người tình lái xe Honda đuổi theo sau, vèo một cái, đu lên lửng lơ giữa trời như James Bond 007. Mẹ kiếp! Nổ vừa phải thôi quan anh, quan anh lái máy bay như đạp xích lô không bằng. Kẹt một nỗi, cố tật của mấy ông cố nội này là hay quên. Vì nổ như tạc đạn, miễng văng tứ tung nên làm sao nhớ, mới rõ khổ.

Khổ là khổ cho mấy thằng nghe, như ở trên trời rơi xuống, như lính nhảy dù vậy! Ngày khác, khứa khác lấy máy bay làm quan tài bay, ăn cơm dưới đất làm việc trên trời. Từ trên trời khứa bỏ trực thăng nhảy ùm xuống biển rồi leo lên Đệ thất hạm đội. Bạn nhậu nể quá mạng, bèn dòm kỹ hơn xem khứa đeo lon lá gì, thì mới thấy khứa đeo… kính cận.

Quay quả trở lại tiệm U-Totem, một ngày sếp lớn cầm quả táo hỏi bán bao nhiêu. Tôi đáp bừa 25 cent. Vì tôi nhớ lơ mơ ở PX trong tại tỵ nạn 25 cent một bao thuốc lá. Ra ngoài một gallon xăng và một bao thuốc giá 45 cent (?). Thế là sếp cho nghỉ việc. Kể cho có chuyện để bắt quàng sang chuyện học sinh ngữ. Bởi tiệm có bán Playboy, Penhouse nên đọc mấy chữ tiếng Tây tiếng u để sinh ngữ sinh tồn. Nay mới ớ ra, ngày ở phi trường San Diego (?), cô bán hàng mặt đỏ như gấc vì tôi phát âm, phát ngôn coke là… cock. Chẳng qua, cock là con chim có đầu mà không có chân.

***

Từ nhĩ văn mục đồ tức tai nghe mắt thấy ngày nào ở phi trường, tôi muốn trở về những ngày đầu tới Houston, với hàn mặc thế gia, tức gia tộc bút nghiên nghèo lõ đít như thế này đây.

Ngay ngày hôm sau, chị em dẫn nhà tôi đi thuê phòng. Cuối tuần đi gara sale, mua được cái TV đen trắng y sì ở Sài Gòn, bật lên có cái hình tròn méo xẹo, và phải đợi một hồi lâu mới chịu hiện hình. Thêm bộ bàn ăn bốn người nhưng chỉ còn ba cái ghế xộc xệch, và cái nệm trải trên sàn nhà cho ba người.

Một tối nằm trên nệm trải dưới đất, con ở giữa, hai vợ chồng hai bên. Đang ngẫn ngẫn với quá khứ vị lai, là vừa đi làm được mấy ngày êm ả như đời nở hoa xuân. Chẳng như ai đó ngày nào nằm trong trại tỵ nạn Pendleton hoài đồng vọng qua dòng nhạc nếu mai không nở, đâu biết xuân về hay chưa, và thiếp đi lúc nào không hay.

Ngày thứ mười, 4 giờ sáng, chuông đồng hồ báo thức reo…

Nhà tôi gọi dậy và hốt hoảng: “Con chết rồi, anh ơi!”. Nghe chữ chết, thế là tôi bung ra khỏi cửa kêu gào thảm thiết, chẳng biết mình kêu gì nữa. Những phòng bên cạnh lục đục sang thăm hỏi, nhưng biết nói gì với họ đây. Nếu có muốn nói, chỉ biết chỉ vào xác con và ra hiệu bằng tay.

Nhốn nháo trong giây lát, có người về phòng gọi cảnh sát và quản lý chung cư. Khoảng mươi phút, xe cứu thương, xe cứu hỏa, cảnh sát và bà quản lý đến. Họ nói chuyện và làm giấy tờ với nhau. Lát sau xe cứu thương chở cháu đi, Bà quản lý và hàng xóm kéo nhau ra sân tụm năm tụm ba thì thầm to nhỏ. Thỉnh thoảng bà vừa nói chuyện vừa nhìn về phía tôi…

Gần sáng, anh chị em bên ngoại tới, họ cho biết cháu mất ở nhà nên phải mang vào nhà xác thành phố để khám nghiệm, sau ít ngày có kết quả mới được chôn cất. Chuyện chôn cất, bà quản lý và hàng xóm chung cư lo gánh vác, tôi không phải lo nghĩ gì cả. Trong khi chờ đợi, tôi nhờ họ hàng gọi điện thoại báo cho vợ chồng thằng Ba Lan. Hôm sau, cũng nhờ bà quản lý, qua họ hàng tôi mới rõ về cái chết của cháu: Vì cháu nằm sấp nên bị ngộp thở. Người Mỹ gọi là crib-death, là chết trong nôi. Kiểu nằm này ít lâu sau bãi bỏ vì mỗi năm có cả trăm trẻ sơ sinh bị crib-death.

Vợ thằng Ba Lan tới, nhà tôi đi với anh chị em ra phi trường đón. Còn tôi, theo bà quản lý tới nhà quàn làm giấy tờ. Nửa tiếng sau bà quay sang tôi nói OK. Biết nói gì hơn vì đây là chữ OK thứ hai trong đời, với cháu. Tôi hiểu là mọi chuyện đã xong.

Ngày đưa cháu ra nghĩa trang, sao nó xa thăm thẳm ở ngoại ô thành phố với đồng không mông quạnh. Ngoài nghĩa trang trời đất mưa lâm thâm, vợ thằng Ba Lan co rúm người lại vì nó quên mang theo áo lạnh. Tôi phủ cái áo có những quả trám nổi u lên của trại tỵ nạn cấp phát lên vai nó. Cái lạnh cuối tháng 11 làm tôi rét run. Bà quản lý cầm ô che cho nhà tôi, cả hai đều sụt sùi. Phu nhà quàn lặng lẽ làm việc…

Vào lúc hạ huyệt, im ắng, nhìn quan tài từ từ hạ xuống lòng đất, trong tôi trống rỗng, không một cảm giác. Vì những xáo trộn quá dồn dập nên mọi cảm xúc khô cạn, muốn khóc nhưng không có nước mắt.

Ngày về, tôi hỏi vợ thằng Ba Lan có tiền không. Lắc đầu. Trong túi có mớ tiền của anh chị em họ hàng quyên góp, tôi lấy ra một nửa dúi vào tay nó. Vợ thằng Ba Lan quay sang ôm tôi và thì thầm không ra tiếng: “Happy Thanksgiving”.

***

Vợ thằng Ba Lan về trong một ngày trời quang mây tạnh, mọi chuyện rồi cũng đâu vào đấy, sau cơn mưa trời lại sáng. Trong tôi cứ lúi húi với đám tang có mưa thì hên. Nhưng chẳng hên gì! Chuyện qua sông ai nỡ quên đò thì…

Thì thêm một lần qua sông lụy đò.

Cháu mất hơn mười năm, nhà tôi đi theo cháu vì ung thư.

Qua hai năm rưỡi với một lương phải trả những khoản sai biệt bảo hiểm, xe, nhà. Thêm chục cái thẻ cà, nợ như chúa Chổm, cuối cùng tôi phải khai phá sản.

Ba ngày trước khi nhà tôi nằm xuống, may nhờ bà dì tới lo việc ma chay. Bà là sơ trưởng của một dòng tu lớn tại thành phố tôi ở, bà tu học ở Mỹ ngành xã hội học trước năm 75,  bị kẹt lại.

Trên xe, bà cho hay về xã hội, mỗi nhà quàn đều có khế ước với chính phủ. Mỗt năm có bao nhiêu đám tang, họ gánh cho những gia chủ không đủ sức lo được việc chung sự. Đúng như bà sơ nói, tới nhà quàn họ làm giấy tờ ngay. Chí có hai điều tôi không được chọn là áo quan đắt tiền và mộ bia đứng.

Chiều 30 Tết, ai đấy thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Tôi lầm lũi một mình ở gian nhà quàn bán quan tài. Trong gian nhà quàn bán quan tài âm u thế nào, thì chiều ba mươi Tết ngoài đường cũng âm u như vậy…

Trời mưa tầm tã, mưa như thác đổ, để tôi chẳng thể nào quên…

Cũng để chẳng bao giờ quên cái tên nghĩa trang: Eatman Resthaven. Vì nghĩa trang và nhà quàn cũng là của cháu, 14 năm trước.

Cũng có thể vì vậy nên nhà tôi được một ngoại lệ chưa bao giờ có ở nghĩa trang này: Mẹ cháu được nằm cạnh con trong khu đất cho nhi đồng có tên: Baby Holyland.

Nghĩa trang như một khu rừng nhỏ, rộng mênh mông bát ngát.

Một lần, tháng ba tôi lên thăm hai mẹ con, nhằm ngày lập xuân. Lặng ngắm cỏ non trải dài, đứng giữa trời đất bao la, tôi cảm hoài mang mang Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ/ Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà… Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụỵ/ Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa… trong Một cõi đi về.

Tháng ba vừa rồi giỗ mẹ cháu, tôi đưa con gái lên thăm mộ mẹ. Con gái mua chùm bóng xanh đỏ buộc trên mộ. Con gái quên rằng cháu gái nằm kia là chị. Nếu bây giờ còn sống cháu đã bốn mươi tuổi. Lẩm nhẩm ngày tháng trên mộ bia, cháu hưởng dương được bốn tháng.

Thắp nhang, lại bùi ngùi… Thôi thì hai mẹ con cũng được gần nhau.

Sau đấy, vì cơm áo gạo tiền, tôi quên bẵng vợ chồng thằng Ba Lan.

Năm nào không nhớ, tôi có việc qua Cali. Lái xe dọc theo đường rầy xe lửa, tôi nhớ như in khi nhìn xa xa có cái cầu sắt ba nhịp cổ lỗ sĩ thời Đệ nhị thế chiến như cầu Bình Lợi, là tới thị trấn Chino buồn hiu nằm dưới chân đồi. Tôi như Từ Thức về trần, vì trang trại có cả ngàn con bò đã không còn nữa. Được thể, tôi lại mài óc nghĩ không ra, sao cô tiếp viên người Mễ ngày ấy không gọi tôi là Vietnamita mà gọi là Chino.

Quẹo trái vào con đường chỉ mấy trăm thước, tôi nhận ra ngay căn nhà mái ngói đỏ, cái cổng tò vò. Bấm chuông, gặp một bà già, tôi nói đã từng ở Chino nhiều năm trước. Hoá ra bà cũng ở đây cùng ngày nào năm đó nên mua căn nhà này. Bà cho hay, sau khi tôi rời bỏ thị xã, vợ chồng thằng Ba Lan đã chia tay nhau, mỗi đứa một ngả.

***

Như trên tôi đã bòn mót, tất cả bằng vào hai chữ Ba Lan.

Chiều nay, con gái và thằng chồng ới vợ chồng tôi đi ăn tiệm. Thấy tiện nội u ơ với người phục vụ, vì tiếng Tây tiếng u ngọng như tôi, thằng chồng gọi chai Root beer, tức Xá xị con cọp ở trại Pendleton. Tu chùa chẳng bằng tu nhà, ăn ở thật thà mới là tu… bia, thì tôi chịu đèn thằng này cũng thích tu. Nó biết nhiều loại bia vì từng đi lính qua Đức, nên gọi cho tôi bia Ba Lan. Tôi ngớ ra vì chai bia bằng cổ tay lại có chữ Larger to đùng. Mắt tôi tròn dấu hỏi, in hịt thằng Ba Lan chỉ tôi uống bia Corona với muối ngày nào. Nó luận,  Larger chả phải lớn hơn mà là… tiếng Đức.

Tối về không ngủ được, vì chui vào đầu tôi những cái mốc thời gian: Nhà tôi mất 18/3/1989.

Trận chiến Ban Mê Thuột khởi đi 10/3/1975.

Tháng sau tan hàng…

Từ chuyện này vắt qua chuyện kia, tôi quắn đầu không đâu với chuyện đời thường… Thường thì con người ta mất cái này, được cái kia. Qua sông ai nỡ quên đò, để tôi chẳng quên ông lái đò là ông bố thằng Ba Lan.

Năm 54 bỏ nước ra đi, ông không quên cái cảnh đồng ngộ đồng thuyền với những người Việt di cư năm 54.

Thêm một vũng tang thương nước lộn trời năm 75… Vì vậy mới có tạp bút này cho ngày 30-4.

Ừ, thì cũng đã 40 năm rồi đấy, thưa bạn đọc.

Thạch trúc gia trang, viết cho ngày 30/ 4/ 2015, viết lại 2020