Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

Bốn thể loại văn chương

Lưu Thủy Hương

bốn thể loại văn chương

 

Horror – crime – thriller – mystery là những khái niệm văn chương mà người Việt Nam hay nhầm lẫn. Một người giỏi tiếng Anh hiểu rất rõ chữ thrill, khi xem một bộ phim thriller vẫn có thể bảo, đó là phim kinh dị. Một nhà phê bình văn học lâu năm đọc một câu chuyện hoang đường đầy hiểm họa cũng có thể giới thiệu, đó là một cuốn truyện trinh thám. Những nhầm lẫn ngộ nhận này, thực ra chẳng gây ra tai họa lớn lao gì đối với độc giả, ngoài chuyện họ muốn xem phim gay cấn mà xem phải phim ma, muốn mua một cuốn truyện có ân oán phân minh lại mua trúng một cuốn truyện hoang tưởng thật giả lẫn lộn.

Ranh giới giữa horror – crime – thriller – mystery thật ra cũng không rõ ràng, đôi lúc nó lại rất mông lung. Người viết có thể xóa bỏ cả ranh giới để thể loại này xen lẫn vào thể loại kia. Trong phim ảnh, thriller rất gần với horror, nên người Việt vẫn có thể dịch phim thriller là phim kinh dị. Và trong văn chương, thriller là một dòng chảy khởi hành từ crime, ở đây người Việt dịch thriller là tiểu thuyết hình sự hay trinh thám, hên thì trúng, xui thì trật. Tôi cũng chưa tìm ra tài liệu tiếng Đức nào phân tích thật rõ ràng, khúc chiết những điểm khác nhau giữa bốn khái niệm này, ngoài một vài bài viết rời rạc của các giảng viên dạy thực hành văn chương. Các tài liệu trong thư viện cũng chỉ định nghĩa các khái niệm này riêng lẽ. Có lẽ như vậy là đủ.

Horror
Horror là một thể loại văn học lâu đời nhất (so với crime và thriller). Nó có mầm mống từ trước công nguyên trong các tác phẩm của Homer như Ilias, Odyssee. Trải qua nhiều thế kỷ kiến tạo, đến thế kỷ 17, nó thành hình rõ nét qua các bóng ma trong Hamlet, Macbeth của Shakespeare và chỉ thực sự bùng nổ trong những câu chuyện Ma Cà Rồng (Vampire) ở thế kỷ thứ 19.
Horror tiếng Latin horrere có nghĩa là “dựng tóc gáy”, loại truyện gây sốc, gây kinh hãi, gây khiếp đảm, thậm chí nó kích hoạt cả cảm giác thù hận và kinh tởm. Các chủ đề chính mà horror thường khai thác là ma quỷ, giết người, tự sát, tra tấn, hành quyết, điên loạn, xác sống, thảm họa… Văn học horror là cách tác giả – như một nhà tâm lý học – tìm đến giới hạn mức chịu đựng của con người, khai thác chiều sâu tăm tối của tâm hồn, phân giải mức độ cuồng loạn điên rồ của những phản ứng, để mô tả phần nào khái niệm địa ngục. Một địa ngục bên trong tâm thức thông qua hình tượng những kẻ thủ ác man rợ. Một địa ngục bên ngoài tâm thức, trong đời sống thường nhật, thông qua hình tượng ma quỷ.
Thế mạnh của horror là nó có khả năng tấn công cấp kỳ và mãnh liệt vào cảm xúc người đọc hơn bất kỳ thể loại văn học nào khác. Nó đẩy độc giả vào trạng thái trực diện với cái chết, tạo dựng nỗi sợ hãi khôn cùng về cuộc sống tối tăm sau cái chết, vẽ ra khuôn mặt độc ác ghê rợn của những kẻ đã chết. “Chết”. Hầu hết các tác phẩm horror đều mang tính chết chóc. Và – sự trừng phạt, bóng tối, bạo lực, hủy diệt, hành hình, đầu rơi, máu đổ, đói khát… là những thứ nguyên liệu yêu thích của horror.
Bên cạnh giá trị văn chương và giải trí, giá trị lớn nhất của dòng văn học horror là, nó đã góp phần hình thành một thể loại văn học hiện đại rất quan trọng: thể loại truyện ngắn – cùng với cái tên lừng danh Edgar Allan Poe
Trong tiếng Việt, horror được dịch là truyện kinh dị.

Crime
Crime là một loại tiểu thuyết về tội phạm. Những thử nghiệm đầu tiên về thể loại crime được ghi nhận thành công là của Friedrich Schiller, thế kỷ thứ 18. Thoạt đầu nó chỉ được xem là loại truyện bình dân dành cho đối tượng độc giả không có nhu cầu thẩm mỹ văn chương cao cấp. Đến thế kỷ 19 – 20, crime trở thành thể loại văn học được yêu thích nhất ở châu Âu, khởi đầu với những ngòi bút tài hoa người Anh: Arthur Conan Doyle (Sherlock Holmes), Agatha Christie (Hercule Poirot), Ian Lancaster Fleming (James Bond 007), Colin Forbes (Tweed), James Hadley Chase… Cho đến ngày nay, crime đã liên tục phát triển thành nhiều nhánh văn học mới lạ (whodunit, roman noir, gangster ballads, thriller, mystery…) để đạt được số doanh thu thương mại mà không một thể loại văn học nào sánh nổi.
Crime là câu chuyện về thế giới tội phạm và những hoạt động săn đuổi tội phạm. Nó xoay quanh những vấn đề phạm pháp trong xã hội như cướp của, tống tiền, chiếm đoạt tài sản, mưu sát, án mạng, bắt cóc, buôn người, buôn vũ khí, buôn á phiện… Tình tiết được thiết kế theo kiểu bậc thang xoắn ốc đẩy cảm xúc người đọc lên dần đến chỗ hồi hộp căng thẳng. Nhân vật trung tâm của crime thường được tô vẽ như hình ảnh một người hùng mang vẻ đẹp công lý. Người hùng đó có thể là một thám tử, một cảnh sát, một thanh tra cảnh sát, một điệp viên, một (cựu) quân nhân… mà đôi khi cũng là một anh chàng hảo hớn nào đó hay một nhân chứng tình cờ (như trong các tác phẩm của James Hadley Chase). Nhưng dù là ai đi nữa, nhân vật trung tâm của crime nếu không biết cách sử dụng cơ bắp hay sử dụng vũ khí thành thạo thì phải là kẻ khôn ngoan bản lĩnh, biết cách đặt vấn đề và lý giải vấn đề để đưa câu chuyện đến một kết cuộc hoàn hảo. Kết cuộc đó chính là cao trào của cuốn truyện, là thời điểm cái ác bị lôi ra ánh sáng, kẻ tội phạm bị trừng phạt.
Crime có thể dịch ra tiếng Việt là truyện hình sự, tội phạm hay trinh thám… tùy vào nội dung của tác phẩm.
Đọc trinh thám hình sự hay thì cũng nhàn nhã như đọc ngôn tình dỏm, bởi trinh thám hình sự cũng tìm cách thỏa mãn sự chờ đợi của độc giả, cũng ve vuốt niềm tin vào cuộc sống của con người, cũng nuông chiều sự lười biếng của kẻ thích hưởng thụ văn chương. Nghĩa là, nó luôn thò bàn tay mềm mại dẫn dắt người đọc đi đến kết cuộc hoan lạc.

Thriller
Thriller là nhánh văn học phát triển từ crime. Một loại truyện hồi hộp nhưng không rùng rợn. Một thứ văn chương chủ yếu sử dụng kỹ thuật miêu tả để kéo căng dây thần kinh người đọc. Ở châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng, nó thuộc vào thể loại văn học đương đại được ưa chuộng nhất. Theo thống kê Studie Büchermonitor Deutschland – 2018, một phần hai dân Đức thường xuyên đọc thriller (dân số 83 triệu). Dạo một vòng quanh các hiệu sách ở thành phố Berlin cũng dễ thấy, trên các kệ sách bestseller, thriller luôn có khuynh hướng lấn áp tất cả các thể loại sách giải trí khác.
Khác với crime, thriller là thứ văn chương xảo quyệt và tinh ranh.
Nó kích thích người đọc phải làm việc cùng tác giả rồi bỏ mặc người đọc ở đoạn cuối với một đống câu hỏi và sự ngỡ ngàng (đôi lúc còn là thất vọng, phẫn nộ). Nó phóng túng đến độ không phụ thuộc vào bất kỳ nguyên tắc hay quy ước nào, kể cả tính thrill. Có những loại thriller chẳng hề thrill mà rạo rực như erotikthriller, mà buồn ngủ như politthriller… Nó không là chính nó và cũng không là một cái gì khác. Không như truyện trinh thám hình sự, thriller luôn tìm cách chống đối phương thức tải đạo cổ điển. Nó có thể kín đáo chứa đựng giá trị đạo đức nhưng tuyệt nhiên không bao giờ phô diễn đạo đức. Ngược lại, nó luôn tìm cách phơi bày mặt trái của đạo đức, mặt trái của những giá trị chuẩn mực.
Thriller là nơi cái thiện – cái ác lẫn lộn, là nơi người săn đuổi tội phạm trở thành kẻ bị tội phạm săn đuổi, là nơi cái kết cuộc trở thành cái bắt đầu (của một tội ác, một thảm họa). Thriller lôi những cái chết oan khuất ra khỏi bóng tối, vạch trần tội ác núp bóng đạo đức chính nghĩa, chỉ trích sự yếu kém sa đọa của luật pháp, tố cáo bộ mặt bất lương của công quyền… mà không nhằm vào mục đích truy tìm hay trừng phạt kẻ phạm tội, không nhằm phục vụ cho niềm tin vào công lý, không thỏa mãn nhu cầu giải quyết ân oán. Thriller chỉ cốt tạo ra hiểm hoạ, sự căng thẳng, sự kinh hoàng… và nhất là sự đe doạ. Không có một tác phẩm thriller nào thiếu vắng sự đe doạ. Trong khi ở crime nhân vật trung tâm luôn nắm toàn bộ quy luật và quyền kiểm soát câu chuyện, thì ở thriller sự đe dọa mới là thứ nắm chắc quy luật và quyền kiểm soát. Từ đó, sự đe dọa trong thriller tạo ra cho người đọc một cảm giác sợ hãi bất an về một xã hội đáng sợ đầy bất an. Vì vậy mà nó rất nguy hiểm đối với chế độ độc tài.
Viết cho đúng nghĩa thriller không chỉ đụng nhằm những thành trì giáo điều ngụy tạo, mà còn kích động tâm lý bất ổn của xã hội, và chắc chắn là – ở Việt Nam – một tác phẩm như vậy sẽ không có cơ hội được phát hành. Trên văn đàn quốc nội, hiện tại và tương lai vẫn (và sẽ) không có được tác phẩm thriller mang nhãn hiệu Việt Nam.
Nói cách khác, thriller chỉ có thể phát triển ở những nước, những môi trường có tự do ngôn luận và tự do tưởng tượng.

Thriller trên thị trường sách Việt Nam sau năm 1975
Sau 1975, thriller được vinh dự xếp vào dòng văn học phản động, tàn dư của “Mỹ Ngụy”. Nó mất mười lăm năm đi cải tạo, mười lăm năm lẩn trốn tủi nhục, mười lăm năm tơi tả trong tiệm ve chai. Cho đến cuối thập niên 80, thị trường sách ở miền Nam bỗng đánh dấu sự trở lại rầm rộ của tác giả crime – thriller người Anh: James Hadley Chase. Đó là thời kỳ sau đại hội Đảng lần thứ VI (1986). Miền Bắc ngây ngất hoan hỉ trước lời kêu gọi “đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật, tạo cơ sở tư tưởng cho xu hướng dân chủ hóa trong văn học được khơi dòng và phát triển mạnh mẽ”, tưng bừng đón mừng các tác phẩm ái tình, dâm thư cổ điển của Trung Quốc như Hồng Lâu Mộng, Kim Bình Mai. Miền Nam nhân cơ hội được cởi trói văn hóa lại âm thầm mở đường cho văn học hiện đại Âu – Mỹ trở lại đất Sài Gòn. Khi đó, James Hadley Chase vừa qua đời (1985) để lại một gia tài đồ sộ với 96 đầu tiểu thuyết crime – thriller – gangster, trong đó có 36 tác phẩm được dựng thành phim. Khoảng 15 tác phẩm của Chase được tung ra thị trường miền Nam (đa phần đã được dịch từ trước 1975), tuy không làm dịu được cơn đói sách bi thương của giới sĩ phu Nam Kỳ nhưng chúng cũng gây ra một bầu không khí hưng phấn trong giới người đọc trẻ tuổi. Những cái tên thật quen thuộc: Cả thế gian trong túi – The World In My Pocket, Cạm Bẫy – Strictly for Cash, Dã Tràng Xe Cát – You’ve got it Coming, Gã Hippi Trên Đường – There’s a Hippie on the Highway…
Tiểu thuyết của James H. Chase thường không dày, in chữ nhỏ thì khoảng dưới hai trăm trang, nhưng nó có muôn vàn tình huống đa dạng và cực kỳ gay cấn, căng thẳng. Nhiều đánh giá mới cho rằng, Chase cố ý từ bỏ quy tắc crime, phát triển mạnh tính chất thriller. Truyện của Chase thường không có nhân vật chính là người hùng mang vẻ đẹp công lý. Nhiều nhân vật chính của Chase rất phản diện: tham lam, bội bạc, lưu manh, vô đạo đức. Những cái kết cuộc cũng không làm sáng tỏ vấn đề mà lại rất buồn, rất bất công – đôi lúc còn nhẫn tâm. Nó làm người ta bàng hoàng và chịu khó suy nghĩ. Tôi yêu thích truyện James H. Chase cũng vì lẽ này. Vì lẽ ông luôn kín đáo chuyển tải giá trị đạo đức nhưng không bao giờ phô diễn đạo đức. Cảm ơn Chase!
Đến đầu thập niên 90, một tác giả thriller lừng danh người Mỹ xuất hiện trên thị trường sách miền Nam, gây nên cơn bão hâm mộ và cuồng nhiệt khác. Cơn bão Sidney Sheldon. Sách của Sidney Sheldon in không đủ bán. Sinh viên và học sinh ở Sài Gòn thời đó thường phải ghi tên chờ ở tiệm cho thuê sách, mang sách về nhà đọc qua đêm rồi ngày mai trả lại. Với phong cách văn chương hiện đại, lối hành văn mạch lạc, trong sáng, tốc độ nhanh, diễn biến kỳ tình, kết cuộc linh hoạt – Sheldon đã dẫn những người đọc trẻ miền Nam vào một thế giới văn chương hoàn toàn khác. Nó kỳ thú và phóng khoáng lạ thường. Những cái tên thật là khó quên trong 18 tác phẩm của Sheldon được dịch ra tiếng Việt: Nếu Còn Có Ngày Mai – If Tomorrow Comes, Ký Ức Lúc Nửa Đêm – Memories of Midnight, Thiên Thần Nổi Giận – Rage of Angels, Cát Bụi Thời Gian – The Sands of Time…
Nối tiếp theo Sheldon là hai tác giả thriller người Mỹ khác: John Grisham và Harold Robbins. Truyện của Grisham quá nặng về luật pháp và công việc tòa án mà thiếu sự biến hóa sinh động, truyện của Robbins thì quá đậm dục tính mà thiếu sự hồi hộp căng thẳng nên cả hai chỉ hấp dẫn độc giả Việt Nam được vài cuốn đầu rồi bị làn sóng video với những bộ phim Hồng Kông đánh bại.
Các tác giả đến sau Grisham và Robbins dường như cũng có cùng số phận, truyện của họ không tạo được một trào lưu dịch và trào lưu đọc lâu dài như của Chase và Sheldon. Có thể kể ra những tác giả và tác phẩm quen thuộc hiện nay trên thị trường sách Việt Nam: Jeffery Deaver (Sát Nhân Mạng), Maxime Chattam (Linh Hồn Ác), Tami Hoag (Giết Người Đưa Thư, Người Làm Chứng), Harlan Coben (Đừng Nói Một Ai), Michael Connelly (Việc Máu), Kōji Suzuki (Vòng Tròn Ác Nghiệt, Vòng Xoáy Chết), Ryu Murakami (Xuyên Thấu, Thử Vai)…
Một điểm chung ở các tác phẩm dịch ra tiếng Việt này là những lời giới thiệu: “The International Bestseller”, “The New York Times Bestseller”,  mà không có một sự phân loại sách theo thể loại. Điều này cho thấy sự lúng túng của các dịch giả và nhà xuất bản ở Việt Nam, bởi vì chính họ khi dịch, khi phát hành sách cũng không biết nên xếp những cuốn sách này vào loại gì.
Dường như ở Việt Nam, người ta chỉ biết đến ba cái tên: hình sự, trinh thám và kinh dị.

Có nên dịch chữ thriller ra tiếng Việt
Chúng ta có thể dịch chữ thriller ra tiếng Việt. Với một số lượng rất lớn các nhà văn gốc Việt sống ở Mỹ và Úc, họ giỏi cả hai ngôn ngữ, việc dịch một chữ thriller ra tiếng Việt quá dễ dàng.
Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi, không nên dịch. Nếu chúng ta dịch chữ thriller ra tiếng Việt, chúng ta sẽ vướng vào chuyện oái oăm như người Đức khi họ dịch chữ thriller ra tiếng Đức.
Tiếng Đức rất gần với tiếng Anh, dịch thriller là spannung (căng thẳng, hồi hộp) cũng hợp lý. Nhưng câu hỏi của nhiều độc giả người Đức đặt ra là, nếu gọi thriller là spannung thì chẳng lẽ những thể loại truyện khác không cần spannung. Dĩ nhiên, đặc điểm chính của thriller là tạo tối đa sự căng thẳng hồi hộp, nhưng có loại truyện câu khách nào mà không cần căng thẳng, hồi hộp? Ngay cả tiểu thuyết ngôn tình, truyện cổ tích, hay cả dâm thư cũng vẫn căng thẳng, hồi hộp, nếu không thì có ai thèm đọc. Chính horror còn lạm dụng sự căng thẳng hồi hộp hơn cả thriller. Còn crime, nó cũng là đối thủ cạnh tranh khốc liệt với thriller trong việc tạo yếu tố căng thẳng hồi hộp. Bởi vậy mà trong các nhà sách của Đức, trên kệ sách phân loại có chữ spannung thì ngoài thriller ra người ta còn xếp cả horror, crime lên đó. Tuy nhiên, tất cả các cuốn sách nằm trên kệ spannung này, mặt bìa sách đều do nhà xuất bản in rõ là thriller hay crime mà không hề in là spannung. Cứ như chữ spannung gây nên cảm giác thiếu chuyên nghiệp.
Không chỉ những tác phẩm tiếng Anh dịch ra tiếng Đức đã được tác giả xếp loại thriller cần phải ghi là thriller, mà, các tác phẩm của tác giả người Đức, viết bằng tiếng Đức cũng được trang trọng in lên mặt sách chữ thriller. Cứ như thriller là thứ sách sang trọng danh giá hơn spannung.
Đọc đến đây, bạn đã thấy rối rắm chưa?
Trong thư viện còn rối rắm hơn. Vách kệ sách phân loại đề lẫn lộn chữ spannung và thriller. Và, những cuốn sách nằm trên kệ, khi thì được quản thủ thư viện dán nhãn spannung, khi thì dán nhãn thriller. Bản thân những nhân viên thư viện cũng không đọc qua cuốn sách đó, nên việc phân loại đúng theo ngôn ngữ Đức, không theo như nhà xuất bản in, làm họ lúng túng.
Bởi vậy mà khi đi mua sách hay đi mượn sách thư viện, tôi thấy, chuyện dịch chữ thriller ra tiếng Đức là không cần thiết, tự nhiên vấn đề trở nên ngớ ngẩn, phiền toái. Có những chữ tiếng Anh đã thành ngôn ngữ quốc tế, thiết nghĩ, chẳng cần phải dịch ra tiếng khác, như: bestseller, internet, facebook…
Nhưng chẳng lẽ vì vậy mà thriller ở Việt Nam không được phân loại và không có một chỗ đứng riêng biệt trong lòng độc giả? Nhân câu hỏi này, tôi muốn giới thiệu một sự sáng tạo tài tình của những người trí thức miền Nam trong việc phân loại sách. Sự sáng tạo này có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc đời viết văn của tôi và có có ảnh hưởng sâu đậm trong vùng ký ức của những độc giả bây giờ đã ở tuổi 60. Khi nhắc đến nó sẽ có hàng vạn người thấy xúc động từ trong tâm khảm, bâng khuâng thương nhớ một tuổi thơ trong sáng an lành. Tôi trân trọng nói về Tủ Sách Tuổi Hoa của mục sư Chân Tín. Ở đây có một sự phân loại rõ ràng bằng ký hiệu mà các độc giả nhí và phụ huynh đều thuộc làu làu:
Hoa xanh: tình cảm nhẹ nhàng
Hoa đỏ: trinh thám phiêu lưu
Hoa tím: tình yêu tuổi mới lớn
Dĩ nhiên bây giờ chúng ta không thể thêm “hoa đen” cho loại truyện horror hay “hoa trắng” cho thriller, vì Tủ Sách Tuổi Hoa là văn hiệu thành danh chỉ dành cho trẻ em. Nhưng vẫn có thể nghĩ đến: lá xanh, lá đỏ, lá đen, lá tím, lá vàng… hay nơ xanh, nơ đỏ, nơ vàng (chỉ xin đừng dùng cờ, dùng sao).

Những thuận lợi và khó khăn của tác giả người Việt khi viết thriller – Kinh nghiệm cá nhân
Để có được sự căng thẳng, đe dọa không nằm ngoài tính logic, thriller không chỉ đòi hỏi óc tưởng tượng, vốn văn chương mà còn đòi hỏi kiến thức đầy đặn về y khoa, pháp lý, hành chánh, chính trị… và nhất là vốn thực tế. Tôi gọi đó là sự tìm tòi và học hỏi không ngừng của tác giả.
Để có được một bầu không khí căng thẳng, đe dọa thật đậm đặc, chính bản thân người viết phải sống ảo trong vùng đất đó, phải chịu đựng đầy đủ những cảm xúc rùng rợn trong câu chuyện. Tôi gọi đó là sự hy sinh của chính tác giả.

Năm 2010, tôi bắt đầu thử sức ở thể loại thriller. Thoạt đầu chỉ là những truyện ngắn mang tính hồi hộp và một chút xíu kinh dị, được vài trang web nhận đăng. Nhưng tới truyện ngắn “Làng Thổ Phỉ” (còn gọi là “Kẻ Săn Quạ”) thì tôi nhận được ít cảm thông mà nhiều ác cảm. Có lẽ, vì lúc này tư tưởng thriller của tôi đã chuyển dần sang mystery (một thể loại kết hợp giữa giả tưởng và kinh dị). Thời gian viết truyện “Làng Thổ Phỉ” từng là khoảng thời gian đáng sợ nhất trong cuộc đời viết văn của tôi. Một tháng trời sau đó, tôi vẫn không sao ăn thịt được, không dám ở nhà một mình khi trời tối. Khi viết, tôi phải sống trong chính khung cảnh đó, nghe được những tiếng động ám ảnh, ngửi đươc mùi vị gớm ghiếc của cái chết, nhìn thấy sự mục nát, thối rữa. Sau này, khi tiếp tục mở rộng “Làng Thổ Phỉ” ra thành tiểu thuyết Bầu Giàn Bí Đất, hàng đêm ngồi trước màn hình tôi cũng phải sống trong mối đe dọa và sự sợ hãi thường trực. Các nhà văn trên thế giới khi viết thriller, họ cũng phải nghe được tiếng bước chân của kẻ sát nhân, ngửi được mùi máu tanh, sờ tay vào cái chết lạnh lẽo. Đối với người Việt, nói thẳng ra điều này, dường như khó nhận được cảm thông nghiêm túc.

Năm 2012, giữa ngổn ngang thất vọng và tuyệt vọng, tôi nhận ra thất bại của chính mình. Horror đã sản sinh ra thể loại truyện ngắn, nhưng truyện ngắn lại khó thích hợp với thể loại thriller, vì bố cục và tiết tấu của truyện ngắn thường phải cô đọng, nhanh và dồn dập. Nhiều người phê bình truyện ngắn của tôi trong thời gian này thường dài hơn mức bình thường. Đó cũng là vì đặc tính thriller, nó luôn muốn kéo dài sự căng thẳng và hồi hộp, nó luôn muốn vượt qua những giới hạn và ràng buộc. Và nó biến truyện ngắn thành truyện dài.
Sáu năm sau đó, tôi dành thời gian thử nghiệm cuốn tiểu thuyết psychothriller đầu tay và đặt tên nó là Bờ Bên Kia. Đối với tôi – một người đọc và yêu thích thể loại thriller từ suốt ba mươi năm – Bờ Bên Kia là một cuốn tiểu thuyết psychothriller đúng nghĩa văn chương nghiêm túc “căng thẳng, hồi hộp và có đủ chiều sâu tâm lý”. Tuy nhiên ở vị trí người viết, tôi phải chấp nhận sự ra đời lặng lẽ buồn tẻ của nó để kiên trì đi tiếp con đường văn chương của mình.
Dẫu vậy tôi vẫn mong, một lúc nào đó người đọc và người viết Việt Nam sẽ nhìn nhận thể loại thriller một cách cởi mở và hiểu biết hơn. Trong văn chương Việt, thriller là một vùng không gian còn để trống hoàn toàn. Trên thực tế, nó thích hợp với miền đất trải qua nhiều biến động chết chóc và một hiện tại đầy oan khuất. Về kỹ thuật, nó đòi hỏi sự đầu tư, học hỏi và sức chịu đựng can trường của tác giả. Thriller thật sự là một trong những thử thách nặng ký nhất hiện nay cho những tay viết có bản lãnh ở Việt Nam. Giá trị của nó sẽ dễ dàng vượt qua những loại tiểu thuyết diễm tình sướt mướt, tự truyện đầm đìa dục tính, hay những thử nghiệm siêu đẳng tối đen nhằm vào giấc mộng Kafka tái sinh.

Mystery
Mystery là một thể loại văn chương rất mới và lạ.
Nó không chỉ mới lạ với độc giả Việt Nam mà còn mới lạ với cả độc giả Âu – Mỹ thế hệ lớn tuổi. Tôi làm quen với nó từ hơn sáu năm nay nhờ vào những cuốn tiểu thuyết trên kệ sách của con tôi, dù trước đó rất lâu tôi đã biết đến tên tuổi Dan Brown. Mystery thực sự lôi cuốn người cầm bút vì biên độ mở vô tận của nó.
Trên thực tế, mystery đã xuất hiện từ cuối thập niên 90 trong các bộ phim truyền hình Mỹ (như The X-Files), đến năm 2000 được Dan Brown đưa vào văn chương (các tác phẩm như Illuminati, Sakrileg) đã rất thành công.

Khác với science fiction, một thể loại thường đẩy trí tưởng tượng hướng về tương lai, mystery có khuynh hướng đưa trí tưởng tượng lùi lại một vùng quá khứ u tối ảm đạm. Văn chương mystery đưa người đọc ra khỏi vùng hiện thực, đẩy họ vào một thế giới giả tạo, vô chính phủ, phi luật pháp, hoàn toàn mơ hồ… mà bí ẩn của câu truyện có cội nguồn từ một biến cố lịch sử hay từ một quá khứ xa xưa nào đó (trong tiền sử). Tuy nhiên trong thực tế sáng tác, mystery vẫn là thể loại không đòi hỏi bất kỳ giới hạn tưởng tượng nào cũng như không có bất kỳ ràng buộc khuôn mẫu nào. Nó có thể pha trộn ít hay nhiều các thuật ngữ hình sự (crime), kỳ ảo (fantasy), khoa học viễn tưởng (science fiction), giả sử (hay lịch sử), gay cấn (thriller) và đặc biệt là kinh dị (horror). Trong nhà sách châu Âu, mystery thường được xếp vào loại thriller – horror.
Nhưng mystery thì khác với horror. Trong khi những hình tượng ma quỷ và người đội mồ ở horror chỉ nhằm mục đích gây sốc, gây kinh hãi, gây khiếp đảm, kích hoạt cảm giác thù hận và kinh tởm – thì sự trở lại của người chết trong mystery luôn mang một thông điệp nào đó. Thông thường, những người quá cố trong mystery trở về là để cảnh báo một thảm họa sắp xảy ra, để làm sáng tỏ cái chết oan khốc của họ và để nói với người ở lại lời yêu thương từ tạ. Mystery đẹp như khúc nhạc buồn bã và bí ẩn của thế giới tâm linh. Loại văn chương này không mang tính giải trí thông thường mà nó còn ngấm ngầm chuyển tải một thông điệp nghiêm túc như tình yêu, tôn giáo, xã hội… và cả chính trị.

Năm 2014, hai tác phẩm gây chú ý trên văn đàn châu Âu, đều dẫn người đọc đến dãy Alpen bí hiểm. Cả hai tác giả người Đức và Bắc Ái Nhĩ Lan không hẹn mà cùng nhau mô tả một ngôi làng miền núi với bầu không khí mù sương ảm đạm, khung cảnh ma quái. Những con người kỳ dị bị thế giới văn minh của loài người bỏ quên, họ sống biệt lập trong một xứ xở vô chính phủ và phi luật pháp của riêng họ.
Das finstere Tal (Thung Lũng Bóng Tối) của Thomas Willmann là cuốn tiểu thuyết bi kịch làng quê được chọn vào loại bestseller của Đức, được dựng thành phim tham gia festival Berlin. Cả mấy tháng trời trước festival, Berlin ngợp trong quảng cáo. Phim rất hay, nhận được một đống giải thưởng của châu Âu nhưng lại không đủ sức bước lên thảm đỏ Oscar. Tiểu thuyết cũng rất hay. Nhưng tôi thấy tiếc. Giá mà tác giả đừng bám theo lối mòn của loại tiểu thuyết bi kịch đã quá cũ kỹ mà đẩy nó sang lối rẽ mystery thì nó đã thay đổi được tầm vóc. Bởi vì khung cảnh, con người và những ân oán của Thung Lũng Bóng Tối rất là bí ẩn. Bởi vì ngôi làng miền núi đó có một biến cố bi thảm trong quá khứ. Nó hội đủ tính chất cần có của một tác phẩm mystery: một ảm ảnh kinh dị, một diễn tiến bí ẩn và một yếu tố lịch sử. Nó có thể trở thành một tác phẩm mystery hiện đại, chỉ thiếu thông điệp của thế giới bên kia.
The Returned của Seth Patrick cũng là một thành công trên phim trường. Ngay khi chưa thành sách, năm 2012, nó đã được đưa lên màn ảnh truyền hình Pháp với cái tên Les Revenants. Năm 2015, hãng truyền hình Mỹ cho dựng lại bộ phim với cái tên gốc The Returned, gồm 16 tập chính và nhiều tập nối tiếp. Nhưng cái độc đáo thực sự của The Returned là ở tính chất văn chương. Cuốn tiểu thuyết mystery hoàn hảo này dày gần 500 trang, là một nỗi ám ảnh của loài người. Nó ám ảnh ghê rợn đến độ đọc một lần mà nhiều năm sau đó vẫn không quên được. Mỗi khi tôi ngồi vào bàn viết, nó cứ xuất hiện, tìm cách len lỏi vào từng nhân vật, từng bối cảnh. Thằng bé bị giết chết cách đây 35 năm, đột ngột quay trở về, đi lang thang ngơ ngẩn trong thành phố. Chú rể chết vì tai nạn xe hơi trong ngày cưới, quay về đòi lại người yêu. Tên tội đồ giết người hàng loạt đội mồ trồi dậy và tiếp tục gây án. Những dằn vặt, đau khổ trong mối quan hệ tình cảm âm dương, những cảm xúc yêu thương dở dang giữa hai thế giới. Tất cả đều buồn bã và đầy nuối tiếc.
Hoặc là bạn không thích mystery, từ chối nó ngay từ những trang đầu tiên. Hoặc là bạn sẽ vô tình thả trí tưởng tượng của mình vào không gian mystery, và bạn sẽ bị nó giam giữ.

Phải dịch mystery ra tiếng Việt như thế nào
Đó là một câu đố. Theo nghĩa đen, mystery là huyền ảo, kỳ bí hay thần bí. Nhưng đối với cá nhân tôi, những chữ tiếng Việt này gợi lên một cảm giác rất xa lạ vì chúng hoàn toàn không nói lên tính chất của dòng văn học mystery. Công thức đơn giản nhất của mystery gồm ba chất liệu kinh dị + kỳ ảo + yếu tố lịch sử khởi nguồn, nên sẽ rất khó tìm cho nó một cái tên Việt Nam với đầy đủ ý nghĩa.
Trên văn đàn Đức, người ta cũng giữ nguyên cái tên tiếng Anh là mystery chứ không ai dịch ra tiếng Đức là geheimnis hay rätsel.
Cho đến bây giờ, văn đàn Việt Nam còn chưa có một tác phẩm mystery nào và số truyện mystery nước ngoài được dịch ra tiếng Việt cũng còn rất hạn chế. Nên tôi tạm thời dành câu đố này cho thời gian.
-----------------------------------------------
(Ghi chú: để tránh rối rắm khi đọc, các danh từ tiếng Đức ở đây không được viết hoa.)