Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2020

Về tiểu sử Thế Lữ (kỳ 2)

Vu Gia
Nhưng tên khai sinh của ông có phải là Nguyễn Thứ Lễ như hầu hết các nhà nghiên cứu đã viết? Cụ thể, gần đây nhất, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, Nhà xuất bản Thanh niên có cho ra mắt bạn đọc gần xa bộ Thế Lữ tuyển tập (3 tập). Theo Lời nói đầu của Nhà xuất bản Thanh niên, thì “Nhà văn Thế Lữ, tên thật là Nguyễn Thứ Lễ”[1]. Nhà xuất bản Văn học tái bản cuốn Vàng và máu cũng giới thiệu: “Thế Lữ (1907-1989). Tên thật: Nguyễn Thứ Lễ”[2]. Thời gian này, Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành cuốn Tự lực văn đoàn, Trào lưu - tác giả của Hà Minh Đức. Ở phần Thế Lữ, tác giả Hà Minh Đức ghi: “Thế Lữ tên khai sinh là Nguyễn Thứ Lễ”[3]… Nói chung, hầu hết những người đặt bút viết về Thế Lữ đều viết như thế cả. Ngay cả Phạm Đình Ân viết trong Thế Lữ - Về tác gia và tác phẩm đã dẫn trên vẫn không khẳng định tên khai sinh của ông là Nguyễn Đình Lễ hay Nguyễn Thứ Lễ.

Lúc lên mười một tuổi, được mẹ đánh tháo về Hải Phòng, Thế Lữ trở thành Kitô hữu, được học hành bài bản, và luôn là đứa con ngoan. Khi làm giấy tờ dự kỳ thi sơ học Pháp Việt, cậu bé Lễ mới được ghi đủ họ và tên: Nguyễn Đình Lễ. Kết hợp với bản thảo viết tay của Nhất Linh đã nói trên, thì tên trong giấy tờ tùy thân và bằng sơ học Pháp Việt của ông là Nguyễn Đình Lễ. Nhưng tại sao có tên Nguyễn Thứ Lễ? Năm 1974, Thế Lữ kể với Xuân Diệu: “Ngày xưa tên tôi là Nguyễn Đình Lễ; trước đó còn tên là Thứ Lễ, vì là con thứ, sau người anh: anh mất, chữ Thứ bỏ đi… Do cái tên Đình Lễ, tôi đã định ký là Nguyễn Đề Lĩnh, vì không muốn có cái tên văn vẻ, và muốn trái khoáy nói lái tên. Rồi sau lại dùng cái tên Nguyễn Thứ Lễ, nhưng cũng lại đem nói lái ra thành Nguyễn Thế Lữ”[4]. Như vậy tên khai sinh của ông phải là Nguyễn Đình Lễ. Và với tài liệu viết tay Mấy lời nói đầu của hồi ký Đời làm báo của Nhất Linh có ghi: “Nguyễn Đình Lễ tức Thế Lữ, Lê Ta” thì tôi càng khẳng định Nguyễn Đình Lễ chính là tên giấy tờ tùy thân của ông, bởi người chủ trương Tự lực văn đoàn chắc chắn phải biết tên (theo giấy tờ tùy thân) của từng thành viên trong văn đoàn mình, chứ không thể tùy hứng ghi cái tên bá vơ nào đó rồi… “tức Thế Lữ, Lê Ta” được. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, Thế Lữ cùng những người yêu nước khác lên đường theo tiếng gọi non sông, kháng chiến chống Pháp giành độc lập tự do cho dân tộc, Thế Lữ khai lý lịch với tên khai sinh là Nguyễn Đình Lễ, hay Nguyễn Thứ Lễ, tôi chưa được rõ, nhưng theo lý lịch lưu tại Hội Nhà văn Việt Nam và được trích ngang vào cuốn Nhà văn hiện đại Việt Nam, thì ghi: “Họ và tên khai sinh: Nguyễn Thế Lữ. Sinh ngày 6 tháng 10 năm 1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Quê quán: làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Mất ngày 3 tháng 6 năm 1989”[5]. Nhưng tôi chắc chắn rằng, trước Cách mạng Tháng Tám, cụ thể là trước tháng 3-1947, tên trong giấy tờ tùy thân của ông là Nguyễn Đình Lễ. Người bạn mà ông ở chung phòng trọ trong những ngày đầu chân ướt chân ráo lên Hà Nội và cùng ông chia ngọt xẻ bùi với công việc chữa bài cho báo để kiếm sống là Nguyễn Lương Ngọc cũng khẳng định: “Anh Thế Lữ tên thực là Nguyễn Đình Lễ”[6]. Bà Nguyễn Thị Khương, người vợ hợp pháp, có với ông 4 người con cũng khẳng định “ông là Nguyễn Đình Lễ”[7].
Trong cuốn Tủ sách Văn học trong nhà trường viết về Vũ Đình Liên – Nguyễn Nhược Pháp – Phạm Huy Thông – Thế Lữ, do Lâm Quế Phong cùng một số giáo viên chuyên Văn sưu tập và biên soạn, không biết dựa vào tư liệu nào, các tác giả đưa ra một chi tiết khá thú vị: “Thế Lữ họ Nguyễn Đình, tên cúng cơm là Nguyễn Đình Lễ. Vì anh cả Nguyễn Đình Thọ chết sớm, là con thứ, Nguyễn Đình hóa thành Nguyễn Thứ. Thứ Lễ nói lái là Thế Lữ. Ông thân sinh vốn sành cổ văn gọi là Thế Lữ với hàm ý con mình là lữ quán – khách trọ của trần thế”[8]. Chi tiết khá thú vị mà tôi muốn nói là tên người anh cả của Thế Lữ (Nguyễn Đình Thọ), chứ tên cúng cơm thì sai, vì Nguyễn Đình Lễ là tên khai sinh khi làm hồ sơ thi bằng sơ học Pháp Việt. Riêng chi tiết “Ông thân sinh vốn sành cổ văn gọi là Thế Lữ với hàm ý con mình là lữ quán – khách trọ của trần thế” là… rất tào lao. Cung cấp kiến thức cho học sinh như thế thì học sinh không yêu thích môn văn, thậm chí dốt văn cũng phải. Thứ nhất, khi chàng trai Nguyễn Thứ Lễ nói lái tên của mình thành bút danh chắc chắn không có sự can thiệp của cha và cha cũng không biết, vì lúc đó Thế Lữ không sống với cha. Thứ hai, theo Thế Lữ: “Tên Lễ là do mẹ tôi khi đánh tháo tôi từ Lạng Sơn xuống Hải Phòng”[9], chứ không phải do cha đặt “với hàm ý con mình là lữ quán”. Thứ ba, lữ quán là quán khách, khách sạn chứ chẳng phải là “khách trọ của trần thế”, và chẳng ai gọi thế lữlữ quán cả, dù là hàm ý.
Chi tiết vì là con thứ nên Nguyễn Đình Lễ lấy bút danh là Nguyễn Thứ Lễ, rồi nói lái thành Thế Lữ là do Thế Lữ kể, nên ai viết về Thế Lữ cũng nói như vậy. Với tôi, có khi cũng đúng nhưng có khi Thế Lữ nói chưa thật với lòng. Dĩ nhiên ý này do tôi suy luận, nhưng suy luận trên cơ sở lời kể của Thế Lữ. “Tên Lễ là do mẹ tôi khi đánh tháo tôi từ Lạng Sơn xuống Hải Phòng, lên cướp tôi về thì đem vào nhà thờ cho tôi rửa tội và khấn: “Đây là của lễ (V.G. muốn nhấn mạnh) đem dâng cho Chúa””[10]. Cũng theo Thế Lữ: “Xuống Hải Phòng, ở với mẹ; mẹ tôi, công giáo, coi việc lấy bố tôi là một sự phạm tội, cho nên chuộc bằng ăn ở có nhân đức, có tiếng là hiền lành, thương người”[11]. Phải chăng vì “sự phạm tội” ấy nên bà mới đặt tên đứa con trai còn lại của mình là Lễ và là “Của Lễ”/ “Thứ Lễ” đặc biệt quý hiếm mà bà đã cố công đánh tháo mới có được, nay “đem dâng cho Chúa”?
Thế Lữ kể: “Mẹ tôi hay kể cho tôi nghe chuyện trong Kinh Thánh Abraham dâng con mình cho Chúa”[12]. Về Abraham, Kinh Thánh có thuật: “Thiên Chúa thử lòng ông Áp-ra-ham. Người gọi ông: “Áp-ra-ham!”. Ông thưa: “Dạ, con đây!”. Người phán: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho”.
Sáng hôm sau, ông Áp-ra-ham dậy sớm, thắng lừa, đem theo hai đầy tớ và con ông là I-xa-ác, ông bổ củi dùng để đốt lễ toàn thiêu, rồi lên đường đi tới nơi Thiên Chúa bảo. Sang ngày thứ ba, ông Áp-ra-ham ngước mắt lên, thấy nơi ấy ở đàng xa. Ông Áp-ra-ham bảo đầy tớ: “Các anh ở lại đây với con lừa, còn cha con tôi đi lên tận đàng kia; chúng tôi làm việc thờ phượng, rồi sẽ trở lại với các anh”.
Ông Áp-ra-ham lấy củi dùng để đốt lễ toàn thiêu đặt lên vai I-xa-ác, con ông. Ông cầm lửa và dao trong tay, rồi cả hai cùng đi. I-xa-ác thưa với cha là ông Áp-ra-ham: “Cha!”. Ông Áp-ra-ham đáp: “Cha đây con!”. Cậu nói: “Có lửa, có củi đây, còn chiên để làm lễ toàn thiêu đâu?”. Ông Áp-ra-ham đáp: “Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ”. Rồi cả hai cùng đi.
Tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Áp-ra-ham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói I-xa-ác con ông lại, và đặt lên bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông Áp-ra-ham đưa tay ra cầm lấy dao sát tế con mình.
Nhưng sứ thần của ĐỨC CHÚA từ trời gọi ông: “Áp-ra-ham! Áp-ra-ham!”. Ông thưa: “Dạ, con đây!”. Người nói: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!”. Ông Áp-ra-ham ngước mắt nhìn lên thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông Áp-ra-ham liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay con mình”.[13] Qua chuyện này, ta hiểu thêm của lễ/ thứ lễ mà mẹ ông dâng cho Chúa.
Nguyễn Đình Lễ là người con rất thương mẹ như lời ông kể và cũng là người ngoan đạo, nên bút danh Nguyễn Thứ Lễ/ Nguyễn Thế Lữ xuất phát từ lời khấn của mẹ khi ông được rửa tội lần đầu, tôi nghĩ không phải là không có lý.
Đến đây, chúng ta có thể khẳng định: Thế Lữ, tên khai sinh là Nguyễn Đình Lễ; các bút danh đã dùng: Nguyễn Thế Lữ, Thế Lữ, Lê Ta…, sinh ngày 6-10-1907, tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Quê nội: xóm Tự, làng Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Quê ngoại: Vị Xuyên, Nam Định. Thuở nhỏ sống với bà nội và người vợ cả của bố ở Lạng Sơn. Tám tuổi, được gia đình cho đi học chữ nho. Mười một tuổi học chữ quốc ngữ với ông bác họ ở Lạng Sơn, nhưng đọc chưa thông thì đã được mẹ đánh tháo về Hải Phòng. Ở đây, ông được sống cùng mẹ, được mẹ cưng chiều, nuôi nấng, dạy dỗ và cho cắp sách tới trường.
Ở Hải Phòng, gia đình Thế Lữ có một thời gian dài ở Ngõ Nghè. Nguyên Hồng viết: “Vào khoảng cuối mùa hè năm 1934, tôi thôi học. Mẹ tôi đưa tôi ra Hải Phòng, ra Hòn Gai vừa để chào mấy người họ nội ngoại, vừa để thăm thú tình hình công ăn việc làm cho tôi. Hoan xoan tây vẫn đỏ ối. Đặc biệt đường phố Hải Phòng lại nhiều cây này hơn, và hình như hoa cũng dày hơn, rực hơn.
Ngõ Nghè của Thế Lữ cũng nhiều xoan tây. Trước nhà Thế Lữ là một gốc cây hoa hồng bồng như chồng, như đắp. Tôi không gặp Thế Lữ. Tôi chỉ được chào bà mẹ anh, chào vợ anh và được bà mẹ anh, nghe vợ anh cho nghe mấy chuyện mấy điều về “cái thằng Lễ nhà tao”, về “anh Thế Lữ anh ấy…” mà khi viết thư cho một người bạn học ở Nam Định, tôi cũng đã được coi như một nhà du lịch có diễm phúc vừa đi chiêm ngưỡng Kim tự tháp về và được đặc biệt biết nhiều cái kỳ lạ của nó khi chưa một ai được biết cả!”[14].
Trung tuần tháng 12-2008, tôi có đến Ngõ Nghè. Đúng như tên gọi, đó là một con ngõ/ hẻm, dài khoảng vài ba trăm mét. Sở dĩ gọi Ngõ Nghè, vì ngõ này có đền Nghè. Đền Nghè thờ bà nữ tướng Lê Chân. Theo thần phả lưu tại đền thì bà là con ông Lê Đạo và bà Trần Thị Châu, quê ở An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương (nay thuộc xã An Thúy, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Cha mẹ bà bị Thái thú Tô Định giết hại, bà cùng với một số thanh niên phải rời bỏ quê, chạy ra vùng ven biển mà sau này gọi là An Dương. Đây là vùng đất phù sa màu mỡ. Bà đã huy động mọi người khẩn hoang, xây dựng xóm làng. Sau một thời gian, vùng này trở nên trù phú, được đổi tên là An Biên. Năm 40, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, bà cùng với hơn một trăm thanh niên kéo đến, xin gia nhập. Bà được phong chức Chương quản binh quyền, giao trọng trách trấn giữ miền Hải Tần. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Trưng Trắc lên ngôi vua, đã phong bà làm Thánh Chân công chúa. Năm 43, quân Hán kéo sang đánh chiếm nước ta, đánh bại quân của Hai Bà Trưng. Trong thế cùng, hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị đã nhảy xuống sông Hát tự vận. Bà Lê Chân tiếp tục cầm quân chống giặc. Năm 43, trong một trận bị địch quân vây hãm, bà đã rút gươm tự sát, không để bị giặc bắt.
Để tưởng nhớ công lao của nữ tướng, người lập ra làng An Biên xưa và đặt nền móng cho thành phố Hải Phòng ngày nay, nhân dân đã lập nên tòa miếu An Biên thờ Bà. Đến thời Trần Anh Tông, Bà được phong làm Thành hoàng xã An Biên, huyện An Dương. Buổi đầu chỉ là một ngôi miếu nhỏ lợp tranh, đến năm 1919, được xây dựng khang trang. Đền Nghè hiện nay là một công trình mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn đầu thế kỷ XX, bao gồm: tam quan, tòa bái đường, thiêu hương, hậu cung, giải vũ, nhà bia, nơi đặt tượng voi đá, ngựa đá; sau có làm thêm tòa tứ phủ… Hội đền Nghè được tổ chức từ ngày mồng 8 đến mồng 10 tháng 2 Âm lịch, thu hút đông đảo du khách đến tham quan di tích, tưởng niệm nữ tướng Lê Chân. Ngày giỗ Bà vào ngày 25 tháng Chạp. Đền được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1975.
Anh em cho tôi biết gần đây, thành phố Hải Phòng có dựng tượng nữ tướng Lê Chân rất hoành tráng tại công viên đối diện với Nhà hát thành phố Hải Phòng, và đưa tôi đến tham quan. Nhân dân Hải Phòng rất tự hào về Bà. Tượng đài nữ tướng Lê Chân là một biểu tượng của thành phố Hải Phòng. Hải Phòng hiện nay có quận Lê Chân. Ngõ Nghè trở thành phố Lê Chân thuộc phường An Biên, quận Lê Chân. Những người sống ở Ngõ Nghè hiện nay là cư dân mới nên có biết tên Thế Lữ nhưng không biết gia đình ông ở từ năm nào, rời năm nào, và đúng vào nhà nào.
Trong Lời nói đầu của Nhà xuất bản Thanh niên khi xuất bản Thế Lữ tuyển tập, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, có ghi: “Ngoài thơ và truyện, Ông còn viết phóng sự khôi hài, châm biếm, phê bình, giới thiệu thơ văn trong các mục Tin thơ, Tin văn… vắn với các bút danh: Thế Lữ, Lê Ta, Mười Ba Chàng…”[15]. Chi tiết Thế Lữ còn có bút danh Mười Ba Chàng, Lê Đình Kỵ có viết ở phần Lời giới thiệu trong Tuyển tập Thế Lữ. Nhưng với tôi, bút danh Mười Ba Chàng được gán cho Thế Lữ quả có phần… lạ tai! Trên báo Phong hóa, tôi thấy có cây bút này tranh luận rất hoạt với mấy cây bút cùng thời trên Hà Nội báo, song có khi vì đọc chưa được nhiều nên không biết bút danh “13 chàng” ấy có phải của Thế Lữ hay không. Theo tài liệu viết tay của Nhất Linh (Mấy lời nói đầu) được dẫn ở trên thì Thế Lữ không có bút danh này và ở trang sau, tôi thấy Nhất Linh ghi: “Lê Thạch Hỷ tức Chàng thứ 13 (viết hài, khôi hài về khoa học)”. Phải chăng “Mười Ba Chàng” là “Chàng thứ 13” này chăng? Nếu đúng thì Mười Ba Chàng không phải bút danh của Thế Lữ.
Kể về một lần gặp Thế Lữ, Cao Nhị có đưa ra chi tiết: “Ra về, tôi loay hoay mất một đêm không ngủ được. Thế Lữ, Thứ Lễ, Lê Tây, Lê Ta”.[16] Một vài tư liệu cũng có nhắc đến Thế Lữ với bút danh Lê Tây này. Tôi thấy lạ và không tin Thế Lữ có bút danh Lê Tây. Có khi tôi đọc ít quá chăng, hoặc đọc rồi mà không còn nhớ? Cũng có thể! Nhưng qua giai thoại văn chương của Phạm Cao Viết Hiền, tôi thấy có câu thách đối trên báo Phụ nữ thời đàm của Cô Vân Anh (Trần Huyền Trân): Thế Lữ biếu quà hai Thứ Lễ – một quả Lê Tây, một Lê Ta[17]. Đây là vế xuất khá hay, nhưng khó mà tìm được vế đối cho chỉnh. Đúng là “xuất đối dị, đối đối nan”. Có lẽ “Lê Tây” có từ đây, chứ tôi chưa thấy bài viết nào, mẩu tin nào trên báo Phong hóa, Ngày nay có tên Lê Tây.
Phan Kế Hoành – Trần Việt Ngữ có kể về buổi đầu Thế Lữ đến với sân khấu kịch nói: “Từ những năm 1923, 1924, khi còn là học sinh ở Hải Phòng, Thế Lữ đã mê mải xem Nguyễn Đình Kao dựng Tây Nam đắc bằng, chuyển từ tuồng sang kịch kim thời, một vở tuồng phản động, do nhóm công chức diễn. Điều làm Thế Lữ thích thú là Nguyễn Đình Kao chỉ dẫn tỉ mỉ cho người diễn (phải bước chân nào trước, chân nào sau, đặt ba-toong ở chỗ nào…)”[18].
Còn ngồi trên ghế nhà trường mà đã có tò mò, chú ý khá kỹ như thế cũng tốt! Năm 1924, Nguyễn Đình Lễ đỗ bằng sơ học Pháp Việt rồi ốm một năm. Trong thời gian này, mẹ ông nghe lời vị linh mục trong xứ đạo đi hỏi và cưới vợ cho ông. Bài Mẹ chồng tôi, bà Thế Lữ của người dâu út nhà thơ Thế Lữ[19] gửi e-mail cho tôi ngày 28-2-2009, cho biết: “Mẹ sinh năm 1905, tại một làng đạo tỉnh Hà Nam. Cha xứ dạy con chiên học đọc để đọc kinh, không dạy viết. Con gái xóm quê, chưa từng đi học bao giờ, học khó quá, thì cha ra lệnh: “Không biết đọc thì không được phép thông công”, nên mẹ biết đọc. Đến khi muốn trả lời thư bố, thì mẹ phải nhờ cô em nuôi trong nhà viết giùm, giấu bà. Đến mấy chục năm sau, thỉnh thoảng cô ấy đến chơi nhà, vẫn kể cho chúng tôi nghe chuyện thay mẹ viết thư cho bố. Tuy nhiên, mẹ rất thông minh, thuộc tất cả thơ của bố. Mẹ cũng chịu khó đọc thêm sách, truyện, báo chí…”[20].
Mười bảy tuổi, Nguyễn Thứ Lễ kết hôn hợp pháp với cô Nguyễn Thị Khương lớn hơn ông hai tuổi. Cưới vợ xong, Nguyễn Thứ Lễ vào học bậc Thành chung ở Hải Phòng. Khoảng thời gian 1924-1925, tinh thần yêu nước được các thầy giáo Trịnh Đình Rư, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Hữu Tảo… nhen nhóm trong đầu óc học sinh, cùng với báo chí từ bên Pháp đưa về qua Cảng Hải Phòng. “Đầu năm 1928, nhân Hội Trí tri (Hải Phòng) vận động xây dựng sân bóng, Hoàng Ngọc Phách tập hợp một số học sinh (trong đó có Thế Lữ) diễn vở Lọ vàng. Được sự uốn nắn của một nhà văn kiêm nhà giáo có tiếng, anh em học sinh rất phấn khởi tập luyện. Do đóng vai Lão Quý khá xuất sắc, Thế Lữ được thầy khen, bạn bè mến”.[21] Lọ vàng là vở kịch của Plaute được Mai Phương phóng tác. Thời gian này, Thế Lữ cho biết thêm: “Từ năm 1928 tôi đã có dịp đi vào đường chính nghĩa, tham gia Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, nhưng do động cơ không thuần (muốn thành chí sĩ lưu tên hậu thế) nên khi phong trào xuống, trước sự khủng bố của giặc, tôi sợ gian khổ mà rút lui”.[22]
Điều này không phải Thế Lữ nói thêm. Kỷ niệm 8 năm ngày mất nhà thơ Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi viết: “Trong buổi nói chuyện thân mật với mấy anh em văn nghệ, đồng chí Nguyễn Văn Linh có kể lại, hồi trẻ, đồng chí còn đi học và hoạt động cách mạng ở Trường Cao đẳng Tiểu học Hải Phòng, bạn học cùng trường có anh Thế Lữ, anh đã tham gia Thanh niên cách mạng đồng chí hội”[23]. Năm học 1928-1929, Nguyễn Đình Lễ học năm thứ ba bậc Thành chung, nhưng ông lại không thích học và nhân một trận ốm, ông thưa với mẹ: “Con mà học nữa thì con chết mất”[24]. Thương con, mẹ ông đồng ý và ông đến trường xin thôi học.
Thời gian này, Nguyễn Đình Lễ gặp họa sĩ Mai Trung Thứ, nên lại quyết tâm theo nghề vẽ. Do đó, năm 1929-1930, ông lên Hà Nội xin thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật hệ “bàng thính tự do” và được quen với nhiều bạn mới, như: Nguyễn Tường Lân, Trần Bình Lộc, Nguyễn Đỗ Cung, Hoàng Lập Ngôn… (Những người này sau khi ra trường trở thành những họa sĩ nổi tiếng). Họ lập nhóm tâm giao (Les inséparables) vừa vẽ vừa nói chuyện thời thế và cả chuyện văn chương. Sau đó có thêm Ngô Bích San, Vũ Đình Liên.
Lúc học mỹ thuật, ông nhớ lại những chuyện kể nghe được từ thuở thiếu thời ở Lạng Sơn. Ông lần lượt “kể lại” trên giấy thành ba truyện: Một chuyện báo thù ghê gớm, Tiếng hú hồn của mụ ké, Tiếng nói thầm của người chết. Khi nghe ông đọc những truyện này, chủ nhà trọ bảo: “Cậu phải làm văn sĩ, chứ không làm họa sĩ được”[25]. Câu khen của ông chủ nhà giúp cho Nguyễn Đình Lễ thêm tự tin. Trong buổi sinh hoạt của nhóm, Nguyễn Đình Lễ đem truyện mình ra đọc cho bạn bè nghe. Các bạn nhìn ông với cặp mắt thán phục. Và Nguyễn Đình Lễ thấy mình… có tài!
Vũ Đình Liên đề nghị xuất bản những truyện này, và hai người mang đến một số nhà in nhưng không đâu chịu xuất bản vì họ không phải nhà xuất bản. Cuối cùng, hai người đưa đến Nhà xuất bản Tân dân, nhưng để thu hút sự chú ý, Nguyễn Đình Lễ bàn với Vũ Đình Liên rồi thêm vào cận tên Nguyễn Thế Lữ một tên phụ nữ không có thật trên đời: Đào Thị Tô. Chủ Nhà xuất bản Tân dân là Vũ Đình Long nhận bản thảo, hẹn nửa tháng sau đến biết kết quả.
Đến ngày hẹn, Nguyễn Thứ Lễ cố làm dáng hơn một chút bằng cái áo the tốt và cái quần trắng hơn mọi ngày, cùng Vũ Đình Liên đến gặp ông chủ Nhà xuất bản Tân dân. Vũ Đình Long khen Nguyễn Thế Lữ là nhà văn có tài, khiến tác giả sướng mê tơi, còn người bạn đi cùng cũng cảm động không kém làm đổ cả ly nước trà. Sau một hồi trao đổi tiền bạc, hai bên đặt bút ký giao kèo với tác quyền 40 đồng.
Cầm tiền trong tay, cây bút trẻ Nguyễn Thế Lữ đưa Vũ Đình Liên đi ăn phở. Số tiền còn lại về đưa cho mẹ và cho mẹ biết đó là tiền viết sách của mình. Cũng như bao bà mẹ khác, bà An mừng ra mặt và đi khoe khắp họ hàng. Bà An trích ra một phần tiền nhuận bút, mua cho con chiếc xe đạp Diamant của Pháp. Nguyễn Thứ Lễ sung sướng mang xe lên Hà Nội, điều mà trước đó, Nguyễn Thứ Lễ không dám nghĩ đến.
Phát hiện ra mình có chút tài trong việc viết lách, nên sau một trận sốt rét phải nghỉ học vẽ hơn ba tuần, Nguyễn Thứ Lễ quyết định rời Trường Mỹ thuật, về Hải Phòng an dưỡng. Lúc này (1930-1931), Nguyễn Thế Lữ bắt đầu làm thơ. Một trong những bài thơ đầu tiên của ông là Lời than thở của Nàng Mỹ thuậtLựa tiếng đàn. Ông chép và gửi lên Hà Nội cho các bạn đọc. Trong khi đang an dưỡng và “lập chí” (theo Thế Lữ là làm văn), thì một buổi sáng, Nguyễn Thứ Lễ phát hiện trong đờm có xen lẫn máu tươi. Lúc bấy giờ, bệnh lao là một trong tứ chứng nan y. Ngày ấy, ai mắc phải bệnh lao thì chẳng khác nào thần chết đang kề cận bên giường muốn dẫn đi lúc nào thì dẫn chẳng có thế lực nào ngăn cản được. Những nhà văn cùng thời với Thế Lữ lúc đó, như Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam vẫn không thoát khỏi tay tử thần từ căn bệnh quái ác ấy. Thế Lữ kể: “Tôi xuống Đồ Sơn ở hai năm; rồi mẹ tôi làm cho một nếp nhà lá cách Hải Phòng mấy ki-lô-mét, tôi về ở. Lúc ấy tôi bị lao; đốc-tờ bảo: “Anh có cái gì thì ăn uống cho hết, chứ bệnh anh thế này, tôi không dám đảm bảo”… Rời Đồ Sơn để về Hải Phòng, cánh đồng chiêm phải đi thuyền; bước xuống thuyền trên nước mênh mang, như đời tôi vào chỗ vô định. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tôi không thể chết. Tôi tìm thuốc chữa, rồi khỏi; cuối cùng cũng chỉ do ăn uống, nghỉ ngơi”[26].
Những ngày chữa bệnh ở Đồ Sơn, Thế Lữ không chịu nằm nghĩ quẩn, mà lao vào công việc. Ông kể, một lần “đi thăm Chùa Hang ở Đồ Sơn; có cái hang Dơi, trước kia đã là nơi thờ gì đó; buổi chiều đến đây đứng một mình thì thấy vắng vẻ lắm. Cái cửa hang này đã thôi miên tôi; tôi nhấc nó đem đặt ở một chỗ thật khuất nẻo, nghĩ: một người bị quăng vào trong này thì khổ sở biết chừng nào. Dần dần nghĩ thêm, dẫn đến câu chuyện để của; từ đầu nhân vật chủ yếu là một con người bị lạc vào đấy, sau rồi mới là ông quan Châu, kết hợp với chuyện người Tàu để của, vào lục kiếm trong hang; từ lúc nghĩ sang như thế, thì câu chuyện không rời mình nữa”[27]. Và khi về Hải Phòng, ông hình dung ra một hang Văn Dú trong trí tưởng cùng những cung bậc tình cảm, những hiểu biết, những dấu ấn của thuở thiếu thời… Và truyện Hang thần ra đời.
Khi Vũ Văn Hiền[28] đến thăm, Thế Lữ đưa đọc và nhờ bạn mang lên Hà Nội giới thiệu với các báo. Trước khi đưa bạn mang đi, Thứ Lữ sửa lại nhan đề Hang thần thành Vàng và máu. Sau đó không lâu, Vàng và máu được đăng trên Ngọ báo. Phạm Thế Ngũ còn cho biết thêm: “Trước khi gia nhập Tự lực văn đoàn, Nguyễn Thứ Lễ đã viết Một đêm trăng trên báo Nông công thương ở Hà Nội, đã đăng cả Vàng và máu trên một tờ báo khác”.[29]
Nói chung, trước khi về với báo Phong hóa, Thế Lữ đã viết văn xuôi. Truyện Vàng và máu lần đầu tiên được đăng trên Ngọ báo được bạn đọc chú ý, đặc biệt là Nhất Linh.
Sau thời gian dưỡng bệnh, thấy người đã khỏe, muốn lên Hà Nội vừa kiếm sống vừa thực hiện ước mơ của mình, Nguyễn Thế Lữ viết thư cho Vũ Văn Hiền. Được sự ủng hộ của bạn, Nguyễn Thế Lữ lên Hà Nội. Và “Bần hữu hội” lúc đó của Nguyễn Thế Lữ, gồm có Vũ Đình Hòe, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc, Phạm Văn Hạnh… Nguyễn Lương Ngọc kể: “Gác trọ chúng tôi, chính là nhà trên của anh Vũ Đình Hòe. Mấy chúng tôi, anh Vũ Văn Hiền, anh Yên, anh Thế Lữ, tôi và cả anh Hòe nữa. Chúng tôi cùng ở, cùng ăn với nhau trên gác, do ông bà của anh Hòe nấu nướng. Chả sang trọng gì nhưng ấm cúng tình thanh niên. Các anh khác thì đi học, học luật, học trung học. Anh Thế Lữ và tôi thì thay phiên nhau đi làm người sửa bài in cho một tờ báo Pháp do một người Pháp làm chủ, tờ “La volonti indochinoise”. Bài vở không nhiều, toàn là tin vặt và tin cắt xén từ báo Pháp khác. Chỉ có độc một bài xã luận, chính lão chủ Pháp tự viết lấy, với tư tưởng bảo hoàng và thực dân do Le De Montpaza chủ trì”.[30]
Như vậy, khi đặt chân lên Hà Nội lần này, Nguyễn Thế Lữ đã kiếm được việc làm nuôi thân, không phải dựa vào gia đình nữa. Điều này cũng đúng thôi, bởi dù sao, ông cũng đã là người trưởng thành, có vợ, có con (con trai đầu của ông là Nguyễn Đình Nghi, sinh năm 1929, sau này theo nghiệp bố, học hành tử tế, đạt học vị tiến sĩ chuyên ngành sân khấu và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân; năm 1931, vợ chồng ông có thêm người con gái là Nguyễn Thị Tâm), chứ đâu còn tuổi ăn tuổi lớn nữa đâu. Nhưng cùng là “hội viên của Bần hữu hội”, nên Thế Lữ cùng chia sớt chén cơm manh áo với bạn bè. Nguyễn Lương Ngọc cho biết: “Hai chúng tôi cũng chia sẻ đồng lương ít ỏi, phải nói là anh Thế Lữ đã có lòng tốt chia sẻ việc làm cho tôi, vì anh biết là tôi đương thất nghiệp… Chúng tôi đi làm từ tám giờ sáng đến mười giờ hơn, khi báo đã lên khuôn thì chúng tôi ra về. Thời gian còn lại chúng tôi đọc sách, làm văn… Anh nói với tôi: “Tôi đã dịch Etgan Poe, tôi thích cách kể của nhà văn này”. Quyển Vàng và máu của anh có lời kể hấp dẫn, ly kỳ, có cách hành văn súc tích, sáng sủa, có kết cấu khoa học, lô gích. Phải chăng đấy là công phu nghiên cứu, tập tành của một cây bút muốn vào đời và vào đời một cách vinh quang. Anh đã luyện tay viết văn xuôi từ khi còn đi học. Nhưng anh có tâm hồn thơ. Chính ở gác trọ của chúng tôi anh mới bắt đầu làm thơ […] Anh viết văn xuôi cũng rất say sưa, cùng với nhịp điệu nội tại của các vế câu của áng văn. Tôi đã quan sát anh khi anh viết quyển Vàng và máu”.[31]
Khi lên Hà Nội là công việc chữa morasse kiếm sống và tranh thủ viết văn làm thơ quả không sai, nhưng nói như Nguyễn Lương Ngọc là chưa đúng. Như Thế Lữ kể thì ông bắt đầu làm thơ từ những ngày dưỡng bệnh sau trận sốt rét ác tính và chữa bệnh lao ở Hải Phòng (1930-1931). Ngày ấy, ông đã viết và gửi lên cho các bạn thời học Trường Mỹ thuật Đông Dương bài Lời than thở của Nàng Mỹ thuậtLựa tiếng đàn; còn truyện Vàng và máu thì cũng viết ở Hải Phòng trong những ngày ấy, chứ không phải lúc lên sống ở Hà Nội mới làm thơ và viết truyện Vàng và máu.
Qua “nhịp cầu” của Ngô Bích San, Thế Lữ làm quen với Tú Mỡ. Qua “nhịp cầu” của Tú Mỡ, Thế Lữ làm quen với Nhất Linh và anh em trong tòa soạn báo Phong hóa. Khoảng quý I-1933, Nguyễn Thế Lữ được Nhất Linh mời về làm chung tòa soạn báo Phong hóa và trở thành một trong sáu thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn – nhóm văn học tư nhân đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam có tôn chỉ, mục đích, có cơ quan ngôn luận (báo Phong hóa, Ngày nay), có nhà xuất bản riêng, nhà in riêng (Đời nay), có giải thưởng văn học hằng năm cho những cây bút xuất sắc nhất trong nước mà không phải thành viên của nhóm, nghĩa là không phải tự mình khen thưởng cho mình (Giải thưởng Tự lực văn đoàn), cùng những việc làm sau mặt báo, như lập Hội Ánh sáng để lo chỗ ở cho dân nghèo vừa thoáng mát, vừa hợp vệ sinh; lập Tự lực học đoàn để xóa mù cho những người không đủ điều kiện đến lớp…
Trên báo Phong hóa, Nguyễn Thế Lữ là nhà thơ đầu tiên khẳng định lối thơ mới đắc thắng trước lối thơ cũ đã tồn tại trong lịch sử văn học dân tộc cả ngàn năm qua. Bên cạnh việc viết văn, làm thơ đăng trên báo Phong hóa (1932-1936), Ngày nay (1935-1945), Thế Lữ còn là một nhà báo chuyên nghiệp như bao anh em khác trong tòa soạn. Tuy chỉ có sáu người nhưng hằng tuần, họ phải bày lên “bàn tiệc” những món ăn tinh thần đẹp mắt nhất, ngon nhất để phục vụ người đọc, kể cả những người đọc khó tính. Và cái tên Lê Ta (bút danh của Thế Lữ khi viết báo, nhưng có một số bài báo, ông cũng ký tên Thế Lữ, và một số truyện ngắn ông cũng ký tên Lê Ta, thậm chí có một số bài ngay dưới nhan đề ký tên Thế Lữ, nhưng cuối bài thì ký tên Lêta, có bài thơ ông ký tên Lêta) cũng nổi tiếng một thời trong làng báo.
Những bài thơ, truyện ngắn, truyện vừa của Thế Lữ in trên báo Phong hóa (tuần/kỳ), Ngày nay (10 ngày/kỳ), phần lớn lần lượt được Nhà xuất bản Đời nay in thành sách. Trước Cách mạng Tháng Tám, Nhà xuất bản Đời nay in cho Thế Lữ hơn 10 đầu sách và là một trong ba thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn (cùng với Khái Hưng, Nhất Linh) xuất bản nhiều sách nhất trong thời gian này.
Vào đầu năm 1935, Thế Lữ đã chú ý đến lĩnh vực kịch nói. Trên báo Ngày nay, Thế Lữ đã viết bài Một vở kịch, một chủ ý: Không một tiếng vang – Dân sinh bi kịch của Vũ Trọng Phụng. Thế Lữ viết: “Không một tiếng vang chia làm ba hồi. Ba hồi tối tăm, chậm chạp, nặng nề, vì lời nói của các vai đậm quá và thiếu vẻ tự nhiên. Những đoạn anh cả Thuận, chị cả Thuận thuật cảnh sung túc xưa, soạn giả cho xen vào một cách ngượng ngập quá”.[32] Phải chăng đây là cái cớ, kích thích bầu máu nóng của chàng thanh niên Thế Lữ đến với kịch? Tôi tin như vậy, bởi Khái Hưng lớn tuổi hơn Thế Lữ nhưng vẫn quyết không chịu thua ai, nhất là khi “ngửi” không nổi những kịch bản kiểu ấy, nên đã viết rất nhiều vở kịch. Báo Ngày nay đã đăng nhiều vở kịch của Khái Hưng và các vở kịch khác của những tác giả đương thời. Giải thưởng Tự lực văn đoàn năm 1937 cũng không ngần ngại trao giải nhất cho vở kịch Kim tiền của Vi Huyền Đắc với số tiền thưởng không nhỏ: 50 đồng, ngang với tiểu thuyết Bỉ vỏ của Nguyên Hồng. Năm 1937, Nhà xuất bản Đời nay cũng ấn hành tập kịch ngắn gồm 6 vở của Đoàn Phú Tứ với nhan đề chung: Những bức thư tình
“Cuối năm 1938, Thế Lữ kết hôn với người vợ sau là diễn viên kịch nói Song Kim. Song Kim có tên khai sinh là Nguyễn Thị Nghĩa, sinh năm 1913 tại huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (cũ)”[33]. Về họ của Song Kim, năm 2004, trên báo Văn nghệ Công an, Nguyệt Hà cũng viết: “Nghệ sĩ Song Kim sinh ra và lớn lên ở làng Bạch Mai, trong một gia đình không hẳn khá giả, nhưng nề nếp gia phong. Cô bé Nguyễn Thị Nghĩa được cha mẹ cho đến trường Pháp học tập”.[34]
Song Kim mang họ Nguyễn chắc chắn là không đúng. Khi biết bà tham gia đóng kịch thì có nhiều lời ra tiếng vào. Song Kim nhớ lại và viết:
“Sau người ta bảo thẳng mẹ tôi:
- Bà liệu khuyên can cô ấy đi, con sâu làm rầu nồi canh. Để cô ấy làm thế là bôi xấu họ Phạm đấy!”.[35]
Như vậy, Song Kim mang họ Phạm chứ không phải họ Nguyễn như Phạm Đình Ân đã viết. Trang web Wikipedia.org, cũng cho biết Song Kim là nghệ danh của Phạm Thị Nghĩa, sinh ngày 14-4-1913, tại huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (cũ) nay thuộc nội thành Hà Nội. Bà sinh ra trong một gia đình quan lại, cha của bà là ông quan phủ Mẫn. Theo hồi ký Phạm Duy, thì bà là cô của Thái Thanh, Phạm Đình Chương, Thái Hằng. Lên trung học, bà học Trường Nữ học Armand Rousseau. Hai mươi tuổi, bà làm giáo viên tại Trường Tư thục Khuê Anh và Trường Victor Hugo.
Thú thật, chuyện này, tôi không rành lắm vì tìm lý lịch của Song Kim không dễ và hồi ký của Phạm Duy xuất bản ở đâu, năm nào, trang mấy…, trang web không ghi rõ. Trong cuốn hồi ức Nhớ của mình, Phạm Duy có viết: “Học trước chúng tôi vài năm là Tạ Tỵ, Phạm Văn Đôn, Trần Văn Lắm, Nguyễn Thị Kim… Hai chàng sinh viên họa sĩ Đôn và Lắm đánh nhau dữ dội ở trong lớp để tranh giành người đẹp Nguyễn Thị Kim. Phạm Văn Đôn ăn đòn nặng của Trần Văn Lắm nhưng lại chiếm được trái tim của nữ họa sĩ kiêm nữ điêu khắc gia. Đôi vợ chồng này về sau thành ra có tí ti liên hệ gia đình với tôi: vợ tôi, Thái Hằng, là em họ gần của Đôn và Kim”.[36]
Người phụ nữ có tên Kim không phải là Song Kim mà là họa sĩ kiêm điêu khắc gia Nguyễn Thị Kim. Theo những gì Phạm Duy đã viết thì bà con phía vợ của Phạm Duy chắc là Phạm Văn Đôn. Vậy Phạm Văn Đôn có bà con gì với Phạm Thị Nghĩa để “là cô của Thái Thanh, Phạm Đình Chương, Thái Hằng”?
Sau cái tang của Thạch Lam (27-6-1942), Tú Mỡ giúp đỡ Thế Lữ – Song Kim về sống tại Láng, cách nhà Tú Mỡ khoảng 100 m. Một số anh em văn nghệ sĩ thường đến chơi với Thế Lữ, bàn chuyện văn thơ, sân khấu. Theo Song Kim, “Một số anh em hăng hái mới được hình thành trong số bạn hữu của chúng tôi… không kể Mai Lâm, Huyền Kiêu những người bao giờ cũng ở lại cho đến phút cuối cùng là anh Phạm Văn Khoa (sau này là đạo diễn Xưởng phim truyện Việt Nam, anh mất năm 1993), Trần Đình Thọ, Phạm Văn Đôn (ngày ấy là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật năm thứ ba, sau đều là Giáo sư giảng viên). Đôi bạn này thân nhau, hình như không bao giờ có mặt người này lại thiếu người kia ở nhà tôi”.[37] Phạm Văn Đôn là một trong năm người thành lập Ban kịch Thế Lữ và trong suốt cuốn hồi ký của mình, tôi không thấy chi tiết nào Song Kim nói đến quan hệ dòng tộc với Phạm Văn Đôn.
Trên báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam, Phạm Văn Đôn cũng nhắc đến những buổi đầu đến gặp Thế Lữ và sự hình thành Ban kịch Thế Lữ, nhưng cũng không thấy ông nói có bà con gì với Song Kim. Tôi cũng tin họ chẳng có bà con gì, vì Phạm Văn Đôn có viết một chi tiết: “Nhớ lại những ngày cách đây vừa đúng nửa thế kỷ, hồi đó tôi còn là một anh sinh viên mới vào năm thứ nhất Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ở lứa tuổi hai mươi.
Được chị Song Kim giới thiệu, tôi, Nguyễn Thị Kim và Trần Đình Thọ đến thăm anh Thế Lữ”.[38] Chi tiết này so với chi tiết của Song Kim được dẫn ở trên “là sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật năm thứ ba” quả có cách biệt nhiều lắm. Nếu là chị em ruột thịt thì khó có “độ vênh” như thế.
Chi tiết “Cuối năm 1938, Thế Lữ kết hôn với người vợ sau là diễn viên kịch nói Song Kim”, không chỉ mình Phạm Đình Ân viết mà trước đó Văn Tâm cũng đã viết rằng, “một tình yêu của đạo diễn Gái không chồng, Sau cuộc khiêu vũ (Thế Lữ) đối với nữ diễn viên đóng các vai Mão, Xuyến (Song Kim) đã nhanh chóng dẫn đến hôn nhân (cuối năm 1938)”[39], và không ít tư liệu đã viết như thế hoặc gần như thế. Theo tôi, tất cả những ý kiến như thế và gần như thế chẳng qua vì quý mến nhau và nói cho sang chứ sự thật đều không đúng. Thời điểm đó, Thế Lữ là người đã có vợ, có những bốn người con[40], và đã ly hôn hồi nào đâu mà được phép kết hôn với Song Kim? Đó là luật đời, còn luật đạo lại càng không cho phép. Theo lời Thế Lữ kể thì ông chịu phép rửa tội lần đầu từ khi được mẹ đánh tháo từ Lạng Sơn về Hải Phòng và luôn là người ngoan đạo.
Sao Mai còn nhớ: “Ra Phòng, ba má tôi thuê một căn gác đi cầu thang riêng ở phố Đường Cát Cụt. Ba tôi một đời ABC, không có nhà đi ở thuê. Tầng dưới có gia đình nhà thơ Thế Lữ.
Hai nhà trên dưới không cãi nhau, suốt những ngày phải chung thở một bầu không khí. Cái chính là vì khác nghề, không chung sân đá, không cùng một thung kiếm tôm tép cá mú. Đến bữa, mâm ai nấy ngồi. Nhưng lại chung một mùi hương nến giáo đường do nhà ông Thế Lữ phả ra mà thôi…
Ở trên gác, thỉnh thoảng tôi lại xuống lưng chừng cầu thang ghé mắt nhìn qua lớp ván hở xem bà mẹ đẻ nhà thơ Thế Lữ ngồi trước con cháu cầu kinh sáng tối. Nhà thơ của bài Nhớ rừng này lông mày rậm, gò má cao, má hõm, mắt trố sáng quắc làm tôi thấy sờ sợ nếu bất chợt chạm phải ánh mắt ông. Lúc làm dấu, có buổi ông lại lẩm nhẩm tiếng Pháp, tôi nghe chỉ thấy nhí nhố, mãi khi vào học ở trường đạo Saint Zoseph mới biết đấy là câu: “Au nom du père, du fils, du Saint-Esprit, ainsi soit-il” (Nhân danh Cha và Con và Thánh thần – Amen!)”[41].
Và đã là Kitô hữu thì không thể không nhớ những điều răn:
“- Ngươi không được giết người.
- Ngươi không được ngoại tình.
- Ngươi không được trộm cắp.
- Ngươi không được làm chứng gian hại người.
- Ngươi không được ham muốn nhà người ta, ngươi không được ham muốn vợ người ta, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta”[42]
Từ đó, tôi nghĩ cả luật đời lẫn luật đạo không có luật nào cho phép Thế Lữ kết hôn với Song Kim. Thế Lữ lừa Song Kim chăng? Không phải. Song Kim chắc chắn biết Thế Lữ đã là người có vợ, có con. Ngày ở Hải Phòng, tập trung các diễn viên đến tập kịch, có lúc Thế Lữ đưa mọi người về tập ở nhà riêng của mình. Nguyễn Đình Nghi, con trai lớn của Thế Lữ, kể: “Tôi còn nhỏ, chưa phải làm gì nên chỉ có cách tốt nhất là trèo lên giữ ổi. Lúc này, bố tôi đang dàn dựng kịch. Các cô diễn viên Thanh Hương, Lan Bình, Kiều Hạnh… đến nhà tôi tập cũng mê gốc ổi này lắm. Các cô hay rủ nhau ra cây ổi để hái. Và thế là các trò chơi được bày ra. Các cô thường dùng lối nói lái trong tiểu thuyết trinh thám của bố tôi để đố nhau và đố tôi. Trò chơi ấy ảnh hưởng đến cả việc tập vở. Thế là cả tôi và các cô đều được ông “xạc” cho một trận. Tất nhiên tôi phải chịu trận nặng đòn hơn”.[43] Ở đây, Nguyễn Đình Nghi không nhắc đến tên Song Kim, nhưng có nhắc đến Lan Bình. Lan Bình là bạn thân của cô giáo Phạm Thị Nghĩa và là người cầm thư của Thế Lữ từ Hải Phòng lên Hà Nội rủ cô giáo Nghĩa xuống Hải Phòng tập kịch. Và buổi ra mắt tối kịch ngày 15 tháng 10 năm 1930, Song Kim còn nhớ rất rõ: “Nguyễn Đình Nghi (hiện nay là đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân) năm ấy mới trên mười tuổi đóng vai một đứa trẻ vào chỉ nói một câu”.[44] Điều này cho thấy, Song Kim biết rất rõ hoàn cảnh gia đình của Thế Lữ chứ không phải Thế Lữ lừa dối Song Kim là mình còn độc thân.
Vậy Thế Lữ đến với Song Kim như thế nào? Theo Văn Tâm, “Ban kịch Tinh hoa hình thành từ năm 1936, được khá đông văn nghệ sĩ tài danh thuộc nhiều ngành nghệ thuật khác nhau cộng tác: Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Bình Lộc, Nguyễn Xuân Khoát… – có thể nói ban kịch bán chuyên nghiệp này từ năm 1935 đã manh nha qua nhóm văn nghệ sĩ, trí thức thường xuyên “tương ngộ” tại căn gác nhà ông Vũ Đình Hòe ở 142 bis Hàng Đẩy (nay là nhà số 15, phố 356)… Một trang trong bản Chương trình (để quảng cáo hoặc biếu khán giả) đêm diễn ra mắt ban kịch Tinh hoa in nội dung như sau:
“Nhà hát của Thành phố Hà Nội - Tối thứ bảy 13 Mars 1937 – ban kịch TINH HOA diễn lần thứ nhất – Hai vở kịch của Đoàn Phú Tứ. – SAU CUỘC KHIÊU VŨ – Hài kịch một hồi – Thế Lữ dàn kịch – Gia Trí và Đỗ Cung bày cảnh – các vai: Minh: Đoàn Phú Tứ; Sâm: Thế Lữ; Xuyến: cô Khánh Vân. 2- GHEN – Hài kịch ba hồi – Thế Lữ dàn kịch – Gia Trí và Đỗ Cung bày cảnh – Các vai: Tuấn: Đoàn Phú Tứ; Linh: Vũ Đình Hòe; Trọng: Thế Lữ; Kim (vợ Tuấn): bà Lê Đình Quỵ; Liên (em Kim): cô Khánh Vân; Bà Tám (mẹ Kim): cô Minh Trâm; Thằng nhỏ: ông X””.[45]
Bản Chương trình cho chúng ta thấy Thế Lữ đã tham gia Ban kịch Tinh hoa ngay từ những ngày đầu và không chỉ tham gia công việc đạo diễn mà còn tham gia công việc diễn viên. Tú Mỡ còn cho biết thời gian này, Thế Lữ “ít có thì giờ nghĩ đến thơ. Năm thì mười họa có bài đăng báo thì cũng không còn giữ được vẻ trong sáng lâng lâng hồi trước, nguồn cảm hứng hồ như cũng tắc, hồn thơ hình như héo hắt, có chiều đi xuống sa đọa. Bài thơ Ma túy là một biểu hiện rõ rệt của sự sa đọa ấy”.[46]
Ngày đó, một cô giáo trẻ tên Phạm Thị Nghĩa vừa yêu sân khấu vừa có bạn tham gia đóng vai trên sân khấu của Ban kịch Tinh hoa rủ rê, nên đã tranh thủ đến xem các diễn viên tập kịch. Một thời gian sau, khi được Thế Lữ nhờ diễn viên Lan Bình – bạn của cô giáo Nghĩa cầm thư lên Hà Nội mời cô giáo Nghĩa xuống Hải Phòng đóng kịch, thì cô giáo Nghĩa nhận lời ngay (Lan Bình sau này là vợ nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát – V.G). Đoàn Phú Tứ trực tiếp đón các cô đưa xuống Hải Phòng. Cô giáo Phạm Thị Nghĩa nhớ khá rõ kỷ niệm đầu đời đến với sân khấu kịch nói: “khi xe sắp chuyển bánh, Đoàn Phú Tứ chợt nói với tôi:
- À, xin cô cho biết tên của cô, nghĩa là cái tên sẽ công bố, sẽ in lên các bảng áp-phích và đăng lên báo ấy! Tôi sững sờ một lát:
- Tên tôi?... Tên tôi ư?
Và trong thoáng chốc ấy, tôi nghĩ đến trăm nghìn chuyện xoay quanh cái nền nếp phong kiến đầy những ác ý, trong các chi phái lớn của họ hàng nhà tôi…
Đoàn Phú Tứ đã mở sổ tay và bút máy – “ô-tô-ray” đã báo hiệu khởi hành. Tôi nói vội một cái tên chợt hiện ra:
- Song Kim, anh cứ ghi là Song Kim. Xe chạy, Lan Bình hỏi tôi:
- Mày tự đặt hay ai đặt cho mày cái tên ấy?
- Tao tự đặt, mà vừa mới đặt xong.
- Song Kim? Song Kim nghĩa là gì?
- Là một tên riêng. Để giấu tên thật thôi. Tên riêng “ẩn danh” thì cần gì phải có ý nghĩa. Thôi! Bình ơi! Để thì giờ xem lại vở đi”.[47]
Và họ đến Hải Phòng. Cái thời khắc đáng nhớ là thời khắc Song Kim chuẩn bị bước lên sàn tập vở kịch nói một hồi Gái không chồng trong vai cô Mão cùng với Thế Lữ trong vai Đường: “Lúc ấy là 11 giờ ngày 25 tháng 4 năm 1938”.[48]
Từ đó, Thế Lữ và Song Kim thường gặp nhau để trao đổi về vở diễn, về nhân vật được phân công đảm trách, về cách diễn sao cho đạt yêu cầu nhất…
Ngày ấy, “mùa sân khấu” chỉ diễn ra từ cuối thu sang đông và vấn đề kinh phí để trang trải cho những ngày tập luyện không hề đơn giản. Mặc dù Ban kịch Tinh hoa lúc đầu diễn theo “ý thích” của mình, nghĩa là không đợi đúng “mùa sân khấu”, nhưng vấn đề kinh tế mới là mấu chốt quyết định sự tồn tại hay không tồn tại của ban kịch. Theo Song Kim, thời đó, “làm kịch mà không có lương ăn không có sự bảo trợ nào, ngoài cái chạy vạy của Thế Lữ”.[49] Trong thực tế, Thế Lữ không từ nan điều gì miễn sao đưa được các vở diễn lên sân khấu, nhất là chọn được cho Song Kim vai diễn hợp ý nhất, thậm chí còn tạo cho Song Kim có ấn tượng đặc biệt… về mình. Gần bảy mươi năm sau, Song Kim vẫn còn nhớ: “Qua dịp làm việc trong vở “Gái không chồng” bữa nọ Thế Lữ nói tiếp, và qua những câu chuyện trao đổi với cô tôi thấy ở cô một tài năng và một tinh thần nghệ thuật mà tôi rất quý trọng. Tôi mong đợi ở cô rất nhiều về đóng góp về lâu dài cho sân khấu kịch nói. Dịp làm việc này, chọn hai vở trong một tối diễn để trao cho cô hai việc khác nhau. Từ người thiếu nữ làm nghề gái nhảy, đến bà mẹ nghiêm nghị nền nếp của một gia đình phong lưu, chính là tôi muốn được tiến hành cùng với cô mỗi bước thử thách khá mạnh bạo, khá quan trọng lại rất xứng đáng để ta dồn sức vào mà làm kỳ cho đến thành công”[50]. Và Thế Lữ giúp Song Kim tận tình chứ không phải nói cho có nói. Thế Lữ giới thiệu Song Kim đến ‘làm quen với cô vũ nữ ở tiệm nhảy Nit Sơ Vô”[51] để nhập vai cô Xuyến trong vở Sau cuộc khiêu vũ (Thế Lữ thủ vai Minh); hướng dẫn Song Kim từng chi tiết để nhập vai cụ Phán bà trong vở Ông Ký Cóp (Thế Lữ thủ vai Ông Ký Cóp)…
Tròn bảy mươi năm sau (1938-2008), tôi là người đàn ông mấp mém tuổi sáu mươi mà đọc những dòng ấy cũng thấy xúc động trước sự “chăm sóc” của Thế Lữ huống gì cô gái mới lớn, mới chập chững bước vào đời như Song Kim. Vào thời điểm năm 1938, Thế Lữ là nhà thơ đã, đang nổi tiếng nhất nước; hằng tuần, trên báo Ngày nay – tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất nước, có uy tín nhất xứ Bắc kỳ – đều có bài của “ngự sử văn đàn” Lê Ta (có lúc ký tên Thế Lữ), và không thiếu truyện ngắn, truyện vừa, truyện dịch ký tên Thế Lữ, Lê Ta. Với uy tín ấy, danh vọng ấy, cơ quan ngôn luận ấy…, người ta sắp hàng cầu cạnh không hết, thế mà con người nổi tiếng kia lại tự nguyện chăm sóc con chim non mới chấp chới chuyền cành như cô giáo Phạm Thị Nghĩa một cách rất chi tận tình, thì cô giáo Nghĩa không xúc động mới là chuyện lạ.
Rồi việc gì đến cũng phải đến. Song Kim kể: “Bấy giờ là khoảng cuối năm 1938 vào một buổi chiều, nhằm ngày kỵ của gia đình tôi, Thế Lữ đến với tôi, tay cầm một bó hoa, bọc cẩn thận trong giấy bóng kính.
Tôi hơi ngạc nhiên: cái anh chàng vô tâm hạng nhất đối với những lễ giáo phép tắc của cuộc đời, sao hôm nay lại tỏ ra một cách lịch sự chu đáo đến thế? Bởi Thế Lữ thường cặn kẽ cẩn thận với những người, những việc có liên quan tới công việc nghệ thuật mà anh đang chăm chú thôi.
Nhưng tôi đã lầm.
Trước khi ra về, anh ngồi lại nói chuyện riêng với tôi khá lâu, và cuối cùng đưa ra một đề nghị không phải quá bất ngờ, nhưng cũng không phải không đột ngột: anh đề nghị anh cùng tôi kết hợp hai cuộc đời lại với nhau.
Phút im lặng anh nhìn tôi trước lời đề nghị đó, đã chứa đầy ý nghĩa, vậy mà tôi vẫn hồi hộp khác thường.
Từ bao lâu nay qua mấy vở kịch cùng làm với nhau. Thế Lữ đã đôi lần nhắc đến chuyện anh mong ước có sự phụ lực của tôi trên bước đường sân khấu.
Câu nói: làm người bạn đường, thường được nhắc đến để lộ rõ ý nghĩa gắn bó xa xôi hơn - Nhưng lần này là sự hiển nhiên rồi, không còn là bóng gió nữa - Tôi đón nhận lời thỉnh cầu của anh với tất cả niềm xúc động của người phụ nữ trong cảnh trạng đó - Nước mắt tôi tràn ra vì sung sướng và cũng không khỏi thấy “sừng sững dựng lên cái tầm cỡ trọng đại” của điều thỉnh cầu.
Một phút im lặng… tôi khẽ hỏi anh:
- Có cần thế không anh?
- Rất cần, vì có thế mới đủ sức lực thủy chung để mà thương yêu nhau, cùng chia sẻ ngọt bùi, cay đắng hiến dâng cả cuộc đời mình cho cuộc sống nghệ thuật lúc này và mai sau…
Tôi không thấy ngợp như mọi lần khi nghĩ đến những khó khăn, tôi chẳng ngại đường xa nữa. Tôi nhận lời anh với lòng chân thành của mình. Tôi sẽ đem tận tâm tận lực ra làm người bạn đường của Thế Lữ”.[52]
Như vậy, Song Kim và Thế Lữ đến với nhau qua sự rung động của con tim chứ không phải qua cưới xin hợp pháp theo thế tục. Gái ham tài, trai ham sắc rất đúng với cặp Song Kim – Thế Lữ. Cô giáo Phạm Thị Nghĩa bỏ trường, bỏ lớp, bỏ học sinh, kể cả những người ruột thịt của mình để đi theo ánh đèn sân khấu, mà cái chính là được sống với người mình ngày nhớ đêm mong.
Từ xa xưa, dân gian đã nói: Trồng trầu trồng lộn dây tiêu/ Con theo hát bội, mẹ liều con hư. Khi biết con mình “bỏ nhà theo trai” như bia miệng thường truyền, chắc chắn cha mẹ cô giáo Phạm Thị Nghĩa không thể không buồn và ngẫm lại lời nói của người xưa quả không sai. Bây giờ, thập niên đầu của thế kỷ XXI, trai gái sống thử trước hôn nhân chẳng phải ít, nhưng con gái bỏ nhà theo trai cũng gặp phải khá nhiều lời dị nghị, nhất là phía gia đình, thậm chí không thiếu bậc cha mẹ lâm bệnh, bạc tóc vì sự “yếu lòng” của con, huống gì chuyện cách đây những… bảy mươi năm. Riêng với con chiên ngoan đạo Nguyễn Đình Lễ kể từ lúc rủ Song Kim về sống chung với mình, đã biết mình bị cách ly mọi sinh hoạt với giáo hội; nếu có con với Song Kim, sau này con muốn đi tu thì sẽ không được dòng tu nào chấp nhận. Nhưng vì tiếng sét ái tình, họ sẵn sàng bước qua dư luận, bước qua luật đạo, luật đời.
Trước Cách mạng Tháng Tám không lâu, một cô gái sinh trưởng trong gia đình danh giá, đã nhận lễ hỏi người ta mà vì yêu thơ rồi yêu người làm thơ Lưu Trọng Lư, dẫu biết nhà thơ đang có hai đứa con riêng vẫn sẵn sàng dối mẹ để “dâng cả hồn em, xác em cho anh”. [53] Rồi sau một trận đòn, sau những lời thề thốt cùng sự kèm cặp chặt chẽ của gia đình, cô gái vẫn tìm cách đến với nhà thơ. “Từ đây, chim đã sổ lồng, “cánh liền cánh” cùng bay như lời thơ xưa thường nói. Vâng, chúng tôi suốt đời không hề biết đến lễ cưới là gì”.[54] Đến một ngày, người mẹ nhờ bạn bè nhắn lời: “Muốn gì thì mặc. Phải cứ về đã”.[55] Lúc cô gái trở về thì thấy người mẹ “Chỉ còn da với xương thôi”.[56] Và cũng nhờ Cách mạng, “người con gái cũng ở trong Hoàng tộc được gọi ra trước một tòa án, trước công chúng đông đảo, trẻ trung và nàng đã dõng dạc tuyên bố:
“Người chồng chưa cưới của tôi là một người đáng quý trọng. Nhưng duyên chẳng đưa, phận không đẩy… Tôi bị ép một bề.
Tiền dạm hỏi, tôi xin trả lại… Bây giờ cách mạng đến rồi. Tôi yêu ai tôi lấy người ấy. Đó là việc của tôi. Xin cám ơn cách mạng đã mở ra tòa án này cho tôi được nói rõ lòng tôi”. Quần chúng vỗ tay… Nhìn lên các quan tòa, người nào người nấy mặt này đều hớn hở”.[57]
Nói rõ, nói thẳng như Lưu Trọng Lư, tôi tin người đọc cảm thấy dễ chịu và đều quý trọng. Cả Lưu Trọng Lư và người con gái đã “dâng cả hồn em, xác em cho anh” không quay lưng với gia đình, với người mẹ đã tìm mọi cách ngăn cấm cuộc tình của họ, kể cả đòn roi. Trong lúc đó, Song Kim kể: “Đi lấy chồng, mẹ tôi chịu phận làm lẽ mọn một gia đình tiếng là nhà quan (bố tôi nhà nghèo thi đỗ) nhưng đạm bạc sơ sài. Tuy vậy vẫn là nhà quan, bản thân xếp vào hàng vợ lẽ con thêm. Mấy mẹ con ăn riêng, ở riêng trong một căn nhà nhỏ sau vườn. Bố tôi cũng thương mấy mẹ con nhưng lương tháng không nhiều lại phải nộp cả cho bà vợ cả là người có quyền hành nhất. Là vợ lẽ nhưng ngày ngày phải hầu hạ như người ở. Nhiều khi bị chửi mắng đánh đập.
Cảm thấy cay cực quá tủi nhục không chịu nổi mẹ tôi chờ lúc bố tôi ngồi một mình bế chị tôi (hai tuổi) đặt vào lòng bố tôi và nói:
- Thôi! Con ông tôi giả ông, tôi không thể làm tôi tớ mãi trong cái nhà này được!
Mẹ tôi định bụng ra sông cái (sông Hồng) đến nhịp cầu thứ ba là nhảy xuống tự vẫn mẹ tôi còn định bụng dắt sẵn mấy xu đến ăn cái gì trước khi chết. Khỏi phải làm ma đói… Nhưng ra khỏi cổng nghe tiếng gào khóc của chị tôi, mẹ tôi chùn bước không đi nổi… gạt nước mắt quay về tiếp tục sống những ngày đày ải, cho đến lúc ruộng nương không có, bố tôi đành phải “giải phóng” cho mấy mẹ con ra ở riêng, rau cháo nuôi nhau”.[58]
Đúng là khổ thật, nhưng tôi cứ phân vân, nếu Song Kim có người bố như vậy, và cuộc sống khổ như vậy thì tiền đâu, gạo đâu, điều kiện đâu để bà ăn học ra làm giáo viên và đến “Tháng 9 năm 1938, cùng với một bạn gái cùng học: Chị Lê Thị Cảnh vừa mới tổ chức xong một trường tư thục nhỏ đặt tên là trường Khuê Anh ở Thái Hà ấp (Hà Nội)”[59]?
Tôi nghĩ, sau hơn 70 năm, cuộc sống của nhân dân ta đã khá hơn rất nhiều, không còn phải sống trong cảnh một cổ hai tròng, không mấy người còn cảnh bữa đói bữa no, hoặc phải chịu đói xanh da vàng mắt như thời trước, ấy mà gần đây báo chí cho biết mỗi năm có hàng trăm em phải bỏ học, vì cuộc sống còn lắm khó khăn. Vài năm gần đây, Nhà nước đã có chủ trương cho các học viên học nghề, sinh viên các trường cao đẳng, đại học vay tiền ăn học. Vào thập niên 30 của thế kỷ trước, Song Kim nói riêng, những người cùng thời nói chung làm sao có được điều kiện như thế, vậy mà bà được nuôi ăn học để làm thầy, để mở trường, thử hỏi ngày đó khắp nước Nam có được mấy người phụ nữ được may mắn như bà?
Thập niên đầu của thế kỷ XXI này, ai có phải một người cha như thế, một cuộc sống “rau cháo nuôi nhau” như thế thì không chết đói, không đi vào con đường trộm cắp là may, nói gì đến chuyện ăn học để trở thành cô giáo, để có tiền chung với một người bạn mở trường tư, dù cứ cho rằng trường ấy chỉ có mỗi một lớp, huống hồ là chuyện gần một thế kỷ trước. Do đó, tôi không muốn bàn tiếp, để bạn đọc tự nghĩ và tự đánh giá.

[1] Thế Lữ tuyển tập, Truyện ngắn, NXB Thanh niên, H, 2006, tr 5.
[2] Thế Lữ, Vàng và máu, NXB Văn học, H, 2007, tr 5.
[3] Hà Minh Đức, Tự lực văn đoàn, Trào lưu – tác giả, NXB Giáo dục, H, 2007, tr 63.
[4] Xuân Diệu, Hồi ký của Thế Lữ, Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 14-1-1984.
[5] Nhà văn hiện đại Việt Nam, NXB Hội Nhà văn, H, 2007, tr 581.
[6] Nguyễn Lương Ngọc, Nhớ bạn, NXB Văn học, H, 1992, tr. 68.
[7] Thế Phong, Lược sử Văn nghệ Việt Nam – Nhà văn tiền chiến 1930-1945, Vàng son xb, S, 1974, tr 98.
[8] Lâm Quế Phong (cùng một số giáo viên chuyên Văn sưu tập và biên soạn), Tủ sách văn học trong nhà trường: Vũ Đình Liên – Nguyễn Nhược Pháp – Phạm Huy Thông – Thế Lữ, NXB Văn nghệ, TPHCM, 1998, tr 9.
[9] Xuân Diệu, Hồi ký của Thế Lữ, Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 14-1-1984.
[10] Xuân Diệu, Hồi ký của Thế Lữ, Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 14-1-1984.
[11] Xuân Diệu, Hồi ký của Thế Lữ, Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 14-1-1984.
[12] Xuân Diệu, Hồi ký của Thế Lữ, Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 14-1-1984.
[13] Kinh Thánh (trọn bộ), NXB TPHCM, 2000, tr 44-45.
[14] Nguyên Hồng, Bước đường viết văn, NXB Văn nghệ, TPHCM, 2001, tr 35.
[15] Thế Lữ tuyển tập, Truyện kinh dị, NXB Thanh niên, H, 2006, tr 5.
[16] Cao Nhị, Gặp Thế Lữ, Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 8-1-1971.
[17] Phạm Cao Viết Hiền, Bị “người đẹp” chiếu tướng.- Dẫn theo Vũ Tiến Quỳnh (sưu tầm, tuyển chọn), Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Vũ Đình Liên, NXB Văn nghệ, TPHCM, 1999, tr 241.
[18] Phan Kế Hoành – Trần Việt Ngữ, Thế Lữ trong buổi đầu sân khấu kịch nói hiện đại đầu thế kỷ XX.- Dẫn theo Thế Lữ - Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, H, 2006, tr 441.
[19] Chị Phạm Thị Thảo, nguyên giáo viên môn toán Trường Trung học Gia Long, Sài Gòn (nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM). Qua e-mail ngày 27-2-2009, chị cho biết chồng chị là con trai út nhà thơ Thế Lữ – Nguyễn Thị Khương: Nguyễn Thế Học, di cư vào Nam, nguyên phụ giảng tại ĐH Khoa học Sài Gòn, năm 1972 được học bổng và là tiến sĩ toán học tại Vương quốc Bỉ, dạy toán học ở nhiều nước, định cư ở Mỹ và mất tại Mỹ năm 2000. Năm 1972, chị cũng đi theo chồng. Hiện chị và 2 người con sống tại Mỹ. Năm 2007, NXB Hội Nhà văn ấn hành cuốn Đọc và dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du của chị (bút danh Thảo Nguyên, tái bản 2009), được bạn đọc trong và ngoài nước đánh giá cao. Ở bìa gấp, chị có tranh tự họa và ghi: “Dạy toán tại nhiều trường trung học ở Việt Nam và ngoại quốc. Công tác nghiên cứu về giáo dục toán học và trò chơi trẻ em tại Phi châu”.
[20] Thảo Nguyên, Mẹ chồng tôi, bà Thế Lữ, e-mail ngày 28-2-2009.
[21] Phan Kế Hoành – Trần Việt Ngữ, Thế Lữ trong buổi đầu sân khấu kịch nói hiện đại đầu thế kỷ XX.- Dẫn theo Thế Lữ - Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, H, 2006, tr 441.
[22] Thế Lữ, Những sợi dây trói buộc tôi trên đường phục vụ cách mạng, Tạp chí Văn nghệ - Cơ quan của Hội Văn nghệ Việt Nam, tháng 7-1953.
[23] Nguyễn Đình Thi, Mừng anh Thế Lữ tám mươi tuổi, Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, (số ghép 24-25-26), tháng 6-1987.
[24] Xuân Diệu, Hồi ký của Thế Lữ, Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 14-1-1984.
[25] Xuân Diệu, Hồi ký của Thế Lữ, Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 14-1-1984.
[26] Xuân Diệu, Hồi ký của Thế Lữ, Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 14-1-1984.
[27] Xuân Diệu, Hồi ký của Thế Lữ, Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 14-1-1984.
[28] Theo Vũ Đình Hòe: “Anh Vũ Văn Hiền xuất thân từ một gia đình bần nho như tôi nhưng thuở nhỏ còn vất vả hơn tôi: mồ côi cha sớm, mẹ người nhà quê (ở một làng thuộc Ân Thi - Hưng Yên), cày thuê vá mướn, xay xát, không chu cấp được cho con ăn học, nhưng may được một ông bạn của bố nhận làm con nuôi. Ông này làm thông phán tòa Đốc lý Hải Phòng, đời sống dư dật. Học hết cấp Thành chung, anh lên Hà Nội theo ban Tú tài bản xứ, rồi vào Đại học Luật. Vì đã trưởng thành nên không muốn nhờ vả bố nuôi nữa, mà vừa học luật vừa đi làm công chữa morasse cho tờ báo La volonté indochinoise của viên chủ đồn điền De Monpesat, đôi khi viết bài nhỏ cho mục tin tức báo ấy thì được trả tiền nhuận bút, nhỏ nhoi thôi. Cả thời gian học và làm ở Hà Nội anh ở trọ nhà bố mẹ tôi […] Thi cử nhân luật, đỗ đầu, đặc biệt giỏi về môn dân luật. Anh được nhà trường giới thiệu và cấp học bổng sang Paris (năm 1937) làm bằng tiến sĩ không khó khăn gì” (Vũ Đức Phúc, Sơ thảo Lịch sử Văn học Việt Nam 1930-1945, NXB Văn học, H, 1964, tr 18-19).- Thế Lữ lên Hà Nội sinh sống sau khi viết thư trao đổi với Vũ Văn Hiền, thì chắc nghề chữa morasse cho tờ báo La volonté indochinoise (Xuân Diệu viết tên tờ báo này là Voloné Indochinoise; Nguyễn Lương Ngọc viết: La volonti indochinoise, tên ông chủ là Le De Montpaza) do Vũ Văn Hiền giới thiệu, và nhường việc cho Thế Lữ, còn mình tìm việc khác.
[29] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên, T.3, NXB Đồng Tháp, 1998, tr 482.
[30] Nguyễn Lương Ngọc, Nhớ bạn, NXB Văn học, H, 1992, tr 66-67.
[31] Nguyễn Lương Ngọc, Nhớ bạn, NXB Văn học, H, 1992, tr 67-70.
[32] Thế Lữ, Một vở kịch, một chủ ý: Không một tiếng vang – Dân sinh bi kịch của Vũ Trọng Phụng, Báo Ngày nay, ngày 10-2-1935.
[33] Phạm Đình Ân (giới thiệu và tuyển chọn), Thế Lữ - Về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, H, 2006, tr 17.
[34] Báo Văn nghệ Công an, tháng 7-2004.
[35] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 34.
[36] Phạm Duy, Nhớ, NXB Trẻ, TPHCM, 2005 tr 47.
[37] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 90.
[38] Phạm Văn Đôn, Thế Lữ và Ban kịch Thế Lữ.- Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, ngày 10-6-1989.
[39] Văn Tâm, Đoàn Phú Tứ - Con người và tác phẩm, NXB Văn học, H, 1995, tr 88.
[40] Trong thư điện tử ngày 27-2-2009, chị Phạm Thị Thảo (dịch giả Thảo Nguyên), dâu út của nhà thơ Thế Lữ gửi cho tôi đủ tên tuổi của ba người con còn lại, ngoài người con trai trưởng Nguyễn Đình Nghi như chúng ta đã biết, thì có: Nguyễn Thị Tâm, sinh năm 1931, ở với mẹ (sau ngày giải phóng không lâu có thêm bố là nhà thơ Thế Lữ), qua đời năm 1994 tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nguyễn Thế Tùng, sinh năm 1934, mất năm 2008 tại Mỹ, vợ và 6 người con đang sống tại Mỹ; Nguyễn Thế Học, sinh năm 1937, tiến sĩ toán học tại Vương quốc Bỉ, dạy toán học tại nhiều nước, qua đời năm 2000 tại Mỹ, vợ và 2 con đang sống tại Mỹ.
[41] Sao Mai, Sáng tối mặt người, NXB Hội Nhà văn, H, 2003, tr 70-71.
[42] Kinh Thánh (trọn bộ), NXB TPHCM, 2000, tr 99.
[43] Nguyễn Đình Nghi, Ông bố tôi.- Dẫn theo Thế Lữ - Cuộc đời trong nghệ thuật, NXB Hội Nhà văn, H, 1991, tr 73.
[44] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 61-62.
[45] Văn Tâm, Đoàn Phú Tứ - Con người và tác phẩm, NXB Văn học, H, 1995, tr 67-69.
[46] Phong Vũ (biên soạn), Tiếng cười Tú Mỡ, NXB Hội Nhà văn, H, 1993, tr 38.
[47] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 25-26.
[48] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 27.
[49] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 199, tr 62.
[50] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 37.
[51] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 39.
[52] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 82-83.
[53] Lưu Trọng Lư, Nửa đêm sực tỉnh, NXB Thuận Hóa, Huế, 1989, tr 133.
[54] Lưu Trọng Lư, Nửa đêm sực tỉnh, NXB Thuận Hóa, Huế, 1989, tr 142.
[55] Lưu Trọng Lư, Nửa đêm sực tỉnh, NXB Thuận Hóa, Huế, 1989, tr 148.
[56] Lưu Trọng Lư, Nửa đêm sực tỉnh, NXB Thuận Hóa, Huế, 1989, tr 149.
[57] Lưu Trọng Lư, Nửa đêm sực tỉnh, NXB Thuận Hóa, Huế, 1989, tr 150-151.
[58] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 117-118.
[59] Song Kim, Những chặng đường sân khấu, NXB Sân khấu, H, 1995, tr 35.