Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2020

Đọc sách cùng bạn: Một tiếng văn bi mỹ

Phạm Xuân Nguyên
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Cuốn sách hôm nay tôi đọc cùng bạn là "Tự tình cùng Cái Đẹp" của tác giả Chu Văn Sơn.

Anh là tiến sĩ văn học, nhà nghiên cứu phê bình giảng dạy văn chương tại Khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội. Anh có mái tóc xoăn bồng bềnh, gương mặt sáng, nụ cười tươi của phong thái thi sĩ. Anh có giọng giảng bài trầm thanh nhiều sắc điệu cuốn hút các sinh viên học sinh, các độc giả yêu văn thơ. Và anh nổi tiếng nhất ở những bài viết của mình về Thơ, một nghệ thuật ngôn từ tinh tế, diệu vợi, cần có những sự thẩm bình, phân tích, phát hiện, tìm tòi ở những mức độ tế vi của từ ngữ và viết ra bằng một giọng văn bay bổng, sâu lắng, tỉ mỉ, thấu đáo với những con chữ có hồn thơ có nhạc điệu, tài tình và tài hoa. Văn phê bình thơ của Chu Văn Sơn đọc khoái cảm như thơ. Bạn có thể chứng thực lời tôi nói ở các cuốn sách nghiên cứu phê bình của anh: Tinh hoa Thơ Mới (1997), Ba đỉnh cao Thơ Mới: Xuân Diệu – Nguyễn Bính – Hàn Mặc Tử (2003), Thơ, điệu hồn và cấu trúc (2007).

doc sach cung ban: mot tieng van bi my hinh anh 1
Nhưng cuốn sách của Chu Văn Sơn tôi đang nói đây viết rất thơ nhưng lại không phải là bàn về văn chương. Anh viết về thiên nhiên cảnh vật mà anh được chiêm ngắm và chiêm nghiệm qua những chuyến đi, và qua cả một đời sống. Ở đây tôi không muốn dùng từ “du lịch” cho Chu Văn Sơn và những cái viết của anh. Bởi vì người thời nay đang chạy theo du lịch như một “trend”, một “hobby” đến thành ra xô bồ, bừa bãi. Khi con người hết đói bụng thì họ đói mắt nhìn. Họ đi chỉ để nhìn, và phần nhiều nhìn mà ít/không thấy, càng rất ít/không nghĩ về những cái nhìn/thấy trong những chuyến đi. Sơn không thế. Sơn khác họ. Sơn đúng như một nhà văn nước ngoài đã nói: “Mang tên con người thì dễ, làm một con người thì khó. Đừng hỏi người đã bước đi nhiều, hãy hỏi người đã nhìn thấy nhiều”. Anh cũng đi như mọi người, có trong nước và ngoài nước, đến cả những nơi không phải ai có tiền cũng dám đến và đến được như vào tận hang Sơn Đoòng ở khu di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng. Cái khác của Sơn là anh gặp Cảnh Vật vui với Đất Trời từ đó nghĩ về Cuộc Đời và ngẫm về Con Người. “Ta cũng nòi tình thương người đồng điệu”, Sơn ứng xử với cảnh sắc thiên nhiên trong mỗi chuyến đi với tâm thế nhân văn đó. Mỗi cảnh mỗi nơi đồng điệu với tâm hồn anh trong những nghĩ suy dằn vặt về cuộc sống và con người thời hiện đại, và mọi thời. Đến đâu anh cũng gắng nhìn cảnh vật trước mắt bên ngoài bằng con mắt tâm thức, con mắt bên trong, con mắt của cái Đẹp vĩnh hằng và mong manh. Và anh thấy ra cái Đẹp ở sự hài hòa của những cặp đối cực trong tự nhiên.
Trước hết là ở những nơi chốn hữu hình, sự vật cụ thể ngay trước mắt. Đối cực ở quần thể đền đài Angkor là Con người và thần linh, Kỳ vĩ và tinh xảo, Giáo gươm và điệu múa, Đá và cây, Khoảnh khắc và vĩnh cửu. Đối cực ở hang Sơn Đoòng là Báu vật và huyền thoại, Đá và nước, Bóng tối và ánh sáng, Sự sống và cái chết, Hữu hạn với vô cùng, Chinh phục và thất bại, Giới hạn và vượt thoát. Đối cực ở những nhà mồ Tây Nguyên, theo tục lệ người sống tạc tượng gỗ tiễn đưa người chết sang thế giới bên kia, nhưng giờ đây có khi người sống đã như tượng tạc, bị biến thành tượng nhà mồ trong ngôi nhà mình đang sống. Cố nhiên không phải con mắt Chu Văn Sơn thì không nhìn ra những đối cực đó, hoặc có nhìn ra cũng không thấy được những đối cực đó, hoặc có thấy được cũng không luận nghĩ được sâu những đối cực đó, hoặc có luận nghĩ được cũng không viết được những trang văn hài hòa đối cực đó. Mà nếu không đối cực thì cũng là trái ngược mà chỉ Sơn mới nhìn ra và thương xót. Như đến Đầm Vạc không có vạc chỉ thấy cò, nhìn cò trước mắt nhớ cò tuổi học trò, đang lãng mạn cánh cò bỗng hiện thực trần trụi cò bị vặt lông làm thịt. Như rặng bằng lăng trước nhà người vào ra nhìn thấy hàng ngày mà có ai chạnh nghĩ cứ hè đến hoa hồn nhiên hào phóng tím nở hết mình mà rồi nhanh bị người quên như là rẻ rúng, bạc bẽo. “Mà bằng lăng nào có đòi hỏi gì. Vẫn nở yêu kiều thế, vẫn khai hội tưng bừng thế, vẫn ríu ran hào phóng thế, hồn nhiên khi trổ cánh, điềm nhiên khi lìa cành, tỏa sáng một đời hoa, cháy tận một sắc tím, rồi băng. Bất chấp sự đơn bạc của nhân gian. Đó là phận hoa. Đó là kiếp hoa. Đó là lẽ hoa rồi.” (tr. 127).
Nhưng đến một thứ cây bình thường, tầm thường thì đúng hơn, mọc giữa trời đất ai cũng thấy, lại thấy nhiều lần nhiều nơi, có khi còn đem cả về nhà làm cảnh, nhưng Chu Văn Sơn nhìn nó thấy ra những đối cực, vận những đối cực đó cho người, thì thật là tuyệt vời, tuyệt thú. Đó là phận hoa bên lề - hoa lau. Nó là hoa nhưng lại là cỏ, mọc nơi heo hút như mang phận lưu đày nhưng lại là công dân toàn cầu vì ở đâu mà chẳng gặp lau. Nó là thứ hoa đạm bạc bậc nhất nhưng lại mang trong mình một chút thiền ý. “Thiền ý về cái lẽ sắc không của tồn sinh. Không màu mè, không hình nét. Có sắc mà vô sắc. Là hoa mà như không phải sắc hoa. Có mà như không có. Hoa lau nhắc ta nhiều nhất về sự chập chờn mong manh của phận người. Cũng là nhắc về cái bạc lý bạc nghĩa của sự tồn sinh” (tr. 139). Nó là lau nhưng cũng là cờ khi Đinh Bộ Lĩnh còn là một đứa trẻ trâu. Chỉ có mắt trẻ thơ mới nhìn ra được thế. Và lau lại thành lau khi chú bé năm xưa đã thành ông vua Đinh Tiên Hoàng. Lau như vậy là giống hoa cỏ chỉ được con trẻ và giống nghệ sĩ đoái hoài, hai loại người có bản tính nhi nhiên. Và cuối cùng người có thể hờ hững với lau, lau đâu hờ hững với người, khi nơi lau mọc nhiều là nghĩa địa, “mỗi bông lau cứ như sự hiển linh của một cô hồn. Trước khi Phật Bà vẩy nước cành dương để hóa giải cho mỗi kiếp người, thì lau đã an ủi cho họ bên từng nấm mộ” (tr. 143). Trên đây tôi đã dùng những từ xoàng xĩnh của mình tóm lại những đối cực mà Chu Văn Sơn đã phát hiện ra và viết rất thấm thía về phận lau cỏ hoa. Nếu lau cất tiếng, chắc hoa sẽ cám ơn người đồng cảm nhiều lắm. “Phận hoa bên lề” là một trong vài ba bài hay nhất tập sách. Đọc nó cứ rưng rưng, thương lau thương mình. Và thương Sơn.
Anh đã đến với thiên nhiên như tìm về một chốn bình yên giữa cuộc sống đang bát nháo xáo động hiện nay. Bình yên như ở Đà Lạt, một vùng ôn đới giữa đất trời nhiệt đới. Và nhất là Sơn tìm kiếm một sự thanh an như anh đã ngộ ra khi đến một địa danh trồng chè có tên gọi bằng hai chữ này. Anh hiểu ra sự say mê, cuốn hút của mỗi vùng đất mình đến có được ấy là do “cái niềm hân hoan của kẻ đói khát sự thanh sạch an nhiên bỗng gặp được những nguồn thanh an của từng xứ ấy” (tr. 151). Mỗi lần như thế anh đều thả mình đắm chìm vào nguồn dinh dưỡng của cõi sống mình may mắn có được và anh coi đấy là một lần hồi sinh. Nhưng càng sung sướng được tận hưởng khí chất thiên nhiên của đất trời bao nhiêu, anh càng lo sợ sự can thiệp tàn phá của con người vào vẻ hoang sơ tự nhiên bấy nhiêu. Đà Lạt đang mất dần sự bình yên. Thanh An trở thành khu du lịch sẽ phải đối mặt với sự khủng hoảng sinh thái không tránh khỏi. Cả tập sách này Chu Văn Sơn dẫn người đọc theo anh đi trong mạch cảm xúc bi mỹ đó. Cái Đẹp Đau Thương! Đọc anh vì thế có thể khóc ở hai tâm trạng: rưng rưng - thiên nhiên đẹp quá, thích quá, muốn được hòa vào nó; căm phẫn - con người ác quá, vô nhân quá, đang tâm hủy diệt thiên nhiên. “Cái đẹp không có khả năng tự vệ. Cái ác đã lợi dụng cái hùng để tàn sát cái đẹp, trong chốc lát, chúng đã biến cái đẹp thành cái bi” (tr. 26), điều này anh viết không chỉ riêng cho đá núi đền tháp Angkor.
Chu Văn Sơn gọi những bài viết trong tập tùy bút này của mình là “lời tự tình”. Quả đúng vậy. Chu Văn Sơn, trong tôi, là người tình của Đẹp. Đẹp như một phẩm chất, một giá trị. Đẹp như một cách sống. Đẹp như một nghệ thuật. Và Đẹp như một lối viết. Viết, với Sơn, là “ăn nằm” cùng Đẹp trong câu chữ, lời văn, ý văn, để sinh hạ những văn bản Đẹp. Tôi đồ rằng Sơn luôn viết trong “thú đau thương” (chữ của Hàn Mặc Tử) lịm cùng con chữ với niềm khao khát tận cùng nhắm tới sự “thích khoái văn bản” (chữ của Roland Barthes – “Le Plaisir du Texte”). Tùy bút của Sơn chính vẫn là cái Đẹp của người tình ấy từ phê bình vào sáng tác. Đọc anh rất sướng về câu chữ và lời văn. Ở câu chữ vì Sơn luôn cố gắng tìm hết chữ và tìm ra chữ để nói cho cạn kiệt và thăng hoa điều anh cảm nhận và suy tư. Ở lời văn vì Sơn luôn tìm cách cấu trúc câu trùng điệp, đăng đối, xoay vòng và gấp khúc ý tứ, khiến người đọc bất ngờ và do đó thích thú, sảng khoái. Ta hãy đọc đoạn văn anh tả về vùng chè Thanh An: “Có tận mắt ngắm nhìn cả miệt chè ấy đang yên ả phơi xanh dưới nắng chiều dìu dịu cùng nước hồ văn vắt thế kia, có thấy mỗi búp chè, nhành chè đang nương nhau, đan nhau, thầm trao xanh cho nhau trong mỗi vạt chè nhu thuần thế kia, người ta mới thấy cái An cái Tĩnh trên toàn xứ Nghệ, chừng như, đã rủ nhau về trú ngụ chốn này” (tr. 157). Chất thơ thấm đẫm trong văn. Có nhiều đoạn văn như thế trong sách này.
Nhưng đoạn văn độc đáo, khác lạ, hay nhất của Chu Văn Sơn, theo tôi, là đoạn anh hình dung sự hình thành Sơn Đoòng như một cuộc giao hoan “dữ dằn” của nước và đá (tr. 109-111). Ngoài sự tưởng tượng kỳ thú của một nhà văn, khi viết đoạn văn này Sơn đã huy động cao độ sự dụng công câu chữ tài tình mình có. Tôi nghĩ có thể đưa đoạn văn đó vào sách giáo khoa môn văn. Nhưng trong khi chờ đến khi đó, tôi không thể kìm lòng trích ra đây một ít cho bạn thưởng văn trước đã: “Nước vận hết tình lực lại thành suối kín, sông ngầm để liên tục ra những đòn yêu với đá. Ve vuốt, liếm láp rồi va xiết, khoan xuyên. Lùa mình vào những thớ, những khe nhạy cảm nhất của đá. Lột từng thớt đá, từng vỉa đá. Khiến mình mẩy đá cương mòng, đau đớn mà hoan lạc. Hàng vạn khối đá vốn liền thịt, liền cơ bên trong thân thể khổng lồ của núi cứ giật nẩy lên vô hồi, rúng động vô biên, đòi được xả, được trút. Cứ thế, qua hàng thiên kỷ tình tự miệt mài và cuồng bạo, sau một cú rùng mình tột đỉnh, tất cả những gì dồn tích bỗng òa vỡ, đá rùng rùng sụp xuống, thành muôn gò đống ngổn ngang trong tiếng nước rên, nước rền, hào hển” (tr. 109). Đọc những trang văn thế này ai chẳng muốn đến ngay nơi có cuộc tình đá nước lay động dữ dội ấy!
"Tự tình cùng Cái Đẹp" là cuốn sách cuối cùng của Chu Văn Sơn. Đây là một cuốn sách nói (Audio-Book), vừa có thể đọc bằng mắt, vừa có thể nghe đọc. Mười một bài viết trong tập có giọng đọc của những người bạn văn thân thiết, khi xem sách dùng công cụ QR code scanner trên điện thoại quét mã code là nghe được. Sách có lời đầu bằng thơ của nhà thơ Nguyễn Duy, lời giới thiệu của nhà phê bình Văn Giá (Đại học Văn hóa Hà Nội), lời bạt của nhà phê bình Phan Huy Dũng (Đại học Vinh). Khi sách ra một tháng thì Chu Văn Sơn qua đời vì bệnh ung thư (18/4/2019). Nhân giỗ đầu của anh (14/3 âm lịch) tôi cùng bạn đọc “Tự tình cùng Cái Đẹp” để tưởng nhớ anh, để thấy anh như vẫn còn đây:
Trang văn phảng phất phong vị thiền
thấp thoáng bóng thiền nhân đương đại
lặng lẽ thiền hành
giữa chợ đời bát nháo những quằn quại.
(Nguyễn Duy)
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.