Biên tập: Sergio Bitar và Abraham F. Lowenthal, Viện Quốc tế Hỗ trợ Bầu cử và Dân chủ (IDEA), Stockholm
Dịch: Phạm Nguyên Trường
Chương 11
Từ độc tài sang dân chủ
Học từ các nhà lãnh đạo chính trị để định hình tương lai
Abraham F. Lowenthal và Sergio Bitar
Các phong trào đối lập, thường kêu gọi xây dựng chế độ dân chủ, đã thách thức các chính phủ độc tài ở những nước khác nhau như Ai Cập, Tunisia, Yemen và Myanmar. Một số các chính phủ như thế đã sụp đổ, một số khác cuối cùng có thể sẽ đi theo, vì các chế độ phi dân chủ ở cả Đông và Tây Á, phía Bắc và phía nam sa mạc Sahara ở châu Phi, Mỹ Latin và vùng Caribbe đang đối mặt với đòi hỏi được tham gia và đại diện ngày càng gia tăng.
Xây dựng chế độ dân chủ thay thế cho chế độ độc tài không bao giờ là công việc dễ dàng hay có thể làm nhanh, hiện nay và trong tương lai cũng sẽ không dễ dàng hay nhanh chóng được. Tuy nhiên, suốt mấy chục năm qua, những chiều hướng thay đổi, đôi khi bị tác động bởi những cơn sóng ngầm, nói chung, thường hướng tới nền chính trị cởi mở hơn, có nhiều người tham gia hơn và có trách nhiệm giải trình hơn. Mức độ đô thị hoá, thu nhập, giáo dục và tỉ lệ người biết chữ cao hơn thường làm gia tăng kì vọng về sự độc lập của cá nhân và thể hiện về chính trị. Đến lượt mình, những xu hướng này lại được những công nghệ thông tin và truyền thông mới tiếp thêm động lực, làm cho các phong trào đối lập dễ dàng huy động lực lượng hơn trước.
Người dân ở khắp mọi nơi đều muốn tiếng nói của họ được lắng nghe và được chú ý. Khát vọng được thể hiện về chính trị đặt vấn đề về chuyển hóa từ chế độ độc tài sang dân chủ vào chương trình nghị sự quốc tế và đòi hỏi phải kịp thời nghiên cứu cách thức tiến hành những cuộc chuyển hóa dân chủ trước đây. Đây là điều đặc biệt quan trọng, vì sự những cuộc chuyển hóa thành công trước đây hoàn toàn không phải là tất yếu và trong nhiều trường hợp, còn làm cho người ta ngạc nhiên.
Chương này dựa trên những cuộc phỏng vấn của chúng tôi với 13 nhà lãnh đạo chính trị (12 cựu Tổng thống và 1 cựu Thủ tướng) từ 9 nước khác nhau, những người đã góp phần kết liễu các chế độ độc tài và xây dựng các chế độ dân chủ trong một phần tư thế kỉ cuối cùng của thế kỉ XX*. Chín nước này đều đã tiến tới nền quản trị dân chủ - dù còn chông gai, một số trường hợp là chưa trọn vẹn và có những bước thụt lùi đầy đau đớn - nhưng cho đến nay vẫn là không thể đảo ngược được.
Ở một số nước, những cuộc chuyển hóa sang chế độ dân chủ mà người ta tìm cách thực hiện đã gặp thất bại. Chúng tôi tập trung vào chín trường hợp thành công này nhằm thu thập những kiến thức và kinh nghiệm thực tế từ các nhà lãnh đạo - đa số đã nghỉ hưu, không còn tham gia vào đấu tranh chính trị mang tính đảng phái – những người từng giữ vai trò lãnh đạo trong quá trình đưa đất nước mình tới dân chủ. Chúng tôi tìm cách chắt lọc ra những nguyên lí có thể có ích cho những người muốn thực hiện thành công những cuộc chuyển hóa sang dân chủ trong tương lai hoặc ngăn chặn những cuộc chuyển hóa “theo hướng ngược lại”, tức là quay lưng lại với chế độ dân chủ*.
* Trong giai đoạn từ tháng 1 năm 2012 tới tháng 6 năm 2013, chúng tôi đã phỏng vấn trực tiếp Fernando Henrique Cardoso của Brazil, Patricio Aylwin và Ricardo Lagos của Chile, John Kufuor và Jerry Rawlings của Ghana, B. J. Habibie của Indonesia, Ernesto Zedillo của Mexico, Fidel V. Ramos của Philippines, Aleksander Kwaśniewski và Tadeusz Mazowiecki của Ba Lan, F. W. De Klerk và Thabo Mbeki của Nam Phi và Felipe Gonzalez của Tây Ban Nha.
Chúng tôi bắt đầu bằng cách trình bày một số đường nét của chín cuộc chuyển hóa vừa nói, nhấn mạnh những điểm tương đồng và khác biệt chính giữa chúng với nhau. Chúng tôi làm rõ một số khác biệt, xảy ra nhiều lần, mặc dù dưới những hình thức khác nhau. Chúng tôi sẽ trình bày cách thức mà các nhà lãnh đạo chính trị - cả những người còn nắm chức vụ trong chế độ độc tài, nhưng sẵn sàng ủng hộ quá trình chuyển hóa hướng tới dân chủ và những người thách thức chế độ, xuất thân từ các phong trào đối lập, với mục đích là tiến hành công cuộc chuyển hóa – tìm hiểu và giải quyết những vấn đề lặp đi lặp lại thường xuyên đó. Chúng tôi khảo sát những chiến lược mà các nhà lãnh đạo đã xây dựng được, những trở ngại họ đã gặp và những bài học có thể rút ra từ kinh nghiệm của họ. Chúng tôi xem xét những khác biệt về hoàn cảnh của những cuộc chuyển hóa hiện nay và trong tương lai so với những cuộc chuyển hóa hồi cuối thế kỷ XX và những khác biệt này có ý nghĩa gì đối với tương lai. Chúng tôi kết thúc bằng cách xác định những phẩm chất nổi bật của công tác lãnh đạo chính trị, được minh họa trong các cuộc phỏng vấn và cực kì cần thiết trong thời đại của chúng ta. Các nhà lãnh đạo không thể tự mình đưa tới dân chủ, cũng không thể tự mình bảo vệ được dân chủ; nhưng những đóng góp của họ là yếu tố thiết yếu.
Những đường nét chính của chín cuộc chuyển hóa thành công
• Tuyệt đại đa số những cuộc chuyển hóa từ độc tài sang dân chủ là những quá trình diễn ra trong một thời gian dài, chứ không phải là những sự kiện đơn lẻ. Những khoảnh khắc thay đổi đáng nhớ - lễ nhậm chức của Nelson Mandela ở Nam Phi, phong trào “Quyền lực của nhân dân” tràn ngập đường phố ở Philippines, chiến thắng quyết định của chiến dịch “Nói Không” trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1988 của Chile hoặc thất bại đáng kinh ngạc của những người Cộng sản Ba Lan trong cuộc bầu cử chưa hoàn toàn tự do năm 1989 đã thu hút được sự chú ý của nhiều người. Nhưng, những cuộc chuyển hóa này và hầu như tất cả các cuộc chuyển hóa đều diễn ra một cách từ từ, trong giai đoạn thương đối dài. Những sự kiện mang tính biểu tượng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xúc tác hay tạo biểu tượng cho quá trình chuyển hóa chính trị, nhưng con đường dẫn tới dân chủ thường bắt đầu cách đó nhiều năm (và kéo dài trong nhiều năm sau đó). Những người muốn tiến hành hay ủng hộ quá trình chuyển hóa dân chủ cần phải nhớ như thế. Những cuộc chuyển hóa này thường có nguồn gốc từ rất lâu, trước thời điểm đáng nhớ, là lúc chế độ độc tài sụp đổ. Những bước đầu tiên hướng tới chuyển hóa thường diễn ra một cách lặng lẽ, thậm chí không ai nhận ra được: trong phong trào đối lập về chính trị, ngay trong lòng chế độ độc tài, trong xã hội dân sự, hoặc ở nhiều địa điểm khác. Đối với các phong trào đối lập, những giai đoạn trước chuyển hóa - đôi khi bao gồm các đảng chính trị, các nhóm nghiên cứu, các think tank, các công đoàn, các phong trào phụ nữ và sinh viên và các tổ chức phi chính phủ khác (NGO) ở trong nước - đã giúp thiết lập hay làm sâu sắc thêm các mối quan hệ cá nhân và nuôi dưỡng lòng tin giữa các tổ chức đối lập khác nhau. Trong một số trường hợp, những tổ chức và phong trào này còn cải thiện công tác liên lạc và tạo lập được sự thông cảm giữa những nhân vật chính trong chế độ độc tài và các nhà lãnh đạo thuộc phe đối lập.
* Chúng tôi viết tiểu luận này chủ yếu không phải là nhằm đóng góp vào lí thuyết chính trị; đối với lí thuyết, cần phải áp dụng những phương pháp khác và phải có thêm nhiều trường hợp hơn nữa. Mục tiêu của chúng tôi là tìm hiểu cách tiến hành những cuộc chuyển hóa từ các nhà lãnh đạo chính, những người đã có những đóng góp quan trọng vào những cuộc chuyển hóa thành công và giúp những người khác tiếp cận được với sự thông thái về chính trị của họ.
• Một khi đã khởi động, các cuộc chuyển hóa diễn ra với tốc độ khác nhau, với những bước thăng trầm và thường đi theo hình chữ chi. Những sự kiện bất ngờ có thể gây ra những ảnh hưởng to lớn. Tổng thống dân cử của Brazil, Tancredo Neves, người đã được phong trào đối lập chọn làm ứng cử viên trong cuộc bầu cử gián tiếp năm 1985, đã bị ốm rất nặng trong đêm trước khi trở thành vị tổng thống dân sự đầu tiên sau hai thập kỉ nằm dưới quyền cai trị của giới quân sự. Kết quả của một thỏa thuận chính trị, được tiến hành nhằm củng cố triển vọng của phe đối lập trong cuộc bầu cử, việc Neves đột ngột từ trần đã đưa vị phó tổng thống dân cử, Jose Sarney, trở thành tổng thống; ông này là quan chức dân sự bảo thủ xuất thân từ chế độ quân sự; làm cho quá trình chuyển hóa diễn ra chậm hơn - nhưng lại làm cho chuyển hóa diễn ra một cách thuận lợi hơn. Những vụ ám sát bất thành của phái cực tả, nhắm vào Augusto Pinochet ở Chile, năm 1986, đã buộc phe đối lập dân chủ đoạn tuyệt hẳn với những người sẵn sàng sử dụng bạo lực. Vụ ám sát Luis Carrero Blanco ở Tây Ban Nha, ám sát Chris Hani ở Nam Phi, và ám sát Benigno Aquino (lãnh đạo phe đối lập chính trị với chế độ Marcos ở Philippines, năm 1983, ông này bị giết ngay trên đường băng khi vừa đặt chân xuống sân bay Manila sau thời gian sống lưu vong) đã giúp khơi mào những lựa chọn chính trị quan trọng. Vụ Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 - cũng như những thay đổi tiếp theo, diễn ra ở bên trong Liên Xô và sự tan rã của nước này - đã làm biến đổi hoàn toàn phạm vi của những thay đổi ở Ba Lan và Nam Phi, và cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á giai đoạn 1997-1998 đã làm suy yếu chính quyền của Soeharto ở Indonesia. Các nhà lãnh đạo chính trị đã không dự đoán được những thay đổi bất ngờ này, nhiều vụ đã tạo ra những trở ngại không lường trước được. Những sự kiện này đòi hỏi phản ứng nhanh nhạy, nhưng không được làm trật đường ray những cơ hội tiến tới chế độ dân chủ.
• Trong những trường hợp hãn hữu, chế độ độc tài đã sụp đổ một cách đột ngột vì khủng hoảng kinh tế, như ở Indonesia, năm 1998; hay sự vùng lên của dân chúng, được khơi mào bằng những sự kiện có tính kích động, ví dụ, như vụ ám sát Aquino, sau đó là cuộc bầu cử “nhanh” đầy gian lận do Marcos tiến hành, năm 1986*. Tuy nhiên, ngay cả trong những trường hợp đặc biệt này, quá trình vận động xã hội kéo dài nhằm chống lại chế độ, sau đó là những cuộc đàm phán bí mật hay công khai, đã giúp hình thành những thỏa thuận về các nguyên tắc và thủ tục cần thiết, để có thể làm cho chế độ quản trị dân chủ trở thành khả thi. Chế độ dân chủ không thể xuất hiện một cách trực tiếp từ những đám đông trên đường phố, dù những đám đông đó có tạo cho người ra ấn tượng như thế nào.
• Hầu hết những cuộc chuyển hóa này phải mất nhiều năm mới đạt đến tình trạng trưởng thành và thiết chế hoá. Ở một số nước – trong đó có Brazil, Chile, Philippines, Ba Lan, Nam Phi và Tây Ban Nha – phong trào đối lập phải áp lực suốt nhiều năm trời thì mới kết liễu được chế độ độc tài. Có nhiều giai đoạn và đôi khi có những bước thụt lùi. Ở Brazil, Ghana, Ba Lan và Nam Phi, các chế độ độc tài (hoặc những bộ phận nằm trong chế độ) đã tiếp xúc với phe đối lập ôn hòa, một phần là để tăng cường tính hợp pháp trên trường quốc tế hay đáp ứng những áp lực từ bên ngoài và xây dựng quan hệ với các lực lượng đối lập sẵn sàng đàm phán cho việc mở cửa những chế độ này.
* Trong những trường hợp khác mà chúng tôi không xem xét ở đây, chế độ độc tài cũng có thể sụp đổ vì thất bại quân sự, như ở Argentina, Hi Lạp và Bồ Đào Nha. Ở Philippines, cũng có người cho rằng cuộc nổi dậy của Quân đội Nhân dân Mới (MPA) ngày càng mạnh lên đã góp phần làm suy yếu của chế độ Marcos và dẫn tới Phong trào cải cách Lực lượng Vũ trang (RAM), đã tạo điều kiện thận lợi cho việc lật đổ Marcos.
Ví dụ, ở Ba Lan, Tây Ban Nha, và Nam Phi, quá trình thảo luận và đàm phán được thai nghén trong thời gian dài giữa các nhóm tinh hoa xuất hiện từ những cuộc xung đột kéo dài, với những cuộc biểu dương lực lượng của bên này hay bên kia, hay cả hai bên cùng một lúc. Những cuộc đàm phán này đã tạo ra các thông số và tạo điều kiện xây dựng từng bước một các nguyên tắc và quy tắc cốt lõi cho việc tham gia, giúp các phong trào dân chủ giành được sự ủng hộ của nhiều người và cuối cùng là nắm được chính quyền.
• Những cuộc chuyển hóa này có một số đặc điểm chung, nhưng khác nhau ở giai đoạn khởi đầu, trình tự và đường đi. Những hoàn cảnh mà các cuộc chuyển hóa này phát sinh gồm có chế độ độc tài cá nhân được quân đội ủng hộ, như ở Indonesia, Philippines, và Tây Ban Nha; chế độ quân sự được thiết hóa ở Brazil và Chile; chế độ bán quân sự do nhà độc tài có sức lôi cuốn ở Ghana; hệ thống độc đảng với những hình thức khác nhau ở Mexico và Ba Lan, ngoài ra, Ba Lan còn được Liên Xô vừa hỗ trợ vừa kiềm chế; và chế độ cai trị của một nhóm đầu sỏ da trắng từng đàn áp thiểu số người da đen Nam Phi trong một thời gian dài*.
Tuy nhiên, những chế độ này cũng khác nhau về nhiều mặt, có ảnh hưởng tới cách thức cáo chung của chúng và định hình tương lai của dân chủ. Các chế độ này khác nhau về mức độ kiểm soát lãnh thổ và lòng trung thành của các công dân, trong đó có sự khác nhau về sắc tộc, đức tin tôn giáo và lòng trung thành với khu vực. Những khác biệt này có ảnh hưởng đáng kể đối với quá trình chuyển hóa ở Tây Ban Nha, Nam Phi, Ghana, Indonesia, và Philippines. Ở những nước này, những khu vực và những nhóm sắc dân đặc biệt đã đòi được quyền tự trị và được giao những nguồn lực lớn hơn.
Một số chính phủ độc tài đã khá thành công trong sự nghiệp phát triển kinh tế, nâng cao được phúc lợi và bảo vệ được an ninh quốc gia cũng như an ninh cho công dân của mình, chí ít là cho bộ phận có ảnh hưởng lớn trong dân cư; một số chính phủ khác thì không. Những cuộc chuyển hóa từ những chế độ tương đối thành công và từ những chế độ thất bại diễn ra theo những chiều hướng khác nhau, được hình thành bởi tương quan giữa quyền lực của chính phủ và sức mạnh của lực lượng đối lập. Ví dụ, những cuộc chuyển hóa ở Brazil, Chile và Tây Ban Nha bị ảnh hưởng bởi cái mà người ta coi là thành công của các chính phủ độc tài lúc đó trong việc bảo đảm an ninh cho các công dân và tăng trưởng kinh tế.
Kỉ luật nhà nghề và sự gắn bó của - cũng như mức độ ủng hộ của công chúng đối với - lực lượng vũ trang, cảnh sát, tình báo, và những cơ quan an ninh khác cũng góp phần định hình quá trình chuyển hóa. Quá trình chuyển hóa cũng bị ảnh hưởng bởi sức mạnh tương đối của các thiết chế dân sự, trong đó các chính đảng, các cơ quan lập pháp và tư pháp. Sự kiên cường và quá trình hồi phục của các chính đảng, các thiết chế và truyền thống đã từng tồn tại cũng tạo điều kiện những quá trình chuyển hóa ở Chile và Brazil. Những tiêu chuẩn hiến định hay các quy phạm pháp luật và các mạng lưới cũng có vai trò rất quan trọng ở Indonesia, Philippines, Ghana, Mexico và Tây Ban Nha.
*Trong những trường hợp khác, chuyển hóa diễn ra sau nội chiến hay sau vụ chiếm đóng của ngoại bang hay vụ sụp đổ của chế độ quân chủ hay chế độ patrimonial (Patrimonial là hệ thống thứ bậc trong xã hội, trong đó các ông chủ sử dụng nguồn lực của nhà nước để mua sự trung thành của khách hàng trong dân chúng. Đây là quan hệ chủ-khách phi chính thức có thể vươn từ những nấc thang cao nhất trong cơ cấu của nhà nước xuống từng cá nhân trong những ngôi làng nhỏ - ND). Mỗi cuộc chuyển hóa này đều có những vấn đề đặc thù, nhưng nhiều thách thức được xem xét ở đây cũng có thể có liên quan tới những cuộc chuyển hóa khác.
Ở một số nước, thái độ ác cảm với những trải nghiệm vừa diễn ra về bạo lực, đàn áp và tham nhũng, hay tinh thần hoài cổ đối với những thứ từng được đánh giá cao trong quá khứ, cũng có ảnh hưởng đối với quá trình chuyển hóa. Quá trình chuyển hóa cũng bị ảnh hưởng – với mức độ nhiều ít khác nhau - bởi sức mạnh tương đối và chất lượng của các tổ chức của xã hội dân sự, ví dụ, các công đoàn, các cộng đồng tôn giáo, liên đoàn sinh viên và các nhóm phụ nữ. Một điều nữa cũng quan trọng là, quan hệ của những nhóm này với chế độ độc tài, với lực lượng an ninh, và lĩnh vực kinh doanh. Đại hội dân tộc Phi (ANC) ở Nam Phi; liên minh nói “Không” và sau đó là Concertación ở Chile; Đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha (PSOE) và Đảng Cộng sản Tây Ban Nha (PCE); Phong trào Đoàn kết ở Ba Lan; và các đảng, các phong trào chính trị, và các tổ chức xã hội dân sự (CSO) ở những nước khác đã giúp tạo áp lực lên các chính phủ độc tài. Sự ủng hộ có tổ chức dành cho phong trào đối lập và ban lãnh đạo của nó càng sâu rộng thì càng có nhiều khả năng giữ vững được những nhượng bộ quan trọng trong các cuộc đàm phán thường diễn ra một cách bí mật hay công khai với chính quyền độc tài.
• Một số cuộc chuyển hóa đã được khởi động, chí ít là phần nào, bởi sự xích lại gần nhau của các nhóm thuộc tầng lớp trên của chế độ độc tài và phe đối lập, như ở Brazil, Tây Ban Nha, Mexico, Ba Lan và Ghana. Trong một số trường hợp, các chế độ chủ yếu phản ứng với những áp lực của cuộc vận động xã hội từ dưới lên, như ở Chile, Indonesia, Philippines, Ba Lan và Nam Phi. Nhiều vụ chuyển hóa xuất hiện từ những cuộc đàm phán bí mật hay công khai giữa các quan chức chính phủ đương nhiệm và phe đối lập, như đã từng xảy ra theo những cách khác nhau ở Brazil, Chile, Indonesia, Mexico, Ba Lan, Nam Phi và Tây Ban Nha. Một vài cuộc chuyển hóa (nhưng không nhiều) bao gồm những thỏa thuận chính thức của giới tinh hoa, ví dụ như Hiệp ước Moncloa về các chính sách kinh tế của Tây Ban Nha, hiệp ước này sau đó đã dẫn tới những thỏa hiệp chính trị.
• Tất cả những cuộc chuyển hóa này đều là kết quả của các lực lượng và các quá trình diễn ra ở trong nước, nhưng bối cảnh quốc tế rộng lớn và những tác nhân bên ngoài cũng tạo được ảnh hưởng - theo những cách khác nhau. Các xu hướng trong khu vực, các hệ tư tưởng quốc tế giữ thế thượng phong và những mối liên kết với các chế dân chủ đã được thiết lập từ lâu, cũng như bản chất và mức độ hội nhập của mỗi nước vào nền kinh tế toàn cầu cũng có ảnh hưởng nhất định*. Vì vậy, trong một số trường hợp, các siêu cường, các lân bang, các tổ chức quốc tế và những tác nhân bên ngoài khác, trong đó có các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức lao động và truyền thông và cộng đồng kiều dân ở nước ngoài cũng tạo được những áp lực đặc biệt. Ở nhiều nước, kinh nghiệm cá nhân của các nhà lãnh đạo chính trị ở nước ngoài, thường là sống lưu vong, cũng như các tư tưởng và mạng lưới mà họ thiết lập và truyền bá, cũng có ảnh hưởng, như được thể hiện trong các cuộc phỏng vấn với Cardoso, Habibie, Lagos, và Mbeki.
* Để có cái nhìn mang tính so sánh về vai trò của những tác nhân bên ngoài trong quá trình chuyển hóa dân chủ, xin đọc K. Stoner and M. McFaul, Transitions to Democracy: A Comparative Perspective (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 2013).
Trong một số trường hợp (chứ không phải tất cả) các nhà lãnh đạo chính trị, các chính đảng và những người tham gia khác đã học được từ kinh nghiệm của những cuộc chuyển hóa trước đó và qua trao đổi tư tưởng trên bình diện quốc tế. Mbeki nhấn mạnh lời khuyên của Julius Nyerere của Tanzania về việc soạn thảo bản hiến pháp mới đã có ảnh hưởng như thế nào đối với tư duy của ANC ở Nam Phi và kinh nghiệm của Chile với Ủy ban Công lí và Hòa giải đã giúp cung cấp thông tin cho vấn đề công lí trong quá trình hòa giải của Nam Phi. Lagos ghi nhận lời khuyên của Gonzalez của Tây Ban Nha về cách xử lí với lực lượng vũ trang, cảnh sát, và các cơ quan tình báo quan trọng đến mức nào đối với Chile. Hai ông Mazowiecki và Kwaśniewski của Ba Lan đều nhắc đến cuộc xâm lăng của Liên Xô vào Tiệp Khắc và Hungary có ảnh hưởng như thế nào tới cách tiếp cận của cả tướng Jaruzelski lẫn phe đối lập ở Ba Lan.
Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, và kết thúc của nó, đã có ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả những cuộc chuyển hóa này. Mặc dù, tự mình, các tác nhân quốc tế không có vai trò quyết định trong bất kì quá trình chuyển hóa nào, trong hầu như trong tất cả các các trường hợp, sự giúp đỡ (và tương tác) của quốc tế cho những nhà hoạt động ở địa phương và việc bên ngoài không còn ủng hội các chế độ độc tài là thành tố quan trọng.
Nhưng tự thân chúng, không có yếu tố nào trong những yếu tố về cơ cấu, lịch sử và bối cảnh có thể quyết định lúc nào thì chế độ chuyên chế sẽ cáo chung và cáo chung như thế nào, liệu có thiết lập được chế độ dân chủ hay không và thiết lập như thế nào. Các quyết định quan trọng phải được các nhà lãnh đạo chính trị trong chính phủ, trong các đảng và các phong trào đưa ra, mà thường lại là những lựa chọn kém hấp dẫn. Kĩ năng và may mắn đều có vai trò nhất định.
Trong chín nước vừa nói, tất cả các cuộc chuyển hóa từ độc tài đến chế độ dân chủ hiến định - được thiết chế hoá thông qua những cuộc bầu cử định kì, nói chung là tự do, tương đối công bằng, kết hợp với những hạn chế đối với quyền lực của nhành hành pháp và đảm bảo trên thực tế những quyền chính trị thiết yếu, đặc biệt là tự do ngôn luận và tự do hội họp, và các quyền tự do cá nhân khác*. Một số nước vẫn còn những vấn đề quan trọng liên quan đến (hoặc hạn chế vì) bản chất hoặc mức độ hiệu quả của nền quản trị dân chủ, nhưng các thiết chế dân chủ cơ bản vẫn còn đứng vững trong cả chín trường hợp. Sự kiện là tất cả những nước này đều có thể tiến tới chế độ dân chủ hiến định không thể đảo ngược được trong một thế hệ (hoặc lâu hơn) làm cho việc học tập kinh nghiệm từ những nhà lãnh đạo chính trị - những người đã giúp định hướng những cuộc chuyển hóa lịch sử này – trở thành đặc biệt hữu ích.
Với những hoàn cảnh và quỹ đạo chuyển hóa từ chế độ độc tài sang dân chủ đa dạng như thế, không thể có một mô hình “phù hợp cho tất cả” hay một bản hướng dẫn về “những biện pháp hiệu quả nhất” cho những quá trình chuyển hóa như thế. Nhưng chúng ta có thể học được nhiều từ các nhà lãnh đạo từng lèo lái những cuộc chuyển hóa này, đặc biệt là bằng cách nhận diện và khám phá cách họ nhận thức và xử lí những vấn đề chính, phát sinh trong hầu như tất cả các trường hợp.
* Những cuộc chuyển hóa khác trong giai đoạn này tạo ra kết quả khác nhau, trong đó có các chế độ nửa độc tài, với những cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh và những vụ vi phạm nghiêm trọng các quy trình dân chủ, cũng như các chính phủ dân chủ thất thường và không hoàn hảo, có thể bị đảo ngược. Xin mời đọc S. Levitsky and L. A. Way, Competitive Authoritarianism: Hybrid Regimes after the Cold War (New York: Cambridge University Press, 2010).
Những thách thức thường gặp
Có bốn nhóm thách thức lớn: chuẩn bị cho quá trình chuyển hóa, chấm dứt chế độ độc tài, thực hiện và quản lí quá trình chuyển giao quyền lực và ổn định và thiết chế hóa chế độ dân chủ đang xuất hiện. Những thách thức này không xuất hiện theo lối tuyến tính hay theo trật tự thời gian, nhưng chúng xuất hiện trong tất cả các trường hợp và có thể sẽ hiện diện trong những cuộc chuyển hóa trong tương lai.
Chuẩn bị cho quá trình chuyển hóa
Các lực lượng trong nước muốn tiêu diệt chế độ độc tài thường phải giành được sự ủng hộ rộng rãi, sự cố kết, tính chính danh và những nguồn lực khác nhằm thách thức khả năng cai trị của chế độ, cũng như để trở thành đối thủ đáng tin cậy trong việc tranh giành quyền lực quốc gia. Trong một số trường hợp, họ cũng phải là những người đối thoại năng động để có thể làm việc với những người của chế độ độc tài, nhưng đã nhận ra rằng chế độ cần đối tác để tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược giải thoát trở thành khả thi. Đôi khi họ cũng phải là lực lượng đáng tin cậy đối với các tác nhân quốc tế, muốn ủng hộ quá trình chuyển hóa. Những mục tiêu này đòi hỏi phải có cầu nối, vượt qua những bất đồng sâu sắc về mục tiêu, chiến lược, chiến thuật, và ban lãnh đạo giữa những lực lượng đối lập với chế độ độc tài. Thuyết phục các nhóm đối lập khác nhau để khắc phục những khác biệt chủ yếu của họ, nhằm đối phó với chế độ độc tài, thường là công việc không dễ dàng. Việc xây dựng liên minh rộng có khả năng lật đổ chế độ độc tài và cam kết mạnh mẽ với các giá trị dân chủ, thường đòi hỏi phải làm việc một cách kiên trì thì mới vượt qua được sự chia rẽ trong phe đối lập, đồng thời hiểu rõ và tận dụng được sự chia rẽ, rõ ràng hay tiềm ẩn, trong lòng chế độ. Biết cách đoàn kết phe đối lập và chia rẽ chế độ đương quyền là trọng tâm của nhiều cuộc chuyển hóa, như Cardoso đã nói. Ông này nhấn mạnh chiến lược cốt lõi của mình: Không phải lật đổ quân đội, nhưng khuyến khích họ tìm kiếm lối thoát.
Chấm dứt chế độ độc tài
Chính quyền độc tài không từ bỏ quyền lực cho đến khi ít nhất một trong những lĩnh vực quan trọng trong chế độ cho rằng làm như vậy mới tránh được những hậu quả tai hại: mất mát rất nhiều sự ủng hộ của công chúng, bạo lực trong dân chúng, chia rẽ lực lượng vũ trang, thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, bị quốc tế tẩy chay hoặc đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Sự nhục nhã vì thất bại quân sự, kinh tế sụp đổ hoặc sự thất bại nghiêm trọng trong bầu cử đôi khi cũng làm cho chế độ nhanh chóng tan rã. Nhưng thường thì những vụ chấn thương này chỉ dẫn tới chuyển hóa dân chủ khi một số bộ phận của chính quyền độc tài cho phép hay ủng hộ những đòi hỏi về dân chủ của phe đối lập.
Các lực lượng đối lập phải đưa ra được những cách tiếp cận có thể khuyến khích những yếu tố đó trong lòng chính phủ độc tài nhằm mở cửa cho công cuộc chuyển hóa. Điều này thường đòi hỏi phải đảm bảo với họ rằng sẽ không có sự trả thù trên diện rộng những người cai trị cũ và những người ủng hộ họ, quyền lợi kinh tế và những quyền lợi khác của các trung tâm quyền lực đã chính thức hóa sẽ được tôn trọng, mặc dù nạn tham nhũng trắng trợn và những đặc quyền đặc lợi thô thiển sẽ không được chấp nhận; và khi những cơ quan mới lên nắm quyền thì những quyền cá nhân của các nhà lãnh đạo cũ sẽ được luật pháp bảo vệ. Không dễ gì có thể điều hoà những đảm bảo như vậy với những khát vọng có thể hiểu được của những lực lượng đối lập đã bị cho ra rìa trong một thời gian dài, tức là những lực lượng đã chấp nhận những rủi ro lớn trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ độc tài. Nhưng điều này là có thể, và nó thường được các nhà lãnh đạo quá trình chuyển tiếp, cả từ chính phủ đương quyền lẫn phong trào đối lập, coi là việc làm cần làm thiết.
Tiến hành và quản lí quá trình chuyển giao quyền lực
Thực hiện công cuộc chuyển hóa thành công đòi hỏi phải giải quyết nhiều căng thẳng và tình huống tiến thoái lưỡng nan, và thường liên kết với nhau. Những người nắm quyền phải thúc đẩy trật tự công dân và bạo lực, đồng thời cố gắng nhằm đảm bảo rằng tất cả lực lượng an ninh và tình báo - trong đó có một số người từng là trung tâm của những vụ đàn áp trước đó - sẽ hành động theo khuôn khổ của pháp luật và nằm dưới sự kiểm soát của những cơ quan dân sự mới.
Họ cũng phải khuyến khích sự tin tưởng ở trong nước và có tính chính danh trên trường quốc tế. Trong nhiều trường hợp, điều này liên quan đến việc xây dựng các thủ tục bầu cử để đảm bảo rằng ý chí của đa số cử tri sẽ được ghi nhận và được tôn trọng, mà còn tái khẳng định với các nhóm thiểu số quan trọng nhất về chính trị (thường bao gồm những người có quan hệ với chế độ sắp ra đi), rằng họ sẽ có người đại diện và những lợi ích cốt lõi của họ sẽ được bảo vệ theo luật pháp.
Đòi hỏi thứ ba là đảm bảo rằng những người nắm quyền sẽ được chuẩn bị cẩn thận, cả về mặt kĩ thuật và chính trị, vì trách nhiệm quản trị mới của họ: được đào tạo và có những kĩ năng cần thiết, thu hút những người đã có những kĩ năng đó, hoặc giữ lại một số nhân viên của chế độ cũ; như Gonzalez, Mazowiecki và Mbeki nhấn mạnh. Trong một loạt vấn đề - từ chính sách kinh tế vĩ mô đến việc cung cấp các dịch vụ xã hội và truy tìm công lí trong giai đoạn chuyển hóa - quản lí các triển vọng, quản lí năng lực và chuyên môn khác hẳn so với những phẩm chất của phe đối lập. Trong nhiều trường hợp, điều này có nghĩa là vừa học vừa làm.
Các chính phủ do phe đối lập lập ra phải cân bằng nhu cầu về trình độ của bộ máy quản lí hành chính, kĩ trị, bộ máy an ninh và tư pháp nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của chế độ cũ. Họ phải định hướng lại bộ máy quản lí hành chính và các cơ an ninh và lực lượng cảnh sát, chuyển từ tập trung vào việc kiểm soát các thần dân sang phục vụ các công dân. Tiếp đến, họ phải thuyết phục công dân chấp nhận và bắt đầu tin tưởng vào nhà nước, mà nhiều người đã bác bỏ, một cách dễ hiểu, vì coi đấy là chính quyền không chính danh đáng ghét.
Các nhà lãnh đạo công cuộc chuyển hóa phải cân bằng, một mặt, giữa những đòi hỏi mâu thuẫn nhau của những người mà quyền con người đã bị chế độ cũ vi phạm và buộc những người đã vi phạm thô bạo những quyền đó phải chịu trách nhiệm giải trình, và mặt khác, vẫn giữ được lòng trung thành của các lực lượng an ninh (một số người trong số đó đã từng tham gia thực hiện những vi phạm này). Đồng thời, họ phải thuyết phục công dân rằng những lực lượng này có thể giải quyết nạn tội phạm, bạo lực, và, trong một số trường hợp, giải quyết được những phong trào li khai và nổi dậy. Họ phải tìm được những biện pháp nhằm thúc đẩy những cựu thù không đội trời chung chấp nhận lẫn nhau một cách hòa bình, đấy là vấn đề không dễ.
Chính quyền mới thường thừa hưởng những hình thức tham nhũng và không có biện pháp trừng phạt trong một thời gian dài. Họ cần lập ra hay bảo vệ quyền tự trị và quyền lực của các cơ quan tư pháp độc lập, cũng như các phương tiện truyền thông độc lập, sao cho những thiết chế này có thể buộc những quan chức trong nhánh hành pháp của đất nước và những người khác phải có trách nhiệm giải trình, trong khi không tạo ra những trung tâm có quyền phủ quyết, có thể ngăn chặn tất cả những sáng kiến mới của chính phủ.
Họ cũng cần tăng trưởng kinh tế và có thêm nhiều việc làm và kiềm chế lạm phát, trong khi phải cải thiện cho bằng được việc cung cấp nhà ở, chăm sóc sức khoẻ và giáo dục và tăng các khoản chi tiêu công, nhằm đáp ứng những nhu cầu mà người nghèo đã chờ đợi từ rất lâu rồi. Muốn làm như thế, chính quyền mới phải lôi kéo được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài mà không làm cho dân chúng lo ngại rằng chính quyền đang bị bán rẻ cho các nhóm đặc quyền đặc lợi. Thường thì các chính phủ mới phải được sự ủng hộ của công chúng đối với những chính sách kinh tế vĩ mô với mục tiêu là tạo ra lợi ích dài hạn, nhưng lại phải áp đặt những hi sinh khá đau đớn và những hiện tượng không chắc chắn trong ngắn hạn. Những nhà lãnh đạo tất cả những cuộc chuyển hóa này đã chấp nhận những cách tiếp cận theo định hướng thị trường, áp dụng chính sách tiền tệ và tài chính thận trọng. Họ chấp nhận - ngay cả những người ban đầu chưa theo xu hướng đó - rằng đây là những chính sách cần thiết trong nền kinh tế đã toàn cầu hoá hơn bao giờ hết, cùng với những chính sách xã hội mạnh mẽ, làm cho phát triển kinh tế này càng cân bằng hơn.
Ổn định và thiết chế hóa chế độ dân chủ mới xuất hiện
Trong quá trình chuyển hóa dân chủ, các nhà lãnh đạo chính trị thường phải đối mặt với những vấn đề gai góc khác. Sau một vài năm, dân chúng thường đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo dân chủ - và đôi khi là đổ lỗi cho chính chế độ dân chủ - vì không đáp ứng được những kì vọng về kinh tế hay chính trị. Các phong trào từng đoàn kết trong cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài thường tan rã, gây ra nhiều thách thức đối với chính phủ, hoặc lâm vào tình trạng mục ruỗng, trở thành những kẻ tự mãn và phục vụ cho chính quyền.
Hệt như thế, các tổ chức xã hội dân sự - trong đó có các nhóm quyền con người và các phong trào của phụ nữ - tức là những tổ chức từng có đóng góp quan trọng vào phong trào đối lập với chính quyền độc tài đôi khi cũng bị tê liệt hoặc chuyển sang lập trường cực đoan và phá hoại sau khi nhiều nhà lãnh đạo tài năng và có quan điểm thực tế nhất của họ tham gia chính phủ hay nền chính trị đảng phái. Trong những hoàn cảnh như thế, duy trì các tổ chức phi chính phủ hoạt động tích cực và độc lập là việc không dễ. Xây dựng các mối quan hệ cùng có lợi giữa chính phủ mới và lực lượng đối lập mới (đôi khi, gồm các cơ quan có thẩm quyền trước đây), cũng như với những lực lượng xã hội độc lập và các tổ chức của xã hội dân sự là việc làm không đơn giản. Nó đòi hỏi sự chú ý đặc biệt tinh tế và liên tục.
Bài học từ các nhà lãnh đạo chính trị
Trong những trường hợp đặc biệt không chắc chắn trong quá trình chuyển hóa hệ thống, các nhà lãnh đạo chính trị thường phải ban hành quyết định với những thông tin cực hạn chế hay chẳng có mấy bảo đảm về hậu quả của những quyết định này*. Nhiều nhà lãnh đạo nhấn mạnh nỗi sợ hãi, thúc đẩy họ phải đưa ra những thoả hiệp mà một số người lúc đó (cũng như một số người thuộc các thế hệ kế tiếp) chỉ trích là quá nhút nhát. Những lời thú nhận của họ vì sao họ lại đưa ra - và quá trình đưa ra - những lựa chọn khó khăn cho những vấn đề như quan hệ dân sự-quân sự, công lí trong quá trình chuyển hóa và những lĩnh vực dành riêng (Reserved domains)**. Lo sợ việc quay lại chế độ cũ hoặc nạn bạo lực cũng định hình cách tiếp cận của họ trong việc soạn thảo những điều khoản của hiến pháp, thiết lập hệ thống bầu cử và chính sách kinh tế. Những rủi ro, không chắc chắn, và những quyết định khó khăn là không thể tránh khỏi, nhưng những vấn đề này không tất yếu ngăn cản các nhà lãnh đạo đưa ra những hành động có thể phá vỡ bế tắc.
Tiến lên từng bước một
Tất cả những nhà lãnh đạo này đều tin rằng điều quan trọng là tận dụng những lợi thế thậm chí là cơ hội, cục bộ để tiến lên chứ không từ bỏ những bước tiến bộ từ từ để đổi lấy hi vọng là sau đó có thể có điều kiện (nhưng không đảm bảo) thực hiện những thay đổi lớn hơn. Họ nhấn mạnh quyết tâm cải thiện tình hình không được như ý, chứ không tưởng tượng ra một cách khởi đầu hoàn toàn mới hay chỉ đơn thuần hy vọng rằng những hạn chế, cản trở tiến trình hướng tới những mục tiêu cuối cùng sẽ tự biến mất.
Ví dụ, Aylwin, thảo luận cuộc tranh luận trong phe đối lập về việc liệu có tham gia (và tham gia theo những điều khoản nào) vào cuộc trưng cầu dân ý năm 1988 ở Chile, theo hiến pháp do Pinochet áp đặt vào năm 1980, và những luận cứ quan trọng cao nhất của ông nhằm thách thức chế độ theo chính luật pháp của chế độ, chứ không tiếp tục khăng khăng tố cáo tính bất hợp pháp của nó. Lagos nhớ lại lời khuyên mà Felipe Gonzalez đã dành cho ông và các đồng nghiệp của ông về “việc thoát khỏi cái giếng” - đó là, giành được lực lượng và đòn bẩy lớn hơn - trước khi đưa ra những đòi hỏi bổ sung. Cardoso giải thích xu hướng của ông, trái ngược với nhiều người khác trong phe đối lập Brazil, chấp nhận rằng chế độ quân sự sẽ không cho phép tổ chức bầu cử trực tiếp tổng thống và thay vào đó, cần hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của chế độ nhằm tranh cử trong cuộc bầu cử năm 1985.
* Trong công trình nghiên cứu có tính đột phá về những cuộc chuyển hóa từ chế độ độc tài, Guillermo O'Donnell và Philippe Schmitter nhấn mạnh những kiện không chắc chắn đặc thù của những công cuộc chuyển hóa như thế và tại sao chúng lại khác và khác như thế nào với “nền chính trị bình thường”. Xem G. O’Donnell and P. Schmitter, Transitions from Authoritarian Rule: Tentative Conclusions about Uncertain Democracies (Baltimore: Johns Hopkins University Press, 1986; tái bản với một lời tựa mới của Cynthia Arnson và Abraham F. Lowenthal, Johns Hopkins University Press, 2013).
** Các lĩnh vực dành riêng (Reserved domains) là những nhượng bộ đặc biệt dành cho các nhóm cầm quyền trước đây, họ được giữ một số đặc quyền như bảo đảm ngân sách cho các tổ chức quân sự, cho một số nhóm đặc biệt kiểm soát một số bộ phận của nền kinh tế và đảm bảo một số cá nhân, tổ chức hay các nhóm lợi ích có đại diện về chính trị.
De Klerk và Mbeki thảo luận về quyết định cực kì quan trọng nhằm thống nhất các nguyên tắc cho bản hiến pháp tạm thời trước khi tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của đất nước, bản hiến pháp này sẽ được quốc hội được bầu sau đó ở Nam Phi đem ra thảo luận, cải tiến, và thông qua. Mazowiecki và Kwaśniewski đều nhấn mạnh thỏa thuận tiến hành cuộc bầu cử “theo hợp đồng”, mới tự do một phần ở Ba Lan năm 1989 theo những điều kiện nhằm đảm bảo rằng Cộng sản sẽ nắm được đa số ghế và Tổng thống Jaruzelski sẽ được tái cử, nhằm đảm bảo quá trình phát triển theo từng bước một. Kufuor giải thích vì sao ông bác bỏ việc đảng ông tẩy chay cuộc bầu cử năm 2000 ở Ghana. Zedillo nhấn mạnh tầm quan trọng của những cuộc cải cách theo từng bước một thủ tục bầu cử do Đảng Hành động Quốc gia (National Action Party - PAN) và được Đảng Cách mạng Thể chế (Institutional Revolutionary Party - PRI) đang cầm quyền chấp nhận trong mấy năm trước khi ông được bầu làm tổng thống, khi mà người ta có cảm tưởng rằng PRI sẽ không nhường cho đảng khác lên cầm quyền.
Các nhà lãnh đạo này bao giờ cũng ưu tiên cho việc cho đạt được tiến bộ bất cứ khi nào có thể, ngay cả khi một số ưu tiên quan trọng chỉ có thể đạt được một phần và khi một số nhóm cử tri quan trọng và những người ủng hộ đưa ra những đòi hỏi mà các nhà lãnh đạo coi là không khả thi. Từ bỏ những quan điểm cầu toàn đôi khi cần nhiều lòng can đảm chính trị hơn là gắn bó với những mục tiêu đó hay tiếp tục theo đuổi những nguyên tắc hấp dẫn nhưng có thể là không thực tế.
Để chiến đấu chống lại đàn áp và thúc đẩy mở cửa, các nhà lãnh đạo phe đối lập phải huy động được những cuộc biểu tình; phải thách thức trật tự và luật pháp đã được thiết lập; phải lên án những vụ bỏ tù, tra tấn và trục xuất những người bất đồng chính kiến; và đấu tranh chống lại tính chính danh của chế độ trên bình diện quốc gia và quốc tế. Nhưng họ luôn luôn phải sẵn sàng chấp nhận thỏa hiệp nhằm cải thiện vị thế của mình. Đến lượt mình, những người đang nắm quyền trong các chế độ độc tài có thái độ cởi mở đối với công cuộc chuyển hóa dân chủ phải tìm cách duy trì quyền lực và sự ủng hộ của các nhóm cử tri chính, trong khi vẫn tạo không gian cho các đảng đối lập. Họ phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi làm như thế, ví dụ như Klerk đã từng làm, bằng cách kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc ủng hộ cách tiếp cận của ông đối với các cuộc đàm phán với ANC trong nội bộ dân da trắng và ông giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý này. Aylwin, Lagos, Cardoso, de Klerk, Mbeki, Gonzalez, và Mazowiecki, tất cả đều nhấn mạnh - từ những quan điểm khác nhau - rằng các nhà lãnh đạo của cả hai bên phải kết hợp áp lực với thiện ý thực sự, nhằm đưa ra các thỏa hiệp. Tiến hành công cuộc chuyển hóa không phải là công việc giành cho những kẻ giáo điều.
Cần có tầm nhìn đầy hi vọng và dung hợp
Mặc dù đôi khi cần phải chấp nhận những thỏa hiệp bất như ý, nhưng các nhà lãnh đạo này còn hiểu rằng phải thường xuyên nuôi dưỡng tầm nhìn rộng lớn và đầy hi vọng về kết quả của quá trình chuyển hóa. Họ nhấn mạnh con đường đi lên chứ không tập trung vào những bất bình trong quá khứ. Tầm nhìn hấp dẫn về tương lai lâu dài cho toàn xã hội, kết hợp với những lời hứa hẹn giản dị về những lợi ích trực tiếp hơn, giúp làm cho các quá trình chuyển hóa phức tạp vượt qua những giai đoạn căng thẳng với những mối nguy hiểm, tổn thất và thất vọng. Cần tầm nhìn như thế để chống lại nỗi sợ hãi có thể làm tan rã các tổ chức xã hội và làm cho người dân tê liệt. Vượt qua nỗi sợ hãi đang lan tràn vào tận hang cùng ngõ hẻm là thách thức to lớn đối với nhiều nhà lãnh đạo, như Klerk, Gonzalez, Lagos và Mazowiecki, khẳng định. Giai thoại của Lagos, về một người phụ nữ đảng viên đảng xã hội miễn cưỡng quyết định bỏ phiếu cho ứng cử viên bảo thủ để tránh quay trở lại với tình trạng phân cực trong xã hội, là đặc biệt thấm thía.
Khuyến khích hội tụ và xây dựng liên minh
Khuyến khích hội tụ, hình thành đồng thuận và xây dựng liên minh giữa các lực lượng đối lập là công việc cực kì quan trọng cho cả mục tiêu hoàn thành công cuộc chuyển hóa và cho khởi đầu của quá trình xây dựng nền quản trị dân chủ. Quan trọng là kết nối các nhà hoạt động chính trị trong phe đối lập với các phong trào xã hội – trong đó có công nhân, sinh viên, phụ nữ, các nhóm nhân quyền và các tổ chức tôn giáo - trong quá trình xác định và giành những mục tiêu bao quát của phe đối lập. Những mối liên kết các nhóm tinh hoa rõ ràng là quan trọng, cả trong lực lượng đối lập và giữa các lực lượng đối lập và một số người phản đối thay đổi chế độ. Nhưng việc quần chúng rộng lớn hơn cho rằng các phong trào dân chủ thực sự là những phong trào dung hợp, chứ không chỉ đơn thuần là phương tiện cho các cá nhân hay các nhóm cụ thể cũng quan trọng. Cốt yếu là phải xây dựng trên cơ sở sự tham gia của các phong trào xã hội trong việc huy động cuộc đấu tranh phản đối chế độ độc tài và sau đó thiết lập khung hiến pháp mới, bảo vệ các quyền con người, xây dựng các đảng chính trị và xã hội dân sự. Trong nhiều trường hợp, để giành được những mục tiêu này, việc tham gia của phụ nữ và các tổ chức phụ nữ là rất quan trọng, như Cardoso, Habibie, Lagos, Mbeki, Ramos, và Rawlings đã nói, và đã thảo luận chi tiết trong tiểu luận của Georgina Waylen (Chương 10, tác phẩm này).
Muốn hoàn thành công việc hội tụ thì cần tập trung cao độ vào những thứ liên kết con người lại với nhau chứ không phải tập trung vào những thứ chia rẽ họ, như Aylwin, Gonzalez, và những người khác đã nhấn mạnh. Nhưng cũng cần phải có những quyết định khó khăn nhằm loại bỏ một số nhóm không chịu từ bỏ bạo lực, hay những nhóm khăng khăng giữ những đòi hỏi không thể thỏa hiệp về quyền tự trị của khu vực, sắc tộc, hay phe phái. Kết hợp những đòi hỏi này có thể có làm cho chuyển hóa khó thành công hơn ở Chile, Indonesia, Philippines, Nam Phi và Tây Ban Nha. Các nhà lãnh đạo chính trị phải nuôi dưỡng thái độ chấp nhận lẫn nhau giữa những người phản đối chế độ độc tài, nhưng lại có thái độ thù địch với nhau, và tìm cách hoà giải các quan điểm khác nhau hay thiết lập cơ sở cho thái độ khoan dung với những người đang làm cho chính phủ đương nhiệm và những người ủng hộ họ, và đồng thời cô lập những người vẫn giữ thái độ không khoan nhượng ở cả hai phía.
Các nhà lãnh đạo phe đối lập thường phải xây dựng những cầu nối nhằm làm dịu bớt những yếu tố trong lòng chế độ cũ và kết nối với các trung tâm quyền lực khác trong xã hội, đặc biệt là các nhóm lợi ích chính trong lĩnh vực kinh doanh. Trong nhiều trường hợp, còn phải tìm cách điều hoà quan điểm của các thành viên phe đối lập sống lưu vong (hoặc vừa trở về) với những người tiến hành công tác tổ chức ở trong nước, hoặc đôi khi chọn một trong những quan điểm đó, như Cardoso, Gonzalez, Lagos, và Mbeki nhận xét.
Phong cách cá nhân và được mọi người tôn trọng là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng đồng thuận. Ngay sau khi Soeharto mất chức, Habibie đã tự tới Quốc hội để tìm kiếm ủng hộ và cho tướng Wiranto quyền nắm giữ lực lượng khẩn cấp đặc biệt mà Soeharto đã trao cho ông ta, và do đó, đảm bảo được sự trung thành của Wiranto. Ramos áp dụng cách tiếp cận với nhiều cuộc thảo luận và tư vấn trong quá trình xây dựng chính sách. Cardoso đã cùng với vợ tham gia những buổi lễ thăng quân hàm của các sĩ quan quân đội Brazil, nhằm củng cố các mối quan hệ cá nhân mà ông cần dựa vào sau này để có thể đưa những người đứng đầu quân đội ra khỏi nội các và đưa các quan chức dân sự lên làm bộ trưởng quốc phòng, theo dự định của ông. Chính Aylwin và những thành viên tích cực được đưa vào Ủy ban Chân lí và Hoà giải Chile, những người có uy tín trong các lĩnh vực khác nhau, thỉnh thoảng đến thăm nhà nhau. Mazowiecki chủ trì các phiên họp xây dựng đồng thuận kéo dài trong nội các của ông và trước sau như một, ông luôn luôn tìm cách làm cho chính phủ của mình trở nên ngày càng có tính dung hợp hơn. Zedillo đã chấp nhận đề xuất của đảng đối lập PAN và Đảng Cách mạng Dân chủ (PRD) đòi sửa đổi luật và thủ tục bầu cử của Mexico. Tất cả những sáng kiến này đều tự tin, có tầm nhìn, kiên nhẫn, kiên trì, và đúng lúc. Những sáng kiến này cũng cho thấy những cố gắng đầy ý thức và thận trọng nhằm báo hiệu cho lực lượng đang tranh chấp rằng trong chế độ mới, tất cả mọi người đều có trách nhiệm và quyền lợi.
Thiết lập và bảo vệ không gian cho đối thoại
Thiết lập và bảo vệ không gian đối thoại trực tiếp giữa các nhóm đối lập và giữa chính phủ và lãnh đạo phe đối lập thường là công việc cực kì quan trọng. Vì những cuộc thăm dò đôi khi đòi hỏi phải bí mật, nhất thời có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nghi ngờ giữa các nhóm đối lập với nhau. Cần phải xây dựng những cầu nối giữa các phong trào chính trị và các lĩnh vực khác – trong đó có các nhóm doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp, các nhóm tôn giáo, và các tổ chức xã hội dân sự - một số trước đây từng hợp tác với chế độ độc tài, nhưng bây giờ dường như sẵn sàng trở thành trung lập hay thậm chí là đào ngũ. Những nhà lãnh đạo này nghĩ rằng đầu tư vào các mối quan hệ hướng tới tương lai quan trọng hơn là giải quyết các cuộc tranh chấp về quá khứ.
Những cuộc đối thoại hướng tới tương lai như thế mài sắc tầm nhìn và cương lĩnh của phe đối lập, củng cố sự đồng thuận đang hình thành và xây dựng những cam kết chung, trong đó có những vấn đề về dân chủ và nhân quyền; những cuộc đối thoại này cũng giúp làm rõ các vấn đề khó khăn nhất sẽ được đem ra đàm phán. Những cuộc đối thoại này cung cấp cho người ta ý tưởng và phân tích và thậm chí còn giúp tạo ra các tiêu chuẩn và luật chơi cho nền quản trị dân chủ. Điều này được minh họa bằng những cuộc “đàm phán về đàm phán” bí mật giữa các cơ quan chính phủ và lãnh đạo ANC được tổ chức ở bên ngoài lãnh thổ Nam Phi, cũng như các “hội nghị trong bụi rậm” mà Klerk tiến hành với các nhà lãnh đạo Đảng Quốc gia nhằm tạo ra sự đồng thuận cho các cuộc đàm phán với ANC. Có thể kể những ví dụ, trong đó có vai trò của Nhóm 24, Trung tâm Nhân đạo Cơ đốc giáo, Corporación Estudios para Latinoamerica (CIEPLAN) và Vector ở Chile; Trung tâm Phân tích và Kế hoạch hóa (CEBRAP) của Brazil và các trung tâm khác ở Brazil; các cuộc Thảo luận Bàn tròn và những cuộc thảo luận riêng tư trước-Bàn tròn ở Magdalenka giữa Công đoàn Đoàn kết và chính quyền Cộng sản ở Ba Lan; các cuộc đàm phán giữa Adolfo Suarez và Ủy ban Chín người trước cuộc bầu cử năm 1977 ở Tây Ban Nha; và vai trò của các tổ chức Hồi giáo ở Indonesia và vai trò của Hiệp hội Luật sư và các nhóm xã hội dân sự khác ở Ghana. Quan trọng là không được rút ngắn hay cắt bớt các cuộc thảo luận kéo dài, thường là rất cần cho việc xây dựng các liên minh và tạo lập đồng thuận.
Soạn thảo hiến pháp
Soạn thảo bản hiến pháp mới hay sửa đổi bản hiến pháp hiện có thường là nhiệm vụ cần làm - nhưng là nhiệm vụ khó khăn và đôi khi, nguy hiểm. Quá trình đó chắc chắn sẽ gây ra những cuộc tranh luận quan trọng về những vấn đề cơ bản: từ quyền kinh tế và xã hội đến thiết kế và những chi tiết của hệ thống bầu cử; từ vai trò của quân đội đến cải cách hệ thống tư pháp; và trong một số trường hợp, vấn đề quyền tự trị của khu vực. Hệ thống và các thủ tục bầu cử, cũng như việc hợp thức hóa các nhóm chính trị từng bị cấm, tức là những nhóm mà chính quyền độc tài coi là những tổ chức lật đổ, thường là những vấn đề gây tranh luận dữ dội,
Người ta đã sử dụng một số cách tiếp cận khác nhau để thiết kế bản hiến pháp mới: Bầu Hội đồng Lập hiến, thành lập một ủy ban đặc biệt, hay giao chức năng này cho Nghị viện, trước khi trình văn kiện thu được cho công chúng để được chấp thuận thông qua trưng cầu dân ý. Mỗi quá trình đếu có giá trị trong một số trường hợp nhất định. Dù lựa chọn quá trình nào thì các nhà lãnh đạo cũng khẳng định tầm quan trọng của việc thu hút thật nhiều người khác nhau cùng tham gia vào quá trình soạn thảo hiến pháp và cố gắng hết sức nhằm đáp ứng những yêu cầu cốt lõi của các nhóm quan trọng nhất, đang tranh chấp với nhau.
Đây là điều quan trọng, ngay cả khi nó có nghĩa là chấp nhận một cách miễn cưỡng (chí ít là trong khoảng thời gian nào đó) những thủ tục rườm rà, ví dụ, những điều khoản phi dân chủ của Chile: các thượng nghị sĩ được chỉ định và đặc biệt là chỉ định cựu Tổng thống Pinochet đứng đầu lực lượng vũ trang trong suốt tám năm, sau khi đã bầu ông ta làm tổng thống và thượng nghị sĩ suốt đời. Trong một số trường hợp, các nhà lãnh đạo công cuộc chuyển hóa còn xác định rằng muốn được nhiều người ủng hộ bản hiến pháp mới thì cần phải đưa vào cả những khát vọng mà cuối cùng có thể cần phải xem xét lại. Làm thế là đúng, vì, ví dụ, những khoản đảm bảo cao ngất ngưởng về mặt kinh tế-xã hội nhưng không thể duy trì được về mặt tài chính nhằm thu hút sự ủng hộ bản hiến pháp 1988 của Brazil, cũng như các điều khoản cho phép một số cơ quan của lực lượng vũ trang tham gia vào nội các, đã được sửa đổi trong giai đoạn Cardoso làm tổng thống.
Đôi khi, cần phải tiến hành qua nhiều giai đoạn. Ở Tây Ban Nha, Chính phủ Suarez đã thuyết phục được Nghị viện – vẫn do những người ủng hộ nhà cựu nhà độc tài Francisco Franco chiếm ưu thế - thông qua những điều khoản nhằm tổ chức những cuộc bầu cử dân chủ, và sau kết quả của những cuộc bầu cử đó mới tiến hành soạn thảo bản hiến pháp mới. Ở Ba Lan, công cuộc cải cách hiến pháp đã không được Nghị viện chấp thuận, đã được Tổng thống Kwaśniewski khôi phục và trình lên Nghị viện khóa sau – được bầu theo lối dân chủ - và được phê duyệt. Kinh nghiệm của Nam Phi có lẽ là phức tạp nhất. Chính phủ de Klerk và ANC thương lượng một bản hiến pháp tạm thời, dựa trên 34 nguyên tắc đã được hai bên thỏa thuận. Họ chỉ soạn thảo bản hiến vĩnh viễn sau khi cuộc bầu cử Nghị viện dân chủ đầu tiên được tổ chức – nghị viện này sẽ hoạt động như Hội đồng Lập hiến và lúc đó sẽ trình văn bản lên Toà Bảo Hiến để đảm bảo rằng văn kiện này tuân thủ 34 nguyên tắc và được thông qua.
Tất cả các nhà lãnh đạo này đều hiểu rằng lời văn của hiến pháp sẽ có thực sự vĩnh viễn hay không cũng không có ý nghĩa bằng việc liệu những người chấp bút nó có được nhiều người ủng hộ - liên quan tới những điều khoản chính và tính hợp pháp của nó – có thiết lập được sự đồng thuận về khuôn khổ để tiến lên và đồng ý về biện pháp tiến hành – đấy là việc không dễ và cũng không phải là không làm được – nhằm sửa đổi văn kiện trong giai đoạn sau, khi có đủ điều kiện. Mặc dù, từ ngữ chính xác của bản hiến pháp rõ ràng là vấn đề quan trọng, nhưng được ai thông qua, thông qua như thế nào, thông qua khi nào cũng quan trọng*.
Đảm bảo cho những người từng làm việc và người ủng hộ chế độ cũ rằng lợi ích về kinh tế và thiết chế của họ - cũng như các quyền cá nhân của họ - sẽ được bảo vệ thường có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình xây dựng hiến pháp, mặc cho những cuộc phản đối có thể dự đoán được của những người trước đây bị cho ra rìa (và thường bị đàn áp). Nguyên tắc quan trọng là những biện pháp đảm bảo này cần minh bạch và phù hợp với các thủ tục dân chủ và hợp hiến để tạo ra khả năng xem xét lại theo đúng những thủ tục này trong giai đoạn sau. Những vấn đề khó khăn, như công lí trong giai đoạn chuyển hóa và quan hệ quân-dân không nhất thiết phải được giải quyết trong một bước duy nhất, mà có thể được giải quyết theo từng giai đoạn trong thời gian dài. Ví dụ, trong công bố thành lập Ủy ban Chân lí và Hoà giải, năm 1990, ở Chile, Aylwin hứa sẽ chỉ tìm kiếm công lí “trong mức độ có thể”, nhưng ông hi vọng rằng điều đó có thể được mở rộng cùng thời gian, mà sau này đã làm được.
Quan trọng hơn là đạt được thoả thuận về các thủ tục để nhận và thách thức quyền lực chính trị chứ không phải là xác định trước những chi tiết chính xác về đại diện chính trị. Muốn có thỏa hiệp thì phải có sự tham gia rộng rãi vào tiến trình chính trị, thậm chí nếu việc tham gia như thế có làm giảm thẩm quyền của các quan chức dân cử và tạo ra nhu cầu điều chỉnh tiếp theo trong tương lai.
Cuộc tranh luận về việc liệu những thỏa hiệp như thế có đi quá xa hay không còn tiếp tục cho đến tận ngày nay. Ví dụ, ở Chile, việc xem xét lại bản hiến pháp năm 2005 không làm thay đổi Hệ thống bầu cử “cặp” (binomial) được thông qua sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1988, dưới thời Pinochet, tức là trước khi Concertación lên cầm quyền. Nó giúp cho đảng thiểu số, tức là đảng nhận được một phần ba số phiếu bầu trong cuộc bầu cử Quốc hội tại khu vực cũng có số nghị sĩ ngang với đảng đa số, thu được 60% phiếu bầu, làm cho các vị tổng thống khó giành được đa số đáng kể trong Quốc hội. Điều khoản gây tranh cãi này vẫn được giữ lại cho đến năm 2015, tức là 25 năm sau khi chế độ độc tài cáo chung - khi Quốc hội phê chuẩn luật bầu cử mới. Nhưng, không nghi ngờ gì rằng, những thỏa hiệp như vậy đã giúp đưa những phong trào ở những thái cực khác nhau tham gia tranh cử một cách hòa bình, và do đó, giúp tạo ra các chế độ dân chủ ổn định, mở cửa cho quá trình phát triển trong những giai đoạn sau.
* Philippe Schmitter đã nhấn mạnh điểm này trong “Contrasting Approaches to Political Engineering: Constitutionalization and Democratization” (bản thảo chưa được công bố, tháng 2 năm 2001).
Khía cạnh kinh tế chính trị của quá trình chuyển hóa
Cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1997-1998 làm cho chính quyền Soeharto sụp đổ và do đó, khởi động quá trình chuyển hóa sang chế độ dân chủ của Inđônêxia. Ở Brazil, Ba Lan và Nam Phi, sự trì trệ về kinh tế trong thời gian dài, sụt giảm trong thời gian ngắn, và thâm hụt tài chính và lạm phát cao đã giúp thuyết phục một số nhóm kinh tế quan trọng từng phát đạt trong chế độ độc tài, rằng thay đổi về chính trị là cần hay chí ít là chấp nhận được, như Cardoso nói. Thất nghiệp, suy thoái, và trong một số trường hợp, lạm phát cũng làm cho nhiều người đứng lên chống lại các chính phủ độc tài. Các chất xúc tác trực tiếp nhất cho quá trình chuyển hóa phần nhiều là chính trị chứ không phải vật chất, nhưng điều kiện kinh tế bất lợi chắc chắn đã làm cho một số chính phủ độc tài suy yếu.
Dù quá trình chuyển hóa có bắt đầu như thế nào, một khi chính phủ mới được thành lập, thì các vấn đề kinh tế sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu. Ở Ba Lan (và ở các nền kinh tế cựu cộng sản khác), các khoản trợ cấp phúc lợi cho hầu như tất cả mọi người đều bị giảm hoặc loại bỏ, nhằm đạt được sự cân bằng về tài chính. Ở nhiều nước, nhu cầu xóa đói giảm nghèo cũng như giải quyết những lo lắng về lạm phát và thất nghiệp xung đột với nhu cầu áp đặt những cuộc cải cách kinh tế và kỉ luật tài chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai, như Habibie, Mbeki, và những người khác, khẳng định. Tuy nhiên, chính sách tài chính cứng rắn có nguy cơ bị phản đối mạnh mẽ về chính trị, như Mazowiecki và Zedillo đã chỉ ra. Gonzalez, Habibie, và Mazowiecki nhấn mạnh rằng cần phải hành động nhanh chóng nhằm xóa đói giảm nghèo và tiến hành cải cách kinh tế, trong khi nhân dân đang ủng hộ mạnh mẽ việc thay đổi về chính trị. Aylwin và Lagos nhấn mạnh rằng những cam kết của Concertación về xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế “phát triển cùng với công bằng” đã được cả giới kinh doanh lẫn người lao động ủng hộ, trong khi vẫn giành cho chính phủ quyền lực cần thiết nhằm kiềm chế những đòi hỏi về tiền lương – ví dụ như của liên đoàn thợ mỏ đầy quyền lực*. Trong nhiều trường hợp, cần phải có những biện pháp xã hội đặc biệt nhằm giảm bớt những khó khăn mà những người dễ bị tổn thương nhất đang phải chịu đựng.
Tầm quan trọng của các đảng chính trị
Các đảng chính trị, cả cũ lẫn mới, có vai trò chủ chốt trong tuyệt đại đa số những cuộc chuyển hóa này. Họ lập ra mạng lưới theo khu vực và theo vùng lãnh thổ, họ xây dựng quan hệ với các phong trào xã hội và các tổ chức xã hội dân sự, giúp hình thành và thực hiện các chiến lược nhằm chống lại chế độ độc tài, và huy động sự giúp đỡ quốc tế. Các đảng giúp lựa chọn ứng cử viên, tổ chức và thực hiện các chiến dịch bầu cử; chuẩn bị cương lĩnh và chương trình cho cuộc bầu cử và quản trị; đào tạo cán bộ cho các cơ quan công quyền; hòa giải xung đột giữa các đồng minh chính trị; và đảm bảo rằng chính phủ không xa rời các cơ sở quần chúng của họ. Các chế độ độc tài thường cấm hay tìm cách làm suy yếu hay tiêu diệt các đảng phái chính trị. Trường hợp ngoại lệ là Brazil và Indonesia, chính phủ các nước này đã lập ra các đảng “chính thức” để ủng hộ mình.
* Muốn tham khảo cuộc thảo luận kinh tế chính trị học của quá trình chuyển hóa theo hướng thị trường, xin đọc T. Besley and R. Zagba, eds., Development Challenges in the 1990s: Leading Policymakers Speak from Experience (Washington, D.C., and New York: World Bank and Oxford University Press, 2005).
Đôi khi họ cho các đảng “đối lập” chính thức tiến hành những hoạt động có giới hạn, nhằm hợp pháp hóa quyền bá chủ của đảng cầm quyền, như ở hai nước vừa nói, cũng như ở Ba Lan và Mexico. Các chế độ độc tài thường tìm cách ngăn chặn, không cho các đảng đối lập tiếp xúc với những khoản tài trợ cho chiến dịch tranh cử và các phương tiện truyền thông đại chúng, và họ cũng thường xuyên đàn áp hay đe dọa các nhà lãnh đạo của phe đối lập. Nói chung, họ thường phỉ báng và cản trở hoạt động chính trị, phỉ báng và cản trở các đảng và các chính trị gia.
Hầu hết các nhà lãnh đạo này đã hoạt động nhằm kết liễu chế độ độc tài và khuyến khích nền quản trị dân chủ bằng cách xây dựng hay khôi phục các đảng chính trị. Họ tìm cách hợp pháp hóa các đảng và đảm bảo cho các đảng này được tiếp cận một cách công bằng với các phương tiện truyền thông đại chúng và các khoản tài trợ cho chiến dịch tranh cử và giúp các đảng không rơi vào tình trạng tan rã, chia rẽ hoặc bị đẩy sang bên lề. Trong một số trường hợp, các nhà lãnh đạo vận động sự đoàn kết và ủng hộ quốc tế cho tất cả các mục đích này. Họ dành nhiều công sức cho việc xây dựng các luật lệ và thủ tục bầu cử nhằm giúp cho các đảng không bị phân rã và tạo điều kiện cho họ mở rộng và thiết chế hóa lời kêu gọi của họ. Aylwin, Lagos, Cardoso, de Klerk, Mbeki, Gonzalez, Habibie, Kufuor, Rawlings và Ramos đều có những cố gắng rất lớn trong việc xây dựng đảng. (Mazowiecki, trong giai đoạn ngắn làm thủ tướng không coi mục tiêu này là ưu tiên, đã nhận xét rằng đây là sai lầm.) Zedillo, đảng viên PRI, cầm quyền trong thời gian dài, giữ vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển hóa của Mexico bằng cách ủng hộ những cuộc cải cách với mục đích tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn cho các đảng đối lập, giúp họ trở nên đủ mạnh, có thể cạnh tranh với PRI. Ông cũng áp dụng các cuộc bầu cử sơ bộ, coi đấy là biện pháp lựa chọn ứng cử viên tổng thống của PRI, và bằng cách đó chấm dứt hiện tượng ô dù (Dedocracia) mà các vị tổng thống Mexico thường sử dụng để đích thân lựa chọn người kế nhiệm mình trong hơn sáu thập kỉ trước đó.
Indonesia, Ghana, Ba Lan, và Philippines đều cho thấy những vấn đề mà chế dân chủ phải đối mặt khi không xây dựng được các đảng chính trị mạnh mẽ. Ngay cả trong các chế độ dân chủ đã được củng cố, các đảng chính trị cũng đánh mất uy tín và sức mạnh, và ở nhiều nước cũng thường xảy ra các cuộc tấn công bộ máy quan liêu của đảng (partidocracia). Nhưng các đảng có thể đóng và đã đóng vai trò tích cực, quan trọng khi họ không chỉ đơn thuần là các phương tiện của các nhân vật chính trị và chiến hữu của họ. Thiết chế hóa các đảng đòi hỏi thời gian và sự quan tâm liên tục, nhưng những khoản đầu tư sớm và lâu dài sẽ có lãi lớn.
Các quan chức dân sự kiểm soát quân đội, công an và tình báo
Trong hầu như tất cả các trường hợp, thách thức chủ yếu là đưa các lực lượng vũ trang và các cơ quan an ninh nằm dưới quyền kiểm soát của các quan chức dân sự, trong khi cần thừa nhận vai trò hợp pháp của họ, những đòi hỏi hợp lí của họ về một số nguồn lực và nhu cầu được bảo vệ, không bị các lực lượng đối lập trước đây trả thù*. Những vấn đề này đã được giải quyết theo những cách khác nhau, tùy từng trường hợp, nhưng nói chung, cần loại bỏ hoặc cho nghỉ hưu những sĩ quan đứng đầu, phải chịu trách nhiệm về những vụ tra tấn và đàn áp tàn bạo; rồi đưa các chỉ huy quân sự hàng đầu nằm trực tiếp dưới quyền các bộ trưởng quốc phòng không phải là quân nhân; và khẳng định chắc chắn rằng các sĩ quan quân sự đang tại ngũ phải tuyệt đối kiềm chế, không được bình luận về chính trị và không tham gia của đảng phái. Aylwin, Lagos, Cardoso, Klerk, Mbeki, Gonzalez, Habibie, Kufuor, Kwaśniewski, Mazowiecki, và Ramos đã cung cấp những nhận thức đầy hấp dẫn về cách thức thực hiện những mục tiêu quan trọng này trong những hoàn cảnh khác nhau. Những giai thoại mà các nhà lãnh đạo này kể lại về mối quan hệ của họ với chỉ huy quân sự chứng minh một cách hùng hồn những phẩm chất cần thiết để có thể quản lí vấn đề khó khăn này. Nó đòi hỏi óc phán đoán và lòng can đảm nhằm xác định khi nào cần phải loại bỏ một viên sĩ quan cao cấp và khi nào thì làm theo cách khác, và nói chung, đây là biện pháp tốt nhất trong việc sử dụng kỉ luật quân sự nhằm củng cố nền quản trị dân chủ.
* Một công trình nghiên cứu mới đây và toàn diện về quan hệ quân-dân sự và mức độ quan trọng của những mối quan hệ này đối với việc xây dựng và củng cố chế độ dân chủ là tác phẩm The Soldier and the Changing State: Building Democratic Armies in Africa, Asia, Europe and the Americas (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 2012).
Cần phải công nhận và nâng cao tính chuyên nghiệp và lòng tự trọng của lực lượng vũ trang, giúp họ tập trung vào việc bảo vệ biên cương chứ không phải là an ninh nội bộ và cung cấp cho họ các trang thiết bị và các phương tiện mà họ cần. Quan trọng là các quan chức dân sự cao cấp có trách nhiệm giám sát chính sách quốc phòng là những người am hiểu về các vấn đề an ninh và được các đồng sự trong quân đội tôn trọng. Ở những nước mà các phong trào dân chủ đã từng đụng độ dữ dội với lực lượng vũ trang; và thái độ bất tín nhiệm, thậm chí khinh thường nhau vẫn còn dai dẳng, thì đây là thách thức lớn.
Gonzalez, Habibie, Mbeki và Ramos đều khẳng định rằng cần phải tách cả cảnh sát lẫn các cơ quan tình báo quốc nội ra khỏi các lực lượng vũ trang. Đó là hành động quyết định nhằm tái tổ chức, tái xác định và hạn chế vai trò của cảnh sát bằng cách giáo dục cho họ thái độ mới đối với quần chúng nói chung và bảo vệ dân, chứ không đàn áp, trong khi vẫn giữ được khả năng triệt phá các băng nhóm bạo lực. Các cơ quan tình báo quốc nội cũng phải nằm dưới quyền kiểm soát của các quan chức dân sự. Đây là việc hoàn toàn không đơn giản. Phải khuyến khích người dân tham gia và trở thành nhân viên các cơ quan tình báo, mà trước đây không được coi là nghề chuyên môn phù hợp, như Gonzalez khẳng định.
Nhận thức được và luôn luôn hiểu rõ rằng truyền đạt cho người ta biết tất cả những việc này là cực kì quan trọng trong việc xây dựng nền quản trị dân chủ. Đưa tất cả các lực lượng an ninh và tình báo nằm dưới quyền kiểm soát của các quan chức dân sự cứng rắn thường là một trong những thách thức kéo dài nhất mà các chế dân chủ mới phải đối mặt. Đôi khi mâu thuẫn giữa chính phủ dân chủ và một số thành phần trong lực lượng vũ trang hay cơ quan tình báo và cảnh sát về việc thiết lập quyền kiểm soát dân sự diễn ra dai dẳng và lặp đi lặp lại trong nhiều năm - một số vụ có thể dễ dàng nhận ra, nhưng một số khác thì không. Ví dụ, ban đầu Aylwin đã không làm theo lời khuyên của Gonzalez là thành lập cơ quan tình báo của riêng mình, nhưng sau một thời gian, ông đã nhận thức được sự thông thái của lời khuyên này.
Thiết lập công lí trong giai đoạn chuyển hóa
Trong tất cả những cuộc chuyển hóa này, bao giờ cũng có áp lực mạnh, cả về chính trị lẫn xã hội, đòi các thành viên của chế độ trước đây phải có trách nhiệm giải trình về những vi phạm nhân quyền và tham nhũng trắng trợn. Tuy nhiên, quan trọng là phải giữ cân bằng giữa đòi hỏi sự thật và công lí với yêu cầu tạo được đảm bảo và an toàn cho những người rời bỏ quyền lực. Trong một số trường hợp, điều này liên quan đến quy trình pháp lí minh bạch, được thực hiện sau một thời gian, nhằm tìm ra ra sự thật (trong phạm vi có thể) về những vụ vi phạm các quyền; để công nhận và thậm chí là bồi thường cho nạn nhân; và, đến giai đoạn có thể thực hiện được, thì đưa những kẻ vi phạm chủ chốt ra trước công lí. Đảm bảo cho những người rời bỏ quyền lực rằng sẽ không truy tố hàng loạt các cựu quan chức chế độ cũ cũng là điều quan trọng.
Không có công thức đơn giản có thể giúp giải quyết tất cả những vấn đề phức tạp này. Những cuộc phỏng vấn trong tác phẩm này đều khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết những vấn đề này một cách công khai, nhấn mạnh cả việc ghi nhận các nạn nhân cũng như những biện pháp để người ta có thể tha thứ cho nhau, nếu chưa hòa giải được. Ở Brazil và Tây Ban Nha, những vụ ân xá tạo điều kiện cho các thành viên của phe đối lập dân chủ, những người từng hoạt động bí mật, tham gia vào cuộc cạnh tranh chính trị công khai. Ở Chile, Ghana và Nam Phi, Ủy ban Công lí và Hoà giải và việc công nhận những vụ vi phạm là những bước đi quan trọng. Không thể giải quyết một cách dễ dàng sự căng thẳng giữa việc vạch “một đường kẻ đậm” giữa quá khứ và hiện tại (như Mazowiecki và Kufuor nhấn mạnh) và việc công nhận và ghi nhớ những vụ lạm dụng đã xảy ra, để những vụ lạm dụng đó không còn lặp lại (như Aylwin, Lagos, de Klerk, và Mbeki khẳng định), hầu hết các nhà lãnh đạo đã chiến đấu nhằm tôn trọng và hòa giải cả hai mục tiêu này. Ở Indonesia, những vụ vi phạm nhân quyền đã bị che dấu, những vấn đề chưa được giải quyết vẫn còn gây nhức nhối.
Huy động sự ủng hộ từ bên ngoài
Những tác nhân bên ngoài – các chính phủ, các tổ chức quốc tế và đa phương, các công ty, công đoàn, tổ chức tôn giáo, hiệp hội quốc tế của các đảng chính trị, và các tổ chức phi chính phủ khác - đã ủng hộ hầu hết các cuộc chuyển hóa này. Trong một số trường hợp, các tác nhân bên ngoài đã cung cấp địa điểm và điều kiện cần thiết cho cuộc đối thoại giữa các nhóm đối lập khác nhau, cũng như giữa phe đối lập và những người đại diện của chế độ độc tài và những lực lượng xã hội khác. Những đóng góp này được thể hiện rõ ở Nam Phi, một công ty khai khoáng lớn ở nước này đã tài trợ và cung cấp khu vực an toàn ở nước ngoài để tổ chức những cuộc họp bí mật giữa các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo ANC, như Mbeki nói; sự trợ giúp như thế cũng có vai trò quan trọng đối với Tây Ban Nha và Chile.
Các tác nhân bên ngoài đã giúp củng cố các tổ chức của xã hội dân sự bằng cách chia sẻ kiến thức chuyên môn và khuyến khích, cũng như ủng hộ - thường là rất lâu trước khi chế độ độc tài phải đối diện với thách thức thực sự hay giai đoạn chuyển hóa đã tới. Các tác nhân bên ngoài tạo điều kiện cho việc trao đổi kinh nghiệm về tổ chức đảng chính trị, hệ thống và tổ chức bầu cử, xây dựng liên minh, soạn thảo hiến pháp và thúc đẩy quyền của phụ nữ, từ những nước khác nhau. Họ còn giúp đào tạo về tổ chức cộng đồng, truyền thông và thông tin, thăm dò ý kiến công chúng, thăm dò ý kiến cử tri ngay sau bầu cử, kiểm phiếu nhanh, giám sát bầu cử, và những khía cạnh thực tiễn khác của quá trình xây dựng chế độ dân chủ. Ở một số nước, các phái đoàn giám sát bầu cử quốc tế giúp củng cố lòng tin vào cuộc bầu cử và kết quả của những cuộc bầu cử đó. Các tổ chức bên ngoài còn cung cấp những cơ hội về giáo dục và làm việc theo nhóm trên mạng về những vấn đề trọng yếu, giúp cho các cán bộ của phe đối lập chuẩn bị nhận trách nhiệm trong chính phủ. Ví dụ, những hoạt động này có ý nghĩa quan trọng ở Ba Lan, ở nước này, một thế hệ các nhà kinh tế học được đào tạo ở nước ngoài về những biện pháp tự do hóa nền kinh tế quốc doanh kém hiệu quả và khuyến khích các thị trường. Quyết định về chính sách xây dựng nền kinh tế thị trường được ban hành ở Ba Lan, nhưng hợp tác quốc tế đã giúp làm cho việc thực hiện nó trở thành khả thi. Các tác nhân quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận với những kinh nghiệm giải quyết những vấn đề lập đi lặp lại, có thể gây nguy hiểm cho quá trình chuyển hóa: quan hệ quân-dân, công lí trong giai đoạn chuyển hóa, tổ chức các cuộc bầu cử đáng tin cậy, cải cách lực lượng cảnh sát và giám sát các cơ quan tình báo quốc nội, soạn thảo chi tiết việc giải tán các cơ quan tình báo và theo dõi thái độ thù địch, mà Gonzalez mô tả rất sinh động. Họ cũng thúc đẩy những cơ hội truyền thông và đào tạo với nhóm đối tác trong lực lượng vũ trang, các nhóm doanh nhân và người lao động, các hiệp hội nghề nghiệp, và những lĩnh vực khác, những hoạt động này đôi khi đã giúp củng cố quan điểm và hành vi dân chủ giữa các nhóm này. Họ còn trấn an, tư vấn về nhiều vấn đề, và, đôi khi, còn cho những lời khuyên thực tế, chi tiết*.
Những áp lực có phối hợp từ bên ngoài nhằm kiềm chế đàn áp và tôn trọng nhân quyền, trong đó có quyền tự do thể hiện và hội họp, thường có vai trò quan trọng. Những biện pháp trừng phạt kinh tế cũng rất quan trọng đối với Nam Phi và Ba Lan. Buôn bán, các khoản đầu tư và viện trợ khác nhau và những chương trình hợp tác có ý nghĩa quan trọng đối Ba Lan, Indonesia, Ghana và Philippines. Ngoài áp lực, việc quốc tế công nhận Rawlings vì chấp nhận tiến hành những cuộc bầu cử đa đảng, thủ tục bầu cử công bằng, hợp lí, và giới hạn thời gian nắm quyền củng cố thêm những đóng góp của ông ta vào công cuộc huyển hóa dân chủ của Ghana.
Cuối cùng, các tổ chức, các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ quốc tế đôi khi còn có vai trò quan trọng trong việc đối phó với những nhu cầu cấp bách về xã hội và kinh tế trong giai đoạn chuyển tiếp. Ở Ghana, Ba Lan, Nam Phi, Tây Ban Nha, những tổ chức này còn cung cấp những nguồn lực nhằm hạn chế tác động xã hội do những cuộc cải cách kinh tế gây ra, họ đầu tư vào cơ sở hạ tầng và xây dựng năng lực, cung cấp những khoản giúp đỡ về tài chính và kĩ thuật khác. Trong những năm 1990, Liên minh châu Âu (EU) và chính phủ Mỹ đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc giúp đỡ Ba Lan (và các nước Trung và Đông Âu khác) hướng tới chế độ dân chủ. Sự giúp đỡ về kinh tế của quốc tế có thể có tính quyết định khi những khoản này đáp ứng những nhu cầu của địa phương, hợp tác với những tác nhân khu vực và dành việc lựa chọn chính sách cho các cuộc tranh luận và quyết định của giới chính trị khu vực.
Những người tiến hành công cuộc chuyển hóa và các tác nhân bên ngoài cần phải hiểu cả những khoản đóng góp tiềm tàng và giới hạn của sự tham gia của bên ngoài. Dân chủ chỉ có thể bén rễ trong xã hội sau khi nó trở thành biện pháp tranh đoạt quyền lực chính trị được nhiều người chấp nhận nhất. Các tác nhân quốc tế có thể làm được việc tốt - kiên trì, lặng lẽ, và theo yêu cầu của những người hoạt động trong khu vực – thúc đẩy chuyển động theo hướng đó, nhưng họ không thể thay thế những tác nhân ở trong nước. Hiểu biết một cách sâu rộng hơn về những khó khăn và trở ngại sẽ gặp, và cần nhiều thời gian để nền quản trị dân chủ có thể đứng vững, sẽ giúp các đối tác quốc tế tránh được những vụ can thiệp vội vàng, kém hiệu quả, có tác dụng ngược và tạo điều kiện cho họ đóng góp một cách phù hợp, trong giai đoạn dài hơn.
* Các chính phủ nước ngoài cũng cung cấp nơi ẩn náu cho các nhà lãnh đạo đối lập bị đe dọa và sau đó là cho các thành viên của chế độ độc tài bỏ chạy (Marcos của Philippines), cung cấp máy kiểm phiếu tiên tiến và kĩ thuật nhận dạng cá nhân nhằm tạo điều kiện cho cuộc bầu cử trong sạch (Ghana), và thúc ép chính quyền địa phương để đảm bảo rằng phe đối lập có quyền tiếp cận hợp lí với các phương tiện truyền thông đại chúng (cuộc trưng cầu dân ý ở Chile năm 1988). Các tổ chức quốc tế ủng hộ về mặt kĩ thuật cho bộ máy quản lí kinh tế (Ngân hàng Trung ương Đức và Quỹ Tiền tệ Quốc tế làm ở Indonesia) và tăng cường áp lực của của khu vực, buộc phải tổ chức các cuộc bầu cử đa đảng tự do và công bằng (Ghana và Mexico).
Đóng góp của họ có thể rất hiệu quả, khi họ lắng nghe, nêu ra những câu hỏi xuất phát từ kinh nghiệm mang tính so sánh và khuyến khích các chủ thể ở địa phương xem xét các vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, chứ không đưa ra những câu trả lời được đóng gói sẵn.
Thay đổi bối cảnh cho công cuộc chuyển hóa
Bối cảnh của những thách thức hiện nay và trong tương lai đối với chế độ độc tài khác hẳn những thách của những cuộc chuyển hóa đã diễn ra hồi cuối thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI. Thế giới tiếp tục thay đổi, thay đổi nhanh hơn bao giờ hết.
Địa chính trị và tiêu chuẩn quốc tế đã thay đổi
Hiện nay, thách thức đối với chế độ độc tài hầu như đã thoát khỏi áp lực của Chiến tranh Lạnh. Chiến tranh Lạnh ngăn cản công tác huy động xã hội, đặt ra giới hạn cho những thay đổi chế độ sở hữu, và quyết định những mối liên kết chính trị theo quan niệm cân bằng về địa chính trị trên trường quốc tế. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các cường quốc chủ yếu đã giảm bớt xu hướng coi quá trình thay đổi về chính trị trong các nước đồng minh độc tài là mối đe dọa, do đó, mở rộng hơn không gian cho các phong trào dân chủ hóa, nhưng, trong những tình huống cụ thể, có thể làm giảm những khoản giúp đỡ quốc tế cho các lực lượng đó.
Cũng cố các tiêu chuẩn và thiết chế pháp lí quốc tế, nhằm bảo vệ nhân quyền và truy tố những tội ác chống lại nhân loại, cũng như việc thành lập Tòa Hình sự Quốc tế đã làm giảm phần nào khả năng là những đàn áp khốc liệt có thể diễn ra mà không bị phản đối hay trừng phạt; những vụ đàn áp tàn bạo vẫn tiếp tục diễn ra ở một vài nơi, như mọi người đã thấy; nhưng ít nhất, đã có những tiêu chuẩn quốc tế, góp phần ngăn chặn những cách làm như thế. Việc Liên Xô tan rã và ảnh hưởng trên trường quốc tế của Mỹ suy giảm trong những năm gần đây đã tạo ra hệ thống quốc tế đa cực hơn. Áp lực quốc tế về mở cửa dân chủ đã giảm đi, khả năng phản ứng của quốc tế đối với những vụ bạo lực và đàn áp trên diện rộng hay giúp đưa ra các giải pháp cũng giảm đi. Một số quyền, trong đó có quyền của phụ nữ, đã được chấp nhận rộng rãi hơn.
Việc hệ thống kinh tế Liên Xô sụp đổ và sự vươn lên của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới củng cố xu hướng tự do hóa kinh tế trên toàn thế giới, cải cách theo định hướng thị trường, đầu tư tư nhân nước ngoài và toàn cầu hóa quá trình sản xuất, tòan cầu hóa nền tài chính và thương mại thế giới. Hiện nay, hầu hết các chính phủ đều tìm cách mở rộng thương mại quốc tế và tôn trọng các tiêu chuẩn và quy định về tài chính và đầu tư quốc tế; các nền kinh tế khép kín, đặt biệt là những nước vừa và nhó, có rất ít khoảng trống trong nền kinh tế toàn cầu. Một số nước củng cố vai trò của nhà nước nhằm tránh sự tập trung quá mức về kinh tế, cải thiện phân phối thu nhập, thúc đẩy phát triển trong các khu vực và bảo vệ môi trường.
Nền quản trị dân chủ ngày càng được nhiều người trên thế giới chấp nhận hơn, coi đây là cơ sở hợp pháp nhất để thiết lập trật tự chính trị. Nhưng có những khái niệm khác, liên quan tới việc chế độ dân chủ kéo theo và đòi hỏi những điều kiện gì.
Các chế độ “độc tài có tính cạnh tranh” được thiết lập ở một số nước, vốn là những chế độ dân chủ chưa hoàn thiện hoặc đang suy sụp, chỉ là những cố gắng nhằm đưa ra các lựa chọn thay thế cho chế độ dân chủ tự do bằng cách kết hợp các cuộc bầu cử tự do vừa phải với nền quản trị độc đoán*. Áp lực toàn cầu hoá, cởi mở trước ảnh hưởng quốc tế, và củng cố luật pháp và thiết chế quốc tế có thể làm cho các chính phủ độc tài ngày càng khó khăn hơn trong việc duy trì những hành động chống lại dân chủ và đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống, trong đó có quyền của phụ nữ, nhưng chắc chắn là không phải lúc nào cũng thế.
Nhiều chế độ độc tài trong những năm 1970 và 1980, và một vài chế độ độc tài trong những năm 1990, đã cáo chung ở những nước mà trước đây đã từng trải qua nền quản trị dân chủ hiến định; trong một số trường hợp, một số thiết chế dân chủ, về mặt hình thức, cũng vẫn còn. Những người hoạt động chính trị ở những nước này có mạng lưới, có kinh nghiệm trong đàm phán và hình thành các thoả hiệp, và niềm tin để họ có thể cạnh tranh một cách hiệu quả theo các luật lệ dân chủ. Những cuộc chuyển hóa từ chế độ độc tài trong tương lai sẽ diễn ra ở những nước mà trước đây có ít hoặc không có kinh nghiệm dân chủ và trong một số trường hợp, với các nhà lãnh đạo bất đồng chính kiến bị đàn áp trong thời gian dài. Một số nước có truyền thống chính phủ phản ứng nhanh – ví dụ, ở cấp địa phương - có thể được sử dụng nhằm chống lại những chế độ như thế. Lời kêu gọi đầy sức mạnh và có giá trị phổ quát về việc tham gia vào chính quyền tự quản – quá trình tự quản có thể gia tăng cùng với thu nhập và khả năng thể hiện về chính trị - có thể tiếp thêm sức lực cho người dân. Nhưng phát triển văn hoá và các thiết chế của nền chính trị dân chủ đòi hỏi thời gian, công sức, và kĩ năng**.
* Thảo luận kĩ lưỡng vấn đề này, xin đọc Levitsky and Way, Competitive Authoritarianism. Legacies of Prior Democratic Experiences
** Như nhà khoa học xã hội châu Âu đã quá cố, Ralf Dahrendorf, nhận xét trong tác phẩm: Reflections on the Revolution in Europe: In a Letter Intended to Have Been Sent to a Gentleman in Warsaw, “Quá trình cải cách hiến pháp ít nhất phải mất 6 tháng; cảm giác chung là mọi thứ mà người ta coi là kết quả của cải cách kinh tế có khả năng sẽ không lan rộng trong vòng sáu năm; điều kiện thứ ba của con đường dẫn tới tự do là cung cấp nền tảng xã hội có thể chuyển hóa hiến pháp và nền kinh tế từ những thiết chế cho hoàn cảnh thuận lợi thành các thiết chế cho mọi hoàn cảnh, có thể đứng vững trước bão tố từ cả bên trong lẫn bên ngoài và sáu mươi năm mới vừa đủ để thiết lập nền móng này” (New York: Times Books, 1990), 99-100.
Những khác biệt về kinh tế-xã hội, giai cấp và nhân khẩu học
Những cuộc chuyển hóa giai đoạn 1970 và 1980, và một số cuộc chuyển hóa trong những năm 1990, chủ yếu diễn ở những nước có giai cấp trung lưu đang gia tăng và có học, thường có xu hướng ủng hộ việc thể hiện về chính trị được nới lỏng và được đào tạo trong lĩnh vực pháp luật, hành chính công, và kinh tế học, giai cấp đã giúp xây dựng nền quản trị dân chủ hiệu quả. Những nỗ lực chuyển hóa ở các nước có thu nhập và mức phát triển thấp, tổ chức công đoàn và tổ chức xã hội yếu, giai cấp trung lưu không lớn, bộ máy nhà nước yếu, không có khả năng cung cấp các dịch vụ xã hội và an toàn cho công dân, và ít người được đào tạo về quản trị công có thể khó khăn hơn, đặc biệt là khi phải đối mặt với áp lực của người dân đòi lợi ích kinh tế, “cơm ăn áo mặc” ngay lập tức. Những cố gắng khác - đặc biệt là ở các nước vùng Vịnh, Trung Đông và Bắc Phi - sẽ xảy ra ở các nơi giàu tài nguyên, thu nhập cao và giai cấp trung lưu đông đảo. Tuy nhiên, nhiều nước trong số này cũng có bộ máy nhà nước cồng kềnh, vấn nạn ô dù và tham nhũng. Vì lí do địa chính trị liên quan đến vị trí chiến lược hoặc liên quan đến nguồn tài nguyên thiên nhiên, những nước này ít bị áp lực liên tục từ bên ngoài, buộc phải mở cửa hệ thống chính trị. Các chế độ này có nhiều khả năng mua chuộc hay bóp nghẹt các phong trào đối lập.
Nhiều chế độ độc tài hiện nay ở châu Á và châu Phi sống trong những xã hội có sự chia rẽ và bất bình đẳng rất lớn về sắc tộc, tôn giáo và khu vực, góp phần tạo ra sự phân cực. Một số nước đã gia tăng số người trẻ tuổi có học và thất vọng, những người không thể tìm được việc làm với đồng lương đủ sống và do đó, có thể dễ dàng được huy động tham gia phản đối. Những thanh niên tham gia vào các tổ chức chính trị, đảng phái, những thiết chế khác – chứ không chỉ đơn giản là những cuộc biểu tình - là thách thức lớn đối với nền quản trị ở nhiều nước, trong đó có các chế độ dân chủ lâu đời. Các nhà lãnh đạo hiện nay phải có quan hệ tốt với thế hệ mới và khuyến khích họ tổ chức theo lối dân chủ và tiếp tục tham gia.
Tất cả những khó khăn này và nhiều khó khăn khác – trong đó có những tập đoàn tội phạm có tổ chức đầy sức mạnh và những phong trào chính trị cực đoan xuyên quốc gia – tạo áp lực mạnh mẽ lên các thiết chế chính trị yếu kém. Do đó, đây sẽ là thách thức đối với việc hình thành cách tiếp cận và xây dựng các thiết chế có thể tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại và hội tụ, thiết lập cơ chế kiểm soát và đối trọng, trách nhiệm giải trình, xây dựng bộ máy tư pháp độc lập và chế độ pháp quyền, quan chức dân sự kiểm soát tất cả các lực lượng an ninh, và đặt những nền móng khác cho chế độ dân chủ. Xây dựng nền quản trị dân chủ ở những nước mà nhà nước và các thiết chế đều yếu, nhưng có thể xây dựng được, như kinh nghiệm của Ghana đã cho thấy.
Những nỗ lực quốc tế trong việc thúc đẩy dân chủ
Nhiều công cuộc chuyển hóa ở châu Âu, trong đó có Ba Lan, Tây Ban Nha và những nước khác ở Trung và Đông Âu, được hỗ trợ mạnh bởi viễn cảnh tham gia EU và giúp đỡ kinh tế của EU và Mỹ; đấy chính là điều kiện được đặt ra đối với cải cách chính trị. Một số vụ mở cửa theo hướng dân chủ ở Mỹ Latin, trong đó có Chile, gặp điều kiện thuận lợi, là do chính quyền Mỹ, hồi cuối những năm 1970 (dưới thời tổng thống Jimmy Carter), một lần nữa nhấn mạnh vấn đề nhân quyền và sau đó, giữa những năm 1980, dưới thời chính quyền Reagan lần thứ hai, là do việc Mỹ quay trở lại chính sách tích cực thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Việc mở cửa theo hướng dân chủ cũng được tăng cường do có sự đồng thuận về quyền con người và các quyền tự do chính trị trong Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) và củng cố các chuẩn mực pháp lí và thiết chế quốc tế, trong đó có Ủy ban Liên Mỹ về Nhân quyền và Tòa Hình sự Quốc tế. Quá trình dân chủ hóa ở Mexico được thúc đẩy bởi sự hợp nhất thị trường lao động, quy trình sản xuất và văn hóa đại chúng giữa Mexico và Mỹ, và việc huy động các doanh nghiệp Mỹ và Mexico và các tổ chức NGO nhằm ủng hộ việc mở cửa theo hướng dân chủ và chế độ pháp quyền, lại được củng cố thêm bởi việc thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ.
Các thiết chế khu vực, hiện nay và trong tương lai, có thể ủng hộ như cũ, ủng hộ nhiều hơn hoặc trong một số trường hợp (như Hội đồng hợp tác vùng Vịnh) ủng hộ ít hơn nền quản trị dân chủ. Sự tham gia một cách chậm chạp, nhưng ngày càng gia tăng của các tổ chức liên chính phủ trong khu vực đang thúc đẩy và bảo vệ sự trung thực của các cuộc bầu cử. Hiến chương Liên minh Châu Phi về Dân chủ, Bầu cử và Quản trị đã có tác dụng tích cực. Kế hoạch về An ninh và Chính trị của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hàm chứa ngôn ngữ chung về các tiêu chuẩn dân chủ, và Ban Thư ký của ASEAN đã cung cấp các quan sát viên theo dõi cuộc bầu cử phụ, năm 2012, ở Myanmar. Những mối quan hệ đối tác trong khu vực cung cấp các nguồn lực quan trọng mà các nhà lãnh đạo công cuộc chuyển hóa có thể dựa vào.
Sự khác biệt về khu vực và văn hoá
Một số cuộc chuyển hóa tiềm năng đang được (hoặc có thể được) người ta tìm cách thực hiện ở những nước với đa số dân là người Hồi giáo, đấy là khi có sự chia rẽ sâu sắc giữa cách diễn giải mang tính chính thống và cách diễn giải ôn hòa về đạo Hồi, và khi quan niệm về nhà nước dân sự, vai trò của lực lượng vũ trang, và chủ quyền của nhân dân đối đầu với nhau một cách quyết liệt. Indonesia, quốc gia có nhiều tín đồ Hồi giáo nhất thế giới, chỉ trong thế hệ vừa qua đã xây dựng được nền quản trị dân chủ ngày càng hiệu quả hơn, và những khu vực ủng hộ dân chủ cũng tạo được ảnh hưởng ở nhiều nước có đa số công dân là người Hồi giáo. Tuy nhiên, ở một số nước, những khu vực bảo thủ đầy sức mạnh khẳng định rằng luật pháp phải xuất phát duy nhất hay chủ yếu từ luật Sharia và nhà nước phải bắt dân chúng thực hành chính thống tôn giáo và vai trò của đàn ông và đàn bà theo truyền thống. Cả những người bảo thủ có đạo lẫn những người theo phái tự do thế tục đều coi thỏa hiệp về vai trò của luật tôn giáo và địa vị của phụ nữ là không thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Do đó, cả hai phe đều có thể ủng hộ các giải pháp của chế độ độc tài, nhưng đấy là những giải pháp khác nhau và vì những lí do trái ngược nhau.
Lực lượng vũ trang ở Trung Đông chủ yếu trung thành với nhà nước dân sự chứ không trung thành với nhà nước tôn giáo, và hiện nay họ đang bị cả những người dân chủ thế tục và những người theo tôn giáo chính thống thách thức. Các cuộc thảo luận quốc tế có sự tham gia của các nhà lãnh đạo quân sự phải tập trung vào các nguyên tắc và thực tiễn có lợi nhất, cả về sự ổn định chính trị và sự liên kết và tính toàn vẹn của các thiết chế quân sự.
Các thiết chế tôn giáo thường là những lá chắn của chế độ độc tài, nhưng, cuối thế kỷ XX, đôi khi họ cũng ủng hộ quá trình dân chủ hóa, nhất là ở những nước theo Công giáo La Mã như Brazil, Chile, Philippines, Ba Lan và Tây Ban Nha. Vai trò của Hồng y Raul Silva Henriquez và Juan Francisco Fresno ở Chile, Paulo Evaristo Arns ở Brazil, Vicente Enrique Tarancon ở Tây Ban Nha, Jaime Sin ở Philippines và Giáo hoàng John Paul II ở chính đất nước Ba Lan của ngài đều rất quan trọng. Ở Nam Phi, Giám mục Desmond Tutu, thuộc nhà thờ Tin lành Anh giáo, và hàng giáo phẩm từ của các nhà thờ khác, trong đó có một số mục sư dòng Calvinist Hà Lan, cũng ủng hộ quá trình chuyển hóa theo hướng dân chủ dung hợp. Các tổ chức, các phong trào, các chính đảng và tín đồ Hồi giáo ở Indonesia cũng góp phần xây dựng chế độ dân chủ phi giáo phái của đất nước này; vai trò của Abdurrahman Wahid (Gus Dur) xứng đáng được ghi nhận.
Chắc chắn là ở những nước khác, các nhà chức trách Hồi giáo cũng có vai trò quan trọng, nhưng vai trò có thể khác nhau, tùy từng trường hợp, và ở những nền văn hóa Ả Rập và không phải Ả Rập, hệt như vai trò chính trị của các giáo phái Kitô và các nhà lãnh đạo chính trị ở những nước khác nhau (và đôi khi ở ngay trong một nước) cũng khác nhau. Tìm cách làm cho các nhà chức trách Hồi giáo tham gia tích cực hơn vào việc ủng hộ nền quản trị dân chủ là thách thức to lớn. Họ có thể nhận được lợi ích từ những cuộc trao đổi trên bình diện quốc tế về kinh nghiệm liên quan, trong đó có tham khảo về những biện pháp đối phó tốt nhất với các tổ chức xuyên quốc gia có quan điểm cực đoan, thúc đẩy bạo lực nhằm ủng hộ sự nghiệp mang tính giáo phái.
Cuộc cách mạng thông tin và truyền thông
Những cuộc cách mạng trong công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đã xói mòn năng lực của các chính phủ trong việc kiểm soát thông tin, giảm chi phí trong việc chia sẻ các quan điểm và tin tức ngoài luồng, tạo điều kiện cho việc tổ chức quần chúng, và làm cho việc dựa vào sự thông cảm và ủng hộ từ bên ngoài trở thành dễ dàng hơn. Một người, bất cứ ở đâu, chỉ cần một chiếc điện thoại di động có camera - ghi lại những hành vi quá lạm - là có thể khơi mào cho cuộc biểu tình phản đối. Khi hầu hết mọi người, đặc biệt là giới trẻ, có thể dễ dàng tiếp xúc với điện thoại thông minh và băng thông rộng thì các quá trình này sẽ tăng tốc. Các mạng xã hội sử dụng những công nghệ này không thể thay thế cho các tổ chức chính trị trong quá trình quản lí, nhưng chúng có thể làm rung chuyển các hệ thống chính trị, bằng cách đòi các đảng phái chính trị và các thiết chế phải thích nghi hoặc sẽ bị suy yếu nghiêm trọng.
Tuy nhiên, những cách tân trong ICT không phải lúc nào cũng tốt cho quá trình dân chủ hóa. Chúng có thể giúp lôi kéo được rất nhiều quần chúng tham gia trong một thời gian rất ngắn, làm cho những người tổ chức phong trào dân chủ có thái độ tự tin thái quá vào khả năng tiến lên mà không cần những cuộc đàm phán và thỏa hiệp có tổ chức và được tiến hành trong một thời gian dài. Những cách tân này cũng có thể tạo điều kiện cho những kẻ cực đoan khuếch trương sự ủng hộ và có thể giúp tạo ra nhận thức rằng các nhóm bên lề là những tác nhân chính. Các chính phủ phức tạp về công nghệ, đôi khi được các công ty đa quốc gia hỗ trợ, có thể sử dụng chính những công nghệ này để đàn áp người dân. Các chính phủ hiện nay có thể ngăn chặn việc trao đổi thông tin, nhận dạng người biểu tình được ghi lại trên camera an ninh, đe doạ hoặc bỏ tù những người đối lập.
Những người muốn tiến hành hay ủng hộ quá trình chuyển hóa dân chủ phải tìm cách khai thác công nghệ mới và kết hợp công nghệ mới với những công việc tốn nhiều thời gian hơn, nhưng lại là quá trình cực kì quan trọng là thảo luận, đàm phán, xây dựng liên minh, thỏa hiệp và đồng thuận. Họ cũng phải học cách bảo vệ các lực lượng dân chủ, không để lực lượng này bị ICT lèo lái – cả từ phía các chế độ độc tài lẫn những thành phần cực đoan bài dân chủ.
Phẩm chất của lãnh đạo chính trị
Các nhà lãnh đạo công cuộc chuyển hóa không thể tìm được bất cứ mô hình “đúc sẵn” nào. Các nhà lãnh đạo mà chúng tôi phỏng vấn, những người từng hoạt động trong phe đối lập và những người từng giữ chức vụ trong các chính phủ độc tài, trong đó có các chính trị gia, các luật sư, và các nhà kinh tế học giàu kinh nghiệm; một sĩ quan quân đội cao cấp; một sĩ quan trẻ; một biên tập viên báo chí; một nhà xã hội học; và một kỹ sư hàng không. Họ có những niềm tin và thực hành tôn giáo khác nhau, từ mộ đạo đến không theo tôn giáo nào, trong đó có những người theo Công giáo, những người theo Tin lành và một người Hồi giáo. Thể chất và phong cách cá nhân của họ cũng khác nhau đáng kể.
Một số người, trên thực tế, do tính khí, niềm tin, kinh nghiệm, hay thanh danh, không phải là người dân chủ. Jerry Rawlings cầm quyền suốt một thập kỉ, như là một nhà độc tài quân sự và chỉ đồng ý tổ chức cuộc bầu cử đa đảng, cởi mở, vì bị áp lực cả ở bên trong lẫn bên ngoài, sau khi những cuộc thăm dò ý kiến, được thực hiện một cách bí mật, cho thấy rằng ông sẽ thắng một cách dễ dàng. Cuộc phỏng vấn cho thấy thái độ phức tạp mà Rawlings đã và vẫn có đối với chế độ dân chủ tự do đại diện. F. W. de Klerk đã gắn bó suốt nhiều năm trời với chế độ phân biệt chủng tộc và không cho người da đen chiếm đa số ở Nam Phi hưởng quyền công dân, cho đến khi ông tin chắc, tuy đã hơi muộn, rằng hệ thống này không còn bền vững về kinh tế, chính trị và đạo đức nữa. B. J. Habibie là một cộng sự thân cận của Soeharto, nhà độc tài đã cầm quyền nhiều năm ở Indonesia. Thái độ tôn trọng các thiết chế dân chủ của Habibie dường như đã hình thành trong suốt 20 năm, khi ông làm kĩ sư hàng không ở Đức, không thể hiện một cách rõ ràng cho đến khi ông bị buộc phải nắm quyền sau khi Soeharto ngã ngựa. Bắt đầu mà không có bất kì cơ sở chính trị hay lực lượng ủng hộ quan trọng nào, và những cuộc tuần hành phản đối đang diễn ra trên đường phố, Habibie đã hành động rất nhanh, dân chủ hóa mạnh mẽ qua nhiều bước, nhằm giành cho bằng được tính chính danh.
Aleksander Kwaśniewski, một bộ trưởng trẻ trong chính phủ Cộng sản Ba Lan, người đại diện của chế độ và có vai trò quan trọng trong các cuộc Hội nghị Bàn tròn, sau đó đã thành lập đảng dân chủ xã hội, rồi được bầu làm tổng thống sau chuyển hóa, và cuối cùng, đã giúp củng cố các thiết chế dân chủ và thực hành dân chủ ở Ba Lan. Những nhà lãnh đạo chính trị tiếp theo của Ba Lan mang theo những phẩm chất khác nhau nhằm đối đầu với những thách thức đang thay đổi của quá trình chuyển hóa. Lech Wałęsa là nhà lãnh đạo công đoàn bất đồng chính kiến đã liên kết được những đòi hỏi táo bạo và sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng, nhưng sau đó đã đánh mất tính chính danh, khi ông ta tìm cách tranh đoạt nhiều quyền lực cá nhân hơn nữa. Mazowiecki tập trung vào những lựa chọn chính sách kinh tế và chính trị cứng rắn, cách tiếp cận dung hợp và hoà hợp, và tận dụng mối liên kết quan trọng của Ba Lan với Vatican và quan hệ tế nhị với Liên Xô. Kwaśniewski tập trung chủ yếu vào bộ máy quản lí hiệu quả và xây dựng các thiết chế.
Ernesto Zedillo ngả theo hướng dân chủ ngay từ khi còn trẻ, nhưng vẫn giữ những vị trí quan trọng trong đảng cầm quyền, PRI, của Mexico, khi đảng này kiểm soát hầu như tất cả các vị trí chính trị trong suốt nhiều thập kỉ. Các thủ tục bầu cử trước đây đã được thiết kế nhằm đảm bảo rằng sự thống trị của đảng này sẽ tiếp tục mãi. Việc Zedillo sẵn sàng – khi đã làm tổng thống - chấp nhận những thay đổi về thủ tục và điều kiện cho cuộc bầu cử mở đường cho việc chuyển giao quyền lực ở Mexico và tiến tới nền quản trị dân chủ hiệu quả - mà Zedillo gọi là “dân chủ bình thường”.
Tất cả những nhà lãnh đạo này – ngay cả những người có nguồn gốc độc tài - đều kết luận rằng, vì nhiều lí do khác nhau, chính phủ dựa trên chủ quyền của nhân dân và những hạn chế mang tính hiến định là con đường tốt hơn cho đất nước và bản thân họ, tốt hơn là những lựa chọn mà trước đây họ từng có. Một số người nắm vững những nguyên tắc dân chủ mạnh mẽ. Một số người đã phát triển hoặc củng cố cam kết của họ đối với dân chủ nhằm đáp ứng những áp lực xã hội trong những tình huống đang được mở ra. Một số người khác chỉ áp dụng những cách tiếp cận của chế độ dân chủ cởi mở khi nó mang lại lợi thế chính trị cho họ. Không có nhà lãnh đạo nào trong số này là thánh nhân. Tất cả đều là những chính trị gia thực dụng, những người đã tìm cách giành thêm hay giữ vững được ảnh hưởng và giải quyết các vấn đề, đặt cược vào tiến trình dân chủ để làm việc đó và đã giúp lái đất nước mình theo hướng dân chủ. Dù nền tảng hay động cơ của họ có như thế nào đi nữa, thì những nhà lãnh đạo này cũng có một số phẩm chất giống nhau, giúp họ thu được thành công.
• Tất cả các nhà lãnh đạo này đều có - một số người có ngay từ đầu, một số người khác phát triển theo thời gian - ý thức chiến lược về việc hướng tới nền quản trị dung hợp và có trách nhiệm giải trình hơn, và dành ưu tiên tuyệt đối cho công cuộc chuyển hóa hòa bình và từng buớc một (chứ không phải là chuyển hóa đầy bạo lực hay giật cục).
• Họ nắm bắt được tâm trạng và tinh thần của nhân dân và củng cố những nỗ lực của các đảng chính trị và các tổ chức xã hội để tiến tới dân chủ.
• Họ tiến hành đa dạng hóa và mở rộng cơ sở ủng của chính mình và làm suy yếu những thành tố có thái độ không khoan nhượng, cả trong lòng chế độ lẫn trong phe đối lập. Họ có thể đánh giá được quyền lợi và ảnh hưởng của nhiều trung tâm quyền lực và các nhóm lợi ích, và thường tìm được những con đường dẫn tới thỏa hiệp chính trị và thích nghi.
• Nhiều người thể hiện quyết tâm và lòng dũng cảm, đôi khi thậm chí sẵn sàng hi sinh cuộc sống của mình, trong khi xã hội lâm vào tình trạng phân hóa dữ dội và bạo lực đã cướp đi mạng sống của một số đồng nghiệp của họ. Những nhà lãnh đạo này là những nguờingười có lòng kiên nhẫn, sự kiên trì và sức chịu đựng vô biên khi phải đối mặt với phe chống đối, đối mặt với rào cản và những buớc thụt lùi, và có khả năng thuyết phục những người khác, không để họ ngã lòng.
• Họ có lòng tự tin đủ để có thể đưa ra những quyết định khó khăn, quyết đoán và kịp thời. Một số người vốn có khả năng phân tích và tư duy nhạy bén, nhưng họ luôn luôn hướng về phía trước, chứ không băn khoăn về những quyết định đã được đưa ra rồi.
• Hầu hết các nhà lãnh đạo này đều dựa nhiều vào những cộng sự giỏi, những người có chung những giá trị về chính trị và có kiến thức cụ thể để giải quyết những vấn đề khó khăn. Mặc dù họ có thể (và đã) tự mình thực hiện những lựa chọn quan trọng, nhưng đa số các nhà lãnh đạo này đều tập trung chủ yếu vào việc xây dựng đồng thuận, củng cố các liên minh, xây dựng những liên kết chính trị, và liên hệ thuờng xuyên với các nhóm cử tri chính và quần chúng rộng rãi.
• Nói chung, họ là những người có thể thuyết phục người khác chấp nhận những quyết định của mình. Mặc dù một số người là những nhà hùng biện hay có sức cuốn hút, nhưng họ làm như thế do nhận thức được và đáp ứng được những lợi ích cốt lõi của các chủ thể khác nhau, trong đó có cả kẻ thù, chứ không phải là chủ yếu bằng sự thừa nhận hay sức mạnh của tính cách của họ.
• Mặc dù các nhà lãnh đạo này có nền tảng vững chắc trong xã hội của mình và dựa chủ yếu vào các mối quan hệ ở trong nước, mỗi nhà lãnh đạo đều biết cách huy động sự ủng hộ ở bên ngoài mà không trở thành công cụ của nước ngoài.
• Trên hết, các nhà lãnh đạo này đã nhanh chóng dàn xếp các sự kiện và sử dụng những khúc quanh bất ngờ để nắm thế chủ động. Họ đã chèo lái trong vùng bão tố: khi thì huớng theo dòng chảy, lúc hướng sang trái khi hướng sang phải, đi qua đi lại, khi gềnh thác đòi hỏi, trong khi vẫn tiến lên phía trước. Họ không quyết định được hướng và tốc độ của dòng chảy, nhưng họ đã có thể giúp dẫn dắt đất nước mình đi vào vùng nước lặng sóng hơn và cuối cùng là hướng tới nền quản trị dân chủ.
Thật khó tưởng tượng rằng những cuộc chuyển hóa vừa qua sẽ thành công đến như thế mà không có những nhà lãnh đạo này và những quyết định của họ. Họ và các những nhà lãnh đạo khác ở những nước này – trong đó có Nelson Mandela, Roelf Meyer, Cyril Ramaphosa, Oliver Tambo, và Desmond Tutu ở Nam Phi; Corazon Aquino ở Philippines; Lech Wałęsa, Wojciech Jaruzelski, Czeslaw Kiszcak và Adam Michnik ở Ba Lan; Ulysses Guimaraes, Tancredo Neves, Luiz Inacio (Lula) Da Silva, và các viên tướng Golbery do Couto e Silva, Joao Figueiredo, và Ernesto Geisel ở Brazil; Clodomiro Almeyda, Manuel Bustos, Gabriel Valdes và Andres Zaldivar ở Chile; Cuauhtemoc Cardenas, Manuel Clouthier, Porfirio Munoz Ledo, Ernesto Ruffo, và Vicente Fox ở Mexico; vua Juan Carlos, Santiago Carrillo, Manuel Fraga, và Adolfo Suarez ở Tây Ban Nha - đã giúp mở đường huớng tới dân chủ của những nước này*. Các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu không làm việc một mình, và họ không thể thu được thành công nếu không có những lực lượng xã hội, lực lượng chính trị và lực lượng công dân, nhưng họ làm việc một cách sáng tạo và có tính xây dựng với nhiều người khác, trong những giới hạn chặt chẽ, nhằm tạo ra những thực tế mới.
* Ví dụ, vai trò của vua Juan Carlos của Tây Ban Nhađược Charles Powell nhấn mạnh một cách rõ ràng trong bài báo “Abdication Is the King’s Final Gift to a Grateful Spain – Tạm dịch: Thoái vị là món quà tặng cuối cùng của nhà vua dành cho Tây Ban Nha”, Financial Times, June 4, 2014.
Triển vọng của công cuộc xây dựng chế độ dân chủ ở những nước khác, hiện nay và trong tương lai, phụ thuộc đáng kể vào sự xuất hiện và thành tích của những nhà lãnh đạo như vậy. Như Samuel Huntington nhận xét: “Chế độ dân chủ được dựng lên không phải bởi các xu hướng mà bởi nhân dân. Chế độ dân chủ được tạo ra không phải bởi sự nghiệp mà bởi những người làm nên sự nghiệp”
[1]. Các cuộc phỏng vấn này cung cấp bằng chứng phong phú cho nhận định đó.
Huớng tới tuơng lai
Trong bài trả lời phỏng vấn, Felipe Gonzalez chỉ ra hai điểm cần nhấn mạnh. Ông nhận xét rằng công tác lãnh đạo không được dạy trong các trường đại học, mà phải học trong hoạt động thực tiễn, bằng cách áp dụng những nguyên tắc bao quát vào những hoàn cảnh cụ thể. Và, trích dẫn một đoạn trong tác phẩm của nhà văn Gabriel Garcia Marquez, Gonzalez cho rằng người ta thường học được những nguyên tắc tổng quát từ các giai thoại, từ những câu chuyện về kinh nghiệm mà người ta nhớ được. Đó là tiền đề cơ bản của tác phẩm này.
Các tác nhân mới, công nghệ mới, thiết chế mới, quy tắc mới, thách thức và cơ hội mới đã xuất hiện và không nghi ngờ gì rằng sẽ tiếp tục xuất hiện. Mặc dù các tác nhân và công nghệ thay đổi rất nhanh, nhu cầu thể hiện và hành động chính trị có tính bền vững hơn nhiều. Huy động mọi người để đòi quyền tự do về chính trị, xây dựng không gian đối thoại, làm cho người ta xích lại với nhau và tạo được đồng thuận, trui rèn được thỏa thuận về thủ tục và luật lệ để người ta tham gia, và trấn an các lực lượng chống đối rằng lợi ích cơ bản của họ sẽ được bảo vệ sẽ vẫn là những ưu tiên hàng đầu. Lập ra những cơ chế để giải quyết các vấn đề về công lí và kí ức trong giai đọan chuyển tiếp; đưa quân đội, cảnh sát và lực lượng tình báo nằm duới quyền kiểm soát của các quan chức dân sự; và đảm bảo trật tự công cộng và quyền con người sẽ tiếp tục là những thách thức quan trọng nhất. Điều này phù hợp đối với cả những người đang tìm cách xóa bỏ các chính phủ độc tài lẫn những người đang tìm cách chống lại sự đảo chiều của những thành tích dân chủ mà các chính phủ được bầu lên một cách trung thực nhưng sau đó làm suy yếu hay lờ đi cơ chế kiểm sóat và đối trọng của chế độ dân chủ.
Các phong trào xã hội và các tổ chức của xã hội dân sự, được củng cố bằng mạng lưới trên không gian mạng có thể và sẽ gây áp lực lên các chính phủ và các thiết chế khác. Nhưng, mặc dù những tác nhân này và phương tiện kĩ thuật của họ có thể có ích, họ không thể thay thế cho các đảng chính trị, các tổ chức xã hội, và các nhà lãnh đạo chính trị trong việc thực hiện những nhiệm vụ khó khăn là xây dựng và quản lí các liên minh tranh cử, lôi kéo sự ủng hộ của công chúng, chuẩn bị các chính sách công có thể thực hiện được, kêu gọi sự hi sinh vì lợi ích chung, làm cho mọi người tin rằng dân chủ và quản lí một cách hiệu quả là khả thi và chống lại mọi nỗ lực nhằm tước đoạt những quyền công dân căn bản hoặc làm suy yếu trách nhiệm giải trình. Do đó, vẫn cần tầm nhìn, lòng kiên nhẫn, kiên trì và sẵn sàng thỏa hiệp.
Những bài học mà cuốn sách này nhấn mạnh không chỉ áp dụng cho những nỗ lực nhằm kết liễu chế độ độc tài; chúng cũng chỉ ra một số nguyên nhân thoái trào và sụp đổ của dân chủ, như hiện nay chúng ta đang thấy ở một số nước châu Âu, châu Phi và Châu Á, cũng như ở Bắc và Nam Mỹ.
Dân chủ không phải là thứ có thể chiếm đoạt, như ngọn núi và going sông hay không khí mà chúng ta hít thở. Nó phải được chăm sóc như chăm sóc một khu vườn - tưới nước, bón phân và cắt cành tỉa lá. Quản trị dân chủ đòi hỏi quá trình chuyển đổi liên tục, đáp ứng những đòi hỏi mới cho việc tham gia, những quyền mới hoặc quyền được nới rộng ra, tình đoàn kết công dân và sức khỏe của hành tinh. Nó cũng đòi hỏi tinh thần cảnh giác nhằm ngăn chặn sự tập trung đầy nguy hiểm của quyền lực, ngăn chặn những mối đe dọa đối với các quyền dân sự và nhân quyền và bác bỏ trách nhiệm giải trình. Chúng tôi tin rằng những cuộc phỏng vấn trong cuốn sách này cung cấp cho độc giả những nhận thức thấu triệt có ích cho cuộc đấu tranh trường kì nhằm duy trì đời sống dân chủ.
Các độc giả trong tương lai sẽ phải xem xét một cách thận trọng khía cạnh nào trong những kinh nghiệm của người đi trước ở những quốc gia khác có thể được áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của nuớc mình. Nhận thức được rằng nhiều vấn đề mà họ đang đối mặt cũng đã từng xảy ra ở đâu đó rồi và hiểu một cách tốt hơn những biện pháp giải quyết khác nhau sẽ vô cùng hữu ích. Chúng tôi hi vọng họ sẽ có những phẩm chất và những thành tựu của các nhà lãnh đạo chính trị và các xã hội dân sự mà tác phẩm này soi sáng và truyền cho cảm hứng.
Những bài học mà cuốn sách này nhấn mạnh không chỉ áp dụng cho những nỗ lực nhằm kết liễu chế độ độc tài; chúng cũng chỉ ra một số nguyên nhân thoái trào và sụp đổ của dân chủ, như hiện nay chúng ta đang thấy ở một số nước châu Âu, châu Phi và Châu Á, cũng như ở Bắc và Nam Mỹ.
Dân chủ không phải là thứ có thể chiếm đoạt, như ngọn núi và going sông hay không khí mà chúng ta hít thở. Nó phải được chăm sóc như chăm sóc một khu vườn - tưới nước, bón phân và cắt cành tỉa lá. Quản trị dân chủ đòi hỏi quá trình chuyển đổi liên tục, đáp ứng những đòi hỏi mới cho việc tham gia, những quyền mới hoặc quyền được nới rộng ra, tình đoàn kết công dân và sức khỏe của hành tinh. Nó cũng đòi hỏi tinh thần cảnh giác nhằm ngăn chặn sự tập trung đầy nguy hiểm của quyền lực, ngăn chặn những mối đe dọa đối với các quyền dân sự và nhân quyền và bác bỏ trách nhiệm giải trình. Chúng tôi tin rằng những cuộc phỏng vấn trong cuốn sách này cung cấp cho độc giả những nhận thức thấu triệt có ích cho cuộc đấu tranh trường kì nhằm duy trì đời sống dân chủ.
[1] Samuel P. Huntington,
The Third Wave: Democratization in the Late Twentieth Century (Norman: University of Oklahoma Press, 1991), 107.