Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 221): Hồ Trường An (1)

LP SÓNG PH HƯNG
Chương 1
Vừa đi chợ Vàm Xáng về, bà Bếp Luông liền hỏi ngay đứa con trai út của mình:
- Tụi nó đi đâu hết rồi?
Út Biên đang vót cần câu nghe mẹ hỏi, liền nói:
- Anh Hai đi vô Sóc Thổ, chị Ba chở khoai mỡ ra cầu đúc Cái Xình, chị Tư đi ăn đám giỗ ở nhà bà Bảy Hương, chị Năm đi nhổ bồn bồn về làm dưa.

Bà Bếp Luông lột chiếc khăn rằn, vớ cái quạt mo cau quạt phành phạch, ong nóng chửi:
- Mồ tổ cha lũ con ăn hại. Thằng lớn thì vào Sóc để ve vãn mấy con đầu gà đít vịt, hai đứa con gái lớn mượn cớ đi đây đi đó để bẹo dạng bẹo hình với tụi con trai. Người ta có phước đẻ con nhờ con cậy, còn tui nghiệp dày đức mỏng, đẻ ba thứ sấu bắt hùm tha, chằn ăn trăn quấn. Phải dè, tui đẻ ra hột gà hột vịt, luộc ăn còn bổ ích hơn…
Út Biên vẫn dửng dưng trước thái độ giận dữ của mẹ. Cậu ta đã quen cảnh lục đục trong nhà này rồi. Tối nay, có trăng cậu ta sẽ đi cắm câu, mười chiếc cần câu đã vót xong, dựng trong góc nhà.
Bà Bếp Luông khệ nệ bưng ba chiếc thúng từ dưới xuồng ba lá lên. Bà đem chuối cau và mãng cầu xiêm chưng trên chiếc dĩa quả tử, đặt trà, nhang, lên bàn thờ.
Bên ngoài, trời chưa đứng bóng. Gió mát từ trên đám ruộng mọc đầu cỏ lác, cỏ song chằng, thổi lao xao trên hàng câyso đủa. Ngoài xa hơn nữa, tiếng chim bìm bịp kêu vang vang. Con nước ròng dưới lòng rạch trước nhà đứng lại, sắp đổi chiều.
Bà Bếp Luông mở khạp, lấy gạo nấu cơm. Hôm nay bà đi chợ, có mua một ký thịt heo và một con khô cá mặn thật lớn. Đêm hôm qua, Hai Cường, cậu trưởng nam của bà nói thèm ăn cá mặn chưng với gừng, nên khi đi chợ bà không quên mua con khô cá mặn cho con.
Cơm vừa sôi, bà Bếp Luông bắt lên chiếc hỏa lò khác với nước để nấu canh rau.
Khi mâm cơm vừa dọn ra thì Hai Cường và cô Năm Nhan về tới.
Hai Cường là cậu thanh niên trạc hăm hai tuổi, khỏe mạnh, khôi ngô. Anh ta cởi trần trùng trục, chỉ mặc chiếc quần xà lỏn đen, chân đi trần dính bùn bê bết. Cô Nhan trạc mười tám tuổi, da ngăm, nhưng mặt có duyên, dáng điệu khoan thai.
Hai Cường đưa cho mẹ ốp trầu vàng và buồng cau tơ, nói:
- Đi qua Sóc, con không quên mua cho má hai thứ này.
Cô Năm Nhan đem bó ngó sen ra ngoài sàn nước, nói:
- Bồn bồn lóng rày còi cọc lắm, con đành hái ngó sen về làm dưa vậy.
Bà Bếp Luông có vẻ hài lòng khi thấy cô con gái mình đem ba bông sen hường chưng ở bàn thờ Phật. Bà xếp ốp trầu vàng vào chiếc ô đồng rồi hối ba đứa con:
- Mau rửa tay chưn rồi ăn cơm. Cơm canh để lâu nguội ngắt, ai mà ăn cho vô?
Hai Cường nhìn tô cá mặn chưng thơm ngào ngạt và dĩa dưa cải chua vàng óng, reo lên:
- À há, ước gì có nấy. Con thiệt là có phước!
Bà Bếp Luông xỉa tay vào trán cậu con trai trưởng nam, chửi:
- Tổ cha mày, tao nuôi mày cho nên vai nên vóc, để mày đi ăn chơi luông tuồng. Tao nghe nói mày đang ve vãn mấy con đầu gà đít vịt bên Sóc Thổ, có phải vậy không?
Hai Cường cười hề hề:
- Đâu mà có, má. Con đi qua Sóc Thổ nhờ Mẹ Sóc viết cho má đạo bùa để trừ tà ếm quỉ.
Bà Bếp Luông nhiếc:
- Tổ mẹ mày đừng có lẻo lự. Tao biết ráo trọi. Mày mê con Cấm Dục mà, nên mày tìm dịp qua Sóc hoài. Tao nói cho mày biết con Cấm Dục là gái Khách Trú đi guốc, mặc quần hàng áo lụa. Còn phận mẹ con mình là dân làm ruộng, ngủ nóp, ăn mặc vải bô. Thôi mày ơi, tố nào theo tố nấy, đừng có trèo đèo… mà thiên hạ chê cười.
Hai Cường cười:
- Má ôi, hồi xưa công chúa còn lấy thằng bán than. Huống chi con đâu phải thằng bán than, còn con Ấm Dục đâu phải là công chúa.
Bà Bếp Luông xụ mặt:
- Tao đã nói không được là không được. Mầy cưới nó về rồi bắt nó đi cày, đi cuốc đất, trồng khoai, coi được không? Nó trắng trẻo, xinh tốt mà bắt nó dang nắng, lội bùn thì cũng tội nghiệp cho nó chớ. Còn nếu mày rước nó về đây mà thờ mà cúng thì tội nghiệp cho tao lắm Hai Cường à. Trọn đời tao, tao chỉ biết thờ cha mẹ ruột, cha mẹ chồng, thờ chồng, chớ tao không thể nào thờ dâu được.
Hai Cường lại cười hề hề. Lúc nào anh ta cũng chỉ có biết cười, giống ông Bếp Luông như khuôn đúc, từ diện mạo cho tới tánh tình. Anh ta ngáp dài rồi bước lại chiếc vạt tre, ngả đầu lên chiếc gối rơm, uể oải nói:
- Buồn ngủ quá mạng.
Bà Bếp Luông chửi:
- Đồ ôn dịch, làm biếng nhớt thây, hết ăn tới ngủ, rồi đi ve gái, rồi đi cờ bạc, nhậu nhẹt. Thay vì mày khai thác thêm sở rẫy trồng khóm, trồng khoai lang, khoai mì, khoai từ giúp đỡ má mầy thì mầy cứ đánh lừa đánh đảo, hết ngủ trưa, rồi đi chơi bời.
Hai Cường vẫn cười nhăn nhở với mẹ:
- Con nói với má năm nay con gặp tuổi kỵ, đừng có tính làm ăn gì hết, bước qua năm rồi sẽ hay. Má còn nhớ chớ, cái sở rẫy khóm của con bị nước lụt, khóm úng thủy chết ráo trọi.
- Mày đừng lẻo lự, hồi rằm tháng giêng năm nay, tao cúng sao, cúng hạn cho anh em bây rồi. Giờ thì mầy phải lo làm, lo ăn, để dành tiền cưới vợ.
Bà Bếp Luông thở dài, sửa soạn cối để giã gạo. Bà than với cô con gái:
- Số tao là số đẻ vào cung nô bộc, cung hạ tiện. Ngày đêm tao cứ làm đầu tắt mặt tối, có rảnh rang được ngày nào đâu. Thằng con lớn chưa chi đã ló mòi làm biếng rồi. Còn hai con chị của mày cứ kiếm cớ te rẹt hoài. Sao tao khổ như vầy không biết!
Cô Năm Nhan nói:
- Thôi má ơi, bà có mệt thì đi ngủ trưa cho khỏe. Bà để tui giã gạo cho.
Bà mẹ nhìn cô con gái cưng nhứt trông ba cô con nói:
- Tao than là than về nỗi hai con chị thuồng luồng hổ mang của mầy, chớ xét kỹ mầy khá hơn tụi nó nhiều. Còn thằng út của tao để rồi mầy coi, nó sẽ hơn cái thằng anh trời đánh của mầy gắp bội.
Út Biên liếc qua cười lỏn lẻn. Hai Cường cũng cười rồi nhắm mắt vỗ giấc ngủ. Chỉ chừng giập bả trầu là chàng ngáy du dương, ngáy lảnh lót. Không hẹn, Năm Nhan cùng Út Biên nhìn nhau, cười chúm chím, trong kia bà mẹ nguýt cậu con trưởng một cái thật bén.
Bà bếp Luông cùng Năm Nhan giã gạo chày đôi. Dưới sông rạch nước đã lớn, dâng ngập cầu nhủi.
Út Biên đi hái rau trong lúc ông anh của cậu ngủ khò.
Bà mẹ lúc nào cũng không vừa ý lũ con, nhưng trong thâm tâm, bà thương yêu đứa hay cũng như đứa dở. Mười lăm năm về trước, ông bà bếp Luông bỏ quận Cái Răng thuộc tỉnh Cần Thơ để đi trốn nợ, trôi nổi, xuống vùng Hóc Hỏa, quận Hỏa Lựu, tỉnh Rạch Giá nầy. Số là, trước đó ông Bếp Luông, sau khi vợ đẻ đứa con đầu lòng là Hai Cường, bỗng sanh tật cờ bạc, rồi mê một con điếm ở miệt Cần Thơ trôi về Cái Răng.
Ít lâu, ông mắc nợ, cùng vợ bơi xuồng ba lá theo con kinh Bảy Ngàn, xuống vùng Hóc Hoả nầy. Tới ngoài Vàm Hóc Hoả, xuồng của họ chở khẳm, bị sóng gió nhận chìm, may mà nhờ dân ở Vàm bơi xuồng ra cứu kịp. Họ được dân Vàm giúp đỡ về đây cất chòi, rồi đốn cây tràm, khai khẩn đất.
Lúc đầu, ông Bếp Luông gác kèo cho ong rừng kéo về làm ổ để lấy mật. Sau đó ông trồng khoai lang: loại khoai hột gà màu hoàng yến, loại khoai lim màu ruột bí rợ, và loại khoai Dương Ngọc ruột xám tròng tím…
Chất phèn trong đất dần dần tuôn ra dòng rạch Hóc Hoả ; đất nhờ có bớt chua, nên hai năm sau, ông trồng lúa làm rẫy. Rồi đó, các cô Ba Kiểm, Tư Diễm, Năm Nhan và Út Biên chào đời theo năm một. Vợ chồng ông Bếp Luông gắn liền với cuộc đất khai khẩn, không nghĩ tới việc về quê quán nữa.
Cách đây bốn năm, khi Út Biên lên mười ba tuổi, ông Bếp Luông mang bệnh dây dưa suốt nữa năm rồi từ trần. Hai Cường lúc đó đã lớn có thể thay cha lo việc ruộng nương, đồng áng. Các cô Ba Kiểm, Tư Diễm, Năm Nhan cũng thạo nghề rẫy bái, bán buôn. Tuy nhiên, bà Bếp Luông có nhiều mối lo nghỉ. Ba Kiểm và Tư Diễm thích se sua, chưng diện, hay cười, hay liếc với bọn con trai trong xóm. Bà sợ con mình lỡ dại, hư thân rồi mang bầu. Còn Hai Cường thì hễ rảnh rang được chút nào là tò vè theo lũ con gái. Đôi lúc bà nghĩ thầm:
- Thiệt rau nào sâu nấy. Hổ phụ sanh hổ tử có khác. Chầu xưa, cũng tại con điếm Cái Răng mà cha nó mang nợ, bỏ xứ ra đi.
Bởi đó, trong nhà luôn luôn vang tiếng la rầy của bà mẹ.
Bà xỉa xói Hai Cường:
- Mầy là anh lớn, là chim đầu đàn, không làm gương cho lũ em. Mầy mà đi phá hại tiết trinh đàn bà con gái ở vùng nầy thì lũ em gái mầy sẽ trả quả, nghe chưa đồ ôn hoàng dịch lệ? Mầy có giống cha mầy thì lựa cái tánh hào hiệp của ổng mà giống, đừng có giống cái tánh ưa đào đĩ thì tao có nước bán vườn, bán ruộng để trả nợ.
Bà cũng thường rủa sả hai cô gái kế:
- Còn hai con đĩ ngựa nầy, tụi bây cứ kiếm chuyện đi ta bà hoài. Tụi bây mà mang bầu, chửa hoang đẻ lạnh là tao có nước đội quần thiên hạ. Con gái thì phải lo bếp núc, vá may, có lý đâu ngày tối cứ soi kiếng, chải tóc rồi đánh quần đánh áo đi dạo xóm.
Cô Ba Kiểm và cô Tư Diễm càng lớn lên, càng lồ lộ vẻ sắc sảo. Tuy da của họ không được trắng nhưng nét mày họ cong vút, mắt ướt rượt, nụ cười tươi tắn. Ba Kiểm lẳng lộ, còn Tư Diễm lẳng ngầm. Cả hai biết o bế hàm răng, thường lấy xác cau chà lên răng để cho răng trắng trong, trắng nuột. Hai Cường, Năm Nhan và Út Biên cũng bắt chước họ gìn giữ hàm răng, nên cả năm anh em đều có nụ cười dễ nhìn, dễ ưa. Trong xóm có câu ca dao: “Anh em Hai Cường. Cười thiệt dễ thương”.
Bà mẹ mỗi khi nghe câu đó cũng tự hào và nhớ lại nụ cười của ông chồng.
Cô Nam Nhan thùy mỵ, đoan trang, ít nói, nhưng khi nói làm ai cũng ưa mến, và giọng nói cô rất trong trẻo, lời nói vừa vui vẻ vừa khiêm tốn. Út Biên thì lầm lì siêng năng, cần mẫn, thuở nhỏ có đi học ở ngoài chợ Vàm xáng, nên đọc được truyện Tàu, nói truyện thơ “Lục Vân Tiên” làu làu.
Tuy đứa con nào bà Bếp Luông cũng thương yêu, nhưng bà đặt biệt cưng chiều Út Biên hơn các đứa con kia. Cậu con út ít của bà mới mười bảy tuổi mà đã lớn xộn, lưng dài vai rộng, ưa xốc ưa vác những việc lớn nhỏ trong nhà. Cậu có thể phụ anh trưởng cậu đốn lá dừa nước, xé tét ra làm hai để lợp nhà, bện vách. Cậu có thể đốn tre, chẻ thành nan để đóng vạt tre. Cậu có thể đi cắm câu, đặt trùm bắt lươn, đi gài bẫy chim, đi soi ếch. Cậu nói ít, nhưng làm nhiều, mỗi khi nói ra lời gì thì như đinh đóng cột.
Bởi Năm Nhan và Út Biên ít nói, thiệt thà nên bà mẹ ít la rầy. Bà mẹ thường nghĩ đến đứa con nào khù khờ, chậm chạp, sẽ bị đời lừa đảo, hiếp đáp cần phải được chăm nom, che chở. Hơn nữa, Năm Nhan và Út Biên tận tụy, chí thú làm việc, làm đẹp lòng bà biết bao.
Khoảng xế, cô Ba Kiểm từ Cầu Đúc Cái Xình về, mang theo một giỏ lươn, vừa giáp mặt mẹ là cô lăng líu liền:
- Khoai mỡ của mình trồng kỳ nầy mập tốt, ai cũng khen. Con bán được giá nên mua một thúng dầu lửa để thắp đèn và năm thước vải ú để may quần cho ba chị em tụi con. Còn giỏ lươn nầy là do thím Ba Khía tặng má ăn lấy thảo.
Bà Bếp Luông trong bụng rất hài lòng về chuyện bán khoai mỡ, nhưng bà cũng mắng cô con gái để thị oai:
- Con Hà Bá, mầy đi bán khoai từ sáng sớm cho tới xế chiều. Mầy có mượn cớ đi đánh đôi đánh đọ với mấy đứa con gái ngoài Cầu Đúc không? Tụi con gái ở Cầu Đúc hễ thấy trai là cười cười, liếc liếc… khó coi lắm. Cô Ba Kiểm xụ mặt:
- Má sao cứ giở cái mửng đó hoài. Đi buôn đi bán mà không cười, không nói thì buôn bán với ai? Thôi đi bà ơi, bà khó tánh vừa vừa chứ. Ở đây ai lại không biết con gái lớn của bà mua may bán đắt.
Bà Bếp Luông cười chúm chím:
- Tao rầy là để trừ hao nghe chưa con đĩ thúi. Mầy mà vừa thấy trai là là cười híp mắt, không răn mầy trước sao được? Thôi đi tắm rửa đi. Má có nấu canh chua và kho cá bống cho chị em mầy đó. Còn mấy con lươn, mầy muốn ăn món lươn um hay lươn xào xả ớt?
Ba Kiểm phụng phịu:
- Tui ăn món gì cũng được, miễn là má bớt rầy trừ hao là tui vui rồi. Bà làm như chị em tui thúi thây lầy lụa, bỏ chó chó chê, bỏ mèo mèo mửa vậy.
Bà Bếp Luông cười:
- Đồ đĩ chó, tao mới rầy giáo đầu là mầy đã xụ mặt rồi. Đồ con bất hiếu, giờ nó muốn trả treo với mẹ nó đây nè!
Cô Ba Kiểm lén lút dấu đôi guốc mới mua trong buồng gói dành cho chị em cô. Đôi guốc sơn đen, quai da về bông xanh đỏ mà cô thường mơ ước, vừa mua tại chợ Vàm Xáng. Với đôi guốc nầy, cô sẽ mặc áo vải xanh rắc bông trắng cùng quần hàng xá xị để đi lễ chùa ngoài Vàm. Giờ đây, cô không dám đem guốc ra khoe liền với mẹ vì sợ mẹ chửi mình ưa se sua, chưng diện.
Khi cô Tư Diễm về tới nhà thì bà mẹ đã sắp chén, dọn mâm. Cô Tư Diễm khoe với mẹ liền:
- Mâm bánh ích của má đem cúng cho đám giỗ, ai cũng khen hết. Bột nếp vừa mềm, vừa dẻo, còn đường thơm mùi mật mía, nhưn đậu xanh thì càng nhai càng bùi.
Bà Bếp Luông mảng vui vì lời thuật lại của cô con gái thứ nên quên rầy trừ hao. Bà đắc chí:
- Bánh ích nhưn đậu của tao khó có bánh ích nào bì kịp. Con biết không? Bánh gia truyền của bà nội con đó đa.
Rồi bà hối:
- Tụi bây nên tắm rửa rồi ăn cơm.
Ba Kiểm, Tư Diễm cùng đi tắm rồi mặc áo quần vải xiêm đen, tóc chãi kỹ bóng loáng và xức dầu bông lài thơm ngát. Tuy bà Bếp Luông chửi họ hoài, nhưng trong thâm tâm, bà mẹ rất tự hào về nét sắc sảo của họ.
Mâm cơm hôm nay đặc biệt có thêm đĩa mắm nêm trộn với ớt và rổ rau luộc. Bà Bếp Luông hài lòng về sự siêng năng của cậu con út. Nó hái đọt choại, rau bợ, rau đắng biển, rau má, luộc một rổ ê hề. Ăn rau mát ruột, mát tỳ vị giữa tiết trời mùa hạ gay gắt.
Cơm nước xong, cả nhà kéo nhau ra ngoài sân. Bóng chiều vừa tắt là trăng đã lên khỏi ba sào. Vầng trăng như chiếc dĩa bạc treo lơ lửng trên nền trời xanh nước biển. Gió ngoài vàm rạch đổ về mát rượi. Đồng ruộng vang lên tiếng ếch nhái, tiếng nhóc nhen, tiếng dế và những tiếng côn trùng khác.
Út Biên nói với mẹ:
- Con đi cắm câu nghe má?
Bà Bếp Luông nói:
- Ừ, nhớ về sớm. Tối nay má có nấu bánh trôi nước cho cả nhà.
Hai Cường đưa em điếu thuốc rê vừa mới vấn.
- Hút thuốc cho ấm đi Út.
Út Biên chỉ lắc đầu cười. Bà mẹ la:
- Nó còn nhỏ mà tập hút thuốc làm chi, hút thuốc khô phổi, cháy gan.
Ba Kiểm nhìn cậu em út:
- Thằng nầy nhổ giò, lớn mau quá. Nó cao hơn con Năm một cái đầu rồi.
Tư Diễm nói:
- Con Năm nhỏ người, lưng ong thắt đáy giống má. Còn thằng nầy vóc vạc cao lớn giống ba. Nhưng khuôn mặt nó lầm lì không biết giống ai đây?
Bà Bếp Luông vui vẻ:
- Nó giống ông ngoại mấy chứ giống ai? Mặt hai ông cháu đều bặm trợn, nghiêm trang. Tao ghét cái thứ con trai mặt mày dúc dắc, hễ thấy gái là mắt láo liên. Ai dè lại gặp thằng tía tụi bây. Vậy mà rồi ăn ở với nhau, cũng bớt ghét.
Ba Kiểm tinh quái:
- Thì bà nói bà thương tía tui cho rồi. Việc gì mà bà cứ úp úp mở mở hoài?
Tư Diễm phụ họa:
- Có phải bà mê tía tui không?
Bà Bếp Luông cười hề hề rồi mắng:
- Mấy con đĩ hỗn hào nầy cứ ưa chòi mòi chọc mọc chuyện người lớn hoài đi.
Bà bước vào trong nhà nhúm lửa để hâm lại nồi bánh trôi nước. Mùi nước đường quện mùi gừng, bay ngào ngạt trong không khí bàng bạc ánh trăng và lảng vảng bóng sương mù.
Ba Kiểm ngó mong, đồng rạch lấp loáng ánh trăng. Cô vụt cảm thấy tâm hồn man mác vu vơ, liền hò:
Má ôi con má tht tình 
Ăn khai tru quế, ung chình rượu hương.
Câu hò đó tuy không ăn nhầm gì tới khung cảng trăng nước đêm hè, cũng không phù hợp gì với tâm trạng hiện tại của mình, nhưng Tư Diễm lại cũng cảm thâý tâm hồn mình cũng rung động lai láng. Cô liền hò phù họa:
Hò…ơ 
Gi
ó đưa trăng thì trăng đưa gió 
Con tr
ăng lng ri, gió biết đưa ai? 
H
ò... ơ...  
Gi
ó đưa liu yếu, mai qun 
Li
u yếu mc liu, mai qun mc mai
Trăng càng lên, càng sáng tỏ. Ánh trăng lóng lánh trên lá cải ngọt óng mượt, trải trên hàng lu hũ ngoài hàng ba một lới bạc mỏng và lóe sáng lên trên lá mảng cầu rung rinh trong gió. Mỗi khi ba anh em cười, răng họ lấp loáng ánh men.
Hai Cường chửi thề rồi nói:
- Hai con nầy chắc có chuyện gì rồi nên hò buồn thúi ruột như vậy?
Ba Kiểm xí một tiếng dài:
- Buồn miệng hò chơi, chớ có ý gì đâu mà anh trặc trẹo với bọn em út, anh hai?
Tư Diễm cười:
- Anh Hai, sẵn đây trăng trong gió mát, anh hát Vọng Cổ, nghe chơi, anh Hai?
Hai Cường cười bắt bẻ:
- Tao mà hát Vọng Cổ là để ai kia thưởng thức, chớ hát cho tụi bây nghe thì chán thấy mồ. Mà nếu có hát thì tao thiệt chớ không có hát chơi đâu.
Năm Nhan nói:
- Em có mua mấy truyện thơ, anh Hai có rảnh đọc cho má nghe. Em mua “Nàng Út”, “Dương Ngọc”. Chỉ tốn có mấy cắc bạc thôi.
Hai Cường nói:
- Tụi bây biết không? Nàng Út ngày xưa trồng một rẫy dưa hấu. Dương Ngọc thì trồng một rẫy khoai lang. Nhờ vậy mà họ đều gặp hoàng tử, rước họ về làm vợ. Dưa của nàng út thì ngọt mát. Khoai của Dương Ngọc thì bùi miệng. Năm tới, con Ba nên trồng dưa hấu. Con Tư nên trồng khoai lang. Còn con Năm thì nên trồng thêm rau húng, rau dấp cá, lá quế, ngò tây. Rồi đây biết đâu có những chàng hoàng tử đem vàng, đem gấm đến đây hỏi tụi bây làm vợ. Còn tao…
Ba Kiểm cướp lời:
- Còn anh lên rừng đốn củi hầm than rồi lấy công chúa. Biết đâu có những cô công chúa mê tài ca Vọng Cổ của anh.
Hai Cường cười hề hề:
- Ừ hén, hồi xưa thiếu gì chàng bán than lấy công chúa. Tao thường nói với má chuyện đó hoài.
Rồi anh ta hỏi gằn ba cô em:
- Mà tụi bây biết công chúa của tao chưa?
Ba miệng cùng lao nhao:
- Ai vậy? Anh nói thiệt hay nói chơi anh Hai?
- Cô nào vậy?
Hai Cường cười ngất:
- Con Cấm Dục, con gái của chệt Sình đó đa.
Ba Kiểm cũng cười:
- Con Cấm Dục mà đứng gần anh có khác nào cục phấn mà sắp cạnh cục than.
Hai Cường vỗ ngực tự hào:
- Ôi, khi thương nhau, nào kể gì đen hay trắng? Tao tuy đen đúa nhưng tao biết tao có duyên, tao đắt mèo.
Ba cô em cùng nhìn anh như để phối kiểm lời nói. Hai Cường vạm vỡ, nhưng không thô lậu. Lưng chàng dài, vai chàng rộng, đùi chàng cũng dài, nở nang, da rạng rỡ hồng hào. Đặc biệt là chàng thích nheo một con mắt và thích cười hóm hỉnh, ánh mắt thông minh, tinh quái.
Trời đêm tuy mát, nhưng hồi xế chiều, Hai Cường chưa tắm gội, nên cảm thấy trong người nhớp nháp mồ hôi. Anh ta men theo con đuờng đất đi khỏi nhà một khoảng xa lối năm chục thước. Ở đó có cái xẻo dáy lót đá ong. Chung quanh xẻo, cây bình bát, cây ô rô mọc đầy bít.
Hai Cường cởi quần áo lội xuống xẻo lặn hụp, vẫy vùng. Nước xao động, sông lấp lánh ánh trăng. Anh ta đặt tên cho cái xẻo là “Vũng nước tiên”, dành cho anh ta và út Biên tắm gội. Nước mát như bàn tay mát lạnh mơn man làn da thịt người con trai đang độ yêu đời.
Lặn hụp, vẫy vùng đã đời. Hai Cường liếc qua ngôi nhà lá bên kia rạch, ẩn dưới cây dừa to. Ở đó, le lói ánh đèn từ khung mặt cáo. Đấy là nhà chị Sáu Quyên góa chồng, về đây từ một năm rồi. Chị ta lớn hơn Hai Cường hai tuổi, coi cũng bóng bẩy lắm, thường mặc áo túi màu mắm ruốc, quần sa teng đen. Chị buôn bán cầm chừng những món như dầu lửa, nước mắm, nước tương, tương ta, tương tàu, chao đỏ, chao trắng, nhang, đèn, trứng vịt, bánh in, kẹo gừng, trà… Ấy vậy mà lối xóm đồn rằng chị ta có một số vốn kha khá, có vài lượng vàng để hộ thân.
Hai Cường đặt cho Sáu Quyên cái hổn danh là Sáu Tiên Bửu vì chị ta hay nói thơ tích “Ông Trượng Tiên Bửu”. Mỗi khi muốn chọc chị, anh ta ở bên nầy Vũng Nước Tiên hét lớn:
- Anh là ông Trượng đây. Bớ em Tiên Bửu có biết không?
Ông Trượng già đắng già hôi theo ve vãn cô Tiên Bửu tuổi vừa đôi tám. Tiên Bửu bực mình lắm, bèn chỉ chảo nước sôi, bảo ông ta chui vào đó để lột lớp thành trai trẻ đẹp, cốt ý cô ta muốn giết chết cái lão già dê xòm cứ đeo theo cô ta hoài. Dè đâu ông Trượng không chết lại hóa thành chàng trai trẻ đẹp, làm điên đảo tâm hồn Tiên Bửu. Cô nàng trở lại theo ve vãn ông Trượng, nhưng ông Trượng thật ra là một vị Tiên nhơn trường sanh bất tử, xuống trần đội lốp ông già xấu xí để thử lòng Tiên Bửu đó thôi. Khi hườn lại cái lốp xinh đẹp, ông ta từ giã Tiên Bửu bay về trời.
Sự tích truyện thơ “Ông Trượng Tiên Bửu” không hiểu tại sao lại mê hoặc Sáu Quyên. Chị thường đọc chuyện thơ ra rả trong những đêm trăng sáng, giọng đọc của chị thanh thanh, chữ cuối câu đổ hột rung rung thật mùi mẫn, làm cho khách bơi xuồng ngang qua nhà cô bồi hồi man mác.
Mỗi khi Hai Cường cất giọng kêu Sáu Quyên là Tiên Bửu là chị ngưng đọc, oái miệng lên chửi. Mỗi đêm trăng sáng, nếu không chọc Sáu Quyên chửi thì Hai Cường cảm thấy thiếu thốn một cái gì mơ hồ lắm, còn nếu không chửi được Hai Cuờng thì Sáu Quyên ngủ không ngon.
Đêm nay là mười bốn âm lịch, trăng tròn vành vạnh. Bên kia dòng rạch, ánh đèn chong le lói. Hai Cưòng biết lắm, giờ nầy Sáu Quyên đang đợi anh ta chọc để chửi xả hơi. Anh ta liền cất giọng hò:
Hò... ơ... ...
Anh th
ương em,
Th
ương qun, thương quít 
B
ng ra gc mít,
B
ng khít gc chanh 
B
ng quanh đám sy 
B
ng by vô mui 
B
ng lui sau lái 
B
ng ngoái trước mũi...
Hai Cường ngừng lại rồi kêu lớn:
- Em Tiên Bửu ôi, em có biết cho lòng anh không, bớ em Tiên Bửu?
Quả nhiên, bên kia dòng rạch, tiếng the thé cất lên:
- Có giỏi qua đây mà bồng. Đứa nào không qua là thằng hèn, thằng ba xạo. Qua đây chị Sáu mầy đang thủ sẵn cây chổi chà chờ mầy đó Hai Cường à.
Hai Cường cười hề hề:
- Đừng có thách. Tui mà qua được, tui hun chị một cái thiệt mùi, nói cho chị biết trước.
Sáu Quyên rít lên:
- Mầy dám nói vậy hả thằng Thiên Lôi? Qua đây mặc sức mà bồng, mà hun. Mầy mà không qua thì tao vác dao qua liền.
Hai Cường cười đắc chí:
- Tui chỉ sợ một khi tui qua, chị nín khe chớ.
Sáu Quyên hét lên, rủa sả:
- Đồ ăn nói luông tuồng, đồ trời đánh thánh đâm! Ma Da không rút mầy dưới đáy sông thì qủy La Sát bắt mầy xé tét hai. Gặp mặt mầy là tao có nước trào máu họng.
Rồi đó sau khi ngừng một chút để lấy hơi, Sáu Quyên lại tiếp tục chửi. Hai Cường chỉ cười hề hề chấm câu.
Chửi chán, Sáu Quyên thấm mệt, tắt đèn đi ngủ. Hai Cường leo lên bờ, mặc quần áo. Một bóng người đến gốc cây gừa buông rễ lòng thòng cạnh xẻo, kêu:
- Ah Hai, thôi về nhà mình đi, anh Hai.
- Út đó hả, cưng?
- Dạ, Út đây, anh Hai à.
Hai Cường chỉ qua túp nhà lá bên kia rạch:
- Đàn bà gì mà hỗn dữ như chằn tinh, gấu ngựa.
- Chị Sáu Quyên tử tế lắm, anh Hai à. Chị nấu món gì ngon cũng đem qua cho má ăn lấy thảo. Chị thường kêu em qua nhà chị chơi, chị lấy bánh in, kẹo gừng cho em ăn, bắt em kể chuyện về anh cho chị nghe.
Hai Cường đắc chí cười ha hả rồi nói:
- Biết mà, cái thứ đó...
Anh không nói hết câu, chỉ liếc qua túp nhà lá âm thầm ẩn dưới bóng cây dừa to, cười chúm chím.
Út Biên băn khoăn, hỏi:
- Anh biết sao, anh Hai?
Hai Cường cười:
- Mầy còn nhỏ, đừng có hỏi chuyện người lớn nghen Út.
Trong khi Hai Cường đi tắm, trong lúc Ba Kiểm và Tư Diễm hóng mát, ăn mía và chuyện vãn đầu cua tai heo thì Năm Nhan tắm rửa, sau một ngày xay lúa giã gạo vất vả. Từ chiều, khi mảnh trăng vừa mọc sáng như một phiến gương bạc, bà Bếp Luông đã nấu cho nàng nồi nước hương nhu để nàng gội tóc. Nàng mặc bộ áo vải xiêm đen, xức dầu bông lài và sửa soạn đi xuống Xóm Dưới, ghé nhà bà Bảy Hương để mượn cái xửng về hấp bánh ít, bánh qui, bánh bò.
Bà bếp nhìn cô con gái, quở:
- Năm, má may cho con cái áo vải bông đỏ lá xanh, sao con không bận? Con gái cũng phải ăn diện với người ta, quanh năm con cứ bận vải ú, vải xiêm đen hoài, coi buồn quá.
Năm Nhan nghe vậy liền cổi áo vải xiêm đen, mở chiếc rương cây, lôi ra cái áo bà ba vải in bông đỏ lá xanh nhỏ mứt. Tấm áo mới giặt, thơm mùi nắng và mùi long nảo, bà Bếp vừa thấy cô con gái thật thà của mình mặc áo đẹp, liền mở tráp cây lôi ra chiếc vòng huyền, một chiếc cà rá bằng đồng chạm hình chữ Thọ tròng vào tay con. Năm Nhan cũng không thắc mắc thái độ của mẹ. Nàng biết rõ một điều là mẹ nàng sợ nàng bị thua sút trước hai cô chị có nhan sắc của nàng.
Bà Bếp ngắm nghía con gái rồi giục:
- Con đi lẹ lên, rồi về, kẻo má trông. Con có cần đốt đuốc không con?
- Có trăng mà má. Trăng sáng, con cũng có thể đi qua cầu khỉ nữa là.
Nhà bà Bảy Hương ở dưới Xóm Dưới; một nếp nhà ba căn hai chái, có bàn thờ cẩn, tủ cẩn, lư đồng. Chồng bà đã thất lộc từ lâu. Bà chỉ có hai đứa con trai là Hai Cầu, Ba Khẩn. Cả hai đều có vợ, nhưng lại đi làm ăn xa, sống theo nghề thương hồ. Bà ở nhà sống với hai nàng dâu và lũ cháu nội. Hôm nay Hai Cầu, Ba Khẩn vừa về nhà để cúng giỗ ông Bảy Hương.
Giờ đây, sau bữa cơm chiều, cả nhà quây quần ở nhà giữa, đốt sáng bởi ngọn đèn khí đá tỏa ra mùi hôi hôi. Vừa bước vào hàng ba, Năm Nhan được bà Bảy Hương và hai nàng dâu chào hỏi vồn vã. Ở đây, đàn ông chia nhau ngồi ở hai bên cái bàn dài, trên hai cái trường kỷ chạm trổ chim, sóc, trái nho, kỳ lân. Ngoài Hai Cầu, Ba Khẩn còn có ba người đàn ông nữa. Đó là thầy Năm Kỳ Phụng, Sáu Thoại, Bảy Tường ở ngoài Vàm ghé chơi.
Năm Nhan có nghe mang máng rằng thầy Năm Kỳ Phụng là điền chủ giàu có, nhưng tánh tình bải buôi, vui vẻ, ưa giúp đỡ dân quê và tá điền. Thầy đàm luận nhân tình thế thái xuôi rót, giảng giải kinh kệ không thua mấy thầy sãi ở chùa Trúc Lâm ngoài Vàm. Còn Sáu Thoại và Bảy Tường là hai người đệ tử lớn trong đám năm người đệ tử của thầy, cũng thích giao du, mộ đạo Phật, nghe nói họ biết đọc nhựt trình chữ Việt lẫn chữ Tàu, và đọc sách dạy cách dùng thuốc tây, sách dạy châm cứu nữa. Sáu Thoại đã trị bịnh bằng cách châm cứu cho nhiều người, đều có kết quả tốt. Còn thầy Năm Kỳ Phụng đã nhiều lần chăm sóc chữa trị cho người bị ghẻ hờm, ghẻ lở to như cái miệng chén, đã không ăn tiền mà còn cho người bệnh thuốc men.
Thấy có khách lạ, Năm Nhan rụt rè không dám bước vào nhà. Bà Bảy Hương nói:
- Lại bộ ván gỏ ăn bánh, uống trà với bác đi Năm. Hôm nay, cháu Sáu Thoại có cho bác bánh bao chỉ, ngon lắm.
Thầy Năm Kỳ Phụng ngửng lên nhìn Năm Nhan. Nàng chấp tay xá thầy. Thầy liền hỏi bà Bảy Hương:
- Cô em đây là con thứ mấy của thím Bếp vậy, thím Bảy?
Bà Bảy Hương nói:
- Thầy Năm chắc ít lui tới nhà chị Bếp nên không biết nó đó thôi. Nó là con Năm Nhan, em kế con Tư Diễm, con Tư Diễm là em kế con Ba Kiểm, con Ba Kiểm là em kế thằng Hai Cường. Ngoài ra, vợ chồng anh Bếp còn có đứa con út tên là Biên.
Thầy Năm Kỳ Phụng cười chúm chím:
- Tui gặp cô Ba hoài, cổ vui vẻ, ăn nói có duyên lắm.
Bà Bảy Hương là kẻ sành đời, lại là bạn thân của bà Bếp. Bà nói điều gì chẳng những bà Bếp cũng nghe theo mà mấy bà lớn tuổi ở xóm Hóc Hỏa đều hưởng ứng. Bởi đó, thầy Năm Kỳ Phụng muốn giao du với dân vùng nầy nên ưa lui tới lấy lòng bà.
Bà Bảy Hương nói:
- Chị Bếp có phước sanh con gái, đứa nào đứa nấy xinh tốt tiên sa phụng lộn. Nhưng trong mấy đứa, tui chấm con Năm nầy, nó thiệt thà, giỏi dắn, siêng năng.
Hai Cầu cười:
- Để con làm mai con Năm cho thằng Tám Kiệt, bạn của con. Thằng đó ở Vịnh Trà Bay, em cô cậu với cô Sáu Quyên.
Thầy Năm vui vẻ:
- Phải đợi cô Ba, cô Tư lấy chồng rồi thì anh mới có quyền làm mai chớ.
Bà Bảy Hương rót trà cho Năm Nhan nói:
- Nè Năm, bác Bảy muốn làm mai con Ba cho thầy Năm đây, con nhắm coi được không?
Năm Nhan e lệ, cười trừ, không biết nói sao cho phải. Sáu Thoại lấy thuốc rê Trảng, vấn vào giấy quyển mỏng tanh, rồi châm vào con cúi ngún lửa để hút. Chàng trai trạc hai mươi bảy, hai mươi tám, mặt không đẹp, không xấu, nhưng nụ cười hiền, có hai đồng tiền sâu hủm. Chàng nói:
- Cô Ba KIểm quá đẹp, đẹp lóa mắt như mặt trời. Riêng cháu, cháu thấy cô Tư đẹp dịu dàng, mà cũng sáng rỡ như trăng rằm vậy.
Bà Bảy Hương sai vợ Ba Khẩn nấu nước châm trà, rồi nói:
- Ở đời mà Sáu, kẻ thích mì, người thích hủ tiếu. Thầy Năm cho con Ba là đẹp, còn mầy cho con Tư xinh. Chẳng qua là có hạp nhãn với mình hay không đó thôi.
Bảy Tường lại hỏi:
- Vậy cô nào là mì, cô nào là hủ tiếu đây?
Bà Bảy Hương cười hăng hắc:
- Đừng có hỏi trêu bác. Còn cháu thì thích ai đây? Nghe nói cháu ngắm nghé con Hai Lý, con thím Bảy Cá Trê phải không?
Bảy Tường đỏ mặt. Bà Bảy Hương nói với thầy Năm:
- Nè thầy Năm, tui nghĩ lại, con Ba, con Tư mà đầu thai vào xóm Hóc Hỏa, chỗ khỉ ho, cò gáy, chó ăn đá, gà ăn muối nầy chắc là tụi nó đầu thai lộn đó đa. Tụi nó có bóng sắc, phải ở miệt Cần Thơ, Sài Gòn mới là phải cho chớ. Tụi nó mà không phải giãi nắng dầm mưa ở ngoài chợ thì tụi nó sẽ sáng như dừa nạo, đó thầy.
Sáu Thoại nói:
- Ông Bếp chắc là bậc thâm nho, nên các con của ông đều có tên đẹp cả. Kiểm, Diễm, Nhan, đều là tên của các mỹ nhân.
Bà Bảy Hương nói:
- Ừ, ảnh giỏi chữ nho, thuộc làu “Tam Quốc” với “Đông Châu Liệt Quốc”. Hồi ảnh còn sanh tiền, anh thích đàm luận các nhơn vật trong hai pho truyện Tàu đó với bác trai của cháu hoài.
Bảy Tường lại hỏi:
- Chắc hồi trước ổng làm Bếp cho tiệm tàu ở Cần Thơ hoặc ở Chợ Lớn, phải không bác? Bởi vậy nên ổng biết chữ nho.
Bà Bay Hương đập một con muỗi ở mắt cá, cười:
- Nói trật lất rồi, cháu ơi. Ảnh làm chức bếp trong lính khố xanh. Từ lính tập rồi mới nhảy lên chức bếp, chức cai, rồi mới được làm cai nhứt, thầy đội, thầy đội nhứt, ông ách, ông ách nhứt, sau đó mới làm quan một, quan hai… cho tới quan sáu. Bác trai của cháu, xưa kia đi lính khố đỏ, làm tới cai nhứt, trong đội kèn tây, sáng chiều thổi kèn tò le, gặp lễ diễn hành cũng thổi kèn tò le, mỗi tháng xòe tay lãnh bạc để mà đi nhậu nhẹt, đào đĩ. Bởi vậy, bác xuôi ổng thôi lính, về đây cuốc đất trồng khoai.
Thầy Năm Kỳ Phụng nói:
- Nghe nói chú Bếp họ Đào. Cô Ba tên Đào Thị Kiểm. Ngày xưa có Đào Kiểm phu nhơn, má đỏ au như bông đào, thật là trang sắc nước hương trời. Tên Đào Thị Diễm cũng hay nữa.
Sáu Thoại xen vào:
- Diễm có nghĩa là đẹp. Còn Nhan là nhan sắc, dung nhan. Trời ơi, ông già ổng đặt tên con gái đều có chủ ý hết cả. Có phải vậy không cô Năm?
Năm Nhan ấp úng:
- Em cũng không rõ. Nhưng ba em thường nói rằng ổng ghét lấy tên bông, tên huê đặt cho con gái. Bông huê hễ có nở, thì phải có tàn, mà lại tàn mau…
Bảy Tường vỗ tay:
- Ông già sành đời lắm. Ổng nói điều nầy thì thím Bảy Cá Trê phiền lắm. Hai con của thím một tên Lý, một tên Đào; Đào, Lý là tên bông, tên huê.
Thầy Năm Kỳ Phụng nói:
- Thú thiệt với thím Bảy, tui góa vợ đã lâu, không có ý tục huyền. Nhưng kể từ khi gặp cô Ba, tui muốn tính chuyện gầy dựng với cổ. Chỉ sợ cô Ba chê tui lớn tuổi đó thôi.
Bà Bảy Hương nói:
- Thầy cứ yên tâm đi. Để tui với vợ thằng Bảy Cá Trê lo cho. Thầy còn trẻ mà than lớn tuổi nỗi gì.
- Tui đã bốn mươi rồi, thím à.
- Tui trông thầy cỡ ba mươi là cùng, lại bảnh trai nữa.
Năm Nhan trong bóng tối nhìn ra phía thầy Năm. Thầy vóc mình dây, lưng thẳng, tóc bên màng tang có vài sợi bạc, nhưng khuôn mặt sáng hồng, mắt sánh như sao. Nàng quá trẻ, chưa đủ trí não để suy nghĩ sâu xa về cuộc hôn nhân. Nhưng nàng biết trong vài năm nữa, chị em nàng phải lấy chồng. Bà Bếp đặt đâu thì nàng phải ngồi đó.
Nàng hỏi mượn cái xửng hấp bánh và xin kiếu từ. Bà Bảy Hương nhắn:
- Cháu hứa với bác là khoan nói việc thầy Năm muốn đi hỏi con Ba cho chị Bếp nghe, nghen cháu?
Năm Nhan ấp úng:
- Cháu không… dám đâu.
Nàng men theo con đường đất lượn theo dòng rạch về nhà. Hễ khi nghe ai khen hai chị nàng là nàng nở ruột, nở gan ngay. Nàng tự biết dầu mình có đeo ngọc thạch, đeo vàng, mặc áo lụa đi guốc sơn cũng không sao bì kịp hai chị của nàng. Tuy thật thà, nhưng Năm Nhan thừa biết rằng nàng cũng có vài điểm vượt hai chị; đó là sự siêng năng, giỏi dắn, nghị lực dồi dào, ẩn trong một thứ nhan sắc vừa phải, không sáng mà cũng không lu. Nàng gói bánh ích, bánh cúng, bánh cấp không giỏi, may vá tầm thường… nhưng nàng kho cá, nấu canh, chấy tép cũng có hạng lắm.
Trăng sáng rỡ, con đường đất như dải lụa trắng. Hai bên ven rạch, đám dừa nước, đám lác, đám sậy đen thẫm. Những cây cau, cây dừa vươn lên cao, những tàu lá vẽ lên nét thủy mạc tua tủa. Năm Nhan bước qua cầu khỉ cong vòng. Dòng rạch lấp loáng, thiêm thiếp như say trăng. Chiếc xuồng câu tôm thắp đèn tán chai leo lét, mờ ẩn trong đám lá dừa. Trong xóm, tiếng chày giã gạo nhịp nhàng và văng vẳng. Nàng chưa bao giờ tưởng tượng nổi có ngày mình bỏ nhà theo chồng, tới một xứ lạ hoắc. Nàng chỉ muốn dù có lấy chồng đi nữa, cũng được ở nhà săn sóc mẹ và em.
Từ lâu, bà Bếp tỏ ra thiên vị Năm Nhan và Út Biên ra mặt. Ba Kiểm làm dáng, bà chửi, Tư Diễm se sua, bà la. Hai Cường đi chơi, bà mắng. Vậy mà bà chắc mót tiền bạc để may áo đẹp cho Năm Nhan, và Út Biên. Lâu lâu, Bà cho tiền Út Biên, khuyên Út đi ra chợ Vàm Xáng ăn hủ tiếu, ăn mì. Trong thâm tâm, bà mẹ thường biết ba đứa con lớn mình một khi ra ngoài đời sẽ không hề thua sút ai. Bà chỉ sợ Năm Nhan, Út Biên vì thiệt thà, sau nầy khi rời khỏi cánh tay che chở của bà sẽ bị thiên hạ hiếp đáp. Đôi lúc bà nghĩ:
- Không hiểu tại sao lúc có thai con Năm, thằng Út, mình lại thèm ăn rùa nướng? Hèn chi tụi nó chậm lụt như rùa.
Nhưng mỗi khi nhìn sự siêng năng chịu khó của Năm Nhan và Út Biên, bà cảm thấy tự hào cũng như bà đã từng tự hào vẻ sáng rỡ của Hai Cường, Ba Kiểm và Tư Diễm cùng sự lanh lợi của họ.
Bà thường van vái Phật Trời, nếu khi các con bà đều duyên ưa, phận đẹp, bà sẽ tu tại gia, cạo đầu, ăn trường trai, và tụng kinh. Bà thường nghĩ:
- Hai đứa con gái lớn đẹp quá, mình lo tụi nó hư thân mất nết mà ôm hoang thai. Còn đứa con gái nhỏ vì chậm lụt, mình sợ nó lỡ thời. Thằng lớn thì lanh lợi, mình lo nó hà hiếp thiên hạ mà giảm phước, còn đứa út thiệt thà mình lại sợ bị chúng lấn lướt, khinh khi.
Không phải Năm Nhan không biết mình có dung nhan trung bình. Nàng không thích màu mè, nhưng nếu bà Bếp Luông may cho nàng áo quần gì, nàng cũng mặc để vui lòng mẹ. Nàng biết mình không có khiếu ăn mặc như hai chị, nên thường lựa màu lợt, hoa nhỏ. Nàng hơi thấp, nhưng cánh tay nàng xinh xắn, dù nàng có xách nước, giã gạo, làm rẫy. Sự lam lũ chỉ ghi những đường gân trên mu bàn tay nàng mà thôi. Ngón tay của nàng vẫn vừa vặn, thuôn thuôn…
Năm Nhan tuy không ham ăn diện, nhưng thích sạch sẽ. Nàng thường gội tóc với chanh và nước bồ kết, mỗi ngày nàng đều tắm rửa trước khi vào giường ngủ. Quần áo mặc trong nhà của nàng tuy có vá vài chỗ, nhưng được chăm sóc tử tế, mẫu vá khéo léo và đôi khi vai của áo có bạc màu đi nữa, nó vẫn gợi lên một ý nghĩ thơm sạch cho người đối diện. Năm Nhan cũng bỏ công sửa chữa quần áo cũ của Hai Cường và Út Biên, rồi nàng giặt giũ quần áo cho Út. Bởi đó, dầu mặc đồ cũ, mà cả hai đều có vẻ tươi mát, tuy đôi lúc lam lũ, nhưng vẫn giữ được nề nếp của một mẫu người lễ độ trong việc ăn mặc, không làm cho người đối diện phải nhờm gớm cho danh từ “chồn hôi chó vật”.
Mỗi khi nàng có dịp đi đâu, chính bà Bếp Luông phải nhắc nhở nàng chọn màu áo chói. Năm Nhan nhất nhất làm vui lòng mẹ. Đôi khi Ba Kiểm chán áo đẹp, đùn áo cho nàng, bắt nàng phải sửa chữa, rồi mặc cho chị ta thưởng thức, Năm Nhan không bao giờ cãi lại hai chị, vì nàng ăn ở khéo, muốn mọi người trong nhà đều hài lòng, vui vẻ. Áo một khi được sửa xong, khoác lên người nàng làm Ba Kiểm hít hà chắc lưỡi:
- Sao lạ vậy cà? Áo nầy mà lên mình tui, coi có vẻ vô duyên, vô vị. Vậy mà đưa áo cho con nầy sửa chữa rồi mặc vào là cái áo trở thành đẹp thêm.
Thật sự, Ba Kiểm, Tư Diễm mặc quá nhiều áo đẹp, nên cái nầy cũng ngang ngữa cái kia. Còn Năm Nhan vốn thường ăn mặc màu tối, màu sậm để làm công việc lam lũ. Lâu lâu, Năm Nhan mới diện một cái áo đẹp, nên hèn nào áo đẹp chẳng nổi bật lên? Chiếc áo đó tôn thêm dung nhan người mặc một nét sáng rỡ.