Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2020

Que diêm thứ Tám (kỳ 10)

Tiểu thuyết của Văn Biển
CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI ĐI TÌM
NHỮNG THỨ ĐÁNH MẤT
Ông Tư, ông Nam đang tiếp tục ván cờ dang dở.
Ông Tư chợt dừng lại. Nghe đợt sắp tới anh nhập thế trở lại. Xin chúc mừng anh. Gần 20 năm dưới này anh vẫn theo dõi tình hình trên ấy, lúc lên khỏi ngỡ ngàng, không mất thời gian lúng túng khi nhập cuộc.
Ông Nam cười: Anh vẫn tính nào tật ấy, xuống dưới này bao lâu rồi vẫn không một ngày nào quên chuyện trên đó. Anh đi đi. Coi chừng mất con tướng kia kìa.
Mất tướng thì có gì. Còn lo mất những cái lớn hơn kia. Nhưng nghĩ cho cùng, con người cũng chỉ là những con cờ trên bàn cờ cuộc thế trên kia. Chợt nhớ, ta trở lại chuyện anh sắp nhập thế.
Chỉ lo không đủ đức tài. Lên mà chỉ cho có mặt thì kể cũng thừa.
Anh lo xa quá đấy thôi.
Trước lúc nhập thế ai cũng hăm hở, đầy những dự tính táo bạo, ích nước lợi dân. Nhưng rồi thực tế nó cứ ngáng chân mình lại. Hoặc danh lợi nó cuốn mình theo một hướng khác. Tôi cho được như bác là đạt lắm rồi. Sống, làm việc, cống hiến hết mình, chết ung dung thanh thản.
... Cậu Khánh lúc nãy nói đúng đấy. Chúng ta sống trong sự dối trá. Sự thiếu trung thực với mình với mọi người khác đã trở thành căn bệnh trầm kha, không chữa nổi, nếu không quyết tâm thay đổi từ căn bản. Sự lừa dối dân chúng đã trở thành quốc sách chủ trương. Riêng mỗi chuyện “ruộng đất toàn dân” nghĩ tới mà lạnh cả gáy. Tay nào nghĩ ra chuyện này phải nói là có công đầu. Trước kia phong kiến thực dân chưa từng có chuyện cướp đất của dân nghèo dễ như... thò tay vô túi lấy kẹo. Đi đôi với lừa dối là dùng họng súng, cướp chính quyền bằng họng súng. Giờ giữ chính quyền cũng bằng súng ống, bằng bạo lực. Im lặng một lát. Đảng đang tự kết liễu mình, không cần phải đợi một lực lượng “thù địch” nào khác.
Ông Nam thấy ông Tư đang cúi đầu, như thở dài lẩm bẩm: Lại thêm một linh hồn không yên.
Ông Tư ngước lên: Linh hồn không yên.
Ông Nam khẽ đọc:
“Chết rồi nào có yên đâu,
Nỗi lo nhân thế hồn đau muôn đời.”
Thơ của anh đấy à?
Của các cụ về hưu, dưới này có câu lạc bộ hưu trí. Thỉnh thoảng các cụ cao hứng làm. Bài nào cũng đầy tâm trạng, đầy duyên nợ trần thế. Chợt nhìn bốn phía thấy hàng trăm ngàn ngọn đuốc đủ màu. Một dòng sông đuốc cuồn cuộn tỏa đi khắp các ngả khi ẩn khi hiện, lúc gần lúc xa. Kìa, ông xem mọi người đang đi tìm lại những thứ đã mất trên dương thế.
Tôi thường nghĩ giá trên ấy các vị lãnh đạo và mỗi người dân có một chiếc ống nhòm có thể nhìn thấy được những bãi đuốc những ngọn đuốc đủ các màu dưới này, chắc trên ấy sẽ tự thấy mình rõ hơn. Họ sẽ suy nghĩ, tự hỏi và tìm ra một cách xử sự, một cách làm cách sống tốt hơn. Kìa! Bà Cung phi thời vua Lê chúa Trịnh. Với bà Cung phi cầm bó đuốc đi tới. Thưa bà, bà đã tìm thấy anh trai cày ấy chưa ạ?
Bà Cung phi dừng lại: Cảm ơn ông. Tôi đã mất không biết bao nhiêu bó đuốc từ ngày xuống đây, mà không tìm ra người ấy, vẻ hoảng hốt. Kìa! Con trâu điên. Anh ở đâu không ra cứu tôi.
Bà hãy kể chuyện anh thợ cày ngày ấy đi.
Năm ấy, tôi mười bảy, đẹp nhất vùng. Một hôm đang ở ngoài đồng, một con trâu điên chạy tới, mọi người bỏ chạy hết. Chỉ còn mình anh ấy đứng lại nắm đôi sừng con trâu điên giữ lại. Tôi thoát chết. Lẽ ra sau vụ gặt tôi về nhà anh ấy. Đó là người trai cày khỏe đẹp nhất vùng. Nhưng người ta đã bắt tôi lên kiệu về Cung vua...
Nghe đồn bà Cung phi sắp được đầu thai lên trên ấy.
Không, không, đừng bắt tôi trở lại cung vua phủ chúa. Ông tâu nhà vua tha cho tôi. Đi lùi như chạy trốn, tay vẫn cầm bó đuốc huơ lên loạn xạ.
Tội nghiệp bà Cung phi. Tưởng trên ấy vẫn đang thời cung vua phủ chúa.
Ông Tư giọng buồn: Có một cán bộ Đảng thuộc loại cao cấp bị tù tới lúc được thả ra, không hề biết đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam.
Người đàn bà đau khổ đi qua, tay cầm bó đuốc sắp tàn, gặp Cha đạo từ phía kia đi tới, tay cũng cầm bó đuốc.
Người đàn bà đau khổ: Thưa cha bề trên, ngày còn trên dương thế, trọn đời con làm đúng lời răn của Chúa.
Cha biết con là con chiên ngoan đạo. Chết rồi hồn vẫn luôn hướng về Chúa.
Thưa Chúa dạy lúc sống phần xác càng cực khổ đày đọa bao nhiêu thì chết linh hồn càng dễ lên thiên đàng gặp Chúa sớm bấy nhiêu.
Con đã nhớ đúng lời răn của Chúa.
Nhưng thưa cha, bao nhiêu ngọn đuốc đã tàn, cây đuốc này cũng sắp hết mà con chưa thấy Thiên đàng đâu cả.
Chẳng qua là Chúa muốn cần có sự thử thách lần nữa...
Vậy là xuống đây con vẫn phải tiếp tục chịu sự đau khổ phần hồn.
Chúa lúc nào cũng có mặt trong sự đau khổ của con.
Người đàn bà cầm bó đuốc mỏi mệt đi.
Kìa cha, đuốc sắp cháy tới tay cha rồi kìa. Đúng là ngọn đuốc sắp tàn tới tận tay cha. Có người chạy vội tới châm ngọn đuốc khác trao cho cha.
Cha có cần thêm một cây nữa tìm đường cho dễ không.
Cảm ơn con. Đường ở trong tâm ta. Cha huơ ngọn đuốc khó nhọc bước đi.
Anh lính trẻ tới. Một vết thương lớn bên trái ngực, băng bông còn thấm máu bầm đen. Nhác trông thấy ông Nam, ông Tư.
Anh lính: Ông Nam lại có bạn cờ rồi. Chợt trông thấy ông Tư. Lính mới tò te có phải không? Sao trông ông có vẻ như gặp đâu rồi. Trời, nếu mình nhớ không sai.
Ông Tư bỏ bàn cờ đứng bật lên: Ồ, Đông có phải không? Cấp ba trường Tỉnh. Hồi đó cậu luôn đứng nhất, mình nhì.
Đông nói như reo lên: Ồ, Tư bệu. Hồi đó cậu tròn như hòn bi.
Đúng rồi. Và cậu hút hết các cô gái đẹp về mình. Học giỏi lại đẹp trai.
Nhưng còn thiếu tiêu chuẩn thứ ba, nhưng lại là số một. Đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu. Nhà phố mặt tiền.
Khổ nỗi, con nhà giàu bấy giờ thường học kém. Đua đòi thì nhiều.
Lúc nãy cậu phát biểu mình ngờ ngợ như đã gặp ở đâu rồi. Trông rất quen.
Mình cũng vậy, cứ ngờ ngợ. Nhưng không dám nhận, sợ người ta bảo thấy sang bắt quàng làm họ.
Cả hai ôm nhau cười vang.
Rồi sau đó? Ông Tư hỏi.
Đáng lẽ vô đại học, mình xung phong nhập ngũ. Chết ở biên giới năm 79. Chỉ vô ngực. Một mảnh đạn trúng chỉ tim. Thay cho mũi tên tình ái trong các tiểu thuyết lãng mạn xưa người ta hay viết.
Không buồn chứ?
Buồn nhiều chứ. Bị chính bàn tay ông bạn vàng bốn tốt và mười sáu chữ vàng chơi đẹp. Có điều này. Chỉ nói riêng với hai vị thôi, cho tới lúc ngã xuống chưa hề được hôn cô gái nào. Có một bức thư viết cho cô bạn cùng lớp nhưng rồi cứ bọc mãi trong túi. Lục trong túi áo lấy ra bức thư gói trong bọc ni lông ngả màu, còn tờ giấy gần mục nát.
Cô Nhung có phải không. Hoa khôi của trường ngày ấy. Hồi đó tôi cũng nằm trong số người trồng cây si dưới cửa sổ phòng Nhung. Này, xuống dưới này lâu thế đã để ý đến món nào chưa?
Của ấy dưới này hiếm. Thi thoảng có cô nào trông được Ngọc Hoàng lại vời lên bổ sung đội múa. Hoặc Diêm vương lại triệu xuống. Không hiểu tại sao thời nào cũng vậy, vua dưới đất và vua trên trời đều phải cái tật hám gái đẹp.
Không cứ gì vua. Bây giờ các đại gia và các quan lớn, quan bé cũng chẳng kém. Có điều luật pháp và xã hội không cho phép nên nhiều lúc phải ăn chui. Mà ăn vụng lại thường ngon hơn.
Ông Nam cười: Không ngờ bác Chủ tịch mà cũng nắm được tình hình sâu sát ra phết. Hỏi thật ông nhé. Đã có lần nào vượt rào chưa?
Chưa. Cũng chẳng phải đạo cao đức trọng gì. Nhưng chắc may không thuộc nhóm máu chết người đó.
Ông Nam: Nếu tôi không nhầm thì có một người đẹp đã lọt vào tầm ngắm của anh rồi.
Về khoản này tôi không được bạo lắm. Sợ ánh mắt của các cô nàng hơn sợ tia chớp của các loại đạn pháo của địch.
Thời nay có lẽ không còn mấy ai nhát như anh đâu.
Thì thôi đành khoanh tay nhìn các nàng từ xa.
Nghe đâu sắp tới anh cũng được trở lại trên ấy.
Vâng, tôi có nghe.
Lên trên đó việc đầu tiên anh sẽ làm gì?
Tôi sẽ đi tìm ngay cô bạn cùng lớp dạo nọ trao cho cô ấy bức thư giữ làm kỷ vật. Thôi hai ông tiếp tục chơi cờ. Cầm đuốc đi.
Đi trận chết, hồn vẫn vui. Có ai nghĩ rằng trong trăm ngàn nỗi tiếc bao mất mát, có nỗi tiếc của anh lính trẻ chưa hề được yêu, được hôn. Lục trong túi áo.
Quên mất, có quà cho bác đấy. Vét trong túi của một cụ mới xuống được ít thuốc lào. Biết bác mấy hôm nay thèm.
Nhiều khi nỗi nhớ nỗi tiếc nỗi thèm chẳng đâu vào đâu mà nó làm cho con người ta ray rứt mãi không yên.
Thế mới biết những nỗi khát vọng muôn màu muôn vẻ của người dân ghê gớm như thế nào. Kìa bác xem, chỉ một người điên vừa ra, ở đây người ta gọi đó là linh hồn điên. Khi chết còn vô khối tiền của không biết để cho ai. Còn người đi bên cạnh là gã ăn mày. Bao giờ họ cũng như bóng với hình.
Người điên nói với gã ăn mày: “Sống thời nghèo khó như mi. Chết xuống âm phủ làm ma ăn mày”.
Gã ăn mày: Vậy chớ ông mang theo được gì? Xòe hai bàn tay, múa hát:
Vua Ngô 36 tàn vàng
Chết xuống âm phủ đếch mang được gì
Vua Ngô còn thua ta
Của ăn không hết
Chết xuống âm phủ làm ma ăn mày... (khóc)
Ngửa hai bàn tay
Lạy ông đi qua
Lạy bà đi lại…
Người điên với gã ăn mày: Này, hãy làm việc của mi đi chứ.
Người điên đang đi bỗng nghe tiếng gọi: “Ông Ba Rựa”.
Người điên chợt đứng lại, ngó quanh: Ai vừa gọi tôi đấy hè. Nhác thấy ông Tư. Ơ, có phải ông chủ tịch vừa gọi tôi không? Dưới này chẳng có ai biết tên cúng cơm của tôi.
Tôi nhìn mãi mới nhận ra ông.
Người điên tới nhóm ông Tư: Trông tôi khác quá phải không. Từ đại gia bỗng chốc hóa thằng điên. Nhưng cớ sao ông lại bỏ chỗ ngồi ngon thế mà xuống đây hồi nào?
Có là vua chúa tới lúc cũng phải bỏ ngôi báu mà đi huống chi ba cái ghế chủ tịch mèn. Trên kia ông giàu nứt đố đổ vách mà sao lại ra nông nỗi này, lúc nãy gọi thì gọi nhưng cứ sợ nhầm.
Cảm ơn ông chủ tịch có lòng hỏi. Ba Rựa nổi tiếng một thời đây. Điên còn khá. Cũng may không hóa thành Thạch Sùng. Giàu có như lão Thạch Sùng, lúc chết hóa thành con vật nhỏ, ở biệt thự nhưng đã thành của người ta nên lúc nào cũng chép miệng tiếc của.
Không hiểu sao ông lại tự hành xác mình thế. Nói ông đừng giận. Tôi nghĩ thà như con thạch sùng vẫn sướng hơn.
Mỗi người khổ một kiểu. Cái thời buổi kiểu kinh tế thị trường chụp giật định hướng xã hội chủ nghĩa mà. Khôn sống mống chết. Ăn chia theo nhóm lợi ích. Mình chưa đủ lực, lúc cần nó cho một cú nốc-ao là đi đời, chết không kịp ngáp.
Thú thật, gần đây mới nghe nói tới những từ phe, nhóm. Và cũng chỉ mới biết các vụ bắt bớ người nọ người kia. Nhưng thôi, xuống dưới này rồi đừng tự làm mình khổ thân nữa.
Cho nó nhớ đời ông ạ. Đánh cho chừa cái ngu, cái tham. Thôi tôi đi đây. Cùng với gã ăn mày vừa đi vừa cầm roi quất vào lưng.
Này, quất mạnh vào. Làm ăn kiểu đó thì đừng hòng moi được tiền của lão.
Ông định trả công cho tôi bao nhiêu mà bắt tôi làm việc quá sức.
Ta sẽ trả cho ngươi gấp đôi.
Vậy hãy đưa trước, ông chúa là hay quỵt lắm.
Người điên móc túi lấy tiền cho gã ăn mày. Nhận xong gã ăn mày đếm đưa lại cho người điên một nửa: Đây, giao lại cho ông một nửa.
Ủa, sao hôm nay chú mày chơi sang thế, chê tiền à. Càng tốt.
Không, bắt đầu từ bữa nay số tiền đó tôi lại thuê ông đánh tôi. Mà phải quất ra trò, như tôi quất ông.
Nhưng này ta hỏi nghèo đâu phải là tội lỗi. Nước ta được xếp hạng gần áp chót, trong những nước nghèo nhất thế giới.
Tôi có khác. Trước cũng có của ăn, của để. Khai hoang được mấy mẩu đất hoang, khá màu mỡ. Đang ăn nên làm ra. Bỗng một hôm thức dậy thấy đất mình nằm trong dự án, trắng tay... sau mấy năm theo kiện.
Vậy phải đánh thằng nhà nước, thằng đảng chứ sao lại tự hành hạ mình.
Ông đi mà đánh bọn họ đi. Nói dóc, thôi ta làm việc đi.
Nhưng ta vẫn thắc mắc. Vậy thì mi tội chi.
... Sinh không nhằm thời. Nói nôm na là chui đầu ra không phải lúc.
Ba Rựa cười khùng khục.
Vẫn đánh nhầm rồi. Suy cho cùng phải nện cậu nhỏ của ông cụ mi kia.
Cả hai ôm nhau cười...

Chương viết thêm:

TỪ cHUYỆN CON NGỰA CỦA CỤ PHAN TỚI HAI QUẢ
TRỨNG UNG VÀ BƯỚC ĐI CHẬM TAI ÁC CỦA lỊCH SỬ
Chuyện thứ nhất
Con ngựa cũ và người cưỡi mới
Khoảng những năm 19, 20 của thế kỷ trước, lúc đó Phan Chu Trinh và Nguyễn Ái Quốc cùng ở Paris. Paris đang tiến hành thành lập Đảng Cộng sản. Khi nghe tin ông Nguyễn Ái Quốc vào Đảng Cộng sản Pháp và đồng thời là một sáng lập viên của Đảng. Ông hoạt động cho Đảng Cộng sản với mưu đồ giành độc lập cho Việt Nam. Cụ Phan bèn gửi cho ông Nguyễn một bức thư trong đó có câu nổi tiếng: “Việc Nguyễn Ái Quốc theo Quốc tế Cộng sản để giành độc lập cho Việt Nam thì quốc dân đồng bào vẫn nguyên là cái lưng của con ngựa chỉ thay người cưỡi mà thôi”. Lời nói ngày đó của cụ Phan như một lời tiên tri. Có điều cụ chưa kịp thấy hết sự tàn bạo khốc liệt của chủ nghĩa cộng sản. Có điều khó hiểu là tại sao giữa Paris vào những năm 20 mà nhà ái quốc vĩ đại Phan Chu Trinh đã sớm nhận ra bản chất của chủ nghĩa cộng sản, trong lúc chủ nghĩa Mác đang chiếm ưu thế trên toàn Châu Âu, nhất là sau khi Đảng Cộng sản Nga cướp chính quyền thành công, lập nên nhà nước vô sản chuyên chính Liên bang Xô viết đầu tiên trên trái đất. Có điều gì đó đã mách bảo cho nhà ái quốc họ Phan vốn xuất thân từ một nhà khoa bảng đích thực. (Phó Bảng)
Và việc gì đến đã phải đến. Gần 20 năm sau Ông Hồ đã đưa chủ nghĩa cộng sản vào Việt Nam bằng cách cướp chính quyền từ chính phủ Trần Trọng Kim và hậu quả đúng như lời tiên tri của họ Phan, con ngựa quốc dân đồng bào Việt Nam phải oằn lưng gánh chịu người cưỡi mới với biết bao chuyện đau lòng không lời nào kể xiết. Sau non một thế kỷ đầy kinh hoàng, sách báo và nhất là gần đây báo mạng đã nói nhiều. Ở đây chỉ xin nói hai việc trọng đại quan hệ tới an nguy đất nước. Trước hết là cuộc Cải Cách Ruộng Đất, dẫu biện minh cho một lí do gì đi nữa cũng không tránh được một tội ác trời không dung đất không tha, phá hoại thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp, quan hệ gia đình và làng xã. Chủ trương lớn của cách mạng ruộng đất người cày có ruộng, sau gần một thế kỷ, ruộng đất của người dân vốn tự mình khai phá hoặc tổ tiên để lại trở thành ruộng đất toàn dân, điều này được ghi trong Hiến pháp mới và kẻ giàu, có quyền thế mới lên muốn chiếm lúc nào cũng được. Tiếng súng hoa cải ở huyện Tiên Lãng ngày nào của người dân và quả bom tấn Đồng Tâm ở ngay Thủ đô nói lên sự căm phẫn hết sức chịu đựng của con ngựa người... oằn lưng cho cộng sản cưỡi.
Chuyện thứ hai
Hai quả trứng ung và bước đi chậm tai ác của Lịch sử
Bây giờ xin nói tới một việc lớn thứ hai. Đó là công cuộc giải phóng miền Nam. Có người coi đó là trang sử vàng, nhưng cũng có người gọi ngày 30-4 là “Tháng Tư - Đen”. Phải mất 20 năm ròng rã, cả hai miền hàng chục triệu người ngã xuống để mở nên những trang lịch sử máu này: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đem non sông về một mối. Lẽ ra ai cũng mừng, coi đó là cuộc thắng lớn của dân tộc Việt Nam. Nhưng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại nói: Ngày đó có một triệu người vui, nhưng cũng có một triệu người buồn. Còn người dân thì đa số lại nghĩ khác. Một nửa nước bị họa cộng sản chưa đủ sao, lại còn muốn biến một nửa nước còn lại cũng thành cộng sản nốt. Nếu cộng sản là một thiên đường thì cái công lao đó của Đảng, đứng đầu là anh Ba Duẩn, người dân nghìn đời không quên. Nhưng có một câu nói rất hay: Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thành công ở hai nơi “Thiên đường, nơi mà không cần nó. Còn Địa ngục nơi mà đã có nó”. Câu nói của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã khái quát một cách thần tình chủ nghĩa xã hội. Trong một bài báo gần đây Phạm Quốc Sử viết một bài về anh Ba.
Lê Duẩn, người được cho là nhân vật lớn của lịch sử Việt Nam, là một trong số ít nhân vật có tầm vóc, ảnh hưởng lớn tiến trình phát triển của đất nước.
... Có thể nói, Lê Duẩn là nhân vật hàng đầu của lịch sử Việt Nam hiện đại nổi bật trong 3 nội dung lớn, đó là:
- Xây dựng thành công miền Bắc xã hội chủ nghĩa. (Xin nói ngay điều này, câu nói quả quá khôi hài. Miền Bắc và cả các nước lớn anh Hai, anh Cả đã bao giờ có xã hội chủ nghĩa chưa? mà dám nói khống lên miền Bắc xây dựng thành công với không thành công và làm hậu phương vững chắc cho công cuộc giải phóng miền Nam. Phải nói trắng ra rằng công cuộc giải phóng miền Nam có “thành công” là do súng đạn của anh Cả và lương thực của anh Hai, còn xương máu của đồng bào Việt Nam, không có liên quan gì tới xã hội chủ nghĩa thành công hay thất bại. Nếu nói xã hội chủ nghĩa thành công thì sao cho tới nay từ cán bộ cao cấp tới người dân chưa ai biết mặt mũi nó ra làm sao. Đến nỗi vị Tổng Bí thư đương nhiệm cũng phải thốt lên: “Chẳng biết hết thế kỷ này chúng ta có thấy được xã hội chủ nghĩa không?”. Câu nói tự đáy lòng thốt lên và cho tới hôm nay, những năm tháng này ai cũng biết Việt Nam đang sống trong một chế độ tư bản hoang dã, hay nói như học giả Nguyễn Khắc Viện, có người gọi là một bậc tiên tri, khi ông trả lời chất vấn của tờ báo Việt Kiều tại Pháp, sau Đại hội Đảng lần thứ 6 (1986). “Đổi mới kinh tế mới được 50%, còn phải đổi mới chính trị, nếu không sẽ trở thành nền kinh tế của bọn Mafia”. Bây giờ thì ai cũng thấy điều đó rõ như ban ngày (Lê Phú Khải, theo Blog Nguyễn Đăng Hưng)).
Còn cái ý xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công làm hậu phương lớn để giải phóng miền Nam thì quả là ăn nói một cách tếu táo: Khi bà Nguyễn Thị Định trong đoàn cán bộ miền Nam ra thăm miền Bắc, sau khi chứng kiến cảnh sống cơ cực của đồng bào miền Bắc bà phải giật mình tự hỏi: Miền Bắc thiên đường xã hội chủ nghĩa là thế này ư? Có lẽ lúc đó bà so sánh với đời sống “xa hoa” của miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy.
Cái nội dung lớn thứ ba xin được miễn bàn. Không hiểu tác giả bài viết muốn nói gì. Cái dã tâm của Trung Quốc càng về sau người dân thường ai cũng thấy rõ. Còn trước đó không phải chỉ có Lê Duẩn mà hầu như nhà lãnh đạo kiệt xuất nào của Đảng cũng một lòng tin tưởng, tự nguyện học tập Tư tưởng Mao Trạch Đông và một thời đưa hẳn tư tưởng Mao Trạch Đông vào Hiến pháp Việt Nam. Chính anh Ba có lần đã thốt lên: Thế giới có Xitalin, phương Đông có Mao Trạch Đông. Mà chắc không phải chỉ nói một lần.
Có lẽ nên nói thêm, tác giả bài báo quên không nói, nếu không bận tâm cho công cuộc giải phóng miền Nam và xây dựng xã hội chủ nghĩa miền Bắc thành công thì anh Ba sẽ không ngần ngại gì mà không học tập họ Mao làm cuộc cách mạng văn hóa long trời lở đất, giết chết trên dưới 50 triệu người! Đó là chuyện lớn, còn nhỏ thì... có lẽ không kể hết nếu chịu khó học tập họ Mao... như chuyện Đại nhảy vọt, Toàn dân luyện thép và chuyện tưởng như đùa: giết hết chim sẻ để năm sau xảy ra nạn đói chết hàng chục triệu dân... đều xuất phát từ cái đầu coi “trí thức không bằng cục phân” của lãnh tụ vĩ đại Mao Trạch Đông.
Sau mấy mươi năm giải phóng miền Nam, Bắc Nam thành một khối thống nhất xã hội chủ nghĩa, thử xem kết quả của anh Ba ra sao? Có đốt đuốc ban ngày cũng không tìm thấy dấu vết chủ nghĩa xã hội trong đời sống kinh tế chính trị. Người giàu ngày càng giàu lên phần lớn một cách bất minh, bất chính, và quả trứng xã hội chủ nghĩa cho miền Nam cuối cùng là một quả trứng ung thối. Để có được quả trứng vĩ đại đó phải mất 20 năm với bao nhiêu xương máu của người dân ở cả hai miền: và bao lần suýt đưa cả nước xuống hố.
Đó là quả trứng ung thứ nhất.
Bây giờ xin nói quả trứng ung của Mỹ.
Mỹ ồ ạt đổ quân vô miền Nam với ý đồ ngăn chặn làn sóng cộng sản hóa miền Nam và các nước lân bang. Họ sợ cộng sản hơn bất cứ đại dịch nào trên thế giới (ai cũng biết không làm gì có chuyện Mỹ muốn chiếm miền Nam Việt Nam thành thuộc địa, thâu tóm tài nguyên hay bất cứ cái gì ở đó). Mục đích duy nhất là ngăn chặn tai họa cộng sản. Để đạt được mục đích này, Mỹ phải mất tới 9 năm với mấy đời Tổng thống cùng với 58.000 nghìn lính Mỹ bỏ xác ở miền Nam. Nửa chừng Mỹ phải bỏ cuộc, cũng để lại một quả trứng ung.
Bây giờ hãy nói tới vai trò của Lịch sử. Giá... lịch sử không chậm chân, có những bước tiến nhanh thì sẽ cứu được hàng trăm triệu người và bao nhiêu hệ lụy sau nó. Nếu sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và sau đó các nước Đông Âu tiếp tục đổ theo sớm vài chục năm thì những chuyện bi thảm đau lòng không xảy ra, trước hết là Việt Nam và nhân dân Mỹ khỏi hứng chịu hai quả trứng ung của Lê Duẩn và 4 đời Tổng thống Mỹ! Dẫu trách sự chậm trễ của nó, nhưng cũng cần có lời cảm ơn. Chúa đã ra tay! Thật ra thì không có bàn tay của Chúa trong việc hệ thống chủ nghĩa xã hội sụp đổ. Một chủ nghĩa phi nhân tính, phản khoa học sớm muộn sẽ tự kết thúc. Tuy chậm còn hơn không!
Có người viết, nếu anh Ba biết dừng lại từ năm 1975 (nghĩa là sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử “lớn lao” giải phóng miền Nam, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, đưa non sông về một mối cộng sản) thì anh Ba là bậc anh hùng!
Rõ ràng người viết xem những thành tích của anh Ba từ 75 về sau là không ra gì, nếu không muốn nói là thất bại.
Song có người lại nói giá anh Ba cứ ở quê làm một anh giáo làng bình thường thì nhân dân Việt Nam đỡ tổn thất biết bao nhiêu. Trước hết tránh cho Đất nước thoát khỏi cuộc chiến nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam Bắc kéo dài đằng đẵng suốt 20 năm ròng rã với bao tang thương chết chóc. Nếu miền Nam Việt Nam lúc đó đang như một địa ngục như cụ Hồ từng lo lắng ngày đêm ăn ngủ không yên mà miền Bắc đang sống trên Thiên đường thì việc giải cứu đồng bào miền Nam là mệnh lệnh thiêng liêng, cấp thiết, cần phải tiến hành giải phóng bằng mọi giá. Nhưng chuyện lại hoàn toàn ngược lại. Nghe nói nhà văn Dương Thu Hương lúc đó là Thanh niên xung phong trong những ngày đầu đã có mặt ở Sài Gòn giải phóng, vô tình đứng trước quầy sách báo. Chị tò mò ngó qua một lượt, càng lúc càng sững sờ. Nàng tìm một góc vắng lặng lẽ ngồi khóc. Tại sao miền Nam lại được tự do in ấn thế này. Toàn những sách báo bạn đọc miền Bắc có nằm mơ cũng không thấy được. Lại có cả những sách báo về chủ nghĩa Mác-Lê bày bán công khai một cách vô tư, hồn nhiên. Rõ ràng là họ Tự do dân chủ điều mà Miền Bắc không thể nào có. Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng đã giúp nhà văn lúc đó “ngộ” ra nhiều điều: Và cũng là lúc nhà văn bắt đầu thức tỉnh, tìm một hướng đi khác cho những năm tháng còn lại sau này. Cộng với những năm ngồi ghế Tổng Bí thư Đảng anh để lại bao nhiêu di sản tai hại. Từ những “chuyện nhỏ” như đánh phá tư sản miền Bắc rồi sau 75 tiếp tục đánh phá tư sản miền Nam, ngăn cản sản xuất, cứ lo dân giàu, triệt hết mọi đường sinh sống. Đời sống nhân dân ngày càng tụt hậu so với các nước lân bang. Hòn ngọc viễn Đông Sài Gòn suýt biến thành hòn đá cuội. Đời sống người dân hai miền cơ cực hết chỗ nói, xuống tới đáy của sự bần cùng.
Rồi những “chuyện vặt” khác như Hợp tác hóa nông nghiệp... còn để lại những câu ca dao:
Hoan hô hợp tác hợp te
Không còn mnh vải mà che cái l...
Những “chuyện vặt” như thế không kể hết được.
Chợt nhớ một trường hợp tương tự, nhà văn Nguyễn Quang Lập trong lúc nói về nhà thơ Tố Hữu: Nếu Tố Hữu làm nghề thợ mộc thì thơ ông ta hay hơn... Đó là sự gặp nhau của hai “Thiên tài” vừa sắc máu vừa lãng mạn.
Điều đáng buồn, đáng tiếc, luồng gió cách mạng (hay bạo lực cách mạng) đã thổi bay mất những tinh túy, những giá trị văn hóa nghìn năm của dân tộc, và để lại quá nhiều rác rưởi, đau thương, những vết thương khó lành..., nhiều thế kỷ sau chưa chắc đã khôi phục lại được. Đó là về mặt tinh thần, còn về đời sống vật chất, môi trường thì di họa cũng không kể xiết. Kết quả cuối cùng, sau non một thế kỷ Đảng độc quyền lãnh đạo, Dân tộc Việt Nam đã hứng chịu bao thảm cảnh đau lòng. Vấn đề đặt ra trước tòa án lương tâm và công luận: Được hay Mất. Nhân dân Được gì và Mất gì? Ai được và ai mất. Một câu hỏi lớn không phải đợi lịch sử mai sau trả lời. Hiện thực phơi bày ngổn ngang trước mắt, chỉ có mù mới không nhìn thấy.
Để kết thúc chương viết thêm này, xin trích mấy khổ thơ trong bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” của cô giáo Trần Thị Lam - Trường PTTH chuyên Hà Tĩnh:
. . .
Đất nước mình lạ quá phải không anh
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…
Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...
. . .
Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời giùm đất nước sẽ về đâu...

Chương viết thêm:

Tưởng sau đó Đảng sẽ rút ra bài học xương máu, nhưng không, sau giải phóng miền Nam, cuộc đánh phá tư sản lại tái diễn ở miền Nam. Chỉ huy trận đánh lớn lần này vẫn là lão tướng Đỗ Mười. Ngay trước đó ông ta nổi tiếng là người chỉ giỏi phá! Tôi đọc được câu nói này trong cuốn hồi ký của ông Đoàn Duy Thành: “Làm người là khó”. Rồi cũng chính cái vị lão tướng không được học hành này mấy năm sau lại làm Tổng Bí thư. Đảng đã coi thường dân chúng, coi thường Đất nước. Đề cử một “anh khùng”(1) lên lãnh đạo Đất nước. Tôi được nghe kể lại chuyện Đỗ Mười thử lòng người. Trước Đại hội 8, Tổng Bí thư Đỗ Mười mời một phó thủ tướng tới hỏi: Lần này tôi nghỉ việc anh thấy sao? Vị này thật thà chẳng kịp suy nghĩ hỏi ngay. Vậy ai thay anh? Kết quả sau đó ông này bị loại ra khỏi danh sách tái cử. Sau đó Đỗ Mười cho gọi một nhà lý luận thuộc phái bảo thủ tới đem câu đó ra hỏi. Nhà lý luận đập mạnh tay xuống bàn: “Trời ơi, anh nghĩ sao? Đất nước đang như thế này làm sao anh lại nỡ nói tới việc nghỉ ngơi”. Thật ra thì phải nói như thế này: Tới giờ anh mới tính chuyện nghỉ thì hơi quá muộn đấy! Nhưng nói thật có mà ăn cám. Kết quả nhà lý luận được đưa vô Bộ Chính trị. Chuyện cười ra nước mắt (Theo “Bên thắng cuộc” của Huy Đức).
Chuyện quá hay. Thử người như vậy đúng là một bậc cao thủ. Và kẻ nịnh cũng ngang tầm. Tưởng chương “Vị lão tướng hung thần” kết thúc ở đây, nhưng trên mạng gần đây có đưa một câu vào loại “danh ngôn” của ông: “Nếu không có Đảng làm gì có đổi mới” với lời bình: Quá đúng, quá chí lý. Nếu một đảng nào khác lãnh đạo hoặc có hai đảng chia quyền lãnh đạo làm sao có chuyện làm gì cũng sai, cần gì phải lúc nào cũng lo sửa sai, đổi mới. Mà làm sao đổi mới được từ gốc rễ, nếu vẫn những con người ấy, vẫn thể chế không thay đổi ấy. Và cuối cùng người dân hứng chịu mọi “thành quả” của nó.
V.B.
(Xem tiếp kỳ sau)

(1) Đỗ Mười có thời gian bị tâm thần phải nghỉ làm việc mấy năm.