Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2020

Ý Nhi và những bến bờ của sáng tạo

Huỳnh Như Phương

Ngon gio qua vuon 15.5X23.5CM

Trong thế giới này xuất hiện một nữ thi nhân

với những bài ca nâng chúng tôi hướng thượng

vượt bản thân lên cõi tinh thần

đem lửa thếp vàng vách nhà tù tăm tối

và đem trời cao vào tận buồng tim

lời tro nguội bỗng biến thành lửa cháy.

HARRY MARTINSON

Những câu thơ trên đây của Harry Martinson (1904-1978), nhà thơ Thụy Điển được giải thưởng Nobel văn chương năm 1974, trích từ thiên sử thi khoa học giả tưởng Aniara – về con người, thời gian và không gian (bản dịch của Hoàng Hưng), nói lên điều kỳ diệu khi xuất hiện một người nghệ sĩ hát thơ, được tôn vinh làm nữ tư tế của Thần Ánh sáng. Thơ ca tự nó là một niềm bí ẩn; thế giới vừa mới mẻ hơn, vừa lạ lùng hơn từ khi có thơ ca, đặc biệt là những câu thơ cất lên từ một tâm hồn nữ.

Không phải ngẫu nhiên mà Ý Nhi nhắc lại những câu thơ ấy khi bà trở thành nhà thơ Việt Nam đầu tiên nhận được giải thưởng Cikada [*], giải thưởng văn học dành cho các nhà văn châu Á do Thụy Điển thành lập nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Martinson. Thật tự nhiên, những câu thơ từ Bắc Âu tìm thấy sự đồng cảm nơi những nhà thơ Đông Á xa xôi trong quan niệm về điều kỳ diệu của thơ ca, cũng như trong cách nhìn về sự có mặt của một nhà thơ trong cõi đời này.

1.

Ý Nhi đã khởi đầu con đường dài nửa thế kỷ với thơ ca như thế nào? Đó là khi đôi mắt bé thơ mở to ngắm nhìn thị xã Hội An thương hồ mà trầm mặc? Đó là nhờ ảnh hưởng của dòng tộc Huỳnh Quế Sơn, những người đã rời bỏ đô thị Hội An, ngược sông Thu Bồn, khai thiên lập địa ở nơi rừng thiêng nước độc? Khí phách, niềm tin và sự lãng mạn đã đem cho họ không chỉ sản nghiệp mà còn là những vần thơ ghi lại trong một thi tập được lưu giữ từ đời cụ tổ cho đến hôm nay. Đó là khi cô gái mười tuổi nắm tay mẹ và em giã từ quê hương, lên tàu ra phương Bắc xa xôi? Đó là khi người thiếu nữ “mặc áo rộng thùng thình và tóc tết đuôi sam” lang thang trên đất cảng Hải Phòng? Đó là khi mối tình văn khoa chớm nở trong khung trời đại học Hà Nội? Hay phải đợi cô gái đó lớn lên thành một người đàn bà thì nhà thơ mới trọn vẹn tìm thấy hình ảnh chính mình?

Những sáng tác đầu tiên của Ý Nhi trong Nỗi nhớ con đường (NXB Văn Học, 1974, in chung với Lâm Thị Mỹ Dạ), Đến với dòng sông (NXB Tác Phẩm Mới, 1978), Cây trong phố chờ trăng (NXB Hà Nội, 1981, in chung với Xuân Quỳnh) có thể xem là những bài thơ Dự cảm. Như những nhà thơ cùng thế hệ, Ý Nhi cũng khởi đầu con đường nghệ thuật của mình từ những vần thơ tức cảnh và thuật cảm, với sự tinh tế của nhận biết, sự dào dạt của hình ảnh. Thiên nhiên ở đó xanh trong như hồn người, cái tôi nhòa lẫn trong lòng thung đầy bướm, những giọt mưa đọng đầy nhị hoa hay cây bàng vừa nhuốm lửa.

Nhưng từ rất sớm, thơ Ý Nhi đã xuất hiện những điềm bất tường về đời sống cùng với những dự cảm bất an. Trong yên bình của hàng cây hoa nở trắng hay những ngôi nhà cao rộng, nhà thơ lại nghĩ đến một ngày biển động và con thuyền trên biển chơi vơi, đến nỗi lo âu về con đường xa tít tắp và chân trời ngút mắt. Người con gái mang về từ phố biển cánh buồm ngoài khơi, tiếng sóng vỗ ì ầm vách đá, tự biết tâm hồn mình không còn vẹn nguyên như cũ, khi “phố biển giữa lòng em như thác/ sóng gió theo về/ náo động một mùa thu” (Từ phố biển em về).

Những xáo động, âu lo, run sợ đó dự báo hình ảnh tương lai của nhà thơ, khi cảm hứng và tài năng hình thành cùng với những biến đổi của đời sống: Đột ngột đến rồi đi cơn rét cuối mùa/ Cây chanh nhỏ đã bắt đầu tụ quả/ áo con gái đã dần sang mùa hạ/ chỉ chút gì nán níu của ngày đông. (Tháng Ba). Dù sao, những biến đổi đó còn mong manh, chưa đủ âm vang trong một cõi lòng ít nhiều khép kín.

Người đàn bà ngồi đan (NXB Tác Phẩm Mới, 1985), Ngày thường (NXB Đà Nẵng, 1987), Mưa tuyết (NXB Phụ Nữ, 1991), Gương mặt (NXB Trẻ, 1991) là những mốc đánh dấu sự Bừng nở của thơ Ý Nhi. Ở đây có cả sự bừng tỉnh của ý thức về cá nhân lẫn sự bừng tỉnh của ý thức về thực tại. Và sự bừng tỉnh đó dẫn đến sự bừng nở trong nghệ thuật. Những năm 1980 là thời gian Ý Nhi viết được nhiều bài thơ hay nhất.

Trong những câu thơ Ý Nhi viết sau chiến tranh vẫn còn đan cài niềm hy vọng xen lẫn với sự phân vân, lưỡng lự, thậm chí hoang mang. Cảm hứng và ngôn ngữ thơ đã có dấu hiện rạn vỡ nhưng chưa mang tâm thức lạc loài, một dấu hiệu của thế hệ những trí thức trẻ sau chiến tranh:

Đã đóng kín rồi cửa sổ những ngôi nhà

đã xao xác bao vòm đại thụ

ánh sáng cô đơn ngọn đèn ngoài phố

bao con đường vắng bóng người qua

thuyền đã về nép dưới chân đê

lá đã rụng trong vườn cây ngoài cửa.

[...]

Đêm mùa đông ầm ào tiếng gió

ai hát xa vời lẩn khuất trong mơ

trang sách mở ra khép lại tự bao giờ

những hàn gắn ồn ào

cách chia lặng lẽ

bước chân khua vang

bước âm thầm nức nở

như vẫn còn xao động cuộc đời ta.

(Thư mùa đông)

Những bài thơ viết về biền cát quê hương, về Hải Phòng, Thái Nguyên, sông Trà… bắt đầu mở rộng tầm cảm và tầm nghĩ của nhà thơ. Tứ thơ không còn đi từ ngoại giới vào nội tâm mà là sự phóng chiếu của tâm cảm:

Tôi cách xa nơi này hai mươi năm

thiếu nữ đã là người đàn bà tuổi bốn mươi

cam chịu và cuồng nộ

mong mỏi và buồn nản

đem cho và nhận về

kiếm tìm và đánh mất

giản đơn và rối ren, lớn lao và hạn hẹp

tôi đứng kề bên giới hạn của mình

như đứa trẻ lên mười trong giờ thể thao

đứng run sợ trước con cừu gỗ

nhưng tôi không còn nhiều thời gian cho do dự

không còn nhiều thời gian cho sai lầm

tôi đi trên đoạn đường còn lại

không nguôi quên

nguồn sáng mặt trời chảy như xối qua cánh rừng hai mươi

năm cũ.

(Về Thái Nguyên)

Cả một đoạn thơ dài chỉ có câu cuối là họa cảnh, mà là cảnh trong ẩn dụ, còn là tự họa chính mình trong giằng xé của những nghịch lý và đối cực. Và nhà thơ biết từ đây mình sẽ tách khỏi những người cùng thế hệ, một mình đi trên đoạn đường còn lại cho đến hồi kết cục:

Tôi là đứa trẻ muốn kêu to lên để nghe thấy lời mình trong biển

là người đàn bà tìm về kết cục

tôi đang đứng kề bên cái vạch mỏng manh

của thủy chung và phản trắc của tan vỡ và hy vọng của hằn thù

và tha thứ.

(Biển chiều)

Bài thơ Người đàn bà ngồi đan có lẽ ra đời trong mạch thơ đó. Tại sao bài thơ chỉ hơn 20 câu này trở thành một tác phẩm tiêu biểu cho thi ca thời Đổi mới? Phải chăng vì nó không chủ yếu giãi bày, không tuyên ngôn hô hào, không một chiều cảm xúc mà hóa giải những cảm xúc đối nghịch: nhẫn nại và vội vã, đau thương và hạnh phúc, tin tưởng và ngờ vực, hân hoan và lo âu, chán chường và hy vọng. Bài thơ của ngày thường nhưng không chỉ là bức tranh tâm cảnh mà còn là một ứng xử với cuộc đời, vừa như chấp nhận nó, lại vừa như hờ hững đối với nó. Nói theo ngôn ngữ hiện tượng luận, bài thơ này vừa phô bày những chiều kích của tâm hồn, vừa che giấu những niềm hồ nghi, những bí mật không thể đoán định.

Giữa chiều lạnh

một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ

dưới chân chị

cuộn len

như quả cầu xanh

đang lăn

những vòng chậm rãi.

(Người đàn bà ngồi đan)

Trong văn bản công bố lần đầu, câu thơ cuối vốn chỉ có hai dòng: cuộn len như quả cầu xanh/ đang lăn những vòng chậm rãi. Nhờ thay đổi hình thức ngắt nhịp, câu thơ biểu hiện rõ hơn nhịp chậm của thời gian qua vòng quay chậm của cuộn len. Không phải người đàn bà đang ngồi trong buổi chiều, mà chính sự hiện hữu của chị đang làm ra buổi chiều ấy.

Trong các tập Ngày thường, Mưa tuyết, Gương mặt, tác giả ngày càng kín đáo khi phô diễn cái tôi: Lòng chợt ước ao/ một tiếng gõ bất thường/ sau cánh cửa. (Ngày thường 1). Bà gửi lòng mình qua cảm hứng về thân phận của những văn nhân - tinh hoa một thời Hà Nội: Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyên Hồng, Nguyễn Minh Châu… Vì những nhà thơ luôn đồng bệnh với Đan Thiềm, nói theo ngôn ngữ Nguyễn Huy Tưởng, rồi thơ bà sẽ đi xa cả về tâm thức lẫn không gian để khám phá vẻ đẹp của những tài năng và tài hoa trong cờ vua, bóng đá, hội họa, thi ca.

Những năm về sau, dành tâm sức cho truyện ngắn và chân dung văn học, Ý Nhi vẫn không hoàn toàn rời bỏ thơ ca. Dù vậy, nhìn cả quá trình thơ bà, có thể xem Vườn (NXB Văn Học, 1998) như một khúc Coda của sự nghiệp và những bài thơ sau này như vẫn được viết ra dưới bóng mát của Vườn. Sau khi trải qua Dự cảm Bừng nở, Vườn đánh dấu những ngày tháng Lắng đọng của thơ Ý Nhi. Đây phải chăng là giọng thơ của một người được chứng ngộ? Người đã đi qua những độ đường không cây, những miền viễn xứ tuyết giá, đã thăm dò đời sống qua những trải nghiệm, giờ sẽ tự nghiệm chính mình. Đến cái tuổi không còn bị cám dỗ và ám ảnh của những cuộc phiêu lưu, người ta trở về với một góc vườn, nơi có tán cây và tiếng chim khuyên:

Đôi lần

em nhìn tán cây mà ứa nước mắt

vì màu xanh

Đôi lần

em nghe tiếng chim khuyên mà ứa nước mắt

vì sự trong trẻo

Rồi em khóc vì đốm nắng lan trên vạt cỏ

vì bông hoa trắng như hạt lệ

vì phiến đá dần tan trong ly nước mùa hè

Rồi em nhớ miên man tới bến sông chiều

tới cơn mưa trên mái đầu trần

tới chiếc võng đơn sơ ngoài hiên vắng

lời bản tình ca cầu ước sum vầy.

(Vườn)

Giờ là lúc có thể nhìn lại những quãng đường thơ Ý Nhi đã đi qua. Có cần gọi tên cho thơ bà: thơ lãng mạn, thơ hiện sinh, hay thơ tân cổ điển? Thiết nghĩ, không có tên gọi nào bao quát được cho những chặng đường đó. Chắc chắn bà có chịu ảnh hưởng của những trào lưu thi ca hiện đại. Nhưng đối với thế hệ của bà ở miền Bắc thời đó, Thơ Mới lãng mạn cũng như thơ miền Nam là những điều cấm kỵ, không dễ tiếp nhận. Trong một chiều hướng khác, có lẽ nhờ người cha - giáo sư, nhà nghiên cứu sân khấu Hoàng Châu Ký, người chồng - giáo sư, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Lộc và những năm đại học, mà Ý Nhi có một vốn liếng khá nhuần nhuyễn về thơ ca cổ điển, điều hiếm thấy nơi những nhà thơ cùng thế hệ. Đâu phải ngẫu nhiên mà bà viết được bài thơ mang suy tưởng sâu sắc Nguyễn Du, 1813, biểu hiện nỗi cảm khái của người nghệ sĩ trước những biển dâu, tàn phai và hoang phế:

Nào còn đâu

những lâu đài đồ sộ nghìn xưa

những thành quách tưởng muôn đời bền vững

ta bước giữa những con đường mới

những đền đài mới

lòng kinh sợ

như đứa trẻ đi trong mưa lạc lối

Những bạn bè cũ đã cáo quan

ăn măng trúc măng mai ngồi câu bên sông vắng

làm thơ thưởng hoa

làm thơ vịnh nguyệt

coi cuộc đời như phù vân

Các bạn gái ngày xưa

nay tay dắt tay bồng

vẻ đẹp chóng tàn phai

không ai còn mặc áo màu thiên thanh

không ai còn cài hoa trên tóc

không ai còn hát bài hát cũ.

...

Ý Nhi ít làm thơ lục bát, thơ năm chữ và tám chữ nhiều hơn, nhưng nhiều nhất là thơ hợp thể và thơ tự do. Bà đưa ngôn ngữ đời sống vào thơ rất tự nhiên:

Sau một mùa đông không hề buốt giá

Hoa loa kèn nhiều và rẻ

Đến nỗi

Tôi không còn muốn cắm hoa như lệ thường.

(Hà Nội, tháng 5.1987)

Đó thực là một câu văn xuôi, nó đã thành thơ nhờ nhịp điệu.

Hẳn nhiên thế hệ đó không phải chỉ có bà muốn vượt thoát ra khỏi vùng từ trường thẩm mỹ của một thời đại. Điều thú vị là, một mặt, dù mang hình thức tự do, thơ Ý Nhi vẫn mang tính cấu trúc trong sự liên kết của những hình ảnh và từ ngữ song song hay đối lập. Mặt khác, tính cấu trúc đó lại trở nên linh hoạt nhờ nhịp điệu luôn biến hóa của thơ. So với văn bản công bố trước đây, trong Tuyển tập này (Ngọn gió qua vườn, NXB Phụ Nữ, 2019), tác giả đã thay đổi nhịp điệu của hầu hết các bài thơ, cả thơ tám chữ lẫn thơ tự do. Hình như bà nhận ra rằng những câu thơ dài, “êm ả” của 20, 30 năm trước không còn thích hợp với nhịp điệu hôm nay.

Khác với Xuân Quỳnh, cảm thức về cá nhân trong thơ Ý Nhi không tuôn chảy dào dạt. Xuân Quỳnh thả cảm xúc ra, đẩy cảm xúc tới, đi hết cõi lòng mình, muốn nói một lần cho tất cả, như linh cảm không còn nhiều dịp để nói nữa. Ý Nhi nén lòng mình lại, luôn giữ một chút gì đó trong lòng, chưa bày tỏ hết. Thơ Ý Nhi không vụ cái mềm mại nữ tính của cảm xúc. Hồ Anh Thái thật tinh tế khi viết: “Dường như lạm dụng cảm xúc là điều gì đó hiếm thấy trong thơ Ý Nhi…”. Nguyễn Đức Tùng thì nói cô đọng mà xác đáng: “Ý Nhi vượt qua chủ nghĩa thương cảm”. Nói theo thuật ngữ của B. Eikhenbaum, thơ Xuân Quỳnh chủ yếu là thơ điệu ngâm, thơ Ý Nhi chủ yếu là thơ điệu nói. Điều đó giải thích vì sao thơ Xuân Quỳnh được Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc rất hay (Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu); còn thơ Ý Nhi thì kén phổ nhạc: bài Trong ánh chớp của phận số không thuộc những ca khúc hay nhất của Phú Quang.

Làm thơ sớm hơn Xuân Quỳnh và Ý Nhi một chút, ở miền Nam, có hai nữ thi sĩ nổi tiếng là Minh Đức Hoài Trinh và Nhã Ca. Thơ điệu ngâm của Minh Đức Hoài Trinh tràn đầy cảm hứng lãng mạn và hiện sinh, bà trở thành đồng tác giả những tình khúc để đời của Phạm Duy (Đừng bỏ em một mình, Kiếp nào có yêu nhau…). Thơ Nhã Ca là thơ điệu nói, hàm súc, triết lý, hầu như chưa có ai phổ nhạc, hay đúng hơn nó không muốn phổ nhạc.

Nếu văn chương là một cuộc hành trình không ngơi nghỉ, thì đối với Ý Nhi, thơ ca là một bến bờ sáng tạo, quan trọng nhất nhưng không phải là duy nhất.

2.

Với một người cầm bút, sự tự biểu hiện nhiều khi không đủ để trang trải hết thông điệp muốn gửi đến cuộc đời. Người ta không chỉ muốn tỏ lòng mình mà còn muốn tái hiện trần gian dưới đôi mắt của mình. Thơ dù trút hết gan ruột cũng không làm đủ đầy đời sống trong ngôn ngữ. Nhà văn xuôi có khi là một nhà thơ không thành đạt, mà cũng có khi là nhà thơ đã thỏa nguyện. Phải chăng Ý Nhi thuộc về trường hợp thứ hai.

Năm 1998, sau mười năm vào sống ổn định ở Sài Gòn, Ý Nhi viết truyện ngắn đầu tiên và năm năm sau, bà in tập truyện ngắn Có gió chuông sẽ reo (NXB Trẻ, 2013). Hình như bà thỏa nguyện với thơ mà chưa thỏa nguyện với văn chương nói chung.

Thật lạ, những nhân vật bà chăm chút nhất bây giờ không phải là những người nữ bà quen thuộc tính nết mà là những người đàn ông trung niên nhiều trải nghiệm trong cuộc đời, giờ nhìn lại đời mình khi đời đã xanh rêu, dù đôi khi họ không giấu được rằng “thực ra họ chỉ là những đứa trẻ.

Nói Sài Gòn làm cạn nguồn thơ bà, nơi đây đất của văn xuôi và thời của văn xuôi cám dỗ bà, thì không đủ lý. Vì truyện ngắn của bà tuy nói chuyện thời nay nhưng điểm nhìn vẫn thiên về hoài niệm. Nỗi buồn tưởng đã hóa giải trong thơ bà, giờ lại tràn sang văn xuôi. Những ánh mắt thoáng hiện buồn bã. Những nụ cười tỏ mờ buồn bã. Dưới ngòi bút kể chuyện của Ý Nhi, đời chẳng qua là một phòng chờ, chờ ở sân bay, chờ ở bệnh viện hay ở một nhà ga, chờ tàu xuôi hay chờ tàu ngược thì cũng vậy thôi. Những người đàn ông với dáng ngồi cô độc, khổ não; họ ngồi đó chờ cái gì, chờ ai, và biết khi nào gặp?

Đọc Cỏ, Biển, Tiếng chuông, Một giờ sáng… ta bắt gặp mô-típ những cuộc hôn nhân thất bại, khiến ta tự hỏi hạnh phúc có thật hay hạnh phúc chỉ là thoáng chốc, mong manh, tạm thời; khổ đau mới là vĩnh cửu, dài lâu, bất tận? Ngòi bút Ý Nhi nhạy cảm với những cuộc chia tay, những chọn lựa nhầm lẫn, những cuộc tình đã đến hồi khô tạnh, những lừa dối và phản trắc gây tai họa mà không dẫn tới hận thù.

Thơ Ý Nhi viết hay về tuổi trẻ và tình yêu; truyện Ý Nhi viết hay về tuổi già và tình bạn, nhất là khi tình bạn hóa thân thành tình yêu hay tình yêu chỉ còn là tình bạn. Người già trong truyện bà như người đi lạc, lạc loài và lạc lõng trên thế gian này. Một nhân vật của bà đã tự trào: “Mình bây giờ là kẻ đi lạc, chẳng làm sao mà hiểu nổi mọi thứ ở đây, làm cái gì cũng không phải, nghĩ cái gì cũng không đúng, nói như bọn trẻ là chẳng giống ai.” (Mix).

Nhân vật sở trường của Ý Nhi là những con người nhỏ bé không tên tuổi, hay tên chỉ là một mẫu tự, những người đa cảm dễ bị tổn thương, những người trí thức hoang mang và sầu muộn, những nhà thơ trẻ sinh bất phùng thời, những người từng “có một mảnh đạn nằm đâu đó trong cơ thể mình…, không nằm trong đầu mà nằm trong tâm khảm.” (Quán chữ cái). Những khuôn mặt in dấu truân chuyên của họ ứng với những đồ vật đã qua thời gian sử dụng: chiếc đồng hồ, cái điện thoại, chiếc túi du lịch, bộ ấm chén, những cuốn sách cũ…

Niềm vui mà tác giả ban phát hay đền bù cho nhân vật hình như cũng là niềm vui của chính tác giả: thưởng ngoạn những khúc ca hay, những bức tranh đẹp, một trận túc cầu hấp dẫn. Điều đó đủ tiếp sức cho họ kéo lê kiếp sống mệt mỏi này.

Có thể mượn lời của người kể chuyện nói về một nhân vật - nhà văn trong truyện Ý Nhi để nói về chính văn phong của bà: “Người ta gọi những nhân vật của ông là loại nhân vật nhỏ bé, loại nhân vật không tên tuổi, không tiếng tăm, không biến cố. Họ là bất cứ ai trong đám đông ngoài kia. Những mơ ước, những lo âu, những chờ đợi của họ thật bình thường, thậm chí tầm thường. Người ta bảo văn của ông dẫn dụ người đọc như tiếng rì rầm của những cơn mưa nhỏ về đêm. Người ta bảo không thể kể lại câu chuyện của ông nhưng cũng không thể rời bỏ cuốn sách khi đã cầm nó trên tay…” (Món quà).

Như thế, truyện ngắn Ý Nhi có thể xem như thuộc loại hình văn xuôi tâm lý - đời thường. Đó là những tác phẩm mà cốt truyện tan biến trong sinh hoạt và dòng tâm trạng của nhân vật. Nếu văn bản thơ Ý Nhi có nhiều khoảng trống, thì văn bản truyện ngắn của bà đan kết những lời kể, lời độc thoại và đối thoại không đứt đoạn. Những truyện viết về sau (Có người gõ cửa, Con ngựa trên bãi biển, Người đứng bên kia đường…) cho thấy tác giả vận dụng kỹ thuật chồng lắp thực tại và ảo giác, ý thức nhân vật hòa trộn với tiềm thức và vô thức, ám tượng và ám thanh, tưởng tượng và hoang tưởng; văn bản trở thành một bức tranh đan dệt bằng những sợi tơ mỏng manh của hiện thực và phi thực.

3.

Sáng tác truyện ngắn, một thể loại văn-xuôi-hư-cấu, không phải là bất ngờ cuối cùng Ý Nhi đem đến cho bạn đọc. Sau Có gió chuông sẽ reo, Ý Nhi lại thử sức với văn-xuôi-phi-hư-cấu qua thể loại chân dung văn học, một thể loại chưa mấy thịnh hành ở nước ta: ít có nhà văn xem việc tái hiện chân dung tinh thần của đồng nghiệp như một niềm hứng thú lớn lao đủ để người ta dồn cả tâm sức vào đó. Điều ấy một phần do khó khăn về tư liệu, hạn chế về hoàn cảnh, nhưng cái chính vẫn là do quan niệm: người ta ngại chạm vào chỗ riêng tây của cá nhân, ngại phơi bày những điều uẩn khúc trước mắt thiên hạ, ngại những mối quan hệ bình ổn bị sứt mẻ…

Nhà văn viết chân dung văn học đã ít, nhà văn nữ viết thể loại này lại càng hiếm hoi. Không phải là người nữ không nhìn sâu được vào thế giới bên trong của đồng nghiệp – trái lại là đằng khác, nhưng có lẽ vì người nữ vốn cẩn trọng hơn nên vẫn giữ một khoảng cách nhất định trong những ứng xử nghề nghiệp. Ở nước ta, hình như chưa có cây bút nữ nào viết ra những tập chân dung như Những gương mặt - những câu thơ (NXB Văn Nghệ TP. HCM, 2008) Kỷ niệm không có mưa (NXB Đà Nẵng, 2018). Trong Từ bến sông Thương của Anh Thơ có hiện ra đời sống và tính cách của một số văn nghệ sĩ, nhưng đó là hồi ký, không phải chân dung văn học. Những tập tiểu luận phê bình của các cây bút nữ tài hoa thường điểm xuyết những nét chân dung của các tác gia đương đại, nhưng đó chủ yếu vẫn thuộc văn phong khoa học.

Ý Nhi viết về số phận và tâm tình của những nhà văn, hoạ sĩ đương đại trong quan hệ với cá tính sáng tạo của họ. Bà không chủ ý nói về cái thời của mình, nhưng những bài viết vẫn có thể quy chiếu về một bối cảnh. Bà cũng không nhằm biểu hiện cái tôi như khi làm thơ, nhưng với tư cách chứng nhân tham dự, bà không thể giấu được cảm xúc của một tâm hồn bè bạn. Đọc những trang miêu tả cảnh Nguyên Hồng lúc nào cũng vội vã, tất bật với cái làn cói buộc trên chiếc xe đạp cũ, cảnh Xuân Diệu lúi húi đếm tiền sau một buổi nói chuyện thơ, cảnh Xuân Quỳnh vừa trao đổi công việc văn chương vừa tranh thủ giặt áo quần ngay ở cái vòi nước của cơ quan, người ta thấy dấu vết của một thời chưa xa lưu lại với biết bao tình thương yêu trong kỷ niệm.

Những ai am hiểu văn học Việt Nam đương đại đều biết Ý Nhi từng nhiều năm liền làm công tác biên tập ở một nhà xuất bản lớn, đã góp phần cho sự ra đời của nhiều tác phẩm giá trị. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng bà đã từng có thời gian làm một công việc có thể là rất nhàm chán đối với những người sáng tác, là nghiên cứu - phê bình văn học. Nhưng chính nhờ trải qua công việc có thể thành chỗ sa lầy của một tư chất nghệ sĩ đó mà bà vừa có sự thấu cảm với chuyện bếp núc trong nghề văn, vừa có cái tinh nhạy khi nắm bắt và khắc hoạ những chân dung văn học.

Có phần giống với văn bản thơ, viết về phong cách những người nghệ sĩ, Ý Nhi thường kết hợp những nét đối cực trong một thể thống nhất để làm nổi bật lên cá tính sáng tạo của họ. Bà thấy trong tranh Dương Bích Liên “một thế giới giản dị mà sang trọng, êm ả mà hừng sáng, dịu nhẹ mà huy hoàng. Ông đã lưu lại vẻ đẹp trong ngần từ một đời sống đầy cơ cực, dằn hắt, đau đớn.” (Rời thành phố vào sáng sớm). Dưới mắt bà, Phan Thị Thanh Nhàn “vừa duyên dáng vừa vụng về, vừa sâu sắc vừa nông nổi, vừa chi chút vừa hào phóng. Tất cả những đức tính tưởng như trái ngược ấy đều có nơi Nhàn, tạo nên sức hấp dẫn của Nhàn, một sức hấp dẫn đầy nữ tính.” (Bạn cũ ơi là cũ). Theo Ý Nhi, “thơ Trần Vũ Mai là sự va đập, dồn đẩy giữa niềm vui và nỗi khổ, giữa tin cậy và hồ nghi, giữa hân hoan và cay đắng, giữa hy vọng và tuyệt vọng.” (Tay em lạnh mà không run sợ). Bà hình dung “một Phạm Thị Ngọc Liên vừa yếu đuối vừa mạnh mẽ, vừa cả tin vừa tự tín, vừa mê đắm vừa sáng suốt, vừa hồn nhiên vừa cay đắng.” (Hình dung về Phạm Thị Ngọc Liên). Bà cắt nghĩa sự lặng lẽ của Tôn Nữ Thu Thuỷ là “sự lặng lẽ giấu kín trong nó những lo âu, đau đớn, những đam mê, khao khát.” (Sự lặng lẽ của Tôn Nữ Thu Thủy). Để có những câu văn đọng lại trong tâm trí người đọc như vậy, người viết phải nhập cảm vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm và “thuộc” tính cách của tác giả.

Hầu như Ý Nhi chỉ viết về những nhà thơ, nhà văn, họa sĩ mà bà quen biết lâu năm, đồng cảm với số phận để có thể tái hiện thần thái và cái tình từ con người cũng như tác phẩm của họ: Nguyên Hồng, Bùi Giáng, Bùi Xuân Phái, Thái Tuấn, Nguyễn Minh Châu, Trang Thế Hy, Hoàng Trung Thông, Tô Thùy Yên, Chim Trắng… Trước khi được tái hiện trong những bài chân dung này, những đời văn ấy đã từng đi vào thơ và truyện Ý Nhi như những niềm tương ngộ. Họ đã đến với bà không chỉ như những đối tượng để miêu tả mà còn như những nguồn cảm hứng kích thích sự sáng tạo.

Do khuôn khổ của cuốn sách, Tuyển tập này không đưa vào những bài chân dung văn học của tác giả. Nhưng thiết nghĩ, muốn hiểu đời văn Ý Nhi, không thể không khảo sát đóng góp của bà trong lĩnh vực này. Chân dung văn học làm cho đời văn Ý Nhi đa dạng hơn mà lại cho thấy tính nhất quán trên hành trình nghệ thuật: khi cái tôi đi đến cùng con đường của nó, nó sẽ được những cái tôi khác đón chào nơi bến bờ của sáng tạo.

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Tài liệu tham khảo

[1] Lê Thành Nghị (2019), “Bông cúc nhỏ nơi vườn khuya lặng lẽ”, Tạp chí Văn Hiến, tháng 7- 2019.

[2] Ý Nhi (2008), Những gương mặt, những câu thơ, Nxb. Văn Nghệ, Tp. Hồ Chí Minh.

[3] Ý Nhi (2000), Thơ, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.

[4] Ý Nhi (2010), Tuyển tập, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

[5] Ý Nhi (2014), Có gió chuông sẽ reo, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.

[6] Ý Nhi (2019), Ngọn gió qua vườn, Nxb Phụ Nữ, Hà Nội.

[7] Lê Hồ Quang (2015), “Thơ Ý Nhi, hành trình trong lặng lẽ”, trong Âm thanh của tưởng tượng, Nxb Đại học Vinh, Tp. Vinh.

[8] Chu Văn Sơn (1987), “Thơ của tâm hồn xao xác giữa ngày yên”, Báo Văn Nghệ số 36, ngày 5-9-1987.

[9] Mai Sơn (2017), “Một vẻ đẹp khác”, trong Sự quyến rũ của chữ, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Nghiên Cứu Văn Học (Viện Văn học), số 01-2020.


[*] Nguyên nghĩa là Con ve sầu, tên một tập thơ của Harry Martinson.