Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

Sợ quá, đóa hồng môn

Phạm Thị Hoài

Hoa có thể thiết yếu với phần lớn các nhà thơ, song người viết văn xuôi, kể cả loại trung bình, chẳng ai bỏ vào hoa một phần ba ý nghĩ nghiêm túc. Nhà văn Việt tả một khoảnh vườn thì dĩ nhiên có gốc hồng khóm cúc, tả Tết thêm mai đào, tả Hải Phòng hoa phượng, tả Hà Nội hoa sữa nồng nàn, rồi Tháp Mười hoa sen, nhà chùa hoa huệ, tất cả đều chính đáng và được áp dụng phổ biến trong truyền thống tả thực được rèn từ tấm bé đến khi lọt cửa báo Văn nghệ, nhưng không có tiểu thuyết hay thậm chí truyện ngắn nào lấy hoa lá làm ý tưởng, làm bệ phóng, làm xương sống như trường hợp các thi phẩm Màu tím hoa sim hay Lá diêu bông.

Rất nhiều lần tôi hạ quyết tâm, để cuối cùng vẫn không thể đọc hết áng văn xuôi nổi tiếng Đi tìm thời gian đã mất. Không phải vì cuộc đời thì ngắn mà Proust lại quá dài như Anatole France phán khi mới lướt qua tập thứ nhất của bộ sách – tập sáu và tập bảy ra mắt thì cả ông và tác giả đều đã là người thiên cổ. Mà đơn giản vì mỗi người có một cái tật, khó giải thích, tôi cứ thấy thấp thoáng hoa lá cành trong văn chương là đang hay cũng bỏ, trong khi Proust, ngoại lệ về mọi phương diện, điềm nhiên dành cả chục trang một lúc để tỉ mỉ chăm chút những hồng và cúc, những anh túc và diên vĩ, những nhài và dẻ, những sen cạn quý tộc và tử đinh hương vương vấn đâu đó giữa giao phối và cầu kinh, chưa kể hoa trên xiêm áo các bà các cô và những thiếu nữ tuổi hoa. Ngoài chiếc bánh madeleine nhúng trà hoa đoạn (tilleul) ở Combray – trong bản dịch tiếng Việt, chúng được “chấm vào nước lá bồ đề” (sic!) – làm chiếc chìa khóa vàng trứ danh mở vào mê cung ký ức, còn một chiếc chìa khóa bạc nữa, sơn tra, hay táo gai, hết trắng lại hồng, nụ hoa nho nhỏ thơm thơm và mùi hương vô hình mà bí ẩn ấy đánh động cả một trời kỷ niệm, để nàng Gilberte hiện ra bên kia bờ dậu, liếc chàng Macel một cái, thèm muốn hay kẻ cả coi thường… Tóm lại, tất cả những gì mà tôi không hạp. Thế giới văn chương chia thành hai phe. Phe không thể sống thiếu Proust và phe không Proust chưa chết.

Tôi vẫn thuộc phe sau, cho đến ngày tới một sự kiện ở Berlin. Đúng hơn, ở Đông Berlin, người tham dự chủ yếu từ miền Bắc và hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, khuyến mại một hai gương mặt miền Nam xưa của giới trí thức cánh tả chống Mỹ. Người Việt Đông Berlin nói chung dung dị, không có những cách biệt đỉnh cao vực sâu, không có những nhân vật quá ầm ĩ, hiếm có sự kiện đáng giật tít như lễ kết nạp Đảng ở Harvard (cho một nữ tiến sĩ, con gái một trong những gia đình đại tư sản giàu có nhất Việt Nam trước khi ông bố, tổng giám đốc một nhà băng lớn, bị kết án tù chung thân và đang chờ tiếp các bản án khác). Tất nhiên cộng đồng ấy là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nối dài hay thu nhỏ. Phần lớn các nhân vật đang và ham lãnh đạo ở đó đều nhuốm màu cán bộ cách mạng, dù sẽ trượt hết nếu phải làm bài kiểm tra về cách mạng. Phần lớn bà con thì phi chính trị, chế độ hay dở mặc kệ, miễn làm ăn sinh sống thuận lợi, hàng ngày vẫn xem VTV, cuối tuần vẫn có lòng lợn, trong tuần vẫn nhận tất cả các ưu việt cộng sản do nhà nước tư bản dân chủ cung cấp, đồng thời tránh tất cả những phiền hà liên quan đến bọn phản động, dù cũng sẽ trượt hết nếu phải làm bài kiểm tra về phản động. Tuy vậy tôi tin rằng bản thân cái trật tự đời sống hàng ngày ở đây, dù chẳng có gì cao siêu nhưng kéo theo những tập quán khác hẳn ở nhà, một lúc nào đó rồi cũng để lại dấu vết và những thứ quá đậm đà bản sắc xã nghĩa rồi cũng phôi phai, ngay ở trong nước người ta cũng nhạt Đảng khô Đoàn hoặc như trái thanh long trắng lòng đỏ vỏ.

Song khi nhìn lên sân khấu, tôi bỗng ngộ Proust. Dậu táo gai của tôi ở đó có hình dạng hai kệ hoa khổng lồ, như hai ông hộ pháp tả hữu, ở giữa thêm một loạt lẵng hoa hồng hồng tía tía và trên bục phát biểu là một cái gì như cuộc chạy đua vào vòng chung kết giải hoa nào sặc sỡ nhất, chưa kể những bó hoa lẻ xếp ở chân bục. Quả thực, toàn bộ đất nước mà mười lăm năm nay tôi chưa tái ngộ vụt hiện trong khoảnh khắc. Không chỉ màu sắc mà cả âm thanh, hình ảnh, mùi vị và tâm hồn cố hương bỗng dâng lên, bò dần từ chân, lan đến háng, đến ngực, đến cổ, rồi tôi bị nuốt chửng vào một khối đặc quánh những cảm xúc, vừa bồi hồi vừa tức anh ách, vừa thân thuộc vừa lạ lùng, vừa mến thương vừa tuyệt vọng. Lúc tôi vừa trồi khỏi đó thì diễn giả xuất hiện, và hình ảnh nửa cái đầu nhỏ xíu tóc nhuộm đen kít với đường ngôi thênh thang và trắng bệnh của ông ấy, thấp bé như phần lớn người Việt, nhô lên trên nền hoa um tùm, như một tiết mục hí lộng thành công ngoài dự định, một lần nữa ném tôi trở lại vòng tay hay vòng xoáy của quê hương.

Cái sức sống bản năng ồn ào ấy. Cái vô tư lạc quan bơi trên đầu mọi lý trí ấy. Cái thẩm mỹ diêm dúa lòe loẹt ấy. Cái gu xô bồ dễ dãi ấy. Cái thói quen nhảm nhí ấy. Cái khao khát hoành tráng vĩ đại ấy. Cái máu chứng tỏ phô trương ấy. Cái ngông cuồng sĩ diện ăn chơi sợ gì đầu rơi ấy. Cái đua đòi quê kệch hợm hĩnh ấy. Cái văn công mậu dịch hơn hớn ấy. Cái thủ cựu ngu lâu ấy. Cái rập khuôn ngây ngô hay ngây thơ ấy. Cái hãnh tiến tân thời cấp tốc ấy. Cái phè phỡn vô độ ấy. Cái lố bịch hồn nhiên ấy. Cái thụ động phó mặc tập quán ấy. Cái bất lực của mất định hướng ấy. Cái đùng đoàng của mặc cảm và còn đùng đoàng hơn của tự mãn ấy. Cái hoang mang của quá nhiều và tuyệt vọng của quá ít ấy. Cái rỗng tuếch chênh vênh bởi trống vắng mọi nền tảng ấy.

Cái cách quanh năm dửng dưng hoa lá, để sát Tết bỗng rầm rập càn quét truy đuổi (khiến tôi luôn bất giác nghĩ đến loạt phim The Purge). Cái cách cố nhét một bình cúc vạn thọ vào cái khe tội nghiệp giữa gốc đào thế và chậu quất cảnh trong căn phòng đã chật ních phụ kiện tài lộc, như rước hoa về nhà để đuổi người ra đường. Cái cách hoa của riêng thì tỉa tót nâng niu, hoa của công thì thản nhiên tranh cướp giẫm đạp. Cái cách dâng hoa lên Facebook như dâng lễ, giáo phái hoa ở Việt Nam áp đảo giáo phái mèo, và đệ tử nào cũng đồng thời là thánh tướng. Cái cách lọ mọ mê man gọt đẽo củ thủy tiên để ồ à thắp hương lạy những cái rễ trắng muốt như vật lạ đến từ hành tinh khác. Cái cách lõa lồ đè ngửa những mùa sen. Cái cách đếm vòng hoa so đám tang. Cái cách rải hoa như rắc vôi sát trùng lên ổ dịch hạch là đám cưới. Cái cách công phu nuôi trồng những chậu cây cảnh quý giá cho một lũ xôi thịt khuân đi làm cỗ cúng một bọn nghênh ngang. Cái cách dàn hàng đánh kẻng tặng hoa, những bó hoa đồng phục, giống nhau như vừa tốt nghiệp cùng một khóa lý luận trung cấp. Cái cách mỗi năm vứt cả ngàn tỉ đồng ngân sách để biến mọi không gian công quyền thành một nhà đám hay một rạp cưới, hành chính công trông lúc nào cũng như chỗ hiếu hỉ. Không một phòng khách, phòng họp, phòng hội nghị nào của hàng chục ngàn hay thậm chí cả trăm ngàn cơ quan đảng, nhà nước và đoàn thể toàn quốc không ngày ngày ngập ngụa hoa tươi. Nhu cầu hoa công một ngày ở Việt Nam bằng cả năm của toàn thế giới. Hoa gọi nhau í ới. Hoa ngồi chình ình. Hoa dàn đội hình. Hoa đứng. Hoa bò. Hoa xòe. Hoa rủ. Hoa tung tóe trên áo dài phụ nữ. Hoa búa xua trên thảm đỏ. Hoa trùng trùng điệp điệp trên phông màn. Song quyết liệt nhất là hoa trên bục phát biểu và quanh tượng “Bác”.

Hai cứ điểm trọng yếu này sử dụng ngôn ngữ hoa chính thống, thuộc hệ thẩm mỹ chủ lưu, dĩ nhiên là bảo thủ. Cái Đẹp ở đó đã tuyên thệ suốt đời chấp hành khuôn khổ, không thách thức đánh đố, không nổi loạn cách tân, không diễn biến hòa bình, không thoái hóa biến chất. Cấu trúc phải hài hòa cân đối, có trên có dưới, có trước có sau, ra tấm ra món, vững vàng, đường bệ, tránh mọi thiết kế quá mạo hiểm. Màu sắc phải rực rỡ tươi sáng, có thể nhàm chán nhưng an toàn. Hoa phải chọn những loại đứng đắn trịnh trọng được số đông ưa chuộng. Tầm thường rẻ tiền như hoa cỏ may, hoa bìm bịp, khó kiểm soát như hoa dâm bụt, hoa đồng tiền, ngoài luồng như hoa cứt lợn, hoa mõm chó, hay nhạy cảm như hoa xương rồng, đều bị cấm cửa. Sen, hồng, hướng dương, lay-ơn, đào, ly, cúc, và nhất là hồng môn được đặc biệt tuyển dụng. Đứng sau bục, diễn giả trông như chú lùn trang trí một góc vườn trong một vở tuồng, còn “Bác” biến thành một búp-bê bàn thờ, mỗi ngày diện một bộ váy áo, ưu tiên màu hồng.

Văn hóa hội hè đình đám lễ lạt của xã hội truyền thống, chủ nghĩa long trọng phô trương hình thức của các nhà nước độc tài và tinh thần màu mè sến súa ở đa số người Việt, một sự kết hợp không thể đặc trưng hơn. Quốc hoa Việt Nam thời đại này nên là hồng môn. Cũng du nhập như quốc đạo Mác-Lê, đầy đủ màu quốc kỳ, bảnh bao bóng nhoáng, nhìn đã thấy thành tích tiến lên toàn thắng, biết hòa đồng tập thể, biết lọc bụi mịn, vừa mũi tất cả vì hữu sắc vô hương.

Trên sân khấu sự kiện ở Berlin vừa kể cũng rất nhiều hồng môn. Thè chiếc lưỡi dài vàng khè. Đỏ và giả rùng rợn.

Tuần báo Trẻ, 13.02.2020

Nguồn: http://www.procontra.asia/?p=6263