Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 204): Mùa biển động (5)

Tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác

Image result for "Mùa biển động"

MÙA BIỂN ĐỘNG TẬP 1

Chương 1 – Chương 13

NHỮNG ĐỢT SÓNG NGẦM

Chương 9

Liên tiếp mấy ngày nay, cửa hiệu radio Thanh Tuyến vừa có không khí một đám tang vừa có không khí một ngày hội!

Mới thoạt nhìn, hình như gia đình Quỳnh Như có chuyện buồn thật. Cửa hàng được dọn dẹp lại, mấy cái tủ kính đựng linh kiện điện tử của radio, máy hát, máy thâu băng trước kia dàn ngang sát mặt đường, nay được khiêng vào sâu bên trong, xếp gọn vào cái góc nấp dưới cầu thang. Tám cái loa Nhật bản tối tân hiệu Akai từng thu hút rất nhiều khách hàng hiếu kỳ bị gác lên đỉnh tủ gương kề sát vách. Hai cái máy quay dĩa Telefunken to xấp xỉ cái tủ đựng chén bát đặt dềnh dàng ngay giữa nhà, bây giờ biến đâu mất. Cái quầy thu tiền nơi bà Thanh Tuyến thường ngồi, thì úp mặt vào vách, đưa cái lưng gỗ tạp ra ngoài. Khoảng rộng thu xếp được nhờ dẹp hết các hàng hóa đắt tiền được dùng để kê hai cái bàn lớn trên có đặt đầy đủ bình tích, ấm trà, tách Nhật, ly cao uống bia và bốn chai nước lọc. Sát bên hai dãy tủ gương có quá nhiều ghế đẩu tầm cỡ hình dáng khác nhau, có lẽ phải đi mượn các cửa hiệu bên cạnh về mới đủ dùng.

Nhìn vẻ bận bịu âm thầm của ông bà Thanh Tuyến, rồi quan sát nét mặt buồn rầu của Quỳnh Như, nhất định mọi người phải đoán gia đình này đang có tang. Nhưng quan sát qua phía khách đến, thì phải ngờ ngợ điều gì. Nếu khách ra vô nườm nượp ở cửa hiệu này là kẻ đến phúng điếu, thì họ phải mang theo vàng hương, vòng hoa có dải vải tím phân ưu chứ! Đằng này họ chỉ mang theo cam, quít, sữa, nghĩa là những thứ thăm bệnh!

Ðúng như vậy. Sau vụ Thanh bồ, Tường được chở từ bệnh viện Đà nẵng về Huế như một anh hùng. Tuy bị đòn hội chợ đến ngất đi, nhưng may mắn cho Tường, chàng không bị nội thương. Chàng chỉ bị xây xát nhiều ở đầu và lưng; vết thương ở đỉnh đầu khá sâu, máu chảy ướt đẫm cả cái áo sơ-mi nhưng sau khi rọi điện, bác sĩ xác nhận xương sọ không hề hấn gì. Mí mát trái bị đập nhưng tròng mát vẫn chưa sao. Môi bị vều ra, nói năng rất khó khăn. Hai gót chân phải băng kín vì khi các Phật tử nắm hai vai lôi chàng ra khỏi vùng lửa khói, họ quýnh quá không xốc chàng lên khỏi mặt đất, cứ để vậy lôi xệch trên mặt đường. Kết quả là lúc được dìu từ xe hồng thập tự vào nhà, Tường gần giống với một cái xác ướp Ai cập. Đầu quấn băng trùm kín, và hai chân cũng quấn băng. Bộ quần áo nhà thương cũng màu trắng còn dấu máu mủ giặt chưa hết càng làm cho hình dáng chàng thảm thương. Bà Thanh Tuyến ngất đi, Quỳnh Như mếu máo đến ôm lấy anh, miệng không ngớt kêu rêu “Tại sao thế này? Anh chết mất anh ơi! Tại sao vậy hở Trời”

Tin Tường bị “bọn Cần lao” Ðà nẵng hành hung suýt chết chẳng mấy chốc lan truyền khắp Huế.

Khách khứa ùn ùn kéo tới. Ban đầu là những bạn thân ở trường, ở Viện Ðại học, ở Mặt trận. Họ đến tay không, và không cần chờ ai đón tiếp, họ quẳng xe đạp chạy lên cầu thang để biết đích xác tình trạng sinh mệnh của Tường. Hôm sau đến lượt những “người khách trân trọng”: họ đại diện cho ban chấp hành trường này, phân hội Mặt trận trường kia, thay mặt cho anh em ở đoàn thể nọ. Họ dừng xe từ xa hoặc gửi xe ở bãi chợ, chậm chạp chờ đủ mặt mới sửa lại cổ áo, kéo lại nịt, vuốt lại tóc, rồi bước chậm chạp nghiêm chỉnh đến nhà Quỳnh Như. Đàn ông, người lớn đi trước, phụ nữ, người nhỏ đi sau, ôm theo một bọc hoặc cam quít, hoặc nho táo, hoặc sữa hộp. Họ được bà Thanh Tuyến thay mặt “nhà tôi” và “em nó” mời ngồi, được nghe kể sơ lược nhưng đầy đủ vụ hành hung, được tóm tắt hiện trạng sức khỏe “em nó” như thế nào, để cuối cùng được bà lễ phép cảm ơn để tiếp một nhóm khác. Quỳnh Như điều khiển chị Gái và thằng Bá bưng ghế rót nước, đem quà chất đống lên cái bàn sau tấm màn trúc, và đổ nước trà thừa vào cái thau lớn giấu dưới tủ kính bên phải.

Nếu quí vị đại diện thuộc lớp trẻ, bà Thanh Tuyến tế nhị nhường cho Quỳnh Như vai tiếp khách. Nếu thuộc phái già, bà lại lên phòng bệnh thay chồng để ông xuống đóng vai chính. Họ bận bịu suốt ngày, rồi suốt tuần. Cam quít nho táo không làm gì cho hết, phải đem mời khách hoặc Quỳnh Như dúi vào đầy cặp các bạn Ðồng khánh. Chưa bao giờ gia đình Quỳnh Như đón nhận một niềm vinh dự ngược đời và chua chát như vậy. Nhiều người khách tuy không thân thuộc với gia đình Thanh Tuyến, nhưng do nhiệt tín chính trị, cứ nằng nặc đòi
lên lầu để chiêm ngưỡng “vị anh hùng”. Trong số đó có nhiều người chân thật như các chị tiểu thương chợ Đông ba. Số giả dối nhiều không kém, gồm những nạn nhân của chế độ cũ, những người chuẩn bị đón gió, những tay cơ hội chuyên nghiệp và những nhà kinh doanh cỡ trang lứa ông Toàn.

***

Ngô và Diễm đến thăm Tường ngay buổi tối hôm chàng được chở từ Đà nẵng về. Diễm thấy bông băng quấn Tường kín mít, trên đầu nhiều vết máu khô và thuốc đỏ loang lổ, sợ quá, tưởng như đang xem một phim kinh dị của nhà đạo diễn Hitchcock. Cô bé nín thở đứng nép bên chân giường người bệnh, tay phải bấu chặt lấy vai Quỳnh Như. Tự nhiên nước mắt Diễm ứa ra. Cô có thể tưởng tượng Tường đứng trên xe hơi có tài xế mặc lễ phục trắng đội mũ kết lái chạy giữa rừng cờ, có thể tưởng tượng Tường mặc quần áo thợ săn như Davy Crockett len lỏi làm cách mạng trên rừng rậm, thậm chí có thể tưởng tượng Tường nằm yên trong quan tài phủ đầy hoa lai-dơn mầu nhung đỏ trước giờ đóng nắp áo quan, nhưng không bao giờ dám nghĩ đến hình ảnh Tường bị đòn hội chợ đến thân tàn ma dại thế này. Diễm lạnh xương sống, tưởng tượng đến lúc có thể chính mình thay Tường nằm trên cái giường nệm trắng kia. Sao lại không? Nếu hôm ấy hai tên “Cần lao” không thương hại hai con bé ngu ngơ, nếu Diễm và Quỳnh Như không cao chạy xa bay kịp thời, nếu… nếu… thì chuyện đó có thể xảy ra lắm. Ghê gớm quá! Té ra làm cách mạng không phải luôn luôn êm ái, vui vẻ. Lần đầu tiên Diễm thấy cách mạng cứu quốc quả thật sẽ gặp nhiều chông gai, như các bài chính luận đăng trên Lập Trường từng nói.

Diễm không dám nhìn thẳng vào mặt Tường, vì mỗi lần thấy đôi mắt bầm tím và cái môi vều của nạn nhân, cô bé cảm thấy nhột nhạt. Hình như Tường nhìn rõ sự yêu đuối, sự hốt hoảng sợ hãi, sự chùn bước tiêu cực của Diễm, nên lừ mắt trách mắng nàng, trề môi chê bai nàng.

Diễm thì thào bảo Quỳnh Như:

– Tụi mình ra ngoài nói chuyện cho anh Tường nghỉ. Hai cô bạn học và bạn công tác ra phòng khách. Bấy giờ Diễm mới thở phào nhẹ nhõm, bảo bạn:

– Ghê quá. Thật may cho hai đứa mình.

Quỳnh Như hiểu Diễm nói gì, nên cũng thì thào:

– Ừ, may thật. Sao chúng nó tàn ác thế nhỉ?

– Hai cái tên mình gặp hôm ấy chắc là đồng bọn.

– Có lẽ thế!

-Hình như khi tụi mình lên xe rồi, có hai người đèo xe gắn máy chạy theo một đoạn đấy.

– Thế à? Lúc nào?

– Lúc vừa ra khỏi bến xe chợ Cồn.

– Hay chúng nó đổi ý, định hành hung hai đứa mình.

– Có lẽ thế.

– Mình may thật. Lần sau…

– Còn lần nào nữa?

– Không. Tao bảo lần sau không nên đi đâu xa. Nhất là nên tránh chỗ đông người.

– Ừ, phải đấy. Sao đàn ông họ tàn ác thế nhỉ!

***

Ngô ngồi lên giường Tường cảm động cầm tay bạn, không nói được gì. Có lẽ Tường cũng cảm động muốn cảm ơn anh bạn họa sĩ, nhưng do cái lưỡi đau rát và đôi môi vều, không nói được, nên Ngô chỉ nghe bạn phều phào cái gì đó thật mơ hồ.

Ngô chờ một lúc lâu cho bớt nghẹn ngào, rồi mới say sưa nói:

– Mày làm cho tao tự thấy xấu hổ. Nếu lúc khác, có thể tao không đủ can đảm thú nhận như vậy. Nhưng nhìn mày thế này, tao thấy tất cả tự ái, tất cả dè dặt, tất cả ước vọng hão huyền lâu nay tao đặt cả vào màu sắc đều trở nên phù phiếm tủn mủn quá. Tao đỏ mặt lên vì thẹn. Tại sao tao lại có thể ngu ngơ như thế được. Trong lúc mọi người bất kể nguy hiểm, bất kể chuyện thi cử học hành, hy sinh hết để phụng sự cho lý tưởng chung thì tao vác giá vẽ đi cóp nhặt từng mảnh da dương liễu, từng đám mây bay. Mày có nhớ một lần tao khoe đã tìm được màu ngọc bích lơ lửng thật đã mắt hay không? Ấy, lúc khác mày kê tao, có thể tao giận, tao gân cổ cãi. Nhưng bây giờ tao chịu trần truồng trước mặt mày. Tao xấu hổ vì cái màu chết tiệt ấy. Tao yếu đuối. Mày đừng tưởng khi chịu khó đạp xe lên nhà in mi trang vẽ báo cho tụi mày, tao đã giác ngộ đâu. Không! Tao làm mà lòng không vui. Tao sợ quê với lũ em, quê với Quỳnh Như. Bọn con gái còn làm được, mình tay chân mạnh khỏe thế này lại đi di di cây bút vẽ lên vải bố, gật gù bằng lòng với một màu nhã. Lạc lõng quá rồi. Tao phải cảm ơn mày. Đáng lý không phải mày bị hành hung. Mày xứng đáng được mạnh khỏe để làm việc lớn. Tao mới là thằng đáng đánh vào đầu vào mặt cho bầm dập ra, để đầu óc tao tỉnh táo hơn.

Tường đưa hai tay lên khua khua, rồi hai bàn tay uốn cong như phác họa cái dáng của một chiếc lọ hoa cổ cao, hay thứ gì tương tự như vậy. Ngô không hiểu gì cả, hỏi lại:

– Mày nói thứ gì?

Tường phều phào gì đó, rồi lặp lại cử động cũ. Ngô ngơ ngẩn một chút, rồi bật cười khi chợt
hiểu:

– Ừ, những cô gái cổ cao! Tao hiểu. Tao hiểu. Một lần thằng Ngữ chê tao bắt chước Modigliani. Lúc đó tao giận. Nhưng bây giờ tao cũng thấy nó nói đúng. Tao không nói được “cái tao”, chỉ lo cóp nhặt mô phỏng của thiên hạ; rồi chính “cái tao” cũng mờ nhạt, vì tao hèn nhát. Tao không được cái ý chí của mày. Đáng lý ở vào gia cảnh tao, tao phải thấy trước những bất công của xã hội và thao thúc hơn ai hết trước hiện tình bất công của cuộc sống…

Ngô dừng lại, nhìn quanh phòng để ghi nhận đời sống giàu có sang trọng của Tường, rồi gật gù nói tiếp:

– Nếu tao được như mày rồi chạy đi tìm màu ngọc bích và mê mải tô chuốt cho các cô gái cổ thiên nga thì còn có lý. Đằng này gia đình tao sống ra sao, mày biết rồi. Thế mà tao lại làm cái chuyện ngược đời. Mày mở mắt cho tao, mày chịu đau đớn để cứu chuộc tao.

– … ?

– Mày nói sao? Tao sẽ làm gì à? Còn làm gì nữa! Mày dám vứt cả cuộc sông nhung lụa thì tao không dám vứt cái bút vẽ hay sao? Dĩ nhiên cũng hơi tiếc đấy, nhưng nghĩ cho cùng, đó là nỗi đau đớn trưởng thành, như đứa trẻ mọc răng hay con rắn lột xác vậy.

– … ?

– Ừ, tao nói tao đã lột xác, nhờ mày. Mấy tên côn đồ nào đó đánh mày thân tàn ma dại thế này, chúng nó có tội trước pháp luật, trước lương tâm, nhưng là ân nhân của tao. Tao nói thật đấy, mày đừng giận. Nó đánh mày, nhưng chính tao đau. Vết thương của mày, nhưng chính tao cần chữa thuốc. Mày bầm mặt thì tao sáng, mày dập lưỡi vều môi để tao nói được những lời chân thật.

– …

– Mày tưởng tao bốc lên nói quá hay sao? Không! Mày vẫn còn nghĩ tao là một thằng bông lông phất phơ chứ gì?

Tường lắc đầu.

– Vậy mày có tin tao lột xác chưa?

Tường do dự, rồi thều thào gì đó.

– Mày chưa tin tao là phải. Nhưng rồi mày sẽ thấy. Hãy chờ xem tờ Lập Trường số mới. Qua rồi, cái thời các cô gái tranh đấu với bạo lực mà vẫn có cái cổ cao và áo dài tha thướt. Tao đã thay đổi cách nhìn. Mày sẽ thấy tao nói thật hay là bốc đồng.
Lúc đó Diễm và Quỳnh Như bước vào phòng. Hình như hai cô gái vừa kháo nhau chuyện gì hứng thú lắm, vì khuôn mặt họ đỏ hồng, ánh mắt còn giữ màu vui. Quỳnh Như là người nhà nên tự nhiên cười cợt, nhưng Diễm tự thấy thăm bệnh mà vui quá như thế này thật không hợp. Tuy vậy lúc liếc về phía cái ga- mên sứ có đậy nắp đặt ở bàn cẩm lai thấp bên đầu giường, ánh nhìn của Diễm vẫn không thôi tinh nghịch láu lỉnh. Ngô hỏi em:

– Hai cô đã vét cạn tâm sự chưa?

Diễm không trả lời anh, ngập ngừng một lúc, rồi lấy hơi đánh bạo hỏi Tường:

– Anh ăn uống có bị rát lưỡi không?

Tường lắc đầu. Diễm cười nhỏ rồi hỏi:

– Cháo gà ngon ghê, anh Tường hỉ?

Quỳnh Như bật cười lớn. Ngô ngơ ngác không hiểu, hết nhìn hai cô gái lại nhìn bạn. Bông băng che kín mặt Tường, nên Ngô chẳng hiểu họ đang nói chuyện gì, và phản ứng của Tường ra sao. Chỉ thấy Tường đưa tay phải lên xua nhẹ qua lại trước ngực.

Quỳnh Như bảo Diễm:

– Thôi, đừng chọc người ta nữa. Tội nghiệp!

Diễm thôi cười tuy da mặt vẫn đỏ hồng. Hình như sợ Tường giận, Diễm hỏi anh:

– Mình về chưa anh Ngô? Để anh Tường nghỉ, khuya rồi!

Ngô nhìn đông hồ thấy đã mười giờ rưỡi tối. Ngô nắm tay Tường nói:

– Mai tao rảnh sẽ ghé lại. Chúc khỏe nhé!

Tường cố thều thào được mấy tiếng:

– Cảm ơn. Mày về.

Diễm cũng nói:

– Anh Tường chóng bình phục nhé. Rán ăn cháo gà cho đều, tốt lắm.

***

Ngữ bị cấm trại 100% ớ tiểu khu nên mãi bốn hôm sau mới đến thăm Tường!

Sau biên cố đẫm máu ở thủ đô, nhiều phản ứng dây chuyền ở cả ba phía: Phật giáo, Công giáo và chính phủ đã khiến ở nhiều tỉnh miền Trung , chính quyền phải ra lệnh giới nghiêm và đặt quân đội dưới tình trạng báo động khẩn cấp. Xe bọc thép được điều động đến án ngữ ở các đầu phố chính, gần các trường học, chợ búa, nhà thờ, nhà chùa, tòa hành chánh, đài phát thanh.

Nhiều vụ lưu huyết đẫm máu hơn đã xảy ra ở Sài gòn, lấy cớ từ các xích mích ngẫu nhiên vụn vặt hay các tin đồn nhảm. Chỉ cần có tin đồn một giáo dân ở đâu đó (phần lớn tin đồn xác định nơi ấy là khu các giáo xứ) dám xé cờ Phật giáo hoặc hành hung một thanh niên Phật tử, là ngay sau đó, có ngay nhóm thanh niên cầm gậy gộc dao búa đổ xô về phía ấy để ăn thua đủ.

Hoặc ngược lại, một đứa bé rắn mắt chỉ cần vừa chạy vừa la: “Tụi nó đến! Tụi nó đến!” là các khu Công giáo chuẩn bị chống cự một cách rộn rịp khẩn trương. Cha xứ xăn tay áo chùng đen lên. Bố già nhổ nước bọt vào hai bàn tay để chuẩn bị kéo dây chuông. Súng lớn súng nhỏ được mở khóa an toàn. Ngựa gỗ được khiêng ra chắn đường…

Cũng có những toan tính khiêu khích không ngẫu nhiên chút nào. Ngay buổi tối hôm Ngô, Diễm đến thăm Tường, đã có một cuộc họp bàn cãi sôi nổi xem có nên dùng băng-ca khiêng Tường đi khắp phố Huế để tác động thêm nữa “chiều tất yếu của lịch sử” hay không. May mắn là số người chủ trương ôn hòa trung dung thắng hơn một phiếu, nên Tường mới được nằm yên trên giường nệm tiếp bạn bè!

Nhờ môi và lưỡi của Tường đã bớt sưng nên hai người bạn nói chuyện dài với nhau khá lâu. Ngữ cũng ngồi ngay trên giường bạn. Bộ quần áo bốn ngày đêm chưa thay dính đầy dầu mỡ bụi bặm làm bẩn cả tấm drap trắng tinh mới thay. Nhưng chuyện đó có quan hệ gì! Họ bận nói đến những điều tổng quát, trừu tượng, theo thói quen của những đầu óc lãng mạn ở vào thời điểm nóng bỏng của thời thế. Các vết thương của Tường cũng khiến cho cả hai chân thực, thành khẩn với nhau hơn. Họ dám nói “huỵch toẹt” những gì trước đây họ chưa dám nói, vì lòng tự cao, vì khách sáo, hoặc vì sợ làm buồn lòng nhau. Ngữ bùi ngùi lấy tay ấn nhẹ lên chỗ băng dỉ máu trên đỉnh đầu bạn, ân cần hỏi:

– Mày có thấy đau lắm không?

– Sơ sơ thôi!

– Chắc chắn xương sọ không việc gì chứ?

– Không. Về đây có chụp hình lại… Chính Bác sĩ Chủ tịch xem phim. Vả lại…

– Vả lại thế nào?

Tường cười nh̉ỏ :

– Vả lại nếu bị xuất huyết não hoặc nứt sọ, đến nay tao đâu còn nói chuyện với mày được!

– Ừ nhỉ! Kiến thức y khoa của tao kém quá. Ðó là một cái may hay cái rủi?

– Cái may đấy! Biết nhiều quá cứ lo cho thân thể, phí mất thì giờ đi.

Ngữ cau mày hỏi thẳng:

– Mày có ngụ ý gì không?

Tường vội nói:

– Không. Những gì tao vừa trải qua đã giúp tao thoát xác. Tao tự thấy khá hơn.

– Về điểm gì?

– Về cách nhìn đời! Về lòng chân thực.

Dường như phải cố gắng lắm Tường mới nói được câu đó, vì sau khi nói xong, chàng lấy kính xuống lau. Ngữ kiên nhẫn chờ, vì biết thế nào bạn cũng giải thích thêm về hai câu nói ngắn ngủi. Một lúc sau, Tường đeo kính trở lại, lấy hơi nói tiếp:

– Tao lấy một ví dụ cụ thể. Cách đây ba hôm, nghĩa là ngay bữa tao được chở về đây, Ngô có đến thăm tao.

– Thế à? Hôm ấy tao bị cấm trại.’

– Không. Mày đừng áy náy đã đến trễ. Ta có thể nói chuyện sòng phẳng với nhau. Cách đây
ba hôm, Ngô đến thăm tao. Lúc ấy môi tao còn vều lên như môi dân da đen, lưỡi líu lại vì đau rát nên chỉ biết nghe nó nói. Tội nghiệp, nó xem tao như một anh hùng, hơn thế nữa, một loại thánh tử đạo. Nó bảo tao giác ngộ được nó, tao cho nó thấy lòng đam mê nghệ thuật, nỗi thao thức không phải trước thực tế nhưng trước màu xanh ngọc bích, trước chiếc cổ thiên nga của tố nữ là phù phiếm viển vông, thiếu điều nó hôn lên các vết thương bắt đầu ung mủ của tao. Thú thực trước và sau nó đã có nhiều người nhìn tao như vậy rồi. Nhưng với thằng bạn thân, tao thấy thú vị. Tao hãnh diện nhìn nó như một chân-đạo-sư nhìn tín đồ. Đêm đó, nó về rồi, tao ôn lại những việc đã làm, liền thấy thẹn. Hôm sau nó đến nữa để khoe bức tranh vẽ trong một đêm vừa ráo nước sơn.

– Nó vẽ gì thế?

Tường cười nhẹ, rồi đáp:

– Mày yên tâm. Các cô gái cổ cò bỏ nó rồi. Nó vẽ một thiếu nữ (vẫn thiếu nữ vì chưa bỏ được cái tật mê gái) cổ ngắn, vai mập tròn, mắt long lên, nắm tay phải giơ cao đang hét gì đó. Phía sau là lá cờ Phật giáo đang lộng gió.

Ngữ cười lớn kêu:

– Cái thằng!

– Ừ! Nó chuyển hướng như vậy đấy. Tao muốn nói: “Mày lầm rồi! Tao không phải như mày tưởng, tao chẳng đáng gì”. Nhưng tao nổi ích kỷ, sợ mất cái phần vinh quang đổi bằng máu của mình. Có thể tao còn ê ẩm nói chưa thành tiếng. Nhưng bây giờ, tao thấy rõ hơn hết là tao có thể nói được nếu muốn nói.

– Giả sử lúc ấy mày nói, thì nói cái gì?

Tường ngước lên nhìn bạn, do dự, rồi chậm rải đáp:

– Có thể tao thú nhận chỉ mới là một thằng tập tò học nghề. Tao xin trả vinh quang cho…cho kẻ khác.

– Cho ai?

Tường suy nghĩ một lúc rồi nói:

– Cho tất cả đám đông vô danh còn tin ở cái gì cao đẹp, chân thực. Những gì họ nói với nhau “trọng đại trừu tượng” quá nên cả hai đều thấy khó thở. Súc nặng của từ ngữ và cố gắng đè lên vai họ. Ngữ xúc động trước lòng chân thành của bạn, nên nói:

– Dù sao tao vẫn khâm phục mày!

Tường không dằn được lòng hãnh diện, chồm dậy náo nức hỏi:

– Mày nói thực?

– Phải. Mày hơn tao ở chỗ dám sống các điều đang suy nghĩ hoặc đang tin tưởng.

– Còn mày?

– Tao chưa tin được cái gì lâu bền. Những cái vững tin thì bao quát
trừu tượng quá, như sự hòa điệu của vũ trụ, bản chất cao đẹp của con người, cái rẫy chết tất yếu của giả trá và tàn ác…

– Tao cũng nhận thấy thế!

Họ nhìn nhau, lòng bùi ngùi bâng quơ.

***

Ngữ vừa xuống khỏi cầu thang thì gặp Nam xách cái giỏ đan bằng dây ni-lông mầu đen đi ngược lên. Gặp anh, Nam đỏ mặt lí nhí nói:

– Anh vừa lại à?

Ngữ không ngờ trước nên nhìn Nam lạ lẫm. Chàng hỏi ngớ ngẩn:

– Nam đấy à? Đi đâu đấy?

– Em… em…

– Ba má có ở nhà không?

Nam mừng rỡ nói:

– Anh về trông nhà hộ em.

– Không có ai ở nhà hết à?

Nam càng lúng túng hơn, ê a một lúc mới đáp:

– Ơ… ơ… đáng lẽ em phải lên Văn khoa, nhưng trường cho nghỉ để dự hội thảo. Vừa về nhà, con Quế đã phải đi trả báo.

Ngữ lo lắng hỏi:

– Vậy ai coi nhà?

– Em khóa lại.

Rồi chợt nhớ, nàng lục giỏ tìm chìa khóa. Lúc Ngữ đưa tay nhận chùm chìa khóa, nàng thấy anh soi mói nhìn mình, nên tìm cách hỏi gì đó:

– Anh trực đến nay mới về à?

– Không. Vẫn còn cấm trại. Anh “dù” về một chút, tắm rửa thay đô xong lại vô.

– Hèn chi sáng nay ngả đường nào cũng có lính gác cả. Có chuyện gì thế hở anh?

– Họ chi đề phòng thế thôi. Chưa có chuyện gì đâu.

Ngữ nhìn cái giỏ phồng khá nặng của Nam, ngây thơ hỏi:

– Em vừa đi chợ Ðông ba về à?

Nam giấu cái giỏ sau lưng mình vội đáp:

– Không, em… em…

Ngữ chợt hiểu. Chàng nhìn Nam chăm chú hơn, thấy em có đánh tí phấn, môi ươn ướt vaseline. Chàng bâng khuâng thương em, nhưng vờ nói:

– Thôi để anh về trông nhà cho. Em lên thăm nó một chút, rồi về làm đồ ăn kẻo cá ươn hết!

Nam mừng như được thoát nạn, hấp tấp bước lên thang lầu.

Vì bị cấm trại gần suốt tuần lễ nên Ngữ không biết sáng nào Nam cũng đến thăm Tường. Mỗi lần đến, nàng mang theo một ga-mên cháo nấu với thịt gà hoặc tim cật và vài quả cam. Trong cơn phấn kích cùng tột, Nam quên cả sự e thẹn giữ gìn! Nàng xót xa nhìn Tường bị băng bông quấn kín, lòng đau nhức còn hơn cả nỗi đau nhức của Tường. Mỗi buổi sáng đến thăm, nàng vui buồn theo tình trạng sức khỏe của chàng. Lúc mới gặp Tường lần đầu sau vụ Thanh bồ, nàng nức nở khóc. Nếu không có Quỳnh Như và bà Thanh Tuyến đang bu quanh chàng, rỏ nước mắt thương xót lên thân thể chàng, có lẽ nàng đã bạo dạn đến quì bên giường Tường, ôm lấy bàn tay chàng mà khóc cho thỏa thuê. Nhưng sự đau khổ lặng lẽ e ấp của Nam còn khiến cho Tường cảm động hơn cả những lời than khóc của mẹ và em gái. Sự dè dặt trong vòng chưa được phép làm cho lòng yêu mến của người con gái ấy mang một nét quyến rũ riêng: cách nàng nao nức thèm thuồng đứng từ xa mà chiêm ngưỡng chàng, cách lặng lẽ đến chỗ bàn nước rót cho Tường một tách nước rồi run run kề mạn tách vào đôi môi vều cho chàng nhắp từng giọt, cách dè dặt kéo tấm drap lại cho ngay ngắn mỗi lần có khách thân đến ngồi lên giường thăm hỏi Tường rồi ra về, cách thỏ thẻ lưu ý chàng nên uống thuốc cho đủ liều lượng theo toa bác sĩ, Tường thấy có gì dễ thương quá. Sự săn sóc tế nhị và kín đáo ấy, chàng đã quen thuộc. Gia đình Quỳnh Như cũng quen dần với Nam, sau một thời gian ngơ ngác, cũng xem việc Nam đến và đi, rót nước cho Tường uống, đút cháo cho Tường ăn là điều rất bình thường.

***

Những diễn tiến phức tạp của thời tìm hiểu nhau, do dự ngần ngại hoặc e lệ trước khi dám mon men đến bên nhau để nói được vài tiếng lấp lửng vô nghĩa, rồi từ chỗ đó đến lúc dám cầm tay nhau thốt được hai tiếng “anh em” qua hơi thở gấp, những diễn tiến nhì nhằng ấy Nam vượt qua mau chóng bằng chính lòng yêu thương chân thành. Không ai thấy có gì bất thường. Không ai khinh bỉ hay đàm tiếu gì cả. Quỳnh Như hoặc Diễm có tinh nghịch kháo chuyện với nhau về ga-mên cháo gà đầu tiên, nhưng sau đó, gần như họ quen thuộc với cái ga-mên tráng men mầu nâu mỗi sáng có mặt trên cái bàn thấp gỗ cẩm lai. Có lẽ họ chỉ ngạc nhiên nếu không thấy cái ga-mên đó ở chỗ quen thuộc!

Nam bước vào phòng Tường lúc chàng đang thay áo. Nàng bối rối định quay ra phòng khách nhưng Tường đã gọi:

– Anh thay xong rồi. Nam cứ vào đi.

Nam quay mặt lại, bật cười. Tường ngớ ra hỏi:

– Cái gì thế?

– Anh cài lộn hàng nút.

Tường cúi xuống. Chàng vội quá, cài lộn hạt nút dưới lên cái khuy trên. Nam cảm động khi thấy lúc Tường cúi mặt, cái gọng kính màu đen hiệu Nylor trễ xuống chóp mũi. Nàng nghĩ nhanh trong xót xa: “Anh ấy ốm quá. Có lẽ tại mất nhiều máu”. Lòng thương xót khiến nàng bạo dạn hơn. Nam bậm môi, đỏ mặt đề nghị:

– Ðể em cài lại cho.

Tường lúng túng nghênh mặt lên cho Nam cởi hạt nút cổ, khuôn mặt xương xương xanh xao chợt trở nên bẽn lẽn như đứa trẻ.

– Anh ngửng lên tí nữa. Tí nữa. Gớm, râu anh mọc dài như rễ tre. Anh cần cạo đi không?

Tường xua tay. Nam vội bảo:

– Ấy, để yên cho em cài. Thế thế. Được rồi. Vết bầm trên ngực anh đã tan chưa?

– Khá rồi.

– Anh còn thấy tưng tức như hôm qua không?

– Đã bớt.

– Còn vết thương trên đầu.

– Hình như đã khô lại. Chỉ lâu lâu thấy ngứa. Hình như nó bắt đầu bắt da non thì phải.

– Hay ung mủ trở lại?

– Không đến nỗi đâu. Nếu thế, anh đã bị sốt.

– Anh ăn cháo nhé?

Tường không dám nói mình vốn ghét ăn cháo. Chàng chỉ bảo:

– Nam để đó. Chờ bớt no đã. Buổi sớm Như nó vừa pha cho anh ly sữa lớn chừng này này.

Nam bật cười vui vẻ, vì khi Tường nói ba tiếng “chừng này này”, gương mặt chàng hết sức trẻ con. Tường không muốn được săn sóc âu yếm quá, hỏi sang chuyện khác:

– Mấy bữa nay trên Văn khoa có gì lạ không?

Nam liếng thoắng đáp:

– Hội thảo liên miên. Tên anh được nhắc đi nhắc lại mãi, anh nổi tiếng như cồn. Báo chí Sài gòn cũng nhắc tới nữa.

Tường e ngại hỏi:

– Họ nói gì thế?

– Mỗi phe nói một cách. Báo Công giáo tả anh như một thứ Anti – Christ. Báo Phật giáo đưa anh lên thành anh hùng. Báo thân nhà nước lên giọng khuyến nhủ, bảo coi chừng Cộng sản lợi dụng.

– Họ có thái độ gì rõ chưa?

– Anh hỏi ai?

– Mấy ông tướng cầm quyền?

– Chưa. Hình như họ còn chờ xem. À, có viện trưởng mới rồi đấy!

Tường đã biết tin này, nhưng cứ vờ kinh ngạc cho Nam vui lòng:

– Thế à! Việc gì phải đến đã đến. Văn khoa có thay đổi gì không?

– Em chưa thấy. Chỉ nghỉ liên miên vào giờ của các cha. Kể cũng tiện, vì có giờ rảnh tổ chức hội thảo bỏ túi. Em chẳng hiểu năm nay thi cử ra sao!

Tường nới:

– Chắc không thi được đâu.

– Em lo lắm!

– Sao thế?

Nam ngậm ngùi đáp:

– Anh tính, trễ một năm, em trễ mất thời gian có thể kiếm tiền giúp ba.

Tường vội hỏi:

– Thầy vẫn đi dạy đều chứ?

– Vẫn thế. Nhưng có lãnh lương trường tư được đâu. Học hành thế này, học trò đâu chịu nộp học phí.

Lần đầu tiên Tường nhớ đến hệ lụy của tình thế đối với gia đình vừa đủ ăn như gia đình thầy Văn. Chàng lúng túng muốn tìm một lời phân bua nhưng tìm mãi chưa ra. Cuối cùng chàng nói:

– Chắc xáo trộn không lâu đâu. Thế nào rồi đâu cũng vào đó.

Nam hoài nghi hỏi:

– Anh tưởng thế?

***

Họ cũng nhìn thấy vẻ gượng gạo của nhau. Nam liếc nhìn cái đồng hồ Odo treo trên tường, kêu lên:

– Chết mất. Đã mười giờ rồi. Em xin phép về coi nhà cho anh Ngữ trở về trại.

Nhớ đến Ngữ, Tường càng hoang mang hơn. Nam đi rồi, chàng nằm suy nghĩ lan man không dứt.

Chàng ái ngại thấy mình đang dấn mình vào một cuộc chơi thiếu sòng phẳng với bạn. Chàng yêu Nam thành thực chăng? Tường chưa dám xác quyết. Không phải chàng dửng dưng trước sự săn sóc ân cần của Nam. Niềm vui náo nức làm cho mỗi ngày mới đến với chàng có ý nghĩa là chờ đợi tiếng guốc thong thả quen thuộc của Nam gõ đều dưới cầu thang. Chàng nhận ra tiếng guốc ấy dễ dàng vì nó khác với cách đi của mẹ và em gái chàng. Quỳnh Như ít khi đi chậm, nên tiếng guốc lóc cóc nhịp nhanh. Dáng người mập mạp và tuổi già khiến mẹ chàng bước chậm và nặng.

Chỉ có Nam là bước được những bước đều đặn, thong thả, vừa e dè ngượng ngùng vừa náo nức e ấp, bước thì muốn vội nhưng dường như gót chân sợ đau đến mặt gỗ và tiếng động đánh thức lòng e lệ. Những ghi nhận tỉ mỉ ấy, cộng với nỗi náo nức đợi chờ đã đủ thành bằng chứng của tình yêu chưa? Tường thành thực đáp với mình: Có lẽ chưa. Chàng lo ngại nhận thấy sức khỏe càng bình phục thì sự xúc động của chàng mỗi khi gặp Nam càng giảm. Dường như mỗi ngày lòng chàng càng bớt mẫn cảm hơn, bù vào đó, chàng háo hức tò mò muốn biết những điều khác: Các cuộc hội thảo, những đêm không ngủ, nội dung các bản tuyên cáo mới, bình luận của báo chí Sài gòn, phản ứng của tiểu khu, tin mới loan của đài BBC, VOA, Hà nội, Bắc kinh, Mạc tư khoa. Chàng sợ mình làm thất vọng một người con gái đáng yêu nhất trong những người con gái chàng biết trên đời, và làm buồn lòng vị thầy khả kính nhất của các vị thầy khả kính.

_______________________________________

Chương 10

Ở cái thành phố cổ kính chuyên giấu nhẹm sự thực lộ liễu sau những khóm cây rậm lá ở các khu vườn chăm sóc công phu, sau tà áo dài kín đáo của từ chị bán quà rong cho đến cô thiếu nữ mới lớn, sau cái vẻ tề chỉnh vừa lỗi thời vừa mang sắc thái phong lưu tỉnh lẻ, sau giọng nói trọ trệ quen đĩnh đạc trầm bổng của kẻ sai khiến, thì khu Lạc sơn bên hông chợ Đông ba là chỗ thoát hơi của một nếp sống trì trệ khép kín.

Sở dĩ gọi là khu Lạc sơn vì cái tên quán cà phê kiêm quán nhậu mở ở kiosque cất sát lề đường Trần Hưng Đạo. Khách du lịch từ Sài gòn Ðà nẵng ra có thể cảm thấy lạc lõng ở khu lăng tẩm, buồn chán ở khu hành chánh giáo dục ở hữu ngạn sông Hương, bơ vơ giữa các công viên tuyệt đẹp mà vắng người nằm suốt bên bờ dòng nước lặng lờ. Họ nhớ cái rộn rã của Đà Nẵng Sài gòn như nhớ thuốc lá. Người chịu chơi ở Huế có thể dẫn họ ra khu Lạc sơn được lắm. Lạc sơn là một mảnh của khu Chợ Cũ Sài gòn thu nhỏ. Sở dĩ như vậy là nhờ địa thế thuận lợi : phía trước là phố chính Trần Hưng Đạo, phía sau là chợ Đông ba. Bên tay trái là bến xe Huế-Ðà nẵng. Khách lạ tấp nập lên xuống ở khu vực này nên quán cóc nhỏ nhưng lại có sức thu hút mạnh và mãi lực cao. Lúc nào quán cũng đông nghẹt. Cà phê hủ tiếu hoặc cà phê bún bò, cà phê phở cho buổi điểm tâm. Buổi trưa có cơm cà ri bán từng dĩa cho người vội. Rộn rịp nhất là buổi chiều. Khoảng bốn giờ chiều, các sạp vải và hàng trái cây quanh đó đã dẹp hết, chừa lại một khoảng đất rộng trải xi măng từ lề đường vào đến chợ Đông ba. Đủ thứ hàng quán được đẩy trên xe lăn đến để chờ khách nhậu. Nem, chả, bánh cuốn, mì xào dòn, phá lấu, hoành thánh, gà xé phay, vịt tiềm, gỏi cá. Bàn ghế gỗ thấp và gọn bày la liệt. Ngồi chỗ nào cũng được.

Vừa yên vị, đã có không biết bao nhiêu người bán hàng đến tận chỗ lễ phép chào mời. Rượu thì đã có quán Lạc sơn cung cấp. Ngồi ở đây, nếu không ngoái cổ nhìn về phía cầu Trường tiền hoặc lắng tai nghe giọng nhỏ nhẻ trầm bổng của các bà nội trợ Huế, người ta dễ có ảo tưởng đang ngồi nhậu ở một vỉa hè nào đó khu Nguyễn Tri Phương Chợ Lớn hoặc khu Dakao Sài gòn.

Những gì Huế giấu sau các màn trúc ám khói đều được phơi bày ở đây: những người cùi không còn sợ lở giơ vết thương lầy lụa đe khách nhậu để vòi tiền, những thương phế binh cụt cả hai chân mặc đồ trận lếch đến từng bàn sừng sộ đòi rượu, những chị ăn xin áo rách giơ cả đôi vú mướp nhão nhoẹt, những đứa bé bụng ỏng ghẻ hờm hôi hám, những gái chơi hành nghề trên đò vừa ngáp dài vừa hút thuốc cẩm lệ bên tách cà phê nguội lạnh, và nhiều nhất là những lính loại dữ như nhảy dù, biệt động quân, biệt kích, thám báo vừa thoát chết ở một khu rừng phía Bắc nào đó trở về. Gia đình có nề nếp khuyên con gái có đi phố đừng bao giờ nên lơ đễnh bước chân qua khu Lạc sơn. Thầy giáo (trừ các thầy giáo ở xa đến đây chấm thi) không dám đến đó ăn phở. Học trò, nếu muốn sau này thành tài lấy vợ Huế, đi ngay không dám dừng chân. Lạc sơn, cái Núi Vui ấy sừng sững trơ trẽn giữa thành phố lặng lẽ cả thẹn như một cục bướu trên thân thể mảnh mai của tiểu thư sông Hương. Món ăn thức uống bán ở đây ngon thật. Khách lạ đến Huế đừng dại gì phí tiền ở các hiệu ăn sang trọng đường Phan Bội Châu hoặc trước cửa Thượng Tú. Chịu khó thì nhờ thổ công địa phương dẫn đến những cái quán tranh nép khiêm nhường dưới một gốc trúc ngoại ô, ở đó mỗi quán chỉ bán độc có một món, và phải chờ đợi thật lâu: Bánh bèo Vỹ dạ, bún bò mụ Rớt Gia hội, bánh khoái Ðông ba, hoành thánh Đông sơn… Giá thật rẻ, nhưng khách vội ít thì giờ thì không nên thử. Quán bán hàng mà không khí y như một nhà quan thất thế dành mở thêm nghề phụ để mưu sinh. Khách đến không được chiều đãi đon đả như ở Chợ lớn. Chủ có cái tự cao của gia thế, và việc mở quán dường như là điều tủi nhục chung cho giòng họ. Khách được họ hạ cố bưng dĩa bánh khoái đến tận tay là một hân hạnh nghìn năm một thuở. Cô gái dọn bàn nào cũng có nét mặt điềm nhiên lạnh lùng của một nàng công chúa xuất cung.

Cụ già ngồi hút thuốc lào bằng cái bình Giang tây kia có thể là một ông hoàng từng lên xe xuống võng. Người đàn bà lui cui hấp bánh có thể là một hoàng phi. Nếu tưởng tượng được như thế và đủ sức luyến tiếc thời phong kiến hoàng kim thì hãy đi ăn ở các quán đặc biệt ấy.

Nếu không, đã là khách lạ, cứ đến khu Lạc sơn! Nói cho hết thì không phải lúc nào ăn nhậu ở đây cũng khoái khẩu. Đồ nhấm luôn luôn thơm tho, béo bổ và giá phải chăng. Nhưng đây là chỗ tụ tập những hạng người Huế muốn giấu, nên đôi lúc đang ăn, khách phải lợm giọng nuốt không nổi miếng thịt quay nhai dở. Ăn mày ở khu Lạc sơn đông đến nỗi chỉ ngồi chừng năm phút đã có bảy, tám người rách rưới bẩn thỉu đến chìa tay xin tiền. Gặm một miếng xí quách vừa vứt đi, đã có bốn, năm đứa trẻ đánh đấm nhau để lượm lên gặm. Ăn bát mì chưa hết đã có ba, bốn ông lão cầm lon chờ sẵn để tranh nhau chút nước lèo thừa. Lính biệt kích đánh lộn với nhau đạp bàn đổ ghế, có thể làm tung tóe thức ăn lên đầu bạn! Ðấy, thú vui trần tục và niềm ân hận của Huế, tiếng gào thét điên cuồng và hơi thở dài của Huế!

***

Một hôm trên đường đi dạy từ Quốc học về nhà, ông Văn bắt gặp một đám đông khác thường ở khu Lạc sơn. Lúc ấy khoáng năm giờ chiều. Ông dạy mệt nên muốn đạp xe nhanh về nhà để nghỉ một chút và nuốt nổi bát cơm chiều. Ông không muốn dừng lại ở cái chỗ tai tiếng ấy chút nào. Nhưng không hiểu sao tuy đã đi quá chỗ đông đúc, tự nhiên bàn chân trên pédale của ông khựng lại. Hình như ông mỏi rã đến nỗi không đủ sức ấn gót giày lên bàn đạp nữa. Ông dừng lại, ngơ ngác. Vài người đi ngược chiều từ khu Lạc sơn xuống cầu Gia hội xôn xao bàn tán với nhau. Ông nghe loáng thoáng mấy câu:

– Ớn quá! Không biết ông nội ấy con cái nhà ai!

– Ban đầu tao tưởng thứ gì. Sau biết ra, mới bật ngửa.

– Bà bán nem đái cả ra quần, mày thấy không?

– Vậy mới là dân chịu chơi. Chết thì thôi, sá gì?

– Dám được cả tá lắm đấy!

– Không biết nó làm một mình hay có bạn bè tiếp tay!

Ông Văn không dằn được tò mò, nhấc chiếc xe đạp lên lề đường, dắt ngược về hướng Lạc sơn. Một cụ già mặt mày thất sắc vừa đi vừa ngoái nhìn phía sau xô cả vào người ông Văn. Ba đứa trẻ ăn mày chạy ùa về phía trước xô ngã chiếc xe của ông. Tiếng bàn tán cứ mù mờ. Ông chận vài người lại hỏi. Họ nhìn ông như đo lường trước sức chịu đựng, rồi bí mật bảo:

– Lại đó mà coi cho sướng mắt.

Không khí bí mật chẳng khác đi xem thơ Trạng Quỳnh. Ông vất vả lắm mới vừa chen được cả người lẫn xe đến gần đám đông. Trước mặt ông chỉ toàn lưng với lưng. Ông hơi nản, thầm nghĩ: “Chắc lại là một thứ kỳ quan ô nhục của Huế nữa đây. Chị điếm già ế khách bến Thương bạc lên cơn động kinh? Một anh cùi xin tiền không được quẹt cả cùi tay lở vào mặt khách nhậu? Một cụ già ăn xin say rượu? Một con điến cởi quần đứng tô hô giữa chợ? Cái gì thế? Chắc chắn là một “điều ân hận” cho Huế, nhưng là thứ gì?

Ông không thể thua cuộc nửa chừng! Bậy nhất là vướng víu cái xe đạp! Lúc ấy có ai từ phía sau đẩy cái vè xe thật mạnh, làm ông ngã chúi vào vòng người xây bằng lưng áo. Nhiều tiếng la tiếng chửi nổi lên. Vòng vây hở ra một chút, đủ để ông Văn nhận diện được “nỗi ân hận” của Huế.

Ông lặng người sững sờ! Ông có lú lẫn không đây? Tuy phải gào thét suốt ba giờ cho át tiếng ồn của lũ học trò chán học và mê biểu dương lực lượng, nhưng mắt ông chưa đến nỗi lòa. Ông Vẫn trông rõ. Phải, thằng con trai mặc đồ rằn ri tóc dài phủ ót đang say rượu làm trò cười cho thiên hạ kia chính là Lãng con ông. Nó về hồi nào? Và nó đeo thứ gì trên cổ thế kia.

Một người nào đó nói nhỏ, như sợ Lãng nghe thấy:

– Giống xâu nấm mèo quá hỉ! Phải trên ba mươi cái tai người mới xâu dài được chừng ni hỉ!

***

Ông Văn choáng váng, tay thả ghi-đông chiếc xe đạp. Trước mắt ông, những tấm lưng áo khét nắng dỉ mồ hôi quay cuồng. Chân ông bủn rủn. Ông ngã xuống đất lúc nào không hay. Đến khi có tiếng cười ồ và vòng vây quanh Lãng nới rộng ra để tránh một trò tinh nghịch nào đó của thằng lính say, mọi người mới biết mình suýt dẫm lên người một ông già phờ phạc mất trí.

Họ chở ông Văn bằng cyclo về nhà, khi Lãng vẫn còn say sưa!

Ông Văn không dám nói thật với vợ và con gái những điều đã thấy. Ông nói dối mình mệt quá phải dừng lại nghỉ trước quán Lạc sơn, đúng lúc chứng kiến cảnh cậu con trai út say rượu.

Bà Văn không lo ngại gì cho con, chỉ xuýt xoa lo cho chồng. Bà pha nước chanh cho ông uống, nặng lời mắng nhiếc “bầy thú trước bảng đen” từng làm mòn mỏi sinh lực người chồng yêu quí của bà. Bà còn giận lây đến những kẻ gây xáo trộn làm hao hụt ngân quỹ gia đình của bà, và bây giờ làm chồng bà phải gào thét đến ngất xỉu.

Ông Văn giấu không cho Nam biết rõ, chỉ sai con gái:

– Lên Lạc sơn gọi nó về đây cho tao!

Nam đoán Lãng đã làm điều gì ghê gớm lắm, vì ít khi cha nàng xưng mày tao với con cái. Thấy con e ngại phải đến cái chỗ đáng xấu hổ ấy, ông quát:

– Sao còn đứng đó?

Nam vội lấy xe đạp lên khu Lạc sơn. Đến nơi, nàng chỉ dám đứng bên này đường Trần Hưng Đạo lóng ngóng nhìn qua. Phía bên cái quán cóc đám đông vẫn còn đó, nhưng mọi người di tản ra thành nhóm hai nhóm ba người chứ không vây quanh vào một mục tiêu cố định. Nam đoán có lẽ bạn bè của Lãng đã dìu nó đi chỗ khác. Nàng định ra về thì có một chị đàn bà từ phía dưới cầu Gia hội hớt hải chạy lên hỏi:

– Cô có thấy xe nhà thương chở nhà tôi về ngả nào không cô?

Nàng ngạc nhiên hỏi:

– Người nào bị thương?

Chị đàn bà mếu máo nói:

– Không biết có phải ba thằng Lẫm không. Chiều nào ổng cũng đạp cyclo lến Lạc sơn chờ khách, rồi lấy tiền đi nhậu luôn cả đêm. Nghe nói thằng lính say đeo xâu tai người rút dao đâm một ông phu cyclo trúng bụng. Không biết có phải ba thằng Lẫm không?

Một người qua đường biết chuyện chen vào nói:

– Xe quân cảnh chở thằng lính say đi rồi.

Chị đàn bà hấp tấp hỏi:

– Còn người bị thương? Còn ba thằng Lẫm nhà tôi?

– Tui chẳng biết Lẫm Liết gì hết. Chỉ thấy người ta lo ó vang trời: “Nó giết chết ổng rồi! Kêu quân cảnh mau”. Một lúc sau xe quân cảnh tới, rồi xe bệnh viện.

Chị đàn bà hết kiên nhẫn, băng qua phía Lạc sơn để tìm hỏi người khác. Nam hỏi người đi đường:

– Ðầu đuôi ra làm sao hở bác?

– Tui chẳng rõ. Lúc tui tới họ đã chở nó đi rồi. Nghe nói nó vừa đào ngũ về, nhậu say đem xâu tai người ra hù bà bán nem rồi cười.

Nam thầm chắp vá các mảnh “nghe nói” lại và nàng xanh mặt hãi hùng. Nàng hiểu vì sao ông Văn ngất xỉu phải chở về nhà bằng xe cyclo, và vì sao đột nhiên ông xưng mày tao với con cái. Nàng đứng dí một chỗ, tay chân tự nhiên run lẩy bẩy. Nam thầm thì:

– Mô Phật! Sao nó dám làm thế! Ai bày vẽ cho nó cái trò ghê tởm? Ai xúi giục nó, thằng con hoang không bao giờ biết mệt! Mô Phật! Xin Ðức Phật Bà Quan Thế Âm cứu nó ra khỏi biển trầm luân. Nước mắt Nam chảy dài trên má. Tại sao những “người thân” của nàng gặp hết tai ương này đến tội nghiệt khác. Tường còn nằm đó như nạn nhân của bọn ác, còn Lãng thì trở thành một tên giết người. Nghiệp chướng của gia đình mình đây sao? Trở về nói gì với ba má bây giờ? Nàng sợ phải làm cái nhiệm vụ báo tin dữ và chứng kiến khuôn mặt hãi hùng đau đớn của mẹ. Xin Đức Quan Thế Âm giúp cho con thêm can đảm!

Nàng không về nhà ngay. Xuống khỏi cầu Gia hội, nàng rẽ vào chùa. Sư bà tiếp nàng ở nhà hậu. Sư bà dịu dàng gọi pháp danh của Nam hỏi:

– Có việc gì lên chùa tối vậy Diệu Hạnh?

***

Nàng đã quì xuống ôm gối Sư bà khóc nức nở. Nàng vừa gạt nước mắt vừa kể giữa những tiếng nấc nỗi xót xa khi thấy Tường thân thể bầm dập dưới đòn hội chợ, rồi chưa kịp mừng vui, nàng lại phải chứng kiến cái tội nghiệt tày trời của đứa em hoang đàng. Kiếp trước con đã làm nên nghiệp chướng gì để kiếp này con khổ đến thế này? Càng kể lể nàng càng thấy mình phải làm điều gì đó để chuộc lỗi cho cả gia đình, để gieo mầm phúc cho quãng đời còn lại.

Chỉ một mình nàng đầy đủ đức hỉ xả và hy sinh để làm chuyện ấy! Cha mẹ nàng đã khổ cực suốt đời để nuôi nấng dạy dỗ anh em Nam. Anh Ngữ làm trai bận bịu cái nợ lính. Con Quế bộc tuệch chưa hiểu thế nào là nhân là quả, là họa,“là phúc của lẽ đời. Lãng gây tội nghiệt đến mức ấy! Ðiểm lại một vòng , chỉ còn nàng có đủ cơ duyên tạo phúc cho cả nhà. Nàng ngây ngất với ý tưỏng làm kẻ hy sinh cho hạnh phúc người thân yếu. Nam run run thưa với Sư bà:

– Con xin thí phát để cúng dường chư Phật, xin chư Phật thấy rõ lòng thành của con để cứu thoát em con ra khỏi biển trầm luân!

Nam về nhà khoảng chín giờ tối. Ngữ đã biết tin dữ liền chạy lên tiểu khu nhờ bạn thân bên quân cảnh hỏi cho rõ sự việc rồi mới tính cách gỡ. Mẹ nàng đang nằm thiêm thiếp rên rỉ như người hấp hối. Bây giờ chính ông Văn lại tìm các cớ vu vơ để thuyết phục vợ tin rằng có thể có sự lầm lẫn nào đó. Hai vợ chồng thấy Nam trùm tấm khăn nâu, ban đầu ngơ ngác không hiểu gì. Khi hiểu, bà Văn ôm Nam khóc nức nở. Ông Văn thì bậm môi lại, mắt nhìn lên trần nhà để cố ngăn những giọt lệ!

***

Ngữ mất cả buổi tối mới biết đại khái đầu đuôi câu chuyện. Tiểu đoàn Dù của Lãng vừa thất trận ở vùng rừng phía tây Ái tử nên đám tàn quân vừa thoát chết được chở về Ðông hà chờ bổ sung lực lượng. Đây là trận đầu của Lãng, và những gì cậu trải qua hãi hùng quá, hãi hùng hơn trí tưởng tượng dựa theo các phim chiến tranh và phim cao bồi Lãng được xem ở Huế nhiều. Trong phim tuy nhân vật chính là bọn cướp giết người không hề nhíu mày, nhưng trước khi dẫn nhau ra đường đấu súng với nhau, giữa thanh thiên bạch nhật, lão chủ quán rượu béo phệ còn có thì giờ thu lại chai rượu thừa và nhận đủ tiền rượu, anh Do thái mũi khoằm chủ tiệm hòm còn thì giờ chùi bóng hàng hóa chuẩn bị xuất kho. Giờ lâm tử được báo trước bằng điệu nhạc dồn dập chát chúa tiếng thanh la hoặc mấy phút yên lặng nghẹt thở. Lãng cũng cầm súng quyết đấu, nhưng kẻ thù không hiện diện rõ ràng. Rừng dày âm u. Muỗi vắt. Đói khát. Bãi đấu không được phát quang và vào những lúc bất ngờ nhất như dừng chân lại thở hoặc ngả lưng chờ cho gô nước sôi pha trà uống thuốc sốt rét, đột nhiên tắc cù một phát. Một “con” ngã. Thân thể oằn lên một cái, tay chân co giật chút xíu, rồi hết. Không có nhạc dạo mà cũng không có chuông chiêu hồn. Lãng thất vọng não nề, oán trách bọn làm phim lưu manh chuyên dụ dỗ con nít vào những cuộc thanh toán hấp dẫn. Hành quân liên tiếp hai tuần lễ mà chưa bao giờ tiểu đoàn Dù của Lãng tận mặt nhìn thấy kẻ thù. Giá chúng chịu theo đúng luật giang hồ, gửi thư hẹn giờ ở bãi đất trống, rồi hai bên theo từng đôi một mang súng Colt-12 và K-54 hiên ngang bước ra khỏi rừng, một bên bập điếu Tam Đảo một bên bập điếu Ruby Quân tiếp vụ, đến cách nhau khoảng bốn mươi thước thì dừng lại. Khẩu K-54 kềnh càng kéo trễ cái nịt nhựa mầu nâu hiệu Trung cộng. Khẩu Colt-12 bám chặt vào đai nịt Mỹ. Hai bên nhìn nhau chờ phát súng lệnh, hai bàn tay nắm chặt vào thắt lưng. Rồi giờ phút nghiêm trọng đến. Hai phát súng nổ nhưng chỉ có một cái xác ngã xuống. Giá được như thế thì Lãng đâu có đào ngũ. Cuộc chiến tranh ngoài đời chán phè, khổ như chó mà chết lảng nhách. Về Đông hà, Lãng dốc hết túi uống rượu, rồi lận súng lục vào lưng dù về Huế. Một ông bạn nhậu mới quen ở quán rượu Đông hà biếu xâu tai người phơi khô cho Lãng làm bùa. Hắn hứa lần sau nếu chịu chi cho hắn nhậu một bữa đã thật đã như hôm nay, hắn sẽ biếu cho một cái mật Việt cộng. Lãng khâm phục ông bạn mới ra mặt. Ðây rồi. Đúng là trang hảo hớn cở Steve McQueen hay Charles Bronson trong phim Mỹ.

Lãng đeo xâu tai người dưới lần áo mai-dô bẩn, thú vị vì cảm giác nhột nhạt mỗi lần cúi xuống bị xâu tai khô cọ nhẹ vào da ngực. Lãng ngây ngất khi chợt nghĩ lúc nào cũng có mười lăm kẻ vô danh áp tai lên ngực lắng nghe nhịp đập trái tim mình. Có lẽ những chàng cao bồi Mỹ đứng trước kẻ thù chưa bao giờ được hưởng cái cảm giác kỳ lạ thần bí như Lãng được hưởng.

Về đến Huế, trong túi Lãng không còn một xu. Cậu vừa mệt, chán, lại vừa thèm rượu. Qua khu Lạc sơn, Lãng ngập ngừng. Một phần vì không biết phải giấu xâu tai người ở đâu trước khi về nhà, một phần vì mùi nem nướng bốc lên ngào ngạt thơm tho. Lãng muốn xài cái xâu tai khô lần cuối trước khi vứt xuống gầm cầu Gia hội. Cậu gọi nem lu bù, rượu bia uống tì tì hết chai này đến chai khác. Lãng cần say để đủ bạo trả tiền nem và rượu bằng thứ tiền đặc biệt.

Lãng say mèm nên thay vì chỉ cởi nút áo rằn ri ra lấy xâu tai dọa chị bán nem rồi bỏ đi (như các bạn của Lãng trả tiền rượu bằng cách bỏ lọt trái lựu đạn vào đáy cốc), cậu lại mang lủng lẳng xâu tai khô để bô lô ba la làm hề. Ông Văn bắt gặp Lãng đúng vào lúc Lãng đang chọc cười thiên hạ bằng cái trò chơi lạ mắt ấy. Ông về rồi, thì có một bác cyclo giàu Phật tâm bạo gan bước đến lên lớp cho thằng say một thôi dài. Lãng nghe tiếng được tiếng mất. Bác phu cyclo trỏ xâu tai người bảo làm như vậy là gieo mầm ác cho cả họ. Lãng lại tưởng ông ta định cướp của quí của mình. Từ lúc Lãng rút dao cho đến lúc bác cyclo ngã xuống vì bị đâm chếch một nhát vào bả vai, có lẽ không được vài cái tích tắc.

Ngữ thu thập được bấy nhiêu dữ kiện nhờ người bạn tối hôm ấy trực tại phòng quân cảnh tư pháp. Lãng giã rượu ngay từ khi bị xe quân cảnh hốt chở về đồn, và cậu đổ mồ hôi run lập cập khi nhớ lại những điều đã làm. Lãng vừa khóc vừa khai hết, không giấu diếm điều gì. Lãng còn năn nỉ anh quân cảnh thụ lý hồ sơ xin đừng báo tin cho gia đình biết chuyện ô nhục. Lãng rối rít nói:

– Em lạy anh. Anh cứ đánh em đi, cứ còng cả hai chân hai tay em rồi bỏ đói em đi. Nhưng em lạy anh, đừng cho ba má em biết. Em lỡ dại lần đầu!

Người bạn của Ngữ cũng cho biết trường hợp của Lãng sẽ rắc rối. Bộ chỉ huy lực lượng Nhảy Dù đặt tại Sài gòn, và tiểu đoàn của Lãng chỉ là một đơn vị đặc nhiệm được tăng phái cho quân đoàn Một để thi hành nhiệm vụ đặc biệt. Theo qui chế quân pháp, phải thông báo cho đơn vị gốc của Lãng, rồi sau khi lập hồ sơ ban đầu, phải chuyển hết các giấy tờ về Sài gòn cho Nha Quân pháp, và nếu cứ theo thủ tục thông thường, binh phạm không còn ở quân lao Huế được bao lâu nữa. Lãng lại phạm nhiều tội một lúc: phạm quân kỷ về tác phong, đào ngũ, và cố ý đả thương (may mắn là chưa trí mạng). Hình luật dự liệu án phạt tối thiểu hai năm, tối đa có thể đến hai mươi năm khổ sai hoặc chung thân. Cái kẹt cho Lãng là cuộc hành quân chưa chấm dứt, cho nên tội đào ngũ trở nên trầm trọng. Đào ngũ giữa lúc chiến đấu, ai cũng biết, có thể bị xử bắn tại mặt trận.

Ngữ nghe người bạn rành luật pháp nói xong, lòng cứ bàng hoàng. Cái khó cho chàng là khả năng giao tế của Ngữ kém quá. Chàng biết đó là một khuyết điểm lớn lao khiến nhiều lúc thay vì thong dong đi theo lối tắt, chàng phải tháo mồ hôi leo lên cho hết cái bậc thang của cổng chính. Chàng đã trải qua nhiều kinh nghiệm nên không có ảo tưỏng hoặc lầm lẫn chút nào về việc đó. Cùng một công việc, với cùng một số điều kiện hạn chế, bạn chàng giải quyết sao mà dễ dàng! Giải quyết khơi khơi như đi dạo phố chiều thứ bảy. Nội khuôn mặt tươi vui và cách pha trò lém lỉnh của bạn chàng đã đáng đồng tiền rồi. Họ đi đâu cũng tạo cho bối cảnh chung quanh sự thoải mái, buông thả, gần như không có điều gì là quan hệ trên đời nữa. Họ rút thuốc mời anh lính gác, khen cậu ta đẹp trai dù nước da cậu đen như cột nhà cháy. Rồi vỗ vai gọi “cưng” ngọt xớt. Cậu lính gác dẫn bạn chàng đi một lúc, chưa đầy mười lăm phút sau, bạn chàng đã bá vai ông chức sắc liên hệ, “toa toa moa moa” dẫn ra quán cà phê trước công sở rồi. Cuộc thương lượng ngã ngũ ngay buổi chiều ở quán nhậu, với một giá tiền rẻ bằng nửa giá tiền xe đi về để Ngữ nghiêm chỉnh đàng hoàng giải quyết theo lối cửa chính.

Nhiều lần suy nghĩ, Ngữ nhận thấy cái thất bại lớn nhất của đời chàng, là chàng nghiêm chỉnh quá. Gương mặt chàng đáng lý phải mang kính trắng như Tường, nghề nghiệp chàng phải là nghề giáo như Tường. Khuôn mạt già trước tuổi ấy thật xứng đôi với bộ đi chậm rãi trầm tĩnh. Ngữ ít cười, thật bậy! Không phải chàng không tìm ra cái đáng cười trên đời. Ngược lại, căn cứ vào vài cái truyện ngắn chàng đăng trên báo Sài gòn, nhiều nhà phê bình tiên đoán chàng sẽ tiến xa nếu chịu theo thể loại châm biếm, hoạt kê. Nhưng Ngữ không dễ dãi trong cách cười cợt. Chàng thấy trong hầu hết trường hợp, các bạn quảng giao của chàng cười một cách lãng xẹt, cười thật vô duyên, đó là chưa kể những cái cười nịnh, cười ruồi, cười cầu cạnh, cười vuốt đuôi. Chàng cũng nghiêm chỉnh trong cách đánh giá người lạ. Khi chưa quen biết nhiều (mà Ngữ thường đưa tiêu chuẩn: phải “quen” người ít ra là năm, sáu năm mới thực sự “biết” họ), Ngữ cho mọi người đều đáng trọng, đáng kính nể về tài năng, đạo đức. Nếu như vậy, làm sao dám hạ thấp người ta khi đem một chầu cà phê, một bữa nhậu ra làm quà lót đường cho được việc! Người ta nắm quyền hành, lâu nay tiếp xúc quá nhiều hạng người đến cầu cạnh, người ta có mù đâu mà không biết anh định nhờ vả điều gì. Chưa nhờ vả mà đã “đấm mõm” người ta bằng ăn uống thô tục, thật quá lắm! Ở trường hợp Ngữ, nếu ai la cà đến gần chàng nhờ vả theo kiểu đó, nhất định chàng sẽ lừ mắt rồi đấm một quả vào cái mồm ba hoa thô tục ấy. May mắn cho đời là Ngữ chưa làm được chức gì có quyền để có người nhờ vả!

Lâu nay Ngữ chỉ nhờ vả người khác theo lối chính thức, với cái lưng thẳng và đôi mắt nghiêm trọng. Người ta lễ phép nghiêm trang tiếp chàng, lễ phép nghiêm trang nêu ra một số nguyên tắc bất khoan nhượng và rất nhiều khó khăn về thủ tục, rồi lễ phép nghiêm trang cho chàng một giấy hẹn. Hôm sau đúng hẹn đến, lại được một người nhã nhặn xin lỗi rồi đưa một lời hẹn khác.

Cho nên Ngữ rất ái ngại khi thấy ông Văn đặt hết tin tưởng vào đứa con trai nhà binh. Khi biết rõ tự sự, hai ông bà tìm được một cái cớ để xoa dịu nỗi đau và lo:

– Cũng may không phải chính nó đi cắt được chừng ấy cái tai người. Người ta cho nó thôi.

– Nó trẻ con ham lạ nên mới dại dột. Bản tính Lãng không đến nỗi thế!

Rồi ông Văn moi óc tìm ra được nhiều kẽ hở của vụ án để len lén qua mặt pháp luật: nào Lãng bỏ về Huế lúc đơn vị đã rã hàng và đang chờ bổ sung quân số, nghĩa là không phải lúc đang mặt đối mặt với quân thù; nào Lãng chưa đủ mười tám tuổi nên không thể dựa vào các luật lệ xử cho người lớn; nào bác cyclo chỉ bị thương nhẹ ở bả vai, vết thương sâu không quá một phân và nếu chịu khó thương lượng, gia đình ấy có thể bãi nại với điều kiện… Ngữ đem các lời của cha đi hỏi người bạn quân cảnh. Anh cử nhân luật bị động viên lại biểu diễn kiến thức uyên bác bằng cách dẫn chứng một lô án lệ của tòa quân sự mặt trận vùng Một, vùng Hai, vùng Ba, vùng Bốn. Ngữ chán nản ra về, tuy vụ tai tiếng của Lãng làm khơi dậy nơi chàng một thứ bão tố nội tâm vừa phức tạp vừa xót xa. Chính thời đó chàng viết được cái truyện ngắn đặc sắc mà về sau các nhà phê bình vẫn xem là cái mốc chuyển hướng của văn nghiệp chàng, chuyển từ tính chất lãng mạn thuần cảm sang khuynh hướng nhân bản phản chiến; từ “những đóa hồng dành tặng những người yêu nhau chuyển thành những vòng hoa cườm đặt lên mồ những người chơn chất giữa hai lằn đạn”. Bài “Tổng kết tình hình một năm tiểu thuyết” năm đó đã ví von như vậy về sự đổi thay trong Ngữ. Có lẽ phải nói nhiều hơn nữa về nguyên do sự đổi thay ấy!

***

Ông bà Văn không ngờ đứa con gỡ được rối cho gia đình lại là Quế. Hai vợ chồng chưa quên tài xoay xở của Quế, lúc biến cửa hiệu sách ế thành một nơi tấp nập kẻ ra người vào. Nhưng việc này dính dấp đến luật pháp, đến những pho sách luật dày cộm và đáng sợ hơn nữa, là dính đến còng số tám, xe bít bùng, lính áp tải, vành móng ngựa, nhà tù. Nam yếu đuối chỉ làm mỗi một việc có ý nghỉa là thí phát để mong cứu chuộc tội lỗi của đứa em hoang. Ngữ chạy đi chạy về nhiều bận, mỗi lần về gặp ông Văn, chàng gỡ được vài cái nút để đồng thời mang thêm cho cha nhiều cái nút thắt cứng, cho nên càng ngày ông Văn càng nóng ruột, hết tin ở con. Ngữ định đem cái truyện ngắn cô đọng xúc cảm và suy tưởng của chàng về tấm thảm kịch gia đình đưa cho cha xem, ngầm phân bua rằng khả năng của chàng nên xài ở môi trường khác.

Bắt Ngữ ra vào chỗ cửa công là đã dùng phải sở đoản của chàng. Nhưng thấy cha mất ăn mất ngủ vì vụ Lãng, Ngữ đổi ý. Chàng không dám đưa cho cha đọc!

Quế nhìn thẳng vào vụ rắc rối và mau chóng tìm ra mối gỡ. Nàng hỏi Ngữ:

– Ðeo xâu tai người có bị ra tòa không?

Ngữ rụt rè đáp:

– Có lẽ không. Vấn đề chỉ là lương tâm, thuộc phạm vi siêu hình…

Quế không muốn nghe anh nói lôi thôi dài dòng, hỏi liền:

– Nếu thằng Lãng không say rượu đâm người ta, nó bị phạt nặng nhẹ thế nào?

– Lúc ấy thì khác hẳn. Rắc rối chỉ vì có máu đổ. Nếu không, quá lắm là bị phạt vài ngày cấm trại.

Quế cười tự tin:

– Nếu lỡ đổ máu rồi thì băng bó cho nó cầm máu lại. Người ta chịu thương lượng không?

Ông Văn đáp thay Ngữ:

– Gia đình bác ấy nghèo, lại là Phật tử nên không muốn làm to chuyện. Có lẽ nếu bù đắp được tiền thuốc và khoảng thời gian không đi xe được, họ có thể bãi nại.

Quế lắc đầu, ngờ vực:

– Không giản dị đâu ba! Mỗi lần có dịp như vậy là hàng trăm quân sư quạt mo tự nguyện nhảy vào thúc giục, xúi người trong cuộc đòi hết chuyện này đến chuyện khác. Mình càng tỏ vẻ yếu thì họ đòi càng dữ.

Cả ông Văn lẫn Ngữ đều phải công nhận Quế nói đúng. Họ nhìn Quế với đôi mắt kính nể hơn.

Quế nói tiếp:

– Mình càng nhún nhường chân thật trong những vụ thế này thì càng thua thiệt. Con thấy không ai sợ bồ câu cả. Mình phải tìm cái lốt ó. Ba ơi…

Nói đến đây, Quế dừng lại, ánh mắt nhìn ông Văn e ngại.

Ông Văn hỏi:

– Con định nói gì?

– Hôm trước con nghe Quỳnh Như nó nói hình như ông Toàn thầu khoán là chú của trung tướng Tôn Thất Đính, phải vậy không ba?

– Ba có nghe, nhưng không tin lắm. Ông ấy thì ai đang phất cờ không phải là người nhà ông ấy. Trước đây bị tù chỉ vì cái miệng.

– Nhưng ông ấy tên Tôn thất Toàn mà ba!

– Thì cứ cho là thực đi. Tại sao lại hỏi sang chuyện ông Toàn?

– Ông ấy lập ra cái gì… để con nhớ lại xem. Cái gì bắt đầu bằng chữ “hoàng gia”…

Ngữ cười nhắc:

– Royal Youth Club. Câu lạc bộ Thanh niên Hoàng gia.

– Dạ đúng rồi. Con nghe nói độ này các câu lạc bộ ấy thu được nhiều hội viên lắm. Hội trường đặt ở một cái phủ cạnh sông An cựu. Nhiều sĩ quan cao cấp cũng đến vì có nhảy nhót…

Ông Văn mất kiên nhẫn hỏi gắt:

– Con dài dòng chuyện đó để làm gì?

Quế đỏ mặt sợ cha chê, nhưng vẫn nói:

– Thằng Lãng cũng là hội viên Câu lạc bộ hoàng gia đó ba! Ba cứ nhờ anh Mân con bác Toàn can thiệp, chắc thế nào cũng xong. Mình chỉ lo tiền thuốc thang cho bác cyclo. Nếu nghe nói người nhà trung tướng Đính, họ không dám đòi cao đâu!

Ngữ trố mắt nhìn đứa em gái. Chàng không ngờ Quế nhìn đúng và rõ thực chất cuộc đời như vậy. Lâu nay chàng vẫn tự hào ngầm rằng mình viết tiểu thuyết tức là làm một “đấng tạo hóa nhỏ”, dựng lên nhân vật, mớm cho nói, xúi họ yêu nhau hay bắt họ xa nhau, khi vui cho họ cười, khi buồn buộc họ khóc thay, muốn được cái khả năng tái dựng cuộc sống đó, trước hết phải hiểu phải thấy được thực chất của cuộc sống. Chàng lầm lẫn quá lắm. Lâu nay chàng chỉ dựng được những “ý niệm biết cười khóc múa may”, vì chưa hiểu được nghĩa thực của cuộc đời, chưa lạnh lùng soi thấu mặt thật của kẻ khác. Chàng thua xa Quế em gái chàng. Nó gỡ rối được vụ Lãng, chàng tin chắc như vậy!

Nguồn: https://nhungdotsongngam.wordpress.com