Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

Người đàn bà đó

Trần Mộng Tú

Ngày cuối năm 2019, trong video clip quay cảnh Đức Giáo Hoàng Francis sau khi thưởng lãm hoạt cảnh Giáng Sinh tại quảng trường Thánh Phêrô (St. Peter), ngài đi chào hỏi, thân thiện bắt tay với giáo dân, ôm hôn trẻ nhỏ. Đặc biệt trong đó có hình ảnh chiếu lên như một đoạn phim, và đoạn phim đó đã trở thành một “Truyện Phim”:

Hình ảnh một người phụ nữ Á Đông trung niên lôi kéo bàn tay Đức Giáo Hoàng (ĐGH) về phía mình với nét mặt khẩn trương và nét mặt phản ứng sửng sốt, giận dữ của ĐGH.

Ngay ngày hôm sau, ngày đầu tiên của năm mới, ĐGH gửi lời xin lỗi ra công chúng về sự nóng giận thiếu kiểm soát chính mình của ngài. Phần đông, giáo dân yêu mến ngài đều thông cảm và chấp nhận phản ứng của ĐGH và nghĩ ngài cũng chỉ là một “con người” với hỉ, nộ, ái ố như mọi chúng sinh. Ngài không phải là Chúa.

Trên các bản tin báo chí, các trang mạng, mọi người đều được nghe lời xin lỗi của ngài. Chấp nhận hay không chấp nhận điểm yếu đó, về phía ngài đã được bàn luận bằng cách này hay cách khác.

Mọi đều không đẹp phải có nguyên nhân mới gây ra nỗi. Nguyên nhân đó lại do một người phụ nữ. Sau khi ĐGH xin lỗi, người phụ nữ kia bỗng chốc bốc hơi, không ai nghe thấy một âm hao gì. Giống như con sóng đánh vào bờ rồi âm thầm rút ra.

Xem đi, xem lại cái clip từ đầu chúng ta không hề nhìn thấy nét tươi cười nào trên mặt phụ nữ đó, hay nói cho rõ hơn chúng ta thấy một vẻ mặt đầy hoang mang, âu lo. Trước khi ĐGH đến gần, thấy bà giơ tay làm dấu thánh giá trên trán. Trong tất cả niềm tin bà sửa soạn để nhận cho mình một ơn Thánh đang tới gần. Cái cách bà kéo bàn tay của ĐGH về phía mình, rồi lắc lắc cho chặt và không chịu buông ra giống như một người ngư phủ cố kéo chiếc thuyền sắp chìm vào bờ. Nào ngờ chưa tới bờ chiếc dây đứt, cái thuyền chìm lỉm trong sóng nước.

Tôi không chú tâm lắm đến sự giận dữ của ĐGH vì đó chỉ là một phản ứng tự nhiên, và phần đông chúng ta chắc cũng sẽ phản ứng như thế khi bị lôi kéo bất ngờ (ĐGH cũng chỉ là “người” như chúng ta).Tôi chỉ xem đi xem lại nét mặt của người phụ nữ đó từ lúc bắt đầu cho đến lúc bà nhận được sự bẽ bàng.

Bà đã sửa soạn mất bao nhiêu thời gian, bà đã bay bao nhiêu dặm trên bàu trời, tiêu mất bao nhiêu tiền trong sổ tiết kiệm (có phải đó là những đồng bạc cuối?). Điều quan trọng nhất bà đã đặt bao nhiêu niềm tin vào việc: Nắm được bàn tay đầy ơn phúc của ĐGH, một vị chủ chiên của Thiên Chúa.

Cả tuần nay tôi tự hỏi: Tinh thần bà đang ở trong tình trạng nào? Rồi tôi đặt ra bao nhiêu câu hỏi: Bà có phải là người bị tình phụ? Bà có phải là phụ nữ có một gia đình không hạnh phúc? Bà có con bỏ học, đi hoang? Bà có con vừa qua đời hay chồng vừa dọn ra với người đàn bà khác? Bà đang mang một cơn bệnh hiểm nghèo, không thuốc nào chữa được? Nói tóm lại, có phải bà là người đàn bà bất hạnh. Bà tìm tới quảng trường thánh Phêrô hôm nay, bà muốn được chúc phúc và bà quyết nắm được cái ân sủng đó trong tay.

Bà không nắm được ân sủng mặc dù bà cố níu kéo bằng cả sức mình và bà tiếp tục bất hạnh?

Tôi cũng đặt thêm một câu hỏi khác. Đây là một giáo dân cuồng tín, bà nghĩ nắm được tay ĐGH là nắm được tay Thượng Đế, nắm được tay Thượng Đế tức là khi chết chắc chắn sẽ vào nước Thiên Đàng.

Dù bà ở trong trạng huống nào, tôi cũng nghĩ bà là một người đáng thương.

Tôi hình dung ra trong một căn phòng âm u nào ở ngoại ô của một thành phố Á Đông hay trong một cao ốc nào giữa đô thị sầm uất phương Tây, người đàn bà đó đang cô đơn gặm nhấm nỗi bất hạnh của mình. Xa hơn nữa, có khi bà đang ở trong một sòng bạc nào đó phung phí đến đồng bạc cuối cùng hay đang trong một quán rượu nào đó, uống hết ly này đến ly kia để quên đi những bất hạnh không cứu được của đời mình. Tôi có đi quá xa không?

Tôi nhớ một câu nói của ai đó. “Có rất nhiều người bất hạnh im lặng, không phải vì người ta không nói ra, thật ra người ta có cố gắng bộc bạch, nhưng không được quan tâm, thế thôi.” (*)

Bây giờ người đàn bà đó ở đâu? Tôi cầu nguyện cho bà.

tmt

Tháng 1/ 06/2020

(*) “There are far too many silent sufferers.  Not because they don't yearn to reach out, but because they've tried and found no one who cares.” Richelle E. Goodrich