Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 13 tháng 11, 2019

Trần Mộng Tú viết về 39 người Việt chết ở Anh

Người Rơm và Người Thật

Hôm qua đã vào tiết “Lập Đông”, nắng Thu đã nhạt trên những hàng phong trơ xương lá, cái lạnh đã len qua áo khoác vào tận trong ngực. Tôi đi bộ qua cánh đồng bí đỏ. Cánh đồng đẫm sương, xơ xác vài quả bí còn sót lại, lăn lóc cô đơn lẫn trong đám lá nâu sậm dưới sương lạnh cuối thu. Cả khu vườn đang rã mục.

Tôi co ro, cho hai tay vào túi áo, đi rảo bước cho người ấm lên, qua khúc rẽ, cánh đồng như rộng hẳn lên, trái bí bỏ lại nhiều hơn và đặc biệt nhiều “Người Rơm” hơn.

Ở Việt Nam gọi “Người Rơm” là Bù Nhìn. Nếu về một làng quê vào những ngày gieo mạ, hay bắt đầu rắc hạt giống trên những cánh đồng người ta hay đặt Bù Nhìn, để dọa chim chóc tới ăn hạt mầm vừa gieo xuống. Người Bù Nhìn này chỉ là hai cái gậy tre, cái dài làm thân, cái ngắn là hai tay dang ra, rồi đóng xuống đất, trên nóc chiếc gậy dài, được đội một chiếc nón rách, đeo thêm hai cái lon sắt vào hai cánh tay, để có thể phát ra tiếng động khi gió tới, thế là xong một anh “Bù Nhìn”. Chim chóc cứ tưởng đó là một con người, không dám xà xuống ăn hạt mầm.

Ở nước Mỹ, nơi tôi sinh sống, người ta gọi người giả canh vườn này là Scare Crow. Tức là người dọa chim chóc vào vườn. Những anh Scare Crow này được bện bằng rơm và mặc những chiếc áo may bằng vải bố hoặc được mặc bộ quần áo cũ rách của một nhà nông (Farmer). Đôi khi có quần jean, có nón đội, có sơ mi cũ của chủ nhân ngôi vườn mặc cho, họ còn vẽ, hoặc gắn ngũ cốc lên mặt làm mắt mũi, nên trông rất dễ thương.

Những người Rơm trên cánh đồng bí đỏ tôi đang đi ngang qua thì đang xiêu vẹo đổ xuống vì đã hết mùa gặt hái. Người thì mất tay, người thì mất đầu, quần áo tơi tả, người thì nằm sõng soài trên mặt đất mục nát. Họ thật sự là Rơm, không có cái tên nào khác, khi thời tiết thay đổi thì họ sẽ rơi xuống những cánh đồng này.

Người Anh gọi Bù Nhìn là Straw man (người Rơm), là Fake (Giả), là Puppet (người Múa rối) vì bề ngoài giống chứ bên trong không phải thật.

Cả ba từ ngữ này cũng được thường dùng cho các tổ chức, chính phủ, con người, có hình thức bên ngoài như thật nhưng bên trong không thật.

Tôi đi qua cánh đồng bí đỏ cuối mùa thu, nghĩ tới 39 người Việt Nam, nằm chồng chất cong queo chết trong cái thùng sắt ở bên nước Anh.

Những con người bằng xương, bằng thịt, được mẹ cha sinh ra, có gia đình có quê hương, có ngôn ngữ, bỗng một sáng một chiều, bước chân sang một phần đất khác chấp nhận cho người lạ lấy hết tất cả, xóa sổ đời mình, trở thành “sống vô gia cư, chết vô địa táng”.

Những người đã chấp nhận sống không quốc tịch, chết không được chôn, gửi đời mình vào cuộc xổ số tử sinh. Người Anh gọi những người đó là “Người Rơm” để phân biệt với “Người Thật” có quốc tịch, có ngày sinh tháng đẻ.

Ngoài những nạn nhân chúng ta mới biết đây, bao nhiêu người Rơm Việt Nam khác, chết trong những cánh rừng Âu Châu không được biết đến, vì họ không còn bất cứ một hình ảnh, giấy tờ nào chứng minh về xuất xứ của mình. Họ không được trở về dù trong những chiếc hòm sắt đông lạnh.

Những cọng Rơm đáng thương đó có sinh quán, có xuất xứ chứ, nhưng các hộ chiếu, hình ảnh bị vứt ngay khi bước chân ra khỏi Việt Nam.

Giống như những người Bù Nhìn trên ruộng lúa Việt Nam, mục nát ngay dưới chân mình.

Sáng nay ngày 8 tháng 11 năm 2019, nước Anh đã đưa ra danh sách 39 Người Rơm chết đông lạnh trong hòm sắt. Người lớn tuổi nhất 44 và nhỏ nhất là một thiếu niên mới 15 tuổi.

Một cái chết của những con người làm bằng những cọng rơm làm cả thế giới rùng mình.

Nước Việt Nam của tôi luôn luôn làm thế giới rùng mình vì những điều vượt qua trí tưởng tượng của lương tâm, đạo đức bình thường.

Nov.8 – 2019



Những Lưỡi Dao sản xuất từ Việt Nam



Sáng nay tôi bỗng thấy
Người tôi nhẹ như Rơm
Hình như ai hun khói
Sặc sụa khói đầy hồn


Lửa cháy bùng bốn phía
Cọng Rơm cháy thành tro
Cọng Rơm cong queo rục
Một đám bụi tro mù


Nhưng không tôi không cháy
Chỉ là mơ đấy thôi
Lửa chưa hề được mồi
Và Rơm không chết cháy


Tôi là cọng Rơm nhỏ
Chất trong chiếc thùng này
Chiếc thùng rất kiên cố
Tường thép lạnh rất dày


Chúng tôi chồng lên nhau
Những cọng Rơm dài ngắn
Chia nhau hơi thở mỏng
Thoi thóp nỗi tử sinh


Trong chiếc thùng đông lạnh
Cọng Rơm quấn vào nhau
Những nắm tay đầy máu
Những đốt xương gãy giòn


Vết máu trên tường sắt
Máu chảy xuống sàn xe
Tiếng gọi của cái chết
Ôi mẹ cha có nghe


Tiếng kêu trong thùng xe
Bật ra ngoài thế giới
Ba mươi chín cọng Rơm
Rung hồi chuông báo tử


Ba mươi chín cọng Rơm
Từ từ đông thành đá
Như lưỡi dao thủy tinh
Cắt vào lòng nhân thế


Những lưỡi dao đông lạnh
Sản xuất từ Việt Nam.
Nov.11, 2019