Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2019

Ký ức Hà Thành thời bao cấp (kỳ 2)

Vũ Ngọc Tiến

BÌNH CÁ GỖ
Tôi lại phải có nhời xin lỗi bạn bè gốc quê Nghệ Tĩnh vì tên gọi của nhân vật vốn là như thế, không thay đổi được, còn chất Nghệ trong con người thằng bạn tôi xin mọi người khắc đọc khắc biết. Nó đẹp giai, thông minh sáng láng, ứng biến khôn lường, mồm dẻo như kẹo kéo, tán gái thành thần. Đa tài thì lắm tật, quanh nó có hàng tá chuyện tình chớp nhoáng. Một lần đi thực tế lấy tài liệu nghiên cứu ở Liên đoàn địa chất dầu khí đóng tại Chợ Gạo - Hưng Yên, theo bạn bè xem chiếu phim ngoài trời, nó tán đổ một cô gái quê ngay tắp lự. Tan buổi chiếu phim, nó lôi con người ta vào ruộng đay vần vò chán chê mới sực nhớ mình còn chưa biết tên nàng. Vậy mà nó ứng biến nhanh như chớp hỏi: “Mai anh về Hà Nội, trong mơ anh biết gọi em là gì?” Trời đất! Chỉ một câu hỏi tài tình cũng đủ làm nàng rưng rưng cảm động, thỏ thẻ nói tên mình cho nó biết. Hào hoa thế, nhưng nó lại bị cô Tình phụ trách căng tin cơ quan gán cho biệt danh Bình Cá Gỗ. Thật ra tính nó thích sòng phẳng, cực ghét thói nhập nhèm ăn người của cô Tình. Hồi đó, cơ quan tổ chức ăn trưa bằng hình thức đổi bánh mì thu tem gạo. Mỗi ổ bánh mì thu 1 hào và 150 gam tem. Lấy cớ loại tem 50 gam là đơn vị nhỏ nhất nên thi thoảng căng tin bất ngờ thông báo không có tem lẻ 50 gam để trả lại, ai muốn đổi bánh phải đưa đủ 150 gam hoặc ghép với người khác cho chẵn 300 gam. Nhiều người ngại rách việc cứ đưa tem 200 gam đổi bánh cho tiện. Chỉ một mẹo nhỏ ấy, mỗi ngày cô Tình lời ra vài ký tem gạo là khoản thu nhập thêm không nhỏ. Riêng Bình không chịu lép. Nó bắt cô Tình ký nợ vào sổ tay để lần sau đổi bánh khấu trừ. Sau vụ đôi co cãi vã ầm ĩ ở quầy căng tin, cô Tình tức lắm, bịa ra nhiều chuyện keo kiệt khác liên quan đến nó rồi gán cho cái tên Bình Cá Gỗ. Thói đời nhiều người ganh ghét với tài của Bình, vốn đã không ưa nó nên khi vớ được biệt danh đó họ rất hả hê, truyền đi rất nhanh lâu dần thành tên gọi chung trong cơ quan.


Ngày đầu, nghe mọi người xầm xì nhiều chuyện quanh cái biệt danh Bình Cá Gỗ, nó điên tiết dõng dạc tuyên bố trước cả phòng nghiên cứu: “Tao tuy là giai Hà Nội nhưng quê gốc tận Cẩm Hà - Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh chính hiệu đây. Trưa nay tao sẽ cho mọi người biết và ngấm đòn thế nào là dân cá gỗ.” Ngỡ thằng Bình nói cho bõ tức, nào ngờ nó làm thật. Nó với cô bạn cùng quê tên Lẫm thường hay góp gạo thổi cơm chung vào bữa tối ở khu tập thể nữ trên tầng ba nhà E của cơ quan. Đợi lúc mọi người đang say nồng trong giấc ngủ trưa, Bình dắt xe đạp ra giữa sân, chụm hai bàn tay làm loa kêu tướng lên: “Lẫm ơi!... Ối Lẫm ơi!...” Cứ thế nó lặp đi lặp lại gào to thống thiết làm cả cơ quan hoảng hốt, không biết có chuyện gì kinh khủng, thảy đều vùng dậy chạy ra ban công nhà E hay cửa sổ nhà D ngơ ngác nhìn xuống sân. Lúc đó nó mới ôn tồn nói thêm với cô Lẫm bằng cái giọng Nghệ rất chi là tình cảm: “Chiều nay anh ra thư viện đọc sách, không về ăn tối. Em luộc nửa mớ rau muống thôi, để dành một nửa mai luộc kẻo phí.” Hàng trăm con người khi ấy mới chưng hửng vỡ lẽ bị nó chơi khăm, nhưng được bữa cười nôn ruột. Chuyện chưa dừng ở đó bởi khoảng một tháng sau là tết Nguyên Đán, nhiều người trong cơ quan phải chịu ơn Bình Cá gỗ, tấm tắc khen sự tử tế và tài ứng biến của nó. Hồi ấy người ta duyệt tiêu chuẩn hộ khẩu Hà Nội cho sinh viên mới ra trường, cán bộ từ nơi khác về các cơ quan trung ương hoặc thành phố rất hạn chế. Để thu hút nhân tài về làm việc, ông thủ trưởng của tôi nghĩ ra một phương án tuyệt vời. Lợi dụng việc cơ quan đóng ở địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội và thị xã Hà Đông, ông tuyển người làm việc ở Hà Nội, nhưng gửi hộ khẩu của họ vào Hà Đông thuộc tỉnh Hà Sơn Bình. Ở các tỉnh lẻ, việc cung cấp thực phẩm rất tùy tiện, thất thường nên cán bộ công nhân viên chức được phép lưu cữu tem phiếu trong vòng 3 tháng. Đó lại là cơ hội để già nửa kỹ sư trong phòng nghiên cứu của tôi có hộ khẩu Hà Sơn Bình rủ nhau ăn nhịn để dành suốt 3 tháng cuối năm âm lịch chờ mua hàng ăn tết cho tươm tất. Khổ nỗi vào những ngày giáp tết, cửa hàng thực phẩm ở chợ Hà Đông vô cùng hỗn loạn, chen chúc nhau xếp hàng từ nửa đêm có khi vẫn phải về tay không. Năm ấy, khoảng 27 tết, Bình Cá Gỗ mò đến nhà từ mờ sáng, nhờ tôi hỏi mượn bộ quân phục sĩ quan đã cũ của ông anh cả đang làm việc ở xưởng phim quân đội. Tôi gặng hỏi mãi nó mới chịu nói: “Hôm qua xếp hàng ở chợ Hà Đông, tao thấy một lão cán bộ mặc đồ đại cán đã sờn vai, nom như sĩ quan quân đội chuyển ngành. Lão lững thững đi cổng sau vào cửa hàng thực phẩm, mặt tỉnh bơ tự giới thiệu mình ở chỗ bác Trần Hải cần mua ít thực phẩm cho tập thể, làm các cô mậu dịch viên tíu tít phục vụ chẳng thiếu thứ gì. Mày thử nghĩ xem, ông Trần Hải là Phó chủ tịch tỉnh ai mà không biết, nhưng cơ quan Ủy ban tỉnh hàng mấy trăm người làm sao họ thuộc hết mặt…” Nó nói lửng lơ thế, đủ cho tôi hiểu ý đồ chứ không thèm nói tiếp. Quả nhiên vở kịch diễn ra hoàn hảo, nó khuân về cả một bao tải chứa toàn của hiếm ngày tết là chân giò, thịt thủ, mông sấn… cho nó và hơn chục người khác trong phòng nghiên cứu, kể cả hai chị em cô Tình phụ trách căng tin. Chia thịt cho các nhà xong xuôi, nó nửa đùa nửa thật, vỗ đét vào mông cô chị giả lả nói: “Thịt sống của Bình Cá Gỗ nhiều gân sướng phết, em Tình nhỉ!...” Hôm đó Bình còn dẻo mồm tán các cô mậu dịch viên mua thêm được một cỗ lòng lợn ngoài tiêu chuẩn tem phiếu, cả phòng nghiên cứu được bữa liên hoan tất niên say túy lúy cứ là vui hơn tết. Tôi đứng lặng nhìn nó, khen thầm: Tài, tài đến thế là cùng, tiên sư thằng Bình Cá Gỗ!...

Làm bạn với Bình Cá Gỗ nhiều năm, tôi càng nể phục nó là người đa mưu túc trí. Đôi khi nó cũng giở thủ đoạn giành cái lợi cho riêng mình nhưng không hề làm hại ai, chỉ đối phó với hoàn cảnh và cơ chế. Gần nửa thế kỷ trôi qua, giờ nhớ lại vụ phân nhà và những chuyện xảy ra quanh cái tổ ấm con con của Bình Cá Gỗ, tôi vẫn thấy xót xa thương nó vô hạn. Cơ quan tôi nằm trong khu liên cơ gồm một trường Trung cấp sư phạm nhạc họa và mấy đơn vị nghiên cứu kỹ thuật ứng dụng của ngành địa chất. Cả khu gồm hơn chục tòa nhà lắp ghép theo kiến trúc của Liên Xô khá nặng nề thô thiển, nhưng rất kiên cố tới mức bom Mỹ rơi trúng một tòa nhà chỉ làm sập một nửa, nửa còn lại vân y nguyên không nứt nẻ hay nghiêng lún. Cơ quan tôi được phân hai tòa nhà lắp ghép D và E, giữa là khoảng đất trống mênh mông, trên đó dựng thêm khu nhà để xe lợp mái ngói xi măng và hai dãy nhà bằng tre, tường đất, lợp giấy dầu. Tòa nhà D là nơi làm việc. Tòa nhà E chia ra: tầng một làm kho chứa vật tư, máy móc; tầng hai phân cho các hộ gia đình của cán bộ lãnh đạo; tầng ba và bốn là nơi ở tập thể dành cho người độc thân, chị em ở tầng ba còn cánh đàn ông cho lên tầng bốn áp mái. Có lẽ phức tạp nhất là khu gia đình ở hai dãy nhà vách đất, lợp giấy dầu. Ở đó có khoảng 20 gian nhà, mỗi gian rộng chừng 18m2. Hộ nào đông con hay cả vợ lẫn chồng đều là cán bộ lâu niên mới được phân một gian trọn vẹn. Tất tật mọi thứ sinh hoạt ăn ngủ, đun nấu, con cái học hành đều diễn ra trong cái không gian chật hẹp, ẩm mốc, tối tăm ấy. Dẫu thế, họ vẫn còn sướng hơn các cặp vợ chồng trẻ chỉ được phân nửa gian nhà, ngăn đôi tạm bợ bằng cót ép nên bức bí, khó xử vô cùng. Một lời tâm sự kín hay tiếng động nhỏ bên này, bên kia đều biết, đêm càng khuya nghe càng rõ. Đã là vợ chồng trẻ tránh sao khỏi những lúc cao hứng, sinh hoạt quá độ, sùng sục suốt đêm khác nào trêu ngươi khiêu khích người bên kia vách, nhất là khi vợ hoặc chồng đi công tác vắng… Bình Cá Gỗ sau khi lỡ làm cho cô Lẫm họa đồ cùng quê Hà Tĩnh bị dính thai ba tháng phải cưới vội. Vợ chồng nó cũng được phân nửa gian nhà như thế. Đêm tân hôn nó làm việc ấy quá hăng, khiến chiếc giường mới mua theo tiêu chuẩn cưới cứ kẽo kẹt rung lên bần bật. Cái tủ đứng mua giá bèo mậu dịch vốn đã cập kênh lại bị đầu hồi giường thúc mạnh muốn phá bung bức vách bằng cót ép khiến nhà bên kêu toáng lên, làm cô Lẫm xấu hổ chỉ muốn cắn lưỡi tự tử. Từ cái đêm tân hôn sượng sùng cay đắng ấy nó ủ mưu tìm mọi thủ đoạn để được chuyển chỗ ở sang tòa nhà E lắp ghép kiên cố. Đương nhiên nó làm sao dám mơ tưởng len chân vào căn hộ ở tầng hai là tiêu chuẩn nhà của lãnh đạo. Nơi nó nhắm tới là những căn buồng rất nhỏ ở chiếu nghỉ cầu thang. Theo thiết kế của chuyên gia Liên Xô cho khu nhà lắp ghép thì ở chiếu nghỉ cầu thang giữa hai tầng liền nhau trong tòa nhà E có một căn buồng nhỏ rộng chừng 8m2. Có lẽ ở xứ lạnh như nước Nga người ta dùng làm kho cất giữ các loại thảm ngô hoặc đệm cỏ trong mùa hè chung cho cả tầng. Khi sang nước mình, căn buồng nhỏ xíu như chuồng lợn ấy cũng biến thành nhà ở sang trọng đáng mơ ước cho một cặp vợ chồng trẻ. Dù diện tích nhỏ hơn so với nửa gian ở khu nhà lợp giấy dầu, nhưng đó là căn hộ rất kiên cố, sáng sủa và điều quan trọng hơn, ở đó con người được tự do! Tòa nhà E có 4 căn hộ như thế đều đã có chủ. Bình Cá Gỗ âm thầm bí mật điều tra được biết chủ căn hộ nơi chiếu nghỉ cầu thang giữa tầng hai lên tầng ba là vợ chồng kỹ sư vô tuyến điện ở xưởng sửa chữa máy địa vật lý sắp chuyển đi cơ quan khác và đã có mấy người viết đơn xin thế chỗ. Họ toàn là đảng viên, có bậc lương cao hơn nó, lại khéo nịnh hót quà cáp cho các sếp công đoàn, phòng tổ chức. So với đối thủ nó lép vế, thua toàn tập. Suy nghĩ mãi, nó nhờ bạn bè kiếm hộ một tờ phiếu xét nghiệm của Bệnh viện Lao trung ương với nhiều thông số đọc lên phát khiếp. Thời đó y học chưa phát triển, mọi người coi lao phổi là bệnh nan y, cần cách ly khỏi khu gia đình phòng lây nhiễm. Chỉ vài ngày sau cả cơ quan đều nhìn nó với ánh mắt thương hại. Để cho chắc ăn, nó thương lượng với chủ cũ của căn hộ nhượng lại giường tủ với giá phải chăng và trao chìa khóa rồi nửa đêm dắt vợ mang theo đồ đạc cá nhân gọn nhẹ “nhảy dù” vào căn hộ ấy xem như chuyện đã rồi, không ai nỡ cấm cản. Chỉ khi đã cầm chắc trong tay quyết định phân nhà, Bình Cá Gỗ mới cười hơ hớ giữa phòng nghiên cứu, xé toạc tờ phiếu xét nghiệm, nói trắng phớ cho cả phòng biết nó giả bệnh. Với riêng tôi, nó ghé tai nói nhỏ: “Ở xứ An Nam mình muốn giành tự do, đòi quyền sống tốt hơn đôi khi phải dùng thủ đoạn hơi bẩn một chút miễn là không hại đến người khác thôi, mày ạ!” Nó nói rồi đi, cái đầu nghiêng nghiêng, miệng huýt sáo vang, vẫy tay rủ cả phòng ra quán nước ngoài cổng cơ quan. Nó hứa sẽ chiêu đãi một chầu rượu làng Vân với lạc rang húng lìu, còn thuốc lá Điện Biên bao bạc vừa lĩnh ở căng tin em Tình thì xuất của đứa nào đứa ấy hút thả phanh, cấm xin người khác. Sòng phẳng đến thế là cùng, đúng chất Bình Cá Gỗ!…

Vợ chồng Bình - Lẫm sống ba năm tuyệt vời hạnh phúc trong căn hộ bé xíu như chuồng lợn, với hai đứa con một trai một gái, đẹp như tiên đồng ngọc nữ. Thế rồi Bình Cá Gỗ được đề bạt làm Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu cấu trúc mỏ đồng Sinh Quyền bằng tổ hợp các phương pháp địa vật lý Từ – Điện - Phóng xạ”. Nó dẫn đầu đoàn khảo sát lên huyện Bát Sát - Lào Cai đo đạc số liệu thực tế cho đề tài nghiên cứu cũng là lúc bất ngờ nổ ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Giao tài liệu khoa học cho anh em kỹ sư trong đề tài, phân tán mỗi người một ít rồi bí mật thoát vây, mang về Hà Nội an toàn, còn mình nó ở lại tham gia cùng bộ đội và dân quân địa phương kiên cường đánh giặc giữ đất. Trong trận đánh ác liệt trên đỉnh 802 án ngữ khu mỏ đồng Sinh Quyền, bạn tôi, cái thằng Bình Cá Gỗ đa tài lắm tật đã anh dũng hy sinh cho đất nước được vẹn toàn lãnh thổ. Nó chết cũng rất hào hoa như giai Hà Nội chính hiệu. Trước lúc nhắm mắt, ngực đầy máu, nó vẫn còn kịp ôm hôn thắm thiết cô dân quân người Dao bên cạnh thay lời vĩnh biệt thế giới này. Mùa xuân Kỷ Hợi năm nay vừa tròn 40 năm liệt sĩ Lê Tất Bình hy sinh, nhưng phải đợi đến mùa thu tôi mới có dịp vào Sài Gòn ghé thăm con trai và cháu đích tôn bạn mình. Đêm nay, ngồi giữa Sài Gòn tôi viết mấy dòng ký ức thay nén tâm nhang tưởng nhớ một con người chân chính…

SG, mùa thu Kỷ Hợi 2019
VNT