Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

Giếng cạn (kỳ 1)

Tiểu thuyết của Nam Dao

Tìm nhau lá trắng ngày xưa, Huế

chưa bước chân vào, trời đã xuân

Những tiểu thuyết của Nam Dao thường ngắn, đôi khi không quá hai trăm trang nhưng cuốn nào cũng hàm chứa những thông điệp nghệ thuật khiến sau khi đọc, chúng ta phải dằn vặt, suy ngẫm về thân phận con người trong một đất nước mà các giá trị cơ bản về quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc bị công khai chiếm đoạt. Giếng cạn là tựa đề cuốn sách nhưng đồng thời cũng là hình ảnh ẩn dụ về xã hội và con người trong mối tương quan giữa tinh thần nhân văn và nền chính trị xôi thịt ở vào thời kỳ suy thoái tạo nên vô vàn nghịch cảnh. Có thể nói, hồn cốt của Giếng cạn là sự xung đột không tiền khoáng hậu giữa các viên chức cơ quan công quyền của chế độ độc tài toàn trị, dốt nát nhưng kiêu ngạo, với người dân thấp cổ bé họng bị đẩy đến bước đường cùng không còn khả năng tự vệ. Chính vì thế, Giếng cạn còn được xem là một bi kịch thời đại, một quái thai của học thuyết đấu tranh giai cấp còn sót lại trên hành tinh này.

Văn Việt trân trọng giới thiệu toàn văn cuốn sách cùng bạn đọc.

Văn Việt


Lời dạo đầu

Đây là lần thứ ba tôi lại bắt đầu viết lại tiểu thuyết này. Bao giờ viết, tôi buộc mình phải viết đoạn kết dứt điểm một câu chuyện. Đó là một thứ méo mó nghề nghiệp. Xưa tôi chuyên về ngành Toán Kinh Tế, và lại dùng toán ”qui trình động” tôi xin dịch tạm từ cụm từ ‘’dynamic programming”. Bài toán đi từ điểm cuối là điểm đích ngược lên điểm xuất phát đầu một cách tối ưu, có thế thì cấu trúc toàn bộ mới mạch lạc xuyên suốt. Tội nghiệp, tôi lại không biết cái điểm cuối của câu chuyện tôi định kể ra đây, và nếu có ai đó đọc những gì tôi kể lể không ra đâu vào đâu thì xin thứ lỗi trước.

Câu chuyện tôi sẽ kể là một tự sự. Những lần viết trước, tôi đặt cho tôi một cái tên và hành xử với cái tôi đó như một người khác, một đệ tam nhân xa lạ. Như vậy, người viết tự coi mình như chứng nhân một câu chuyện không là máu thịt của chính mình.

Như vậy, làm sao còn gọi là tự sự? Nếu thật là tự sự, tôi phải là tôi, tự lột quần lột áo đến trần trụi, bất chấp cái nhìn của người đời. Nhủ mình phải sống với phẩm chất thật của những con chữ, tôi không thể ngụy trang mình thành người chứng cho câu chuyện. Tôi là, và là một nhân vật sống, của câu chuyện kể dưới đây.

Truyện kể là một tập hợp những hoạt cảnh xếp đặt theo tuyến tính của trục thời gian. Và chẳng phải nhắc, kiểu này rất cổ điển. Vậy tôi xin lỗi ngay những ai tìm cách tân văn chương trong thủ pháp đảo lộn thời-không gian, gắn kết kiểu liên văn bản, và đánh rối chữ nghĩa tạo những bài tính đố trí tuệ. Mong có người đọc, thậm chí mong có nhiều, lẽ ra tôi phải viết rõ ngày thứ nhất cho tiểu đoạn một, ngày thứ hai cho tiểu đoạn hai, và… Nhưng chắc chẳng cần vậy. Cuối cùng tôi cũng xin phép cho tôi được hư cấu những địa danh trong câu chuyện tôi kể như Vụ Bản, thôn Dinh, thôn Diễn, xóm 7, xóm 9, Văn Ấp… Những địa danh đó thực ra có thể khác và ở mọi nơi trên đất nước này.

MỘT

Xuất phát

Đi mất ba giờ mới tới bến xe Nam Định. Trời đứng nắng, mặt nhựa khét lẹt phà hơi nóng bốc lên chừng ngạt thở. Nhảy xuống trước khi con buôn giỡ hàng, tôi nhìn quanh quẩn, không thấy chiếc xe máy hiệu Dream màu đỏ nào. Thế mà ông anh họ, bác Thuận, hẹn là sẽ có người ra đón từ sớm. Thật quái, người xứ ta luôn cho rằng thời gian đứng về phía mình và hầu như chẳng bao giờ lệch sang phía người khác. Và mình, muộn cứ muộn. Người khác, chờ cứ chờ. Ngày Giời tháng Phật, mọi sự sẽ đâu vào đấy cả thôi, vội làm gì.

Qua đường, tôi bước vào một quán nước, hiên căng bạt che nắng, phía sau mắc cái võng đong đưa một đứa bé miệng ê a khóc mê. Dưới chân võng, con chó mực thè lưỡi hổn hển thở như sắp hụt hơi, giương mắt lờ đờ nhìn. Bà chủ quán ngừng tay quạt cho đứa bé, đứng dậy đon đả mời khách vào. Quán chỉ có một lọ kẹo lạc, một ấm trà, dăm lon nước ngọt, dăm lon bia và một rổ trái cây có quít, có ổi, có non nửa nải chuối hột một hai quả đã thâm sì. Ông dùng gì? Bà chủ quán hỏi. Trời nóng thế này, bà cho lon bia nếu như quán có nước đá. Dạ, có. Quán chỉ có bia Hà Nội thôi, được không ạ? Dạ được, xin bà một lon.

Cái nóng hầm hập từ trời ập xuống toa rập với cái nóng từ đất bốc lên khiến không khí đặc quánh lại. Hít hơi, tôi chiêu một ngụm bia, thấy mát rượi khắp châu thân. Móc điện thoại di động, tôi gọi bác Thuận. Đầu máy bên kia không ai bắt. Nhìn ra ngoài, chẳng có bóng dáng một chiếc Dream màu đỏ nào. Bà chủ quán ái ngại, rụt rè hỏi, ông đợi người đến đón. Tôi gật. Ông về đâu? Vụ Bản, tôi đáp. Nơi nào cơ? Xóm Dinh, xưa gọi là Văn Ấp, tôi nói. Bà chủ quán gật gù, à tôi biết, gần sông Châu Giang ấy mà, thằng rể nhà tôi làm ở xưởng may Đoàn Kết gần đó ông ạ. Tôi hỏi:

- Từ đây đến đó đi xe máy mất bao lâu?

- Chừng 40 phút, ông cần tôi bảo cậu xe ôm tôi quen đưa ông đi.

Thấy tôi ngần ngừ, bà chủ quán hạ giọng tiếp:

- … nhưng đã có hẹn xe đón thì ông cứ thoải mái ngồi đây chờ ông ạ. Chiêu thêm một ngụm bia, tôi làm như lơ đễnh:

- Làm ăn năm nay thế nào bà?

- Mỗi năm một khó khăn, nhà tôi ba người, trày vẩy mới đủ ăn, nếu may mà Trời không bắt ốm đau bệnh hoạn… Con gái tôi làm vệ sinh cho trạm xá y tế xóm Diễn, tháng được 5 triệu. Thằng rể thì 7 triệu, chạy chọt làm thêm thì 8, 9 triệu. Còn quán này cứ tháng đực tháng cái cũng thu về 4, 5 triệu…

- Gia đình ta thế cũng vào 17, 18 triệu mỗi tháng, là khá đấy chứ…

- Tính thế chứ ăn tiêu khá tốn ông ạ. Tiền chợ khoảng 10 triệu, sữa cho cháu bé 1,2 triệu, rồi thuế nhà thuế đất, đóng góp cho quĩ này quĩ kia, và tiền nợ trả cả gốc lẫn lãi thì tháng nào đủ là mừng tháng ấy…

- Nợ?

- Vâng, con cháu nhà tôi xin được việc thì quà cáp này nọ mất 30 triệu, không đi vay lấy gì mà chạy… Và cứ thế đầu tắt mặt tối nai lưng ra làm trả góp!

Mồ hôi vã ra như tắm, tôi mượn bà chủ quán cái quạt nan. Bà đưa, nhưng lát sau thằng bé nằm võng ré lên khóc vì nóng. Tôi trả cái quạt, vớ một tờ báo gấp lại phe phẩy. Khi ấy, điện thoại di động của tôi rung bần bật. Nghe, giọng đầu máy đầu bên kia lạ hoắc, báo xe đến đón tôi hỏng, nhưng người đi xe lại không mang đủ tiền để trả tiền sửa. Để xe đi, họ giữ Chứng Minh Nhân Dân của người lái, và gọi tôi, họ muốn lượt về tôi hứa ghé trả tiền.

- Vâng, tôi sẽ trả. Từ chỗ sửa xe đến bến xe Nam Định mất bao lâu?

- Chừng 20 phút!

Tôi thở phào. Chậm còn hơn không. Nhìn ra, nắng lóa tựa bốc lửa thiêu đốt trần gian.

Ngóng mãi rồi cũng thấy chiếc xe Dream màu đỏ. Xồ ra khỏi quán, tôi vẫy tay rối rít. Vòng lại, chiếc xe từ từ lăn bánh đến, lái xe là một đứa con gái. Đầu đội nón bảo hiểm đen thùi, nửa mặt che khăn chống bụi xanh màu da trời, tóc túm sau lưng, mắt lá dăm long lanh dưới nắng trưa vừa xế đầu ngọn tre, nó cười, giọng như xin lỗi:

- Xe hỏng, máy chết em phải dẫn bộ cả cây số mới tìm đươc chỗ sửa, đón chú muộn cả giờ rồi ạ.

Tôi hơi ngạc nhiên khi nó xưng em chứ không xưng cháu trong khi nó gọi tôi bằng chú. Tay chỉ cái ba lô tôi khoác vai, nó tiếp, chú đưa em để phía trước, chú ngồi sau cho thoải mái. Nói xong, nó đưa cho tôi một cái mũ bảo hiểm, khúc khích:

- Chú đội mũ cho an toàn, lại tránh bọn cảnh sát giao thông làm phiền vòi vĩnh kiếm cháo…

Tôi chào bà chủ quán. Con chó mực vụt đứng dậy sủa ăng ẳng như đuổi khách. Gạt cái chạc kê chân, tôi leo lên ngồi sau con bé. Nó báo đoạn đầu đi quốc lộ, nhưng sau khi rẽ về thôn mình thì phải lấy đường đất, xóc hơn. Nó nhắc:

- Chú ôm em cho chắc, khi em nghiêng người phía nào thì chú nghiêng theo, nghiêng ngược là mất cân bằng, khó lái xe lắm ạ.

Xe chạy một quãng trong phố rồi bắt vào quốc lộ. Dẫu đường hai chiều nhưng là trưa nên ít xe, con bé cứ phom phom chạy chính giữa. Hai bên đường, những căn nhà tranh nhà gạch chen nhau lổn nhổn , và đàng sau, vườn ruộng nối nhau vòng vèo. Sau mùa gặt, đồng trơ xác rạ, sóng xoài như nằm bệnh. Bên đường lác đác bóng người. Thỉnh thoảng, tiếng chó sủa vẳng lại từ một chốn xa xăm nào đó.

Gió tạt, nhưng ngồi sau, tôi chỉ cảm thấy gió khi dăm sợi tóc chưa kẹp chặt của con bé vướng vào mặt. Chúng tôi ghé nơi sửa xe, thanh toán tiền còn thiếu, lấy lại giấy tờ. Đọc, tôi mới biết tên con bé là Nguyện. Chạy đâu nửa giờ, xe chậm lại, rẽ vào một con đường đất. Nguyện nói:

- Đường từ khúc này gồ ghề đấy, chú phải cẩn thận ạ. Ngồi nhích lên, ôm eo em cho chặt vào nhé. Chú mà ngã thì bác đánh em chết ạ…

Tôi bật cười. Nguyện luôn miệng ạ để dứt một câu, cứ như thời gian tôi còn bập bẹ tập nói. Khi ấy, bà bác bảo mẫu cho tôi cứ nhắc tôi phải khoanh tay và ạ các bà các cụ đến thăm.

Đường đúng là đầy ổ, chẳng chỉ ổ gà ổ chó mà cả ổ trâu, xóc đến tưng cả người lên. Hai bên đường, rạ xếp bó, lăn lóc trên mặt đất nứt nẻ. Bạc thếch, khô cằn, đất trườn ra như nằm vạ. Hỏi, Nguyện đáp:

- Hạn cả hai năm rồi ạ. Mùa đông thì thỉnh thoảng có mưa, nhưng mưa nhỏ, không to hột, thoáng một cái là lại tạnh ạ…

Vào sâu, tôi thấy vệ đường có một chiếc xe bò trên chất một loạt những thùng phi.

- Xe chở hàng gì vậy?

- Dạ, xe đi lấy nước sông ạ… Trạm bơm hỏng cả năm nay, sinh hoạt phải lấy nước về, đánh phèn rồi mới dùng được! Dân mất nước, nhưng vẫn cứ phải đóng phí để trạm bơm có kinh phí sang sửa ạ!

- Nhưng cơ quan nào quản lý trạm bơm?

- Dạ, Ủy ban Xã… Nhưng Xã lại bảo Ủy ban hành chính Huyện có trách nhiệm sửa và bảo quản trạm bơm. Rồi Huyện lại đổ cho Xóm, xóm đổ xuống cho Thôn, thôn thì đi thu phí ạ!

Tôi suýt văng tục, nhưng rồi im lặng.

Xe vào một con đường nhỏ khá ngoằn nghoèo. Tôi chao người cố giữ thăng bằng.

Nguyện lại khúc khích:

- Sắp đến rồi chú… Ôm lấy em đi, chẳng ai cười đâu mà sợ ạ!

Từ Đường

Cách đây khá lâu, vào cuối những năm thế kỷ trước, tôi đã về làng. Thời đó, Nhà Nước kêu gọi chúng tôi, những “khúc ruột ngàn dặm”, quay về đóng góp xây dựng quê hương. Trong không khí hồ hởi đó, ai nấy háo hức, kẻ tính toán đầu tư vào kỹ nghệ, người lo chuyện làm ăn, xuất khẩu, chuyển giao công nghệ thông tin… Nhà Nước tạo chính danh và từng bước chính thức hóa khiến dăm mười năm sau tiền buôn lậu từ Liên Xô (cũ) và Đông Âu ồ ạt qui cố hương, tạo ra các nhóm lợi ích, làm sân sau cho các quan chức có máu mặt. Phần Việt kiều yêu nước “nháy nháy”, “ta” mở cửa cho làm ăn nhưng cứ vỗ béo xong là “ta” làm thịt khiến nhiều vị thôi yêu rồi bỏ của chạy lấy người.

Trong nước, ở tầm nhỏ, bà con họ hàng kêu gọi giúp đỡ xây trường , xây cầu, làm nhà, đào kênh thoát nước… Bác Thuận, trưởng dòng họ, thư cho chúng tôi đề nghị góp tay chấn chỉnh lại ngôi Từ Đường bỏ bê từ thời Cách Mạng Tháng Tám. Đứng mũi chịu sào, tôi làm danh sách họ hàng được 63 người phiêu tán, kêu gọi và qui tụ được một món tiền gần gấp hai số bác Thuận yêu cầu. Năm sau, tôi hồi hương để “kiểm soát tài chính”, chụp ảnh quay phim khánh thành Từ Đường, và sau là bá cáo cho “trăm họ”. Họ hàng khi đó còn chừng hai chục cụ kéo đến, Bác Thuận trịnh trọng tra khóa mở cửa Từ Đường, nhang nến thắp lên, vái lạy sì sụp, và diễn từ hoa mỹ được long trọng phát ngôn. Đặc biệt, tôi được xướng danh như đứa con phiêu bạt nhưng vẫn giữ được cội nguồn gốc gác (có tiếng hoan hô và tiếng vỗ tay lác đác), ăn quả nhưng vẫn nhớ kẻ trồng cây, và dù xưa có vượt biên nhưng nay đã biết cóc dẫu chết ba năm vẫn quay đầu về núi.

Tôi hẳn không là cóc, và chưa chết nên mới có ngày hôm nay tôi lại đặt chân lên ba bực xi măng dẫn lên ngôi Từ Đường xưa. Bác Thuận chực sẵn, tươi cười:

- Anh chờ chú cả giờ rồi. Quay sang Nguyện, bác tiếp, sao muộn thế cháu? Nguyện kể chuyện xe hỏng. Bác Thuận chép miệng xua tay, kéo tôi vào:

- Làm cốc nước đã nhé. Xong, thắp hương cho các cụ rồi ta hàn huyên!

Uống xong cốc chè xanh chan chát rồi ngòn ngọt trong cổ, tôi đưa mắt nhìn quanh. Dãy cột lim to hai người ôm chọc lên hàng kèo giữ lấy mái ngói vẫn sừng sững đó. Ở dưới, bàn thờ tổ có treo ảnh các cụ, cụ Phủ ảnh lớn nhất, rồi đến cụ Huyện, và sau là các cụ hậu sinh trong đó có ảnh ông nội tôi, các bác tôi và cha tôi.

Dòng tôi thuộc chi thứ, gốc Thanh Hóa, chạy vào Nam Định lánh giặc Tây Sơn cuối thế kỷ 19. Cụ tổ chúng tôi vốn làm quan cho nhà Lê, theo Nguyễn Hữu Chỉnh và bị quân Tây Sơn đánh đuổi phải chạy về Thăng Long. Cụ có hai con trai, ông trưởng chạy về Hải Dương. Ông con thứ đến làng Văn Ấp thì kiệt sức bất tỉnh, và được vị phú hộ họ Trần mang về nhà, nuôi và sau giao cho chân giáo hộ lũ con gái. Thầy trò tư tình với nhau không phải là chuyện hiếm, thế là lòi ra một cận bé khôi ngô sau này đỗ Cử Nhân, ra làm quan và thăng tiến đến chức Tuần Phủ. Cụ Phủ sinh hạ được năm người, nhưng chỉ cậu út đỗ đạt, được bổ Tri Huyện, sau cáo quan đi theo Duy Tân chống thực dân Pháp. Chuyện không thành nên cụ về vui thú điền viên với 4 mẫu ruộng Vua ban dưới thời Tự Đức. Cụ sinh ra ông nội tôi, rồi ông tôi cho ra đời bác Cả, bác Xếp và cha tôi. Ông nội rất nghiêm, bài Pháp mọi phương diện, cấm các con không được đi học. Bác Cả lực lưỡng, hát đúm rất hay, đặc biệt có duyên với phái nữ. Bác học lái xe, trở thành tài xế xe khách, tay chỉ xuống dưới lưng quần hềnh hệch tuyên bố cái nghề này hay ở cái “đến bến nào cũng có chỗ đỗ được”. Lạ là thế mà bác chỉ được một mụn con là bác Thuận, người lo hương hỏa cho dòng họ. Thời Cải Cách Ruộng Đất, bác Cả bị qui là địa chủ. Hiến cho tập thể cả 4 mẫu ruộng ông cha để lại, bác được đánh xuống trung nông, cứ ấm ức trách lẽ ra mình phải được vào giai cấp vô sản tiên tiến.

Bác Xếp trái lời cha, trốn lên Hà Nội đi học trường Y Tá Đông Dương. Ông nội tôi không nhìn mặt bác cho đến khi bác thành Y tá Trưởng bệnh viện Hải Hậu. Ông nội bảo, lương y như từ mẫu, làm phúc làm đức thì Tây cũng như Ta thôi. Vợ bác, chúng tôi gọi là Bác Xếp gái, người đã cưu mang tôi suốt thời chạy loạn. Hai bác sinh hạ một cô con gái, gửi lên Hà Nội đi học. Năm chị tôi 17 tuổi, chị thoát ly đi kháng chiến trên Việt Bắc, trở thành một trong những nữ đảng viên trẻ nhất. Về phần cha tôi, với sự bảo trợ của bác Xếp cha được đi học, nhưng chưa qua được cấp Thành Chung thì bỏ theo kháng chiến, nhiệm cụ đi buôn khí giới thời Nhật đầu hàng Đồng Minh cho cách mạng. Dính dáng khá mật thiết với Quốc Dân Đảng, cha bị chèn ép, cuối cùng phải dinh tê, sau làm công chức cho chính quyền bảo hộ thời Bảo Đại. Năm 1954, gia đình chúng tôi di cư vào Nam, và rồi đến 1986 thì di tản qua Bắc Mỹ.

Bác Thuận thủng thẳng châm lửa vào ba cây nhang rồi vẩy cho tắt. Tôi cung kính cầm nhang ngang mày, chắp tay lẩm bẩm khấn vái các cụ phù hộ độ trì cho đám hậu sinh. Đợi tôi làm xong thủ tục lễ lộc, bác Thuận mới nói:

- Chuyện mọt đang phá Từ Đường thì anh đã báo cáo chú rồi, giải quyết không khó. Anh đã hỏi cơ quan quản lý môi sinh, họ bảo xịt thuốc dăm ba lần là hết tiệt thôi. Và cũng chẳng tốn bao nhiêu…

- Thế thì ngoài việc anh em mình hàn huyên với nhau, anh gọi em về làng làm gì? Gặp nhau, em có thể mời anh ra Hà Nội cơ mà!

Bác Thuận ngần ngừ:

- Ừ thì cũng biết vậy, nhưng chú về sẽ mắt thấy tai nghe một chuyện hệ trọng hơn là mấy con mọt trong Từ Đường! Chú biết, nhà ta thuộc thôn 9, có 47 nóc gia, và tất cả là 167 người kể hết già trẻ nam nữ chứ… Đàn ông con trai đi gần hết, thôn phần lớn chỉ có đàn bà và trẻ con. Thế mà…

Bác Thuận ngưng nói, nuốt nước bọt.

- Thế mà sao?

- Mai chú sẽ chứng kiến… Chiều nay ta phải chén chú chén anh với nhau. Đêm nay chú ngủ ở cái chái trong Từ Đường nhé.

Nói xong bác Thuận tất tả đi ra ngoài, nói với lại:

- Cần gì chú cứ gọi cái Nguyện, nó ở ngay phía sau đây, chú nhé.

Mộ tổ

Tôi mở ba-lô, treo quần áo lên mắc, và nằm duỗi dài mong chợp mắt một lúc. Nhưng vô phương. Đầu tôi lẫn lộn trăm thứ, không trụ vào đâu, cứ lang mang không định hướng. Nằm thật yên, tôi lắng nghe. Đúng là có tiếng nghe răng rắc. Mọt đang gặm cột chống bàn thờ tổ dòng họ nhà tôi đây. Vùng dậy, tôi lui cui chui vào gầm bàn thờ. Quả thật thế. Chân cột vỡ một mảnh, thứa gỗ có những lỗ chấm li ti đều đặn. Bác Thuận nói chính xác. Mọt chứ không là giống gì khác. Mọt xứ mình ghê hơn ở mọi nơi. Chúng sống có đoàn thể, ăn từ trên xuống dưới, và không từ bất cứ gì. Phun thuốc diệt mọt, tất nhiên. Tôi sẽ thúc bác Thuận phải diệt mọt đến tận hang ổ, không cho chúng tái sinh trong chốn trần ai này.

Nhưng phải xin các cụ chứng giám sự quyết tâm diệt mọt. Đứng lên, tôi ới, Nguyện ơi, Nguyện. Lát sau thì nó tới, không gõ mà mở cửa nơi tôi ở, hỏi tôi cần gì. Lúc đó tôi mới thực sự nhìn thấy nó.

Bây giờ Nguyện không còn bịt nửa mặt. Tóc thôi không kẹp, thả dài rơi ngang lưng. Da rám hồng, chắc vì nắng gió. Cười, hàm răng trắng muốt, đều tăm tắp trừ một chiếc răng khểnh. Người hơi đẫy nhưng dáng nhanh nhẹn, và lúc nào cũng hồn nhiên, miệng giả lả bắt chuyện. Nguyện nhìn tôi, nhắc lại câu hỏi và đợi trả lời.

- Dẫn chú ra mộ tổ thắp hương cho các cụ, tôi nói.

- Bớt nắng rồi, đi nhưng chú chờ cháu tí nhé…

Nói vừa dứt lời, Nguyện quay ngoắt người chạy biến ra sau. Lát sau, Nguyện quay lại, áo cánh, quần bò, tay khệ nệ vàng mã hương đèn. Tôi bật cười, nhìn nó xúng xính như đi ăn cỗ. Hiểu ra, nó bẽn lẽn:

- Đi thắp hương viếng các cụ phải nghiêm chỉnh ạ… Bác Thuận đi vắng nhưng đã sửa soạn chu đáo trước cả rồi ạ!

Mộ tổ không xa ngôi nhà Từ Đường. Vạch cỏ dại, chúng tôi lần mò mươi phút là tới. Mộ cụ Phủ nhô ra trước, sau là mộ cụ Huyện. Đàng sau mộ các cụ ông là mộ các cụ bà. Việc đầu tiên, quét dọn và nhổ cỏ dại. Để lại ngay ngắn hai lọ cắm hoa làm bằng plát-tích, tôi châm hai bó nhang, đợi dập xong lửa rồi mới lầm rầm khấn vái. Tôi chẳng biết xin gì, thôi thì xin các cụ giúp dẹp cho yên lũ mọt đang gặm nhấm bàn thờ tổ. Đúng lúc tôi khấn xong thì một bó nhang đang nghi ngút khói bỗng bắt lửa cháy bùng lên. Nguyện reo lớn:

- Chú ơi, các cụ đang cười. Thế nào các cụ cũng chứng giám lời chú xin đấy ạ!

Hóa vàng xong, tôi rủ Nguyện đi một vòng quanh xóm. Bước lên mặt đê, trải tầm mắt, tôi nhìn bốn phía. Xa tít, mái chùa Văn Ấp chòi khỏi những ngọn cây xanh sạm. Dưới chân, mặt ruộng nứt những vết chân chim có móng vuốt như chân loài ưng loài ó. Tôi hỏi, Nguyện cắn môi, đáp:

- Mùa màng thất bát, chẳng gặt hái gì sất ạ. Gặp liền hai năm hạn ruộng đồng bỏ hoang cả…

- Những thôn xóm khác ra sao?

- Chỗ nào gần sông thì đỡ, nhưng xóm Diễn và xóm Dinh mình là bị nặng nhất ạ.

Ông chuyên viên địa trắc bảo nay thay đổi khí hậu, toàn cầu nóng lên, chắc không đảo ngược được…

Mặt trời ngả về phía tây, mây rám hồng giăng ngang tầm mắt lặng lờ chìm dần vào bóng nhá nhem một ngày đang tắt. Có tiếng chó ăng ẳng, tiếng người í ới gọi nhau. Nguyện kéo nhẹ tay tôi nhắc phải về kẻo muộn.

Cuộc rượu

Chúng tôi sắp về tới cửa thì bác Thuận ra đón. Bác nay gần thất tuần, người thanh mảnh, tính xuề xòa, lại tốt bụng nên nhiều người quí mến. Bác gái mất hơn chục năm nay, trước cả khi tôi về thôn lần trước. Lần đó Nguyện mới 5, 6 tuổi. Mẹ nó bỏ đi Sài Gòn, lại chẳng ai nhận làm cha, nó vất vưởng một thân một mình, bác gái lôi nó về nuôi mặc dầu kinh tế gia đình khá eo hẹp. Còn bác trai, bác nhận nó là cháu họ, xin mãi mới được vào hộ khẩu. Đến tận ngày nay, chiến tranh chấm dứt gần 4 thập niên rồi mà bác vẫn cứ hậm hực chuyện bác không được đi chống Mỹ cứu nước. Con một, bác không bị bắt lính theo chính sách nhưng bác lại tự nguyện đầu quân khi chiến tranh vào giai đoạn ác liệt sau Tết Mậu Thân. Bà Cả thân sinh ra bác lên đến tận Ủy Ban Nhân Dân tỉnh kêu, bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại, thằng Thuận là con một, xin các đồng chí thương không để cho nó nhập ngũ rồi chết mất xác. Bà giúi vào tay đồng chí cái nhẫn ba chỉ vàng, tất nhiên chính sách được nghiêm chỉnh chấp hành, và bác Thuận đành thất thểu làm công tác quần chúng trong hợp tác xã khi chiến tranh leo thang. Sau bác Thuận oán mẹ không để cho mình làm liệt sĩ, than vãn cho đến khi bạn bác là lão Bạ quát: Tiên sư mày, mẹ mày cứu mày, mày là thằng ngu lại mở miệng trách móc.

Nhưng chuyện làm mọi người bật cười là chuyện bác Thuận lên Ủy Ban hành chính làm khai sinh cho cậu con đầu lòng cách đây gần 40 năm. Tên, bác đặt là Nguyễn Tất Thành. Anh thư ký cấp xã non choẹt nghe xong nhăn mặt, ngẫm nghĩ, rồi bất ngờ hét: Hỗn! Có biết tên đó là tên ai không? Dạ biết, nhưng nhà cháu chỉ muốn tỏ tấm lòng yêu kính Bác chúng ta mà thôi. Anh thư ký đập bàn quát, thế khi anh là bố nó, anh dạy con, anh đánh anh mắng, anh réo tên lên, thì yêu kính Bác thế nào! Bác Thuận lạnh người, cứng họng. Sợ quá, bác thì thụp tế như tế sao. Anh thư ký ra lệnh, phải đổi tên đi, đừng có hỗn. Bác Thuận lúng túng. Anh thư ký phán, thôi, tên là Thành nghe hay, nhưng không thể đệm bằng Tất được… Vê râu nghĩ ngợi, anh bật miệng, Tán thì xuôi đấy. Và thế là xóm Dinh thôn 9 có thêm công dân tí hon Nguyễn Tán Thành.

Bác Thuận nắm tay tôi lôi vào nhà bác. Căn nhà nhỏ ở phía bên phải Từ Đường là cơ ngơi bác thừa hưởng từ thời các cụ còn tại thế. Xế nhà bác, cái giếng nước thành đắp gạch nung nhô lê vẫn còn trơ gan cùng tuế nguyệt. Giếng là nơi tôi bị cấm lai vãng một mình khi còn thơ ấu, người lớn dọa có con ma da nó rút chân người rồi dìm nước đến toi mạng, và khi tới gần thì miệng phải niệm nam mô a di đà phật mới an toàn.

Đẩy tôi ngồi xuống ghế, bác chỉ tay vào cái lồng bàn úp trên một chiếc thau đồng, miệng nói như reo:

- Tối nay anh em chúng mình ăn một bữa cho ra trò nhé. Nhớ năm xưa chú về chú nói thích bê thui, tôi lên chợ Diễn mua về đấy!

Đẩy về phía tôi một cút rượu và hai cái chén tống, bác cười:

- Tí rượu cho vui, không cổ-ngắc cổ nhiếc gì mà là rượu Làng Vân ta, ngon có tiếng đấy!

Dứt lời, bác cao tiếng gọi Nguyện, dặn dò chuyện cơm nước, sau quay sang tôi, rót rượu rồi hô giọng miền Nam, nào zô zô… một trăm phần trăm nghe, zô! Tôi ực một hơi, rượu cay xè, thấy nay Nam Bắc quả là một nhà rồi, lạy trời!

Thế là chén chú chén anh, thăm người này hỏi người kia, chép miệng khi có tin kẻ ra đi vĩnh viễn, reo vui khi nghe con cháu ăn nên làm ra. Bác Thuận tươi rói, vui vẻ:

- Đi vận động quần chúng, gặp lão Bạ… Lão ấy gửi lời chào chú, và hẹn mai mốt sẽ đến thăm! Nhưng nhớ chớ nói, chỉ nghe, lão là chúa nói bậy, rồi một đồn mười, mười đồn trăm, rách việc…

Vâng, lão Bạ đúng là một nhân vật của thôn Dinh này. Lão tên cúng cơm là Trần Quyết Tiến, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, hy sinh ở mặt trận Lạng Sơn một cái chân trái vào ngày 17 tháng 2 năm 1979. Lão kể, ta trên núi cao, cứ thế nã xuống. Chúng nó chết như rạ, nhưng hết lớp này đến lớp khác cứ ùn ùn xông lên, chiến thuật biển người mà lị. Bắn mãi, hết đạn. Đồng chí Chỉ huy Tiểu Đoàn xin rút. Pháo địch rơi xuống công sự ta như mưa rào. Trên không cho. Thế đánh nhau bằng cách ném đá à, lính hỏi. Chỉ huy gượng gạo cứng giọng, chứ sao, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Kể đến đây, lão Bạ cười khà khà, cái gì sinh ra thì chưa thấy nhưng thằng này đã mất mẹ nó cái chân trái, vất vưởng nửa ngày dưới hố tưởng chết vì mất máu. Về được hậu phương, nhà thương cưa phắt cái chân, ông bác sĩ phẫu thuật bảo thương binh có hàng ngàn, chẳng thể làm chi khác. Thế là tớ chửi bọn xâm lăng, chán rồi chửi trời chửi đất… Thế này, làm chi để sống sau chiến tranh? Đường vợ con sẽ ra sao? Đứa nào đi lấy một thằng què cụt? Nhưng phải nói, những câu lão Bạ hỏi cũng là câu hỏi của hàng chục hàng trăm ngàn người. Và rồi ai cũng sẽ có lời đáp, tốt xấu tùy số mạng mỗi người, vậy thôi.

Đến khuya, cuộc rượu tàn. Nguyện lên dọn chén bát, hỏi chúng tôi có cần châm trà thêm không. Cô bé mặc áo cánh, tay xắn cao, tóc dài chảy xõa xuống, đi ngang để thoảng lại một mùi hương trong ký ức mà tôi không còn nhớ tên. Mùi hương lạ vì có vị ngòn ngọt của những quả ô mai ngậm trong miệng khi tôi còn thơ, thoắt hiện thoắt biến, như ân sủng từ một phép màu mang an lành.

Chuyện trò thêm một lát, tôi nhìn bác Thuận, xin phép đi nghỉ. Bác thân mật:

- Ờ chú chịu khó ngủ cho đẫy giấc. Sau một ngày đi đường hẳn có vất vả, ngủ dậy là lại khỏe thôi!

Nguyện châm ngọn đèn hoa kỳ soi đường đưa tôi về Từ Đường, dặn lối đi nhấp nhô nên phải cẩn thận kẻo vấp. Trăng đã đã lên đỉnh tre. Gió thổi, trời không mây, trăng sáng nên tôi chẳng thấy được những vì sao vẫn lấp lánh trong ký ức tôi, một đứa trẻ tản cư đến ngôi làng này thời tao loạn vào nửa thế kỷ trước. Bao giờ trăng thôi sáng, tôi buột miệng. Nguyện khúc khích:

- Chú đợi ba bốn ngày nữa, trăng rồi sẽ lu cho chú tha hồ ngắm sao đêm ạ!

Bên bờ giếng

Trằn trọc, tôi xoay trở đủ cách nhưng không sao ngủ được. Căn hộ bác Thuận ở chính là nơi cưu mang tuổi thơ của tôi. Có lẽ vì mới từ đó quay về Từ Đường khiến tôi thao thức mãi. Tôi bỗng nhớ bác Xếp gái, bảo mẫu của tôi thời tôi tản cư về làng. Tối tối, bác dậy tôi học đánh vần, đúng thì phần thưởng là những câu chuyện cổ tích bác còn bỏ lửng hôm trước. Nào là Thạch Sanh còn bị nhốt dưới hang, Lý Thông cười ngặt nghẽo trên bờ. Nào là Cám sắp nhấn nước Tấm rồi bỏ xác trôi sông, con chim hoàng oanh nghe Vua gọi “vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh thì chui vào tay áo”, nhưng cứ mãi ngần ngừ không bay lên. Nào hai anh em tìm được nhau thì người em đã qua đời, hóa thân thành cây cau sống đời thực vật. Người anh thương quá, biến thành cây trầu quấn quít, còn chị vợ mất chồng buồn đến độ hóa đá thành vôi.

Để nghe bác kể, tôi phải học: tờ…a là, bác hỏi. Tôi đáp ta. Bác reo: đúng. Bờ…ô. Tôi đáp bô. Chờ..a. Dễ thôi, cha. Bác ôm tôi, bảo mày sáng dạ ra phết, sau chắc thành ông giáo! Nhưng khi đến đư.. ơ… n đươ… ng …thì tôi chịu, không làm sao mò ra đương, chỉ biết thêm dấu huyền thì đương thành đường. Đánh vần chữ quốc ngữ phức tạp chứ chẳng dễ. Bác đổi ý, bảo thôi đừng làm ông giáo nữa con ạ!

Lơ mơ một lúc, tôi thiếp đi lúc nào không hay. Thình lình, chị Thược ở cửa nhà chênh chếch nhà tôi giơ tay vẫy. Vẫn như xưa, chị thướt tha trong áo lụa trắng quần lụa đen. Chị là con gái lớn trong gia đình bác Phán nay sống ở Hà Nội, hàng năm cứ khi vãn học thì về làng nghỉ hè. Bác Phán có khi đi theo ở dăm bữa xong lại đi, mong giữ mối liên hệ vói làng xóm gốc gác.

Chị Thược cao, gầy, mang dáng dấp một thân liễu liêu xiêu gày gò. Khi trời đổ mưa, chị hay vịn chiếc cột chống mái gianh cạnh một chum nước làm bằng sành màu nâu, hát khe khẽ một bài thời kháng chiến chống Pháp:

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa

Mà không nhớ thương người mẹ già

Ngồi may áo cho con

Người con đã ra đi, vì nước…”

Tiếng hát lẫn vào tiếng mưa rơi, lúc nhặt lúc khoan. Thuở đó, không hiểu vì sao mỗi lần nghe chị hát là tôi ứa nước mắt khóc. Nhưng giọt mưa tí tách nhỏ qua mái gianh khóc theo, nhưng mưa mãi rồi thì cũng phải tạnh. Khi đó, hai chị em lại nô đùa, lại đi bắt cào cào châu chấu, đi đào dế, đi săn chuồn chuồn… Ô, những con chuồn tía cánh đỏ như nhuộm bã trầu, những con chuồn kim xanh màu mắt mèo bé như cây tăm. Và những con chuồn ngô đầu to tròn, mắt thô lố màu vàng có điểm một chấm đen, mình dài, cánh rộng tà tà lượn vòng giữa những lùm cây rợp bóng. Chị bảo, muốn biết bơi thì phải để cho chuồn ngô cắn rốn. Chúng tôi lấy nhựa mít bôi lên đầu những ngọn cây còn thấp, chuồn ngô đậu vào là vô phương bay lên được. Chuyến săn chuồn thắng lớn, nhưng đến mục cắn rốn thì không mấy khả quan. Tôi nghiến răng. “Đau một tí thôi, con trai mà!”, chị Thược khuyến khích. Nào, tôi nghiến răng, xem sao. Ơ mà, đau hơn muỗi cắn thật. Nhưng sợ hơn là đau, tôi bật khóc. Chị Thược ôm tôi vào lòng. Hương bồ kết thoảng qua, nhưng một mùi nửa hăng hăng nửa nồng nồng sực vào mũi mà sau này tôi mới biết đó là mùi đàn bà tới ngày có kinh. Chuồn ngô cắn rốn rồi, chị Thược kéo tôi đến bờ ao, ra lệnh “nhảy xuống đi”. Lần này, tôi òa lên sướt mướt, và thú thật cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa biết bơi. Thấy tôi lùi lại, chị Thược vẫy vẫy, bảo “đừng sợ, có chị đây”. Tôi tiếp tục lùi, cho đến khi mình chạm vào vách, tôi bừng tỉnh.

Ra khỏi một giấc mơ có chuồn chuồn cắn rốn, tôi thở phào, nhưng thấy chút gì như bất an. Đêm vẫn đêm, trong Từ Đường mọt gặm gỗ nghe răng rắc. Bên ngoài, tiếng dế gáy ran và tiếng côn trùng rỉ rả làm thành nhạc nền cho tiếng chó ủng oẳng bắt nhịp vào dăm tiếng chim quang quác thỉnh thoảng cất lên. Cố chợp mắt nhưng tôi không còn ngủ được. Ngồi dậy, tôi khoác áo, mở cửa bước ra ngoài.

Trăng đã xế ngang đầu. Không khí khô dần, và trên trời điểm thoáng đâu đó những gợn mây trắng nhạt. Tôi bước tới bờ giếng, vạch cây tìm một khoảnh trống. Cái giếng này, xưa tôi biết nó, và còn giữ biết bao nhiêu là kỷ niệm thời thơ nhỏ. Đường kính chừng 3 mét, giếng thuộc loại khá lớn, cung cấp thừa đủ nước sạch cho khoảng hơn ba chục hộ gia đình. Tối tối, người trong thôn đến kéo gàu múc nước đổ vào thùng, mang về sang vào chum vào vại, dùng trong dăm ngày. Quanh bờ giếng, tiếng nói cười râm ran, tiếng chòng ghẹo tán tỉnh, và rồi có khi có tiếng hát ví, hát đúm dẫu thời tôi sống ở đó là thời chiến. Khó kể cho đủ những mối tình, những duyên số, những đoàn tụ và chia ly quanh bờ giếng là nơi tụ hợp nhiều số phận, kẻ viên mãn thành đạt, người vất vưởng lao đao. Và cũng thật khó tưởng tượng ra làng tôi mà không có cái giếng tôi đang ngồi trên, tay bụm mặt tưởng nhớ một thuở quá vãng.

Lần về khánh thành ngôi Từ Đường mới trùng tu, tôi hỏi thăm bác Thuận tin tức chị Thược. Ngày xưa, chắc bác cũng phải lòng chị. Bác buồn buồn, kể sau 1955 thì chị lên Hà Nội ở hẳn. Con nhà tư sản, lại cộng tác với Pháp, gia đình ông Phán khá khó khăn, chị phải thôi học và vào làm cho một hợp tác xã sản xuất bột mì. Trời xui đất khiến, chị gặp lại một người bạn xưa đi học chung với nhau. Anh bỏ học, lên Việt Bắc tham gia chiến đấu, sau chỉ huy một đại đội đạt nhiều chiến công. Sau hiệp định Genève, anh về thủ đô và thuộc loại gà nòi của chế độ. Trong quân đội, anh thăng tiến rất nhanh, và mặc dầu bị phản đối vì thành phần của chị không thuộc giai cấp tiên tiến, anh vẫn kết hôn với chị. Đến giai đoạn “đấu tranh giữa hai đường lối”. Bên Trung Quốc, là Cách Mạng triệt để nhằm Đại nhảy vọt. Bên kia, Liên Xô, hò lên chung sống hòa bình vói bọn tư bản Đế Quốc. Ở Việt Nam, miền Bắc thì ấp ủ mộng giải phóng miền Nam bằng mọi phương sách.

Ở cái thế dùng dằng bên lôi bên kéo, miền Bắc láu cá chàng hảng đi dây, khi thế này lúc thế kia, chăm chăm trục lợi nhất thời. Chồng chị Thược được cử qua Liên Xô vào thời điểm đó làm trợ tá cho một vị tướng theo phe chung sống hòa bình. Ông này không thể về nước vì các vị có quyền thế chính trị ở Việt Nam quay ngoắt sang “chống xét lại”. Chồng chị Thược bị ghép vào thành phần “xét lại chống Đảng” và cũng bị kẹt ở lại Liên Xô. Khi đó, chị có chửa, lêu bêu chẳng ra đâu vào đâu, hy vọng sum họp với chồng ngày càng mong manh. Chị về làng, phẫn chí nhẩy xuống giếng vào một đêm không trăng không sao. Dân làng vớt xác chị, mang chôn ở nghĩa địa chùa Văn Ấp.

Mơ màng tưởng đến những mảnh đời đổ nát trong thứ thế sự rối ren bất trắc, tôi quặn lòng thương những người hoàn toàn bất lực trong vòng xoay thế cuộc. Ngồi như thế, bỗng có ai đó lay vai tôi. Mở choàng mắt, tôi nhìn ra.

Không một ai chung quanh.

Nhưng xa xa, ngay trước cửa nhà chị Thược, có bóng người mặc áo lụa trắng đang giơ tay vẫy vẫy. Tôi buột miệng kêu, chị Thược ơi chị Thược. Bật dậy, tôi vừa đi được vài bước thì cái bóng đó mờ dần rồi tan đi như sương khói trong hư không.

N.D.