Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2019

­Kiến, chuột và ruồi của Nguyễn Quang Lập trong dòng chảy của văn xuôi đương đại Việt Nam (kỳ 1)

Lã Nguyên

1. Cấu trúc ngữ nghĩa và thể loại tác phẩm

2. Lời phục sinh từ nghĩa địa ngôn từ

3. Mông muội, bi hài kịch mang tên “Cách mạng” và logic trần thuật

4. Huyền thoại bóng tối hay là giễu nhại huyền thoại

5. Nói những điều lớn lao mà như đùa bỡn (Thay lời kết)

1. Cấu trúc biểu nghĩa và thể loại tác phẩm. Đọc Kiến, chuột và ruồi[1] của Nguyễn Quang Lập, tôi bị thu hút ngay vào cấu trúc biểu nghĩa của nó. Tác phẩm trần thuật nào, về mặt cấu trúc, cũng đều có hai bình diện. Nổi trên bề mặt tác phẩm là một chuỗi bức tranh, một loạt trường đoạn mô tả môi trường, cảnh vật, chân dung các nhân vật có tên hoặc không tên và những sự kiện gắn với các nhân vật, cảnh vật ấy. Bình diện này làm thành một văn bản cụ thể, hữu hình, có mở đầu tuyệt đối và kết thúc tuyệt đối, khi đọc tác phẩm, độc giả tiếp xúc với nó trước tiên. Phía sau những bức tranh, những trường đoạn ấy là lớp đời sống vô thủy vô chung được tác giả mô hình hóa theo một kiểu cách nào đó làm thành “khung” văn bản và ngôn ngữ nghệ thuật của tác phẩm. Chỉ có thể đọc tác phẩm bằng thứ ngôn ngữ nghệ thuật này. Nhưng đó là thứ ngôn ngữ phái sinh. Nó được kiến tạo từ ngôn ngữ tự nhiên trong giao tiếp thường nhật, nên không phải bao giờ độc giả cũng có khả năng phát hiện ra. Các nhà hình thức luận gọi bình diện thứ nhất là “chất liệu”, bình diện thứ hai là lớp “ý nghĩa”. Y. Lotman gọi bình diện thứ nhất là “cốt truyện” (fabula/story/histoire), gọi bình diện thứ hai là lớp “huyền thoại” (mythe). Dẫu gọi là gì đi chăng nữa, thì trong bản chất, hai bình diện ấy vẫn là những mặt đối lập, đời đời xung đột với nhau. Lịch sử văn xuôi từng chứng kiến nhiều xu hướng nghệ thuật chọn lớp huyền thoại làm điểm tựa cấu trúc biểu nghĩa. Xu hướng này đưa tác phẩm tự sự xích lại gần triết học và văn xuôi hư cấu. Nhưng cũng có không ít trường phái sáng tác lấy lớp chất liệu làm điểm tựa biểu nghĩa. Xu hướng này đưa tác phẩm tự sự xích lại gần ký sự, phóng sự, báo chí và văn học xác thực nói chung. Tiểu thuyết phóng sự thuộc xu hướng thứ hai này. Văn bản nghệ thuật đương đại thường được kiến tạo trên sự xung đột giữa các xu hướng ấy, trên trương lực cấu trúc giữa chúng. Kiến, chuột và ruồi của Nguyễn Quang Lập xây dựng cấu trúc trên trương lực của nhiều đối cực theo nguyên tắc nói trên. Tôi có hai nhận xét nhỏ thế này.

Thứ nhất: Tiểu thuyết Kiến, chuột và ruồi lấy bối cảnh là cuộc cải cách ruộng đất ở một thị trấn miền trung để kể về số phận của con người. Người kể chuyện xưng “Tôi”, chuyện được kể từ ngôi thứ nhất. Tuy viết về sự kiện lịch sử cụ thể, nhưng Kiến, chuột và ruồi của Nguyễn Quang Lập không phải là tiểu thuyết lịch sử. Ngôi trần thuật, từ ngữ địa phương lấy từ quê hương tác giả đầy ắp trong ngôn ngữ kể chuyện và nhiều chi tiết tiểu sử của nhà văn được sử dụng trong tác phẩm khiến người đọc nghĩ tới thể tự truyện. Nhưng tác phẩm mang hình hài tự truyện này tuyệt nhiên không thuộc loại truyện ký, ví như hồi kí hay nhật kí, càng không phải là văn học tư liệu xác thực. Ý tôi muốn nói, việc xác định bản chất thể loại của Kiến, chuột và ruồi không hề đơn giản.

Thứ hai: Cuốn sách dày 355 trang, chia thành 25 phần, cũng có thể gọi là 25 chương, mỗi chương kể lại một câu chuyện, thuật lại số phận, hay khắc một chân dung nhân vật, chương này nối tiếp chương kia, các chương gắn kết với nhau theo kiểu xâu chuỗi, tỉ như: Thế là tôi ra đời, Ngày 30 tháng 4 của tôi, Cái bóng, Mạ tôi, Anh Bảy, Đội trưởng, Chị Hiên, Nhiệm vụ vẻ vang, Đêm định mệnh... Xương sống của tác phẩm không phải là một hành động truyện xuyên suốt, thống nhất, có mở đầu, phát triển, thắt nút, mở nút như ta vẫn thường thấy trong tiểu thuyết truyền thống. Một bố cục như thế xem ra có phần lỏng lẻo. Nhưng đằng sau bố cục tưởng như lỏng lẻo, đơn giản ấy, Nguyễn Quang Lập đã tạo ra một cấu trúc biểu nghĩa chặt chẽ, nhiều lớp lang, cho phép người đọc tiếp cận tác phẩm theo nhiều cách thức, tầng bậc khác nhau. Vậy đâu là điểm tựa, là đầu mối của loại cấu trúc nghệ thuật này?

2. Lời phục sinh từ nghĩa địa ngôn từ. Tôi gọi Kiến chuột và ruồi của Nguyễn Quang Lập là cuộc chiến giữa lời nói phục sinh với nghĩa địa ngôn từ và xem đó là nền tảng cấu trúc của thiên tiểu thuyết.

Nói tới cấu trúc biểu nghĩa của văn bản văn học thực ra là nói về tổ chức điểm nhìn nghệ thuật của nó. Điểm nhìn là khái niệm chỉ vị thế trong thế giới tạo hình của người quan sát (người kể chuyện, người trần thuật, nhân vật). Nó vừa xác định tầm nhìn trước đối tượng được trần thuật, vừa nói lên quan điểm giá trị của người quan sát với đối tượng được cảm thụ. Trong tác phẩm tự sự, trần thuật bao giờ cũng được tiến hành từ một điểm nhìn nào đó. Tổ chức điểm nhìn do vậy trở thành đầu mối, thành nền móng của mọi cấu trúc biểu nghĩa.

Ngay từ đầu những năm 1950, khi khắp nơi trên miền Bắc, từ chiến hào ngoài mặt trận đến sân đình trong các xóm thôn hừng hực không khí đấu tố, Nguyễn Đình Thi đã viết Mẹ con đồng chí Chanh (1954), Nguyễn Huy Tưởng xuất bản Truyện Anh Lục (1955). Cùng với Con trâu của Nguyễn Văn Bổng, Vượt Côn Đảo của Phùng Quán, cuốn tiểu thuyết nói trên của Nguyễn Huy Tưởng được trao giải nhì Giải thưởng văn học 1954 - 1955 của Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, Vũ Bão viết Sắp cưới, sách “phạm cấm”, thành sự kiện chính trị trong đời sống văn học và từ đó “cải cách” được xem là đề tài “nhạy cảm”. Nhưng chẳng vua chúa nào có thể giấu nổi cái “tai lừa”. Năm 1988, Dương Thu Hương viết Những thiên đường mù. Năm 1992, Ngô Ngọc Bội in Ác mộng. Năm 2004, Đào Thắng có Dòng sông Mía và năm 2006, Tô Hoài xuất bản Ba người khác. Ấy là tôi chỉ liệt kê một cách ngẫu nhiên theo trí nhớ, chắc còn thiếu nhiều cuốn khác chưa thể kể hết. Nhắc lại mấy tác phẩm ấy, tôi chỉ muốn nói, giờ đây, cải cách ruộng đất không còn là đề tài mới. Cho nên, muốn tạo ra tiếng vang trong đời sống văn học, người sáng tác phải tạo ra cái nhìn mới với đề tài đã trở nên rất cũ, rất quen. Nguyễn Quang Lập đã làm được điều đó. Tiểu thuyết Kiến, chuột và ruồi của ông đã tạo ra một hệ thống điểm nhìn mà ta chưa thấy ở đâu trong văn xuôi đương đại Việt Nam. Từ tổ chức điểm nhìn ấy, nhà văn đã xây dựng một cấu trúc nghệ thuật mới mẻ. Và đến lượt mình, cái cấu trúc nghệ thuật mới mẻ này lại mở ra trước người đọc một cái nhìn khác với hiện thực tưởng đã quen, đã cũ của chúng ta.

Nghệ thuật chẳng qua là đời sống được lạ hóa. Lạ hóa là thủ pháp thường được nghệ thuật sử dụng để chống lại cái nhìn xơ cứng của con người bị tự động hóa trong đời sống sinh hoạt thường nhật. Còn nhớ, trong một truyện ngắn có nhan đề Kholstomer (1863 – 1886), L. Tolstoi đã biến một con ngựa già yếu thành nhân vật kể chuyện. Nó kể với các bạn ngựa về cuộc đời mình. Nghe câu chuyện của nó, độc giả bàng hoàng nhận ra, rằng cách hành xử mà con người vẫn xem là bình thường đối với con ngựa hóa ra là cách hành xử tàn ác vô cùng. Nguyễn Quang Lập cũng sử dụng thủ pháp lạ hóa để tạo ra hiệu quả nghệ thuật như thế.

Ở trên đã nói, trong Kiến, chuột và ruồi của Nguyễn Quang Lập, nhân vật người kể chuyện tự xưng “Tôi”, mọi câu chuyện đều được đẫn từ ngôi thứ nhất. “Tôi” là một hài nhi. Đứa hài nhi kể lại những chuyện mà nó đã nghe, đã nhìn và đã thấy từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, chuẩn bị chào đời, cho tới năm nó lên bốn. Qua lời kể của nó, người nghe thấy hiện lên cùng một thế giới có hai hệ thống tên gọi được hình thành từ hai điểm nhìn, hai quan điểm giá trị khác nau.

Ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, đứa hài nhi xưng “Tôi” đã biết cái thế giới mà nó chuẩn bị gia nhập là thế giới đã được gọi tên. Nó biết Thị trấn nơi chôn rau cắt rốn của nó tên là “Kô Long”. Nó biết “dân Thị trấn Kô Long ngưỡng mộ và tin cậy” bác Đông gái, vì ở đây bác “một mình một trường phái kéo mạ kền”. Về sau, nó biết, trên Thị trấn là “Huyện”, trên “Huyện” là “Tỉnh”, trên “Tỉnh” là “Trung ương”. Nó biết ở “Trung ương” có “Thủ trưởng”, ở “Tỉnh”, “Huyện” có “Ban tuyên giáo”, có “Bí thư”, “Chủ tịch”, đâu đâu cũng có “Công an”. Nó biết “Cách mạng”, “Cách mạng thành công” là những từ được dùng làm cột mốc thời gian, để phân biệt người này với người kia, “gầm trời này” với “gầm trời” khác: “Quê tôi từ ngày Cách mạng thành công các lễ mừng sinh nhật đều bị coi là trò rởm đời của quân tư sản, tất nhiên là trừ sinh nhật của lãnh tụ. Ba tôi là cán bộ cách mạng càng phải nêu gương. Dưới gầm trời cách mạng dân Thị trấn Kô Long, người ta chỉ mừng thọ, không ai mừng sinh nhật” (tr. 22. Những chữ in nghiêng, do tôi nhấn mạnh – LN). Nó biết ở “Thị trấn” có “Đội trưởng” và “Đội cải cách”. “Cải cách” cũng được gọi là Cách mạng”, khí thế “Cách mạng” được mô tả là “Trời long đất lở”. Ba nó bị “Cách mạng” quy là “Phản động”, mang ra xử bắn, bị dân Kô Long hô “đả đảo”, nhờ may mắn thoát chết trong gang tấc. Nhà nó bị gọi là “Nhà thằng phản động”, bị tống vào ở trong “Chuồng bò”. Nó có hai ông bác được gọi là “Tư sản”. Sau “Cải cách” có “Sửa sai”, nhà nó được xuống thành phần, gọi là “Dân nghèo thành thị”. Thoát chết, ba nó quyết không chịu rời “Chuồng bò”, nhờ thế được bầu làm “Phó chủ tịch”, rồi “Chủ tịch” tỉnh, nhưng vẫn bị xếp vào thành phần “tiểu tư sản”, thuộc loại “không thể làm cách mạng!”.

Rất dễ nhận ra, “Trung ương” - “Tỉnh” - “Huyện - “Thị trấn” - “Ban tuyên giáo” - “Thủ trưởng” - “Đội trưởng” – “Bí thư” - “Chủ tịch” “Cải cách” – “Cách mạng” - “Tiểu tư sản” - “Dân nghèo thành thị” - “Tư sản” – “ Phản động” - “Gián điệp Quốc dân đảng”… chỉ là một hệ thống tên gọi được đặt theo quan điểm giá trị của hệ tư tưởng chính trị quốc gia. Chúng xác lập trật tự hành chính trong tổ chức nhà nước, địa vị các cán bộ trong guồng máy chính trị, phân chia thành phần giai cấp trong cộng đồng dân tộc, rồi áp đặt lên từng cá nhân, làm thành số phận của con người: “Có hai mươi bốn chữ cái thôi người ta có thể tùa thành hai loại đỏ đen, bên này chữ đỏ bình an vô sự vinh thân phì gia, bên kia chữ đến thân tàn ma dại khuynh gia bại sản” (tr. 65). Chúng được tổ chức lại, làm thành ngôn ngữ có thể dùng như công cụ tẩy não trí thức: “Ba nổi tiếng khắp tỉnh thành tích thuộc làu báo Nhân dân […], đọc báo Nhân dân cũng là cách hữu hiệu để tẩy cho sạch món “văn hóa lai căng”, “văn hóa độc hại” ông lỡ thu nạp thuở học trò mà ông gọi là tự tu. Công cuộc tự tu của ba thành công đến nỗi từ chỗ coi báo Nhân dân là món để giải khuây, đến chỗ niềm tin của ông hoàn toàn gắn bó với từng chữ của tờ báo rộng bằng nửa chiếc chiếu đơn này, từ chữ đầu tiên đến chữ cuối cùng là giá báo. Ba coi đó là sự thật trên cả sự thật, sự thật muôn vạn lần hơn” (tr. 64). Thơ văn, âm nhạc, mỹ thuật sử dụng thứ ngôn ngữ ấy để nịnh “Đời”, dối mình, dối người, làm mụ mị những đám đông ngây thơ: “Vào năm đói rách nhất của Tổ quốc, năm mà đến cám và bo bo cũng không có mà ăn, anh Chín vẫn chứa chan hy vọng. Anh sáng tác được hơn năm chục bài thơ và hơn chục bài hát ca ngợi non sông gấm vóc, ca ngợi Đảng quang vinh. Cho tới tận bây giờ anh vẫn không nghe ai chê các tác phẩm của anh. Nếu có ai đó chê, amh cũng đinh ninh người ta chỉ đùa, anh không thể tin nổi những gì anh viết ra là quái gở” (tr. 36-37). “Tiên sinh họ Chế nói những ngày ông sống là những ngày đẹp nhất, ấy là ông nói phét. Kỳ thực đời ông cũng khổ bỏ bà” (tr. 22). Cho nên, mới có “Thủ trưởng ca” truyền lại cho đời sau: “Thủ trưởng của chúng ta. Tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long…”. Lại có cả “Cách mạng ca” rất đỗi hoành tráng: “Đội trưởng làng Bươu đứng cạnh bà Mai giơ cao đuốc hát vang vang. Một ngàn dân làng Bươu cầm đuốc lượn vòng quanh đồng thanh hát đáp rằng:

Nông dân đã nói là làm

Đã đi là đến, đã bàn là thông

Đã quyết là quyết một lòng

Đã phát là động đã vùng là lên

Đã lật, lật dưới lên trên

Đã chuyển là chuyển bốn bên chân trời” (tr. 166).

Kiến, chuột và ruồi của Nguyễn Quang Lập dĩ nhiên là tiểu thuyết hư cấu. Nhưng nếu để ý các cột mốc thời gian được nhắc tới trong mạch trần thuật, ví như “Từ cuộc cách mạng long trời lở đất năm 1945 đến cuộc cách mạng long trời lở đất năm 1955, gọi là Cải cách ruộng đất”, “Con Lu chết ngày mồng 1 tháng 6 năm 1960”, “Kể từ buổi tối ngày 30 tháng 4 năm 1975 tới nay chẵn hai mươi lăm năm tôi cố tình không gặp cô nữa”, ta sẽ bắt gặp một vài ghi nhận thú vị về lịch sử phá sản của hệ thống ngôn ngữ có tham vọng giữ trật tự thế giới từ bên trên theo quan điểm giá trị của hệ tư tưởng chính trị quốc gia. Chẳng hạn: “Buổi sáng một ngày như mọi ngày năm 1960, sáu trăm cán bộ cốt cán đang nín thinh nghe ba diễn thuyết ngôn từ trống rỗng nhiều người đã thuộc lòng, họ có thể nói đúng y xì câu tiếp theo ông sẽ nói. Những bộ mặt nghiêm trang chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng khe khẽ gật đầu tán thưởng chẳng qua chỉ để giấu giếm nỗi ngán ngẩm vô biên. Tất cả sốt ruột chờ đợi mấy tiếng cuối cùng “cảm ơn sự chú ý của các đồng chí” để đồng loạt tặng ba tràng vỗ tay ngất trời thưởng cho ông công ba hoa suốt buổi, đồng thời thổi phồng niềm kiêu hãnh rỗng tuếch của ông quan đầu tỉnh” (tr.352. Chữ in nghiêng do tôi nhấn mạnh - LN). Ở đây, tức là năm 1960, người nói và người nghe đã thiếu sự đồng thuận, kẻ trên diễn đàn cao giọng không thể thuyết phục đám đông ở bên dưới. Khi đã xa rời đối tượng, bị biến thành công cụ trấn áp và ru ngủ, ngôn ngữ chỉ còn là hệ thống ký hiệu rỗng nghĩa. Thiếu linh hồn của sự sống, các ký hiệu rỗng nghĩa biến thành xác chết, lâu ngày chất đầy thành nghĩa địa ngôn từ. Cho nên, đến năm 2000, ngay cả con chó cũng không thèm nghe thứ ngôn ngữ ấy nữa. Vào “một ngày đẹp giời năm 2000 tại hồ Ha Le tôi gặp cô giáo xác suất của tôi”, “nghe cô kể về bố cô với niềm tự hào không thể tả […], ông mất đi cả chiến khu ai cũng khóc, nhiều người nằm khóc ướt cả võng dù“, “con Lu không chịu nổi, nó nhảy ra khỏi gầm bàn sủa vang vang. Tôi hiểu con Lu đang chửi cô và chửi tôi. Nó chửi cô bịa đặt trắng trợn bịa đặt tởm lợm bịa đặt trâng tráo. Nó chửi tôi ngu, người ta nói vậy mà cũng tin” (tr. 345, 346).

Về quan điểm giá trị, nhân vật người kể chuyện trong tiểu thuyết của Nguyễn Quang Lập đứng hẳn về “phe nước mắt”. Đứa hài nhi không nhìn thế giới bằng tri thức tiên nghiệm. “Đời” hiện lên trước mắt và trong tâm trí nó như những gì lần đầu được nghe, được thấy bằng toàn bộ kinh nghiệm trực quan và “lập trường” “nhân chi sơ tính bản thiện”. Từ “lập trường” này, ngồi trong bụng mẹ, nhìn ra “Đời”, hiện thực đầu tiên mà nó thấy chỉ là sự mông muội: “Từ trong khe hẹp, tôi mở mắt nhìn ra Đời, tức là cái chuồng bò. Không nhìn thấy gì ngoài cái háng bà đỡ đang dạng ra choán cả tầm nhìn […] Đời không phải là cái háng thô bỉ ấy, tôi dám chắc như vậy và ráng đưa tầm mắt mình vươn tới Đời. Chịu, háng bà đỡ mỗi lúc một xòe ra. Tôi ưỡn ngực rướn lên. Sợi dây ruột cuốn quanh bụng tôi bỗng bung ra, tuy vẫn đeo chặt lấy rốn. Khoan khoái vô cùng. Bây giờ chỉ cần thoát khỏi sợi dây ruột quấn quanh cổ là tôi có thể thoải mái chui ra Đời, chí ít cũng thoát khỏi cái háng mông muội ghê rợn án ngữ tầm mắt rất khó chịu […] Sau này lớn lên, tôi nhận ra suốt cuộc đời tôi luôn bị những cái háng mông muội bao vây […] Không một cái háng nào không mông muội […] Không ai đủ can đảm rời bỏ những cái háng mông muội” (tr. 14, 15, 16).

Mông muội ngược nghĩa với văn minh và ánh sáng. Nó là sự ngu đần, u mê, là sự hoang sơ, tăm tối. Về điểm nảy, tôi lưu ý quý độc giả đừng bỏ qua hai đoạn tự truyện ở hai chương đầu tác phẩm.

Đoạn thứ nhất kể chuyện hộ sinh, đỡ đẻ ở Thị trấn Kô Long. Các bà mụ ở Kô Long chia thành hai trường phái: câu liêmkéo mạ kền. Phái này dùng kéo mạ kền, còn phái kia dùng câu liêm để cắt cuống rốn của hài nhi. Bà mụ của “Tôi” thuộc trường phái câu liêm. Mụ vốn làm nghề bán bánh đúc, chẳng học hành gì, một chữ bẻ đôi không biết. Sau lần làm tình với gã gác chợ, mụ về làm vợ gã, rồi sinh con. “Đêm trở dạ mụ ôm bụng rên. Ông ơi…ông ơi… đi tìm cho tui bà đỡ! […] Tìm mô ra, mà tiền mô mà tìm? […] Xoạc háng thò tay vào túm cổ nó mà lôi ra, chi mà kêu! Ông nói. Cùng đường, mụ làm theo ông, thế mà mẹ tròn con vuông. Mụ cười he he. Từ đó mụ thành bà đỡ” (tr. 12). Và đây là cảnh bà mụ thuộc “trường phái câu liêm” ấy dùng vũ khí “chuyên chính sinh sản” để “cưỡng chế” thai nhi như một “phần tử chống đối ngay trước cửa tử cung”: “Bác Đông gái hiền lành phúc hậu hay tin tôi không chịu chui ra cũng phản đối quyết liệt. Từ trên giường bệnh, bác phát lệnh truyền khẩu cho bà đỡ là phải bóc-xep[2] khẩn cấp. Bóc-xep là gì? Đó là một từ tiếng Tây, dịch ra tiếng Việt là cưỡng chế các phần tử chống đối ngay trước cửa tử cung. Bác Đông gái gửi cho bà đỡ một cái kẹp sắt mạ kền có đính miếng cao su hay bọt biển gì đấy ở hai đầu kẹp, đó là vũ khí chuyên chế sinh sản. Khi có vũ khí trong tay, đáng ra bà đỡ phải biết trước sau tôi cũng phải đầu hàng vô điều kiện, không việc gì phải vội vã. Quái quỷ, mụ đã hành động điên rồ như một kẻ thua cuộc. Không thèm nhúng nước sôi tiệt trùng, mụ xộc vũ khí đầy mồ hôi tay vào âm đạo, kẹp lấy hai thái dương của tôi. Mụ kẹp rất mạnh, lôi ra cũng rất mạnh, dù tôi đã hoàn toàn chấp nhận thua cuộc trong cuộc đối đầu “ai thắng ai” giữa tự do một mình và tự do hổ lốn. Một tiếp “phoạp” vang lên cùng với tiếng reo ồ ồ của tất cả những ai đang vây quanh âm hộ đẫm máu của mạ tôi” (tr. 18-19).

Đoạn thứ hai kể về những kỷ niệm của “Tôi” với cụ Nông: “Lúc mới sinh tôi có tên khác (mạ tôi cũng không còn nhớ tên gì), vì hay đau ốm quá, mạ “bán” cho thầy, thầy đặt cho tên là Quang. Thầy là ông cụ Nông, chẳng hiểu sao người ta gọi ông là thầy vì ông không làm thầy thuốc cũng chẳng làm thầy cúng. Trẻ con trong Thị trấn đứa nào khó nuôi đều “bán” cho ông. Rất lạ đứa nào được ông “mua” cũng đều khỏe mạnh, đến già vẫn khỏe mạnh, chưa ai chết dưới năm mươi tuổi. Tôi gọi ông cụ Nông bằng bọ cho đến năm 18 tuổi, tuy ông không nuôi tôi ngày nào. Hồi tôi mới hai, ba tuổi, mỗi lần qua ngõ nhà tôi, ông đều đứng lại vén quần đái. Cu Quang mô rồi?... Con bọ mô rồi? Ông ho mấy tiếng nhóng cổ hỏi. Tôi lon ton chạy ra. Ngoan không? Ngan! Giỏi không? Chỏi! Tôi nhón chân rướn cổ xem chim ông, quá lạ lùng với thứ chim to đen lông lá rậm rì. Ông cho tôi cầm chim ông. Ngoan rồi ngày mô bọ cũng cho vọc cu bọ nghe không? Ông xoa đầu nói. Tôi dạ và rụt rè cầm chim ông sướng mê đi. Lớn lên một chút, chừng chín, mười tuổi, ông không cho tôi cầm chim ông nữa. Lâu lâu gặp, ông bắt tôi kéo quần ra cho ông xem. Ông ngồi xổm, ngó nghiêng soi rất kỹ rồi búng một phát. Chưa được! Ông nói. Chả hiểu chưa được cái gì, vì sao chưa được” (tr. 21 - 22).

Tôi trích dẫn dài thế để quý vị thấy hai câu chuyện bổ sung cho nhau: chuyện đầu kể về sự u mê, tăm tối, chuyện sau kể về sự hoang sơ. Tiểu thuyết của Nguyễn Quang Lập sử dụng dày đặc các chi tiết “rờ chim”, “rờ bướm”, chi tiết sinh hoạt tính dục, đàn ông đàn bà ăn nằm với nhau, một phần là để tăng sự hấp dẫn của lối kể chuyện bỗ bã, nhưng chủ yếu là để tô đậm ấn tượng về một đời sống bản năng, tự nhiên, hoang dã. Chỉ với hai câu chuyện như thế, đứa hài nhi đã khiến độc giả tin rằng ánh sáng và văn minh, hay những thứ được gọi là “Cải cách” và “Cách mạng”, tuyệt nhiên chưa bao giờ chạm được tới đời sống tăm tối, hoang sơ ở Thị trấn Kô Long. Độc giả cũng có quyền suy ra: Thị trấn là một phần của Huyện, Huyện là một phần của Tỉnh, Tỉnh thông lên Trung ương, chuyện gì diễn ra ở Thị trấn đều được phát động từ Trung ương, thế thì “Đời” ở đâu cũng vậy thôi! Đội trưởng ở Thị trấn, Bí thư dưới Huyện, trên Tỉnh, cho tới Thủ trưởng ở Trung ương, tất thảy đều không nằm ngoài vòng vây của “những cái háng mông muội”. Sự mông muội của “Đời” tồn tại triền miên, từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác: “Khả năng dậm chân tại chỗ của Thị trấn quê tôi là vô địch, không nơi nào sánh được. Đất Kô Long từ thuở tôi chui ra đời trường phái kéo mạ kền đã sắp thay thế được trường phái câu liêm, tới khi tôi sắp chui xuống lỗ trường phái kéo mạ kền vẫn sắp thay thế được trường phái câu liêm” (tr. 10). Là một độc giả, tôi ngờ, khi quả quyết như thế, lúc nằm trong bụng mẹ, đứa hài nhi mà Nguyễn Quang Lập sử dụng làm người kể chuyện có lẽ đã tham khảo ý kiến phát biểu của Tổng bí thư: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”[3].

Thế giới mà đứa hài nhi nhìn thấy lần đầu được nó đặt cho những tên gọi hoàn toàn khác. “Những cái háng mông muội” thành ẩn dụ đặt tên cho “Đời”. Chuyện về những giấc mơ hãi hùng và sự xuất hiện của “Kiến”, “Chuột”, “Ruồi” như sự xuất hiện của đại họa “Dịch hạch”, “Thổ tả” được kể xem kẽ với chuyện về “Cải cách”, về “Cách mạng”. Đám “Rễ”, “Chuỗi” của “Cải cách” như chị Hiên được gắn với bài học “Khép mở của cái Bướm”. “Đội trưởng” được gọi là “Dao phát”, “Đội quân dao phát”, “Thủ trưởng” được gọi là “Người hai mặt”. “Quần chúng Cách mạng” được gọi là “Âm binh”. Tên gọi “Âm binh” khiến người ta nghĩ tới một tên gọi khác có thể dành cho “Thủ trưởng – Người hai mặt”, ấy là “Phù thủy”. Đó là những tên gọi độc đáo, đầy tính cách tân, mang đậm dấu ấn cá nhân. Những tên gọi ấy làm thành hệ thống ngôn ngữ có khả năng tạo ra một hình tượng thế giới chan hòa ánh sáng của sự thật và tinh thần nhân bản.

Có thể khái quát lại thế này. Hình tượng thế giới trong tiểu thuyết của Nguyễn Quang Lập được kiến tạo bởi sự đối chọi giữa hai điểm nhìn giá trị, hai hệ thống ngôn ngữ. Đó là sự đối chọi giữa cái nhìn tự do, nhân bản của con người cá nhân với quan điểm giá trị của hệ tư tưởng chính trị quốc gia. Đó cũng là sự đối chọi giữa hệ thống ngôn ngữ công thức, khuôn sáo, xơ cứng, giáo điều và ngôn ngữ phi quan phương biểu đạt một thế giới mới mẻ như những gì lần đầu tiên người ta được nghe thấy, nhìn thấy. Hệ thống trước là nghĩa địa của xác chết ngôn từ. Hệ thống sau là lời nói phục sinh thế giới. Tôi gọi Kiến, chuột và ruồi của Nguyễn Quang Lập là cuộc chiến của lời nói phục sinh chống lại nghĩa địa ngôn từ theo nghĩa như vậy.


[1] Nguyễn Quang Lập – Kiến, chuột và ruồi. “Người Việt Books”, 2019. Các đoạn trích trong tiểu luận đều dẫn từ nguồn này. Để tiện cho bạn đọc theo dõi, sau mỗi đoạn trích, tôi sẽ ghi chú số trang và để trong ngoặc đơn– LN.

[2] Tiếng Pháp: “Forcer”, nghĩa là “cưỡng bức”, “cưỡng đoạt” – LN.

[3] Xem: https://thanhnien.vn/thoi-su/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-phat-bieu-tai-to-ve-du-thao-sua-doi-hien-phap-1992-469414.html